Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Ối giời, Sao Tháng Giêng

Hôm nay ngày 8, ngày mai 9.1. Đó là ngày 62 năm trước, năm 1950 tại Sài Gòn, sinh viên học sinh đã xuống đường phản đối sự can thiệp của Mỹ vào tình hình Việt Nam. Có nhẽ đây là cuộc chống Mỹ đầu tiên của dân tộc mà người đi đầu đích thị tuổi trẻ Sài Gòn. Máu đã đổ, học sinh Trần Văn Ơn ngã xuống. Sau này nhà cầm quyền cộng sản, nhất là tổ chức Đoàn, lấy ngày 9.1 làm ngày kỷ niệm truyền thống phong trào sinh viên- học sinh. T.Ư Đoàn còn đặt ra thứ giải thưởng nhằm tuyên đương những bạn trẻ sinh viên, học sinh có thành tích xuất sắc về nhiều mặt trong năm trước, đặt cho nó cái tên Sao Tháng Giêng.

Đã làm đến lãnh đạo Đoàn cấp trung ương tức không phải người thường, nếu không nói rằng học rộng tài cao. Nhưng làm to mấy vẫn có thể sai, biết sai thì phải sửa, dù chuyện lớn chuyện nhỏ. Thế mới là người biết. Thế mới xứng danh lãnh đạo.

Cách đây đã lâu, khi biết T.Ư Đoàn lập giải thưởng dành cho thanh niên tiên tiến ở nông thôn, đặt tên giải là Lương Đình Của, tôi góp ý ngay, bảo rằng đã gọi tên phải gọi cho đúng. Nhà nông học nổi tiếng đó tên chính xác là Lương Định Của (cái tên nếu chiết tự sẽ thấy rất ý nghĩa), sao lại Đình, cần sửa ngay. Anh trưởng ban tổ chức T.Ư Đoàn khi ấy giả nhời tôi rằng nhiều người nói là Đình, báo chí cũng viết Đình, chắc chắn không sai. Tôi chả đôi co nữa, chỉ yêu cầu họ nên đến hỏi trực tiếp thân nhân nhà nông học đang sống ở Hà Nội. Một tuần sau, vị trưởng ban thanh niên nông thôn phúc đáp tôi, cám ơn và cho biết đã sửa lại chính xác thành tên Lương Định Của. Cái giải thưởng ấy đang tồn tại cho đến nay.

Nhân tiện chuyện đó, tôi có đề nghị T.Ư Đoàn xem xét lại tên giải thưởng Sao Tháng Giêng.
Họ cãi, cãi, cãi; sau cảm thấy có gì không ổn nên họ hứa, hứa, hứa. Chờ mãi vẫn mất hút con mẹ hàng lươn, tự thấy mình có trách nhiệm, tôi đã mấy lần kiến nghị, góp ý, qua mấy đời bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhưng rốt cuộc thì hiểu rằng người ta bỏ qua đếch thèm nghe, thà nói với đầu gối còn hơn.

Đứa ngu cũng biết cái tên như thế rất vớ vẩn. Tháng giêng là để chỉ tháng âm lịch (giêng, hai, ba, tư, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, một, chạp), không thể dùng cho tháng 1 dương lịch được. Thậm chí có năm nhuận, tháng giêng trùng vào tháng 2, liên quan gì đến ngày 9.1 mà cứ giêng với chả giêng.

Sau tôi nghĩ lại, hay là mình sai, mình không hiểu ý họ. Họ bảo giải ấy gắn với ngày sinh viên- học sinh 9.1 nhưng biết đâu ý thực của T.Ư Đoàn là giải gắn với tháng giêng thì sao. Các cụ xưa ca rằng tháng giêng là tháng ăn chơi, vậy thì theo giải thích của một vị phó giáo sư mà tôi rất kính trọng, chị Lâm Mỹ Dzung, rằng "
Ui giời, nói bác bỏ quá, Đoàn bây giờ chủ yếu cờ đèn kèn trống, sao tháng giêng là đúng rùi", tức giải này để khen thưởng tuyên dương mấy anh chị có thành tích ăn chơi thôi, đừng thắc mắc nữa.

Vậy thì tôi vẫn lằng nhằng góp ý tí ti, Đoàn nên đổi hẳn thành giải "Sao Ăn Chơi Nhảy Múa Tháng Giêng" cho rõ nghĩa.

8.1.2012
Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Bác Thông viết câu chuyện này vui và ý nghĩa. Báo chí, MC bây giờ nhiều khi cứ viết nói lung tung chẳng hiểu ra sao .

    Trả lờiXóa
  2. Giá Trần Ngọc Sơn là bí thư T.Ư Đoàn thì lời tấu của tớ lọt tai rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Tác giả nhà báo Nguyễn Thông và anh Trần Ngọc Sơn nói rất đúng. Nhưng chưa hẳn làm cao đã học rộng. Hơn nữa, cái học ngày nay như thế nào thì ai cũng rõ, nên trách cũng chẳng được, góp ý cũng chẳng xong là thế.
    Sử dụng tiếng Việt thiếu chính xác khá nhiều, như "người dân tộc", "tiếng dân tộc", "thiếu đói", "một phút đá bù giờ" tại sao phải thêm chữ "giờ"...
    Hình thức trình bày một văn bản của tổ chức đoàn chưa chuẩn: Góc trái là cho biết cấp bậc hành chính nhưng đã trình bày thế này:
    Đoàn TNCS HCM trường...
    Ban chấp hành đoàn Khoa...
    Tại sao phải thêm ba chữ "Ban chấp hành"?
    Tôi cũng từng viết bài Sử dụng tiếng Việt cho đúng trên báo NLĐ, được rất nhiều người đồng tình, nhưng rồi cũng đi vào quên lãng!!!

    Trả lờiXóa