Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Phải biết ngượng mồm

Nói lần này rồi thôi, quyết không bàn nữa.
TP Hà Nội vừa họp báo sơ kết việc tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Dĩ nhiên, thực hiện điều gì xong cũng nên sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm, khen đều này chê điều khác, xưa nay mọi thời đều như vậy. Nhưng vẫn còn chuyện đáng nói trong vấn đề này, tuy nhiên lần này nói xong tôi không bao giờ nói lại nữa. Lý do: tôi hy vọng nó sẽ chấm dứt, nếu vẫn còn thì là lỗi hệ thống rồi, thâm căn cố đế rồi, nhắc nhở cũng bằng thừa.
Ông Hồ Quang Lợi, người từng làm Phó tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, tiếp là Tổng biên tập báo Hànộimới (tờ báo từng có bài báo nổi tiếng của nhà báo Hoàng Thu Vân lớn giọng dạy dỗ mọi người cách yêu nước, tự hào dân tộc), đương kim Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, và bà Ngô Thị Thanh Hằng- Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đều khẳng định việc tổ chức đại lễ đã thành công tốt đẹp. Ừ thì Hà Nội tổ chức, Hà Nội tự khen, chả lấy làm lạ. Chỉ lạ ở chỗ cả hai ông bà đều cố ý nhấn mạnh việc Thường vụ Thành ủy quyết định không bắn pháo hoa tại 28 điểm để dành tiền ủng hộ đồng bào miền Trung, coi đây là một quyết định tức thời "chỉ vì miền Trung" tại thời đểm đã gần cao trào của đại lễ. Họ muốn coi đây là điều chói sáng, ân tình nhân nghĩa, thể hiện tấm lòng cao cả, ý thức sâu sắc, đầu óc thông minh của các vị lãnh đạo thủ đô.Tôi thì không nghĩ vậy, tôi cho là các vị nhận vơ, nói lấy được, nói liều, xem dân trí chẳng ra gì. Cũng phải nhắc luôn chuyện chỉ có mỗi chiếc máy bay trực thăng chở ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đi thị sát vùng lũ lụt, nhân tiện tham gia thả mì gói cho bà con, thế mà cứ ra rả rằng trong đội hình bay qua quảng trường Ba Đình có những chiếc vừa đi cứu trợ về. 1/10 nhưng cứ ù xọe bảo gần 10. Gớm, được thế thì quá tốt.
Dù có ngu muội, đầu óc lẩn thẩn, tôi cũng xin hỏi thẳng các vị: Nếu không xảy ra vụ nổ 2 container pháo hoa ở Mỹ Đình, các vị có quyết định như vậy không? Hỏi vậy thôi nhưng đã có sẵn câu trả lời rồi: Không đời nào! Chắc chắn đến thời điểm ấy họ chẳng hề có mối liên hệ gì giữa 2 vấn đề: bắn pháo hoa và ủng hộ đồng bào miền Trung. Có thể sẽ vẫn giúp dân Hà Tĩnh, Quảng Bình,nhưng ngừng bắn pháo hoa thì không nhé. Còn lý do không bắn thì muôn vàn lý do, có thể sợ không an toàn, sợ khủng bố, sợ đe dọa tính mạng các quan chức, sợ này sợ nọ... Xin đừng cố tình lập lờ, coi thường dư luận. Phần lớn dân chúng đều biết sự thực, nhưng trong bức màn sắt này người ta không nói ra đó thôi, đừng để cho người ta uất ức phải lên tiếng.
Hãy bỏ kiểu tuyên truyền cả vú lấp miệng em đó đi, các ngài ạ.
15.10.10

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Thất vọng toàn diện

Mình không phải là kẻ gây sự, xưa nay chưa gây sự với ai, ngược lại còn sợ tuốt tuồn tuột, như đàn bà sợ cả con gián con chuột.
Bữa nay lễ chính cái gọi là (nói theo văn phong của báo công an) Đại lễ ngàn năm, sáng 8 giờ vừa mở tivi để xem tường thuật trực tiếp mới được vài phút thì truyền hình cáp sạch trơn tín hiệu, 5 phút sau cả khu mất điện, chả biết có bọn phản động bin Laden nào phá sự tò mò (chứ không phải háo hức) của mình. Thôi đành chờ tối xem vậy.
Tối coi rồi tự dưng bực mình. Họ tuyên truyền đây là lễ nghìn năm có một, lớn nhất xưa nay, hoành tráng hiện đại chả kém ai...
Đúng, ở chỗ rất đông người, cả người biểu diễn lẫn người trên khán đài (có ông sắp kề miệng lỗ), nhà đài VTV bảo hơn 40.000 người. Khiếp.
Tớ làm con toán đơn giản: 4 vạn người, tập trong 3 tháng (đấy là báo lề phải nói), mỗi người được bồi dưỡng 100.000đ/người/ngày (tớ tạm tính thế, có thể hơn), riêng chi cho sức người nhảy nhót diễu hành là: 40.000 người x 90 ngày x 100.000đ = 360.000.000.000 (360 tỉ đồng). Hỡi đồng chí nhà báo núp bóng đờn bà Hoàng Thu Vân kia, khoản chi này có đáng kể chăng, hay nếu nói ra lại bảo miệt thị dân tộc, nhưng kẻ hèn này cho rắng để có hơn một tiếng đồng hồ diễu võ giương oai (chả nhát được ai) thế mà phải mất vài trăm tỉ thì xót quá.
Và cứ tưởng nhân cơ hội này ta cho mấy kẻ thù trong giặc ngoài lác mắt trước sức mạnh của ta, nhưng thôi, phô bày hết ra có khi lợi bất cập hại. Tuy nhiên nhìn cảnh đi đứng loạc choạc, đội ngũ bước thấp bước cao lại thêm cám cảnh. Chả làm thì đừng, còn đã làm thì ra trò, không làm được thì chẳng nên làm, ấy là biết vậy (thị tri dã).
Bộ Chính trị đã có chỉ thị về việc hạn chế hội hè, nhưng hội hè, qua đại lễ này thì chứng minh ngược lại, nói một đằng làm một nẻo.
Nhân đây nói thêm về sự kẻ cả của nhà báo Hoàng Thu Vân (trên tờ Hànộimới). "Bà" Vân lập luận rằng ai đó nói chi phí lên đến 94.000 tỉ đồng là bố láo, sao không tính đến cầu này đường nọ, công trình ấy dự án kia... Tôi lại nghĩ rằng đừng có nhập nhèm, nếu những thứ ấy được ngân sách quốc gia chi vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội thì phải rành mạch, kẻo bị kẻ xấu tham lam núp bóng lợi dụng sẽ thất thoát to đấy. Một cây cầu A nào đó, có khoản chi thật, lại thêm khoản chi ảo (núp bóng đại lễ) bỏ túi riêng thì núi tiền cũng chả đủ, chỉ chết người đóng thuế.
Xem mấy ông thùng rỗng kêu to thực hiện đêm nghệ thuật tổng hợp ở sân Mỹ Đình tối 10.10, càng thêm tiếc tiền. Giời ạ, không có người tài như Trương Nghệ Mưu thì thôi, giao cho mấy vị không chuyên, thực tài thì ít phét lác thì nhiều, bắt dân tình ăn món hổ lốn nhạt nhẽo, nhố nhăng ấy, người ta bực bội trong lòng, không chửi vống lên là may.
Buồn, bực, chả nhẽ xin anh Chí Phèo nhượng lại cho cái lò gạch.

Đêm đại lễ song thập 2010

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Ơ hờ Dung Quất, ơ hờ ngư dân

Báo chí hôm nay đăng 2 thông tin có liên quan đến Quảng Ngãi, bức xúc quá phải nặn thành chữ.

Chuyện thứ nhất:
Sau bao nhiêu trục trặc trúc trắc, tưởng không thể gượng nổi, nhờ quyết tâm duy ý chí của chính phủ, nhất là thủ tướng, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động hồi tháng 2.2009. Và đến cuối tháng 9.2009, mẻ xăng đầu tiên đã ra lò trước sự hí hửng của các vị ấy nhưng người tiêu dùng thì chưa mấy mặn mà. Chính phủ buộc phải chỉ đạo từng bước giảm nhập khẩu xăng dầu, thay vào đó là tiêu thụ xăng Dung Quất, giao cho PV Oil được độc quyền phân phối, các doanh nghiệp phải tiêu thụ. Nhưng thời trước thì có thể ép được như thế chứ nay thời kinh tế thị trường, dễ gì ép nhau. Tôi chưa tin anh, tôi chưa dám liều. Rõ nhất là các hãng tàu bay. Mặc dù truyền thông nhà nước theo chỉ đạo ra sức rêu rao rằng các khách hàng Singapore hiện đại là thế còn chấp nhận mua xăng máy bay Dung Quất nhưng cả Vietnam Airlines lẫn Jetstar Pacific giá rẻ cứ lắc đầu quầy quậy. Tính mạng hành khách là trên hết, vả lại mỗi chiếc tàu bay cả một đống tiền, chưa thể đánh con bài liều được. Mà thực ra giá xăng chẳng những không rẻ hơn xăng nhập lại còn cao ngất (đương nhiên chi phí vận chuyển lớn, chi phí thiết bị máy móc ban đầu cao... nên giá phải cao) khiến khách hàng quay lưng. Hôm nay 6.10, các báo đồng loạt thông tin xăng Dung Quất ế rệ, có báo nói tồn kho 750.000 tấn, có báo bảo cả hơn triệu tấn. Thế thì chết thật rồi. Đầu vào cưỡng ép, đầu ra bế tắc, chịu không nổi nó nổ phình lên một phát thì có mà phá sản. Đọc tin báo chí chính thống, thấy các vị có trách nhiệm vòng vo lý sự rằng tại dầu thô vẫn phải liên tục nhập về, nhà máy vẫn phải vận hành, sản lượng không được giảm, nhiều hợp đồng nhập khẩu của Petrolimex đã ký từ trước nên không thể ngưng được...vì vậy xăng Dung Quất bị tồn kho. Nghe vậy thì biết vậy. Nhưng người ta xì xào rằng nguyên nhân chính là chất lượng chưa đạt (không dám nói là kém, phỉ phui cái miệng), cộng thêm giá cao, cho nên ế. Giá như thời bao cấp, mày không mua ông cứ nhét vào tận tay cũng phải nhận, xấu tốt gì cũng phải nhận. Nhưng hỡi ôi, nay là kinh tế thị trường (định hướng XHCN) mất rồi. Cứ kiểu này, dám phải viết sớm lời ai điếu cho Dung Quất mất thôi.

Chuyện thứ hai:
Cách nay gần một tháng, ngày 11.9, tàu (chiến) kiểm ngư Trung cộng bắt giữ chiếc tàu cá số hiệu QNg-66478TS của ngư dân Quảng Ngãi, trên có 9 người đánh cá trong tay không một tấc sắt ở vùng biển Việt Nam, vu cho họ trữ thuốc nổ, vi phạm vùng chủ quyền Trung Quốc. TTXVN đăng tin cho biết Bộ ngoại giao nước ta cực lực phản đối, đỏi Trung cộng thả ngay, vô điều kiện thuyền và ngư dân. Cũng theo TTXVN thì sự phản đối cực lực đó là "gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, sau đó đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam giao thiệp (tôi ghét cái từ này lắm) gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc (không cho biết gặp ở đâu, tại Bộ NG hay tại ĐSQ TQ) để trao đổi. Theo BBC, đại diện sứ quán TQ phản bác (kiểu cãi chày cãi cối), còn đại diện VN thì đòi thả ngay. Hết. Vậy là chưa biết bao giờ những ngư dân đáng thương mới được về với vợ con đang vọng phu vò võ.
Tại sao lại thế? Nước nhỏ nhưng đừng nhược tiểu thì mới khỏi bị khinh, thế giới mới trọng. Hãy xem họ. Trung Quốc, đường đường nước lớn, nhưng về sức mạnh, so với Nhật Bản, bên tám lạng bên nửa cân. Vậy mà khi thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng của tàu cá Trung Quốc bị Nhật bắt giữ do cố tình đâm vào tàu tuần tra Nhật (Trung Quốc sai lè lè), Bộ ngoại giao Trung Quốc đã 5 lần triệu tập đại sứ Nhật để đe dọa, phản ứng, đích thân thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố này nọ, cuối cùng Nhật phải xuống nước thả thuyền trưởng Chiêm. Chả lẽ Trung Quốc được phép làm thế, còn ta thì không. Xưa cụ Nguyễn Trãi từng khẳng định "tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt không bao giờ thiếu", thưa cụ Nguyễn, nước Việt ngày nay thiếu vắng hào kiệt thật rồi.
Hỡi ơi, trong một ngày ngắn ngủi, lòng ta ơ hờ không dứt, đau đớn lắm.

Viết trong mùa bão lũ, thu Canh Dần.

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Bội thực Chiếu dời đô

Cổ nhân dạy rằng bất cứ cái gì thái quá cũng đều không tốt. Chả thế mà ăn no quá, ních bụng thì chỉ thấy nặng bụng, mệt mỏi chứ nào biết ngon ngọt gì. "Yêu" quá thử xem, chết "bất đắc kỳ tử" như chơi...
Mấy tháng nay, nhất là những ngày gần đây, hễ cứ giở tờ báo, mở tivi, bật internet là thấy hiển hiện Chiếu dời dô. Mình vừa ở Hà Nội về, đi có mấy đoạn đường mà nhan nhản phiên bản Chiếu dựng chỗ này chỗ khác. Lại mấy anh cơ hội, nhân dịp ngàn vàng để nổi danh này quyết ăn theo Chiếu. Ông thì cho tạc vào đá ngọc, ông thì cho đúc đồng, có anh cặm cụi viết sao ra nghìn bản, có chị cố công lục tìm trong đống bản khắc cổ mà mình đang quản lý để hô lên kể công, v.v.. Vị nào cũng đòi lập kỷ lục, chỉ dân tình là ngao ngán, ngán hơn cả cơm nếp nát ăn kèm thịt mỡ, ứ đến tận cổ.
May mà tự dạo bấy đến nay cũng chỉ vài lần thiên đô, mà cũng chỉ cụ Lý mới ban Chiếu. Chả hạn hồi những năm 60 thế kỷ trước, mấy ông cầm quyền quyết đời đô lên Xuân Hòa (Vĩnh Phú), rồi tính lại không dời chứ nếu dời, ban Chiếu chắc con cháu bây giờ chết ngạt vì phải đắp quá nhiều Chiếu.
Cái này mới đáng nói: Người ta cứ thích làm theo chủ quan, bất chấp lẽ phải, bất chấp sự thực khách quan (mặc dù mấy anh cộng sản lúc nào cũng ra rả kêu gào duy vật, tôn trọng khách quan). Theo tôi, tôn vinh Lý Thái Tổ, tôn vinh Chiếu dời đô cũng nên có chừng có mực. Ai đã đọc văn bản này đều thấy rõ đức Lý Thái tổ để tự tôn xưng mình đã làm cái việc không được hay lắm là miệt thị 2 triều Đinh, Lê. Cụ viết: "Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương, Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây (ý nói Hoa Lư- người viết), đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi...". Lý lật Lê lại bảo Lê vận số ngắn ngủi do không chịu dời Hoa Lư, vậy Lý chỉ tồn tại hơn trăm năm, bị Trần Thủ Độ diệt tàn bạo ngay tại Thăng Long, đừng đổ lỗi cho nhà Trần.
Trong bản Chiếu này, nếu chúng ta bây giờ tung hô quá đáng, chắc mấy anh Tàu thích chí. Vua Lý viết: "Huống chi thành Đại La đô cũ của Cao Vương". Ai chẳng biết Cao Biền tướng nhà Đường sang đô hộ Nam Việt, là một kẻ cai trị tàn bạo, theo Lý Thái Tổ, vì Cao Vương (vua Cao) đã đóng đô ở đây thì cớ gì ta không theo. Tôi cho rằng, về mặt độc lập tự chủ, các vua Đinh, Lê hơn hẳn Lý, và đương nhiên hơn rất nhiều triều đại hiện tại.
Chỉ tiếc các nhà sử học đương thời cứ băng keo dán mép, ngậm miệng ăn tiền, chả ai dám nói gì.
Ngày tận thu Canh Dần 2010.