Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Nói phải củ cải cũng nghe

Bạn tôi vừa gửi cho tôi một bài trao đổi có liên quan đến nghề nghiệp, tôi thấy những ý kiến có lý có tình nên xin phép lưu giữ vào nhật ký của mình. Xin cám ơn tác giả Irina và người gửi.
Tôi cũng đã đọc bài của nhà báo Nguyễn Việt trên báo An ninh thủ đô, cứ buồn cười với cách lập luận yêu nước mà cũng phải đúng cách với không đúng cách. Thủ trưởng tờ báo là người quen, tôi rất kính trọng nên chả tiện bày tỏ ý kiến cá nhân mình.

Về bài “Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách

(thư gửi nhà báo từ một người không phải là nhà báo)

Kính gửi nhà báo Nguyễn Việt!

Nhân đọc bài viết Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách” của nhà báo, tôi xin phép được trao đổi với nhà báo vài suy nghĩ và tâm sự của một người không phải là nhà báo.

Thưa nhà báo!

Tôi thấy bài Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách phản ánh một tư tưởng của thời tập trung quan liêu, bao cấp rất rõ nét- một quan điểm và phương pháp mà Đảng và nhà nước đã phê phán và kiên quyết từ bỏ. Theo lối tư duy thô thiển và thủ cựu đó, nhà báo muốn bày tỏ rằng, mọi lối suy nghĩ, tình cảm và hành động của người dân phải chờ nhà nước ra chỉ thị hoặc chỉ đạo mới được làm. Có phải vậy không?

Nguyễn Việt ơi, tôi muốn nhắc nhà báo rằng, Đảng và nhà nước ta đang chủ trương xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh. Đã dân chủ thì người dân có quyền bày tỏ chính kiến của mình dưới nhiều hình thức, đặc biệt là chính kiến bày tỏ lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay. Đã Văn minh thì trước những biểu hiện văn minh như hành vi của những người tham gia biểu tình thì đại diện cho nhà nước phải có những hành động văn minh để đáp lại chứ?

Tôi đồng ý với nhà báo rằng “Ngay lúc này đây, chúng ta càng thấm thía sự đoàn kết, tỉnh táo, đồng lòng của mỗi con dân nước Việt là điều quan trọng nhất để bảo vệ, xây dựng đất nước và tôi thấy những người tham gia biểu tình đã bày tỏ tấm lòng của họ muốn cùng chính quyền bào vệ tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ đó thôi. Vậy mà suốt thời gian cả mười cuộc biểu tình ở Hà Nội và rất nhiều cuộc biểu tình ở Sài Gòn và các địa phương khác đã diễn ra mà không có một nhà báo nào dám đưa bất cứ một thông tin nào về họ. Có phải họ vẫn chờ lãnh đạo chỉ đạo một cách bao cấp không? Vậy mà khi nhận được cái thông báo cấm biểu tình không hợp lệ thì hàng loạt báo chính thống lại đăng ngay. Đăng vậy rồi mới mâu thuẫn chứ: người thì bảo biểu tình là biểu hiện lòng yêu nước nên nhà nước không chủ trương đàn áp, không phải người (vì cái thông báo chẳng ai ký cả) thì bảo cấm, nếu vi phạm thì “xử lý”. Cứ “sắc sắc, không không” thế này thì dân biết đằng nào mà lần. Thử hỏi đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ở đâu? Nếu chính quyền và các nhà báo thấy những biểu hiện yêu nước đó là không đúng sao không đối thoại với họ một cách bình đẳng, hợp hiến, “dân chủ và văn minh”?

Tôi đồng ý với nhà báo rằng, chúng ta “cần phải sử dụng dư luận quốc tế đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền quốc gia”. Vậy tôi đã thấy những người biểu tình yêu nước đang cùng với nhà nước bày tỏ cho quốc tế thấy được lòng dân và ý nguyện quốc gia đang hòa vào một để kêu gọi sự hậu thuẫn từ phía họ. Còn việc nâng cao nhận thức của của người dân, thì…nói thật. Người dân có biết gì đâu? Các thông tin có được thông báo đầy đủ đâu? Những người bị hại chỉ biết âm thầm chịu đựng, đến lúc không chịu được thì…nói thật, ai thương họ, ai thấu hiểu cho họ thì họ bày tỏ thôi. Cái này cũng là một thiếu sót về tác nghiệp và đạo đức của người làm báo đấy. Niềm tin của người dân mất dần đi vì lẽ đó đấy.

Anh nói: Nhưng lòng yêu nước cần phải thể hiện đúng cách”. Hãy định nghĩa thế nào là đúng cách? Những dòng này của anh làm tôi nhớ lại hồi tôi còn nhỏ, vào những năm 60 của thế kỷ trước, tôi vẫn theo mẹ tôi đi biểu tình quanh Bờ hồ. Thấy mẹ mặc áo dài, tay cầm lá cờ nhỏ, tôi hỏi mẹ: đi biểu tình làm gì hả mẹ? Mẹ nói, “mình là công dân, biểu tình để thể hiện trách nhiệm với đất nước con ạ, để bày tỏ lòng yêu nước và cũng cho thế giới biết nước mình đang còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn đồng lòng xây dựng đất nước!”. Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của những lời mẹ giải thích, tôi cũng chẳng hiểu mình thể hiện lòng yêu nước đúng cách hay không, nhưng thấy được gọi là người yêu nước, tôi tự hào lắm. Sau đó, tôi còn theo mẹ đi biểu tình ủng hộ đồng bào AnGiêry, ủng hộ nhân dân Cu Ba nữa. Tôi còn cùng các bạn đi nhặt giấy vụn làm kế hoạch nhỏ để làm nghĩa vụ quốc tế nữa. Về sau, lớn hơn tôi đã hiểu, biểu tình là một cách bày tỏ chính kiến của công dân, một trong những chính kiến đó là lòng yêu nước, yêu hòa bình.

Câu nói của anh “lòng yêu nước cần phải thể hiện đúng cách” cũng lại làm cho tôi nhớ lại một câu chuyện khác, khi tôi đã được học nhiều hơn, có chính kiến rõ ràng hơn. Đó là lúc chúng tôi đang học dự bị ở CHLB Nga, Liên xô (cũ) đang chuẩn bị đón tổng thống Mỹ sang thăm. Lúc bấy giờ đang là thời kỳ chiến tranh lạnh, hẳn là tình hình chính trị thời đó rất nhạy cảm. Trong chương trình liên hoan văn nghệ nhân dịp kỷ niệm ngày lễ gì đó, tôi không còn nhớ nữa, lớp tôi có tiết mục múa “cô gái vót chông”, trong đó có cảnh lính Mỹ bị dính chông, chết thảm hại. Một người trong ban tổ chức, khi duyệt đã buộc chúng tôi bỏ cảnh có lính Mỹ đi, nếu không thì không được múa điệu đó nữa. Họ lập luận, “chiến tranh đã qua rồi, nhắc lại làm gì nữa”. Chúng tôi đã phản đối rằng, vậy tại sao từ khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, biết bao nhiêu năm trôi qua rồi mà hiện nay, đến năm 1973, ngoài rạp vẫn đang chiếu phim “và bình minh nơi đây yên lặng”, một bộ phim rất hay, được nhiều người hưởng ứng nói về sự khốc liệt của chiến tranh? Rằng nếu không cho diễn điệu múa đó, chúng tôi sẽ không tham gia bất cứ tiết mục nào khác nữa. Lúc bấy giờ, tất cả các bạn từ các nước khác học chung trường như: Đức, Ba Lan, Hung, Ấn Độ, Công Gô, các bạn thuộc các nước Nam Mỹ đều đồng loạt biểu tình, đòi phải cho sinh viên Việt Nam múa bài đó, nếu không họ cũng bỏ hội diễn, không tham gia luôn. Cuối cùng, Ban tổ chức phải nhượng bộ. Tôi không biết, lúc đó chúng tôi có “bày tỏ lòng yêu nước đúng cách” không, nhưng chúng tôi đã có dịp cho các bạn quốc tế biết rằng nhân dân ta yêu hòa bình nhưng nếu ai muốn xâm lược, chúng sẽ phải trả giá đắt. Hành động tự phát đó đã được bạn bè sinh viên quốc tế ủng hộ, được các bà giáo càng hiểu và yêu chúng tôi hơn. Lúc đó, chẳng ai chỉ đạo tụi tôi cả, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc đã mách bảo đấy thôi.

Bây giờ, mặc dù không có dịp tham gia nhưng khi theo dõi những người đi biểu tình, tôi nhớ lại những cảm giác đó và lòng tràn ngập lòng tự hào như mình cũng đang cùng kề vai sát cách với họ vậy. Mỗi lần bạn tôi đi biểu tình, thấy số điện thoại của tôi hiện lên, cô ta chẳng “A lô!” gì sất, nói luôn: này, nghe nhé! Và tôi đã nghe được âm thanh hào hùng của cuộc biểu tình.

Anh nói hoàn toàn đúng, Ngay lúc này đây, chúng ta càng thấm thía sự đoàn kết, tỉnh táo, đồng lòng của mỗi con dân nước Việt là điều quan trọng nhất để bảo vệ, xây dựng đất nước. Những người đại diện cho dân, những công công bộc của dân, những người mà dân tin tưởng trao những đồng tiền thuế mà họ khó nhọc lắm mới kiếm được cần phải nhận ra điều đó. Họ cần phải đồng lòng với dân, phải tiếp nhận sự chia sẻ trách nhiệm từ người dân để bảo vệ và xây dựng đất nước chứ? Người dân đã mở lòng đến như vậy, sao những người đại diện cho dân lại đối mặt với họ đến thế? Có lẽ đó chính là lý do vì sao “thậm chí một số chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng có mặtvà đúng là nhiều người trong số họ vẫn nghĩ rằng việc mình tham gia bày tỏ thái độ chống hành động sai trái này của Trung Quốc là giúp ích cho Nhà nước, cho đất nước. Tôi cho rằng họ đã đúng và thực tế chứng minh là họ đã đúng. Cái gì logich thì sẽ tồn tại!

Anh, nhà báo Nguyễn Việt ơi, anh có bao giờ đặt câu hỏi vì sao người dân lại cùng các nhân sỹ trí thức tham gia biểu tình đông như thế, trật tự và ôn hòa như thế (dù nhiều người, vì nhiều nỗi niềm đã rất muốn nổi loạn) không? Tại vì người ta đã nhìn vào nhân cách và những sự đóng góp cho đất nước của những con người đang kính đó. Tại vì tự bản thân họ đã muốn làm như thế từ lâu rồi, nay có những người mà họ tin tưởng thì họ hưởng ứng thôi. Họ tham gia để bày tỏ chính kiến của mình đấy, chẳng phải họ ngây thơ về chính trị, hoặc nhận thức chưa đầy đủ hay bị ai xúi dục hay lợi dụng đâu. Tôi không phải là họ (không được dịp tham gia như họ) mà nghe câu đó cũng thấy bị xúc phạm lắm lắm! Tôi cũng lại hỏi anh, anh có biết là khi những người yêu nước đi biểu tình, có hàng chục triệu người, trong và ngoài nước, trong đó có tôi luôn dõi theo và cám ơn họ vì đã thay mình bày tỏ lòng yêu nước không? Cái nhạy cảm nghề nghiệp của anh bỏ đi đâu rồi mà không thấy? Hay anh phải chờ cấp trên chỉ đạo?

Trong số những người đi biểu tình, tôi không biết những khuôn mặt quen thuộc từng bị pháp luật xử lý về âm mưu tuyên truyền chống phá sự ổn định của đất nước, chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là ai, nhưng tôi thấy rất nhiều người được nhà nước và dân vinh danh, nhiều người là bạn bè tôi- những người đã và đang cống hiến hết sức mình cho đất nước, có một số người không phải là bạn tôi nhưng là những người tôi biết rất có nhân cách mà không ai có quyền xúc phạm. Có thể trong số đó cũng có những người đã từng “vi phạm pháp luật” vì lí do này hay khác, lúc này hay lúc khác, mà ở đây chưa bàn về cái đúng cái sai được (có đầy rẫy những điều, thể hiện sớm quá bị cho là sai, về sau lại cho là đúng. Các điều luật được hình thành từ thực tế mà!) Hãy cứ nghĩ lại coi, nhiều người đại diện cho dân, nắm luật ở trong tay mà còn bao nhiêu kẻ táng tận lương tâm cố tình làm sai luật, làm hại cho dân mà (bằng chứng sờ sờ ra đó, trên các phương tiện PTĐC kìa). Có vậy Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới gọi được là “bầy sâu” chứ. Nhưng nói vậy chứ, lãnh đạo không phải ai cũng xấu, ai cũng là sâu, mà sâu thì cũng sâu to sâu bé, người tốt nhiều, người xấu ít thôi. Vậy luận ra, nếu trong số những người biểu tình yêu nước, có ai đó đã lỡ vi phạm pháp luật thì nhà báo nỡ lòng nào và có lý nào lại cho tất cả họ đều là xấu và lúc nào họ cũng xấu sao?

Vậy, bây giờ chúng ta trao đổi tiếp. Đã đến lúc cần phải nhận rõ những người khởi xướng và tổ chức các cuộc tụ tập đông người này. Động cơ của họ là gì?(câu này của anh đấy)

Anh nói động cơ thứ nhất của họ lợi dụng việc biểu thị thái độ yêu nước, phản đối hành động tàu Trung Quốc gây hấn trên biển vừa qua để đánh bóng cá nhân”. Lần này tôi không đồng ý với anh. Chẳng ai ngu gì mà lại đánh bóng tên tuổi của mình bằng cách như vậy cả. Anh có dám đánh bóng tên tuổi bằng cách chống đối lại thủ trưởng mình không? Cái tuồng của anh thì không rồi. Những người biểu tình cũng sợ lắm, chẳng qua vì không có cách khác tốt hơn nên người ta phải mạo hiểm mà làm vậy thôi. Những nhân sỹ trí thức ấy cũng muốn được nghỉ ngơi, được hưởng thụ sau một thời gian dài đóng góp cho đất nước chứ, những người dân thường khác họ cũng phải lo làm ăn trong thời buổi khó khăn này chứ?. Hãy mở to mắt ra mà nhìn họ kìa: những người cao tuổi, những người phụ nữ, những cô gái trẻ trung xinh đẹp, những em nhỏ còn quàng khăn đỏ…họ có chức có quyền gì đâu, họ có mưu lợi hay kiếm ăn gì được ở chỗ biểu tình mà đánh bóng tên tuổi?

Mà này, ý tưởng bày tỏ lòng yêu nước để đánh bóng cá nhân cũng lại làm cho tôi nhớ tới câu chuyện của bố tôi (tôi cứ hay nhớ tới bố mẹ vì các cụ đã khuất rồi, mà các cụ lại là những tấm gương để tôi noi theo, mong anh thông cảm). Bố tôi là con của gia đình thuộc “thành phần trung lưu”, được học hành tới nơi tới chốn nhưng lại tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội-một tổ chức tiền thân của Đảng nên bị đày ra Côn Đảo. Chắc lúc đó bố tôi và những đồng chí của ông không nghĩ rằng mình đang đánh bóng tên tuổi đâu anh ạ. Tội nghiệp cụ, còn bị nhốt vào hầm xay lúa nữa đấy! xuýt chết mấy lần. Tên tuổi thì thay đổi xoành xạch để hoạt động cách mạng thôi. Có giữ cái nào lâu đâu mà đánh bóng?

Cái anh nhà báo này, thật là khiếm khuyết trong cách ví von!

Tiếp nhé, anh bảo: Động cơ thứ hai của những kẻ khởi xướng và tụ tập những nhóm đông người vào ngày chủ nhật còn thâm độc hơn nhiều. Đó là hành vi lợi dụng biểu thị tinh thần yêu nước để vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tạo tiền đề cho các cuộc gây rối đông người.

Rõ thật là, ai lại cố tình vi phạm pháp luật bằng cách lợi dụng biểu thị tinh thần yêu nước? Còn mệnh đề “tạo tiền đề cho các cuộc gây rối đông người” và “Đã có những ý kiến cho rằng họ muốn từ các cuộc tụ tập này biến thành “tiền đề cách mạng đường phố”. Tôi xin phép được giơ tay nêu câu hỏi: vì sao người ta lại sợ như vậy? Sao nhà báo lại tiên đoán đó là “tiền đề cách mạng đường phố”.

Hành văn cho cẩn thận, nếu không sẽ bị “chụp mũ” đấy.

Xin kính chào. Chúc nhà báo thật nhiều sức khỏe và tìm hiểu về lòng yêu nước và những người biểu tình cho rõ hơn!

Irina.


8 nhận xét:

  1. Có bạn hỏi tôi Irina là ai, xin vắn tắt rằng đó là một tiến sĩ chuyên ngành xã hội học, hiền lành, tử tế, tôn trọng sự thật.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn anh đã dạy em một bài học về lòng yêu nước. Nguyễn Việt ơi mau cám ơn anh Thông đi!

    Trả lờiXóa
  3. Thày bói ơi, phải cám ơn bạn Irina mới đúng. Mình cũng biết ơn bạn ấy cơ mà.
    Mà mình cũng cám ơn lão đã chịu khó lần mò vào đây để đọc, có gì không nên không phải, bỏ quá cho nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Rõ thật là, ai lại cố tình vi phạm pháp luật bằng cách lợi dụng biểu thị tinh thần yêu nước? Còn mệnh đề “tạo tiền đề cho các cuộc gây rối đông người” và “Đã có những ý kiến cho rằng họ muốn từ các cuộc tụ tập này biến thành “tiền đề cách mạng đường phố”. Tôi xin phép được giơ tay nêu câu hỏi: vì sao người ta lại sợ như vậy? Sao nhà báo lại tiên đoán đó là “tiền đề cách mạng đường phố”.
    Chắc anh chàng ấy phải về học lại nghiệp vụ báo chí. thấy trên abasam người ta com vào chê nhiều lắm. Nhà báo đâu có quyền dạy ai phải làm gì.

    Trả lờiXóa
  5. Phải lên tiếng để chỉ đường dẫn lối cho đồng bào chứ bác. Chứ không đồng bào sẽ lạc lối mất.

    Trả lờiXóa
  6. .Bài viết này quá cao thâm, e rằng chú nhà...páo kia chắc gi hỉu được!

    Trả lờiXóa
  7. Anh Nguyễn Thông vẫn làm ở báo Thanh Niên đấy chứ?

    Trả lờiXóa
  8. Lý lẽ bài viết hết sức sắc bén. Nếu đối thoại trực tiếp, chắn Nguyễn Việt k đỡ nổi :)

    Trả lờiXóa