Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Chữ nho

Đọc bài Hành đạo ở Trường Sa của hai phóng viên Trần Đăng, Ngọc Minh trên báo Thanh Niên, tôi rất xúc động. Nhưng thích nhất chi tiết này khi tác giả viết về những ngôi chùa trên đảo: "tất cả hoành phi, câu đối đều viết bằng chữ Việt".
  
Tôi không phải là người ghét chữ Hán đến mức buột mồm như cụ Tú Xương "nào có ra gì cái chữ nho", mà cụ tú cũng giận lẫy thế thôi bởi thời cụ chữ nho vẫn còn thịnh lắm. Suốt bao thế kỷ, chữ nho độc tôn, là ngôn ngữ viết chính của nền văn hóa, và sau này khi đã có chữ quốc ngữ la tinh rồi chữ nho vẫn có vị trí đáng kể trong đời sống người Việt. Nói thế để thấy đừng nên cực đoan, đừng như vài ba vị cứ gặp nho gặp Hán là dè bỉu, bài bác. Nói cho công bằng, trong suốt hàng chục thế kỷ, không thể thiếu chữ nho để xây đắp nền văn hóa Việt. Chẳng phải vô tình khi nhiều bộ sử nước nhà đã chép công lao của Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ 2 sau công nguyên), thậm chí tôn ông là Sĩ vương, mà một trong những công tích lớn nhất của ông là "phổ cập" chữ Hán cho hàng ngũ quan lại, trí thức đương thời. Biết bao di sản mà ông cha chúng ta bao đời truyền lại để lại gắn với chữ nho, nhất là kho tàng Hán-Nôm, chúng ta đến giờ vẫn chưa khai thác hết. Tôi có những người bạn cả đời chỉ nghiên cứu Hán-Nôm, sống chết với chữ nho, và tôi luôn tôn trọng, kính phục họ.
  
Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm gắn với sự cai trị của nước ngoài nên việc chữ Hán, chữ Pháp có những giai đoạn, thời kỳ dài ngắn khác nhau thống trị ngôn ngữ, phổ biến trong đời sống xã hội, văn hóa là không tránh khỏi. Nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm; các trang trí nội thất như hoành phi, câu đối; rồi những văn bia, mộ chí... đều ghi dấu tiền nhân bằng chữ Hán, có ai thắc mắc gì đâu. Thời như thế thì phải thế.
  
Điều đáng nói đáng bàn là giờ đây thời thế đã khác nhiều, khác căn bản nhưng vẫn còn rơi rớt những thói quen, cách nghĩ, cách làm quá xưa quá cũ. Một trong những tàn tích ấy là thói sính chữ Hán. Có ai đó bảo do tâm lý nô lệ, nhược tiểu, tôi cho rằng quy như thế hơi quá. Nhiều khi chỉ là thói đua đòi, hợm hĩnh, ra vẻ ta đây; cũng có khi là nông cạn, ngu dốt mà thôi.
  
Chả có lý gì khi xây ngôi chùa mới, chùa Bái Đính chẳng hạn, lại cứ phải rải chữ nho từ ngoài cổng vào đến tận bàn thờ phật. Không dùng thứ chữ tượng hình ấy sẽ kém tôn nghiêm, kém đẹp, kém uy chăng? Hay là chùa cứ phải chữ nho, còn dùng chữ quốc ngữ hiện thời sẽ không hợp? Xin nhớ cho, đây là chùa Việt chứ không phải chùa Trung Quốc, của người Việt chứ không phải người Trung Quốc, dù đặt nó ở bất cứ đâu trên đất nước này. Cũng đừng lý sự chùa ngoài đảo mới cần thuần Việt, còn đất liền áp cho nó chữ nào chả được. Không đâu, dùng chữ này hay chữ kia là sự thể hiện ý thức văn hóa đấy.
  
Lại nhớ có nhiều vị ưa treo chữ trong nhà, mà phải chữ Hán, viết kiểu thư pháp, chữ tâm, chữ đức, chữ nhẫn v.v.. Trừ một số ít hiểu sâu sắc nghĩa của chữ đã treo, còn đa số chả hiểu gì, bởi thấy người ta chơi thì mình cũng chơi thôi. Tôi không ủng hộ việc đem chữ quốc ngữ ra viết loằng ngoằng gán cho nó mỹ từ thư pháp nhưng cũng chả ưa mấy ông bà chữ nhất bẻ đôi không biết vẫn dán chữ Tàu khắp trong nhà ngoài ngõ. Nực cười nhất là không ít ông to bà nhớn, lãnh đạo này nọ cũng mê cũng thích kiểu trưng diện này.

Sẽ có người cho tôi lắm chuyện, nặng tâm lý bài Hoa nên mới giở giói vậy. Không, hoàn toàn không. Các vị cứ hình dung xem những ngôi chùa của nước Việt Nam độc lập tự chủ mà nhan nhản chữ Hán thì hay ho nỗi gì.

3.2012
Nguyễn Thông

10 nhận xét:

  1. Hà nội có Quốc Tử Giám là 1 di tích văn hoá nổi tiếng của cả nước. Đây được coi là trường đại học đầu tiên của nước VN ta.
    Thế nhưng, phần đông chúng ta vào nơi đây lại không đọc được chữ nho ghi trên các bia Tiến sĩ.Nhưng thôi, nơi đây mang tính lịch sử hàng ngàn năm của cha ông ta để lại.
    thế nhưng ngay bây giờ, nhiều đền phủ, miếu , chùa ( kể cả nhà thờ họ, hay bia mộ ) được tôn tạo hay xây dựng mới, người ta cứ nhất thiết phải ghi hoành phi, câu đối bằng chữ nho. phải tìm thày thợ để vẽ, để viết. thế nhưng hầu hết chúng ta , con cháu đều không đọc được.
    Ngay đi lễ chùa, lễ đền trong những ngày lễ tết thì phải sắm lễ và phải cố gắng thuê thày
    viết sớ bằng chữ nho.Người đi lễ chẳng ai đọc được 1 chữ bẻ đôi thế mới lạ chứ!
    Nếu một ngày nào đó, Trung quốc tuyên bố:
    " nơi nào linh thiêng nhất, tôn quí nhất mà có viết chữ nho, thì nơi đó là đất của TQ" Liệu bộ trưởng bộ văn hoá nước ta nghĩ sao đây?
    theo tôi , chúng ta phải có 1 cuộc cách mạng về chữ viết để thể hiện sự tự tôn dân tộc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhất trí với bác Phong Thủy, cần phải làm cuộc cách mạng văn hóa thật sự để tự tôn dân tộc. Cái gì của quá khứ, mình vẫn tôn trọng, gìn giữ, nhưng những cái mới dứt khoát phải thoát khỏi lề thói cũ, bác nhỉ.

      Xóa
  2. "chúng ta phải có 1 cuộc cách mạng về chữ viết để thể hiện sự tự tôn dân tộc".
    Các bác nói rất đúng! Nhưng làm "cách mạng" kể cả cuộc CM văn hóa đều cần thời gian và rất nhiều gian khổ.

    Trả lờiXóa
  3. Cái chữ mà các bác đang dùng đây cũng có phải của dân tộc gì đâu. Tên xâm lược Bá Đa Lộc mang vào khai hóa ta đấy. Các bác giỏi thì chế ra chữ ta đi để thể hiện ý thức văn hóa và sự tự tôn dân tộc. Rỗi hơi! Đúng là trời không mưa mà mặc áo mưa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bá Đa Lộc ư? Nghĩ lại chút đi.
      Thế theo bác bây giờ chữ quốc ngữ là chữ Tàu hả?

      Xóa
  4. Sao lại nói Bá đa Lộc mang chữ vào khai hoá? bạn cần tìm hiểu cho kĩ hãy nói. Nhắc cho bạn nặc danh, người đưa chữ quốc ngữ (mà ta đang dùng) vào VN có tên mà chữ đầu là chữ " A ".
    Nếu bạn phản đối sự tự tôn dân tộc thì bạn định tôn ai đây?

    Trả lờiXóa
  5. chữ nào thì chữ. không phải cứ la chữ trung quốc thi không được dùng .yêu dân tộc phải dùng chữ quốc ngữ.hoàn toàn không đúng .chuyện dùng chữ nho tại các nơi thờ phụng cũng chẳng sao.quan trọng là vấn đề chính trị của đảng và vấn đề tư tưởng mỗi người dân ta thôi.

    Trả lờiXóa
  6. Theo tôi chúng ta nên dùng chữ quốc ngữ ở những nơi thờ phụng ,chẳng hạn như chùa chẳng hạn .Bởi vì khi chúng ta đến chùa,ngoài việc lễ Phật ,ngắm cảnh (vì hiện nay rất nhiều ngôi chùa là điểm du lịch nổi tiếng )chúng ta có thể đọc được những lời Phật dạy ,tôi nghĩ những câu viết bằng chữ nho trong chùa chắc là lời Phật dạy ,cũng như trong trường học thì có các câu như "tiên học lễ, hậu học văn "...hoặc ở bệnh viện thì có câu "lương y như từ mẫu "...chẳng hạn .Nhưng hiện nay các chùa đều viết bằng chữ nho từ ngoài cổng vào tới chánh điện ,tôi nghĩ rất ít người đọc dược.là thật phí .nếu là chữ việt thì thật là tốt nếu chúng ta đọc được lời Phật dạy và làm theo lời Phật .

    Trả lờiXóa
  7. Bác Thông ơi, bài này ý thì tốt nhưng có vấn đề cần bàn lại :

    1- Cái gọi là chữ Nho, thực ra không hẳn là chữ Hán. Bác còn nhớ ngày xưa học "chữ Nho" các cụ không gọi là chữ Nho hay chữ Hán mà gọi là học "chữ Ta" không ? Vì sao các cụ gọi là học "chữ Ta" ? Vì đối với cha ông ta, đây chính là chữ của nước mình, thứ chữ hàng ngàn năm dân tộc đã sử dụng.

    2- Cha ông ta đã có lý khi khẳng định như vậy. Bởi vì, nếu đọc kỹ lịch sử Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy vào thời Tiên Tần, khu vực từ Trung Quốc ngày nay kéo dài đến phía nam Bắc bộ nước ta, có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm nước, mỗi nước viết chữ theo cách khác nhau (chẳng hạn, 1 chữ "Mã", có tới 19 cách viết). Tần Thủy Hoàng đã thống nhất chữ viết, tiếp đó Nhà Hán, rồi đến nhà Chu của bà Võ Tắc Thiên tiếp tục hoàn thiện sự thống nhất này. Chữ Hán ngày nay là kết quả của quá trình thống nhất đó. Theo cổ sử thì nước Văn Lang của ta phía bắc giáp tới Hồ Động Đình, tức là cả khu vực Trung Nguyên của Trung Quốc ngày nay từng là lãnh thổ của nước ta. Vua Thần Nông lại là thủy tổ của người Việt, Trung Quốc cũng nhận là thủy tổ của họ, nhưng các dân tộc Trung Hoa ngày nay khởi thủy là từ dân du mục ở phương bắc tràn xuống, không phải là dân làm lúa nước. Cho nên, cái gốc của chữ Hán ngày nay khả năng rất lớn là xuất phát từ chữ viết của người Việt ta. Việc khám phá Kinh Dịch là của người Việt gợi mở cho ta rất nhiều điều.

    3- Nếu nghiên cứu sâu về ngôn ngữ học, chúng ta có thể thấy "Chữ Ta" giống như chữ Hán nhưng lại phong phú hơn chữ Hán. Có những chữ, Ta có nhưng Hán thì không, ví dụ như gọi con trâu và con bò, Hán chỉ có một chữ là "Ngưu", nhưng Ta thì có hai chữ : "Ngưu" là trâu, còn "Lao" mới là bò. Trong hai chữ "Lao động", chữ "Lao" chính là bò (làm việc cần mẫn như con bò). Người Trung Quốc vẫn dùng "Lao động", "Cần lao", nhưng đây chính là từ gốc Việt.

    4- Trước đây Thiền sư Lê Mạnh Thát vẫn chắc chắn là người Việt từng có chữ viết riêng, nhưng ông vẫn bế tắc chưa tìm ra gốc tích. Theo tôi, nếu đặt ra hướng nghiên cứu tìm cho ra gốc tích chữ viết riêng của người Việt khác với chữ Hán thì không bao giờ có thể tìm thấy vấn đề. Tại sao không đặt vấn đề theo hướng khác : Chính chữ Hán ngày nay có nguồn gốc từ chữ Việt.

    5- Thêm một thông tin quan trọng nữa : Tại Bắc Kinh, người ta vừa phát hiện ra một tấm bia ghi công tích của một vị quan thời nhà Minh tại một ngôi chùa. Vị này đã lập một nghĩa địa dành cho những người vô gia cư trong khuôn viên của ngôi chùa này. Điều thú vị là cái đề tựa trên tấm bia người ta đã mời ông Hồ Nguyên Trừng (lúc này là thượng thư bộ công của Nhà Minh) viết bằng chữ triện, là một thứ chữ cổ của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa gì ? Có nghĩa là người Việt chúng ta giỏi chữ Hán cổ hơn là người Hán.

    6- Còn cái gọi là "chữ quốc ngữ", nó mới bắt đầu được phổ cập vào thế kỷ 20, không thể gọi là chữ của một dân tộc có lịch sử hơn 4000 năm được. Chữ đó, chúng ta mượn của "tây", riết rồi trở nên tiện dụng, nên gọi luôn là "quốc ngữ".

    7- Còn việc thời phụng tổ tiên, rất nên dùng "chữ Ta", bởi tổ tiên chúng ta không biết chữ "quốc ngữ".

    8- Việc viết thư pháp, chỉ có thể viết thư pháp bằng chữ tượng hình, như "chữ Ta" hoặc "chữ Hán", chữ Nhật, chữ Triều Tiên. Viết thư pháp bằng chữ tượng thanh không có một ý nghĩa nào cả. Trong thư pháp có chứa hình tượng và bút lực, tức là bao hàm hai yếu tố : hội họa và võ học.

    Vài lời gợi mở, hy vọng sẽ có những nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này của các bậc túc học.

    Trả lờiXóa
  8. Bác Hoàng Hải Vân nói hay quá.

    Trả lờiXóa