Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Truyện tình thảm thiết toàn T

Vài nhời: Gần như mình chả bỏ bất cứ thứ "ba lăng nhăng" nào của Bọ Lập, nhưng với cái truyện tình (Love story) này thì phải xin phép Bọ đưa vào trang nhà thỉnh thoảng đọc chơi. Loại văn không mới, xưa nay lưu truyền nhiều, kiểu "bà ba béo bán bánh bèo bên bờ bể, bị bỏ bom ba bốn bận, bởi bà buôn bán bừa bãi bậy bạ" nhưng công phu và dí dỏm như cỡ siêu thì đúng là hàng hiếm. Mình mà có quyền, sẽ trao cho Bọ Lập giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật với tác phẩm trên. Và xin nói ngay, còn tập 2 nữa, sẽ đăng trên Thanh Niên tuần san số ra thứ tư tới, gộp lại thì cho giải HCM luôn. Ai còn chút dè bỉu hoặc chê bai, cứ thử xem tự mình có viết kéo dài được 3 dòng không rồi hẵng phán.

TRUYỆN TÌNH 1
Nguyễn Quang Lập

Trần Thị Thu Thủy tên thật Trần Thị Thỏ, trú tại thôn Tám, Trảng Tranh, tỉnh Thừa Thiên. Thủa thiếu thời, trí tuệ thì thường thôi, tuy thế, tính Thủy thật thà, thủ thỉ thù thì, thỏn thà thỏn thẻn, thật thương! Tới tuổi trăng tròn, Thủy tròn trặn, tươi tắn, trắng trẻo, tay tròn trĩnh, tóc thơm thơm, thật tuyệt!

Thủy tuyệt trần, tôi tả thì thô thiển. Thôi thì tàm tạm thế.

Trai tráng trong thôn Tám, từ trai tơ tới tuổi tứ tuần, từ tuổi tứ tuần tới tuổi thất thập, thoạt trông thấy Thủy, tất thảy tấm tắc trầm trồ:

- Trời! Trắng tựa tuyết!

- Thon thả thế!

- Tóc thật thướt tha!

- “Ti” to thế! Tròn thế!

- Trác tuyệt! Trác tuyệt!

Trai tơ thổn thức, tứ tuần tơ tưởng, thất thập thẫn thờ. Thấy Thủy thấp thoáng, tất thảy táo tác, thập thà thập thò, thật tội. Tứ tuần thách trai tơ: tán thắng Thủy thì thua tam trâu. Thất thập thách tứ tuần: tán thắng Thủy thì thua tám thúng tiền. Thách thì thách thế thôi, thua Thủy tất tần tật. Thủy tựa thần tiên, trai tráng trong thôn thì thô thiển, tiền tài trắng trơn, thân thế thấp tè, thế thì tán tới trăm tuổi!

Tiếng tăm Thủy truyền trong toàn tỉnh.Thư từ tới tấp tới tay Thủy. Thư thì thủ thỉ tâm tình. Thư thì tranh thủ trình thêm thân thế, tiền tài. Thư thì than thở tức tưởi. Thư thì thêm thơ, thêm tranh, trang trí thật trang trọng... Trong tám tháng trên tám trăm thư, thật thế!

Trai tráng trong tỉnh tìm tới tán tỉnh Thủy tới trăm thằng. Tám thằng thân tôi: Thằng Thịnh, thằng Tâm, thằng Thông, thằng Thìn, thằng Thỉ, thằng Trung, thằng Tuy, thằng Tuấn tán tỉnh tài thế, tí ta tí tởn tới tán Thủy, tốn tiền trăm tiền triệu, tiêu tiền tới trắng tay, thua tiếp tục thua. Tám thằng thất thểu tìm tới tôi than thở:

- Thôi! Tiền thế, tài thế, tập tễnh tới tán Thủy thêm thiệt thòi.

Tôi thích Thủy, tuy thế tôi tỉnh táo tự thấy: trí tuệ tôi tầm thường, tiền tài thiếu thốn, thân thế tiếng thì to, thực tình thanh thế tổ tiên thôi, thân thế tôi thấp tẹt. Tôi trù tính: thư từ tán tỉnh, trật! Tiền tài: trật! Thân thế: trật. Tổ tiên ta từng truyền tụng: tham thì thâm. Thư từ, thân thế, tiền tài... trật trật trật! Thua thua thua! Thủy thích tinh tế, trung thực, thật thà, thế thôi. Tôi tính toán thật tình tiết: từ thị trấn Tân Tiến tận tụy tới thôn Tám tìm Thủy tâm tình, từ từ, từ từ, tránh trắng trợn, tránh thô thiển, thỉnh thoảng thêm tí tranh, thêm tí thơ tặng Thủy, trời thương trời trợ thủ thì tất thành.

Trời thương tôi thật. Tới thôn Tám, thấy Thủy trơ trọi, thui thủi trên thềm, tôi thích thú thấy tôi tính toán trúng.

Tôi trấn tĩnh, từ từ tiến tới tận thềm, thì thầm:

- Thủy! Tôi tên Trí, Trần Trọng Trí, thầy thuốc Tây...

- Trần Trọng Trí! - Thủy trầm trồ - Thầy thuốc trị tim, trị thận, trị toàn thân thể, tiếng tăm truyền tám tỉnh! Trời, trẻ thế! Trẻ thế! - Thủy tấm ta tấm tắc.

Tôi trùng tên thầy Trí, thầy thuốc thiên tài trên tỉnh. Thủy tưởng thế, thật trúng tủ, trời toàn thương tôi !

Thấy tình thế thật thuận tiện, tôi tiếp tục thủ thỉ:

- Thủy, tôi trốn thầy, trốn thủ trưởng, trốn tránh tất thảy, từ thị trấn Tân Tiến tới tìm Thủy!

Thủy trao tôi tách trà, thẹn thùng:

- Thủy thật tầm thường, tìm Thủy thật trớ trêu...

Tôi tíu tít:

- Thủy! Thủy! Thủy tránh tự ti. Thủy thật tuyệt trần, tiếng thơm truyền từ tỉnh Thanh tới tỉnh Thừa Thiên, thật thế!

- Thầy Trí tưởng thế thôi... - Tiếng Thủy trong trẻo, thánh thót.

Tôi thủng thẳng tán tỉnh, thầm thầm thì thì, tu từ thật tốt, thỉnh thoảng thêm tí thán từ. Thấy Thủy thinh thích, tôi tấn tới, thả từng tiếng thật tha thiết:

- Tháng tư, tôi trông thấy Thủy tha thướt trong thị trấn. Tôi thảng thốt: “Trời, tiên từ trên trời tới thị trấn!”. Từ tháng tư tới tháng tám, tối tối tôi thao thức, trằn trọc. Tâm thần tôi trục trặc, thân thể tiều tụy. Tưởng tượng thấy Thủy trẻ trung, tươi tắn, tôi thổn thức: “Thiếu thủ trưởng thì thảnh thơi, thiếu trời thì tổn thọ, thiếu Thủy thì tắc thở!”. Thủy! Trái tim tôi tràn trề tình thương Thủy. Tôi tìm tới Thủy trao trọn trái tim thật thà, trái tim trong trắng, trái tim thân thương, trái tim trẻ trung, trái tim trung thực... Tôi thề, tôi trao trọn!

Thấy tôi thề thốt thật tha thiết, thật tận tình, Thủy thấy thương thương, thẹn thò túm tóc thỏn thẻn:

- Thôi thôi, Trí thôi thề thốt...

Thủy tin tôi, thật tuyệt! Thế thì tôi toàn trúng tủ, thật tuyệt!Tôi từ thủ thỉ tâm tình tiến tới thề thốt trầm trọng, toàn từ to tát:

- Thủy tin tôi, thương tôi thì tôi thôi thề thốt. Thủy thiếu tin tưởng thì tôi tiếp tục thề. Tôi thương Thủy, tha thiết trao trọn tình tôi tới Thủy. Thủy tuyệt tình tôi thì tôi tự tử. Tôi theo Thủy tới trăm tuổi, tôi tuyệt tình Thủy thì tôi tắc tử!

- Trí! - Thủy thổn thức - Thủy tin Trí, thương Trí...

Tôi trúng to, trúng to!

Trăng tròn tháng tám thấp thoáng trong tre, trời thu tươi tốt, tiếng thu thánh thót. Tôi tấn tới tìm tay Thủy. Tay Thủy trong tay tôi.

- Thủy... Trí thương Thủy, thương tới tận tim... - Tôi thì thầm, từ từ thơm tay Thủy.

Thủy thẽ thọt từng tiếng, từng tiếng thật thương:

- Tính Thủy thật thà, thương thì thương thật. Trí tâm tình thế, Thủy tin. Tất thảy tình thương, Thủy trao trọn. Thủy tin: tình ta thắm thiết!

Trời tối, Thủy tin tưởng trao thân. Tôi thơm tay Thủy, thơm tóc Thủy, thơm tới tận tai, thơm thơm thơm thơm. Trò trác táng tôi thành thục từ tuổi thiếu thời, tôi từ từ tấn tới, thao tác trơn tru, tay thọc tứ tung. Tay thì thoa “ti”, tay thì thò tới tận tung thâm...

Thủy thất thần túm tay tôi, thét:

- Thôi, Trí! Trí thương Thủy thì thương từ từ. Tình ta tránh trần tục. Trí... thụt tay!

Trí tôi, tên trác táng, tha Thủy thì thua thiệt, tốn tiền tàu từ thị trấn Tân Tiến tới thôn Tám. Thành thử tôi tiếp tục trổ tài tán tỉnh. Tôi thủ thỉ tâm tình:

- Thủy thương Trí thì thương thật tình. Thủy trao trọn tình thì Trí trân trọng. Thủy thủ thế, trốn tránh, thiết tưởng thiếu tin tưởng Trí.

Thủy thật thà tin tôi, thả tấm thân trinh trắng tùy tôi thao túng. Thân thể Thủy trắng trẻo, thơm tho. Thủy thi thóp thở, túm tóc tôi, tôi thúc tới tấp, Thủy thét thất thanh...

Tôi tả thế thôi, tả thêm thì thô tục, tùy toàn thể tưởng tượng.

Tiếp tục trò trác táng trên thân thể Thủy thêm tám tháng, tôi trâng tráo tuyệt tình Thủy. Tôi trốn tránh Thủy. Thủy tất tả tìm tôi từ tháng tám tới tháng tư, từ tỉnh Thừa Thiên tới tỉnh Thanh thì thấy tôi. Thủy túm tay tôi tấm tức:

- Trí! Thủy tìm Trí...

- Tìm tôi? Tôi tiền thì thiếu, tài thì thấp. Tìm tôi thật trớ trêu.

- Trí!- Thủy tức tưởi thét to.

Tôi thong thả từng tiếng:

- Tình ta thế thôi. Thương tôi, Thủy tất thiệt thòi.

- Trí!- Thủy thút thít - Thủy trúng thai...

- Trúng thai? - Tôi trơ tráo tủm tỉm. - Thông tin thật trơ trẽn!

- Trời, thằng tráo trở! Thật tởm! - Thủy tức tối thét.

Thủy tát tôi tới tấp, thụi tôi tứ tung, toàn thân tôi thâm tím. Tóc tai Thủy tơi tả, tay túm tóc tôi, tay thụi trúng thận tôi.

- Thôi! - Tôi trợn tròng, thét - Tôi thế thôi, Thủy trách tôi thì trách! Tránh!- Tôi tức tốc thúc Thủy tránh tôi.

Tránh thoát Thủy, tôi túc tắc tới tám tư - Tô Tịch tìm Thanh Trà.

Tập tễnh
(Tức Nguyễn Quang Lập, tên thật toàn thiếu “t”, tức thế!)

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Những bài hát của một thời (10): Đường cày đảm đang

Những năm 60, nông thôn miền Bắc vừa trải qua cuộc trường kỳ chống Pháp lại tiếp tục sôi động những đợt tuyển quân vào Nam chiến đấu chống Mỹ. Lúc đầu còn lẻ tẻ, tuyển chọn kỹ lưỡng nhưng càng về sau càng dồn dập, xóm thôn vắng hẳn bóng đàn ông, trai tráng. Gần như chỉ những anh con trai một (gia đình không có thêm con trai hoặc gái nào khác) thì mới được miễn hoặc hoãn, còn lại đàn ông cứ đủ tuổi 17 là lên đường. Không ít anh gầy ốm cũng hăng hái xung phong, giấu nhét thêm đá xanh vào túi quần túi áo cho nặng cân để đủ tiêu chuẩn (thực ra thì người cân đo biết thừa, cứ giả vờ không biết), có anh lấy máu viết đơn vào bộ đội. Không khí hừng hực lắm. Tập trung ở Yên Tử vài ba tháng, được huấn luyện dăm bài cơ bản là ba lô khăn gói khoác súng trực chỉ phương nam. Cũng có vài anh chịu không nổi gian khổ, B quay đào ngũ, về lại hậu phương trốn chui trốn nhủi đến khổ, làng nước nhìn như những kẻ tội đồ.

Khi các anh ở nhà, việc đồng áng chính, nặng nhọc như cày bừa, đào đắp… do các anh làm; các anh đi, phụ nữ gánh nhận tất. Suốt hơn chục năm người đàn bà đã làm chủ hậu phương cho chồng con, người yêu yên tâm nơi chiến trường. Những khổ sở, vất vả mà các chị chịu đựng, không bút nảo tả xiết. Một vài tác phẩm văn nghệ đã mon men nói được đôi điều, ví dụ phim Mẹ chồng tôi (đạo diễn Khải Hưng), Bao giờ cho đến tháng mười (Đặng Nhật Minh), những truyện ngắn của Bảo Ninh… nhưng xin nói thật, văn nghệ xứ này chưa xứng với sự hy sinh cực kỳ lớn lao của đàn bà, nhất là đàn bà nông thôn miền Bắc trong chiến tranh, nếu không nói thẳng là quá tệ.

Làng mình chẳng thoát ra khỏi guồng quay cuộc chiến. Hào hùng và khốc liệt bi thương lắm. Mình vẫn nhớ từ năm 65 về sau, mỗi năm mấy đợt, thanh niên đi vãn cả. Khổ thân các chị các mẹ. Bà Hiếm sinh mấy người hầu như toàn con trai, cứ đủ tuổi là đi, hai anh Chuyện và Trò mãi mãi không về. Bà Gầu có mỗi anh Loa là trai, bà Đang cũng thế, mỗn anh Thèo, các anh đều hy sinh. Bà Tươm làm trưởng công an xã, con trai nhớn là anh Duyên học với anh Uy nhà mình, anh Duyên và anh Uy đi đợt 69, anh Duyên không về. Chị Ga em gái anh Duyên lấy anh Cư con bác Phu nhà mình, chưa đầy tuần trăng mật anh Cư ra trận, rồi chị Ga thành góa bụa. Các anh Vo, Sửu, Lãng, Điệng, Luật, Kiên (học cùng với mình), Mạnh (anh Mạnh còn có tên gọi anh Tí con, đẹp trai, con bà Đáy)… nhiều lắm không thể kể hết được trai tráng làng Trà Phương mình đã gửi thân xác nơi chiến trường. Khổ thân các anh. Và khổ thân các chị, như chị Ga.

Hồi ấy mình bé nhưng cũng phải làm đủ thứ việc đồng, theo các mẹ các chị ra đồng cày bừa, cấy hái, đập nương, dỡ khoai, chia thóc, nhổ mạ… nên càng khâm phục, thương thân phận người phụ nữ. Và thương nhất, các chị phần lớn trẻ trung, đầy sức sống, vò võ xa chồng xa người yêu, tuổi xuân cứ trôi đi trôi đi không trở lại.

Mình điểm lại bài này để nhớ một thời vất vả gian lao trên đồng quê miền Bắc. Rất ít người viết được như nhạc sĩ An Chung. Có cảm giác ông viết về chính quê mình vậy. Thật tiếc, ngay cả Wikipedia, Google cũng không có dòng nào về nhạc sĩ An Chung. Chả sao, ông đã sống mãi trong tâm hồn thế hệ mình. Những hình ảnh “trời vừa tinh mơ, dọc bờ rộn tiếng trâu đi…” đã hằn in vào ký ức, chỉ nhớ đã thấy rưng rưng. Mình cứ nghĩ nếu các chị, nay hầu hết U 60, 70, thậm chí 80, và các anh, những người sống sót trở về, nghe bài hát này chắc xúc động rơi nước mắt

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Huyền, theo mình, là người hát thành công nhất bài hát này. Đệm đàn piano là nghệ sĩ nổi tiếng Hoàng Mãnh (còn có tên là Hoàng My). Mình chép ra đây cả lời ca để mọi người dễ hình dung Đường cày đảm đang nhé.

29.10.2011

Nguyễn Thông



Từ ngày anh đi việc đồng em giỏi giang
Ruộng cấy chăng dây cây lúa thẳng hàng
Đào đắp mương dẫn nước quanh làng
Tiếng hát ba đảm đang.
Ở làng quê ta, cày bừa giờ gái thay trai
Từng luống cao đồng trũng ruộng ngoài
Cày khéo tay nổi tiếng thôn Đoài
Thay trai nay gái đua tài
Ruộng đồng quê ta mương máng dọc ngang
nước đủ, phân gio nhiều, bón chăm sớm chiều
Bội thu chiêm mùa chắc bông mẩy đều
Cùng vì quê hương, lời Bác còn vang

Giết giặc, anh sẵn sàng, cứu nước em đảm đang
Dù bao gian khổ, tiếng ca vẫn rộn ràng


Ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay
Nhưng đến hôm nay trên cánh ruộng này
Màu xới lên thẳng tắp đường cày
Lớp đất sâu đều tay
Trời vừa tinh mơ, dọc bờ rộn tiếng trâu đi
Ta với trâu sương gió quản gì
Bừa kỹ xong gieo luống cho đều
Trâu ơi, mai lúa khoai nhiều
Gửi người thân yêu tiếng hát hậu phương
Thắm đượm hương lúa nồng, có công em trồng
Đảm đang lo tròn nhắn anh yên lòng
Còn giặc xâm lăng, tiền tuyến hậu phương
tất cả ta chung lòng gắng sức hôm nay
Giặc tan anh về... Đón anh thăm đường cày.

Đường cày đảm đang!

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Cô Thơ


Từ khi là nụ, đến lúc thành hoa, chúng mình nhớ ơn chăm sóc của thầy cô. Hoa này em trồng trên ban-công nhà, em kính tặng cô.


Mình vừa được “gặp” lại cô giáo cũ, sau 35 năm, cô Ngô Anh Thơ, giảng viên tiếng Nga dạy mình và các bạn những năm đại học. Ôi quãng thời gian thật là dài.

Gọi là “gặp”, phải để trong dấu nháy nháy bởi hai cô trò mới chỉ liên lạc lại trên mạng điện tử (online) chứ chưa phải trong thực tế (offline). Nhưng như thế cũng mừng lắm rồi. 35 năm có phải cái chớp mắt đâu. Và mình thật đáng trách, chính cô tìm ra trò trước, nhắc lại chuyện cũ, cô vẫn hiền dịu thân tình như thuở sơ tán ven sông Cầu, như hồi quây quần tại khu học xá Mễ Trì mà sinh viên thì được ở nhà xây còn giáo viên nhà tranh vách đất.

Khóa 17 ngữ văn (72-76) có khoảng 130 sinh viên, bọn Hán Nôm chiếm 13 đứa, bọn Ngữ khoảng hai chục, còn lại là Văn. Để học ngoại ngữ, đám văn lại chia tiếp, số thì thụ giáo tiếng Nga, số thì tiếng Pháp, mình nhớ láng máng hình như không có tiếng Trung (cái này phải hỏi kỹ lại ông Xuân Ba). Văn phòng khoa lên danh sách, may nhờ rủi chịu. Một số đứa sau khi biết phải học tiếng Pháp đã giãy nảy, đòi xin sang lớp Nga bằng được (xin lỗi chị Sánh, chị Bé… nhé, các chị là học trò cưng của thầy mơ-xi-ơ Lung, em chả dám động vào). Chả là tiếng Nga đang thịnh, đang thời hoàng kim, “tiếng của Lenin”, mà đã Lenin thì thôi rồi, chúng con xin kính cẩn biết ơn Người. Được cái học tiếng Nga có thuận lợi là sách vở tài liệu nhiều, rẻ, cứ ra hiệu sách ngoại văn Tràng Tiền tha hồ chọn, bán như cho, còn bọn tiếng Pháp thật tội, ngoài giáo trình của khoa, dễ gì kiếm được sách ngoài.

Khoa Văn có hai cô giáo tên na ná nhau, cô Thư và cô Thơ. Cô Thư là Đinh Lê Thư, giảng viên ngôn ngữ, hồi tụi mình mới vào cô đang nổi lắm, trẻ mà tài giỏi, lại thạo ăn nói. Mà theo mình, các thầy cô bên ngữ văn người nào cũng hoạt khẩu, thầy Đinh Xuân Dũng, thầy Hà Minh Đức, cô Lê Hồng Sâm… chẳng hạn; chỉ có thầy Kỵ (Lê Đình) là hơi chậm thôi. Vẫn nhớ cô Thư dạy phần âm vị, cô dẫn thơ “Đưa người ta không đưa qua sông/Sao có tiếng sóng ở trong lòng/Nắng chiều không thắm không vàng vọt/Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”, mình ngồi dưới xuýt xoa hay thế, cảm giác như lạc vào thế giới cực kỳ mê đắm.

Cô Ngô Anh Thơ dạy tiếng Nga tụi mình từ năm thứ nhất, làm cái nhiệm vụ khó khăn nhất là vỡ vạc đầu óc bọn phần lớn xuất thân nông dân như mình để nhét thứ tiếng Nga cực kỳ hóc búa vào. Những là 3 ngôi, 6 cách, số ít số nhiều, giống đực giống cái lại cả giống trung, dấu cứng dấu mềm, ôi giời ôi, cứ là đánh vật. Lúc nào cũng lẩm nhẩm “khơ ra sô, sờ pa xí bơ, vừa đi vừa đá vừa chen…” loạn cả lên. Cũng có không ít đứa thông minh, năng khiếu ngoại ngữ nổi trội, như Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Bích, Nguyễn Thị Minh Huệ… tiếp thu lời cô nhanh, bài tập cô ra nhoắng cái chúng đã làm xong, còn phần lớn, mà mình thuộc diện "tiêu biểu xuất sắc" nhất, lờ đà lờ đờ, ấm a ấm ớ, phát âm thì ngọng, ngữ pháp thì sai, dịch Nga Việt bét nhè cả lên. Thế mà cô chả bao giờ giận, cứ nhẹ nhàng uốn nắn, truyền đạt, từng tí từng tí, rồi cũng xong. Không có thời “đất vỡ hoang” của cô Thơ, chắc sau này thầy Chế, thầy Khuyến bó tay với tụi mình. Bây giờ mình mới dám thú thật, điều này cô Thơ chả biết đâu, cứ các bài kiểm tra hoặc bài tập, mình lại chép của thằng Bích, sau đó anh Vũ Lệnh Năng lại chép của mình. Thật trời có mắt, giờ thì chỉ còn thằng Bích thông thạo tiếng Nga, còn mình và anh Năng tịt hẳn, 100%.

Cô Thơ hiền lắm, có lẽ hồi ấy cô hơn tụi mình khoảng dăm tuổi, tức ngoài đôi mươi chút chút nên coi tụi mình như em trong nhà. Cái Huệ thân với cô hơn cả, còn thằng Huy Hoàng được cô quý mến nhất bởi nó thông minh (thực ra thằng Bích thông minh hơn, nhưng thằng này nó sống khép kín còn hơn cả theo Nho Phật Lão nên ít quan hệ, ngay bây giờ cũng thế, nó đã giáo sư tiến sĩ từ hồi nảo hồi nào mà có mấy ai biết đâu). Mình nhớ có lần buổi tối rủ thằng Ngô Văn Đồng lớp Ngữ, chồng cái Cúc, xuống thăm cô, chủ yếu để hỏi mấy chữ mà mình không thể nào dịch được khi thầy Nguyễn Văn Chế ra bài tập dịch bài thơ Cánh buồm của Lermontov. Cô Thơ ở dãy nhà lá phía bên phải cổng chính, mỗi thầy cô được phân một phòng nho nhỏ, tuyềnh toàng. “Nhà” cô gần khu tá túc của thầy Đinh Xuân Dũng, cũng gần khu của các thầy cô khoa Sử như vợ chồng anh chị Phan Đình Nham-Nguyễn Thị Từng. Sau này mình dạy cùng trường với chị Từng, chị có nhắc đến cô Ngô Anh Thơ của mình, mình khoái lắm. Bữa ấy cô đi vắng, thế là hai thằng ra quán cô Xuyến con bà bu ngoài cổng làm đĩa kẹo dồi, mấy chén nước chè, hết buổi tối. Hôm sau giờ tiếng Nga mình phải trốn, sợ thầy gọi thì có mà chui xuống đất. Năm 80 hay 81 gì đó, thầy Chế từ Đại học Cần Thơ lên Sài Gòn tập trung tại trường Dự bị đại học 2 tuần để đi tu nghiệp bên Liên Xô. Thầy ở nhà mình thời gian đó, vợ chồng mình quý thầy lắm, mình kể lại chuyện đó, thầy cười khớ khớ thật hiền thật vui.

Hôm trước, cô vào blog của mình, cô bảo Thông ơi cô Thơ đây. Cô nhắc lại chuyện hồi năm 2006 họp lớp họp khoa, lúc các bạn đến thăm cô thì mình đang về Hải Phòng, tên Huy Hoàng gọi điện cho hai cô trò nói chuyện. Mình bị chứng mất tiếng, chỉ khào khào chào cô. Kỳ này cô dặn nếu ra Hà Nội nhớ ghé chỗ cô chơi, cô về hưu rồi, nhưng tuần nào cũng gặp Vương, còn thị Huệ cũng hay điện thăm cô, anh Ngọc Hồng hay gọi cho cô, Huy Hoàng ở xa gửi email, cái Đạm cái Hương con, cái Hà lâu không thấy tới. Mình hứa với cô lần tới ra Hà Nội thế nào cũng đến thăm lại cô giáo cũ của mình.

Giờ chỉ ao ước, giá mà đám chúng mình được quay trở lại gần 40 năm trước, cùng quây quần trong cái lớp học đào sâu xuống lòng đất bên bờ sông Cầu, trong cái se lạnh cuối đông, để nghe cô Thơ giảng bài.

27.10.2011

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Chiêm quan Bạch Long Vĩ

Ký giả Xuân Ba gớm thật. Đảo Bạch Long Vĩ quê HP nhà mình mà mình chưa có dịp ra, chả viết được dòng nào; còn nó không những lần hồi khắp xó xỉnh cái đuôi rồng trắng ấy mà còn làm được bài cả mấy kỳ dài khiếp. Thú thực, để ngoáy bút ra chừng ấy, chắc mình phải mất vài tháng, còn nó nghe đâu vài ba ngày. Thôi, so với nó làm chi cho mệt.
Nhưng khoái. Nó nghe clip Bạch Long Vĩ đảo quê hương do mình đưa lên, liền gửi cho bài này. Không biết tau phải trả nhuận bút cho mi hay mi phải nộp tiền công cho tau nhỉ, he he.

XUÂN BA

Chiêm quan Bạch Long Vĩ

Ấy là kiểu nói khác đi của việc tham quan chiêm bái cùng chiêm ngưỡng và cũng là cách thử nói hộ mối thiện cảm của du khách khi liền 6 tiếng đồng hồ dập dềnh trên sóng biếc sóng lặng lẫn sóng lừng đột ngột nhô trong đường chân trời một vật xam xám bắt mắt: Đảo Bạch Long Vĩ ( BLV), pháo đài canh giữ vị trí tiền tiêu của Vịnh Bắc Bộ, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc! BLV cách Hải Phòng 130 km về phía Đông Nam. Cách đảo Hải Nam ( Trung Quốc) 110 km..

Kỳ 1. Thử giải mã dự cảm của nhạc sĩ Huy Du

Tôi cứ tha thẩn mãi chỗ hai cây đa thoạt nhác như cây đa đôi mé bên trái trụ sở của Đoàn C52 Vùng 2 Hải Quân trấn giữ đảo Bạch Long Vĩ.

Tha thẩn bồi hồi nghĩ đến cái năm xa, nhân một buổi ngồi với nhạc sĩ Huy Du, chúng tôi tò mò muốn biết duyên cớ lẫn những hoàn cảnh từng viết nên những ca khúc có sức xuyên thủng sự lãng quên của nhiều năm tháng Anh vẫn hành quân, Cùng anh tiến quân trên đường dài,Việt Nam trên đường chúng ta đi, Nổi lửa lên em... Buổi gặp đó có cả GS Trần Quốc Vượng. Khi gạn đến hoàn cảnh ra đời ca khúc Bạch Long Vĩ đảo quê hương... Nhạc sĩ Huy Du có hé cho chúng tôi rằng đó là một buổi trưa ông bệt xuống chỗ gốc đa của đơn vị Hải quân giữ đảo Bạch Long Vĩ (BLV) Trong âm thanh xé tai của lũ F.105E ( Thần Sấm Sét) ngang nhiên xoẹt qua đảo BLV vào gây tội ác trong đất liền Hải Phòng Quảng Ninh, ông liều chả muốn xuống hầm nữa... Văn nghệ sĩ thời bom đạn ấy ra đảo mạn Bắc tức Vịnh Bắc Bộ nhiều. Nguyễn Khải ra Cồn Cỏ. Nguyễn Tuân thì đi Cô Tô... NS cứ day dứt lấn bấn từ lúc đặt chân lên đảo, người chỉ huy đảo thân thiết nắm lấy tay chiến sĩ chúng tôi nghe danh anh, hát bài hát của anh đã lâu. Anh làm một bài hát về đảo Bạch Long Vĩ này đi anh... và trong cái buổi trưa chớm sang chiều duới gốc đa ấy, những giai điệu của Bạch Long Vĩ đảo quê hương đã hình thành...

Như các thế hệ người Việt, nhiều người từng biết, nếu không thuộc cả thì một vài đoạn ca từ của BLV đảo quê hương... Trong ca từ không có tiếng rít của bầy Thần Sấm Sét, cũng chẳng có bom đạn Mỹ ùng oàng đánh xuống đảo ( từ năm 1965 đến năm 1973 có hơn 4000 lần chiếc máy bay tàu chiến Mỹ oanh tạc BLV với hằng trăm ngàn tấn bom đạn. 23 máy bay Mỹ các loại bị quân dân đảo bắn rơi) mà chỉ tuyền một âm hưởng chủ đạo thiết tha. Là tâm tình của một người em gái hậu phuơng đảm đang mà nay hậu phương ấy bất đắc dĩ trở thành tiền tuyến... BLV đảo quê hương em đứng trông biển khơi thôn xanh như phủ châu... Gió rì rào năm tháng... sóng mang đi ngàn phương quê hương của rồng trắng quê hương của hải đảo...

Tôi nhớ giữa buổi chuyện, GS Trần đứng lên chìa cái ly rượu trắng về phía NS giọng cảm khái, người nhạc sĩ mặc áo lính với ngôi sao vàng trên mũ này có lẽ chưa hề bắn ngã một tên giặc thực dân cũ hoặc mới nào nhưng âm hưởng hào hùng của ca khúc Huy Du thì có sức mạnh hơn cả một binh đoàn. Cái chất lãng mạn cách mạng trong hằng số âm nhạc của Huy Du giản dị như lời ru vậy! Trước lời khen tặng ấy, NS Huy Du chỉ nhũn nhặn rằng yêu cầu của đơn vị cũng chính là lòng tôi thôi thúc. Tôi viết cho đơn vị đảo cũng là viết cho chính tôi...

Cây đa ngày ấy có phải gốc đa bây giờ? Tôi chả dám chắc... Nhưng nghe nói trụ sở tiểu đoàn 52 ấy vẫn dứng chân tại nơi này từ khi thành lập (năm 1957) tiền thân của Trung đoàn 952 bây giờ. Trung đoàn trưởng 952, tiếng ở đảo lâu nhất nhưng cũng mới từ năm 1985 đến nay.

NS Huy Du cùng GS Trẩn nay đã trở thành người thiên cổ. ... BLV đảo quê hương... Gió rì rào năm tháng... Gió thiết tha trùng dương, sóng mang đi ngàn phương, quê hương của rồng trắng, quê hương của hải đảo... (Đoạn này Nguyễn Thông chửi tác giả bài báo không thuộc ca từ của bài bát!!) c Buổi sinh hoạt chiều của bộ đội đoàn 952 bất ngờ rộn rã lên giai điệu bài đảo ca BLV. Từ năm 1966 cả nước đã biết BLV qua ca khúc của Huy Du. 43 năm nay BLV đã trở thành tài sản chung của nhiều thế hệ người Việt.

Tôi lẩn mẩn nghĩ thêm đến cái tài dự báo của NS Huy Du. BLV đảo quê hương như một điềm triệu! Điềm triệu? Em năm NS Huy Du đưa vào ca khúc ấy, có thể là cô gái trong lực luợng TNXP trong đất liền chi viện đột xuất làm công tác quân sự? Có thể là một xã viên trong HTX đánh cá của người Hoa từ ngày bộ đội ta lướt sóng về đây tay nắm chặt tay sắn sàng chiến đấu ( lời ca từ ) Những năm gian nan bom đạn ấy, nói gì thì nói, hòn đảo tiền tiêu BLV vẫn ăm ắp sự sống quân dân cá nước, vẫn nhịp nhàng hiệu quả của sự chung tay phối hợp của tình quân dân... Rồi đùng cái những ngày khó khăn những ngày buồn mà bây chừ chả muốn nhắc đến. Mùa nắng năm 1978, sau một ngày một đêm, hoặc hơn tôi cũng không nhớ kỹ, lử lả trên một con tàu đánh cá kiêm vận tải quân sự, tôi có mặt ở Bạch Long Vĩ trong nhóm báo chí được triệu tập đi công tác đột xuất. Nhiệm vụ khi đó của nhóm nhà báo là vạch trần bọn xấu đương đêm lấy máu chó máu lợn bôi bẩn lên những khung cửa tăm tối vốn đã rệu rã vì mưu sinh khó khăn của nhiều gia đình trong HTX đánh cá của người Hoa lẫn người Kinh. Bọn người xấu hăm doạ rằng nếu không bỏ đảo, không rời BLV đi nơi khác xứ khác thì lực lượng này lực lượng khác sẽ xử lý nghiêm khắc!? Chả biết ma lực nào xui bẩy mà chỉ mấy ngày những xóm chài yên lành của ngư dân người Hoa đã tan hoang vắng lặng rồi bặt hẳn đi sự sống... Dằng dặc mười mấy năm như thế chỉ có âm thanh hù hụ của ngọn gió xiết qua nòng qua họng súng các cỡ của các lực lượng bảo vệ đảo Bạch Long Vĩ!

BLV, âm thanh đó, địa danh ấy bao lần tự nhiên giật thột mỗi lúc chợt nhớ nhưng chả thể đến được ngay bởi những nhiêu khê ngày đàng gang nước hơn trăm cột số đường biển tính từ Hải Phòng để rồi bây giờ sau 31 năm ngơ ngác trước một BLV đang vỡ vạc dần hình hài của cuộc sống hiện đại. Không nhận ra tí gì, đúng hơn không sót lại chút nào dấu tích của những làng chài Hoa kiều. Hình như chỗ xóm chài xôm tụ nhất ngày ấy bây giờ là một âu tàu hiện đại với những khối bê tông sừng sững chắn sóng? Một xóm chài xơ xác khác bây giờ là trụ sở của đội TNXP BLV. Gẫm cảnh trước thấy việc nay để mà chợt giật mình ca từ của Huy Du như thứ điềm triệu! Điềm triệu nghĩa là đảo BLV phải hiện diện phải thường trực một sự sống bình thường của lương dân. Nhỡn tiền bao nhiêu năm nay, BLV đang gắng gỏi trở thành đảo Thanh Niên. Hàng ngàn lượt nam nữ của Tổng đội TNXP BLV đã đứng chân từ những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước cho đến bây giờ, trong sự chở che cũng là làm cái việc chung lưng đấu cật với trung đoàn bộ đội 952 trồng rừng đánh cá làm kinh tế ngõ hầu làm thay đổi diện mạo hòn đảo hoang vắng diện tích hơn 3 cây số vuông này. Để trên những lối đi hun hút ngàn xưa chỉ có gió bể hoang thả giàn và ẩn ẩn hiện hiện sắc xanh áo lính nay chợt thấp thoáng những eo lưng thon thon cảu các cô TNXP... Những eo lưng ấy là tín hiệu là tiêu chí của sự sống sinh thái hài hoà mà thiên hạ đang gắng gỏi đạt đến. Để có bóng thuyền đánh cá tứ xứ tấp nập vào ra trong âu cảng của đảo. Và cũng nên có nên thêm cả chất giọng lè nhè chót quá chén của đám thuỷ thủ, thuyền viên đánh cá vốn ăn sóng nói gió khật khưỡng ghé vào BLV để lấy thêm nuớc ngọt, xăng dầu đồ ăn thức uống từ hệ thống dịch vụ mà những cư dân mới của đảo đảm trách để tiếp tục cho những chuyến hải trình mới! Để rồi có tiếng khóc của trẻ con trong khu gia đình mới xây. Để rồi dần dà hình thành âm thanh hỗn tạp nhưng ấm áp của cuộc sống thường nhật trong những khu tập thể của hòn đảo Thanh niên BLV vv...

Kỳ II. Đôi hồi bên phên dậu quốc gia

Ban ngày loanh quanh dọc ngang trên đảo hơn 3 cây số vuông chả tốn mấy hột thời giờ và có cảm giác BLV cũng chỉ là tầm cấp... huyện? Nhưng tôi đâu biết rằng trong con mắt của các nhà địa chất, các nhà kinh tế tầm chiến lược, biển quanh bờ BLV nông trung bình khoảng 15- 20 mét chứ không thẳm sâu đột ngột. Đảo dốc nhanh về phía nam đông nam. Nếu tính độ sâu 20 mét thì diện tích đảo như bây giờ không phải là hơn 3 km2 mà là hơn 50 km2. Nhiều ý kiến cho rằng đó là diện tích lý tưởng cho khai thác nguồn đặc lợi về kinh tế cũng như an ninh của đảo?

Đêm xuống, từ vị trí cao nhất đảo 62,33 mét lại chồng lên mấy tầng tháp của ngọn hải đăng BLV, bốn luồng ánh sáng lừ lừ quay quét xa 20 hải lý ( gần 50 km) chừng như là thông điệp bao điều kim cổ về hòn đảo từng được mệnh danh là phên dậu quốc gia từng bao năm đảm trách thế ỷ dốc cho Đại Việt! Còn nhiều cuốn hải hành của ngành biển thế giới từng xếp BLV là một trong những đối vật tối quan trọng cho nguời đi biển.

Thế kỷ thứ 10, nhà Lý đã thành lập trang Vân Đồn để quản lý vùng biển Đông Bắc. Sau này nhà Trần nâng trang Vân Đồn thành trấn Vân Đồn trực thuộc triều đình. Nhà Lê đặt tuần kiểm ở các cửa biển để quản lý biển, thu thuế các tầu thuyền nước ngoài. Do vậy chủ quyền Việt Nam trên các đảo vùng biển Đông Bắc được xác lập sớm. Giở lại chính sử, bồi hồi cái nỗi, ông vua Lý khi mới lên 3 tuổi ấy đã tham gia chấp chính, sau này tuổi còn rất trẻ mà đã có ý thức rõ rệt về chủ quyền của Đại Việt. Liền 2 năm Tân Mão và Nhâm thìn ( 1171, 1172) vua Lý Anh Tông đã đích thân dầy công đi qua những vùng núi non hiểm trở quan sát sinh hoạt của dân tuần tra các hải đảo ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam, Bắc, tìm hiểu đường đí, ghi chép phong vật sai vẽ bản đồ Đại Việt”. Từ Vân Đồn, đức vua không biết, ngự thuyền rồng, tất nhiên rồi nhưng bằng loại gì để mà ra tận Bạch Long Vĩ? Bâng khuâng nghĩ đến thời tít tắp ấy, trên lọn sóng biếc giữa ngàn trùng khơi kia đã từng thấp thoáng bóng hoàng bào lặn lội ra tận đây để xác lập chủ quyền! Vua ấy nên mới có tôi ấy tức là Tô Hiến Thành khi vua yếu được giao trọng trách Thái phó Bình chương quân q uốc trọng sự!

Tôi chợt nhớ cuộc gặp với một chuyên gia địa chất đã từng biết rồi từng nằm ở BLV trong những năm đã xa. Chuyện của những người chuyên ăn cơm dương gian làm việc âm phủ dường như mang một sắc thái lãng mạn lẫn ma lực bởi sự hấp dẫn của nó... Ngạc nhiên xiết bao khi được biết vào cái kỷ kiến tạo sông băng tít mù hàng triệu triệu năm trước, đảo BLV có diện tích đến hàng trăm km2! Ông chuyên gia ấy còn dẫn ra nhiều tài liệu, trong đó có luận điểm của chuyên gia địa chất nước ngoài khẳng định hiện trạng địa chất qua bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ, về tuổi trầm tích và mối quan hệ khăng khít về cấu trúc giữa đảo Bạch Long Vĩ và hạ lưu sông Hồng. BLV là điểm nối dài của mạch kiến tạo vô tư và dằng dặc nhiều tỷ năm như thế!

Ngay từ năm 1955, các nhà khoa học Việt Nam và nuớc ngoài đã phát tín hiệu về dầu khí ở Bạch Long Vĩ. Khoáng sản BLV có mangan, sắt, phốt phát, đá silic khuê tảo và đặc biệt là bitum (Atfantit). Trong những lớp thuỷ sa thạch do những con sông đồng bằng Bắc Bộ tạo ra sự kết tầng độc đáo này thường xuất hiện những túi dầu túi khí. Bitum BLV là sản phẩm của dầu khí được đưa từ dưới sâu âm ti lên bị ôxy hoá ngưng kết lại trong các lỗ hổng và khe nứt của cát kết thành dạng hạt cỡ từ 1-2mm. Nhìn mắt thường Atfantit có màu vàng nâu ánh nhựa. Đem phân tích thì có nhiều thứ quý giá trong đó dầu cỡ 20%, nhựa benzen 13,7% nhựa cồn bezen 54,7%, bitum cồn benzen vv...

Dấu hiệu dầu khí khu vực đảo BLV đã có. Nhưng để tiến hành việc thăm dò ở toạ độ bao nhiêu để mà biết vị trí và để biết trữ lượng thì hình như chưa được thực thi? Nhưng chừng ấy thôi cũng đủ để nghĩ để chia ở thì tương lai một sắc diện hồng hào cho những cô, cậu bé con cái của thế hệ TNXP Hải Phòng từng làm cái việc khai sơn phá thạch trên đảo Thanh Niên. Tôi có cảm giác trong vô số tất tả lẫn nhiêu khê, người thì yên tâm cho con học hết chương trình lớp ba lớp bốn ngoài đảo rồi mới cạy cục gửi ông nội bà ngoại trong đất liền người thì cẩn thận hoặc có điều kiện cho con bắt đầu từ chương trình phổ thông ở đất Hải Phòng, hình như họ đang chuẩn bị đang sắm sửa cho đất nước một thế hệ dầu khí Bạch Long Vĩ, đang sắm sanh tài sản cho huyện đảo này hoà nhập vào ngôi nhà CNH, HĐH?

Vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh lớn của thế giới, có diện tích khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất ở cửa vịnh rộng khoảng 207,4 km (112 hải lý).

Bờ vịnh Bắc Bộ thuộc 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng chiều dài 763 km và bờ biển thuộc 2 tỉnh Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc với tổng chiều dài 695 km. Vịnh có hai cửa: eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với bề rộng 35,2 km (19 hải lý) và cửa chính của vịnh từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới đảo Hải Nam (Trung Quốc) rộng 207,4 km (112 hải lý).

Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo đá ven bờ, đặc biệt có đảo BLV nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 130 km. Phía Trung Quốc có một số ít đảo nhỏ ở phía Đông Bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương. Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Vịnh là cửa ngõ giao lưu từ lâu đời của Việt Nam ra thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế cũng như quốc phòng an ninh của nước ta. Đối với khu vực phía Nam Trung Quốc, vịnh cũng có vị trí quan trọng. Vì vậy, cả hai nước đều rất coi trọng việc quản lý, sử dụng và khai thác vịnh. Do bờ biển hai nước vừa kế cận vừa đối diện nhau, nơi rộng nhất không đến 200 hải lý, nên các vùng biển và thềm lục địa của hai nước trong vịnh đều bị chồng lấn lên nhau, cần được phân định để xác định rõ ràng biên giới lãnh hải cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước.

Đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc kéo dài 27 năm với 3 cuộc đàm phán chính trong các năm 1974, 1977- 1978 và 1992-2000. Các cuộc đàm phán cấp Chính phủ năm 1974 (8/1974-11/1974) và năm 1977- 1978 (10/1977-6/ 1978 không đi đến kết quả vì lập trường hai bên cách xa nhau. Năm 1991, sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Trung Quốc đã quyết định thương lượng để giải quyết các vấn đề về biên giới và lãnh thổ, trong đó có vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ. Trong 9 năm từ năm 1992 đến năm 2000, hai bên đã tiến hành 7 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên và nhiều vòng họp khác của Tổ chuyên viên liên hợp, Tổ chuyên gia đo vẽ, xây dựng Tổng đồ vịnh Bắc Bộ (tổng cộng 49 vòng họp, trung bình mỗi năm có hơn 5 vòng họp). Ngày 25/12/2000, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 9 năm giữa hai nước. ( Nguồn Bộ Ngoại giao)

Theo Hiệp định, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích vịnh và Trung Quốc được hưởng 46,77% diện tích vịnh. Đường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tức đảo BLV được hưởng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 3 hải lý (25% hiệu lực). Đảo BLV lại nằm gần như ở giữa vịnh Bắc Bộ (cách bờ biển Việt Nam khoảng 110 km, cách bờ đảo Hải Nam - Trung Quốc khoảng 130 km), tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt nên theo luật pháp và thực tiễn quốc tế chỉ được hưởng một phần hiệu lực hạn chế trong phân định. Đảo Cồn Cỏ cũng là một đảo nhỏ nhưng nằm gần bờ của Việt Nam hơn (cách bờ khoảng 13 hải lý) nên được hưởng 50% hiệu lực trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại đường đóng cửa vịnh. Đây là một kết quả công bằng đạt được trên cơ sở luật pháp và điều kiện cụ thể của vịnh (bờ biển của ta dài hơn của Trung Quốc, ta có nhiều đảo trong vịnh, đặc biệt có đảo BLV nằm gần chính giữa vịnh. ( Trích trả lời phỏng vấn của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên ngày 01-7-2004 nhân dịp Việt Nam và TQ chính thức trao đổi thư phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ)


Kỳ III: Nhiều cách để ... yêu Bạch Long Vĩ

Hình như BLV đã làm trước đã đón đầu quyết sách lớn của Trung ương Đảng ( mãi gần đây mới ban hành) là nghị quyết về chiến lược biển nêu rõ định hướng đưa nước ta thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển. Bằng việc thành lập huyện đảo BLV trực thuộc thành phố Hải Phòng như sự khẳng định tầm quan trọng của BLV trong thực hiện chiến lược Biển Đông- hải đảo tạo cơ sở tiền đề để xây dựng BLV phát triển toàn diện về KT- QP-AN trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ một pháo đài tiền tiêu bảo vệ vững chắc vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Cần lắm thay một con tàu pha sông biển vừa chở được ngươi và hàng hoá để nối liền BLV với đất liền. 130 cây số đường biển từ BLV đến Hải Phòng là một khoảng cách diệu vợi thậm chí hiểm nguy cho những trường hợp cần kíp như cấp cứu chẳng hạn. Không lâu sau khi thành lập huyện đảo, Hải Phòng đã quyết định đóng mới một con tàu mang tên Bạch Long Vĩ. Đó là quyết định rất đúng đắn phù hợp với nguyện vọng của những cư dân mới trên đảo đặc biệt là lực lượng TNXP. Hải Phòng đảm nhận việc đóng mới con tàu trọng tải đâu như hơn trăm tấn này. Ngày hạ thuỷ đã đến. Trước sự mong đợi háo hức, con tàu lừ lừ hạ thuỷ nhưng bất đồ đã chao nghiêng! Người ta nhanh chóng khắc phục bằng cách cho chất nhiều tấn bê tông để lấy lại sự thăng bằng cho con tàu. Nhưng oái oăm, nó vẫn nghiêng hết ấy mấy về... một bên như thế. Sau một thời gian dài khắc phục, nhận thấy nếu cứ mang Bạch Long Vĩ lướt sóng bề Đông nối liền thành phố Hoa phượng đỏ với pháo đài thép BLV như thế sẽ không an toàn nên Bạch Long Vĩ được đổi tên thành Bạch Long Hải và nghe đâu được chuyển sang những hải trình ngăn ngắn... May mà sau đó trên đã kịp sắm cho Tổng đội TNXP một con tàu khác chức năng cũng na ná như Bạch Long Vĩ!

Cách BLV gần 2 hải lý nếu may gặp buổi trời trong, đảo đột ngột hiện ra trong đường chân trời hình thù như con cá mực rồi thoắt mờ ảo với hình bàn tay khổng lồ nhưng thon thả úp trên mặt biển xanh. Gần hơn, vật đầu tiên mà người trên tàu nhìn rõ ngoài cột rađa ngất ngểu giữa chính đảo là chĩnh chiện một hình hài với nhiều người là lạ mắt bởi dười gầm trời Nam ít đâu có. Thấp hơn cột ăngten rađa. Trắng muốt. Tóm lại là cái chong chóng khổng lồ với ba cánh thuôn dài! Ấy là cột phong điện mà nhiều người không lạ khi qua nhiều quốc gia châu Âu nhất là Hà Lan có nhiều cột phong điện- thực chất là nhà máy dùng sức gió để sản xuất điện. Nguồn nguyên liệu sạch và dồi dào ấy, may mắn thay BLV lại rất sẵn! Một dự án táo bạo và lãng mạn được đưa ra BLV phải có nhà máy phong điện để tận dụng sức gió, thứ nữa để chủ động được nguồn điện mà từ trước đến nay chỉ trông chờ vào máy phát. Nhà máy phong điện hình như lần đầu tại Việt Nam và ở ngay BLV này, tại sao không? Sau 4 năm miệt mài thi công, dự án nhà máy phong điện gồm 1 turbine công suất 800 KVA và 2 máy phát diesel công suất 414 KVA/ máy cùng hệ thống mạng lưới, nhà điều hành đã được hoàn thành. Thời điểm khánh thành, qua các phương tiện truyền thông, cả nước hân hoan chia vui với huyện đảo BLV. Ngần ấy nguồn điện dẫu còn khiêm tốn nhưng quý giá xiết bao đối với một hòn đảo vời xa đất liền những 130 cây số! Và có lẽ từ đây sẽ mở ra một triển vọng phát triển nguồn điện đối với những hòn đảo xa xôi cách trở mà ngành điện lực Việt Nam đang bấn bíu với bài toán năng lượng chưa thể giải.

Nhưng niềm vui ngắn chả tày... năm. Nhà máy đang vận hành ngon lành bỗng dưng trục trặc. Trục trặc thì sửa. Chuyên gia Tây Ban Nha được tức tốc điều đến. Qua nhiều ngày xoay xoả khắc phục sự cố, nhà máy phong điện vẫn ì ra. Nghe đâu nguyên nhân trục trặc hỏng hóc là do khâu vận hành. Đại để phụ tải phải đạt 350 KVA thì mới được vận hành phong điện còn dưới mức ấy thì không được nóng ruột! Nghe nói, có nhiều phương án đang được đặt ra. Có thể theo chuyên gia nuớc ngoài đề xuất phương án là đem về cố quốc sữa chữa thay tháo gì đó hoặc để cho đơn vị nào trong nước đảm nhận việc sữa chữa khắc phục sự cố... Mọi thứ điện tiêu dùng trên đảo bây giờ vẫn cứ phải trông chờ vào nguồn máy phát như trước.

Có lẽ sau điện, BLV cần nữa là nguồn nước ngọt. Vậy nên dự án biến nước mặn, nước biển thành nước ngọt được huyện đảo nhanh chóng đưa ra để cân nhắc! Thay vì dự án khai thác nước ngầm mà ở độ sâu tận 200 mét thì nhiêu khê và tốn kém quá... Vậy nên phương án biến mặn thành ngọt được thông qua không mấy khó khăn. Nhưng nghe đâu, quy trình hô biến nước biển thành nước lã là cả một thứ nhiêu khê tinh vi và tầm cỡ thế giới nên chả bao lâu nhà máy, tạm gọi thế đành phải đóng cửa do nhiều phen trục trặc. Chiều muộn, tôi đứng trong gian nhà trống hoác không mái không tường trước đây từng dùng để chứa những thiết bị hô biến. Ngay kế bên cũng một gian trống hoác nhưng nhỏ hơn. Hỏi ra mới biết nơi đây từng lắp đặt thiết bị làm đá nhưng không rõ tại sao đã không thành? Chưa hết, trong ánh chiều nhập nhoạng, non chục cái téc chứa dầu nằm kề bên nhau đang lên cái màu tang thương vàng ệch sét gỉ... ( Xứ BLV này, vật dụng bằng sắt thép chả cần nhúng xuống biển mới là vàng ệch này khác, tôi để ý thấy hầu như tất tật cái vành bánh xe máy đều nhuốm màu nhuôm nhoam của thứ tiền gỉ sét) Lại hỏi tiếp thì được biết đây là một trong những công trình thành phố đầu tư cho BLV để phục vụ cho dự án biến BLV trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đích thị những bể téc kia dùng để chứa xăng dầu. Xăng dầu giữa trùng trùng bể khơi này là của hiếm, dịch vụ thứ thiết yếu này tại sao lại cũng không thành? Không rõ nhiều tàu thuyền ghé qua âu tàu BLV này ( thời điểm cao nhất âu tàu BLV chưa gần 1000 thuyền tàu) họ nạp và đong nhiên liệu ở đâu? Và nước đá để sơ chế hải sản nữa chứ?

Thôi thì nhà máy phong điện trục trặc rồi cũng sẽ tìm ra những hỏng hóc để mà khắc phục. Rồi việc hô biến mặn thành ngọt cũng sẽ được thu xếp ( hoặc sẽ đầu tư thiết bị khác tiên tiến hơn chả hạn hoặc đành chịu khó tốn kém dùng phương án khai thác nước ngầm) Rồi chỗ nền đắc địa ngay sát âu tàu kia đang đặt mấy cái téc dầu rỗng kia cũng sẽ thay bằng dự án dịch vụ khác... Sau này có tò mò hỏi thêm các nhà chức việc ( trong đó có cả cơ quan pháp luật của thành phố) thì may thay tất cả những sự bày biện kể trên không phát hiện ra sự xà xẻo nào! Mà duyên do là nóng vội là sốt ruột mong muốn những con người đang đứng chân tại vị trí tiền tiêu của Tổ quốc phải được hưởng sớm, nào phải cao sang gì, ấy là điện là nước thứ tối thiểu như mọi lương dân Việt khác trong đất liền! Có nhiều cách để yêu đảo, yêu Bạch Long Vĩ. Mà đã yêu thì chẳng thể vôị vã lẫn nóng ruột. Mà trong tình thế này, trong cơ chế thị trường xô bồ cùng với sự đặc thù của đảo, chỉ có thể chầm chậm và thận trọng nghe ngóng thì mới chắc chắn?

Còn có một cách yêu, cách quý Bạch Long Vĩ. Ấy là đoàn nhà báo của Hội nhà báo Việt Nam ra thăm và tặng quà cho đảo được mời dự Lễ khánh thành ngôi chùa khá bề thế đặt ngay sau ngôi Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Ân tượng chưa hẳn là phật tử Hải Phòng và khắp nơi công quả nhiều tỷ đồng để hoàn thành một ngôi chùa khang trang và thuê hẳn một chuyến trực thăng ( chi phí khoảng 200 triệu) để chở một số Hoà thượng đại đức trong đất liền ra làm lễ mà là những động thái chắp tay thành kính của các cô TNXP đang đứng chân trên đảo lâu nay. Bữa nay tất thảy các cô đều mặc áo dài. Bàn tay chai sạn cuốc xẻng làm lụng chắp lại thoắt như những búp sen. Họ thành kính hướng về phía ban thờ ngạt ngào hương khói mà dưới ban thờ kia tất thảy các viên gạch đều được yểm dòng chữ nước CHXHCN Việt Nam. Một ngôi chùa Việt tại đảo BLV ở giữa ngàn trùng khơi Vịnh Bắc Bộ như thứ mốc chủ quyền tâm linh của Tổ quốc!

Kỳ cuối: Chớ phụ những tấm lòng với đảo

Tiện chân tôi ghé vào một căn nhà tuềnh toàng bên đường. Vì huyện đảo BLV chưa có quy hoạch chi tiết nên nhà cửa của cư dân đảo hầu hết hẵng còn tạm bợ. Chủ nhà là anh Đức, bộ đội đảo. Trong số hơn 60 gia đình TNXP định cư tại đảo có 16 cặp chồng là bộ đội đảo BLV lấy vợ TNXP. Đức quê Thanh Hoá, trước đây vợ Đức là TNXP nay đã chuyển việc khác. Hình như mọi thứ chi tiêu trong nhà Đức hai vợ chồng với 2 con nhỏ đều trông chờ vào sạp hàng mắm muối rau cỏ bia, nước ngọt choán gần hết diện tích căn nhà chật hẹp. Bão hay gió lớn thì sóng cao hoặc thời tiết xấu, dân đi biển méo mặt nhưng nhiều sạp hàng của cư dân đảo trong đó có vợ chồng Đức lại mừng vì hàng bán chạy, dân đánh cá, vận tải dạt vào trú ở BLV khá nhiều. Thu nhập mọi thứ theo Đức cũng chỉ đủ sống nhưng vợ chồng anh dự định ở đảo lâu dài. Đức bộc bạch với khách rằng vợ chồng anh yên tâm bởi nghe đâu sắp tới có nhiều dự án kinh tế đầu tư cho đảo, huyện đảo lại cũng sắp có quy hoạch chi tiết. Có quy hoạch nghĩa là nhiều hộ trên đảo như gia đình Đức được phép xây nhà khang trang hơn chứ không tạm bợ như thế này...

Không xa nhà Đức là khu tập thể giành cho TNXP. Trong những căn hộ khiêm nhường thậm chí hẵng còn tuềnh toàng ấy, tôi chợt bắt gặp những ý tưởng những dự định không thường chút nào. Chuyện anh Hậu TNXP quê ở Tiên Lãng chẳng hạn. Anh Hậu nhiều năm nay theo học khoa Luật kinh tế của một trường ĐH ở Hải Phòng. Mỗi tháng Hậu vào đất liền một lần mấy ngày để theo học. May mắn thì đi được tàu của đảo hoặc tàu khách. Không thì đi nhờ tàu cá. Không ít lần đi nhờ tàu cá, gặp bão hoặc thời tiết xấu, Hậu dạt sang tận Quảng Ninh, lần thì dạt xuống mãi Thái Bình, gần nhất là Đồ Sơn, Hậu lại phải đón xe đò về Hải Phòng để kịp học. Ròng rã nhiều năm như thế, Hậu đã theo gần hết chương trình hiện còn hơn năm nữa, Hậu sẽ tốt nghiệp. Nhìn vẻ nhũn nhặn khiêm tốn cùng cái cười cởi mở của Hậu, tôi như đang ngồi trước một kỳ quan! Chứ không à, riêng hành trình của Hậu liên tục là BLV đi Hải Phòng rồi từ HP ngược lại. Mỗi tháng với mỗi lần đi như thế, khi tốt nghiệp Hậu đã chạm đến con số 17.000 km! Tôi chợt nhớ đó là độ dài của đường cáp ngầm kết nối từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ! Chao ôi hai cậu con trai của vợ chồng Hậu chắc chắn sau này, nếu có đi học thì cũng không phải trải qua lộ trình nhọc nhằn như bố!

Chuyện của Định, tôi mạo muội nghĩ, có lẽ dung lượng của những cuốn sách hay bộ phim thì mới đủ sức chuyển tải? Một chàng trai Hà Nội mắc vào vòng nghiện hút. Ròng rã nhiều năm. Cũng ròng rã gần mười năm quyết tâm cai nghiện. Và Định đã cai được. Để đoạn tuyệt với quá khứ đau thương, qua một người bạn ở Hải Phòng, Định biết có lực lượng TNXP trên đảo BLV. Định xin ra đảo nhập vào lực lượng TNXP. Tại đảo Định đã tìm được niềm vui lẫn hạnh phúc tưởng như đã vĩnh viễn rời bỏ những người nghiện hút. Định có gia đình. Vợ Định hiền ngoan. Hai đứa con kháu khỉnh. Hiện một đứa ở Hà Nội với người nhà và một cháu đang ở với vợ chồng Định ngoài đảo. Ngồi cả phê với Định, tôi kín đáo cố xăm soi, mặc dầu chẳng muốn nhưng thử chộp một trích đoạn trong quá khứ xám xịt của người trai Hà thành kia! Định chẳng giấu... Nhưng luôn hiện hữu trước tôi, một người đàn ông có thân hình vạm vỡ chắc nịch vẻ kín đáo nhưng lại có cái cuời cởi mở... Tôi biết bờ vai chắc chắn kia không những gia đình bé mọn của Định tựa vào mà sẽ giúp anh gánh vác bao việc trên hòn đảo mà Định đã quyết neo lại cuộc đời mình!

Đêm cuối ở đảo tôi leo lên bậc cuối của ngọn hải đăng BLV. Chợt nhớ cái đêm đứng ở mũi Tachiao rực lên các cỡ đèn của đảo Hải Nam tự nhiên có cảm giác bồn chồn khi dõi ra phía biển đêm tít mù. Từ mũi Ta chiao này chỉ 130 cây số (bằng đoạn từ Hà Nội đi Bỉm Sơn) phía mạn đông đông nam kia là BLV của Hải Phòng. Cũng chỉ là cảm giác của một kẻ tha hương rằng đất nước mình gần thế sao tự dưng trước mình vời vợi một trùng dương? Nhưng bây giờ đứng trên cửa sổ nhà đèn Bạch Long Vĩ dõi theo luồng sáng xanh hải đăng quét về hướng Hải Nam tít mù kia tự dưng có chút sốt ruột thế nào? Trong túi áo tôi đang cồm cộm cái báo cáo của huyện đảo Bình quân mỗi năm thu hút từ 18-20.000 lượt tàu thuyền vào neo đậu tàu trú gió bão, trao đổi hàng hoá. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2007 đạt trên 100 tỷ đồng với mức tăng trưởng hằng năm 12%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt 19 triệu đồng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3 tỷ đồng. Mới 16 năm thành lập, gắng gỏi ấy cũng là đáng kể. Nhưng vọng người mà ngó đến ta. Hải Nam, người Trung Quốc không gọi đảo mà là đặc khu kinh tế. Hầu như tất cả các yếu nhân của Trung Hoa đều đã đặt chân đến Hải Nam. Chu Dung Cơ, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo ... Còn thế giới thì tấm tắc Hải Nam là Hawaii của phương Đông! Người ta kháo nhau Hải Nam là căn cứ quân sự có cả căn cứ tàu ngầm! Nói vậy thì biết vậy, chả biết thế nào mà lần nhưng nhỡn tiền một đặc khu kinh tế tầm cỡ thế giới hằng ngày cứ ngồn ngộn sinh sôi. Nhà máy lọc dầu, khu du lịch, casino, cảng cá, khu chế biến hải sản... giăng giăng khắp mặt đảo. Cùng một thổ nhưỡng với thứ khí hậu na ná cũng là biển đảo mà sự phát đạt của Bạch Long Vĩ mà Cát Bà của Hải Phòng lại vời vợi thế này?

Lẩn thẩn nghĩ thêm, chẳng phải là cam chịu tụt hậu nhưng trước lúc kịp cho bằng chị bằng em, đại sự chưa thành thì đành hành tiểu sự, nghĩa là làm việc nhỏ trước! Theo tài liệu của ngành thuỷ sản, dân nước mình 2/3 nguồn protein đã đang và sẽ chỉ còn trông chờ vào nguồn lợi từ hải sản ( chả thế mà bao đời nay đã hình thành ngạn ngữ mang tính xoắn bện biện chứng như cơm với cá như mạ với con...) Như vậy phấn đấu trong những năm tới làm sao đạt chỉ tiêu để dân mình không mang tiếng là còi cọc và suy dinh dưỡng thì mỗi năm phải đạt tiêu chuẩn 35 kg cá cho mỗi đầu người! Trong những đầu mối của việc khai thác nguồn lợi từ biển, một trong những nơi đắc địa của ngư trường Vịnh Bắc Bộ chính là BLV! Chả phải ngẫu nhiên mà BLV được trên tin tưởng đặt trọng trách phải gắng gỏi vươn lên chức phận là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ? Có lẽ trước khi có sự đầu tư thích đáng những cú hích những thứ kích cầu thì mong các cấp có trách nhiệm lưu tâm đến lời tâm sự của ông Bí thư huyện đảo Cao Xuân Liên trước lúc chia tay Đề nghị trung ương và thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tấng cơ sở KTXH của huyện chỉ đạo đầu tư tháo gỡ khó khăn về giao thông đi lại giữa đảo và đất liền, điện nước đồng thời có chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ cán bộ giỏi ra đảo công tác...

Ra đảo Bạch Long Vĩ có lẽ chỉ còn trông chờ vào người trẻ?

Huyện đảo Bạch Long Vĩ được vinh dự mang tên đảo Thanh Niên. Hàng ngàn lượt nam nữ TNXP thuộc Tổng Đội TNXP Hải Phòng đã lần lượt làm việc tại đảo. Mỗi nhiệm kỳ ở đảo thường là 3 năm. TNXP làm việc tại đảo không được hưởng tiêu chuẩn như công nhân viên quốc phòng và bộ đội. Theo NĐ về phụ cấp lương mới ban hành năm 2004, mỗi người hằng tháng được hưởng 1.080.000 đồng. 01 bộ quần áo thu đông và 01 bộ Xuân hè/ người/ năm.
Hiện có 60 gia đình TNXP đang sinh cơ lập nghiệp trên đảo. 35 cháu đang theo học từ PTCS đến PTTH. Trong đó có 15 cháu đang theo học chương trình PTTH tại cơ sở nội trú Đồ Sơn giành cho TNXP. Số còn lại đang học PTCS tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

X.B

Tự hỏi


Mỗi sớm mai ai đón nụ cười

Có hỏi rằng tại sao đêm trôi

Mình đã làm gì trong đêm ấy

Hay chỉ chờ mong hái trái đời?


Tại sao cùng một cõi nhân sinh

Nơi này tràn ngập ánh bình minh

Nơi kia tăm tối gông đè nặng

Người như chiếc bóng lạc vô hình?


Tôi thấy tôi thương những con người

Sống tàn chẳng khác kiếp đười ươi

Vui chơi nhảy nhót trong lồng sắt

Nào biết ngoài kia có gió trời.


26.10.2011

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Chuyện bà hàng cá

Hai bà hàng cá lúc vắng khách:
-Này bà, sao tiền nhựa, cứ tưởng bền mà lại chóng hỏng thế nhẩy, trông cứ như... (chỗ này mình không dám ghi vào đây).
-Ừ, không bền bằng tiền giấy hồi xưa (vừa nói vừa lấy hai ngón tay quệt quết trầu trên mép).
-Cũng tiền nhà nước, sao thế hở bà?
-Bà sang bên Úc mà hỏi. Lắm chuyện. Công an bắt bây giờ.
-Thôi, tôi sợ, tiêu tiền cũ cũng được.


Mình nghe hai cụ hàng cá trò chuyện, định bụng lúc nào hỏi mấy bà bạn mình ở Hà Nội, chúng lắm tiền, mụ Hà mụ Đạm có quán cà phê bờ hồ, mụ Dung có công ty, mụ Bé có sổ tiết kiệm... , xem đúng thế không. Money mình cứ như gió vào hội trường cây đa Tân Trào, đâu kịp coi nó mới hay cũ, nên mình thấy cha con bác Lê Đức Thúy vẫn trong sáng như thường.

25.10.2011
Nguyễn Thông

Số phận độc tài

Sáng nay 25.10, mở trang Vietnamnet, vào mục Tuần Việt Nam thấy có bài này của nhà báo Kỳ Duyên. Bài phân tích sâu sắc, nhiều tư liệu và chi tiết nên hơi dài, mình chỉ copy lại đoạn viết về Gaddafi, lấy i sì không thay 1 dấu phảy.

...Những ngày qua, cả thế giới chấn động trước thông tin cựu lãnh đạo Lybia- M. Gaddafi, người được mệnh danh "vua của các vị vua" bị bắt sống, bị chết thê thảm và bị kéo lê ngay trên chính thị trấn quê hương Sirte, giữa sự hỗn loạn của giao tranh, một bên là quân nổi dậy, và một bên là đám tàn quân trung thành.

Một con người suốt 42 năm cai trị độc đoán, khát máu và "đồng bóng" đã tàn sát 20 vạn người dân lương thiện, 52 ngàn tù nhân, và 6 tháng qua, giết 20 ngàn người dân nổi dậy. Ra lệnh giết đồng bào, đồng loại không ghê tay, vậy mà khi bị nòng súng chĩa thẳng vào đầu đã van xin hoảng sợ: "Xin đừng bắn". Nhưng ông ta cũng đã không thoát khỏi cái chết.

Kinh khủng và cũng thật hiếm có, hàng trăm người Libya đã xếp hàng, mặt bịt khẩu trang chờ xem thi thể vấy máu của M.Gaddafi được đặt trong một máy giữ lạnh, vốn để trữ thịt, tại một trung tâm mua sắm. Đó là sự chờ đợi suốt 42 năm nhọc nhằn, khổ ải của họ.

Sinh ra trong sự hoan hỉ của ruột thịt, họ hàng. Chết đi trong sự hoan hỉ, mừng vui của đồng bào mình. Có gì bi thảm hơn thế cho số phận một quân vương?

...Số phận của những nhân vật lịch sử trong quá khứ, nay lại gặp số phận những nhân vật lịch sử trong hiện tại. Chen chúc gặp nhau dưới địa ngục, những nhà độc tài, những trùm phát xít ấy nói với nhau điều gì nhỉ?

Như M. Gaddafi, 27 tuổi đã bước lên ngai vàng trị vì, được tung hô như một vị anh hùng, để 42 năm sau, chết thê thảm trên con đường đầy cát bụi, trộn lẫn máu của ông ta và thuốc súng của phiến quân.

Liệu M. Gaddafi và họ- những nhân vật lịch sử tàn bạo- có ngộ ra một điều- sự độc tài, tham lam và thù hằn dân chủ cũng đồng thời là con đường dẫn đến kết thúc của họ một cách nhanh nhất? Nhưng chắc chắn sẽ có nhiều quân vương của các quốc gia độc đoán, độc tài run sợ, khi nhìn vào số phận của M.Gaddafi, của S. Hussein.

Sống có thể được muôn nghìn lời tung hô. Nhưng chết đi cũng vẫn nhận được muôn nghìn lời nguyền rủa. Sự nguyền rủa, đau đớn thay, có khi còn đến sớm hơn, khi họ vẫn ngự trị và chưa kịp nằm xuống. Đó là vinh hạnh và bất hạnh của các bậc quân vương, tùy tài năng, đức độ, phẩm cách của họ.

Quyền lực là đỉnh cao tham vọng của con người. Nhưng quyền lực cũng là nơi tha hóa con người, đẩy con người vào bi kịch thê thảm. Đó là hai mặt của một cái ghế- quyền lực.

Nó có khoảng cách của 42 năm trị vì, như với M.Gaddafi, hay 24 năm như với S. Hussein. Nhưng có khi nó rất mong manh- chỉ là đường kính tính bằng xăng ti mét của một sợi dây thòng lọng. Hay một tiếng "đoàng" cụt lủn, lạnh tanh vang lên.

Chợt nhớ câu của Hoàng đế Pháp Napoléon: Từ chỗ tuyệt vời đến chỗ lố bịch chỉ có một bước!

(nguyên văn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-10-24-so-phan-doc-tai-)

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Tôi ủng hộ ông Đinh La Thăng

Tối nay không phải đi làm công ăn lương, có tí ti thời gian (thực ra ở nhà còn bận hơn đi làm cơ quan nhiều), mình nhớ đến chuyện ông thượng thư bộ đường sá-đi lại, có tên Thăng, đang gặp nhiều sóng gió.

Người khen cũng lắm, kẻ chê đã nhiều; thưa ông thượng thư, đó là chuyện thường, đừng giật thột làm chi cho mệt. Ai khen, đừng vội nở mũi; ai chê, đừng nên nóng mũi. Việc mình nghĩ là đúng, có lợi cho dân, cứ làm ông ạ. Ban đầu cái mới (thực ra không mới lắm) nào chả thế. Trầy vi tróc vẩy, lên bờ xuống ruộng, ấy chuyện thường tình. Có khi còn mất cả mạng, danh dự, nhân phẩm nữa chứ. Đừng sợ! Tiền bạc, địa vị là cái đếch gì.

Ông phá cái thế độc canh xưa nay của cán bộ nhà nước cấp to, cứ được ngồi ghế này ghế nọ là dịu hiền bám giữ cho bằng được, làm chả dám làm, nói chả dám nói, chả dám đụng đến lông chân ai. Thiên hạ thế nào chứ tôi thì tôi chán các vị kiểu đó ứ tận cổ rồi. Có dư luận phê ông chỉ nói (phát ngôn) chứ chưa chắc đã làm, kệ người ta. Nhiều vị quan nhớn, ngay cả nói cũng không dám mở mồm, cứ nín khe, trong khi làm thì như mèo mửa. Tôi tin ông nói và làm, không phải dạng ông Nguyễn Thiện Nhân (giờ làm Phó thủ tướng). Có người bảo ông chỉ đụng chuyện lặt vặt, cũng kệ, bởi không làm được cái lặt vặt thì đừng mong gì thay đổi điều lớn lao (mà chuyện lặt vặt bực mình ở xứ này đang nhiều nhiều lắm). Họ chơi chữ, nói ông đừng mong "thăng" mà nhỡn tiền sự "giáng", họ làm thơ, phiếm luận, hò vè... ông có nghe có xem thì hãy coi như sự vui vẻ của đời thôi nhé.

Đường dài mới biết sức ngựa hay. Mới chặng khởi đầu, xin ông đừng nản. Thực tế sẽ chứng minh, ông ạ. Nhưng cũng đừng dài quá, mất lòng tin dân chúng. Xưa nay họ chờ đợi, hy vọng, thất vọng quá nhiều rồi.

Ông đừng để chúng tôi thêm một lần thất vọng.

24.10.2011
Nguyễn Thông

Cần trao giải cho công trình-tác phẩm cột mốc chủ quyền

ẢNH: BLOGGER CU LÀNG CÁT


Xin nói ngay, đó là cột mốc chủ quyền lãnh thổ, hay còn gọi là cột mốc biên giới.

Và cũng nói từ đầu cho đàng hoàng: tấm ảnh cột mốc kèm theo bài là của blogger Cu làng cát (bọ Lập bảo rằng là nhà báo Minh Phong), mình mượn từ blog của anh ấy. Mọi lời khen ảnh đẹp hãy dành cho anh Cu làng cát.

Với hàng nghìn cây số đường biên, cột mốc là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ bất di bất dịch của quốc gia. Nó vô cùng thiêng liêng, cao quý. Nó kết tinh máu, nước mắt, mồ hôi, sinh mạng hết thế hệ này sang thế hệ khác. Trên mỗi khối máu kết thành ấy dường như hằn in từng thớ đá lời đức vua anh minh Lê Thánh Tông căn dặn cháu con “phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của tổ tiên để lại”.

Việc phân định biên giới là việc hệ trọng của nhà nước, tôi không dám bàn, mà cũng chả có tư cách bàn. Tôi chỉ lưu ý rằng cột mốc chủ quyền đã dựng thì sống chết giữ cho nó vững, một li cũng không dời, từ kẻ dân thường đến ông tai to mặt nhớn đều có trách nhiệm.

Ôm cột mốc như ôm Tổ quốc vào lòng. ẢNH: BLOGGER CU LÀNG CÁT


Suốt bao năm qua, báo chí truyền thông đã nói đã viết khá nhiều về những người lính biên cương, về những người vạch rừng xẻ núi đi xây dựng cột mốc, về cuộc đấu tranh căng thẳng trên mặt trận ngoại giao để giữ từng tấc đất… Nhiều bài thơ, cuốn phim, bản nhạc, tấm ảnh thể hiện những cột mốc thiêng liêng, đều hay, đẹp và rất xúc động. Chỉ hơi thiếu sót, gần như chưa có thông tin nào cho biết tác giả mẫu cột mốc là ai, cá nhân hay tập thể. Để có được tác phẩm tuyệt vời như thế, chắc rằng tác giả đã dồn hết tài năng, trí tuệ, tình cảm, lòng yêu Tổ quốc, niềm tự hào về đất nước… vào quá trình sáng tác. Hãy cứ nhìn tấm ảnh anh Cu làng cát chụp mà xem, sẽ thấy, đâu phải chỉ là chiếc cột đánh dấu, phân định lãnh thổ, mà là sự uy nghi vững chãi, bền bỉ chắc chắn không thể tả. Dáng thanh thoát vươn cao mà bám chặt trên đất đai biên cương Tổ quốc. Sực nhớ bài thơ của thi sĩ Huy Cận ngợi ca dân tộc mình “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa, sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”, về con người “dũng cảm mà thanh thanh nước bước”, và cột mốc chủ quyền này đã toát lên được chiều sâu đất nước, dân tộc và con người Việt Nam như thế.

Về cơ bản, chúng ta đã phân định xong mốc giới trên đất liền, từ Quảng Ninh vòng về phía tây, xuôi xuống phía nam chót tận cùng Kiên Giang, suốt hàng nghìn cây số biết bao cột mốc oai hùng đẹp đẽ vững chắc đã sừng sững hiên ngang. Trộm nghĩ, mấy chục năm trở lại đây, đó là tác phẩm tượng đài tuyệt vời nhất của đất nước chúng ta.

Cứ dăm năm, nhà nước lại xét trao giải quốc gia cho những công trình, tác phẩm xuất sắc nhất, cả về ý nghĩa xã hội và nghệ thuật. Vậy thì tại sao chưa thấy ai nhắc nhở, đề cử tác phẩm này? Một giải thưởng Nhà nước cho công trình-tác phẩm cột mốc chủ quyền, quá xứng đáng. Và có lẽ không gây sự ì xèo như với nhiều đề cử vừa rồi.

ẢNH: BLOGGER CU LÀNG CÁT


Cần nói thêm, công chúng muốn được biết danh tính tác giả hoặc nhóm tác giả để tỏ lòng biết ơn những con người đã âm thầm cống hiến cho đất nước. Điều này chắc không khó lắm, khi các cơ quan nhà nước có trách nhiệm, như Bộ Ngoại giao, Ban biên giới chính phủ, hoặc Bộ Tư lệnh biên phòng chẳng hạn, đều nắm rất kỹ những gì xung quanh vấn đề này. Sự vinh danh tác giả cột mốc có lẽ cũng nên bắt đầu từ các cơ quan trên.

(Ghi chú: Bài này đã được đăng trên Thanh Niên chủ nhật (báo in) 23.10.2011 và báo online 22.10.2011, có bỏ một số đoạn, còn đây là bản gốc. Đường dẫn trên Thanhnien online: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20111022/Dung-quen-trao-giai-cho-cong-trinh-tac-pham-nay.aspx).


24.10.2011

Nguyễn Thông


Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Mộ chị Võ Thị Sáu đang bị lạm dụng để mê tín dị đoan

Nhà báo Trần Thị Sánh (Trưởng ban Doanh nghiệp-doanh nhân, báo Đất Việt) là người đi nhiều viết nhiều, gần như chả còn chỗ nào trên đất nước này thị không mò đến. Thị vừa đi Côn Đảo về, gửi cho mình bài mới, gọi là góp gạo thổi cơm chung.


MỘ CHỊ VÕ THỊ SÁU ĐANG BỊ LẠM DỤNG ĐỂ MÊ TÍN DỊ ĐOAN

Trần Thị Sánh


Gần 12 giờ đêm, mặc dù barie tại cổng nghĩa trang Hàng Dương đã hạ xuống chắn ngang lối, song từng đoàn khách vẫn lách qua hai bên, rầm rập tiến vào. Họ vác theo những túi to đựng vàng mã, đội những mâm chứa đầy hoa quả, xôi, gà, thủ lợn, rượu bia, thậm chí cả nguyên con lợn đã thui vàng đi về hướng mộ chị Võ Thị Sáu.

Giữa đêm tối mênh mông, tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió vi vu của hàng dương, mộ chị Sáu rực sáng bởi những đám lửa cháy bùng bùng xung quanh do khách thập phương đốt vàng mã. Dù đã khá to, rộng, song vẫn không đủ chỗ để người ta đặt lên đó rất nhiều đồ cúng lễ. Vì vậy, hai chiếc bàn gỗ dài đã được đặt dọc hai bên mộ chị Sáu để đồ cúng lễ không bị rơi. Ngoài hoa quả, xôi gà, lợn quay, bia rượu, trên mộ chị Sáu còn có đủ loại đồ dùng, từ son phấn, gương lược…đến các tư trang cá nhân. Người ta chen chúc nhau sì sụp khấn vái cầu mong đủ thứ từ sức khỏe, bổng lộc, tiền bạc đến con cái. Bà Đỗ Thị Tơ, đến từ Bắc Giang bảo rằng cô Sáu còn linh thiêng hơn cả bà Chúa Kho, bà cầu mong cô Sáu phù hộ cho buôn bán suôn sẻ, giàu có. Vì vậy bà đã cất công vác cả tải vàng mã vào đây và chất thành đống to để đốt cho Cô. Mong cô Sáu phù hộ độ trì.

Nguyên con lợn quay trên mộ chị Võ Thị Sáu (ảnh Trần Thị Sánh)

Anh Lê Văn Quang, nhân viên Ban Quản lý nghĩa trang Hàng Dương cho biết: Gần hai năm nay, du khách đến viếng nghĩa trang Hàng Dương và mộ chị Sáu ngày càng đông. Tuy nhiên, họ không chỉ đến viếng ban ngày mà hầu hết đều ra nghĩa trang lúc nửa đêm. Họ không gọi chị Sáu mà gọi bằng cô Sáu và đến đây không chỉ để thắp hương mà còn cầu xin Cô phù hộ sức khỏe, làm ăn may mắn, giàu sang, thậm chí nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn còn cầu xin con cái. Ai xin Cô cái gì cũng được. Cứ như thế, người ta truyền tai nhau và ngày càng nhiều du khách đến đây cùng rất nhiều đồ lễ và chủ yếu là khách từ các tỉnh phía Bắc. Anh Bùi Thế Trung bay từ Hà Nội vào vui vẻ kể: Đêm qua ra đây xin cô Sáu hai con đề, hôm nay anh thắng được hơn 6 triệu. Đêm nay anh lại ra xin tiếp.
[right][size=1][url=http://condao360.com//showthread.php?p=466]Copyright © Côn Đảo 360° - Du Lịch Côn Đảo - Diễn Đàn Du Lịch Côn Đảo - Posted by nhathamhiem[/url][/size][/right]

Khác với họ, chúng tôi mỗi người một bông hoa hồng trắng lặng lẽ đặt lên mộ chị và cùng nhau hát bài Biết ơn chị Võ Thị Sáu với những giọt nước mắt xúc động giữa sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhiều người. “Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội, vào trái tim những người đang sống…”. Tự nhiên, hình ảnh chị Võ Thị Sáu trẻ trung với hông hoa lêkima trắng cài trên mái tóc hiên ngang đi giữa hai hàng súng của kẻ thù lại hiện về trong tôi. Chị Sáu đẹp, thánh thiện, khí phách hiên ngang và đã hy sinh cho chúng ta được sống trong hòa bình, tự do. Vậy mà người ta vác cả con lợn quay to tướng, cả thùng bia, rượu ngoại và hàng bao tải vàng mã đến đây để đốt để xin bổng lộc. Đó là còn chưa kể, mùa thu cây trút lá, gió chướng thồi ào ào, những đống lửa đốt vàng mã kia rất dễ gây ra cháy nghĩa trang Hàng Dương.

Nhà báo Trần Thị Sánh bên mộ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu (Côn Đảo, tháng 9.2011)


Để ghi nhớ công ơn của Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và các chiến sỹ cách mạng đang yên nghỉ tại đây và để Nghĩa trang Hàng Dương đẹp hơn, huyện đảo Côn Đảo đã cho xây dựng bức phù điêu và tượng chị Võ Thị Sáu bằng đá trong quần thể nghĩa trang. Đồng thời, Nhà tưởng niệm liệt sĩ Võ Thị Sáu cũng xây mới trong một công viên cùng tên. Hàng trăm ghế đá do các doanh nghiệp, cá nhân tặng cũng làm cho nghĩa trang Hàng Dương và các di tích trên đảo thêm đẹp và trang trọng.

Tuy vậy, chuyến ra Côn Đảo vừa rồi cứ làm tôi day dứt. Côn Đảo ngày càng đẹp, giàu có và đông du khách hơn. Nhưng mỗi ngày biết bao vàng mã đốt tại nghĩa trang Hàng Dương cùng gà, lợn, rượu, bia... mà du khách mang đến đây không chỉ tốn kém tiền của, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến việc giáo dục truyền thống lịch sử cho lớp trẻ mà còn không đúng với tính chất một khu di tích bảo tồn lịch sử cách mạng hiện đại Việt Nam. Mộ chị Sáu đang bị lạm dụng bởi sự mê tín quá đáng. Các cơ quan chức năng của huyện Côn Đảo cần sớm chấn chỉnh và có biện pháp ngăn chặn


[right][size=1][url=http://condao360.com//showthread.php?p=466]Copyright © Côn Đảo 360° - Du Lịch Côn Đảo - Diễn Đàn Du Lịch Côn Đảo - Posted by nhathamhiem[/url][/size][/right]

T.T.S

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Những bài hát của một thời (9): Bạch Long Vĩ đảo quê hương

Kỳ này đã định đưa lên bài Đường cày đảm đang của nhạc sĩ An Chung, nhưng mấy bữa ni đọc trên mạng thấy người ta lưu ý Trung Quốc lại bới móc lại đòi cả chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ quê mình. Ái chà chà, thế thì láo quá. Bố láo bố toét. Mình muốn góp tiếng nói phản đối bằng việc giới thiệu một bài hát của đại tá nhạc sĩ Huy Du, Bạch Long Vĩ đảo quê hương (tên cũ là Bài ca đảo Bạch Long Vĩ).

Hồi chiến tranh, nhiều người thích bài hát của nhạc sĩ Huy Du. Chả mấy ai không ngân nga những bài hát của ông, nhiều bài hay lắm, cả hồi chiến tranh lẫn về sau này. Lời bài hát, bây giờ người ta hay gọi sang trọng là ca từ, không chỉ đầy chất thơ, nhạc, mà theo mình, cả họa nữa. Cứ đọc lời ca bài ông viết về Bạch Long Vĩ thì thấy ngay.

Nói về đảo Bạch Long Vĩ. Những năm Mỹ ném bom miền Bắc đợt đầu, Hải Phòng quê mình bị đánh nặng, chả chỗ nào nó tha, đảo nó cũng không tha. Bạch Long Vĩ hồi ấy toàn người Hoa, ngoài ra chỉ có bộ đội hải quân và phòng không. Chẳng biết Mỹ nó sợ cái gì ở đảo đuôi rồng này mà bom đạn dữ dội thế. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm dạo đó ở Hội văn nghệ Hải Phòng, không biết được nghe ai kể, hay chính ông được đi thực tế ở đảo (mình chả rõ) có viết bài thơ về cô giáo người Hoa, Tô Cẩm Tú. Bài thơ tên Cô giáo đảo Bạch Long Vĩ. Mình nhớ đoạn đầu thế này:

Cổng trường Kiều Trung

Nhìn Tú dần xa bến Hải Phòng

Hành lý trên vai lên đường ra biển

Trong tiếng hát bạn bè đưa tiễn

Chào mẹ già em dại ra đi

Vườn Kim Đồng náo nức những mùa thi…

Và đoạn giữa:

Như chiếc en đưa thoi, Tú lao mình trong lửa

Truyền tin, tải đạn, cứu thương

Cô gái năm xưa e lệ giữa sân trường

Nay bỗng hóa phượng hoàng vỗ cánh.

Bài thơ cũng nhắc đến cô đã hy sinh, để lại nhiều thương tiếc cho dân chúng và bộ đội trên đảo. Nếu chuyện này có thật, sao Hải Phòng lại không có con đường nào mang tên Tô Cẩm Tú nhỉ. Hoa thì Hoa, Tàu thì Tàu chứ, một con người như thế rất xứng đáng tôn vinh. Hải Phòng đang có con đường và khu tập thể mang tên Đổng Quốc Bình (gốc Hoa) kia mà.

Năm 1978-1979, xảy ra vụ nạn kiều, người Hoa ở phố Trung Quốc nội thành và ở Bạch Long Vĩ bỏ đi gần hết. Riêng đảo thì sạch trơn, nghe nói suốt mấy năm không có dân, chỉ còn mấy anh bộ đội. Mãi sau này Thành đoàn vận động được một số cặp thanh niên ra, từ đó đảo mới dần có tiếng trẻ con bi bô. Chả biết mộ cô giáo Tô Cẩm Tú có còn?

Anh Uy nhà mình hồi học cấp 3 chịu khó chép bài hát lắm. Anh ấy đóng cuốn sổ dày, to cỡ bàn tay, bìa sơn màu đỏ cho đỡ thấm nước, chép những bài anh ấy thích. Thỉnh thoảng mình cũng mượn để hát, bài nào mình cũng thích. Còn nhớ bài Bạch Long Vĩ đảo quê hương ở gần đầu sổ, sau bài Đánh đích đáng. Chẳng biết giờ cuốn sổ quý giá đầy ắp kỷ niệm đó lưu lạc nơi nào.

Với ai chả biết, chứ với mình, một đứa con Hải Phòng thì đúng là “Bạch Long Vĩ đảo quê hương”.

Bài này do tốp ca nữ đài Tiếng nói Việt Nam trình bày, Zanhanoi sưu tầm.

22.10.2011

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Bây chừ thấy thương cu Bính



Từ trái sang: các anh Vũ Lệnh Năng, Bùi Văn Trọng Cường, Phạm Văn Sĩ (đứng), Nguyễn Huy Cờ, Lương Ngọc Bính. Trần Ngọc Hồng (tại hội lớp, hội khóa 17, tháng 11.2006, Hà Nội)


Những ngày này, Quảng Bình đang chìm trong lũ dữ.

Năm nào cũng như năm nào, cứ độ tháng 9 tháng 10 ta, người dân Quảng bọ lại khốn khổ bởi thiên tai. Mình cứ nghĩ, chả biết đúng không, trên dải đất này, không nơi nào khổ như Quảng Bình. Hồi xưa đi học, nghe ví von miền Trung là chiếc đòn gánh, gánh hai miền Nam - Bắc, nặng trĩu, và Quảng Bình là tâm điểm của chiếc đòn gánh hai đầu trĩu nặng ấy. Nơi hẹp nhất của chữ S, có chỗ chỉ tròm trèm 40 cây số, thật mỏng mảnh, phải cơn lũ dữ cuốn phăng ra biển Đông chứ chả chơi, ai mà biết được.

Bạn đồng môn đồng khóa với mình người Quảng Bình không nhiều, trong một bài cách nay chưa lâu mình đã kể ra rồi, nay nhắc lại chút để cảm phục nhớ thương các bạn ấy: Trần Ngọc Vương, Phạm Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Nam, Nguyễn Thị Lan, Hoàng Sĩ Chiến, Nguyễn Thị Mét. Nam cùng chồng là anh Nguyễn Đăng Thành kéo nhau vào tận trường nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, sau về lại Quảng Trị quê chồng; Xuân Hoàng làm thầy trường Đại học Huế, bảo vệ tiến sĩ cách nay mấy năm, được các bạn Hà Nội tổ chức tiệc mừng mini; anh Chiến và vợ Bùi Thị Lập (quê Bắc Ninh, cái Lập nhỏ nhắn dễ thương, mắt to tròn, mái tóc lúc nào cũng bồng lên) cùng vào Đà Nẵng, một thời lận đận công danh, nay nghe đâu cũng đã “lại đâm cành nở hoa”; Trần Ngọc Vương bám Hà Nội, bám khoa, giờ thuộc diện vua biết mặt chúa biết tên với danh xưng PGS tiến sĩ. Chỉ có cái Lan, Mét và Lương Ngọc Bính về quê bọ, sống chết với quê, tuy nhiên mỗi người mỗi phận. Thị Mét về đài phát thanh-truyền hình Bình Trị Thiên; Lan làm cán bộ văn hóa-thông tin, hơi nghèo, tội nhất đám, nhưng mình cũng không hơn bao nhiêu nên chả có cách gì giúp nó được.

Trong số trên, xét đường học vấn, Vương bọ thành công nhất, nhưng xét hoạn lộ thì nhất Bính. Giờ y đương kim ủy viên trung ương (tất nhiên là đảng rồi), Bí thư Tỉnh ủy, có thể gọi là quan đầu tỉnh, nhân vật số 1 của Quảng Bình. Bính từng giảng dạy tại Đại học Huế, đạt tiến sĩ, sau hồi hương làm Giám đốc sở Giáo dục, rồi Bí thư thị ủy Đồng Hới, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó bí thư rồi Bí thư tỉnh, hình như cả nghị viên viện dân biểu. Ấy cứ nôm na vậy để thấy hoạn lộ của nó thật xênh xang, ít ai bì được.

Cả lớp mình hồi ấy, Bính thuộc diện cao lớn đẹp trai nhất nhì, cùng top với Hoàng Thanh Chương, Nguyễn Văn Bảo, Thanh Vinh (lớp ngữ, chồng cái Hồ Thu Hiền), con gái theo như chuồn chuồn đón mưa. Tính y vui vẻ, tiếng bọ trọ trẹ nhưng lúc nào cũng líu lo, chưa thấy người đã thấy tiếng. Bọn mình thầm ghen tị với y nên nhiều lúc chọc cho bõ tức. Y bị hắc lào, mà hồi ấy đứa nào chả hắc lào, không biết bọn con gái có bị không, đến giờ chưa thấy các thị khai ra. Tội gì khai, bởi thứ bệnh quái quỷ này toàn rúc chỗ kín, nhất là bẹn, háng. Thời ấy tương truyền câu “phi hắc lào bất thành sinh viên”. Mình dự định bao giờ họp lớp, họp khóa 17 sẽ hỏi xem có đứa nào không bị hắc lào hỏi thăm, nếu chối cứ vén háng lên, rõ ngay. Bôi cồn i-ốt thấm sâu vào thịt, nám đen, cả đời còn vết tích. Mấy cô nhân viên cửa hàng thuốc tây cạnh vườn hoa Cửa Nam chắc nhẵn mặt ba thằng sinh viên Tổng hợp. Lần đầu còn rụt rè vờ hỏi thăm mua thứ này thứ nọ, những lần sau cứ chỉ đích danh thuốc hắc lào, loại hộp tròn 50gr, khuân về một lần mấy hộp, để dự phòng. Bao nhiêu cũng chả đủ. Thế là mỗi lần cô bạn gái thằng Bính đến chơi, bọn Phạm Văn Bích, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Bá Tân, Nguyễn Tiến Thư, Trần Quang Tửu hoặc anh Ma Duy Giang… (nhiều đứa ghen với y lắm), réo ầm lên “Bính ơi, sao không trả tao hộp thuốc hắc lào”, vui đáo để, còn y thiếu điều mặt đỏ mặt xanh, độn thổ.

Bạn đồng khóa, từ trái sang: Trần Ngọc Vương, Nguyễn Tiến Thư, Lương Ngọc Bính, Nguyễn Thanh Hương (Hương con), một đứa lớp ngữ, Lê Ngọc Tân, Nguyễn Đình Chiến (Chiến trắng), Lương Thị Cừ (đứng sau Chiến trắng), Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thanh Đạm, Nguyễn Thị Nam.


Y sống với bạn bè tình cảm, chừng mực, chả mất lòng ai. Khi làm quan rồi, bạn gạ gẫm rủ rê, bảo chúng tao vào Quảng Bình chơi nhé, y vui vẻ ngay, đón tiếp nồng hậu. Thằng Lê Ngọc Tân đại gia có xe hơi, hay rủ rê bọn Hà Nội vi vu chỗ này chỗ khác, có lần vào cả rừng rú huyện Yên Thành, Nghệ An tìm ra anh Hoàng Xuân Bối tưởng đã bặt tăm hơi. Chuyến đáo Quảng Bình, nghe chúng nó kể, hùng dũng sang trọng lắm, bọn Sĩ Đại, Bá Tân, Xuân Ba, mụ Bé mụ Sánh mụ Hà (các mụ này nhẹ dạ, ới cái là đi liền), Hương con…, dọc đường đến đâu cũng gọi điện cho mình ríu ra ríu rít. Tới Quảng Bình, thằng Bính bỏ tiền túi đón tiếp chu đáo cho ăn uống ngủ nghê đã đời, lại còn tổ chức đi chơi. Mình nghĩ nếu bọn bố láo kia mà đòi xe cảnh sát dẹp đường có khi nó cũng chiều. Và cảm động nhất là khi đã làm đến quan đầu tỉnh, y vẫn không quên bạn thời sinh viên đang chịu cảnh nghèo. Thanh Đạm kể cho mình nghe rằng y tìm đến tận nhà cái Lan để giúp tiền bạc vì nó nghèo, lại phải nuôi con với mẹ già. Thật tình mình ngượng với Bính quá, mình chỉ được cái nói mồm.

Năm ngoái Quảng Bình bị cơn hồng thủy, nước lút mái nhà, bao nhiêu người chết, báo Tuổi Trẻ chụp đăng tấm ảnh bàn tay thọc qua lỗ ngói giơ cao vẫy vẫy cầu cứu trông rất thảm. Mình nghe kể trong khi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bay trực thăng vào thăm dân vùng lũ vẫn cổ cồn ca-vát, đón tiếp rình rang này nọ thì thằng Bính nhà ta cứ xắn quần lội nước tuốt tận huyện nghèo, vùng xa. Rồi thấy bảo nó không thèm ra Hà Nội họp để ở nhà chống lụt. Đại loại nhiều việc ra trò. Làm công bộc của dân, chí ít phải thế, chứ cứ nay golf mai tenis thì chúng ông chả thèm chơi với mày.

Nghĩ cũng tội cho nó. Khi mình được bù khú với mấy đứa này đứa khác thì nó đang trần mình đánh vật với lũ lụt. Làm quan xứ bọ nhà nó, sướng đâu chưa thấy chỉ thấy khổ vì trời, chưa kể bị dân mắng xơi xơi. Thằng Bính không phải dạng quan “ra đường thì ngựa ngựa xe xe, về nhà thì vênh vênh váo váo, ăn nói thì như ông Cao ông Quỳ…” nên dù nó ở thế giới khác tụi mình nhưng vẫn chơi được với nhau.

Lương Ngọc Bính và các bạn cùng lớp văn tại Quảng Bình. (ảnh hình như của Xuân Ba, do thị Sánh chuyển cho mình)

Nhớ một dạo, có tay CTV nào đó ở Quảng Bình gửi vào cái bài xỉa xói chuyện con gái y được tuyển làm công chức ở ngân hàng nhà nước tỉnh, mình xem và bảo với anh phụ trách tòa soạn khi ấy, rằng chuyện rất vớ vẩn, liên quan gì đến thằng bố (tức thằng Bính) đâu, viết vậy là hồ đồ. Anh ấy nghe ra, bỏ luôn không đăng. Mình làm thế chả phải muốn bênh y mà vì thấy không đáng, thế thôi.

Những ngày này, y lại phát sốt phát rét lên với lũ lụt. Mình ở Sè-goòng mưa bão không bén bánh xe, thấy y thật tội nghiệp.

Chả biết làm gì, chỉ biết hô: Bính ơi, cố lên!


21.10.2011

Nguyễn Thông