Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Ngượng miệng (hay là sự tráo trở)

Trên tờ An ninh thế giới số ra ngày thứ bảy 17.10 có bài đọc xong thấy buồn cho sự đời. "Nhóm phóng viên" chắc theo sự chỉ đạo của tướng công an Hữu Ước, còn Hữu Ước theo sự chỉ đạo của ai, cấp nào thì chưa rõ, đã bôi gio trát trấu vào Pháp môn Làng Mai và thiền sư Thích Nhất Hạnh, từ đầu đến cuối chỉ gọi gọi xếch mé là sư ông, thậm chí vu cáo thiền sư quan hệ trai gái với sư nữ Thích Chân Không... Sao tờ báo ấy không ngượng miệng nhỉ, mới hồi nào, năm 2005, 2007, 2008 còn tung hô vị sư này, bốc đến trời, nhất là dịp Vesac Đại lễ phật giáo quốc tế tháng 4.2008 tại Hà Nội, nay quay ngoắt 180 độ, chửi như hàng tôm hàng cá, ngôn ngữ rặt đầu đường xó chợ. Phải chăng đấy là bản chất của nền báo chí Việt Nam? Trong vụ này, người thấm thía nhất về bản chất chế độ CS và phật giáo quốc doanh VN, có lẽ là thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Nhất định thắng (Trần Dần)


Nếu muốn biết một giai đoạn xã hội, một chặng đường đời của một con người cũng như một thế hệ , chỉ cần đọc một bài này thôi là đủ. Bái phục Trần Dần. Xin ông nhận từ kẻ hậu sinh này 3 lạy (lúc ông đi trên phố Sinh Từ mưa rét thì kẻ hậu sinh mới chào đời được vài tháng).

Tôi ở phố Sinh Từ
Hai người
Một gian nhà chật,
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui ?

Tổ quốc hôm nay
tuy gọi sống hòa bình
Nhưng mới chỉ là trang thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh…
Chúng ta
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui – khi chợt nhớ chợt quên
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt.
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt.
Ta biết đâu bên Mỹ miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta ?
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm ?
A ! Cái lưỡi dao cùn !
Không đứt được mà đau !
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ôi cả nước ! Nếu mà lưng tê lạnh
Hãy nhìn xem: có phi vết dao ?
Không đứt được mà đau !
Lưng Tổ Quốc hôm nay rớm máu
Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những cơn mưa rơi mãi tối xầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng
Tôi đã trở nên người ôm giận
Tôi đem thân làm ụ cản đường đi
- Dừng lại !
Đi đâu ?
Làm gì ?
Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo
Thiếu cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Có cả anh nam chị nữ kêu buồn
- Ở đây
Khát gió, thèm mây…
Ô hay !
Trời của chúng ta gặp ngày mây rủ ?
Nhưng trời ta sao bỏ nó mà đi ?
Sau đám mây kia
Là cả miền Nam
Sao nỡ tưởng non bồng của Mỹ !
Tôi muốn khóc giữ từng em bé
- Bỏ tôi ư ? – Từng vạt áo – gót chân
Tôi muốn kêu lên – những tiếng cộc cằn…
- Không ! Hãy ở lại !
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
Non bồng Mỹ
Triệu lần…
Mảnh đất dễ mà quên ?
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư sao chẳng nói thật thà ?
Chỉ là:
- Thiếu quả tim bộ óc !
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Họ vẫn ra đi.
- Nhưng sao bước rã rời ?
Sao họ khóc ?
Họ có gì thất vọng ?
Đất níu chân đi,
Gió cản áo quay về
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống.
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Trăng trối lại : – Mỗi lùm cây – hốc đá
- Mỗi căn vườn – gốc vả – cây sung
Không nói được, chỉ còn nức nở
Trắng con ngươi nhìn lại đất trời
Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa
Nhìn con đường cũ, nhìn ngôi sao mờ
Ôi đất ấy – quên làm sao được ?
Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi
Hôm nay đây mưa gió dập vùi
- Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc…
Ai dẫn họ đi ?
Ai ?
Dẫn đi đâu ? – Mà họ khóc mãi thôi
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống – Quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ
- Khổ nhiều rồi !
Họ xấu số – chớ hành thêm họ nữa
Vườn tược hoang sơ – cửa nhà vắng chủ
Miền Nam muôn dặm, non nước buồn thương
Họ đã đi nhưng trút lại tâm hồn
Ơi đất Bắc ! Hãy giữ gìn cho họ !

Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ !
Họ vẫn bảo chờ…
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư ?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào thơ ?
Những tủ kính tôi dừng chân dán mũi
Các thứ hàng ế ẩm đợi người mua
Nhưng mà sách – hình như khá chạy
À quyển kia của bạn này – bạn ấy
Quyển của tôi tư lự nét đăm đăm
Nó đang mơ : – Nếu thêm cả miền Nam
Số độc giả sẽ tăng dăm bảy triệu
Tôi đã biến thành người định kiến
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi thống nhất phải đòi từ việc nhỏ
- Từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư
- Từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ.
Trời mưa mãi lây rây đường phố
Về Bắc Nam tôi chưa viết chút nào
Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió
Nhưng hôm nay
tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu ?
Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất ?
Sao chúng không chắp được cõi bờ ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
tôi làm thơ chính trị.
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Em ơi ! – Ta ở phố Sinh Từ
Em đương có chuyện gì vui hử ?
À cái tin trên báo – ừ em ạ
Chúng đang phải dậm chân đấm ngực !
Vượt qua đầu chúng nó,
mọi thứ hàng
Những tấn gạo vẫn vượt đi
Những tấn thư, tài liệu
Vẫn xéo qua đầu chúng, giới danh gì ?
Ý muốn dân ta
là lực sĩ khổng lồ
Đè cổ chúng mà xóa nhòa giới tuyến
Dân ta muốn trời kia cũng chuyển
Nhưng
Trời mưa to lụt cả gian nhà :
Em tất tả che mưa cản gió
Con chó mực nghe mưa là rú
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Thương nó nhỉ – Nó gầy – lông xấu quá
Nó thiếu ăn – Hay là giết đi ư ?
Nó đỡ khổ – Cả em đỡ khổ.
Em thương nó – Ừ thôi chuyện đó
Nhưng hôm nay em mới nghĩ ra
Anh đã biến thành người định kiến
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tai bỗng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng đời ầm ã
- Chúng phá hiệp thương
- Liệu có hiệp thương
- Liệu có tuyển cử
- Liệu tổng hay chẳng tổng ?
- Liệu đúng kì hay chậm vài năm ?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng.
Ôi xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương lai
Người quên mất Mỹ là sư tử giấy.
Người vẫn vội – Người chưa kiên nhẫn mấy
Gan người ta chưa phải đúng công nông
Người chửa có dạ lim trí sắt
Người mở to đôi mắt mà trông !
A tiếng kèn vang
quân đội anh hùng
Biển súng
rừng lê
bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà…
Lá cờ ấy lá cờ bách thắng
Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan
Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn
Từ đất dấy lên
là quân vô sản
Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được chiến tranh
giữ được hòa bình
Giặc cũ chết – Lại lo giặc mới
Đoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu
Dân ta ơi ! chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có Lý ? Và ai có Lực ?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
Biết Tổ Quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
Không biết nhục
Không biết thua
Không biết sợ !
Hôm nay
Cả nước chỉ có một lời hô
THỐNG NHẤT
Chúng ta tin khẩu hiệu ta đòi
- Giả miền Nam !
Tôi ngửa mặt lên trời
Kêu một tiếng – Bỗng máu trời rơi xuống
Vài ba tia máu đỏ rớt vào tôi
Dân ta ơi !
Những tiếng ta hô
Có sức đâm trời chảy máu.
Không địch nào cưỡng nổi ý ta
Chúng ta đi – Như quả đất khổng lồ
Hiền hậu lắm – Nhưng mà đi quả quyết…
Hôm nay
Những vần thơ tôi viết
Đã giống lưỡi lê : Đâm
Giống viên đạn : Xé
Giống bão mưa : Gào
Giống tình yêu : Thắm
Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây
Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu
Tôi là người vô địch của lòng tin
Sao bỗng hôm nay,
tôi cúi mặt trước đèn ?
Gian nhà vắng chuột đêm nó rúc.
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hừ ! Chúng đã biến thành tảng đá
chặn đường ta !
Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
vẫn có phút giây ngờ vực
Ai có lý ? Và ai có lực ?
Ai người tin ? Ai kẻ ngã lòng tin ?
Em ơi
Cuộc đấu tranh đây
Cả nước
Cả hoàn cầu
Cả mỗi người đêm ngủ vẫn lo âu
Có lẫn máu, có xót thương lao lực
Anh gạch xóa trang thơ hằn nét mực
Bỗng mặt anh nhìn thấy ! lạ lùng thay !
Tảng đá chặn đường này !
Muôn triệu con người
Muôn triệu bàn tay
Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực !
Anh đã nghĩ: Không có đường nào khác
Đem ngã lòng ra
Mà thống nhất Bắc Nam ư ?
Không không !
Đem sức gân ra !

Em ơi em !
Cái này đỏ lắm, gọi là TIM
Anh dành cho cuộc đấu tranh giành Thống Nhất

(Viết năm 1955, đăng trong Giai phẩm mùa Xuân năm 1956)

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Lẩn thẩn, linh tinh

Rõ ràng là mình không uống rượu, từ sáng đến giờ chỉ có làm việc và làm việc, sao lại cứ như đang say, giống như mất trọng lượng thế nhỉ. Quái lạ!
Muốn kêu một tiếng cho to lắm
Rằng ối ai ôi, nó thế nào.
Già rồi.

Hôm nay giá vàng lên khiếp quá, hơn 23 triệu đồng/lượng. Không còn giời đất thiên địa gì nữa.

Đố ai biết tòa nhà này là nhà gì (mình chụp cách đây hơn 2 năm)



Còn đây là ảnh, ông tặng tí Hằng, tí Hà, tí Thư. Con đại điểu này ở đâu bay lạc về công viên phía sau nhà ông, đậu trên cây bàng sát cửa sổ; thế là ông lấy máy ảnh chớp ngay được. Cái mỏ rõ to. Nó không thèm bỏ đi, quanh quẩn hơn 2 ngày, nhưng chẳng kiếm được gì ăn. Dì Côca lấy mấy con tôm ném ra nhưng nó không mổ được vì cái mỏ to quá, vướng víu. Thế rồi đói, nó bay đi đâu, chẳng biết nữa. Cầu thánh Ala phù hộ cho mày.


Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009

Lặng thầm Nguyễn Thị Tiến

Tiến là bà xã của Nguyễn Đình Chiến (tục danh Chiến trắng), bạn tôi thời sinh viên. Trong đám chúng tôi, vợ Chiến nổi tiếng nhất.


Cuộc chiến kết thúc, hàng trăm ngàn trai tráng được trở về với quê hương, gia đình, “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” trong niềm vui khôn xiết. Nhưng cũng còn hàng vạn chiến binh dũng cảm, thân xác vẫn nằm đâu đó nơi rừng xanh núi đỏ, không một dòng tin. Đã có biết bao chuyện cảm động, đáng trân trọng về những người đi tìm dấu tích, hài cốt, tên tuổi các anh, nhất là những liệt sĩ “vô danh”. Một trong số ấy là thượng tá Nguyễn Thị Tiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng QK4, nhân vật của chương trình “Người đương thời” nổi tiếng dạo năm 2001.

Bà mẹ Lào và 5 đứa con Việt
Đến nay, chị Tiến đã có hơn 8 năm trời theo đuổi công việc tìm kiếm di vật của liệt sĩ để tìm và trả lại tên cho các anh, đã chứng kiến biết bao chuyện cảm động. Hàng ngàn bức thư­ của thân nhân liệt sĩ gửi về cho chị, tin tưởng và gửi gắm hy vọng; hàng chục ngàn cuộc điện thoại gọi đến nhờ tìm thông tin về phần mộ… Trong “gia tài từ cõi âm” mà chị quản có hàng ngàn di vật chôn cùng hài cốt liệt sĩ khi chị đi cùng các đội quy tập tìm được.
Đi tìm hài cốt những người lính VN hy sinh ở mặt trận Lào, các đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhất là vào mùa khô thiếu n­ước. Không ít ngày, chị Tiến cùng đồng đội sáng dậy phải lấy khăn thấm vào sương đọng trên tàu lá chuối để lau mặt. Có những lúc phải lấy bít tất làm dụng cụ lọc nư­ớc gạn đất ra để uống. Có những mũi quy tập phải nhai gạo sống thay cơm bởi không có nước nấu cơm. Sốt rét, rắn rết độc, thổ phỉ… tiềm ẩn bao hiểm nguy rình rập như­ng mọi khó khăn đều vơi đi mỗi khi tìm đư­ợc một phần mộ đồng đội. Thượng tá Tiến cho biết trong những chuyến đi Lào đã chứng kiến rất nhiều chuyện cảm động về tình nghĩa của nhân dân Lào đối với các liệt sĩ VN đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Có một bà mẹ ở Xiêng Khoảng hơn 30 năm chăm sóc phần mộ 5 liệt sĩ quân tình nguyện VN đư­ợc chôn ngay trong vườn nhà mẹ. Mẹ kể: Lúc còn sống chúng nó rất thích ăn cơm nếp nấu với sắn, vì vậy cứ vào ngày mùng một và rằm (âm lịch) hằng tháng mẹ lại nấu cơm nếp sắn, bới 5 bát đ­ưa ra mộ cho các con ăn, đều đặn như­ vậy từ năm 1969 đên nay. Mấy lần mẹ bị đau không đào củ sắn đ­ược, đêm đến mẹ cảm giác như­ nghe các con khóc kêu đói bụng… Đoàn quy tập thư­a với mẹ xin đư­ợc cất bốc các anh về, mẹ một mực không chịu. Mẹ nói các mẹ VN nuôi con chỉ có 18 năm, còn mẹ nuôi 5 đứa con này đã hơn 30 năm, mẹ không thể xa các con đư­ợc nữa… Các cán bộ chiến sĩ quy tập nhìn nhau lo lắng. Họ không thể bốc hài cốt liệt sĩ về khi mẹ không đồng ý. Vận động, phân tích mãi mẹ mới chịu nhưng vẫn nằng nặc bảo rằng không thể xa 5 thằng con trai của mẹ. Sau khi anh em làm xong việc cất bốc hài cốt, mẹ cứ trân trân nhìn 5 đứa con đư­ợc gói gọn trong từng bọc ni lông, lần lượt ghì chặt, ghì chặt từng bọc vào lòng. Và thật cảm động, mẹ lặng lẽ xuống bếp nhóm lửa nấu nồi cơm nếp sắn, bới đầy 5 bát, thắp h­ương tiễn con lần cuối. Rồi mẹ theo các con ra mãi tận bìa rừng, cứ chạy lúp xúp bên cạnh các gói hài cốt. Khi đi đã rất xa cả đoàn quy tập quay nhìn lại thấy mẹ vẫn đứng đó, nhiều người không cầm được nước mắt.
Có lần nghe rằng một bà mẹ già biết tin tức phần mộ, chị Tiến và anh em trong đoàn quy tập hành quân tìm đến ngay. Mẹ kể khi còn trẻ đã cùng bộ đội Việt - Lào chôn cất liệt sĩ quân tình nguyện trên vùng đồi trống trải. Chôn xong lấy đòn khiêng cắm lên mộ để đánh dấu. Và thật lạ kỳ, đòn khiêng tre tư­ơi bén rễ mọc thành cây. 1 năm, 2 năm, rồi… 40 năm thành cả rừng tre. 25 phần mộ đư­ợc tìm thấy như­ng rất tiếc cả 25 hài cốt đều không có thông tin gì kèm theo. Không một ai để lại tên tuổi, tất cả đều vô danh. Nằm cùng hài cốt liệt sĩ chỉ còn lại những chiếc cúc áo, chiếc lư­ợc, bút máy Trường Sơn, nhíp nhổ râu, đồng hồ Liên Xô, cả chiếc kẹp sắt dùng để rút quai dép, một vài mảnh nhôm nhỏ ghi ký hiệu quân sự thời chiến… Chị Tiến chợt nghĩ, cần thu thập tất cả những kỷ vật như­ vậy để đưa về bảo tồn nhằm lập một bảo tàng di vật, khi có điều kiện dùng các phư­ơng pháp khoa học, so sánh, phân tích, đối chiếu, thẩm định, tìm cách trả lại tên cho các anh.


Hồi chưa về hưu, mỗi ngày Tiến nhận hàng trăm lá thư của thân nhân liệt sĩ từ khắp nơi gửi về, nhờ tìm giúp tung tích người thân.

Món nợ chưa trả mẹ anh Tũn
Xuất phát từ suy nghĩ như­ vậy, năm 2000 chị Tiến bắt tay thực hiện đề tài “bào tàng di vật”. Cuộc chiến tranh đã qua mấy chục năm, hàng vạn gia đình vẫn không hề có chút tin tức gì về con em mình. Đi tìm tên cho liệt sĩ lúc này dù có muộn nhưng chẳng thể muộn hơn. Nhiều ông bố bà mẹ mỏi mòn chờ tin con, nay đã gần như tuyệt vọng. Phải giành giật từng chút thời gian tìm các anh về trước khi các cụ qua đời. Và đến nay đã có hàng trăm gia đình tìm lại được con em mình qua hơn 2.000 di vật do chị Tiến s­ưu tầm về. Sau khi đề tài khoa học được nghiệm thu, nhận giải xuất sắc, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư­ lệnh Quân khu 4 đã tiến hành xây dựng một nhà tưởng niệm, trưng bày kỷ vật liệt sĩ hết sức trang nghiêm trong khuôn viên Bảo tàng Quân khu 4 tại TP Vinh (Nghệ An).
Lần ấy tại nhà tư­ởng niệm có một bà mẹ ngoài 8O tuổi đến tìm con. Mẹ dừng trước một tủ kính, còng sát l­ưng xuống cúi nhìn chiếc bi đông đựng nư­ớc đã bị méo mó và có hai vết đạn xuyên thủng. Tay mẹ run run thoa nhẹ lên kỷ vật, dường như­ đang xoa vết thương trên da thịt con trai mình. Mắt mẹ già chợt tràn ra 2 dòng lệ, rồi mẹ quệt nư­ớc mắt bằng cánh tay áo, nhờ chị Tiến đọc dùm xem có phải con trai của mẹ không? “Con ơi, tên nó là thằng Tũn- mẹ nói nhỏ- “mẹ không biết chữ, nhưng con ạ, nếu cứ tên Tũn tức là con của mẹ, ngày nó còn bé cứ gọi Tũn là nó chạy về”. Dò trên di vật, không có tên anh. Mẹ khóc mãi, rồi mở gói trầu trong ruột tượng, trong gói trầu lại chứa một bọc nylon nhàu nát bao lấy tờ giấy báo tử đã rách làm tư. Tiến giúp mẹ đọc tên anh Tũn: Liệt sĩ Nguyễn Minh Đạt… Tìm khắp nhà tưởng niệm không có di vật nào mang tên như­ vậy cả. Bà cụ cứ hy vọng xem hết tủ này đến tủ khác, tẩn mẩn từng món di vật. Tiến động viên mẹ, hằng ngày bộ đội ta đang đi tìm liệt sĩ khắp nơi đ­ưa về, bao giờ có tin con sẽ báo mẹ biết. Cụ buồn bã gật đầu, sau đó run run đặt một miếng trầu vào cạnh chiếc bi đông và bảo “Gửi cho nó để nó hỏi vợ dư­ới âm con ạ”. Đã lâu rồi không thấy mẹ đến, chẳng biết mẹ có còn sống nữa không?
Đang trò chuyện, “Người đương thời” năm 2001 chợt trầm ngâm: thời gian chư­a phải đã quá xa để làm phai mờ hình ảnh người chiến sĩ những năm đánh Mỹ. Còn rất nhiều người vợ mất chồng, cha mẹ mất con, con cái mất cha đang khắc khoải chờ. Tôi còn mắc nợ mẹ anh Tũn - Nguyễn Minh Đạt, nợ biết bao ông bố bà mẹ, người vợ đã từng đưa tiễn con, tiễn chồng ra đi mà không được đón về, và nhất là nợ các anh. Các anh đang nằm đâu đây, tôi còn sức còn đi để góp phần trả lại cho các anh cái tên, và đón các anh về.
Hầu như năm nào chị Tiến cũng đi với các đội quy tập, thu thập những di vật của liệt sĩ để từ đó tìm hiểu, xác định danh tính. Chỉ từ năm 2001 - 2008, chị Tiến đã xác định thành công tên tuổi, quê quán của 313 hài cốt thông qua di vật, trong số 2.000 di vật mà chị tìm được.
Hiện còn hơn 1.500 di vật chưa có điều kiện xác minh, hơn 5.000 lá thư gia đình liệt sĩ nhờ tìm kiếm, nhưng nay chị đã nghỉ hưu. Chị bảo, một mình mình làm không thể nào xuể, phải huy động cả chồng con và mọi người cùng làm.

N.T

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Phố quê

Tặng bà Nga


Bần Yên Nhân lâu rồi xa cách
Bao giờ được về lại phố xưa
Cái tên gọi gợi nhiều thương nhớ
Kỷ niệm một thời đã xa

Có còn chăng dãy nhà ngói cổ
Phố như làng xanh ngắt hàng cây
Xe cuốn bụi mờ khung cửa sổ
Mẹ lom khom dọn lá mỗi ngày

Là dân phố vẫn quen nghề đồng áng
Tan học về lại cắt cỏ chăn trâu
Hương đồng nội thơm suốt thời con gái
Phố quê hương nuôi nấng mối tình đầu

Rồi lớn lên mỗi đứa đi mỗi ngả
Đất nước rộng dài bao miền quê
Kẻ xuôi nam, người ngược về phương bắc
Có nhớ thương phố cũ tìm về

Chợt bâng khuâng nghĩ ngày nào gặp lại
Nơi phố nghèo lòng người thật bình yên
Bần Yên Nhân, ơi làng ơi phố
Đã theo ta đi khắp mọi miền.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Nhí nhố Đào Duy Quát


Hôm nay (30.9) đọc báo Tuổi Trẻ thấy ông Đào Duy Quát vòng vo lấp liếm chuyện “sai sót” đăng tin phản động trên website ĐCSVN, tức cười quá. Làm to đến thế mà lòng dạ tiểu nhân, đổ lỗi cho nhân viên kỹ thuật gõ máy, rồi lại còn giải thích gõ thiếu chữ biên tập “ngang ngược” định gắn vào miệng gã phó tư lệnh hạm đội Tàu, dẫn đến sai. Như các cụ thường bảo, “nói thế chó nó nghe”. Đúng là thiếu nhân cách. Buồn nữa, ông Quát đang làm trưởng ban tổ chức cuộc thi tìm hiểu biển đảo VN, sẽ tổng kết và trao giải tại TP Hạ Long vào ngày 3.10 tới, ông ta lại xoen xoét lên lớp nhân dân phải có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thế này thế kia cho mà xem. Nhớ hồi vụ PMU 18, ông Nguyễn Việt Tiến đã bị báo chí phanh phui chuyện tham nhũng đầy mình, vẫn vào TP.HCM lên lớp về chống tham nhũng, 3 ngày sau thì bị khởi tố. Thôi, dẹp các bố đi cho dân bớt nghi ngờ.

TT (Hà Nội) - Chiều 29-9, trao đổi với Tuổi trẻ về việc xử lý kỷ luật các cá nhân và tập thể có liên quan đến bản tin “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông” được phát trên báo điện tử Đảng Cộng Sản VN, ông Nguyễn Bắc Son (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương) cho biết: Ban Tuyên giáo trung ương đã quyết định kỷ luật khiển trách cá nhân ông Đào Duy Quát – Tổng biên tập báoĐiện tử Đảng Cộng Sản VN> – và khiển trách tập thể Ban biên tập.
Ban Tuyên giáo trung ương cũng đã chỉ đạo báo Điện tử Đảng Cộng Sản VN tiếp tục xem xét kiểm điểm đối với cán bộ, phóng viên có liên quan trực tiếp đến sai phạm này. Hình thức xử lý sẽ theo quy định của pháp luật.
Xung quanh kỷ luật có liên quan đến việc báo Điện tử Đảng Cộng Sản VN đưa bản tin “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông” (bản tin được dẫn theo báo Hoàn cầu, Phượng Hoàng – Trung Quốc, với nội dung trái với lập trường của VN về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), chiều 29-9, trao đổi với Tuổi trẻ, ông Đào Duy Quát (Tổng biên tập báo Điện tử Đảng Cộng Sản VN) nói:
- Chúng tôi coi đây là một tai nạn nghề nghiệp, vì cậu đánh máy lúc bấy giờ đã quá giờ, cậu ấy đánh xong và đang định hỏi thì lại quên mấy cái chữ biên tập. Tất nhiên tác dụng nó thì xấu rồi, ảnh hưởng rồi…, nhưng thật sự đây là một tai nạn.
* Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao bản tin nêu trên lại có thể xuất hiện trên báo Điện tử Đảng Cộng Sản VN?
- Lâu nay chúng tôi có cả một chuyên mục về biển đảo có tên là “Biển đảo VN”, đưa rất nhiều tin, bài về chủ đề này. Việc đưa tin đó là để cảnh báo một hoạt động, một mưu đồ…, trong đó có mấy từ biên tập đã được thêm vào là phó tư lệnh ngang ngược tuyên bố (bản tin này có một đoạn dẫn phát biểu của phó tư lệnh hạm đội Nam Hải, Trung Quốc – PV), cái chữ “ngang ngược” viết ở ngoài, thì cậu đánh máy nhận rồi nhưng không đưa vào, nên tự nhiên làm sai lệch thông tin.
* Được biết, ông cũng là Trưởng ban tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu biển đảo VN và cuộc thi này đã thu hút rất nhiều người tham gia?
- Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi này sẽ được tổ chức vào ngày 3-10 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Như tôi đã nói, đây là lỗi về kỹ thuật nghiệp vụ dẫn đến tai nạn. Bản tin đó là trong cả một chuyên mục biển đảo, mà năm nay đã phát nhiều tài liệu về chủ quyền của mình, đặt trong đó thấy động cơ là để cảnh báo nhưng do lỗi nên mới có trục trặc… Tất nhiên trước tác hại này thì phải chịu hình thức kỷ luật thôi.
Võ Văn Thành thực hiện