Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

3 câu hỏi, 1 câu trả lời


"Thực tiễn là thước đo kiểm định mọi giá trị của chân lý" (Lênin)

1. Hồi mình còn trẻ, độ tuổi dưới 40, lúc ấy đi học và sau đó dạy học, nhìn và xét mọi việc hầu như chỉ một chiều, theo kiểu mà nhà thơ Việt Phương từng tổng kết "ta quả quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/ Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ". Ngồi trên giảng đường nghe các thầy chính trị Mác-Lênin nói thế, dù không hắn tin vẫn cứ cố tin; rồi đứng trên bục giảng mình cũng nói với trò như thế, chúng có tin hay không thì mình không biết. Nhưng mỗi cuộc tụ bạ, đàn đúm vài ba anh em với nhau, sau những chuyện đời thường lại hắn lên thắc mắc: Tại sao cứ những nước theo phe XHCN đều là nghèo đói, chậm phát triển, khổ hết đời nọ sang đời kia, xung đột sắc tộc, đánh nhau liên miên...; còn bọn tư bản giãy chết thì hàng hóa dồi dào, mức sống ngày càng cao, kinh tế phát triển, ăn sung mặc sướng, hàng hóa của nó luôn thuộc loại cao cấp mình chỉ có trong mơ... Vấn nhau chán, đứa nào cũng gút lại: vậy tại sao cứ phải theo CNXH? Không đứa nào đưa ra câu trả lời.

2. Đến lúc đi làm, lăn vào cuộc mưu sinh, chỉ lo cơm áo gạo tiền cũng đủ mệt, mình chả mấy khi nghĩ đến những chuyện khác. Nhưng (lại nhưng) cứ văng vẳng điều gì ghê gớm lắm, khi bình tâm tìm hiểu, mới ngộ ra rằng cuộc sống quá ngột ngạt, cái gọi là "dân chủ gấp nghìn lần thứ dân chủ tư sản" hình như chỉ lờ mờ, loáng thoáng, nhợt nhạt. Cả một nước, một dân tộc được một nhóm người đứng ra tự nhận quyền lãnh đạo, nếu họ tài giỏi, làm hay, đức tốt thì cộng đồng có phận nhờ, ngược lại thì ráng chịu. Mấy anh em, lúc này đã lớn cả rồi, lại ngơ ngác hỏi nhau: ở nhiều nước người ta có cần độc tôn như thế đâu mà cuộc sống hết sức dễ chịu, quyền của con người được tôn trọng, không khí dân chủ cởi mở, sao ta lại khăng khăng từ chối. Làm gì để dân chủ thành hiện thực như không khí, cơm ăn áo mặc hằng ngày? Cả mấy anh em, ai cũng sắn câu hỏi, ai cũng có thể trả lời, mà không ai trả lời.

3. Có thể vài năm nữa, hoặc vài chục năm nữa, các con cháu mình sẽ hưởng cuộc sống khác hẳn bây giờ, hy vọng là dễ chịu hơn, chất lượng đích thực hơn. Chúng sẽ thắc mắc tại sao cha ông lại cam chịu kéo dài sự khổ sở, thiếu thốn, ngột ngạt, mất quyền... như vậy. Chúng không hiểu vì sao.

4. Câu trả lời: Ngu!

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Chuyện về ngôi trường... mắc cười

Rất nhiều tờ báo mậu dịch ra ngày 17.12 đăng bản tin ngắn nếu độc giả không để ý rất dễ bỏ qua: tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành ngôi trường mới tại huyện Điện Bàn, mang tên Hoàng Sa.
Trước hết, hãy nói về điều lạ (mắc cười) thứ nhất của trường này. Theo thông tin trên báo, đây là trường gồm cả 3 cấp học: tiểu học, THCS, THPT; ta quen gọi cấp 1, cấp 2, cấp 3. Có lẽ bói mỏi mắt trên cả nước Nam này không kiếm ra nơi nào ngôi trường lạ vậy. Hình như tỉnh Quảng Nam có cách tổ chức cơ sở giáo dục riêng, bất chấp những quy định của Bộ GD-ĐT. Thực tế chỗ này chỗ khác ta có thể gặp dạng trường ghép cấp 1-cấp 2 hoặc cấp 2-cấp 3 bởi giữa hai cấp học liền mạch ấy có nét chung, dung hòa chấp nhận được, nhưng nay Quảng Nam lại tiến xa hơn rộng hơn là ghép những đứa trẻ vắt mũi chưa sạch đánh vần abc vào đồng môn với các cô cậu chuẩn bị thi tú tài thì quả là tréo ngoe, lộn xộn. Cứ hình dung buổi chào cờ nhấp nhô cao thấp, đa hệ tuổi tác đã thấy mắc cười. Mô hình mới của xứ Quảng chăng? Chả biết Bộ GD-ĐT có lưu ý chuyện chẳng giống ai này?
Nhưng đó chưa phải điều đáng bàn. Như trên tôi đã nói, trường được đặt tên Hoàng Sa. Thời gian qua cái danh này có vẻ thời thượng, thậm chí hấp dẫn. Theo báo CAND ngày 17.12, “việc trường được đặt tên Hoàng Sa nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo này”. Nghe thì có vẻ nghiêm túc nhưng tôi chỉ thấy buồn cười cho cách nghĩ, suy luận ngây thơ ấy. Dường như không ít người nghĩ rằng làm sao trên dải đất Việt càng nhan nhản Hoàng Sa (và Trường Sa) thì càng khẳng định chắc chắn chủ quyền của Việt Nam. Cần kể thêm chăng, Đà Nẵng cách đây chưa lâu từng đặt cho tuyến đường ven biển dài 27 kilômếch nối Sơn Trà đến Điện Ngọc là Hoàng Sa-Trường Sa. Tại Sài Gòn cũng có đường ven kênh Nhiêu Lộc mang tên Hoàng Sa và Trường Sa. Gì nữa, thời gian qua khá nhiều nơi trên cả nước, từ những xứ thâm sơn cùng cốc đến vùng khỉ ho cò gáy chả liên quan gì đến biển đảo cũng bắt chước nhau đặt viên đá chủ quyền Hoàng Sa ra vẻ khẳng định chủ quyền. Cứ cái đà này khắp từ nam chí bắc đi đâu cũng sẽ chỉ thấy Hoàng Sa, Trường Sa; gặp nhau ở đâu chỉ nghe mở miệng Hoàng Sa, Trường Sa cho mà xem.
Xưa nay ban Tuyên giáo được dân tình đánh giá có nhiều sáng kiến, mưu mẹo nên tôi nghĩ những vụ này chắc cũng sản phẩm của mấy ông chuyên cai trị về tư tưởng, tinh thần. Lẩn thẩn rằng, vậy nếu ta đặt tên cho vùng đất Việt nào đó là Bắc Kinh, Hải Nam thì có nghĩa ta khẳng định chủ quyền với 2 nơi ấy chăng, Trung Quốc sẽ lo sợ chăng? Bày đặt hình thức như thế, liệu ta có khiến kẻ đang âm mưu chiếm đất chiếm đảo của ta phải nản chí, run sợ? Chắc là không! Các nhà lãnh đạo thử đặt mình vào vị trí người dân để xác định kiểu tuyên truyền lỗi thời như thế có tác dụng đến đâu. Và thanh niên sinh viên kéo nhau đến cổng tòa đại sứ nó biểu tình hô vang “Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam” nó còn chả sợ, huống hồ cái tên. Và đừng ngây thơ cho rằng những cái tên ấy thành chứng cứ, thành hồ sơ pháp lý để tranh cãi. Họa may cả ngàn năm nữa, lúc ấy thì biết thế nào?
Trời của ta, đất của ta, biển của ta, cha ông suốt hàng ngàn năm từng đổ bao xương máu ra gìn giữ, thì cháu con phải quyết giữ. Nhưng giữ gìn, bảo vệ bằng cách nào đó chứ không phải đặt cái tên vu vơ như vậy.

Chiều 17.12.10

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Một bài thơ dân gian tớ sưu tầm được

Bây giờ ghế ít đít nhiều
Chúng mày hãy nhớ những điều sau đây:

Ăn chia là việc của tao
Việc nghĩ việc viết, thôi giao chúng mày
Việc tao ngồi ký suốt ngày
Thực thi công việc, chúng mày thay tao
Việc tao là hưởng lộc cao
Công lên việc xuống lại giao chúng mày

Uống rượu là việc của tao
Còn khiêng bưng rót, thôi giao chúng mày
Nhậu nhẹt là việc của tao
Còn khâu thanh toán, thôi giao chúng mày
Ăn ốc là việc của tao
Còn khâu đổ vỏ, thôi giao chúng mày
Báo cáo thành tích để tao
Còn nhận khuyết điểm lại giao chúng mày
Giao du khắp thế gian này
Mở rộng tầm mắt, việc này phần tao
Trèo đèo lội suối gian lao
Tính toán cho kỹ, thôi giao chúng mày

Lại đây tao bảo cái này
Tao cấm chúng mày nghĩ chuyện chống tao
Chống tao, tao chẳng làm sao
Nhưng mày nghĩ bậy, thì tao trị mày
Trời cao biển rộng đất dày
Tao đố chúng mày thoát khỏi tay tao.

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Đôi điều thưa cụ GS quá già

Cụ này lẩm cẩm, lẫn rồi. Riêng chuyện đánh giá một con người mà chỉ nhìn nhận ở hình thức "cử chỉ đàng hoàng, tư thế chững chạc" là tôi thấy sao mà nông cạn quá. Điều đó một diễn viên hạng xoàng cũng diễn được. Nhân dân cần ở vị thủ tướng trí tuệ sâu sắc, tầm nhìn xa, bản lĩnh vững vàng, thái độ cầu thị, sự gần gũi chân thành với dân... cơ, chứ những điều như cụ GS nói, hay nụ cười nửa miệng thường trực, cái vung tay đóng kịch thì chả có ý nghĩa gì. Rất tiếc

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Giải mã chuyện Total chạy mất dép

Mấy hôm qua, đọc báo chính thống thấy nhà máy Dung Quất không đủ dầu thô để lọc, mừng quá, nghĩ rằng vậy là ngon rồi tốt rồi, hoan hô Dung Quất. Các vị theo chủ nghĩa hoài nghi cứ nghi ngờ nữa đi, nhà máy thân yêu - động lực cho miền Trung cất cánh - đang chạy hết công suất, dầu thô cung cấp cho nó uống chả đủ đây này.
Ai ngờ nhà báo nó không biết điều, nó cứ trung thực tương thêm một câu, đại loại "mùa này thời tiết khu vực Quảng Ngãi rất tai nghiệt, biển động, gió chướng, không tàu nào có thể cập bến, đành đậu ở ngoài xa, chả biết bao giờ mới vào được". Chà, lý thuyết bắt đầu đụng thực tế đây. Gay nhỉ.
Giờ thì hiểu hơn tại sao mấy đại gia dầu khí Pháp, Nga lại rút lui chạy mất dép.
11.11.2010

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Sao lại thế?

Mình vừa xem truyền hình trực tiếp phần phát biểu tại hội trường của các đại biểu QH phiên sáng nay. Người đăng đàn cuối cùng là bác Quốc (Dương Trung), đọc văn bản chuẩn bị sẵn khá công phu, kiến nghị về 2 vấn đề nóng: Vinashin và Bô-xít. Phải công nhận bác Quốc diễn đạt mạch lạc, khá hùng hồn, lại thêm tóc trắng râu bạc lấp la lấp lánh rất ấn tượng. Giá như đại đa số các vị nghị sĩ mà có ý thức trách nhiệm cao như nhà sử học này, đừng đóng vai nghị gật (kể cả ngủ gật) thì con dân đất Việt cũng được phận nhờ. Tôi nhác thấy cả đoàn chủ tịch điều khiển kỳ họp lẫn các vị đại biểu đã thiếu sự tập trung, nhấp nha nhấp nhổm, phân tán, có vị lờ đờ, có vị ngáp. Kể ra cũng nên thông cảm, nhưng đã làm người đại biểu thay mặt dân thì phải cố lên chứ. Chỉ tiếc cho bác Quốc, vấn đề hệ trọng như vậy mà nói trong thời điểm ấy có khác gì thổi kèn vào chỗ vô nhân. Hay là người cầm trịch họ cố ý sắp xếp thế?
Đáng trách và đáng giận nhất là sau khi bác Quốc phát biểu xong, tớ nhìn đồng hồ trên tường bếp nhà tớ kim chỉ đúng 11 giờ 25 phút. Bác Quốc vừa ngồi xuống, hình như quần chưa kịp chạm ghế thì ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ tịch QH, người điều khiển phiên họp sáng, không một câu nào với bác Quốc, cũng không một lời gì về vấn đề bác Quốc đã tâm huyết nêu ra, ông ta chỉ gọn lỏn câu "xin mời các đại biểu nghỉ trưa".
Hỡi ôi, nghị trường - nơi dân chúng đang ngóng chờ, xem xét từng phút lại dửng dưng vô cảm thế sao? Có cảm giác ông Kiên và các vị chủ trì chỉ chờ ông nghị Quốc kết thúc là tắt đài liền, với tâm trạng "nói gì thì nói, chẳng ai thèm nghe đâu" chăng? Trưa thì phải nghỉ, đến bữa thì phải ăn, ai chả biết thế, nhưng nhẽ ra ông Kiên trước khi cho các nghị viên đi ăn uống bia bọt cũng nói được một nhời, chẳng hạn "cám ơn đại biểu Dương Trung Quốc, đề nghị các đại biểu góp ý thêm vào những điều anh Quốc đã trình bày...", đại loại thế, có phải đầu đuôi không nào.
Đối xử trên nghị trường, nơi bàn việc dân việc nước mà vậy, kể ra cũng chả hơn họp tổ dân phố bao nhiêu.
Lại nhớ kỳ đại hội toàn thể Hội Nhà văn VN vừa qua, nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng được xếp đọc tham luận vào giờ "vàng vọt" (lúc mọi người đã phân tâm, đói vàng con mắt). Bác Quốc thi sĩ với bao điều tâm huyết về đất nước, văn học... chưa trình bày xong, đoàn chủ tịch của ông trung tướng Hữu Ước đã nện búa chấm dứt, mời ông Bùi Quốc xuống cho đại hội nghỉ, đi ăn cơm. Thi nhân vừa bước thấp bước cao xuống vừa tủi thân khóc rưng rức.
Thương cho hai ông Quốc. Chả lẽ vận nước (quốc) lại bĩ vậy sao, không bằng miếng ăn sao?

Trưa 2.11.2010

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Anh ở nơi này đã có mùa đông

Hồi nhỏ mình nghe người nhớn giải thích miền Nam không có rét vì gió lạnh không thể vượt qua đèo Hải Vân, mình vừa tin vừa nghĩ ước gì được ở phía bên kia đèo (bởi nhà nghèo không có quần áo ấm, toàn ngủ thùng trấu). Nay thì lão Trần văn Rét đã thay mặt Mùa đông vào tới Sài Gòn. Người đục được hầm để qua đèo thì rét cũng vượt được chứ sao.
Thương những người dân miền Trung đang run rẩy tấm thân xác xơ trong gió lạnh.

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Phải biết ngượng mồm

Nói lần này rồi thôi, quyết không bàn nữa.
TP Hà Nội vừa họp báo sơ kết việc tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Dĩ nhiên, thực hiện điều gì xong cũng nên sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm, khen đều này chê điều khác, xưa nay mọi thời đều như vậy. Nhưng vẫn còn chuyện đáng nói trong vấn đề này, tuy nhiên lần này nói xong tôi không bao giờ nói lại nữa. Lý do: tôi hy vọng nó sẽ chấm dứt, nếu vẫn còn thì là lỗi hệ thống rồi, thâm căn cố đế rồi, nhắc nhở cũng bằng thừa.
Ông Hồ Quang Lợi, người từng làm Phó tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, tiếp là Tổng biên tập báo Hànộimới (tờ báo từng có bài báo nổi tiếng của nhà báo Hoàng Thu Vân lớn giọng dạy dỗ mọi người cách yêu nước, tự hào dân tộc), đương kim Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, và bà Ngô Thị Thanh Hằng- Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đều khẳng định việc tổ chức đại lễ đã thành công tốt đẹp. Ừ thì Hà Nội tổ chức, Hà Nội tự khen, chả lấy làm lạ. Chỉ lạ ở chỗ cả hai ông bà đều cố ý nhấn mạnh việc Thường vụ Thành ủy quyết định không bắn pháo hoa tại 28 điểm để dành tiền ủng hộ đồng bào miền Trung, coi đây là một quyết định tức thời "chỉ vì miền Trung" tại thời đểm đã gần cao trào của đại lễ. Họ muốn coi đây là điều chói sáng, ân tình nhân nghĩa, thể hiện tấm lòng cao cả, ý thức sâu sắc, đầu óc thông minh của các vị lãnh đạo thủ đô.Tôi thì không nghĩ vậy, tôi cho là các vị nhận vơ, nói lấy được, nói liều, xem dân trí chẳng ra gì. Cũng phải nhắc luôn chuyện chỉ có mỗi chiếc máy bay trực thăng chở ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đi thị sát vùng lũ lụt, nhân tiện tham gia thả mì gói cho bà con, thế mà cứ ra rả rằng trong đội hình bay qua quảng trường Ba Đình có những chiếc vừa đi cứu trợ về. 1/10 nhưng cứ ù xọe bảo gần 10. Gớm, được thế thì quá tốt.
Dù có ngu muội, đầu óc lẩn thẩn, tôi cũng xin hỏi thẳng các vị: Nếu không xảy ra vụ nổ 2 container pháo hoa ở Mỹ Đình, các vị có quyết định như vậy không? Hỏi vậy thôi nhưng đã có sẵn câu trả lời rồi: Không đời nào! Chắc chắn đến thời điểm ấy họ chẳng hề có mối liên hệ gì giữa 2 vấn đề: bắn pháo hoa và ủng hộ đồng bào miền Trung. Có thể sẽ vẫn giúp dân Hà Tĩnh, Quảng Bình,nhưng ngừng bắn pháo hoa thì không nhé. Còn lý do không bắn thì muôn vàn lý do, có thể sợ không an toàn, sợ khủng bố, sợ đe dọa tính mạng các quan chức, sợ này sợ nọ... Xin đừng cố tình lập lờ, coi thường dư luận. Phần lớn dân chúng đều biết sự thực, nhưng trong bức màn sắt này người ta không nói ra đó thôi, đừng để cho người ta uất ức phải lên tiếng.
Hãy bỏ kiểu tuyên truyền cả vú lấp miệng em đó đi, các ngài ạ.
15.10.10

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Thất vọng toàn diện

Mình không phải là kẻ gây sự, xưa nay chưa gây sự với ai, ngược lại còn sợ tuốt tuồn tuột, như đàn bà sợ cả con gián con chuột.
Bữa nay lễ chính cái gọi là (nói theo văn phong của báo công an) Đại lễ ngàn năm, sáng 8 giờ vừa mở tivi để xem tường thuật trực tiếp mới được vài phút thì truyền hình cáp sạch trơn tín hiệu, 5 phút sau cả khu mất điện, chả biết có bọn phản động bin Laden nào phá sự tò mò (chứ không phải háo hức) của mình. Thôi đành chờ tối xem vậy.
Tối coi rồi tự dưng bực mình. Họ tuyên truyền đây là lễ nghìn năm có một, lớn nhất xưa nay, hoành tráng hiện đại chả kém ai...
Đúng, ở chỗ rất đông người, cả người biểu diễn lẫn người trên khán đài (có ông sắp kề miệng lỗ), nhà đài VTV bảo hơn 40.000 người. Khiếp.
Tớ làm con toán đơn giản: 4 vạn người, tập trong 3 tháng (đấy là báo lề phải nói), mỗi người được bồi dưỡng 100.000đ/người/ngày (tớ tạm tính thế, có thể hơn), riêng chi cho sức người nhảy nhót diễu hành là: 40.000 người x 90 ngày x 100.000đ = 360.000.000.000 (360 tỉ đồng). Hỡi đồng chí nhà báo núp bóng đờn bà Hoàng Thu Vân kia, khoản chi này có đáng kể chăng, hay nếu nói ra lại bảo miệt thị dân tộc, nhưng kẻ hèn này cho rắng để có hơn một tiếng đồng hồ diễu võ giương oai (chả nhát được ai) thế mà phải mất vài trăm tỉ thì xót quá.
Và cứ tưởng nhân cơ hội này ta cho mấy kẻ thù trong giặc ngoài lác mắt trước sức mạnh của ta, nhưng thôi, phô bày hết ra có khi lợi bất cập hại. Tuy nhiên nhìn cảnh đi đứng loạc choạc, đội ngũ bước thấp bước cao lại thêm cám cảnh. Chả làm thì đừng, còn đã làm thì ra trò, không làm được thì chẳng nên làm, ấy là biết vậy (thị tri dã).
Bộ Chính trị đã có chỉ thị về việc hạn chế hội hè, nhưng hội hè, qua đại lễ này thì chứng minh ngược lại, nói một đằng làm một nẻo.
Nhân đây nói thêm về sự kẻ cả của nhà báo Hoàng Thu Vân (trên tờ Hànộimới). "Bà" Vân lập luận rằng ai đó nói chi phí lên đến 94.000 tỉ đồng là bố láo, sao không tính đến cầu này đường nọ, công trình ấy dự án kia... Tôi lại nghĩ rằng đừng có nhập nhèm, nếu những thứ ấy được ngân sách quốc gia chi vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội thì phải rành mạch, kẻo bị kẻ xấu tham lam núp bóng lợi dụng sẽ thất thoát to đấy. Một cây cầu A nào đó, có khoản chi thật, lại thêm khoản chi ảo (núp bóng đại lễ) bỏ túi riêng thì núi tiền cũng chả đủ, chỉ chết người đóng thuế.
Xem mấy ông thùng rỗng kêu to thực hiện đêm nghệ thuật tổng hợp ở sân Mỹ Đình tối 10.10, càng thêm tiếc tiền. Giời ạ, không có người tài như Trương Nghệ Mưu thì thôi, giao cho mấy vị không chuyên, thực tài thì ít phét lác thì nhiều, bắt dân tình ăn món hổ lốn nhạt nhẽo, nhố nhăng ấy, người ta bực bội trong lòng, không chửi vống lên là may.
Buồn, bực, chả nhẽ xin anh Chí Phèo nhượng lại cho cái lò gạch.

Đêm đại lễ song thập 2010

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Ơ hờ Dung Quất, ơ hờ ngư dân

Báo chí hôm nay đăng 2 thông tin có liên quan đến Quảng Ngãi, bức xúc quá phải nặn thành chữ.

Chuyện thứ nhất:
Sau bao nhiêu trục trặc trúc trắc, tưởng không thể gượng nổi, nhờ quyết tâm duy ý chí của chính phủ, nhất là thủ tướng, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động hồi tháng 2.2009. Và đến cuối tháng 9.2009, mẻ xăng đầu tiên đã ra lò trước sự hí hửng của các vị ấy nhưng người tiêu dùng thì chưa mấy mặn mà. Chính phủ buộc phải chỉ đạo từng bước giảm nhập khẩu xăng dầu, thay vào đó là tiêu thụ xăng Dung Quất, giao cho PV Oil được độc quyền phân phối, các doanh nghiệp phải tiêu thụ. Nhưng thời trước thì có thể ép được như thế chứ nay thời kinh tế thị trường, dễ gì ép nhau. Tôi chưa tin anh, tôi chưa dám liều. Rõ nhất là các hãng tàu bay. Mặc dù truyền thông nhà nước theo chỉ đạo ra sức rêu rao rằng các khách hàng Singapore hiện đại là thế còn chấp nhận mua xăng máy bay Dung Quất nhưng cả Vietnam Airlines lẫn Jetstar Pacific giá rẻ cứ lắc đầu quầy quậy. Tính mạng hành khách là trên hết, vả lại mỗi chiếc tàu bay cả một đống tiền, chưa thể đánh con bài liều được. Mà thực ra giá xăng chẳng những không rẻ hơn xăng nhập lại còn cao ngất (đương nhiên chi phí vận chuyển lớn, chi phí thiết bị máy móc ban đầu cao... nên giá phải cao) khiến khách hàng quay lưng. Hôm nay 6.10, các báo đồng loạt thông tin xăng Dung Quất ế rệ, có báo nói tồn kho 750.000 tấn, có báo bảo cả hơn triệu tấn. Thế thì chết thật rồi. Đầu vào cưỡng ép, đầu ra bế tắc, chịu không nổi nó nổ phình lên một phát thì có mà phá sản. Đọc tin báo chí chính thống, thấy các vị có trách nhiệm vòng vo lý sự rằng tại dầu thô vẫn phải liên tục nhập về, nhà máy vẫn phải vận hành, sản lượng không được giảm, nhiều hợp đồng nhập khẩu của Petrolimex đã ký từ trước nên không thể ngưng được...vì vậy xăng Dung Quất bị tồn kho. Nghe vậy thì biết vậy. Nhưng người ta xì xào rằng nguyên nhân chính là chất lượng chưa đạt (không dám nói là kém, phỉ phui cái miệng), cộng thêm giá cao, cho nên ế. Giá như thời bao cấp, mày không mua ông cứ nhét vào tận tay cũng phải nhận, xấu tốt gì cũng phải nhận. Nhưng hỡi ôi, nay là kinh tế thị trường (định hướng XHCN) mất rồi. Cứ kiểu này, dám phải viết sớm lời ai điếu cho Dung Quất mất thôi.

Chuyện thứ hai:
Cách nay gần một tháng, ngày 11.9, tàu (chiến) kiểm ngư Trung cộng bắt giữ chiếc tàu cá số hiệu QNg-66478TS của ngư dân Quảng Ngãi, trên có 9 người đánh cá trong tay không một tấc sắt ở vùng biển Việt Nam, vu cho họ trữ thuốc nổ, vi phạm vùng chủ quyền Trung Quốc. TTXVN đăng tin cho biết Bộ ngoại giao nước ta cực lực phản đối, đỏi Trung cộng thả ngay, vô điều kiện thuyền và ngư dân. Cũng theo TTXVN thì sự phản đối cực lực đó là "gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, sau đó đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam giao thiệp (tôi ghét cái từ này lắm) gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc (không cho biết gặp ở đâu, tại Bộ NG hay tại ĐSQ TQ) để trao đổi. Theo BBC, đại diện sứ quán TQ phản bác (kiểu cãi chày cãi cối), còn đại diện VN thì đòi thả ngay. Hết. Vậy là chưa biết bao giờ những ngư dân đáng thương mới được về với vợ con đang vọng phu vò võ.
Tại sao lại thế? Nước nhỏ nhưng đừng nhược tiểu thì mới khỏi bị khinh, thế giới mới trọng. Hãy xem họ. Trung Quốc, đường đường nước lớn, nhưng về sức mạnh, so với Nhật Bản, bên tám lạng bên nửa cân. Vậy mà khi thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng của tàu cá Trung Quốc bị Nhật bắt giữ do cố tình đâm vào tàu tuần tra Nhật (Trung Quốc sai lè lè), Bộ ngoại giao Trung Quốc đã 5 lần triệu tập đại sứ Nhật để đe dọa, phản ứng, đích thân thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố này nọ, cuối cùng Nhật phải xuống nước thả thuyền trưởng Chiêm. Chả lẽ Trung Quốc được phép làm thế, còn ta thì không. Xưa cụ Nguyễn Trãi từng khẳng định "tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt không bao giờ thiếu", thưa cụ Nguyễn, nước Việt ngày nay thiếu vắng hào kiệt thật rồi.
Hỡi ơi, trong một ngày ngắn ngủi, lòng ta ơ hờ không dứt, đau đớn lắm.

Viết trong mùa bão lũ, thu Canh Dần.

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Bội thực Chiếu dời đô

Cổ nhân dạy rằng bất cứ cái gì thái quá cũng đều không tốt. Chả thế mà ăn no quá, ních bụng thì chỉ thấy nặng bụng, mệt mỏi chứ nào biết ngon ngọt gì. "Yêu" quá thử xem, chết "bất đắc kỳ tử" như chơi...
Mấy tháng nay, nhất là những ngày gần đây, hễ cứ giở tờ báo, mở tivi, bật internet là thấy hiển hiện Chiếu dời dô. Mình vừa ở Hà Nội về, đi có mấy đoạn đường mà nhan nhản phiên bản Chiếu dựng chỗ này chỗ khác. Lại mấy anh cơ hội, nhân dịp ngàn vàng để nổi danh này quyết ăn theo Chiếu. Ông thì cho tạc vào đá ngọc, ông thì cho đúc đồng, có anh cặm cụi viết sao ra nghìn bản, có chị cố công lục tìm trong đống bản khắc cổ mà mình đang quản lý để hô lên kể công, v.v.. Vị nào cũng đòi lập kỷ lục, chỉ dân tình là ngao ngán, ngán hơn cả cơm nếp nát ăn kèm thịt mỡ, ứ đến tận cổ.
May mà tự dạo bấy đến nay cũng chỉ vài lần thiên đô, mà cũng chỉ cụ Lý mới ban Chiếu. Chả hạn hồi những năm 60 thế kỷ trước, mấy ông cầm quyền quyết đời đô lên Xuân Hòa (Vĩnh Phú), rồi tính lại không dời chứ nếu dời, ban Chiếu chắc con cháu bây giờ chết ngạt vì phải đắp quá nhiều Chiếu.
Cái này mới đáng nói: Người ta cứ thích làm theo chủ quan, bất chấp lẽ phải, bất chấp sự thực khách quan (mặc dù mấy anh cộng sản lúc nào cũng ra rả kêu gào duy vật, tôn trọng khách quan). Theo tôi, tôn vinh Lý Thái Tổ, tôn vinh Chiếu dời đô cũng nên có chừng có mực. Ai đã đọc văn bản này đều thấy rõ đức Lý Thái tổ để tự tôn xưng mình đã làm cái việc không được hay lắm là miệt thị 2 triều Đinh, Lê. Cụ viết: "Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương, Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây (ý nói Hoa Lư- người viết), đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi...". Lý lật Lê lại bảo Lê vận số ngắn ngủi do không chịu dời Hoa Lư, vậy Lý chỉ tồn tại hơn trăm năm, bị Trần Thủ Độ diệt tàn bạo ngay tại Thăng Long, đừng đổ lỗi cho nhà Trần.
Trong bản Chiếu này, nếu chúng ta bây giờ tung hô quá đáng, chắc mấy anh Tàu thích chí. Vua Lý viết: "Huống chi thành Đại La đô cũ của Cao Vương". Ai chẳng biết Cao Biền tướng nhà Đường sang đô hộ Nam Việt, là một kẻ cai trị tàn bạo, theo Lý Thái Tổ, vì Cao Vương (vua Cao) đã đóng đô ở đây thì cớ gì ta không theo. Tôi cho rằng, về mặt độc lập tự chủ, các vua Đinh, Lê hơn hẳn Lý, và đương nhiên hơn rất nhiều triều đại hiện tại.
Chỉ tiếc các nhà sử học đương thời cứ băng keo dán mép, ngậm miệng ăn tiền, chả ai dám nói gì.
Ngày tận thu Canh Dần 2010.

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Ngậm ngùi

Thương làm sao 33 thợ mỏ Chile

Bị vùi dưới hầm sâu hơn 700 mét đất

Đếm từng giây chờ đợi phút trở về

Giữa địa ngục họ sống bằng một phần ngàn tia hy vọng.



Chờ 3 tháng, 4 tháng hay bao nhiêu tháng

Chúa trời với họ lúc này là chiếc máy khoan

Thiếu không khí, thức ăn, tình yêu, ánh sáng...

Ranh giới tử sinh sao mà quá mong manh



Từ Việt Nam, tôi nguyện cầu thánh thần, Ala, Phật, Chúa...

Cứu giúp, thương cho những kẻ khốn cùng

Nếu có thể, tôi xin đổi cuộc sống này cho họ

Nhưng chợt hiểu rằng điều ấy rất bất công



Chỉ vì dưới ấy họ vẫn còn hy vọng về tương lai tươi sáng

Đổi cho tôi, các thợ mỏ Chile đáng thương ơi

sẽ sống giữa lụi tàn.

-----

Tiết ngâu, 22 tháng 7 Canh Dần

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Mỗi tuần một chuyện Tam quốc - chuyện thứ nhất

Trước khi chết, Tôn Sách nhờ cậy Trương Chiêu và Chu Du, có căn dặn em là Tôn Quyền (sẽ lên thay Sách) và quần thần rằng khi việc nguy cấp, nếu việc bên trong thì hỏi Chiêu, bên ngoài thì hỏi Du, nói xong thì mất.
Lại nói Tào Tháo, sau khi dẹp được bọn Viên Thiệu, Viên Thuật, Trương Tú... liền nhòm ngó Giang Đông. Nghe bọn Tuân Du, Trình Dục xúi, Tháo kéo ngay trăm vạn quân cùng thuyền bè, ngựa nghẽo, khí giới, lương thực kéo xuống phía nam quyết làm cỏ Đông Ngô. Lúc bấy giờ Chu Du đang luyện quân ở ngoài, còn Tôn Quyền thì bối rối lắm, hội các quan văn võ lại thương nghị. Bọn quan văn do Trương Chiêu cầm đầu một mực khuyên hàng Tào, bọn võ do Lỗ Túc, Trình Phổ thì nằng nặc quyết đánh, bên nào cũng lý lẽ đầy mình. Quyền càng phân vân chả biết tính sao. Quốc mẫu (mẹ kế Quyền) thấy vậy bảo con không nhớ lời anh con dặn à, Trọng Mưu (Quyền) chợt tỉnh, cho vời Chu Du về ngay.
Du về, chưa vào chầu vội, ở nơi quán dịch. Chửa kịp ấm chỗ, Trương Chiêu và đám quan văn đến thăm, Du hỏi ý các ngài thế nào, chúng bảo hàng thôi, chúng tôi đã quyết hàng, Công Cẩn liền đáp tôi cũng đã định hàng lâu rồi, mai sẽ tâu với chúa công xin hàng, các ngài cứ yên tâm về đi. Một lát bọn quan võ kéo đến, Trình Phổ, Lỗ Túc mặt mũi bừng bừng muốn biết Chu Du định hàng hay đánh, Du hỏi các ngài thế nào, chúng hăm hở dù chết cũng đánh, Du bảo ý các tướng rất hợp ý tôi, chỉ có đánh thôi, mai tôi sẽ tâu với chúa công xin đánh, cứ về đi. Liên tiếp thêm mấy nhóm văn võ nữa vào gặp Du, bên nào cũng bảo vệ quan điểm của mình, Du đồng ý tất tần tật, đám nào cũng hài lòng.
Hôm sau vào gặp Tôn Quyền, trước văn võ bá quan, Chu Du phân tích thời thế và chủ trương đánh Tào, xin vua nếu ai trái lệnh thì chém đầu. Bọn quan văn ngớ ra, bọn võ lúc đầu ngạc nhiên, sau mừng ra mặt.
Ra ngoài, Lỗ Túc hỏi, sao hôm qua đô đốc lúc bảo hàng, lúc nói đánh là cớ sao, Du trả lời tôi mới về, hai phe bên nào cũng quyết muốn chúa công làm theo ý mình, tôi chỉ cần trái ý là các vị ấy tìm cách giết liền, đành tạm chiều theo vậy thôi, nếu không bữa nay sao tôi có dịp bày tỏ chủ kiến với chúa công được. Túc khen là phải.
Nhờ có Chu Du biết khôn khéo giữ mình mà vua tôi Đông Ngô lập nên trận Xích Bích hiển hách.
Lời bàn: Trong đời, đâu phải đám quân tử kẻ nào cũng khôn ngoan như Chu Du; nóng nẩy, vội vàng bộc lộ, dù là ý hay ý tốt, cũng có khi mất mạng.

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

TÀU HÓA

Hôm nay 27.7, tôi cũng như bao người, nhớ ơn những liệt sĩ, thương binh quên mình vì đất nước. Ở nước Nam ta, mấy chục năm chiến tranh liên miên, hầu như nhà nào cũng có người chết trận, nhớ ơn - biết ơn là đạo lý.
Chỉ buồn một nỗi, đọc trên mấy chục tờ báo, nghe đài nói, xem truyền hình, cứ thấy lặp đi lặp lại cái cụm từ "tri ân các anh hùng, liệt sĩ". Tôi băn khoăn tự hỏi: tại sao lại cứ phải "tri ân" mà không là biết ơn. Chiết tự Hán-Việt thì "tri" là biết, "ân" là ơn. Trong tiếng Việt ta, nói "biết ơn" ai cũng hiểu, mà lại đầy tình cảm chân thành. Hỡi các nhà báo, các vị làm tuyên truyền, hay là theo các vị, dùng biết ơn thì nó không sang trọng, nó tầm thường, quê kệch, nó kém sự biết ơn đi chăng? Buồn nữa là mấy vị lãnh đạo, mở mồm ra cũng tri ân này, tri ân nọ. Kẻ ngu hèn này đầu óc nông cạn nhưng đã nguyện suốt đời đấu tranh cho tiếng Việt, nghĩ mãi về chuyện trên và chỉ có thể trả lời rằng căn bệnh Tàu hóa đã nặng quá rồi, ngấm vào xương tủy các vị rồi. Nếu chỉ trong ngôn ngữ thì còn đỡ, nó mà ung thư di căn, phá ra những chỗ khác thì thậm nguy. Cứ đà này, biết đâu Hồ Cẩm Đào sẽ viết cuốn "Năm 2015, chiến thắng không cần chiến tranh".

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Chết cười

Tên phản động, nhà văn Nguyễn Quang Lập viết 1 bài đăng trên blog Quechoa của hắn, đọc mà chết cười, mình copy lại để làm chứng, sau này cải cách ruộng đất, có đem ra đấu tố, cãi đằng trời.

Bạn văn 7: KINH TẾ BÁC HỒ
Nguyễn Quang Lập
Lâu ngày không đến Nhà hát kịch Hà Nội, hôm nay đến chẳng gặp ai, chỉ gặp mỗi Tiến Hợi.
Nó hỏi “Có vở mới không ông?”; mình nói “Không”. Nó nói “Từ ngày tôi đóng vai nhà thơ trong kịch Sám hối của ông, quay đi quay lại cả chục năm rồi. Bao nhiêu lần ông có vở mới tôi chẳng có vai.”
Mình nói đùa “ông kinh doanh vai Bác Hồ đủ no rồi, cần gì vai khác.” Nó bảo, “Hồi này có ma nào thuê tôi đóng đâu.” Mới sực nhớ sau bộ phim Hà Nội mùa Đông năm 1946 của Đặng Nhật Minh, đúng là không ai thuê Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ nữa thật.
Chẳng phải nó không còn giống nữa, hay thủ vai kém, mà tự nhiên thế, cả kịch lẫn phim đều vắng bóng nhân vật Bác Hồ.
Ngày xưa thì nó nổi như cồn nhờ vai Bác Hồ. Nó trông ngoài giống y chang Bác Hồ tại đại hội Tua, hoá trang thì Bác Hồ thời nào cũng giống. Nó còn học được giọng Bác, nhiều khi nghe y chang, khiến nhiều người xem rất cảm động.
Kịch, Phim bất kì đoàn nào có vai Bác không thể không mời Tiến Hợi. Rồi các kỳ lễ lạt, phong trào sân khấu hoá rầm rộ, hễ 30/04 hay 02/09 thì thế nào cũng có vai Bác Hồ xuất hiện trước đám đông, có khi nói đôi câu, có khi chỉ đứng trên ô tô đưa tay vẫy vẫy, chỉ thế thôi nhưng Tiến Hợi vớ được khẳm tiền.
Cả một mùa hè năm 1995, nó chạy xô từ Bắc vào Nam, thu tiền mệt nghỉ. Vào Nghệ An, chỉ đứng cho các cô gái múa vòng quanh chừng 5 phút cũng kiếm được bạc triệu. Để nguyên hoá trang bay vào Đà Nẵng, đứng trên ô tô vẫy vẫy, cười, rồi phát kẹo, cười, vẫy vẫy… nó kiếm gần chục triệu.
Vào Sài Gòn đứng trên khán đài đọc tuyên ngôn xong, bỏ túi cả chục triệu bay ra Hà Nội đến cung văn hóa nói với các em “non sông Việt Nam có vẻ vang được hay không…” hai triệu ngon ơ.
Thằng Tùng cứt nói “Tiến Hợi có 10 ngày kiếm được cả 5 chục triệu. Buôn thuốc phiện cũng không trúng như thế.”
Thằng Hợi nói, “Mọi người ơn Bác một, tao ơn Bác một trăm.”
Trông ngoài thế thôi, tập luyện vất vả lắm. Thằng Hợi chăm nhưng hơi chậm, có cái bệnh mất tập trung, hay quên lời, nhiều khi thấy nó tập vất vả dễ sợ.
Mình nhớ hồi mình làm ở nhà hát, dựng vở gì đó của Phú Thăng, mình có chấp bút biên tập nhưng không nhớ tên vở, chỉ nhớ có vai Bác, mỗi lần làm thoại lời Bác đến khổ.
Thằng Hợi càng khổ hơn. Anh Tạo (Hoàng Quân Tạo) nhiều lần tru lên, “Đó là thằng Hợi nói chứ không phải Bác nói, ngu ơi!” Nhiều lần điên lên anh Tạo quát “Bác nói đéo gì nói thế hả!”
Được cái thằng Hợi không tự ái, nó hết sức lắng nghe mọi người góp ý, sửa đi sửa lại cả trăm lần nó cũng sửa cho kỳ được.
Khổ nhất mỗi khi Bác xuất hiện, thế nào cũng có đám đông quần chúng. Đứng thế nào cho ra vị thế Bác, lại không được để Bác xa rời quần chúng.
Lắm khi thấy thằng Hợi lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Anh Tạo quát, “Bác! Mày đứng thế đấy hả?”
Mọi người cười rũ.
Quốc Toàn góp ý cho anh Tạo “Không đựơc gọi Bác Hồ, chỉ gọi Tiến Hợi thôi, tránh phạm huý.” Anh Tạo nghe liền.
Nhưng thói quen gọi tên nhân vật, buột miệng vô thức rất buồn cười. Nhiều khi quên, anh Tạo còn kêu lên “Ôi chà chà xem cái thằng Bác diễn ngu chưa kìa.”
Nói xong thì giật mình, sợ bằng chết. Đến khi say nghề quên hết, lại buột miệng kêu lên “Bác Hồ ơi, mày diễn cái đéo gì đấy.”
Chết cười.
Rồi cuối cùng mọi việc cũng êm thấm cả. Tiến Hợi lại nổi như cồn nhờ vai Bác.
Một đêm diễn xong, lãnh đạo thành phố lên tặng hoa bắt tay. Nó khom người kính cẩn bắt hai tay. Hoàng Dũng nói “Mày ngu thế.” Nó bảo “Sao?”. Hoàng Dũng nói “Mày đang vào vai Bác, bắt tay kiểu đó, chẳng may có thằng nào chụp ảnh cái có chết không.”
Đêm sau nó nghe lời Hoàng Dũng, lãnh đạo thành phố lên tặng hoa bắt tay, nó diễn vai Bác, bắt tay âu yếm lãnh đạo, lại còn vỗ vỗ vai thân thiện kiểu Bác cháu.
Anh Tạo mắng “Mày ngu thế.” Nó bảo “Sao?” Anh Tạo nói “Người ta là lãnh đạo, mày là cái đéo gì mà dám vỗ vai người ta?” Nó bảo “Em đang vào vai Bác mà.” Anh Tạo nói, “Vào vào cái gì. Hết kịch là hết Bác nghe chưa!”
Nó ra hậu đài thở dài nói “Hoàng Dũng bảo một đằng, anh Tạo bảo một đằng, tao biết biết làm thế nào?” Thằng Tùng cứt nói “Mày làm Bác mà đéo biết còn hỏi tụi tao.”

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Lẩn thẩn với nhà văn

Lại sắp đại hội nhà văn VN, lại ném một đống tiền mồ hôi nước mắt của dân vào đủ thứ đại hội vô bổ, hình thức (cũng chẳng khác gì một loạt đại hội Đ từ cơ sở đến TƯ đang diễn ra, luôn "thành công tốt đẹp"). Thưa bà con, đời em đã chứng kiến nhiều loại đại hội, em thấy nó chả có ích gì, trừ đại hội cổ đông thông báo tiền cổ tức.
Hỡi các nhà văn, viết văn thì ráng mà lo viết, và nhất là ráng giữ nhân cách, đừng nay thế này mai thế khác, nghĩ một đằng làm một nẻo, đừng gió chiều nào che chiều ấy.
Cái mà các vị còn lại, hoặc là giá trị văn chương, hoặc tiếng xấu để đời.
Thật tình, nhà văn cũng có dăm bảy loại; có những người suốt bao lâu mình cứ tưởng là hết sảy nhưng khi lộ ra điều này điều khác thì cũng thường thôi. Rút ra một điều: ta đừng nên hy vọng vào họ quá, đừng thần tượng quá.
Vừa rồi, bác Lại Nguyên Ân làm được cái việc khủng khiếp (mà cả chính quyền lẫn Hội nhà văn VN không làm nổi, hoặc cố tình lờ đi) là trả Phan Khôi về vị trí xứng đáng của ông. Nhớ hồi nhỏ còn đi học trường cấp 2, kẻ hèn này có đọc cuốn tạp chí (Văn học thì phải) số đặc biệt tổng kết cuộc đấu tranh chống “bọn” Nhân văn giai phẩm, do một ông hiệu trưởng cho cụ thân sinh mượn. Trong có bải thơ của nhà văn Nguyễn Công Hoan, nay thảo dân vẫn nhớ. Thơ rằng:
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi
Thọ mi mi chúc chớ hòng ai
Văn chương đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo tiên sư cái mẽ ngoài
Logic trước cam làm kiếp chó
Nhân văn nay lại hít gì voi
Sống lâu thêm tuổi cho thêm nhục
Thêm nhục cơm trời chẳng biết toi.
Ấy, đại loại thế, có thể lâu rồi chẳng chính xác trăm phần trăm. Cứ nghĩ một người tư cách như ông Nguyễn Công Hoan mà nói thì đúng quá rồi còn gì. Phục lắm. Nể lắm. Chả thèm để ý đến giọng điệu chửi bới tục tĩu vô văn hoá. Và đâm ra ghét Phan Khôi, một tên phản động, hèn kém, vô học, tầm thường… Đúng kiểu ý Đảng lòng dân. Sau lớn lên, đầu óc u tối được khai minh, hiểu dần sự đời. Và tự nhiên vị trí hai ông Phan Khôi, Nguyễn Công Hoan hoán đổi cho nhau trong suy nghĩ. Nay ngoài 50, xa thêm bến mê chút nữa, thấy cũng chẳng thèm ghét ông nhà văn Kép tư Bền làm gì, của đáng tội, cũng nạn nhân của sự cai trị tư tưởng, “đem bục công an đặt giữa trái tim người” mà thôi.
Nhà văn ta là thế đấy, vậy mà không phải vậy.
Thôi, em bận đi mua đồ cho bu cháu (nó dặn từ sáng, quên), hết lẩn thẩn, về với đời thực đây.

Lòng ta thành con rối, cho cuộc đời giật dây

Hôm nay tự dưng thấy sợ, vậy mà cứ tưởng lòng mình bị chai mất rồi?
Chả là mình chăm đọc báo, nói khí không phải, có lẽ là kẻ tự biết mình sở học nông cạn nên chăm đọc báo nhất trong cái đội ngũ quá nhiều người uyên bác ở báo TN này. Đọc tất tần tật, Lao động, Tuổi trẻ, Thanh niên thì chả nói làm gì, thuộc diện ưu tiên phải nghía trước rồi, ngay cả những tờ Đại đoàn kết, Nông thôn ngày nay, Người lao động, Sài Gòn GP... thậm chí cả Nhân dân, Quân đội nhân dân mình cũng chả chừa. Vẫn biết ăn tạp là thói quen xấu nhưng hư thân mất nết đi rồi, khó chừa quá. Giả dụ mắc bịnh thích các em chân dài chân ngắn, mê phong nhũ phì đồn thì còn có cơ chữa được, chứ bệnh mê báo, nó thấm vào căn cốt, hết thuốc chữa rồi.
Ăn mãi những món vô bổ, lòng mình trở nên chai lì lúc nào không biết. Ấy thế mà hôm nay thấy sợ, tạ ơn giời, hóa ra mình chưa đến nỗi dửng dưng với đời.
Chả là, đọc hết đám báo quốc doanh trên, tờ nào cũng trang trọng, mà không thể không trang trọng, đăng bài của ông tể tướng đương nhiệm. Dẫu biết người đứng tên cũng chẳng viết được dòng nào đâu, toàn đám mưu sĩ nặn ra thôi, nhưng đọc xong thật nản. Vẫn giọng điệu xưa như vài chục năm trước, lý thuyết cùn mòn, chung chung, nhạt nhẽo; khen vài điều chê vài điều; cực kỳ bài bản mà cũng cực kỳ sáo rỗng. Chỉ như giọng vẹt thôi. Chả hạn, ổng viết chỉ số phát triển con người, lại còn chua thêm (HDI) cho có vẻ thông thái bác học, nhưng mình cam đoan nếu có ai cắc cớ hỏi ngay rằng tiếng Ăng lê HDI là gì, có lẽ ngài ú ớ. Nhưng thôi, chuyện vặt chả nên chấp nhặt. Cái hồn cái cốt ở bài tràng giang đại hải này, theo ngu ý của thảo dân, là bao biện, cả vú lấp miệng em, bào chữa cho những quyết sách sai lầm, nhất là việc lập ra hàng loạt tập đoàn kinh tế, để rồi bây chừ chúng bế tắc, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, chập chờn trước nguy cơ phá sản, mà Vinashin là ví dụ rõ nhất. Đúng thật, như các cụ xưa bảo, miệng nhà quan có gang có thép.
Nhân đây, nói thêm về một ông phó tể tướng, từng kiêm thượng thư bộ học. Hồi mới lên, ngài chọc ngoáy dữ lắm, phát ngôn hùng hồn, nghe lọt tai, dân tràn trề hy vọng. Ngài học thuộc bài bản Tàu, đề ra 2 không 3 không rào rào trong nhà trường, thế rồi năm tháng dần trôi, mọi thứ chẳng đi đến đâu, đá ném ao bèo, thậm chí nền giáo dục ngày một nát như tương, dân tình ta thán ngút trời xanh. Hai không của ngài thành kỷ niệm buồn, cay đắng. Cứ tưởng ngài rút ra được bài học để đời, ai ngờ vừa rồi được cứu thoát khỏi chức thượng thư bộ học (cũng may cho cả ngài và sự học nước nhà, để thêm chút nữa chắc tan nát hết), chỉ còn nhậm phó tể tướng thôi, ngàii vẫn quẩn quanh với công thức Tàu. Bằng chứng, khi dự và chỉ đạo tại hội nghị phòng chống ma túy ở Hải Phòng, ngài lại vung tay dậm chân thét rằng để phòng chống ma túy chúng ta phải thực hiện 4 không. Trời ơi, 2 không ở giáo dục đã thế, nay đòi 4 không để chống ma túy, mới nghe đã hình dung ra cái kết cục như thế nào. Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh, các cụ nhỉ.
Thưa các ngài, thảo dân này chả cần 2 không hay 4 không, chỉ nhõn 1 không thôi: Không có kẻ bất tài lãnh đạo đất nước.
Biết ngồi đúng chỗ của mình thì mới mong góp được chút ít cho đời.

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Nhà giàu



Vừa đọc báo mạng thấy nhắc đến mấy anh nhà giàu Đoàn Nguyên Đức, Đặng Thành Tâm, Trầm Bê, Trần Thị Hường (Tư Hường), Lê Văn Kiểm, Đào Hồng Tuyển, Huỳnh Uy Dũng…
Các vị cứ ngẫm lại mà xem, mấy anh đại gia, giàu nhất nước có anh nào thoát ra khỏi sự mua bán đất đai, rừng – những tài nguyên quan trọng của toàn dân.... Các ông bà ấy giàu lên nhờ được nhà cầm quyền duyệt cho thu hồi đền bù rẻ mạt đất của dân để làm khu công nghiệp, sân golf, khu du lịch; mua thì rẻ, bán thì đắt, sao chẳng giàu. Phá rừng suốt mấy mươi năm, rừng ơi ta đã về đây “cây đổ rộn vang như tiếng pháo” (ông nhạc sĩ Phạm Tuyên từng cổ vũ phá rừng công khai thế đấy), tiền bán gỗ chảy vào túi lâm tặc (có giấy phép), sao chẳng giàu. Lẽ dĩ nhiên chúng không ăn trọn mà phải cống nạp ngược lên thì ông nọ bà kia mới có tiền nhà lầu xe hơi, cho con du học Âu-Mỹ.
Xin các bạn hãy xem kỹ bức ảnh kèm theo, tôi chụp được ở Vĩnh Hy (Ninh Thuận) để thấy con em chúng ta hằn trên vầng trán ngây thơ những suy nghĩ khủng khiếp như thế nào. Hỡi nhà cầm quyền, hỡi các vị giàu trên nỗi cơ cực của dân, hãy đem các cháu trả về dưới mái trường chứ không phải lê la lề đường thế này, hãy trả cho các cháu nụ cười. Tôi cúi đầu xin các vị đấy (dù xưa nay kẻ này chả biết cúi đầu trước ai).

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Tiễn xuân


Mới hôm nào xuân, nay tiễn xuân
Dù không hò hẹn vẫn bâng khuâng
Xuân như gió thoảng qua vòm lá
Như bóng chiều hôm nhẹ khuất dần

Phố lại đông vui, người lại chen
Lòng sao nhớ nhớ với quên quên
Giữa dòng xuôi ngược, ờ hay nhỉ
Chẳng đợi mùa xuân cứ đến mình

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010

Đánh bóng lư đồng

Lại nhớ, lúc sinh thời mỗi lần Tết đến, thày tôi nhắc con cháu dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ gọn gàng để tươm tất đón xuân, đón năm mới. Nhà nghèo 3 gian, tường đất mái rạ, dọn nửa buổi sáng là xong. Mấy anh em tôi phân công nhau, đứa quét mạng nhện, đứa trang trí lại tường nhà, thay dán tranh ảnh họa báo mới, thậm chí rủ anh em Trí Liêm làm hoa giấy, chủ yếu là hoa thược dược dễ làm, có khi cả hoa đào nhưng trông xấu lắm, còn xa mới đẹp bằng đào thật ở vườn trước nhà. Xuân nào cũng vậy, vườn đào trước nhà sáng bừng lên, hình ảnh đọng mãi lòng tôi đến tận bây giờ. Lớn lên đi học xa, mỗi lần về nhà ăn tết tôi vẫn thói quen cũ quét tước dọn dẹp, có cảm giác mình vẫn như ngày nào, chả lớn lên được là bao. Nhưng có một việc, thày chỉ giao cho cu Hoan, con anh Huy, đánh bóng bộ lư đồng. Hình như không ai có thể làm được việc quan trọng ấy, trừ cháu Hoan.

Trong các anh con bác ruột, phải nói là anh Huy hợp tính thày nhất. Hai chú cháu có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt thẳng tính, có gì nói ngay. Hai ông con mà ngồi với nhau, cái hồi mình hồi còn đi học trường xã, lúc rỗi việc cứ quẩn quanh hóng hớt, biết được ối điều. Chuyện xa chuyện gần, chuyện nào cũng hay cũng lạ. Hai ông con cả thày cả anh Huy cùng đặt báo hằng ngày, báo Nhân Dân, báo Hải Phòng, truyền nhau xem chả bỏ sót chữ nào. Nói không quá, hết làng Trà Phương, đó là hai vị mọt báo số 1, chứ mấy ông ủy ban sẵn báo tiêu chuẩn đấy nhưng họ chỉ cầm ngó qua cho có vẻ thôi. Thời ấy tờ báo là nguồn thông tin quan trọng nhất để mở mang đầu óc chứ cái loa truyền thanh chủ yếu nghe ca nhạc, đọc truyện đêm khuya và dự báo thời tiết.

Cu Hoan, con trai thứ 3 của anh Huy rất gắn bó với ông. Hồi nhỏ nó có hẳn thời gian dài ở với ông bà mặc dù nhà mình với nhà bác Huy chỉ cách nhau hơn hai trăm mét. Hoan ngoan, nhanh nhẹn, tháo vát, chăm chỉ, lại rất khéo tay. Hằng ngày nó làm liên lạc viên, chuyển báo giữa ông và bố nó. Những việc ông nhờ, nó chỉ nhoắng cái là xong. Và khoảng 27, 28 tháng chạp, năm nào cũng vậy, chả cần ông nhắc, Hoan trịnh trọng bê bộ lư đồng trên bàn thờ xuống, quét sạch hiên nhà, ngồi dạng chân chèo ra hí húi lau chùi. Hình như vật dụng để làm sạch lư cũng chỉ có gói thuộc đánh đồng mà Hoan đã kiếm sẵn ở đâu đó từ trước, và nắm lá chuối khô. Thế mà bóng nhoáng, bộ lư như được làm mới hoàn toàn, thậm chí có thể soi gương được. Cháu ngồi lau chùi, ông ngồi cạnh trò chuyện thủ thỉ, chả biết mùa xuân đang đến nhè nhẹ, thật gần.

Nay thì tất cả đã như gió thoảng. Thày đi năm Tân Mùi (1991), năm sau cháu Hoan đang trên đường đi làm về bị đột tử, sớm theo ông. Gần chục năm sau nữa, anh Huy đang ngồi chẻ lạt bị huyết áp cao, mê man vài ngày rồi đi. Vườn đào cỗi dần, các cháu Thành, Hảo chăm chút lắm nhưng rồi cũng phải trồng thay vào đó bằng cây khác. Hiên nhà khác xưa, nhà mới khang trang hơn nhưng sao mình vẫn nhớ cảnh cũ hoài, nhớ tiếng ríu rít thật thà của cháu, giọng thủ thỉ rù rì nhân hậu của ông. Cháu Thành ý tứ trồng lại một cây đào, chả biết năm nay trời nóng thế có chúm chím nụ chờ được đến ngày xuân rồi mới vào độ mãn khai.

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Ta thắng địch thua

3 sĩ quan công an, trong đó có một đại tá, hy sinh khi vây bắt kẻ buôn bán ma túy- đó là sự thật đau buồn, một tổn thất đáng kể của lực lượng công an. Thời bình, đổ máu là điều không ai muốn, nhưng máu vẫn đổ, chúng ta càng thương những chiến sĩ an ninh chân chính biết quên thân mình vì hạnh phúc người dân.

Nhưng trong vụ việc tổn thất này cũng có điều mà những ai biết suy nghĩ đều thấy “lăn tăn”. Cả trung đội công an, chưa kể lực lượng phối hợp, vây bắt một tên mua bán ma túy Vàng A Khua, dù là trùm đi chăng nữa, suốt nửa ngày trời không có cách nào tiếp cận được nó, dù nó chỉ ở trong nhà. Theo giải thích của công an, tên Khua dùng người nhà làm bình phong, vật cản (chứ không phải con tin) nếu ta tấn công ắt hại đến người vô tội. Thế cũng phải thôi. Nhưng tai hại nhất là khi con nó (Vàng A Của) thoát ra, chắc có sự đồng ý của thằng bố, thì xảy ra chuyện. Ông giám đốc công an Hòa Bình lý giải lúc công an ta tiếp cận để đưa thằng con ra khỏi nhà cho an toàn thì thằng bố Khùa chạy vụt ra, bắn búa xua. Bốn người tử thương, ba công an và cả A Của. Lạ ở chỗ, nếu con hắn ra, tốt nhất là cứ để nó thoát tự nhiên, có gì đâu mà phải tìm cách này cách nọ giúp cho an toàn, chẳng lẽ thằng bố bắn theo. Nếu cần bắn con nó, nó bắn từ tám hoánh nào rồi. Bản chất sự việc là công an lợi dụng thời điểm đó để tiếp cận thằng bố, nhưng có lẽ chuyên môn nghiệp vụ non kém quá, bị nó phát hiện, nó cùng đường bắn cả công an lẫn con mình. Tôi tin 99% sự thật như thế. Ba sĩ quan chết, một số khác bị thương, chỉ diệt được nhõn một tên buôn ma túy, rõ ràng thất bại thê thảm. Khổ nỗi xưa nay chúng ta chỉ quen ngợi ca chiến thắng, bộ máy tuyên truyền lúc nào cũng ra rả “ta thắng địch thua”, còn thất bại, dù lớn hay nhỏ, cử ỉm đi cho xong chuyện. Chỉ riêng trận đồi A1 chiến dịch Điện Biên Phủ, một vạn lính nằm lại quả đồi nhỏ này (nếu tính toàn chiến dịch, chắc khiếp lắm), mười hai ngàn anh bộ đội trẻ măng nơi thành cổ Quảng Trị mùa hè 72, hàng chục vạn lính ngã xuống trong chiến dịch Mậu Thân 68…, xưa nay chính sử có bao giờ nhắc tới đâu. Hồi chúng tôi đi học, đố tìm được một dòng trong sách giáo khoa. Hiến pháp ghi rõ “Đảng là người lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”, vậy thừa nhận thất bại kể cũng hơi khó, nếu bảo tại Đảng thì không phải vì Đảng chỉ liên quan đến thắng lợi, thành công, còn bảo không tại Đảng thì cũng không phải nốt vì mọi điều trên xứ sở này đều do Đảng chỉ đạo. Bộ máy tuyên truyền bảo rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta chỉ có đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dứt khoát không thua. Nhưng thực tế lại khác, phải có thắng có thua. Thua ư? Cách tốt nhất là cứ ỉm đi, hoặc đổ cho dân, dân có cãi cũng chẳng đến đâu. Theo tôi, trong vụ việc nói trên phải cách chức, kỷ luật phạt nặng mấy vị lãnh đạo công an tỉnh Hòa Bình. Nghiệp vụ cán bộ chiến sĩ quá dở, chỉ giỏi lúc hội thao diễn tập, khi lâm trận thì bộc lộ hết yếu kém, chả trách một tên ma túy mèng cũng đối đầu được suốt chục giờ, gây thiệt hại quá nặng cho đối phương.

Thua thì cứ nói là thua, thế mới là người biết thắng. Mọi sự che giấu, bao biện chỉ thêm kéo dài chuỗi thất bại mà thôi. Thương 3 liệt sĩ rời trần thế trước thềm năm mới, giận những người lãnh đạo các anh năng lực kém cỏi mà cứ khư khư giữ ghế ông nọ bà kia, lại cười cái tên tội phạm Khùa dám lật lại cả một triết thuyết:

Ta thắng địch thua

Tên Vàng A Khua

Dám chứng minh bố láo

Địch thắng ta thua.