Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Đêm nằm năm ở xứ Mạc-tư-khoa

NGUYỄN HUY HOÀNG


Tôi còn nhớ, giữa năm 2006, trước khi đoàn cán  bộ của báo An ninh thủ đô chuẩn bị sang Nga công tác, mấy anh chủ chốt là người quen cũ ở toà soạn đã gửi cho tôi không dưới một chục lá thư trao đổi thông tin, chủ yếu tìm hiểu trước việc ăn ở, đi lại. Ăn thì không thành vấn đề lắm, vì khắp hang cùng, ngõ hẻm thủ đô Matxcơva, trên hàng ngàn đường phố, bây giờ nơi nào cũng có cửa hàng thực phẩm và bán đồ ăn; trong siêu thị nào, các metrô nào cũng có quầy ăn nhanh kiểu Nga, Macđônan, Rôxtic, Xusi, Trung Hoa, Ý…, chỉ có điều giá cao hơn Hà Nội khoảng sáu đến chục lần.

Còn đi lại, phương tiện của Nga không thiếu, muôn phần tiện lợi; giấy tờ của các vị khách thì khỏi lo toàn hộ chiếu công vụ, không phải chi cho công an lấy một cắc khi bị sờ đến; chẳng có ngài cảnh sát nào dại dột lôi các vị về đồn, vừa không moi được xu nào lại còn mang tiếng.



Như vậy, điều đáng bàn là chỗ cư trú của đoàn trong hai tuần lễ. Để trả lời một cách xác thực nhất, tôi đã lượn tới hơn chục khách sạn từ cao cấp tới bình dân với tư cách là dân thuê phòng để thăm dò giá cả.

Các loại  khách sạn cao cấp như Nhẫn vàng, Quốc tế, Inturist , Xlavianxki, Orliônôk, Kôxmôx, Rainesesant, Ukraina, Mariot ,Lêningrratxki… đều có giá từ 280$ đến 800$,  cho một xutki (một ngày đêm). Vào các lâu đài này, có thể nói là lạc tới thiên đường, đỉnh cao của mọi tiện nghi. Cho dù một ông khách hình thể  trời ban khiếm khuyết đến mức nào, nhưng khi đã làm xong thủ tục vào khách sạn dạng này, nói một cách thô thiển là nộp xong tiền, là ngay tức thì được đối xử như một hoàng tử trong chuyện cổ tích. Nhân viên phục vụ trong khách sạn cấp hiệu này là những cô gái Nga đẹp quá mức cần thiết; bước vào khách sạn là có ngay cảm giác lên đời, cũng phong độ như các triệu phú, quý tộccác chính khách.

Đến khách sạn cao cấp, loại xe chuồng gà của tôi, phải đậu xa khu đỗ xe nửa cây số, để không làm xúc phạm tới cả cánh đồng xe bóng lộn.

Cũng vài lần trong tư cách ăn theo, tôi cũng được từng ngả lưng ở chốn này, nằm trên chiếc giường mềm mại, rộng bát ngát mà xót của! Có thể nói, thuê ở khách sạn loại này là  phí phạm, nhất là đối với những người đi họp hành, công vụ. Ví dụ như các chiêu đãi viên và phi công của Vietnam Airlines , theo tiêu chuẩn, buộc phải ở khách sạn 5 sao. Máy bay hạ cánh, chừng 21 giờ tối mới về đến được khách sạn trên phố Olimpic, người nào người nấy lo việc riêng; buổi tối thì mãi nửa đêm mới đặt lưng ngủ, mệt rã hơi, 5 sao và 1 sao chẳng khác nhau là mấy.

Thế mà chia ra, cứ mỗi giờ là mất đi gần 15 đô, tương đương với gần ba trăm ngàn tiền Việt. Một chiêu đãi viên tâm sự với tôi rằng, bọn em chỉ cần một chỗ yên tĩnh để nghỉ lấy sức cho chuyến bay sau thôi, ở thế này tiếc tiền lắm!

Đây là chốn chỉ dành cho những người thừa tiền và những những người được bao tiền. Tất nhiên tôi lai vãng tới chốn này cho có thông tin, chứ với mấy đồng công tác phí, các vị khách cán bộ nhà nước của tôi khó lòng mà nhập được vào vai hoàng tử!
Nguyễn Huy Hoàng và các nhà văn VN. Người đứng bìa trái là cu Nguyễn Sĩ Đại, tóc trắng phớ cả rồi.

Còn khách sạn loại hình bình dân là loại thuê chỗ nằm tính theo ngày đêm, mỗi ngày đêm khoảng 600 rúp, theo thời giá hiện hành là 25$. Vào những chỗ này chủ yếu là dân tỉnh lẻ,dân đi chợ, dân cơ nhỡ. Những khu này giống hệt ký túc xá: phòng tắm chung, toa let công cộng, không có bếp và không có điện thoại riêng. Mỗi phòng thường bố trí bốn giường, có ga đệm, có tivi nhãn hiệu Liên Xô đề năm sản xuất cuối thế kỷ; còn khăn mặt và dép đi trong nhà thì nơi có nơi không. Nhân viên lễ tân săm soi giấy tờ chán chê, ghi tên vào sổ, giao cho chìa khoá , là anh có thể yên tâm về phòng nhá bánh mì với nước suối. Nếu có ai cùng hội cùng thuyền, ba người đủ thuê ghép một phòng thì không sao, chứ nếu phải ghép chung với các vị đầu đen đi chợ, quần áo ít thay, hay uống rượu với hành, bốc lên một thứ mùi mà văn chương bất lực, thì chỉ có nước ra hành lang mà ngủ gật. Ấy là chưa tính đến mục luôn phải cảnh giác với cái ví và đồ đạc của mình khỏi rơi vào thảm trạng bốc hơi!

 Và tất nhiên các vị khách từ Việt Nam sang sẽ không bao giờ chấp nhận phương án này!

Tôi tìm đến các khách sạn hạng trung loại 1-2 sao, 3 sao để tìm hiểu và quyết sẽ chọn làm phương án khả thi. Khách sạn loại này, sơ bộ thống kê ở Matxcơva có tới gần 200 căn. Nó là những khu nhà cao chín, mười tầng như Xaliut, Vacsava, Hữu nghị, Tuổi trẻ, Thể thao, Viện Hàn lâm, Phương Đông, Baican, Những ngôi sao, Aerôport, Anpha , Gama….Giá phòng ở những khách sạn này đều xê dịch từ một trăm hai mươi đến hai trăm rưởi đô.

Tiện nghi trong các phòng này nhìn chung là khả dĩ, có đủ các loại vật dụng dành cho cuộc sống con người ở kỷ văn minh; có bữa sáng tính vào tiền thuê phòng, có các đồ uống trả tiền bày trong tủ lạnh với giá khẩu ngôn là máy chém. Trong quần thể khách sạn loại này, đa phần đều có chỗ đánh bạc, loại đĩa quay  mà dân ta phong thần là “chiếc nón kỳ diệu”; có sàn nhảy, bể bơi, có đủ các trò giải trí hấp dẫn về đêm dành cho các quý ông và quý bà mà người viết chưa một lần dám bén mảng tới.

Khuôn viên của các khách sạn ở Nga, nói chung là đường bệ. Khách sạn nào cũng có chỗ để trên trăm xe và có khu vực tacxi riêng. Mỗi khách sạn đều có dăm quầy bufet ăn nhanh, vài chỗ bán đồ lưu niệm, nhưng giá cả thì cao ngất trời xanh.

Cái sự phiền toái nhất, căn bệnh trầm kha đặc trưng nhất của nước Nga, chính là công đoạn làm thủ tục giấy tờ tại các quầy lễ tân. Khách đến đặt phòng, đặc biệt là khách người Việt và Trung hoa, không ai thoát khỏi sự vặn vẹo bằng một tràng câu hỏi chẳng lấy gì làm dễ chịu: Hộ khẩu ở đâu?,Thẻ nhập cảnh?,Thẻ ngoại kiều? Cái khẩu hiệu hay ho mà ở ta hay sử dụng : khách hàng là thượng đế ! thì quên khẩn trương ở cái xứ này. Thích thì ở, không sướng thì biến, không có các vị thì hoặc là khách sạn bỏ không, hoặc là rồi sẽ có khách khác đến, các vị cần tôi, chứ tôi không cần các vị, chẳng ai lôi kéo các vị làm gì. Đó là cách tư duy rất Nga !

Trong các khách sạn bình thường của Nga , buổi sáng, buổi chiều hứng chí muốn pha ấm trà cũng đành bó tay, không có ấm, không có nước sôi, đun bằng dây mayxo trong khách sạn là tuyệt đối cấm kỵ. Những ai đi Nga nhiều lần, kinh nghiệm đầy mình, đã từng nếm trải những cơn bĩ cực ở khách sạn, bao giờ trong hành trang cũng có một bộ ấm chén, một chiếc” đùi gà” loại nhỏ , dăm ba gói mì tôm, có vị còn thủ sẵn dép lê ,dao cạo râu và khăn mặt nữa.

 Hồi tháng bảy năm 2002 , diễn ra Ngày Văn hoá Hà Nội tại Matxcơva, Đoàn của ta đặt ở tại khách sạn Russia , khách sạn lớn nhất châu Âu (cao 11 tầng, mỗi tầng có 324 phòng, có 4 rạp chiếu bóng, 12 nhà ăn, 2 nhà hát, có 4 tầng ngầm và hàng chục quầy báo chí, đồ lưu niệm. Khách sạn này đang được phá đi để xây lại theo thiết kế mới, vì nó làm hỏng mất cảnh quan của quần thể Kremli). Bộ phận lễ tân khách sạn làm thủ tục đăng ký phòng ở cho Đoàn của ta chỉ gần hai tiếng rưỡi!

 Không thể trách nhân viên ở đây được vì họ phải làm theo quy định: vào máy, kiểm tra an ninh giấy tờ, đăng ký, làm thẻ, thu tiền, xếp phòng, bàn giao chìa khoá.  Cung cách phiền toái kiểu này có lẽ trên thế giới duy nhất còn được bảo tồn chỉ tại Nga!

Thế là phương án thứ nhất tìm thuê phòng khách sạn coi như phá sản, vì những khách Việt chúng ta ở trong nước quen với kiểu thưa, dạ, phục vụ vô điều kiện của các nhân viên khách sạn nội địa; còn lâu mới chịu được thái độ trịch thượng, bất cần đến vô cảm của các nhân viên khách sạn Nga. Cũng xin lưu ý là khách đến thăm người nhà ở các khách sạn cũng là một thử thách khá tổn hại thần kinh. Bảo vệ gác cổng 24/24, mặt lạnh như đá phiến, xin được thẻ vào cửa là cả một chiến công, không hề có kiểu lễ tân đôn đáo gọi điện dẫn người lên phòng như ở xứ ta đâu. Có lúc không xin được thẻ ra vào, đứng chờ cả hàng giờ ngoài cửa là hỏng hết bánh kẹo!

Tôi đành chọn phương án cuối cùng là lên Sứ quán để liên hệ phòng ở cho các vị. Sứ quán ta có hai nhà khách, một ở của 2, số 5 ngõ Obolenxki;  một ở cửa một, số 10 ngõ Xretnhi Konđratrevxki, tức là nhà khách Thương vụ. Trước đây, nhà khách là nơi tạm trú của cán bộ, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và các Đoàn trong nước sang; nay nhà khách chủ yếu để phục vụ cán bộ sang công tác.

Mặc dù không có điện thoại bàn, các tiện nghi thì giản đơn, khiêm tốn, nhưng được cái dân dã, xung quanh toàn là người của ta, đi lại không cần rón rén, anh nào chơi thuốc lào, có thể bắn thả cò; anh nào mê tá lả cũng có được phép thể hiện mình mặc sức. Ấm đun điện bốc hơi sùng sục, trà Thái pha nhâm nhi suốt ngày. Ở tầng một, ngay cửa hai Obolenxki có một nhà người Việt kinh doanh ăn uống, nếu ai dễ tính bỏ qua khoản giá cả, thì có thể coi là mỹ mãn, được ăn phở, đặt cơm bình dân, có các món nhậu lai rai và đọc báo lá cải , xem truyền hình phát bằng tiếng Việt.

Y như rằng, khi tôi viết thư về, các vị nhà ta gật ngay, không một lời bàn. Thế mới tỏ rằng, cái chất công xã, quê kiểng thâm căn, cố đế khó mà có thể gột ra khỏi thói quen của dân ta, bất chấp việc các vị ngự ở ghế nào.

                                  ***

 Khách ở trong nước sang, năm bữa, nửa tháng mới thấu cho sự ăn, ở của bà con ta giữa thủ đô Nga. Trước Hội nghị thượng đỉnh G8 tổ chức tại Nga, theo điều tra về mặt bằng sinh hoạt của các thành phố trên thế giới, Matxcơva vinh dự được đứng đầu bảng, được xếp vào vị trí thành phố đắt đỏ nhất hành tinh. Có thể thấy rõ điều này nhất ở góc độ bất động sản.

 Ở cái "Hội Văn học Nghệ thuật " nghèo khó mà tôi được tham gia, có một vài người có cơ may mua được một căn hộ, còn lại tất cả anh em đều ở dạng bèo dạt, mây trôi, nay ở chỗ này, mai phiêu bạt sang chỗ khác. Cái căn hộ mà vị hội viên nọ mua cách đây ba năm, đâu với giá rúp quy ra đô khoảng 750$ một m2, thì ở thời điểm này đã vọt tới xấp xỉ mười ba ngàn đô một mét!

 Xin trích nguyên văn bài báo đăng ở “Tin tức” ngày 24-8-2006:
 “…Những căn nhà thượng lưu chọc trời đang phô trương một kỷ lục đáng nể, chỉ tầm tầm cỡ hơn hai chục ngàn đô một mét vuông thôi. Giá thành một căn hộ trên phố Ôxtôjenka ngang ngửa giá một căn hộ quý tộc ở Paris. Trên phố Nikov, một căn hộ thoáng đãng chưa xây xong đã có giá sáu triệu rưỡi đô rồi. Còn trên phố Nikitxkaia, một căn hộ năm phòng 280 m2 chỉ khoảng 12 triệu đô thôi!”.

Nếu như năm 2005, thành phố Xanh Peterburg xây trên hai triệu mét vuông nhà ở, thì thành phố Matxcơva đã xây hơn năm triệu mét vuông. Các khu Olimpich cũ, Ramenki, Vưikhino, Xokol, Mogiaixki, Piatnhitxki, Volgagratxki… và trên trục của 26 đại lộ toả ra từ trung tâm đến ngoại ô, có tới hàng chục ngàn ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát.

 Ví dụ, đường Mitrurinxki chạy từ Đại học Tổng hợp đến tận khu Olimpich, trước đây suốt ba cây số là bãi hoang với những khu rôsa (rừng nhỏ), bây giờ có tới hàng trăm ngôi nhà cao cấp ba, bốn chục tầng, hàng loạt siêu thị bề thế; dọc đại lộ Zvenhigorod vừa mới khánh thành có gần chục cây số san sát nhà chọc trời... Thế nhưng nhu cầu của dân Matxcơva cũng chưa hề thoả mãn. Những người Nga giàu lên, mỗi gia đình có vài ba căn hộ cao cấp, có nhà nghỉ sang trọng ở ngoại ô là chuỵên quá ư bình thường. Chỉ cần có một căn hộ hai buồng trong thành phố cho thuê là cả gia đình có quyền sống vương giả, mỗi năm đi du lịch nước ngoài hai lần, chẳng cần gì phải đi làm cho tốn mồ hôi. Có thể đây là một trong những lý do để giá nhà ở của Matxcơva tăng vùn vụt .

Từ đầu năm 2006, giá thuê nhà ở của Thủ đô tăng suýt soát ba lần.Căn hộ một buồng loại nhà Khơrutsôp (nhà lắp ghép gian những năm 60) giá chừng 600$, còn nhà lắp ghép loại mới không dưới 800$, tất nhiên vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ, ví dụ như chủ bút tờ Nhât báo thuê căn hộ một buồng không lấy gì làm rộng, chỉ 18 m2 phòng ở, mỗi tháng vẫn phải trả đều đều 850$ như vắt chanh. Nhưng cũng có người sung về cung điền trạch, thì thuê được với giá 650$ mà chủ không hề quấy quả.

Còn thuê căn hộ hai buồng ở giữa đất kinh đô thì phải chấp nhận giá từ 900 đến 1500 $, tuỳ theo khu vực. Căn hộ ba buồng ở vị trí không đắc địa, tức là xa metrô, không gần bến xe, siêu thị, cũng phải từ 1300$ trở lên. Có một nữ doanh nghiệp người Việt chuyên về hàng mỹ phẩm, cùng với một cô Tây thuê một căn hộ ba buồng, tổng diện tích hơn tám chục mét vuông gần metrô Đinamô, dĩ nhiên là vị thế đại lợi, mỗi tháng phải trả tới 1800$. Có thể nói giá cả thì vô cùng, đắt hay rẻ tuỳ thuộc vào nhu cầu đối tượng, nhưng mặt bằng thì đã có giá sàn .

 Dân thuê nhà rất đa dạng, người Nga trong thành phố khi con cái ra ở riêng muốn sống độc lập, các cặp vợ chồng trẻ chưa có căn hộ, dân từ thành phố khác và tỉnh lẻ lên, nhưng đông nhất là người nước ngoài và các nước SNG .

Cứ truy cập vào các mạng bất động sản, các trang buôn bán  trao tay, tìm việc làm, báo ngày, báo tuần…  đều có thể tìm thấy hàng ngàn địa chỉ với các lời giới thiệu cực kỳ hấp dẫn:"căn hộ một buồng, vừa sửa chữa, tiện nghi đầy đủ, cách tàu điện ngầm 5 phút đi bộ. Giá 800$ một tháng, có thể mặc cả”; "Căn hộ ba buồng, đầy đủ đồ gỗ, điện thoại, ti vi. Cho thuê dài hạn, trả tiền ba tháng một lần. Giá 1600$”, hoặc "Căn hộ ba buồng ở tầng 8, nội thất châu Âu, chỉ cho người Nga hoặc người Slavianxki thuê”…

Còn ở trên bảng tin các bến ô tô buyt, dọc các bức tường gần các tụ điểm kinh doanh, các quảng cáo thuê nhà đủ các sắc màu dán bay phấp phới. Nhân viên vệ sinh vừa bóc xong buổi sáng, thì buổi chiều lại dày đặc như có phép thần. Đơn giản là các trung tâm dịch vụ có một đội ngũ đông đảo những nhà dán quảng cáo chuyên nghiệp với mức công xá 450 rúp mỗi ngày (chừng 25$)

 Có thể nói một cách khẳng định rằng, tới 99,9% các quảng cáo cho thuê nhà đều qua môi giới, trung gian. Mà trung thì hiếm, gian nhiều. Rất ít, ít lắm, năm thì, mười họa mới có những người thuê được nhà chính chủ qua con đường mách bảo. Chỉ cần chủ nhà dán lên, đăng tin sau một vài phút, là các quảng cáo này bị xoá sổ, và những thông tin trên được thay bằng số điện thoại liên hệ của họ; số điện thoại chính chủ  thì các trung tâm môi giới đã kịp thời cho vào arkhiv (lưu trữ).

Người đi thuê nhà lại phải bước qua ngưỡng cửa của họ, gọi điện qua môi giới, trả phần trăm hoa hồng cho họ. Trung gian dẫn mối thuê nhà ở Matxcơva được hưởng trọn 100% số tiền cho thuê một tháng, chẳng hạn, anh thuê căn hộ với giá 1300$, thì có nghĩa anh phái chi ra cho công chỉ trỏ ngần ấy. Đã thành luật rồi, mà luật thì cứ thế mà thực hiện. Nhiệm vụ của nhà chỉ trỏ là thu thập thông tin, khi có khách gọi điện đến, hẹn gặp và làm thoả thuận bằng giấy, nộp lệ phí bằng tiền mặt. Nhà chỉ trỏ liên hệ với chủ nhà, ấn định giờ giấc, cho đối tượng tiếp xúc, dùng công ty môi giới làm hợp đồng hộ cho hai bên, chủ nhà bàn giao chìa khoá, người thuê trao tiền.

Có một số công ty môi giới nghiêm túc, có uy tín, dưới góc độ đạo đức gọi là có lương tâm. Nhưng bên cạnh con số tí hon đó là hàng loạt công ty môi giới lừa đảo. Chương trình KriminalPetrovka 38  thường xuyên có những phóng sự nói về những thủ đoạn ma giáo của những công ty đôm tặc này.

Tôi và một vài gia đình, thuộc vào hạng có thâm niên cư ngụ ở đất Nga không dưới hai chục năm, vẫn bị ăn những quả lừa ngoạn mục mà chẳng quả nào giống với quả nào.

Anh bạn tôi, một trí thức và là một doanh nghiệp thành danh, đã sống ở Matxcơva ngót nghét một phần tư thế kỷ, một chuyên gia có hạng về kinh tế, hiểu biết đến tận chân tơ, kẽ tóc về các mánh khoé của giới trung gian, cũng đã phải ngậm đắng, nuốt cay khi phải móc ra hơn hai ngàn đô để trả món học phí mà anh hài hước cho rằng đó là ngu phí.

Số là, gia đình người chủ cũ lấy lại căn hộ anh bạn tôi đang ở để cưới vợ cho con, anh phải gấp rút tìm thuê một chỗ ở mới  với một điều kiện giản dị là không xa khu vực cũ ấy để khỏi phải chuyển chỗ học cho con. Anh đánh máy và phôtô ra hàng chục bản quảng cáo với nội dung cực kỳ nghiêm túc và khẩn thiết: “Gia đình một trí thức người nước ngoài cần thuê căn hộ hai buồng. Đảm bảo sạch sẽ, ngăn nắp và thực hiện đúng mọi cam kết và đièu kiện của chủ nhà"

 Buổi tối hai cha con mang đi dán khắp góc tường, bến bãi ôtô. Sau hai ngày, một cú điện thoại ân cần mời anh đến xem nhà ở trên phố Garibanđi, cạnh đôm 5 cũ. Căn hộ anh được giới thiệu là một căn hộ hai buồng lý tưởng, thuê chính chủ, không qua trung gian, giá cả hợp lý. Duy nhất chỉ có một điều là chủ nhà đòi trả trước 6 tháng tiền phòng, với lý do là có việc chi tiêu trong gia đình, còn sau đó thì trả từng tháng một. Anh viện ra một vài lý do, nhưng  cuối cùng cũng đi đến thoả thuận trả trước ba tháng.

Theo yêu cầu của anh, chủ nhà cho anh xem "Giấy quyền sở hữu nhà ở", đề nghị hướng dẫn sử dụng hệ thống ga, điện, nước, đômôphôn (kốt cửa ra vào) và lập bản khai tình trạng các vật dụng trong nhà.

Vì không qua công ty môi giới, anh và chủ nhà soạn thảo Hợp đồng viết tay, chủ nhà ký nhận số tiền thuê 3 tháng cộng với tiền đặt cọc. Chủ nhà trao anh hai chùm chìa khoá, dặn dò chu đáo mọi nhẽ, anh trở về nhà mãn nguyện như người trúng xổ số!

 Suốt mấy hôm, anh lo dọn dẹp, sửa sang, sắp đặt và chọn ngày chuyển đến ở. Lúc anh đang làm lễ cúng thổ công,  hương khói nghi ngút thì có tiếng chuông gọi cửa.

 Một phụ nữ luống tuổi xuất hiện với bộ mặt vừa ngạc nhiên, vừa giận dữ về việc có một ông châu Á có mặt trong căn hộ đang làm một lễ nghi tôn giáo nào đó. Bà định gọi công an đến để tóm quả tang sự kiện hy hữu này. Mãi đến khi bà kiên nhẫn nghe anh giả thích ngọn cành, người phụ nữ bèn ôn tồn cho anh hay rằng, cái căn hộ mà anh đang có mặt, từ lâu, bà cho một nhóm dân đầu đen đi chợ thuê ở, nhưng gần đây, bà cần lấy lại. Bà đã gọi điện trước cho họ, họ hẹn hôm nay sẽ bàn giao. Khi cho họ  thuê, bà cẩn thận phôtô coppi lại các thứ giấy tờ cần thiết để khi công an khu vực hỏi thăm, họ có cái mà chìa ra.

 Khi mấy ông Kapkaz hết hạn ở, vớ được quả quảng cáo thơm tho của ông bạn tôi, với trí tuệ ranh ma có hạng, họ bèn scane lại giấy tờ, bôi lại thành tên tuổi trùng với hộ chiếu và thẳng tay đưa vị trí thức người Việt đáng kính vào bẫy. Quả này họ ôm gọn hơn hai ngàn đô rồi lưu luyến ra đi.

 Cay cú nhất là một gia đình có người làm Giám đốc ở một Công ty Hải quan. Tay Giám đốc này cực kỳ bận bịu, nhờ bên Dịch vụ tìm được một căn hộ ba buồng cách không xa nơi làm việc. Là người sành sỏi về các loại giấy tờ, anh ta dò rất kỹ bản sở hữu nhà, hộ chiếu chủ cho thuê, tư cách pháp nhân của Công ty môi giới mới ký Hợp đồng. Theo luật, thực ra là lệ, anh ta trao cho môi giới 1600$ và trả tiền tháng đầu tiên cho chủ nhà cộng với tiền đặt cọc một tháng, đề phòng ngừa thuê làm hỏng đồ đạc.

Theo nguyên tắc, số tiền đặt cọc này, khi anh rời khỏi nhà sẽ đựơc lấy lại. Gia đình anh đang sống yên ổn đến tháng thứ tư thì chủ nhà đùng đùng đến đòi lại căn hộ. Ông ta bảo rằng, vợ chồng con trai ông không đồng ý cho ông ở chung vì cô vợ sắp sinh cháu. Vì trường hợp bất khả kháng kiểu này không có ai ghi vào Hợp đồng cả, anh Giám đốc đành chịu lún, nhưng khoản tiền đặt cọc thì anh chiểu theo Hợp đồng đòi lại đòi lại.

Lúc đó chủ nhà liền chỉ cho anh hai mảng ố vàng trong phòng tắm ( có từ thời nảo, thời nào trước khi anh đến ở, nhưng anh không để ý), một mảng trần nhà do khói hương nhuốm vàng, bốn chỗ khoan tường anh lắp bàn thờ và mấy chỗ anh đóng đinh treo tranh và kiên quyết không trả một xu, trừ khi anh gọi thợ đến sửa lại.

Gọi thợ thì mất không biết bao nhiêu thời gian, tiền sửa cũng ngốn gần một nửa, anh đành chịu đầu hàng cái lý cùn của người Mèo. Và chỉ mấy ngày sau, tên căn hộ anh vừa dọn đi, lại được rao quảng cáo, và một gia đình nào đó sẽ tiếp tục đến để làm vật hy sinh. Vở bi kịch kiểu này còn khuya mới sang hồi kết.                     

Còn trường hợp của tôi thì mới xảy ra cách đây không lâu, đang nóng hổi tính thời sự. Trong vòng một năm, tôi phải năm lần chuyển chỗ ở, chuyện này mọi người đều biết, người ta cho rằng, tôi xứng đáng được đưa vào kỷ lục Ghinet, vì cổ nhân có nói ‘ba lần chuyển nhà, bằng một lần hoả hoạn”.

Cứ mỗi lần chuyển nhà xong, là y như rằng, tôi đều lăn ra ốm, chí ít cũng bốn năm ngày, vì quả thật, nó gian lao, mệt mỏi ngoài khả năng tưởng tượng. Đóng gói đồ đạc mất chục ngày, khi bình thường thì trong nhà xơ xác, nghèo nàn là vậy, nhưng khi chuyển đi thì mới lỉnh kỉnh làm sao. Vài chục kiện sách, vứt quyển nào cũng tiếc, tivi, máy tính, giường tủ, soong nồi, bếp điện, lò sưởi, quần áo, giầy dép…chất cao như kim tự tháp Ai cập. Khi chuyển nhà mới biết mình lắm của! Nào là thuê mấy chuyến xe gazen chở, nào là thuê cửu vạn bốc lên, bốc xuống, nào là xin giấy tờ cho phép chở đồ đạc , chuẩn bị tư thế giải trình công an khi bị chặn dọc đường….Bây giờ nghĩ lại những cái đẫn chuyển nhà là tóc tôi cứ dựng ngược như lông nhím!
Hoàng cùng các bạn ở Mạc-tư-khoa. Trong số này có vợ chồng con cái gia đình mụ Hồ Thu Hiền. Cái Hiền (cổ quàng khăn) trông vẫn như xưa, lâu lắm rồi mình không gặp, thậm chí cả xem ảnh cũng không. Nó vẫn trẻ đẹp), con gái nó ngồi cạnh bìa trái. Chồng nó, thằng Hoàng Thanh Vinh (lớp Ngữ K17) trông hơi khác (đứng thứ 3 từ phải qua), thằng Vinh ngày xưa đẹp trai nhất khóa, cỡ Trần Nho Thìn, Hoàng Thanh Chương.



Tôi bỗng thấm thía mấy câu thơ của một người bạn cùng cảnh ngộ

Một năm, mấy bận chuyển nhà
Thư từ, địa chỉ chuyển qua mấy lần
Lạc đường, lạc lối. Quen chân
Bước đi cứ trở về nhầm lối xưa
Quê người, nắng sớm, chiều mưa
Một căn phòng ở, bao giờ cho yên?
Dửng dưng cái lạnh láng giềng
Rợn người thấy đám thanh niên la cà
Tháng gần, đắp đổi năm xa
Hạt mưa thì vẫn cứ là dạt trôi
Dẫu đi cuối đất, cùng trời
Thì ta vẫn cứ là người trú chân

 Tìm cho được một chỗ ở hợp lý, vừa túi tiền của mình ở xứ này là cả một vấn đề. Tìm một căn hộ  nằm trong khu vành đai thì đừng có mà mơ cái giá rẻ. Thuê nhà, kinh nghiệm thực tế dạy cho tôi là kén chủ. Nếu chủ nhà tử tế, cho thuê dài hạn, giấy tờ sở hữu nhà nghiêm chỉnh, hàng tháng đến ngày lấy tiền, gọi điện báo trước, nhiều khi người thuê thiếu tiền vẫn cho muộn đi dăm ba ngày, đó là chủ nhà lý tưởng. Gặp phải chủ nhà nát rượu, bầy hầy, hay trở chứng, hám lợi, cho thuê được dăm bữa, nửa năm là đòi tăng tiền, nếu không đáp ứng được yêu cầu là trở giọng quậy đòi lại nhà, là mệt nhất .

Có được chủ nhà rồi, lại phải tính đến khoản láng giềng. Phải cay đắng mà thừa nhận rằng đại đa số dân Nga rất kỵ khi có người  châu Á thuê nhà bên cạnh, ta cũng vậy, mà Trung hoa cũng rứa.  Nói to, ngủ ngáy tùy tiện, rán nấu suốt  ngày, khách khứa ra vào tấp nập…chưa kể khoản rác rưởi đổ bừa bên miệng thùng rác hành lang, là những phẩm chất của bà con ta làm cho dân Nga ít khi chịu đựng nổi. Láng giềng thông cảm, họ cho qua; nhưng những người khó tính thì họ phản ứng rất nhiều cách, cách phổ biến nhất là cho một cú điện thoại tới công an khu vực và công an trật tự xã hội. Mà công an khi đã đích thân đến thì coi như  hy sinh, hoặc là thò ví ra, hoặc là lên đồn giải quyết. Vì vậy, có được láng giềng tốt là người thuê nhà gặp vận đỏ như son.

Tiếp nữa là vị trí và chất lượng nhà ở. Có được nhà gần phương tiện giao thông công cộng, đi đêm, về hôm đỡ lo ngay ngáy, tiết kiệm được khối thời gian. Ở nhà chất lượng tốt thì khỏi phải tổn thọ về khoản điện, nước, thông gió lò sưởi, mạng điện thoại, internet, hệ thống cửa ra vào. Nhiều gia đình thuê nhà cũ, phải sửa liên tục, khắc phục hiện trạng nước rò rỉ, aptômat điện hay trở chứng vừa tốn kém, vừa phiền toái vì gọi thợ điện, thợ nước ở bên này không đơn giản chút nào.

Nghĩa là người thuê nhà có được những điều trên thì có thể khẳng định được là đắc lợi, như các cụ hay nói, “nhất cận thị , nhị cận giang” nôm na dịch ra là ”muốn cho gần chợ bán mua – gần sông tắm mát, gần chùa nghe chuông”.

 Nhưng cơ khổ nhất trong sự nghiệp thuê nhà phải kể đến việc giải quyết đồ đạc. Tôi còn nhớ lần đầu tiên rời ký túc xá ra thuê nhà, hồi ấy giá đồ gỗ còn rẻ , tôi cho ra thùng rác tất cả nhũng gì quá cũ như tivi Electron Xôviêt, đài Riga, đivăng cả cục không xếp, những chiếc ghế bành cũ kỹ choán nhiều diện tích...để mua thứ khác. Đến khi chuyển sang nơi ở mới, nếu trong nhà không có đồ đạc gì, thì mình cho các thứ của mình vào là đẹp; còn như ở căn hộ mới có đủ các thứ dùng được, thì đồ mình mua sắm coi như là bỏ.

Chỉ nội trong vòng hai năm, tôi phải bỏ tới ba chiếc đàn pianô, tuy không còn mới nhưng chất lượng thì đến giáo viên dạy nhạc khó tính cũng không có ý kiến gì. Tiếc thật đấy, nhưng tính chi li, nếu công chuyển một chiếc đàn nặng 350kg từ tầng 15 xuống đất, thuê xe chở đến cuối thành phố, rồi lại chuyển lên nhà cao tầng, có nơi trực nhà không cho chuyển bằng thang máy, thì tiền vá còn quá tiền may, vì mỗi chiếc cũ chỉ giá chừng 300 đôla, thế là đành bỏ lại. Còn những thứ lỉnh kỉnh từ thảm trải nhà, quần áo, giày dép, nồi chảo cũ…công đóng gói để mang bỏ đi cũng phải mất cả tuần.

 Nuôi một nguyện vọng giản dị là muốn thành lập một thư viện nhỏ cho bà con ta bên này, hễ ai về nước là tôi lần đến, xin lại những sách cũ họ bỏ đi; có ai trong nước sang, tôi cố nhờ vả họ mang hộ theo cho ít sách. Cứ thế, năm tháng trôi qua, số sách của tôi đã lên đến con số nhiều tạ, chiếm mất tới một nửa căn hộ. Những lần di chuyển, tôi cứ phải đến chỗ chợ điện tử, nơi người ta thải ra nhiều hộp giấy có khổ vừa phải, mua băng dính, ngồi suốt cả nửa tháng phân loại và đóng như đóng hàng gửi tàu biển, xếp lên, xếp xuống đến ê ẩm mạng sườn.

 Hiện tại, khi tôi đang ngồi viết những dòng này, tôi còn đang phải nhờ Ban quản trị Xaliut 3 một kho ở tầng ngầm để gửi hơn bốn chục kiện sách .

Trong năm qua, tôi đã gọi điện không dưới hàng trăm cuộc tìm đến các địa chỉ thuê nhà qua mạng và báo chí. Khi chủ nhà, hoặc trung tâm môi giới nhấc điện thoại lên, câu đầu tiên là “Anh là ai, người nước nào?”. Nếu cho họ biết, tôi là người Việt Nam, thì thường đầu dây một tiếng trả lời cụt lủn:”xin lỗi” rồi dập máy. Bất cứ ai là người Việt, đã từng phải gọi đến những công ty dịch vụ thuê căn hộ, đều phải chịu đựng tâm trạng nặng nề này như là một sự xúc phạm.

 Nhiều bà con ta, vốn tiếng Nga giao tiếp chỉ dừng ở mức chào hỏi, bắt tắc xi, khi gọi điện thuê nhà thật là cơ khổ, lại phải nhờ người biết tiếng hoặc thông qua dịch vụ của ta. Tôi đã từng mang tờ báo quảng cáo  “Trao tay” (iz ruk v ruki) dày 160 trang đem cho nhiều người Nga xem và gọi điện đến Ban biên tập bày tỏ sự phản đối về việc họ cho đăng những tin rao: “Cho thuê căn hộ …trừ người Việt nam và Kavkaz”. Ban Biên tập chống chế là do chủ có nhà cho thuê  yêu cầu như vậy, nhưng tôi cảnh báo với họ, là nếu họ tiếp tục cho đăng như vậy, tôi sẽ đề đạt lên Sứ quán và sẽ kiện lại họ. Sau đó thì không thấy xuất hiện những dòng tin kiểu ấy nữa. Hoá ra nhiều khi mình mạnh mồm cũng có tác dụng.

 Nhưng mà ở điểm này cũng cần thiết mở ngoặc một chút ở chỗ, dân ta có thời thuê nhà đã có nhiều hiện tượng bùng tiền, quỵt tiền tháng của chủ nhà, tệ hại hơn nữa là sử dụng số điện thoại của họ làm dịch vụ gọi đi nước ngoài, đến khi hoá đơn tính tiền gửi về tính ra hàng chục ngàn đô, thì bỏ trốn đi, chủ nhà lại phải gánh một đống tiền nợ Bưu điện. Ông Trưởng phòng Lãnh sự của ta năm 1999 đã cho tôi xem cả tập đơn của dân Nga kiện người Việt thuê nhà, trong đó có đơn một bà già về hưu tố cáo một cô Việt Nam thuê, nợ tiền điện thoại lên tới 14000$, dẫn đến việc Toà án phong toả nhà của bà.

Việc truy tìm nguời thuê thì có mục thất, vì những người này có chủ ý trước, khi thuê, họ dùng giấy tờ khác tên, khác tuổi, thậm chí là giấy tờ giả. Những người này đã để lại một hậu quả cho cộng đồng, bôi đen cộng đồng vì những món lợi của họ. Phía Ban 5 của ta cũng đã từng xử lý không ít vụ việc kiểu này, cũng góp phần nào trừng phạt và răn đe được một số phần tử làm hoen ố hình ảnh của người Việt.

Tuy vậy, lắm khi, tôi cũng nhận được những câu trả lời lịch thiệp, nhũn nhặn, cũng cảm thấy dễ chịu, có thể là do cách xưng hô của mình, cũng có thể là những người Nga đó đã từng tiếp xúc với những người Việt có văn hoá, họ hiểu và thông cảm cho những người đi tìm chốn nương thân. Đúng như cha ông nói là “không được ăn thịt, ăn xôi- thì cho lời nói cho nguôi tấm lòng”

 Trường hợp tôi bị xơi quả lừa  cũng muốn nói lên ngõ hầu cho những ai đi tìm nhà biết để có thêm chút kinh nghiệm.

Chuyện xảy ra vào dạo tháng Tám. Tôi gọi điện đến Trung tâm dịch vụ bất động sản, đặt vấn đề thuê một căn hộ hai buồng, nếu không có thì một buồng cũng được trên phố Xtraletxkaia, gần trường học của con gái tôi. Cô nàng trực điện thoại hẹn đến 56 phố Nôvôxlabôtxkaia để trao đổi và làm hợp đồng. Việc đầu tiên của Hợp đồng, là tôi phải đặt trước 100$ với điều kiện là “Trung tâm sẽ hết sức cố gắng tìm nhà. Nếu tìm được, Trung tâm sẽ hưởng một tháng tiền nhà. Nếu không tìm được, Trung tâm chỉ nhận 20% tiền đặt cọc". Có lý quá, đàng hoàng quá. Nhưng cái dích dắc ở đây là không ghi thời hạn “cố gắng tìm nhà" bao nhiêu lâu. Nàng dịch vụ mũi khoằm, tóc đen, người miền sơn cước, vùng đất mà Lermontov đã bị lưu đày hồi đầu thế kỷ 19, sau khi lật lật sổ ra xem, ra vẻ cực kỳ mẫn cán, bảo với tôi rằng, vào ngày mai, khoảng 7 giờ tối  dến trước nhà số 8, cạnh trường Phổ thông 279, sẽ có người dẫn tôi đến xem nhà.

 Đúng hẹn, tôi có mặt, ngồi chờ, trời cuối hè bảy giờ vẫn còn sáng như buổi trưa, tôi đọc xong cả tờ báo mà không thấy bóng dáng một ai, ngoài mấy bà già về hưu ngồi hóng chuyện. Hôm sau nữa cũng thế. Tôi gọi điện, nàng đầu đen cho biết là bà chủ nhà đi nghỉ, chưa về, ở tận ngoại ô, họ không liên lạc được. Đành phải tìm đến nơi khác vậy!, cô ta bảo thế. Bực mình, tôi đến Văn phòng đòi lại tiền, cô ta mặt lạnh như kem bảo là “theo Hợp đồng, Trung tâm vẫn tiếp tục tìm nhà. Khi nào tìm được thì sẽ báo cho ông biết"

Thế là hai năm rõ mười, họ dây dưa hết ngày nọ, tháng kia, với những lý do không cãi vào đâu được. Gặp phải anh khùng, là người Nga, thì họ đành chịu khấu trừ hai chục phần trăm, rồi trả số còn lại cho khổ chủ, còn gặp anh nước ngoài loại thấp bé, nhẹ cân như tôi, thì họ sẽ cười khẩy và cuộc chơi tiếp tục, cho đến khi tôi bỏ cuộc. Tivi kênh Sentre (kênh 3), báo "Thanh niên Matxcơva" đã phát và đăng nhiều phóng sự khá chân thật về những tổ quỷ dịch vụ kiểu này, nhưng cho đến nay, thì nó vẫn cứ tồn tại , bằng chứng là chỉ cần ra khỏi nhà, là thấy cơ man các loại quảng cáo phơi ra khắp góc tường, ngõ phố, loại quảng cáo “khoan cắt bê tông’ở Hà Nội còn phải vái.

 Nhờ một người Việt quen biết làm dịch vụ thuê nhà, tôi tìm được hai phòng trong một căn hộ bốn phòng khu Ngoại giao đoàn trên phố Visnhiôpxki, gần metrô Timiriazevxkai. Hai phòng dành cho một gia đình người Tàu kinh doanh ở chợ Cherkizovxki ở, còn gia đình tôi nhận hai phòng còn lại, với giá hơn 700$ cho tổng diện tích 22 m2.

 Ở Matxcơva, theo thống kê của Sở Nhà đất, có tới hơn 80 khu Ngoại Giao đoàn, trong đó gần một chục khu có người Việt ta cư ngụ. Mười lăm năm trước, các khu này được bảo vệ cẩn mật, có công an chìm, công an nổi với các phương tiện bảo vệ hiện đại. Nhưng 8 năm trở lại đây, những khu này mang mục đích thương mại, một số công ty Nga như Vưlpem đứng ra cho công ty người Việt ta thuê lại. Hiện có khoảng chục khu có nhiều người Việt ta ở, đó là Đakutraev, Ôbôlenxki, Visnhiôvxki, Rijxki, Kônđratrevxki, Leninxki, Ximpherôpôlxki, Bolsaia Xpaxkaia, Đmitria Ulianova, Ba nhà ga và một số khu khác có dăm ba gia đình ở.

Ngoài các cán bộ ngoại giao thứ thiệt, có đủ mọi tiêu chuẩn về mặt Nhà nước, còn lại là “các nhà ngoại giao chạy chợ” sinh sống. Các nhà ngoại giao này, mùa đông cũng  như mùa hè, đều phải dậy từ năm giờ sáng, nai nịt quần áo như ra trận để chống lại cái lạnh khắc nghiệt ngoài chợ, và vào khoảng bốn giờ chiều, họ lục tục từ chợ trở về. Cảnh sinh hoạt náo nhiệt ồn ào là nét chung của những nơi nào đông dân ta ở. Trẻ em trượt patanh trên hành lang, bà con í ới gọi nhau, cảnh đi dép lê loẹt quẹt, diện quần soóc ngồi bệt tán chuyện hút thuốc cạnh cầu thang, gọi điện thoại như lệnh vỡ, là chuyện thường ngày ở huyện của dân ta.

 Dân ta cứ hồn nhiên sinh hoạt theo thói quen, đến nỗi, trước những ống xả rác, cứ mỗi buổi sáng lại ngập tràn vỏ dưa hấu, rau thừa, mà lẽ ra chỉ mất chưa đầy một phút bỏ vào để theo đường ống tống xuống bể chứa tầng ngầm.

Cùng ở trong khu Đakutraev, một cán bộ ngoại giao người Tiệp đã dùng Camera quay lại những trường đoạn chất rác trước ống xả rác và cảnh trượt patanh của trẻ con lúc một giờ sáng, kèm theo một bức thư không lấy gì làm dễ chịu, rồi gửi cho Bộ Ngoại giao Nga !

Ông Tham tán Sứ quán ta ở khu này có lần bảo với tôi là cần thiết phải chấn chỉnh lại, chứ bên Bộ Ngoại giao mà họ có ý kiến, họ không cho thuê nữa là dân ta không biết chạy vào đâu!. Tôi nghĩ đây là việc rất cần, nó liên quan tới vấn đề văn hoá và dân trí. Không phải là cứ đi xe đắt tiền, mặc quần áo xịn, xách túi mua hàng sang trọng là có văn hoá, là hội nhập được với dân bản địa tức thì! Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến đầy ưu tư đó của ông.

Quả thật là nếu không có các khu Ngoại giao đoàn thì hàng nghìn bà con ta hết sức nan giải trong việc cư trú. Hơn hẳn các Công ty Tàu, những Công ty của ta cực kỳ nhanh chóng đã giành được trong tay những hợp đồng kịp thời trong viêc thuê các Đip-Korpux; qua mặt các đối thủ nặng ký trong các cuộc đấu giá mặt bằng. Nếu như một ôp ở có 300 phòng , thì diện tích sử dụng cũng chỉ khoảng 600m2, thế mà chỉ ba ông chủ của ta đã có trong tay quyền phân phối 3000m2, tầm cỡ so sánh chừng 5 ốp.

Những ông chủ này cũng phải chịu quá nhiều sức ép cả phía Tây lẫn ta, cũng phải chống chèo cực kỳ căng thẳng về giá cả và cách sinh hoạt tùy nghi của người đi chợ, ôsin, trẻ con và khách khứa. Không ít gia đình khi chia tay với khu Ngoại giao Đoàn đã để lại một di sản nặng nề: cửa bị đục thay khóa, bếp bị hỏng, dây diiện bị cháy, tualet bị cậy và tường bị hỏng hết giấy bồi. Để làm lại, công xây dựng và vật liệu có khi lên tới năm, bảy ngàn đô.

 Năm 2006, giá mỗi mét vuông đang ở mức 20$ một tháng, nhưng tháng 9-2009 đã lên tới 38$ và hứa hẹn còn tăng nữa. Khi mà ốp ở người Việt bị đóng cửa gần hết thì giải pháp mạnh, lo cho bà con cộng đồng vào Nhà ngoại giao đoàn là phương kế an toàn nhất, lý tưởng nhất. Những ông chủ này cũng đáng được vinh danh không kém gì những ông chủ ốp trước kia.

 Dân ở những khu Ngoại giao đoàn chủ yếu là dùng xe xịn, mặt bằng thì có hạn, mỗi khu chỉ có chỗ cho chừng bảy, tám chục xe, trong khi đó lượng xe lên tới vài trăm chiếc, nên giá gửi xe thường rất cao, mỗi chỗ bên trong hàng rào thường là 300$ một tháng; còn mua chỗ thì phải trên cả chục ngàn đô. Giá thuê phòng thì cũng chỉ nhỉnh so với giá căn hộ bên ngoài một chút.

 Ngưòi thuê ở khu vực này phải chồng một số tiền không nhỏ gọi là tiền vào cửa, ước tính 12000$ cho căn hộ một buồng, 20000$ cho căn hộ hai buồng, và ba buồng có khi lên tới ba chục ngàn đô.

 Ở trong các khu Ngoai giao đoàn, hiện tượng trộm cướp, trấn lột; cảnh công an đòi tiền bảo kê và ăn bẩn là hoàn toàn không thể xảy ra. Giá tiền phòng, tiền vào cửa cao, chính là sự đảm bảo cho điều đó.

 Mặc dù không mất tiền vào cửa, nhưng phần vì không có khả năng tài chính chi trả cho 22 m2, phần vì cách sinh hoạt lệch pha của các “nhà ngoại giao chạy chợ” không phù hợp với thời gian làm việc triền miên ban đêm và những cú điện thoại thất thường của tôi, tôi lại phải chuyển ra ngoài thuê căn hộ, chia tay với bà con khu Ngoại giao đoàn .

 Cách đây không lâu, ốp Xaliut 2 hạ cánh, hàng ngàn người Việt khăn gói ra đi; ốp Sài Gòn bị “sập”; tại ốp Thuỷ lợi và ốp Giao thông, nhà trường không cho những người ngoài diện sinh viên cư ngụ, việc thuê nhà đã nóng bỏng lại càng nóng bỏng thêm. Cơ may, một học sinh cũ của tôi hết hạn về nước, nhường cho tôi thuê lại căn hộ hai buồng khả dĩ của một vị tướng hồi hưu, chán thành phố, vợ chồng ra ở tận ngoại ô. Căn hộ cũ không đẹp lắm, nhưng ngăn nắp, cơ bản nhất là giá phải chăng.
Tôi lại phải lăn lưng ra tiếp tục gói ghém đồ đạc tiếp tục làm thêm một cuộc chuyển nhà.
N.H.H

3 nhận xét:

  1. này cai lao bá Tân kia! Ai cho phép lao làm lẽ mừng thọ k17 đấy? cấm chỉ nghe không! Chúng chị em ông còn sống lâu lắm đó 100 tuổi chưa là gì HeHe!
    Ra giêng, gặp nhau, chúng chị em ông sẽ véo tai Lão thật đau cho lão chừa nhe!
    MD

    Trả lờiXóa
  2. HH ơi! TẾT này, MĐ cũng buồn lắm! Chẳng muốn đi đâu cả. Chỉ nằm nhà đọc sách và vào mạng. Chúc HH luôn chân cứng đá mềm và chuyến bay thật may mắn!
    By.MĐ

    Trả lờiXóa
  3. Ảnh thứ 2 trong bài là ảnh chụp tại nhà anh Bùi Đăng Hiền (waszawa-BaLan)-dịp tết dương lịch 2010,khi vợ chồng H.Hòang sang BL.
    -Hàng ngồi :từ trái sang là cháu Liên -con gái a Đăng Hiền( người đứng thứ 2 từ phải sang ) .Người thứ 4 là Tiến -phu nhân của H.Hòang

    Trả lờiXóa