Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Tôi không bênh chúa đảo

(Gửi ông Đào Hồng Tuyển)

Từ dạo cả xã hội nhốn nháo bầu chọn vịnh Hạ Long đến nay, người ta có nhiều cách bày tỏ, kẻ ủng hộ, người phản đối. Mình không ủng hộ vì thấy nó nhố nhăng, nhưng có vị lại ủng hộ tích cực, chả hạn bác chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển.

Chúa đảo bầu cho Hạ Long phải quá đi rồi. Nhà mình, mình không khen là chuyện lạ. Tuần Châu nằm chình ình ngay Hạ Long chứ có phải trôi dạt xuống tận biển Phú Quốc hoặc ra Hoàng Sa đâu mà chẳng bầu. Biến một hòn đảo nghèo (chứ không hoang như nhiều người nghĩ, dân bản xứ đến giờ còn nhiều “khó chịu” vì mất cửa mất nhà lắm) phải kể đến công lớn của người dám khai phá Đào Hồng Tuyển. Tỉnh Quảng Ninh, dù gì đi nữa, cũng phải một phần chịu ơn Đào Hồng Tuyển bởi suốt bao năm dài thiên hạ chỉ biết đến Hồng Gai, Cẩm Phả, Bãi Cháy những toàn than là than, đen đúa, bụi bặm, vất vả cần lao. Tuyển xuất hiện ở xứ mỏ, chốn vàng đen, không với tư cách thợ mỏ mà với cương vị người khai phá nguồn tài nguyên vốn rất dồi dào khác chưa được quan tâm đúng mức. Nói công bằng, du lịch Quảng Ninh với vịnh Hạ Long từ lâu đã gây ấn tượng như một điểm đến ở miền Bắc, chả cần đợi Tuyển về, nhưng thực sự chỉ khởi sắc từ những công trình của chúa đảo.

Mình biết ông Tuyển từ dạo ông đang khai thác Tuần Châu giai đoạn đầu. Khi ấy con đường nối đất liền, từ quốc lộ 18 ra đảo, đã xong, rộng thênh thang, như kỳ công của con người, của ông Tuyển. Tuần Châu lột xác, thay đổi từng ngày dưới sức mạnh của ý chí ông Tuyển và đồng tiền. Thiếu một trong hai cái ấy, không thể có Tuần Châu hôm nay.

Cuối năm 2002, chính xác là 23.10, mình đi cùng đoàn hoành tráng của Saigontourist ra Quảng Ninh dự khánh thành, khai trương khách sạn Sài Gòn- Hạ Long. Khách sạn 4 sao bề thế nguy nga trên lưng đồi nhìn xuống vịnh Hạ Long. Khung cảnh tuyệt đẹp. Mỗi sáng mình lại lên sân thượng trố mắt ngắm kỳ quan lô nhô những đảo lớn đảo nhỏ ẩn khuất trong sương, thầm tạ ơn trời đất đã ban cho con dân xứ này tuyệt tác đến vậy. Chiếc máy ảnh chụp phim cũng ghi được đôi ba hình ảnh độc đáo nhưng chỉ in lưu trữ trên giấy, thật tiếc. Dự lễ khai trương khách sạn có đông quan chức và đại gia ngành du lịch. Mình còn giữ được bản viết tay của ông Vũ Mão- Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội làm đôi câu đối Hán Việt, cả chữ tàu và chữ ta, tặng Ban giám đốc Sài Gòn- Hạ Long. Ông Mão từng học ở Trung Quốc, có hoa tay, chữ tàu đẹp lắm, câu đối hay, ai cũng khen ngợi. Trong đám doanh nhân đại gia có ông Tuyển. Ngày 26.10, chúa đảo mời cả đoàn Sài Gòn ra thăm đảo. Khi ông Đỗ Văn Hoàng- Tổng giám đốc Saigontourist thông báo điều đó, anh em sướng quá bởi không phải ai cũng có cơ may này. Chả cần phải lôi thôi thuyền bè gì, xe chạy từ Bãi Cháy một mạch là đến đảo.

Thời điểm đó Tuần Châu đã có một số khu vui chơi, ẩm thực bề thế, có nhà hát cánh diều rộng mấy ngàn chỗ, có nơi cá heo hải cẩu biểu diễn. Chúa đảo dẫn chúng tôi ra bãi biển phía nam, hào hứng bảo trông nó còn ngổn ngang như vậy nhưng chỉ nay mai sẽ khác bởi ông sẽ mua hàng vài chục vạn mét khối cát đổ vào đó biến thành bãi tắm nhân tạo, còn xa xa kia sẽ là khu du thuyền, trên bến dưới thuyền, ngược vào phía trong là hệ thống khách sạn 5 sao hàng nghìn phòng, xa nữa là sân golf 36 lỗ… Mình thầm nghĩ tay này máu thật nhưng hơi lãng mạn, viển vông. Nếu lúc đó có ai cá cược chắc mình không dám đặt cược tin vào lời chúa đảo. Tuy nhiên rất phục. Và thực tế đã chứng minh những gì y nói thì y đã làm được, ra trò, không phải như nhiều anh nói phét. Thời gian sau mình có viết một bài về hai ông họ Đào làm du lịch, đăng trên tạp chí Thế giới mới, một người là Đào Hồng Tuyển, một là ông Đào Hữu Loãn, từng giám đốc khách sạn Rex nổi tiếng, về hưu rồi vẫn giang tay chèo chống cùng cộng sự tạo nên khu du lịch Bình Châu- Hồ Cốc hết sảy ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tối đó chúa đảo chiêu đãi, ăn uống tùy sở thích, hát hò văn nghệ văn gừng. Bác Hoàng nói dăm ba câu cám ơn chân thành, còn anh chị em thì ai hát được cứ hát. Mình đang mải chúi mắt chúi mồm vào mấy đĩa sò, tôm, cua đặc sản Hạ Long thì nhà văn Nguyễn Tiến Đạt giật giật cánh tay, coi kìa. Ngẩng lên thấy chúa đảo quần jeans áo pull ôm cây ghi-ta đang thử phím. Rồi cất tiếng hát, ca khúc tiền chiến, cách mạng, Trịnh Công Sơn đủ cả. Tuyển chơi ghi-ta điệu nghệ chứ không phải kiểu mấy vị lãnh đạo làm dáng với cấp dưới thỉnh thoảng ôm đàn bật phùm phùm. Vừa đàn vừa hát say sưa, khi Tuyển hát anh em quên cả ăn im phăng phắc, hết mỗi bài lại rộ vỗ tay tán thưởng thật tình. Mình nhớ nhất khi y hát bài Mười năm tình cũ, nghe như trong đó có cả đời y hay sao ấy, nhập hồn thoát xác chả phân biệt được đâu là thực là mơ. Mình bảo anh Nguyễn Minh Sơn, trưởng phòng Hành chính Saigontourist ngồi kế bên, ông ạ, gã là một kỳ nhân kỳ tài chứ không phải người thường. Anh Sơn và nhà văn Đạt gật đầu tán đồng. Mấy cô trong đoàn chả biết thế nào chứ mình thấy mê y, cứ kiểu này gái chết hàng loạt chứ chẳng chơi.

Phần xổi thì thế, nhưng điều mà khi đó mình khen y nhất chính là mặc dù y đã phác ra, dự tính bao nhiêu kế hoạch phát triển đảo, mà quỹ đất thực tế của đảo chỉ gói ghém chừng đó thôi, vậy mà y nhất quyết giữ lại tòa nhà trông đã cu cũ, vốn là nơi bác Hồ khi về thăm đảo nghỉ ở đó, cả khu đất nơi bác đứng nói chuyện với bà con ngư dân đảo nghèo. Y bảo gì thì gì, những chỗ ấy không ai có quyền xâm phạm vào, phải lưu giữ, bảo tồn như di tích lịch sử. Cái tấm lòng như thế thật đáng trân trọng, ghi nhận.

Nay bỗng dưng tòi ra cái hiệu triệu phát xít này, mình đâm ra thất vọng. Những gì mình biết về chúa đảo bị lung lay. Đành rằng anh có tiền có quyền muốn làm gì chả được, hét ra lửa còn có thể nữa là, nhưng trắng trợn, bạo quyền, thô bỉ thế thì lòng người nào dung tha, trời nào chấp nhận. Đừng nghĩ người ta làm công ăn lương, dưới quyền anh, anh muốn nặn muốn bóp thế nào cũng xong. Có khi người ta tuân chỉ, nhưng lòng thầm khinh bỉ, cái thứ hợm tiền hợm của. Một khi đã coi đồng tiền đứng trên mọi giá trị thì dù anh có xoen xoét cái mồm cũng chả ai dám tin nữa. Giàu có cỡ chúa đảo, xứ này mấy ai, nhưng nhân cách tầm thường, xứ này nhiều lắm. Hãy tách ra khỏi số nhiều đó, chúa đảo ạ.

Mình chỉ có chút niềm tin mơ hồ, biết đâu kẻ đã cho thực hiện cái lệnh cưỡng bức cưỡng hiếp trên là kẻ khác, một tên cấp dưới, một thằng đánh máy, hay bất kỳ đệ tử nào khác của Tuyển chứ không phải Đào Hồng Tuyển.

Chúa đảo làm gì đến mức tệ thế.

15.11.2011

Nguyễn Thông

8 nhận xét:

  1. ui giời đọc bác- sướng, cái đoạn trên đang hay, uỵch phát, Tuyển trở thành người nhắn tin thiện nghệ nhất VN, ngang bé 5 tháng tuổi cháu quan thượng thư bộ VTD...

    Trả lờiXóa
  2. Được bác Hùng khen thật sướng củ tỉ.

    Trả lờiXóa
  3. Hay quá bác Thông ơi, nhất là cái khúc dưới. Đọc bài bác viết cứ như ngắm... đàn bà. Càng xuống phía dưới càng thấy hay. Hề hề

    Trả lờiXóa
  4. E cũng hi vọng là Chúa đảo bị chơi xấu. Và ai là người chụp cái pano kia, chắc biết rõ hơn. Tuần Châu những ngày đầu, theo em nghĩ là đáng mơ ước. Nhưng sau 1 thời gian, thì giờ e thấy nó hơi... sập sệ!
    - Và Sài Gòn - Hạ Long thì là Ks e cũng rất ấn tượng!

    Trả lờiXóa
  5. Bác ơi! Biết đâu nghỉ việc chỉ đơn giản là ở nhà nhắn tin cho đủ, mai đi làm tiếp.
    Các gì nghỉ việc đã là đuổi việc?

    Trả lờiXóa
  6. Xin lỗi viết nhầm Xin sửa cho đúng.
    Bác ơi! Biết đâu nghỉ việc chỉ đơn giản là ở nhà nhắn tin cho đủ, mai đi làm tiếp.
    Chắc gì nghỉ việc đã là đuổi việc?

    Trả lờiXóa
  7. Dưới trăm tin xin nghỉ việc ( nhại kiểu Sát thủ đầu mưng mũ)

    Trả lờiXóa
  8. Cái nhà cũ cũ ấy có phải năm trên đất của ông Tuyển đéo đâu mà ông ấy nổ hơn "lựu đạn". Chỗ ấy là nhà nghỉ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cụ lão thành CM...thuộc quản lý của Văn phòng Trung ương Đảng. Cái nhà ấy Bác Hồ đã từng ở. Cái lão Tuyển này ra vẻ hào hoa, tử tế...

    Trả lờiXóa