Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Cài then mơ (truyện ngắn)

Lời giới thiệu
Phải nói ngay, đây là truyện ngắn của nữ nhà văn-nhà báo Kiều Bích Hậu, đăng trên báo Đại đoàn kết số chủ nhật 10.6.2012. Bảo rằng xuất sắc thì chưa hẳn, nhưng đã lâu lắm nền văn học phải đạo đương thời mới có tác phẩm đầy tính hiện thực khách quan như vậy. Chỉ một số phận, một cảnh đời, một gia đình mà có thể hiểu một xã hội, một đất nước đang quằn quại trong "bức tranh vân cẩu, con người tang thương".
Đọc truyện này, nghĩ ngay đến người ta đang ra rả véo von về cuộc sống ổn định, xã hội an sinh, con người được đảng, nhà nước chăm lo đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần.
Đọc truyện này, sực nhớ cách đây chưa lâu, nhiều tờ báo VN mừng rú lên khi một cái hãng thăm dò bá vơ nào đó công bố kết quả, cho biết VN là một trong 10 nơi đáng sống nhất trên thế giới, còn một hãng khác (cũng bá vơ) bảo rằng người dân VN ở trong top 5 về sự hài lòng cuộc sống hạnh phúc, thậm chí còn trên cả Thụy Điển, Thụy Sĩ, Luxemburg, Singapore... Ấy, khi người ta bị khủng hoảng thì ai nói gì cũng tin, tự lừa dối mình đó thôi.
Đọc truyện này, lại thấy tiếc, thời bây giờ giá mà còn sống những Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... thì dân ta tha hồ mà đọc.
Thương cho kiếp người khốn khổ. Nhưng tại sao lại xảy ra ở thời "tươi đẹp" XHCN thế kỷ 21? Cũng còn một chút an ủi về lòng tốt còn le lói trong con người dưới đáy xã hội như nhân vật Lãng.
Xin cám ơn nhà văn Kiều Bích Hậu.
 Minh họa: Tô Chiêm

Cài then mơ
(truyện ngắn)
KIỀU BÍCH HẬU

Thư, giống như một thiên thần bỗng đáp phải bãi rác. Chẳng hiểu làm sao một người đàn bà ít học, bán vé số dạo và ăn quà như mỏ khoét, với một người đàn ông chỉ biết hút thuốc lào vặt suốt ngày và tính số chơi đề lại có thể sinh ra một đứa con gái đẹp và mơ mộng như một tiểu thư con nhà... Em trai Thư thì cục cằn và lông bông. Nó chỉ cần biết mỗi sáng, xoay đâu ra hơn chục ngàn để lẩn ra hàng net là yên phận, nếu không xoay được thì mới là cực hình. Nó sẽ ở riết trong nhà, bật nhạc chói lói, nhảy giựt cục từ góc nọ sang góc kia. Chán thì lôi rượu của bố ra uống suông... Chẳng ai dám nói một câu. Nhưng cũng có khi, nó lăn ra ngủ như chết rồi. Gọi nó là thằng Lãng cũng đúng.


Thư có giọng hát đẹp. Cô hát dần từ trường lên đến quận, thành phố, rồi trung ương. Có nghĩa là cô trưởng thành qua phong trào, hội diễn văn nghệ quần chúng và các cuộc thi. Cô thi đậu trường cao đẳng nghệ thuật và học thanh nhạc rồi trở thành ca sỹ.

Nhà mình có một ca sỹ, ô hô! - Thằng Lãng ra điều khoái chí tệ - Này bà chị, nhờ bà mà thằng em ra đường vênh vang được lắm. Chứ đâu như ông bà già, thực tình tôi chẳng biết nói sao nếu có ai hỏi ông bà bô mày làm nghề gì...

Thì cứ nói toẹt luôn là mẹ mày bán vé số, bố đánh đề. Lão Thu tức tối bảo thằng con.

Chẳng phải nói thì con cũng đang ở tù trong cái đầu này rồi. Thằng Lãng thở hắt ra, rồi kết thúc cuộc nói chuyện ngắn ngủi bằng cách mở một bản rock nặng.

Cánh cửa sắt gỉ ngoèn rít lên những tiếng tuyệt vọng như sắp long ra hết thảy. Người mẹ về. Bà Thu cắp hộp đựng vé số bên nách, tay xách một túi nilon lổn nhổn những bánh mì lẫn giấy báo.

Bữa trưa này! - Bà lẳng túi bánh mì xuống chiếu trải giữa nhà.

Lão Thu ngồi phịch xuống bên cạnh cái túi nilon. Thằng Lãng còn nhanh hơn, bàn tay lều nghều những gân nổi và những cái móng dài quặp, ố vàng của nó xục luôn vào cái túi nilon, dứt tung quai buộc và lôi ra một cái bánh mì kẹp thịt ngoe ngoét vết tương ớt đỏ.

Nó gặm bánh rào rào, mặc cho vụn bánh mỳ vãi tung toé xuống nền đá hoa.

- Thư, còn cái này là của mày. Ngồi xuống ăn đi - Bà Thu nhắc.

- Để thằng Lãng ăn nốt đi, con không muốn ăn!

- Ăn đi bà chị - Thằng Lãng lầu bầu. Tôi chẳng thấy ai hít không khí mà hát được bao giờ.

Thư bỗng đứng dậy, vào góc nhà lấy ra một cái đĩa. Cô mở cái túi nilon đã rách, lôi nốt cái bánh mỳ kẹp thịt ra, đặt nghiêm ngắn trên đĩa, mang đến để trước mặt thằng Lãng.

- Chị vừa ăn phở lúc mười giờ với anh Cương. Ngang dạ lắm. Lãng ăn đi!

Thằng Lãng ngừng nhai nhìn Thư từ đầu đến chân:

- Tử tế nhỉ. Bà để đấy. Hai chứ mười cái bánh mỳ tôi cũng xực tuốt!

Nhưng ăn xong thì đừng vào hàng Net nữa. Thư dịu dàng nói - em kiếm việc gì mà làm!

- Quên bà đi. Thằng Lãng gắt - Đừng giở giọng đó ra với tôi. Biến đi với cái bánh mì của bà!
Nó vứt toẹt mẩu bánh mì gặm dở xuống sàn, bỏ đi. Thư sững ra một lúc, rồi cô nhẫn nhịn nhặt nốt mẩu bánh mì để vào đĩa.

Thằng mất dạy. Bà Thu thở dài. Rồi bà lại trệu trạo nhai tiếp miếng bánh mỳ. Hồi xưa, khi đẻ thằng Lãng bà mừng rú lên như trúng số độc đắc. Thế là có con giai, yên tâm rồi. Có người nối dõi tổ tông, có chỗ tựa lúc về già. Nào ngờ... Thằng Lãng hồi cấp 1 học khá là thế, đột nhiên lên cấp 2 thì giở quẻ, theo bạn học đòi, nghịch trên tài quỷ sứ. Đến cái bằng Trung học phổ thông còn không lấy nổi. Giờ tuổi nó đã đôi chục, vẫn lằng nhằng bám gấu váy rách tả tơi của bà. Nhiều lúc nghĩ cũng hận, đời chưa bao giờ cho bà cái gì. Nghề ngỗng chẳng đâu vào đâu, đã thế lại đeo thêm hai thằng đực, một già một trẻ níu vai bà ngày một đuội xuống. Được mỗi đứa con gái mặt mày sáng láng, thì lại dính xướng ca vô loài.

Một chuỗi những hiện thực chán chường thi nhau rót vào cái đầu âm âm của bà Thu. Bà mệt mỏi chống gối đứng dậy, chẳng buồn xỉa răng. Bà rót một cốc nước to, uống sạch, rồi chui vào xó nhà nằm còng queo như một con mèo ốm. Mệt! Thôi chẳng nghĩ gì nữa. Càng nghĩ càng quẫn. Đời đóng sập cửa trước mắt bà rồi. Ngày mai bán vé số dạo. Ngày kia lại... Đến lúc chết là hết.

Tiếng con xe Cup 81 ình ịch ngoài cửa vài câu rồi xịt hẳn. Thằng Cương đã đưa con Thư đi hát về. Cửa kẹt mở, bà Thu hé mắt nhìn ra. Con Thư áo dài trắng, tóc xoà xuống lưng như dòng nước đen, mắt lấp lánh. Thằng Cương quần bò, áo body không tay, để lộ hình xăm rồng trên cái bắp tay lỏng lẻo, miệng vênh ngược điếu thuốc. Lúc nào cũng đeo kính đen.

Nó xách theo chai rượu trắng và gói nilon đựng gì nóng nóng.

- Bố dậy nào. Còn sớm chán. Làm tợp rượu với con rể đi!

Lão Thu như chỉ đợi câu đó, lồm cồm bò từ một góc nhà ra, ốm nhách và hôi như con chó lường. Mũi lão phập phồng.

- Chỉ có mày hiểu tao nhất. Lão ề à. Mau mà cưới con Thư để tao có cái gậy chống. Hè, hè...

- Bố này. Thư nhấm nhẳng - Bố bán rẻ con gái chắc?

- Bán bung gì. Lão Thu dốc ngược chén hạt mít, đổ thứ nước cay mê hoặc trôi lẹ như con rắn lửa theo họng. Tao cho không mày đấy. Tối nào nó cũng mang rượu với lòng lợn về cho tao là được. Một mày chứ mười mày tao cũng cho.

- Hôm nay về con 37 bố ạ. Tối qua, con mộng thấy con 73, ngu thế, đánh mỗi con 73, lẽ ra phải đánh ngược cả con 37 trúng to thì có phải bố con mình rượu chè cả tháng không. Xúi thật, bước chân trái ra cửa có khác.

- Anh hứa với em là cai đánh đề, thôi hẳn đánh bạc rồi cơ mà! - Thư dậm chân.

- Anh thôi rồi. Cương cười phô cả lợi - Rượu vào lời ra tán bố cho vui chứ đánh đấm gì đâu! Tiền để dành cưới em!

Thư bồn chồn đi đi lại lại trước cổng nhà hát. Thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ. Quá giờ hẹn những bốn mươi phút mà không thấy Cương đến đón cô. Bạn diễn về hết, phố xá vắng dần... Thư gọi điện về nhà thì bố cô ê a bảo chưa thấy Cương. Thư thấy nghèn nghẹn trong cổ, nhưng nhìn xuống bụng mình cô lại cố nở một nụ cười. Thư xoa nhẹ tay vào bụng dưới. Đứa bé đã ba tháng, nhất định là con gái. Thư thích con gái hơn, vì là con gái nó sẽ ngoan như Thư, hoặc ít ra thì cũng chịu làm việc như mẹ Thư. Con gái sẽ không uống rượu, không đánh đề, cờ bạc, sẽ không quẫn chí chôn vùi đời mình ở hàng Net, sẽ không...

Nụ cười chưa kịp tắt thì luồng hơi dồn lên ngực ép thành tiếng thở dài. Thư cứ nghĩ với tình yêu, sự kiên nhẫn, lòng tốt của cô và cả đứa con nữa sẽ khiến Cương thay đổi. Gã sẽ bỏ rượu, bỏ cờ bạc, chí thú làm ăn như đã hứa.

- Gái ơi, giờ này còn đứng đường sao?

Thư giật mình nhìn ra. Thằng Lãng mặt quắt, xám ngoét cố nhe răng.

- Sao mày qua đây? Thư ngạc nhiên.

- Tôi đói quá! Tôi chở bà đi ăn, bà trả tiền nhé!

Thư miễn cưỡng leo lên chiếc xe đạp cà tàng của thằng em. Cô chun mũi trước mùi mồ hôi chua đặc trôi ra từ lưng nó. Chắc nó chết dí mấy ngày ở hàng Net, không tắm giặt gì.

Hai chị em lóp ngóp về đến nhà. Trên đường đi, Thư thấy vui hơn khi nghĩ về đứa con trong bụng. Cuối tuần này, cô sẽ mua ít vải bông, về xé ra may tã cho nó rẻ. Ngoài siêu thị thì cũng bán tã lót, nhưng đắt. Tranh thủ được lúc nào, cô sẽ cùng mẹ may tã cho em bé. Tay Thư nắn nắn cái phong bì mỏng tiền cát sê mới nhận tối nay. Chịu khó nhận nhiều show, tuy mệt. Tranh thủ kiếm tiền, chứ lúc bụng lùm lùm lên rồi, ai dám mời nữa.

Thư mở phong bì ra, hai tờ giấy bạc loại một trăm ngàn tươi rói. Cô mở khoá tủ, định cất tiền, bỗng cô tái mét.

- Ô hay, cái cốp đựng tiền của con trong tủ đâu rồi? - Thư thều thào.

- Tôi không lấy của bà đâu nhé. - Thằng Lãng cục cằn lên tiếng - Ba ngày nay tôi không ló mặt về.

- Thằng chồng mày lấy. Bà Thu lo lắng. Sáng nay nó mở tủ, tao hỏi: "Sao mày có chìa khoá”, nó bảo là Thư đưa con, để lấy tiền đi mua xe mới. Tao tưởng chúng mày sắm xe thật?

Thư choáng, ngồi phệt xuống sàn, không nói không rằng. Hai tay cô ôm đầu. Cương ơi đấy là chỗ em để dành nuôi con cơ mà!

Cương đẩy cửa bước vào, tay xách chai rượu, tay xách cái túi nilon đựng cái gì đó nóng nóng, bốc hơi. Ông Thu quẹt mũi, lại lồm cồm bò từ góc nhà ra.

- Vui vẻ nào. Cương hô, vứt toạch cái túi lòng lợn xuống sàn.

Thư lao ra, túm tay chồng.

- Tiền em đâu? Anh lấy làm gì? Tiền em dành nuôi con đấy.

- Chừng ấy mà cô tưởng nuôi nổi đứa con? Để tôi nuôi con 68. Tháng này nhất định con 68 sẽ về. Lúc đó cô tha hồ đếm tiền cất đi mà nuôi con, nuôi cả nhà này cũng được.

- Đê tiện! Anh hứa với tôi thế nào trước lúc cưới?

Thư phẫn uất, giang tay chực tát vào cái mặt câng câng của Cương. Nhưng gã kịp gạt tay cô, dúi thêm một cái làm cô ngã vào cạnh bàn, ngất xỉu.

Thằng Lãng vớ được cái ghế đẩu, nó xông bừa vào Cương, phang lên đầu anh rể.

- Thằng chó, mày không biết chị tao mang con mày trong bụng à! Làm người thì khó chứ làm chó thì dễ. Tao sẽ cho mày thành chó què luôn.

Cương né kịp, tóm lấy tay Lãng, hai đứa vật nhau trên sàn. Bà Thu gào thét. Riêng lão Thu, vẫn ngồi co ro như con chó ghẻ trên sàn, bốc miếng dồi lợn bỏ vào mồm. Điên tiết, bà Thu vớ cả túi lòng lợn ném vào người chồng, rồi chạy lại chỗ con gái. Bà nâng nó lên, người nó mềm nhũn, trĩu nặng. Nặng quá sức bà, nặng hơn cả ước mơ nhẹ dạ của nó.
K.B.H


2 nhận xét:

  1. Đọc xong ,tôi cứ buồn buồn bác ạ .Cách xưng hô trong gia đình ,cách sống ,cách suy nghĩ,hành động của từng nhân vật ....làm tôi như thấy một
    bầu trời u ám ,bí bức ..không có lối thoát nào cho mỗi nhân vật ở đây cả .Như vậy thì đánh giá được xã hội mà những nhân vật đó đang sinh sống là -bế tắc là ngõ cụt tối tăm .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhớ lại hồi chúng mình còn bé được học văn học hiện thực phê phán ấy, Hương nhỉ. Chả khác gì. Bế tắc kinh khủng.

      Xóa