Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Vàng mã và niềm tin

Tôi có chú em họ, nhà ở Hải Phòng, mặt tiền chợ. Sau bao năm chinh chiến, ra quân rồi nghỉ mất sức, đồng bạc trợ cấp chả bao nhiêu, sống chủ yếu dựa vào cái quán hàng nhỏ. Lúc đầu thì chè chén, thuốc lá, dăm chiếc kẹo vài cái bánh, nhặt tiền xu của thiên hạ. Rồi chẳng biết ai mách, quay sang buôn bán hàng mã. Bán đồ giả nhưng thu tiền thật, số phận mỉm cười, cuộc đời cứ thế đi lên.

Nhà nơi chợ búa, bận rộn tíu tít suốt ngày. Cả hai vợ chồng luôn chân luôn tay. Chả mấy khi dám bỏ nhà, bận hơn nuôi con mọn. Hàng đến hàng đi còn hơn công ty xuất nhập khẩu nhà nước. Thôi thì đủ loại, dương thế có gì âm phủ thứ nấy, từ món hàng vài đồng bạc lẻ đến những món tiền triệu. Thậm chí nhiều thứ khi người ta còn sống nhăn chả hình dung nó ra sao, về cõi âm lại được xài thoải mái.

Chú em bảo, dương sao âm vậy bác ạ. Em bán quanh năm nhưng mùa làm ăn là ngày rằm mùng một, lễ tết, nhất là tháng bảy mưa ngâu, cúng cô hồn. Thế thì đúng quanh năm bận bịu còn gì, sản xuất kinh doanh mà đầu ra đầu vào được vậy thì nhất, mơ ước nào hơn.

Mà lạ, càng ngày thiên hạ càng để ý đến cõi âm, trong khi trần thế có vẻ bị lơi lỏng sự quan tâm. Tôi không dám chê bai bởi mình cũng theo tục cúng ông bà, nhưng dường như xã hội đang bị thần thánh hóa thái quá. Nơi nào cũng cúng bái, nhang khói, đồng cốt. Nhan nhản hội hè cờ phướn rợp trời, cả quốc doanh lẫn dân doanh. Thành thị vái kiểu thành thị, nông thôn cúng kiểu nông thôn, càng giàu càng lạc sâu cõi mê. Nhà dân cúng bái, hóa vàng mã đã đành, giờ vàng mã khói hương vào cả cơ quan công sở (đương nhiên là của nhà nước), khấn vái sì sụp rất thành tâm. Có cơ quan, nhân viên lơi là cúng kiếng còn bị sếp la mắng, nhắc nhở. Vào tháng cô hồn, người ta mua vàng mã xe cộ nhà cửa quần áo ngựa nghẽo… chất đầy sân, khói bay ngút trời.

Lại nhớ hồi mình còn bé, quê vùng nông thôn, rất ít thấy nhà mình đốt vàng mã, mà nhiều nhà cũng thế. Mỗi dịp lễ tết, rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng tám thường chỉ thắp hương, hoa quả tưởng nhớ ông bà tổ tiên, thương xót những linh hồn lưu lạc. Trong khói hương bài thơm thoang thoảng, chả bày vẽ gì, sao vẫn thành kính thiêng liêng lắm. Mùng một tết hoặc ngày giỗ thì có hóa vàng nhưng cũng chỉ tượng trưng, lòng thành là chính, cõi âm nào giận trách gì. Mình lại nhớ sư cụ chùa Trà Phương quê mình, một bậc cao tăng, cụ từng bảo làm gì cũng cốt ở tấm lòng, sống sao cho đạo đức, vàng mã xét cho cùng là sự lãng phí.

Mai là rằm tháng bảy, nhìn xung quanh thấy thiên hạ mua sắm hàng mã, hóa vàng chốn chốn nơi nơi, tôi băn khoăn tự hỏi: hay là người ta đang thiếu niềm tin vào cõi dương gian nên phải mượn tạm cõi âm để gửi gắm? Vậy thương lắm thay.

14 tháng bảy âm lịch, 2011

10 nhận xét:

  1. "Mai là rằm tháng bảy, nhìn xung quanh thấy thiên hạ mua sắm hàng mã, hóa vàng chốn chốn nơi nơi, tôi băn khoăn tự hỏi: hay là người ta đang thiếu niềm tin vào cõi dương gian nên phải mượn tạm cõi âm để gửi gắm?" Hay quá
    cuộc sống dương gian đầy bất trắc, lừa lọc, may rủi quá nhiều nên phải tìm niềm tin ở nơi nào đó. Âu cũng do chất lượng sống đang càng ngày càng đi xuống

    Trả lờiXóa
  2. Lâu lâu không được nghe một câu chuyện quê hương như vậy, văn kể tự nhiên, nói được vấn đề. Hay, nhưng giá mà viết vào dịp lễ tết, hội hè thì được chú ý hơn, nội dung đến văn phong kể chuyện đều hay nhưng vào thời điểm này thấy hơi lạc lõng.
    - Nhưng câu chuyện như thế giúp chúng ta không phải đau đầu, tôi thích đọc về đề tài quê hương như vậy...

    Trả lờiXóa
  3. Ngọc Chênh ơi, nếu như thế thì chuyện gì cũng do chất lượng sống đi xuống rồi. Nghĩa đen thì là: Phú quý sinh lễ nghĩa.
    Không lẽ chuyện vàng mã này mà Chênh cũng ghép được với chuyện chính trị sao?.. Tôi không hiểu nổi, buồn quá.

    Trả lờiXóa
  4. Bác Trung chắc chưa để ý rằng tháng bảy âm lịch mới là thời gian mà người ta hóa vàng nhiều nhất. Viết lúc này là hợp nhất đấy, bác ạ.
    Cám ơn bác đã có lời khen.

    Trả lờiXóa
  5. Nghĩa đen: Cuộc sống có chút để, có điều kiện thì mới sinh lắm chuyện, chứ ngày xưa nghèo đói thì lấy gì mà mua vang mã.
    - Cũng có kẻ vì làm điều tội lỗi, để cho tâm an thì lễ lạt, cũng có người cầu sức khoẻ, làm ăn, hoặc chỉ là ngày giỗ tổ tiên bây giờ cũng dùng vàng mã nhiều, âu cũng là quan niệm, văn hoá, truyền thống của dân ta, người biết, có tâm thì vừa vừa ...

    Trả lờiXóa
  6. Tôi có để ý, nhưng quê tôi thì trầm lắm, thắp hương bình thường thôi, chắc ko giống mọi nơi.

    Trả lờiXóa
  7. Em vừa đi hoá vàng xong , vào đọc bài của bác nhưng không thấy phân vân .Vì em sắm lễ , thắp hương , vàng mã cho các cô hồn , những người uổng tử , linh hồn bơ vơ không chốn nương nhờ ...Bài "Văn tế thập loại chúng sinh" của cụ Nguyễn là tác phẩm ám ảnh em ghê gớm - lễ cúng đêm nay chịu ảnh hưởng từ bài văn tế đó . Tại sao lại cúng đêm -vì ngày mai em về quê để cúng rằm tháng bảy - lễ cúng được coi trọng gần ngang tết Nguyên đán , bác nhé .Cảm ơn bác đã xoá một cái còm ở bài trước .Đề nghị các bác tranh luận thoải mái , nhưng không được nhắc đến các đấng sinh thành và trẻ nhỏ.Chào các bác ạ .

    Trả lờiXóa
  8. Sao nhà bác viết lành thế mà có người đọc rồi trao đổi cứ như gây sự ấy nhỉ ?Em thán phục sự nhún nhường của bác .Bác bảo trọng nhé! Thiện tai !Thiện tai!Nam mô a di đà Phật!

    Trả lờiXóa
  9. Em ạ, những gì anh có được là nhờ học ở thày mình. Tâm trong sáng thì không sợ hãi, vị tha thì chả cần nóng giận với ai.
    Anh vẫn nhớ hôm nay cúng rằm.

    Trả lờiXóa
  10. Nhỏ giờ e chưa đốt vàng mã lần nào, mà nhà e cũng ko bao giờ cúng rằm T7, có bất hiếu ko nhỉ? :D.

    Trả lờiXóa