Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Gặp bạn Dừa

1.Nếu tính từ cuộc gặp trước đến lần nhìn thấy nhau này cũng đã tròm trèm 38 năm. Ghê thật.
Đang lúc rỗi việc lẩn thẩn ngồi gõ vi tính mấy câu nhăng nhít, chợt chuông réo, dòm số hóa ra bác Ất. Bác bảo chú thử xem có nhận ra giọng ai đây không? Nói thêm một tí ti, ông anh đương chức Phó chánh văn phòng Công an Sài Gòn, hai anh em ít gặp nhau vì đều bận cả, chị Ất (tên Ngận, sau gọi lại cho đẹp là Ngân, bỏ dấu nặng) là em anh Thường bạn học anh Uy, cụ thân sinh ra chị hình như có bà con xa thật xa với bu mình, ấy cứ lằng nhằng thế nhưng anh chị tình cảm ra phết.
Quay lại chuyện dở dang. Mình chờ máy. Giọng con gái nhẹ như gió thoảng: Thông ơi còn nhớ ai đây không. Quả thực mình không nhận ra ngay, phải định thần chốc lát. Gió lại thoảng: Hồi học với nhau hai đứa hay ganh đua được cô Nga chọn đọc bài ấy. Rõ rồi, chi tiết đắt thế thì ai mà quên được. Bạn Dừa. Phạm Thị Dừa. Gần 40 năm mới lại nghe tiếng nhau, nhưng Dừa ơi, tớ đang phiên trực khó bỏ đi quá. Mai gặp được không hở? Dừa bảo sáng mai tớ bay ra Phòng chuyến 10 giờ. Ừ, vậy sáng mình sẽ qua sớm.
Hồi học cấp 3, bọn xã Thụy Hương bị xếp chung lớp với bọn các xã Kiến Quốc, Ngũ Phúc, Hữu Bằng và Thanh Sơn, gom thành lớp 8A, lên đến lớp 10 cũng 10A. Xã Thanh Sơn là trung tâm huyện nên trông chúng nó đỡ nhếch nhác hơn học trò các xã khác, con gái cũng đẹp hơn. Hồi lớp 8 năm ấy là khóa 1969-1970 còn có cả bọn sơ tán ở Hải Phòng về, lớp mình có mụ Ngọc Châm cao lớn như tây, xinh đẹp, con nhà dòng dõi trông rất thích mắt. Châm vốn học chung với mình từ lớp 6, hết lớp 8 về lại nội thành làm bọn con trai tiếc ngẩn ngơ (mình không tiếc vì tự biết không thể với đến nó), sau nó du học Liên Xô, biết cả chị Hoa nhà mình bên đó, tốt nghiệp về nước công tác tại Bộ Giáo dục làm đến chức Vụ phó Vụ Mầm non. Cả lớp phổ thông hình như chỉ nó làm quan to nhất. Tài hoa nhan sắc nhưng bạc mệnh, Châm bị ung thư mất hồi năm 2000 gì đó mình không nhớ kỹ, các bạn cũ thương tiếc lắm. Còn một bạn gái khác là Vũ Thị Phòng ở thôn Tú Đôi xã Kiến Quốc. Mình hay trêu nó “Tú Đôi ăn gạo giằng xay/Uống nước dõng cày khổ lắm con ơi” nhưng nó không giận bao giờ. Để đến trường, nó phải đi qua nhà mình ngay sát đường, có hôm mình vừa bưng bát cơm lên chưa kịp và đã nghe nó phanh két cái xe đạp phượng hoàng ngay cửa ới ới ầm lên Thông ơi đi chưa. Nó toàn lên giọng cao, nghe chua chua nhưng bu mình bảo mấy đứa như thế tốt tính lắm, mà đúng như vậy. Mình không có xe đạp toàn đi bộ, chiếc xe thiếu nhi Liên Xô anh Uy học giỏi được mua tiêu chuẩn, nay đi bộ đội để lại cứ nay hỏng mai hỏng chả có phụ tùng thay, những hôm học tối đành quá giang để nó đèo về, mình nhát gái ngồi ba ga phía sau cứ nhích xa xa, mặt trông ngường ngượng buồn cười đáo để.
2.Từ nhà mình đến trường huyện khoảng 3 cây số nhưng nếu theo lối tắt qua đèo Đối thì gần hơn. Đường tắt qua làng Xuân La còn gọi là làng Đối, tre pheo cây cối um tùm. Nhóm cùng lớp làng Đối đông lắm, bọn con trai nghịch phá như quỷ, bù lại có hai bạn gái cực kỳ dễ thương: Dừa họ Phạm, Tường họ Ngô, đứa nào cũng lót chữ Thị. Cả hai giống nhau nhỏ nhắn, có lúm đồng tiền, Tường sắc sảo, còn Dừa ít nói, hiền hơn. Dừa học giỏi lắm, hồi cuối cấp 2 (lớp 7 bấy giờ) mình đi thi học sinh giỏi văn toàn huyện, có cả nó, mình giải nhì được tặng chiếc bút máy con trâu TQ màu đen, còn nó giải nhất; sau thi toàn thành phố mình trượt thẳng cẳng, nó vẫn có giải. Cô giáo dạy văn hồi cấp 3 những mấy cô cơ, lớp 8 là cô Điệp, lớp 9 thầy Tòng, lớp 10 cô Nga và có lẽ cô Nga để lại ấn tượng nhiều nhất. Trường cấp 3 huyện hồi ấy nhiều thầy cô nổi tiếng lắm, như thầy Tân, thầy Quán (cũng họ Phùng tên Quán) dạy toán, thầy Nguyễn Văn Dừa, cô Vương Ngọc Bảo môn tiếng Trung, thầy Bảy già dạy Địa, cô Tâm môn Sinh, sau có cô Dung đẹp nổi tiếng tóc dài chấm đất dạy Hóa… Lúc nào rảnh mình sẽ kể thêm về những kỷ niệm hồi học các thầy cô, nhiều cái vui lắm, buồn cười lắm. Cô Nga được lũ học trò yêu mến một phần vì cô là người miền Nam; mẹ cô dân tập kết, lúc ấy làm cửa hàng trưởng hay phó gì đó ở cửa hàng thực phẩm huyện.
Cô Nga rất quý cái Dừa bởi nó ngoan, dịu dàng, học giỏi, thuộc bài vanh vách, bài làm văn của nó luôn được cô cho điểm 4 hoặc 5. Nó đọc nhiều, mình có cảm giác hầu như cuốn sách nào mình biết thì nó cũng đã đọc từ hồi nảo hồi nào, khỉ thế chứ, chả bao giờ ai hơn nó được cái gì . Bài tập làm văn (hồi ấy gọi bài luận bằng tên như thế) của Dừa luôn tạo sự chú ý, khi thì mở bài độc đáo, khi thì có nhiều ý hay, rồi diễn đạt, hình ảnh ấn tượng, thậm chí chữ cũng đẹp hơn, hoặc bài dài hơn. Cả lớp ai cũng phục nó, bé con con mà giỏi khiếp. Tất nhiên nó không giỏi toán bằng bọn thằng Cự, thằng Thành, cái Phòng, thằng Cải, anh Tiến (mấy đứa này đúng là siêu toán) nhưng cũng không đến nỗi kém, còn mình giờ điểm lại thì hình như suốt 3 năm cấp 3 chưa giải được bài quỹ tích hoặc hình học không gian nào ra hồn, chả hiểu sao lại đỗ được tốt nghiệp. Đặc biệt hồi lớp 10 mình và nó cứ ngấm ngầm ganh đua lấy điểm với cô Nga chuyện đọc bài. Giọng mình to, oang oang (giờ già rồi mà vẫn chả cần tăng volum), nghe rõ như đài tiếng nói Việt Nam, còn giọng nó nhỏ hơn nhưng truyền cảm, nó biết lên bổng xuống trầm, biết căn vào nội dung để đọc ra sao nên cô và bọn bạn có vẻ thích nó đọc hơn. Lúc đầu mình hiếu thắng cứ tưởng bở nhưng sau hiểu chắc cô Nga cũng thương mình thỉnh thoảng kêu đọc chứ chắc cô muốn nó đọc hơn, giờ nghĩ lại thấy thật xấu hổ.
Nhà cái Dừa gần chân núi Đối, mình còn nhớ có tảng đá rất to chênh vênh phía trên đỉnh, luôn lo sợ lỡ lăn xuống thì cả xóm bẹp dí. Đầu làng cuối xóm xanh ngắt, cây cối um tùm, nhiều nhất là tre và dùng. Làng Đối nhỏ nhưng giàu hơn nhiều làng khác, xã khác bởi dân làng này có nghề đan lát, lại giỏi trồng trọt. Hầu hết thúng mủng giần sàng, giậm nơm đó giỏ… bằng tre nứa bán ở chợ huyện do làng cái Dừa đan. Đất đai chật hẹp thế nhưng họ biết trồng trọt chuyên canh, rất nổi tiếng về dưa hấu và dưa chuột. Không ít lần mình và các bác Tiến, Cước (cùng làng cùng lớp nhưng trong họ ở vai bác, mình chỉ cao bậc hơn mỗi tí Luyện là em con cậu ruột, cả xã năm ấy chỉ có 4 đứa vào lớp 8) chui vào ruộng dưa chuột ăn trộm, chả biết đã trộm phải ruộng dưa nhà cái Dừa lần nào không. Mình cũng đã vào nhà cái Dừa, cái Tường chơi, đều nhà ngói sân gạch, nhỏ xinh. Nó có khá nhiều sách nhưng mình chẳng dám mượn, phần vì nhút nhát, phần vì sợ lỡ mất không có tiền mua đền. Hôm từ nhà Tường sang nhà Dừa, gặp nó ngay ở cổng, nó cười đón, hai cái lúm đồng tiền rõ sâu, cứ nhớ mãi chả thể quên được.
Học kỳ 1 năm lớp 10 có nhiều biến động. Thầy Mễ dạy lý, chủ nhiệm lớp và nhiều bạn nhập ngũ, trong đó có bác Tiến, Thành, Thảo, Như, Xuân Thắng, Biên tây, Thanh (lớp trưởng lớp B)…, cả lớp kéo nhau đến từng nhà liên hoan chia tay. Thằng Thành dạo ấy yêu cái Tường nhưng nó không yêu lại, đâm chán, quay sang yêu cái Nga người Thái Bình em thầy Linh. Tối 16.4.1972 đúng ca mình và thằng Thành cái Nga trực trường, dạo này Mỹ ném bom trở lại nên nhà trường phân công học sinh lớp cuối cấp trực canh gác trường. Mình rõ vô duyên khi trực trúng ca với hai đứa ấy. Anh chị ngồi bên nhau cứ rủ rỉ trò chuyện suốt làm mình chả học mà cũng chả ngủ được. Mà chúng cũng chỉ dám ngồi bên nhau vậy thôi chứ không thấy cầm tay cầm chân hôn hít gì. Hồi xưa yêu nhau khờ khạo mà trong sáng quá thể. Bữa chia tay ở nhà Thành tại xã Minh Tân, cái Nga mắt đỏ hoe. Thằng Thành vào chiến trường Quảng Trị năm 1973 có gửi về cho mình mấy lá thư viết trên giấy pơ luya xanh, mẫu thư của bọn thủy quân lục chiến Sài Gòn in hình đầu con hổ, mình giữ mãi đến khi vào Nam thì lạc đâu mất. Đúng đêm trực nói trên, lúc gần sáng máy bay kéo vào, bom nổ sáng rực góc trời phía cầu Niệm lối vào thành phố, cả bọn sợ co rúm, cái Nga mặt xanh lét. Sáng hôm sau nghe tin B52 rải thảm trận địa tên lửa thôn Phúc Lộc xã Hưng Đạo gần cầu Niệm nhưng trúng xóm dân cư, chết gần trăm người, mấy chục người khác bị thương.
3.Niên khóa phổ thông của mình cũng chỉ có gần chục đứa trúng đại học. Mình vào Văn khoa Tổng hợp, cái Dừa, cái Băng đậu Sư phạm Cầu Giấy, thằng Cự khoa Địa Tổng hợp, thằng Chân trường Thủy lợi, thằng Khuê du học… còn hầu hết đi trung cấp hoặc sư phạm 10+3. Từ khoa Văn Tổng hợp ở Mễ Trì sang Cầu Giấy phải đi 2 chặng tàu điện, vậy mà nó từng sang mình chơi, còn mình chưa hề qua bên nó, tệ thế không biết. Năm 1974 các trường đi đắp đê sông Đáy, trường Dừa và trường mình cũng đóng quân gần nhau tại Bình Đà, Sơn Tây nhưng chỉ kịp gặp chào nhau thôi, đứa nào đứa nấy lấm lem, trông loắt choắt loi choi như trẻ con. Mãi khi ra trường vào Nam nhận công tác mình mới biết Dừa cũng được biệt phái vào tận Đồng Tháp dạy học, mà hồi những năm 77-80 tàu xe cực kỳ khó khăn nên chả đến thăm nhau lần nào. Nó ở đó khoảng 6 - 7 năm gì đó rồi chuyển ra Bắc, về trường huyện, rồi phòng GD huyện, bến đỗ cuối cùng là trường chuyên cấp 3 Trần Phú, Hải Phòng, hàm Phó hiệu trưởng. Mình chả biết thêm có đứa nào được xếp vào danh sách “người của công chúng” nữa không nhưng như nó thế cũng oai, vua biết mặt chúa biết tên rồi. Một dạo tên tuổi Dừa ồn cả lên khi cô hoa hậu Mai Phương học trò nó “mất tích”, bọn nhà báo cứ xúm vào tìm thông tin từ cô hiệu phó, rồi lại có dạo ồn hơn nữa khi xảy ra vụ PMU 18 bắt hai nhà báo, một trong 2 vị đó là lão Nguyễn Việt Chiến bạn mình cùng cơ quan, còn thằng kia là Nguyễn Văn Hải báo Tuổi Trẻ. Thì vậy nhưng dính dáng gì đến nó? Hóa ra thằng Hải là con rể Dừa. Thằng Hải trẻ nhưng giỏi giang, có tiếng trong làng báo, đáng mặt giai tế cô Dừa.
Mình ngồi nói chuyện với nó, chuyện cũ nhớ lại nhắc lại mãi vẫn không hết, chị Ngận ngồi cạnh cười tủm tỉm. Hỏi nó sao lại đến nhà anh Ất chị Ngận, nó tròn mắt dễ thương: tớ là cô của cái Ngận, không nhớ cùng họ Phạm à. Ơ, nếu mình gọi bà Ngận là chị thì cũng chỉ hàng cháu nó. Gần sát giờ ra sân bay, mình nhắc nó chuẩn bị, nó vẫn không tỏ ra vội vã, còn chị Ngận bảo từ đây ra sân bay gần xịt ấy mà, taxi chạy tí là tới. Bất chợt Dừa bảo sao hồi ấy chúng mình không yêu nhau, lấy nhau nhỉ. Ừ, con tạo xoay gần 40 năm rồi, hỏi nhau câu đó cũng đâu cần câu trả lời. Mình chỉ mái tóc nhuộm loang lổ, rụng lơ thơ của mình cho nó coi, nó bảo cậu vẫn thế, vẫn đáng yêu thế. Chị Ngận cứ tủm tỉm. Chia tay tạm biệt, mình ôm nó thật lâu, bồi hồi chẳng biết nói gì. Một người bạn tốt sắp xa nữa, tiếng nó như gió thoảng, sao mình thấy bóng hình nó cứ nhòe dần mờ dần, chập chờn mãi thôi.
Cận tết Tân Mão 2011

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

Trí thức chỉ là cục cứt

Ai đã trót lướt qua dòng tiêu đề trên, hãy chịu khó dành thêm 3 phút đọc nốt. Lý do: nhà cháu phải viết dưới dạng ghi chú mới chuyển tải được hết.

Câu nói trên không phải của tôi. Người tầm thường như tôi không thể phát ra được câu danh ngôn như thế, dù danh ngôn đểu. Nó thuộc bản quyền ông đệ nhất hoàng đế cộng sản Mao Trạch Đông. Tôi chắc lão Mao trong lúc bực lắm hoặc nung nấu sự khó chịu lắm với bọn trí thức mới lập ngôn chắc như đinh đóng cột thế. Nhưng kẻ thường tự xưng là tinh hoa nhân loại, bọn trí thức ấy, nghe Mao chửi đừng khó chịu nhé, cũng nên tự xem lại mình.

Dài dòng rườm rà vậy, bởi đầu đuôi thế này. Tôi vừa xem tivi (cách đây 30 phút), mà lại xem trúng chương trình Ai là triệu phú, mà lại trúng phiên các ông bà trẻ có sồn sồn có, tạm gọi là trí thức bởi họ là nhà văn, đạo diễn, diễn viên điện ảnh, kỹ sư ngồi trước cái ghế nóng của anh Lại Văn Sâm. Họ ham vui, kệ họ, nhưng họ mang danh trí thức mà... ngu, kiến thức không đủ nhét đầy vỏ con ốc bươu vàng, đã thế còn chường mặt ra trước bàn dân thiên hạ, nên tôi bực mình, phải lắm chuyện chả khác gì con mẹ hàng tôm hàng cá. Nếu họ là nông dân vùng xa, là người thểu số ít học, tôi chả rỗi hơi quan tâm.

Đại loại thế này:

Chương trình đưa ra câu hỏi: Làng Sình là nơi vẽ tranh dân gian, truyền thần nổi tiếng, thuộc tỉnh nào ở nước ta (4 phương án): Huế, Hà Tĩnh, Quy Nhơn, Bình Định. Ôi giời, tưởng gì, chả mấy ai không biết không nghe không đọc, ít nhất một lần câu hò sông Hương "đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá/Đò từ Vĩ Dạ thằng ngã ba Sình", cái nhà ông Sâm này đúng là đố trẻ con. Ấy vậy mà người trả lời, bạn biết ai không, nhà văn (nhà văn hội viên hội ông Hữu Thỉnh nhé) Trần Thị Trường, mặt thần ra, lúng ta lúng túng, cuối cùng nện cho một phát: Hà Tĩnh. Tôi chắc ông Lại Văn Sâm không dám cười mặc dù bụng sắp bể. Đố dám, cười khác chi chửi cha các anh chị ông bà tự xưng là nhà văn, được mọi người kính nể gọi là đỉnh cao trí tuệ. Cười, lần sau gặp nó, nó thuê côn đồ đánh bỏ mẹ, hoặc nó viết bêu xấu trong truyện của nó thì nguy.

Nhà văn trí thức Trần Thị Trường bị knock-out, ghế nóng trường quay số 3 nhường cho một anh khác, tôi nhớ không nhầm thì là đạo diễn, tên Lê Kha. Cũng bậc tinh hoa thiên hạ đây. Ông Sâm ơi, tôi thầm thì, có hỏi gì thì cũng vừa vừa dê dễ thôi nhé, kẻo lại xấu mặt trí thức nước nhà. Chả biết thần giao cách cảm ra sao nhưng tôi nghe lão Sâm hỏi: Trong các địa danh sau đây, nơi nào là kinh đô của nhà nước Văn Lang cổ: Đại La, Long Biên, Mê Linh, Phong Châu. Nhìn anh đạo diễn nhăn mặt, tôi thương cho giới trí thức, những người được coi là có học nước nhà quá. Có lẽ họ được đào tạo từ Tây- Tàu nên thứ kiến thức phổ thông sơ đẳng này họ không biết, cũng có thể họ mất gốc, cũng có thể họ chỉ là cái thùng rỗng, sơn màu mè bên ngoài. Câu hỏi này đứa trẻ con trung học cơ sở nó cũng trả lời đúng đáp án "Phong Châu", nhưng anh trí thức nhà ta lại cứng họng, đầu hàng.

Tiếp theo, một chàng kỹ sư rất đẹp giai, mặt mũi sang sủa như Kim Trọng hồ hởi bước ra. Lão Sâm hỏi: Bức tranh Chơi ô ăn quan của danh họa Nguyễn Phan Chánh được ông vẽ bằng chất liệu nào sau đây: bột màu, sơn dầu, lụa, sơn mài. Thú thực, tôi chả rành gì về hội họa, một kẻ ngoại đạo vẽ vời trăm phần trăm, nếu giỏi như các bác Bùi Thanh Phương, Nguyên Hưng, Nguyễn Quân thì đi một nhẽ, thế mà cũng chưa từng nghe ai nói ai viết tranh sơn mài (bột màu, sơn dầu) Nguyễn Phan Chánh. Có thể cụ Phan cũng từng sáng tác bằng những chất liệu ấy, nhưng hình như bắt chết vào cụ là lụa, và hình như người ta chỉ nhắc đến lụa Nguyễn Phan Chánh. Hết 30 giây, anh đẹp giai Vũ Thành Duy rụt rè, không một chút tự tin: bột màu là đáp án của tôi.

Ới các ông các bà tinh hoa tinh túy đỉnh cao ơi, các ông bà cứ như thế nên đảng loại các ông bà không cho đứng chung đội ngũ quanh đảng là phải "ngàn triệu dân nắm tay nhau, đứng quanh đảng cộng sản Việt Nam, khối kết đoàn công nông bền vững". Ngu thế, kiến thức nhẹ hều như thế thì đừng cố mà xin xỏ chen chân làm gì, công nông họ cười cho. Trí thức kiểu các ông các bà chỉ có thể đóng kép làm trò cười cho thiên hạ thôi, nặng lời hơn thì như Mao sổ toẹt "trí thức chỉ là cục cứt".

Đoàn thể đã không cần các vị, thải loại các vị không thương tiếc, nhưng dân chúng cũng chẳng thể hy vọng chờ đợi gì ở các vị. Đã ngu lại hèn thì...

Thật cám cảnh.

Trước thềm xuân Tân Mão 2011