Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Nhớ bài thơ xưa về ngày quốc khánh

Địa linh Tam Điệp, Ninh Bình, nơi mỗi lần giặc phương bắc tràn sang lại biến thành căn cứ vững chắc của quân dân Đại Việt (ảnh Nguyễn Thông)

Hôm nay 31.8, qua ngày mai, đến ngày mốt (miền Bắc gọi là ngày kia) trúng ngày quốc khánh 2.9. Hồi nhỏ, lứa tuổi mình hầu như chả đứa oắt con nào không thuộc bài thơ này vì nó là bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa lớp 2 (hệ 10 năm). Cứ gân cổ gào, làm gì chả thuộc. Mình nhớ bạn cùng lớp với mình là anh Hữu con bác Tư hình như mải chơi nên cứ ê a đoạn nói về ngày tháng, lẫn lộn lung tung, bị thày giáo Lập lấy thước kẻ đánh mấy nhát quắn tay. Năm 1971 anh Hữu đi bộ đội cùng đợt với anh Hiển con bác Vình vào Nam đánh Mỹ, cả hai anh đều hy sinh.

Bài thơ ấy mình vẫn nhớ như in, tiếc là quên mất tên tác giả. Nhân ngày kỷ niệm quốc khánh, biên ra đây tặng lại những người cùng thế hệ mình và các bạn yêu thơ. Cùng đọc nhé:

Ngày mùng hai tháng chín

Ngày sinh của nước ta

Tháng mười ngày mùng một

Quốc khánh nước Trung Hoa


Nước Việt Nam gan dạ

Có Trung Hoa anh hùng

Bên nhau luôn sát cánh

Tiêu diệt kẻ thù chung


Việt Nam có Bác Hồ

Trung Hoa có Bác Mao

Nhi đồng cả hai nước

Yêu hai bác như nhau.

Lời bình:

Bài thơ này chỉ dành cho trẻ con, chứ hồi ấy còn có nhiều thứ dành cho cả miền Bắc, cho tất cả mọi người, ví dụ "Mối tình hữu nghị Việt-Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em" (thơ Bác Hồ), rồi ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận "Việt Nam-Trung Hoa, núi liền núi sông liền sông, chung một biển Đông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông...". Nói chung, quan hệ ta tàu chả có chút lăn tăn gì (mà có cũng bị giấu biệt, sau này đảng mới liệt kê ra trong cuốn sách trắng Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, năm 1979, sự thực tùm lum tóe loe). Trẻ con bị nhồi nhét ngay từ lúc tóc để chỏm về công ơn của Trung Quốc, bác Mao. Thì sách bảo thế nào, mình biết như vậy thôi.

Nhưng người lớn thì không nghe kiểu thuận nhĩ thế. Mình có ông anh con bác ruột, anh Nguyễn Quang Huy, khi đó là giáo viên cấp 2, vài năm sau là hiệu trưởng. Nghe mình học vẹt đọc ra rả, anh Huy trò chuyện với thày mình: Ông ạ, nghe chú Cào (tên gọi ở nhà của mình) học, cháu chả hiểu hữu nghị gì mà chỉ cốt chơi với nhau để đi đánh nhau, tiêu diệt kẻ thù, chả thấy làm ăn, hòa bình, chỉ rặt thích chiến tranh. Thày mình ôn tồn, chuyện cho trẻ con ấy mà. Anh Huy nhỏm lên, ông ạ, càng cho trẻ con càng phải kỹ, cứ dạy chúng nó những thứ tai ách nhố nhăng thế rồi có ngày chết.

Giờ đầu đã hai thứ tóc, mình nghiệm ra điều anh mình nói. Nhưng cũng có điều mình cảm nhận được hơi sơm sớm. Đọc câu kết bài thơ này cứ thấy buồn cười, cả hồi ấy cũng như bây giờ. Tại sao lại nhi đồng cả hai nước yêu hai bác như nhau? Có biết cái mặt bác Mao nó mồm ngang mũi dọc thế nào bao giờ đâu mà yêu với chả yêu; bác Hồ thì còn có thể yêu (dù cũng chả được nhìn thấy long nhan bao giờ) bởi đi đâu cũng gặp ảnh bác Hồ, nghe nói về bác Hồ, chứ bác Mao thì dứt khoát không là không. Hóa ra mình bé tí ti mà nghĩ già dặn ra phết.

31.8.2011

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. thời đó kinh thế cơ. Bọn mình học hành ở miền nam nên không được như vậy. bái phục, bái phục!!!

    Trả lờiXóa
  2. BAC BAC BAC HỒ MÀ THÔI

    Trả lờiXóa