Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Những bài hát của một thời (24): Hai chị em

Ngày mai vào tháng 3 dương lịch, có ngày 8.3. Chả biết từ bao giờ, chị em chớ hề xin phép ai cứ nhận tháng này của riêng giới mình, và đàn ông cũng vui vẻ chấp nhận. Thì có mất gì. Được là khác. Xin chúc mừng tháng Phụ nữ nhé.

Bài hát Hai chị em của nhạc sĩ đáng kính Hoàng Vân. Tôi đã giới thiệu về ông khá nhiều nên lần này không thêm thắt gì nữa. Chỉ xin cám ơn ông đã để lại cho giới nữ một ca khúc tuyệt vời.

Thời chống Mỹ, bài Hai chị em vang khắp vùng nông thôn miền Bắc, phổ biến đến nỗi cứ thấy chị nào cô nào beo béo một tí là bọn đàn ông đùa vui, gọi là "chị hai năm tấn". Những năm tháng ấy, nếu không có phụ nữ vững vàng ở hậu phương miền Bắc, cả về sức mạnh vật chất lẫn tình cảm, tôi cam đoan rằng cuộc chiến tranh không biết kéo dài đến bao giờ. Ngàn lần biết ơn sự hy sinh vô giá của phụ nữ thời gian khổ khốc liệt ấy.

Bản nhạc này do tốp ca nữ đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện, chị Kim Oanh lĩnh xướng.

Chân thành cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

Ngày cuối cùng tháng 2, 29.2.2012
Nguyễn Thông



Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh
Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình
Hai chị em trên hai trận tuyến
Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang
Trang sử vàng chống Mỹ cứu nước
Sáng ngời tên những cô gái Việt Nam.

Bổ sung những điều cấm tiệt

Thấy ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ban hành 19 điều (tại sao lại chỉ 19 điều nhỉ?) đảng viên đảng CS VN không được làm, tôi hiểu rằng mớ giấy tờ hồ sơ của đảng lại dày thêm một chút. Từ xưa đến nay các quy định, quy tắc, quy chế, nội quy, điều lệ... đã quá nhiều, thật tội cho đảng viên, chỉ cần nắm được hết (chưa cần phải áp dụng) đã đủ xong đời người, còn kịp cống hiến nỗi gì. Tôi nghĩ 19 điều lần này, cũng như 19 điều lần trước (do ông Phạm Thế Duyệt- Thường trực Bộ Chính trị khi ấy ký ban hành), chỉ ồn ào lúc đầu thôi, lại rơi vào quên lãng cho mà xem. Ở xứ ta, nhiều cái như thế rồi.

Tuy nhiên, là nhân dân, tôi có quyền góp ý cho đảng đang cai trị nhân dân. Vậy xin bổ sung 2 điều vào bản quy định số 47 ấy. Tôi tạm gọi là điều 20 và 21.

20. Khi đương chức đương quyền, tìm mọi cách, kể cả móc ngoặc, thỏa thuận, liên kết với những người có chức quyền khác để sắp xếp, đưa con cái, cháu chắt vào các cương vị lãnh đạo trung ương, bộ ngành, địa phương, nhất là ban chấp hành trung ương.

21. Không học hành bài bản, không theo các khóa đào tạo chính quy hoặc tại chức nhưng vẫn có đủ các loại bằng cấp chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ; có đủ thứ học hàm học vị nhằm thăng tiến cao hơn, giữ ghế lâu hơn.

29.2.2012
Nguyễn Thông

Những lá cờ

BÁ TÂN

Treo cờ tổ quốc là cử chỉ thể hiện lòng yêu nước của dân ta. Những ngày đại lễ, cờ tổ quốc rợp trời ở khắp nơi. Riêng gia đình tôi, treo cờ tổ quốc thường xuyên vượt chỉ tiêu kế hoạch. Khi tôi ngồi viết bài này, phía ngoài cửa sổ gác 3, cờ tổ quốc phần phật trong khí trời rét buốt. Thời tiết năm nay dữ dằn quá. Thiếu ăn thiếu ấm, người nghèo càng trở nên tê tái trong các đợt rét dài, rét đậm. Ăn ngon, ở ấm là giấc mơ đi suốt cuộc đời. Cái đích ấy đang ở phía chân trời với hàng triệu người dân. Thế mà có những người cứ ra rả nói về ăn ngon,  mặc đẹp cho dân. Họ cứ tưởng vẽ ra hôm nay, ngày mai sẽ có. Chính khách mà lại lập ngôn theo kiểu nhà văn viễn tưởng. Nghe họ huyên thuyên trên diễn đàn,  cái lạnh trong lòng dân càng thêm tê tái.
           
Lại có cuộc vui, Xuân Ba gọi điện triệu tập đột xuất. Tôi từ chối, khiến hắn bớt vui. Đồ nhắm ngon không thay được bạn hiền. Thiếu bạn, niềm vui bị vơi nhưng không méo mó. Giữa đêm khuya lạnh giá, trái tim Xuân Ba thổn thức nồng ấm khi biết bạn bè đồng nghiệp có thêm những đứa con tinh thần sống được trong lòng dân.
           
Nhà nhà có cờ tổ quốc. Các cơ quan, đơn vị có thể thu nhập thấp, thậm chí nợ tiền lương của người lao động nhưng không thể thiếu cờ tổ quốc. Cả nước có hàng chục triệu lá quốc kỳ. Kết cấu và màu sắc dĩ nhiên không thể khác nhau. Theo tôi, về ý nghĩa, từ 1954 đến nay có ba lá cờ tổ quốc để lại dấu ấn đặc biệt.
           

1954, cờ đỏ sao vàng chiến thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries . Chiến dịch Điện Biên Phủ là bản trường ca bất hủ. Lá cờ đỏ chiến thắng trên đỉnh hầm của tướng bại trận. Mốc son ấy mãi mãi sáng người cùng lịch sử dân tộc.

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Ảnh trong ngày: Liệu cái thần hồn

Phóng viên Mạnh Thắng của báo Dân Việt than thở trên báo nhà anh ấy rằng khi Thắng cùng một số đồng nghiệp đến tác nghiệp tại trụ sở UBND huyện Tiên Lãng đã bị "cường hào" huyện ra ngăn cản quyết liệt, xô đẩy, túm áo, dọa đánh... Đến nước này thì họ chẳng còn xem chính quyền trung ương là cái đinh gì. Vậy là vụ Tiên Lãng có hướng xấu rồi, bởi không được chống lưng, bố bảo chúng nó cũng không dám thế.

Tấm ảnh dưới đây là của báo Dân Việt, mình chỉ xin phép được đặt lại chú thích.

Cường hào huyện, Phó chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Vũ Văn Sân: Chúng mày bênh thằng Vươn hả? Liệu cái thần hồn!

28.2.2012
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Lời cây gạo đền Mõ

Đền Mõ (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), thờ công chúa Quỳnh Trân- con vua Trần Thánh Tông, chị vua Trần Nhân Tông- là nơi rất linh thiêng. Đặc biệt nhất tại di sản văn hóa quốc gia này là sân đền có cây gạo (mộc miên) xứng danh đại lão thụ mộc bởi đến nay đã thuộc hàng U thiên tuế, chính xác là 728 tuổi (trồng năm Giáp Thân 1284). Tôi về thăm lại đền Mõ, thăm cụ mộc miên vào cữ cuối tháng giêng Nhâm Thìn 2012.

Lời cây gạo đền Mõ


Bao triều đại đã chìm vào quá khứ
Những đền đài thành quách đã nên rêu
Cả những bậc quân vương từng ngạo nghễ
Chẳng để lại gì hơn một nấm cỏ tiêu điều

Ta sống với nhân dân giữa xanh tươi đồng ruộng
Bảy, tám trăm năm như chớp mắt, sá gì
Hoa vẫn nở tháng ba từ dạo ấy
Thuở Quỳnh Trân công chúa rủ ta đi.

Gốc có vững mới mong dân thờ cúng
Nén hương thơm, thơm ngát cả bốn mùa
Trăm trận bão có khi cành tan tác
Càng thương cụ từ già thao thức suốt đêm khuya.

27.2.2012
Nguyễn Thông

 Ảnh Nguyễn Thông chụp ngày 12.2.2012, tiết xuân Nhâm Thìn.


Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Hội nghị Bạch Đằng

CHÍN ĐỜN CÒ
Vua nước Hải Phòng là Thành Tự Tôn bàn luận cùng văn võ: “Nay coi mòi giặc Vươn đang thắng thế, vậy ta phải làm sao để giải vây đây?”.

Có kẻ tâu: “Bệ hạ đừng lo. Hải Phòng ta quân đông tướng mạnh dưới trướng nguyên soái Đại ca Ca, lại có nhiều bô lão dày công hãn mã. Nếu tranh thủ được tiếng nói của họ, lo gì giặc Vươn không tan”.

Thành lại hỏi, vậy ta phải làm sao để tranh thủ đây?

-Bệ hạ hãy học theo vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Diên hồng mà chiến thắng được giặc Nguyên, ta mở ngay Hội nghị Bạch đằng để tuyên dương công lao quân sĩ, đồng thời dèm xiểm giặc Vươn và những kẻ hùa theo, nếu các bô lão chịu nghe lời giáo huấn, lo gì thế thắng chẳng về ta”.

Thành vương nghe xong mừng lắm, bèn truyền chiếu chỉ triệu tập Hội nghị Bạch Đằng, chọn ngày lành gần nhất khai hội thật hoành tráng.

Ngày hôm ấy trống dong cờ mở, Thành cùng đoàn tùy tùng bước lên lễ đài đầy cờ hoa lộng lẫy, nhìn xuống hàng trăm mái đầu bạc phơ của các bô lão về dự mà lòng rất hân hoan.

Thành vương tự nhủ, các bô lão này biết quái gì, ta cứ nói vài tiếng ngoại quốc để chứng minh trình độ là các lão khiếp vía, nói gì mà chẳng nghe theo.

Nghĩ sao làm vậy, Thành nói huyên thuyên, xem dưới mắt không người, nào là: “tuy quân ta làm bậy nhưng ta phải hiểu cho đúng, phải nói cho tốt vào để người ta trung thành với mình, bảo vệ mình. Còn cái vụ thằng giặc Vươn, nó tốt nhưng phải hiểu là xấu, rất xấu vì nó tham, nhiều đất quá mà không biết điều. Cũng tại cái kêu bằng Gốc- gồ nên hàng chục vạn thằng hùa theo, các nguyên lão cũng hùa theo thằng Vươn. Đó, cứ vào cái Gốc- gồ chấm cơm Tiên Lãng ăn thử thì biết, không ngon. Rõ ràng không ngon, các cụ cứ vào chấm thử xem…”.

Mải lo hùng biện, Thành đâu biết các bô lão ban đầu cười nhỏ, sau cười to ngặt nghẽo, có cụ cười bò lăn, nói thằng này dốt, dốt quá, bậy quá…
Thành vẫn say sưa nói. Bên dưới có cụ nóng tính thét to, cút mẹ mày đi, Thành cũng không nghe.

Hội trường náo loạn, nhóm này cười, nhóm khác chửi bới, âm thanh vô cùng hỗn tạp. Cho đến khi có một bô lão dáng người vạm vỡ nhảy phóc lên lễ đài, Thành mới chịu quăng mi-cờ-rô bỏ chạy.

Vị bô lão bèn nhặt lấy hét tướng vào, âm thanh chát chúa nghe không rõ lắm, nhưng đại thể là “cút mẹ mày đi, bọn tao không cần cái thứ như mày”

(Nguồn: từ phản hồi (comment) của bạn đọc có tên Chín Đờn Cò trên trang anhbasam)

Nhân ngày giỗ đầu GS Nguyễn Tài Cẩn: Một con người mất đi, một thế giới mất đi

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Tài Cẩn - nhà ngôn ngữ học lừng danh cả trong nước và thế giới, mất ngày 25.2.2011 tại Moskva (Nga). Kỷ niệm tròn 1 năm ngày mất của thầy, tôi xin giới thiệu bài của tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, học trò cưng mà thầy Cẩn rất yêu quý, một người bạn của K17 chúng tôi.

Một con người mất đi, một thế giới mất đi
NGUYỄN HUY HOÀNG


Tôi dám chắc một điều, không một sinh viên, một nhà nghiên cứu, hay một giáo sư Việt Nam nào dù học trong nước, hay ngoài nước về ngành Ngôn ngữ, mà không đọc, không tham khảo sách của Thầy Nguyễn Tài Cẩn. Thầy là một pho Bách khoa Từ điển của nước Đại Việt. Có thể nói không một điều gì tự cổ, chí kim trong lịch sử dân tộc, đạo học và tri thức Việt Nam mà Thầy không am tường.

Không kể chúng tôi, lớp hậu sinh chỉ võ vẽ viết dăm ba quyển sách giáo trình, chuyên luận, mà ngay đến những bậc cao minh như Giáo sư Đinh Văn Đức, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Cao Đàm, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Hàm Dương, Hoàng Trọng Phiến... lên lớp cho sinh viên, mỗi khi khẳng định một vấn đề, đều nói: "Như Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã viết"; "hoặc điều này Ông Nguyễn Tài Cẩn đã kết luận"...để coi như đó là chuyện không còn bàn cãi và tranh luận nữa!

Âý thế mà cả cuộc đời viết sách, nghiên cứu của mình, chưa bao giờ, Thầy đề trên bìa sách, hoặc tự viết chức danh của mình là Giáo sư, Tiến sỹ, Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà chỉ đơn thuần tên họ là Nguyễn Tài Cẩn!


Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Tài Cẩn (2.5.1926- 25.2.2011)

Những quyển sách mang tính kinh điển bao nhiêu năm nay của ngành ngôn ngữ do Thầy viết, tên của nó đều giản dị là "Sơ thảo". Sơ thảo là khởi đầu, là chưa chính thức, là mới vỡ vạc, ấy thế mà hơn nửa thế kỷ qua, những quyển "Sơ thảo" về Ngữ pháp tiếng Việt, Ngữ pháp Hán Việt, Phát âm tiếng Hán... đó lại là những tài liệu nghiên cứu giảng dạy chính thống trong hệ thống các Trường Đại học Việt Nam.

Sinh ra trong một nhà nho nổi tiếng Xứ Nghệ, Thầy sang học ở Liên Xô đầu những năm 50, là thế hệ sinh viên Việt Nam đầu tiên được đào tạo một cách quy phạm, làm nòng cốt cho nền khoa học Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Là một nhà Tây học, nhưng Thầy cũng là một nhà Phương Đông học bởi cốt cách, học vấn uyên bác và tư tưởng nho gia.

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Tặng Nguyễn Văn Thành bí thư sắp về vườn

VÕ VIỆT VINH


Trời hỡi dân lành lắm khổ đau?
Uất hờn, căm giận ngút trời cao,
Cường quyền đánh chết người: không tội
Ác đảng hùa nhau cướp: chẳng sao
Tiếng sấm Vinh Quang rền chế độ,
Gió cuồng Tiên Lãng thổi bay trào
Thời nay chẳng giống thời xưa cũ,
Công lý phải đâu: "luật của tao!".
V.V.V

Dân biết, dân bàn, bàn tới bàn lui

Là thằng dân bình thường nên phải nói một cách sung sướng rằng mình rất thích mấy câu khẩu hiệu: "Của dân, vì dân, do dân", "Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra", "Cán bộ là đày tớ của nhân dân". Hay. Dù nó mới chỉ là khẩu hiệu. Cha mẹ ơi, chưa có triều đại nào mà tôn dân đến thế.


Nghĩ vậy nên mình thử áp dụng khẩu hiệu vào thực tế. Chả nhẽ người ta cho cái quyền mà mình lại không hưởng, sau này đừng có kêu ca. Mình đưa lên facebook một vấn đề nho nhỏ xinh xắn, vậy mà ối công dân cũng như mình xúm lại bàn. Mình chép lại nguyên xi từ facebook ra đây để chứng minh rằng cái sự dân biết dân bàn cũng nhiều thú vị lắm. sau đây là nội dung dân chủ ấy:
------- 
*Ý kiến của mình: Vụ xử lý kỷ luật các quan chức Tiên Lãng càng lộ rõ tính chất song trùng nhà nước ở xã hội VN, rất nhiêu khê, rắc rối. Cứ phải xong phần đảng mới đến phần chính quyền, có khi để hoàn tất xử lý phải mất cả năm trời. Thế thì nên gộp làm một đi, đảng là nhà nước luôn, đứa nào sai cứ bùm một phát là xong, khỏi chờ đợi, mà lại đỡ tốn kém nuôi gấp đôi như hiện nay.

Trò chuyện với thiêu thân

Giới thiệu ngắn:
Nhà thơ Từ Ngàn Phố (bút danh của Nguyễn Tuấn) vốn là sinh viên khóa 20 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, cái khóa khá sinh sắc về đường quan chức như Nguyễn Thế Kỷ (phó ban Tuyên giáo trung ương), Bùi Thế Nghĩa (Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng), Nguyễn Chí Dân (trưởng cơ sở phía nam Viện KSND tối cao), Văn Luyện (phó tổng biên tập báo An ninh Hải Phòng)... Riêng anh, cứ suốt đời làm nhà thơ, cũng có làm quan báo nhưng dường như anh không mặn mà lắm. Và tôi thấy anh đắc đạo hơn tất cả. Bạn bè tôi và anh cũng nghĩ như thế.
Từ Ngàn Phố làm thơ từ rất sớm, đầu những năm 70 đã có thơ đăng báo. Tôi vẫn nhớ năm 1996 ra Hà Nội, được anh tặng tập "Anh vẫn học cách yêu của cỏ" nhiều bài rất thích, theo tôi đó là tập hay nhất trong những tác phẩm của Tuấn.
Anh vừa gửi cho tôi bài thơ này, chất chứa trong đó bao điều về thế sự, nhân sinh. Anh mail cho tôi, bảo rằng để "tặng anh Đoàn Văn Vươn và nhà văn Nguyễn Quang Vinh - những anh hùng của nhân dân". Xin giới thiệu cùng các vị


TRÒ CHUYỆN VỚI THIÊU THÂN
TỪ NGÀN PHỐ
Tặng anh Đoàn Văn Vươn và nhà văn Nguyễn Quang Vinh

          
              “Thiêu thân! Thiêu thân! Ai đặt tên cho mày là thiêu thân? Người ta biểu dương mày, ca ngợi mày hay khinh bỉ mày: ngốc nghếch, ngu đần?

            Thiêu thân! Thiêu thân! Cuộc đời này buồn lắm sao, chán ngán lắm sao, dơ bẩn lắm sao khiến cho mày chẳng còn thiết sống? Hay rút cục mày cũng chỉ là một tên phẫn chí hèn hạ, một gã thất tình phút cùng đường phải tìm đến bóng đèn làm vực quyên sinh, một kẻ anh hùng rơm bịp bợm chuyên nghề diễn trò liều mạng để mong được lưu danh?

            Thiêu thân! Thiêu thân! Tại sao biết phải chết mày vẫn cứ lao vào? Ma lực nào đã thúc đẩy mày, cám dỗ mày, hút lấy mày? Cái chết hấp dẫn đến thế kia ư? Hay mày sinh ra suốt đời chỉ để tìm về cái chết? Số phận của mày chăng? Định mệnh của mày chăng? Có phải chết đi là tiếp tục cuộc sống của mày?”

***

            “Người anh em ơi, các người đã lầm rồi. Sinh ra ở đời ai không ham sống sợ chết. Ví như cái cây khô dẫu bị cầm tù, bị đày đọa, bị dập vùi trong sương giá vẫn góp từng mầm sống đợi xuân sang. Lại nữa, chú kiến bé li ti kia dám cõng trên lưng cả hạt cơm to như trái núi khổng lổ, kiên nhẫn bò đi hết ngày này sang tháng khác. Chú kiến nhỏ ơi, ai gọi chú trên từng đỉnh dốc, nếu không là tiếng sự sống đang khản hơi gọi chú trên cao?

            Hỡi anh em! Ta đâu muốn làm anh hùng, cũng chẳng thích đóng vĩ nhân. Suốt đời ta chỉ mong được làm kiếp con ong cái kiến, được bay lượn dưới bầu trời nắng chói mắt, được cắm ngập vòi vào chiếc đài hoa để hút nhụy. Chao ôi, cái đài hoa mà lúc nào ta cũng tưởng lầm đó là một chiếc hồ trong, bởi bao giờ nó cũng gợi cho ta cái ý nghĩ muốn vẫy vùng, ngụp lặn.       

            Nhưng hỡi người anh em, tại sao ta phải chết ư? Điều gì đã buộc ta phải chết? Ta có thể nói ngay rằng bởi ta quá yêu cái ánh sáng chói mắt kia, cái ánh sáng ta mang trên đôi cánh mỏng có lẽ còn trăm lần nặng hơn hạt cơm khổng lồ trên lưng chú kiến nọ: Ôi, cái ánh sáng ta khó bề phân tích, chỉ biết rằng  thiếu nó ta không thể sống nổi và vì nó ta sẵn sàng tận hiến cả mạng sống của mình”.

            (Và kìa các chàng trẻ cứ nối tiếp nhau lao vào vực lửa, toàn thân bốc cháy vẽ thành những vòng sáng rực rỡ…)
T.N.P 
 Cống Rộc (Tiên Lãng), từ đây gắn với tên tuổi Đoàn Văn Vươn (ảnh: Nguyễn Thông)

Nước và thuyền

BÁ TÂN


Nước là loại tài nguyên đặc biệt. Có giá trị hơn cả vàng, kim cương. Than đá, dầu mỏ cực kỳ giá trị nhưng đừng có đứng gần nước mà xấu hổ về tác dụng với đời sống dân sinh. Hàng chục triệu người Việt Nam, hàng tỷ người trên thế giới không có vàng, không kim cương nhưng người ta vẫn sống, sống đàng hoàng. Không có nước, chỉ cần một vài ngày, coi như ngắc ngoải và toi mạng. Việt Nam là nước nông nghiệp, văn minh lúa nước, ông cha ta là bậc thầy của các vị giáo sư khi đưa ra nhận định: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
 Thuyền trên đầm ông Vươn sau cuộc cưỡng chế ngày 5.2.2012
           
Còn trời thì còn nước. Nước có tuổi ngang trời. Nước có trước con người. Đến lúc nào đó nếu không còn người thì nước vẫn cứ trường tồn bất tử.
           
Nước với thuyền hơn cả vợ chồng. Vợ cần chồng và ngược lại. Sinh ra vợ chồng để làm nhiệm vụ duy trì giống nòi, cái đó cần hơn sự vuốt ve âu yếm. Nhiều cặp vợ chồng gắng hết sức nhưng không tránh được sự khắt khe của quy luật: lúc đầu ngọt ngào bao nhiêu, về sau ngột ngạt bấy nhiêu. Nước và thuyền không như vậy. Nước không cần thuyền. Chỉ có thuyền cần nước. Hàng triệu năm sau khi có nước mới sinh ra thuyền. Tồn tại dựa vào nước nhưng thuyền lại là tác nhân gây hại cho nước. Nhất thủy, nhì hỏa. Dũng mạnh cường tráng vào loại đứng đầu nhưng nước chưa một lần trót dại gây ra chuyện “vỡ kế hoạch” trong quan hệ với nước. Về cái sự trong trắng không bị cám dỗ, triệu năm sau người không thể bằng nước.
           
Thuyền là thứ vong ân, bội nghĩa. Lấy ân báo oán, thuyền là thứ phản phúc. So với thủa xưa, thuyền ngày nay to hơn, đẹp hơn nhưng sự gây hại khủng khiếp hơn nhiều.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Đại gia (đình) anh tôi

Đó là anh họ tôi, con thứ của người bác ruột. Anh tên Nguyễn Văn Trác, năm nay đã ngoại bát thập, tuy không còn khỏe như mấy năm trước (có mấy ai ở tuổi đó mà khỏe được) nhưng rất minh mẫn, vẫn nhớ chi li hồi bé đi học như thế nào, đánh nhau với con nhà ai...

Gọi anh Trác là đại gia cũng được bởi trần đời tôi chưa thấy ai nhiều... con như bác ấy. Dững 10 đứa, đều tăm tắp như băng đạn AK, đủ cả trai gái âm dương, theo thứ tự: Trí, Liêm, Liễm, Linh, Lanh, Luyên, Trịnh, Trai, Trường, Lan, 4 trai 6 gái. Con trai tên theo phụ âm TR, con gái phụ âm L. Cậu cả Trí đã lên chức ông nội lẫn ngoại, cô út Lan xinh xắn nhỏ nhắn cũng lấy chồng đã lâu. Chỉ trừ cu Thịnh bị bệnh từ nhỏ không yêu iếc vợ viếc gì, còn lại tất tật đã vướng vào vòng hôn nhân. Và hạnh phúc.

Gọi gia đình anh tôi là đại gia đình chẳng sai bởi tính đến thời điểm này, từ xuất phát điểm là anh tôi đến đứa bé nhất mới sinh (con thằng cháu Sơn) thì đã lên con số 45 công dân nước Việt, gồm đủ các thế hệ: cụ, ông bà, bố mẹ, con, cháu. Nói không ngoa, không có sự đóng góp của anh chị tôi, kết quả tổng điều tra dân số bị thiếu gần nửa trăm người chứ chả ít.

Nhà đông người vui lắm. Mỗi lần sum họp gia đình, cứ gọi là tối thiểu 5 mâm, ngồi tràn từ trong nhà ra ngoài sân. Thậm thịch bếp nước như hội làng.

Thầy cáu

Sau khi nghe tin ngày 21.2 Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã họp và xét kỷ luật Ban thường vụ Huyện ủy và các quan lãnh đạo huyện Tiên Lãng, mình cứ cười mãi, lại nhớ đến truyện ngắn Thầy cáu của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Nó đây.

THẦY CÁU
NGUYỄN CÔNG HOAN


Dạy học là một nghề khó nhọc. Dạy lớp Đồng ấu lại khó nhọc gấp mười. Trẻ con phần nhiều đãng trí hay quên, có khi tay cầm quản bút, nhưng lại mách thầy là anh nào ăn cắp. Có khi lọ mực móc dây vào ngón tay, nhưng lúc hứng, cứ như thế, đưa cả lên đầu mà gãi! Lại có đứa thò lò mũi xanh. Có đứa mải chơi, đi “mô tô” ra quần lúc nào không biết. Quần áo thì bẩn thỉu, hôi thối, đất cát, mồ hôi bê bết nhễ nhại cáu ghét hàng tầng. Trong lớp thì hơi người tanh nồng lên. Không trách Tây người ta gọi lớp ấy là Ăng-phăng-tanh cũng phải.
Trường kiêm bị ngày trước, hồi mới mở rộng, thì không như bây giờ có sáu lớp thông thống đẹp đẽ thế này đâu. Lớp Đồng ấu hãy còn dọn tạm ra Văn miếu hàng huyện.
Văn miếu ở ngay giữa đồng, xa nơi dân ở. Đường đi không có cây cối râm mát. Ngày mưa, ngày nắng, trẻ con bò ra được đến lớp, thật là vất vả. Đi đến lớp ấy, còn ngại một điều nữa, là phải qua một bãi cỏ lớn. Bãi cỏ ấy, lũ chó trong làng vẫn quen mui rủ nhau ra phóng uế. Mà cả đến người cũng vậy, nhiều anh lười, cũng bắt chước chó, ngồi xù xù ngay bên cạnh lối đi.
Cho nên học trò bé, đi vô ý, trời tạnh nắng hẳn hoi, có đứa giẫm phải chỗ cỏ bị ướt ấy, trượt ngã oanh oách.
Mỗi khi có việc ngã như thế xảy ra, thì y như lại rầy rà đến ông giáo. Vì tất thằng bé ấy mếu máo, vào lớp, giơ chỗ vàng vàng ở quần mà nó không là thủ phạm lên, mách thầy. Ông giáo cứ phải khổ vì thỉnh thoảng lại xử những vụ kiện mà bên bị là người vô danh như thế.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Thư giãn

Nhà báo Bạch Dương đương kim phụ trách tổ ảnh của báo mình. Y rất hay. Mình thấy y đưa lên facebook mấy tấm ảnh cực kỳ đời thường mà tếu, thế là copy luôn cái này về để giải xì-trét.
Đây là vẻ đẹp (vi phạm luật) dễ thương ở đất Sài Gòn. Xin kính tặng ảnh này cho cả anh Đinh La Thăng nữa.
Nào, mời các cụ xơi, kẻo nguội.

21.2.2012
Nguyễn Thông

Lời hay ý đẹp (5): GS Hoàng Tụy lên tiếng

GS Hoàng Tụy là nhà toán học nổi tiếng, trụ cột của toán học xứ ta, ngay cả khi GS Ngô Bảo Châu chưa ra đời. Ông là người làm khoa học nhưng cực kỳ thẳng thắn, có nhiều phản biện xã hội sâu sắc, những ý kiến của ông vừa toát lên trí tuệ minh mẫn, vừa đầy lòng nhân ái bao dung.
Về sự kiện Đoàn Văn Vươn, ông bảo:
"Đất nước có những người như anh Vươn còn là may, chứ nếu không thì chẳng biết đến bao giờ mới hết những cảnh ngang trái trắng trợn kiểu này. Đó là sự đóng góp lớn của anh Vươn, đóng góp ấy đủ bù cho việc anh phạm tội khi chống lại viêc cưỡng chế. Công lý đòi hỏi anh Vươn phải được trắng án, còn những người lạm quyền làm sai thì phải xử lý nghiêm. Anh Vươn phải được đền bù tài sản đã bị mất".
(Nguồn: Theo blog Nguyễn Xuân Diện)

Có nhẽ chả cần nói gì thêm, chính xác quá rồi.

Xin cám ơn nhời vàng của giáo sư.

21.2.2012
Nguyễn Thông

Lại bài mới của nhà văn Nguyễn Quang Lập: Đúng là đảng Hải Phòng

NGUYỄN QUANG LẬP

 

Khi mình viết bài Đảng Hải Phòng ( tại đây!) có anh bạn học thời phổ thông ( bây giờ làm to tổ bố) nhắn tin, nói ông cực đoan bỏ mẹ. Làm gì có Đảng Hải Phòng. Thời Hà Trọng Hòa thông tin bưng bít mới có Đảng Thanh Hóa, bây giờ mạng méo tràn ngập, thông tin nhạy bén, chẳng ai to gan dám “lập” Đảng riêng đâu. Tất nhiên mình cãi lại, nó cũng không chịu, cãi qua cãi về cả trăm tin nhắn, cãi mỏi tay rồi huề, hi hi.

Cái lý của anh bạn mình là: dù các ông Hiền, Liêm, Ca, Khánh, Thoại, cả ông Điền nữa, dám to gan đem nạng chống trời mà ông Thành bí thư vững vàng thì họ chẳng làm gì tốt. Nó còn mắng mình, nói mày biết đéo gì. Tao từng làm việc với ông Thành tao biết, lão là kẻ có học, ngu gì a dua theo mấy đứa chân đất mắt toét. Nó nói thế thì mình tịt, vì mình chẳng biết ông Thành là méo hay tròn. Nếu không có vụ Tiên Lãng, cầm chắc đến chết mình vẫn không biết ông Thành là ai.

Không cãi được anh bạn cũng tức, nhưng nếu nó nói đúng thì mình cũng mừng. Mình nói đảng Hải Phòng nhưng nếu vụ Tiên Lãng chỉ là lỗi cục bộ, không phải lỗi hệ thống thì mừng quá đi chứ, ai cũng mừng chẳng phải riêng mình. Chẳng dè tin đâu như sét đánh ngang/ ông Thành đang tốt chuyển sang cù nhầy.  Tại CLB Bạch Đằng, trước 500 bô lão Hải Phòng, ông Thành đã ngang nhiên công khai chống lại chỉ thị của Thủ tướng ( Tại đây!): “Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngượi công an-bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; Có bậc lão thành nói không chuẩn; Ông Vươn xây nhà không có trong quy hoạch- trốn nợ thuế- không có tí công tích gì-trong khí đó Tiên Lãng tạo mọi thuận lợi cho anh Vươn. Đã gây dư luận phủ nhận công lao quá khứ của huyện Tiên Lãng, nhân dân cả nước chỉ tập trung vào vụ này để ngưng trệ sản xuất”!!!”

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Những bài hát của một thời (23): Thành phố hoa phượng đỏ


Xin tặng bài hát này (nhạc Lương Vĩnh, thơ Hải Như) cho những người con của đất Hải Phòng, những người sống hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu.

Bài Thành phố hoa phượng đỏ có thể xem như dạng "thành phố ca" hàng đầu của xứ ta. Đã là người Hải Phòng hầu như ai cũng biết cũng thuộc, yêu mến, tự hào về nó.

Nhiều người hát bài này đều thành công, như Trần Khánh, Kiều Hưng, Ngọc Tân, Việt Hoàn, Quang Thọ... Tôi chả có ý coi ai hơn ai, chỉ xin mạn phép chọn bài do NSƯT Kiều Hưng thể hiện, với giọng ấm áp, tình cảm, đầy xúc động.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Quocviet75

20.2.2012
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Vương về thăm Vươn

BÁ TÂN


Gọi tên, không nói họ. Như vậy không phải xếch mé, hỗn hào. Chỉ khi nào thân tình, với những người thân thiết mới gọi nhau như thế. Ở đâu mà bạn bè đã phải gọi nhau bằng đồng chí, ở đó đã trở thành... chi bộ.
           
Vương họ Trần, quê Phong Nha-Kẻ Bàng, kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Vươn họ Đoàn, công dân của thành phố hoa phượng đỏ.
           
PGS-TS Vương đang là "sao" trong đội ngũ giảng viên khoa văn, đại học khoa học xã hội nhân văn Hà Nội. Tuổi đời chưa bước qua lục thập nhưng Vương đã là cây đa cây đề trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam (nhất là văn học cổ).

Vươn, Đoàn Văn Vươn, khỏi phải giới thiệu. Ít nhất trong thời điểm hiện nay, mọi người không thể không biết người hùng Đoàn Văn Vươn. Không chỉ cái huyện nghèo Tiên Lãng mà kể cả cái thành phố biển Hải Phòng gần đây trở nên nổi tiếng là nhớ có một người hùng như Đoàn Văn Vươn.

Vương về thăm Vươn trước khi Thủ tướng Chính phủ có kết luận về vụ cưỡng chế theo kiểu... ăn cướp.

Lời hay ý đẹp (4): Thua dân chẳng có gì phải xấu hổ cả !

Người nói câu trên là thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội. Khi đề cập đến vụ chính quyền, nhất là lực lượng công an, quyết tâm cưỡng chế cho bằng được (một cách sai trái) khu đầm và nhà của anh Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, ông khẳng định các lực lượng cưỡng chế đã làm rất sai, làm bậy. Ngay cả trường hợp chính quyền có lý mà dân chưa thông cũng chả nên thế, đằng này họ hằm hè quyết thắng dân.

Theo ông Chuyên: "Thua dân chẳng có gì phải xấu hổ cả !".

Lời này đã được tướng Phạm Chuyên nói trong cuộc gặp các bạn bè ở Hải Phòng, sau đó ông còn nhắc lại trong một cuộc gặp khác ở Hà Nội.

Đó mới là thân dân, biết trọng dân. Còn nếu xem dân như cỏ rác, con sâu cái kiến thì hãy đọc lại Nguyễn Trãi "phúc chu thủy tín dân do thủy" (lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước), "tải chu, phúc chu giả, dân dã" (đẩy thuyền hoặc lật thuyền, đều là dân).

Một người có tâm với dân như bác Chuyên tất phải về hưu sớm, như các vị Mai Liêm Trực, Chu Hảo, Đặng Hùng Võ, Nguyễn Minh Thuyết... vậy.

28.1 Nhâm Thìn (19.2.2012)
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Chúng có còn là người nữa không?

Những người bạn tôi, đồng chí bọ cu Vinh và cu làng Cát vừa cho biết "bọn côn đồ" đã phá tan hoang căn lều tạm, bàn thờ tạm mà chị Vươn chị Quý dựng trên nền nhà cũ để mừng đảng mừng xuân. Lại nhớ mấy lần chúng tôi đến, đầu sáng 8.2 tôi còn chụp được ảnh còn nguyên căn lều, 30 phút sau cơ quan điều tra bắt dỡ "để điều tra, phục dựng hiện trường", chỉ còn bộ khung. Chiều 9.2 tấm bạt được lợp tạm lại để các chị và các cháu tá túc qua đêm, chiều 10.2 lại bị dỡ, chỉ còn lá cờ đỏ trơ trọi trên cột và chiếc bàn thờ tạm đặt giữa nền nhà ngổn ngang gạch vụn. Nay thì tan hết, không còn gì nữa.

Bạn Cu làng cát nhắn tin cho tôi, bảo rằng họ phá hết rồi. Tôi chỉ biết thở than "khốn nạn thật". Cu nhắn tiếp, bằng thơ bức xúc:

Em hết lời hết chữ hết nghĩa rồi
Bất lực nhìn anh mà khóc
Bất lực nhìn anh thở dài
Bất lực bất lực bất lực...

Lúc 9h30 sáng 8.2, căn lều vẫn còn

 
Đến 10h cùng ngày, nó bị cơ quan chức năng dỡ bỏ với lý do "để điều tra"

 
Chiều 10.2, chỉ còn như thế này, khung lều, bàn thờ và lá cờ đỏ. Nay thì bị vứt xuống đầm hết.

27.1 Nhâm Thìn (18.2.2012)
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Nghe từ cống Rộc (phần 2)

Phần 2: Ông Vươn chết, chúng tôi sẽ lập đền thờ !
NGUYỄN THÔNG


 
 Trên con đường lát bê tông do anh em Vươn-Quý làm, còn hằn chữ Thương yêu, như một tuyên ngôn sống của họ. Vậy mà người ta không cho họ làm điều đó

Chờ mãi vẫn không vào được tận nơi, tôi lại cùng các ông các bác bò trở lại qua cầu lên đê. Ối chao ôi, dân xóm chùa đã tụ tập thành từng đám, mỗi đám vài ba chục người. Một bà cụ bỏm bẻm trầu đỏ tươi, sau tôi hỏi biết tên là Vũ Thị Chanh, 82 tuổi, đang oang oang giữa đám đông. Bà Chanh kể bữa ấy bà bỏ cả cơm trưa để lên đê chứng kiến từ đầu đến cuối người ta đã cưỡng chế anh em ông Vươn thế nào, súng bắn ùng oàng ra sao. Ngày hôm sau, khi họ phá nhà ông Quý, bà và nhiều người xóm Chùa này trông tận mắt, chối vào đâu được. “Đừng nói chúng tôi bức xúc, mà chúng tôi phẫn uất lắm rồi”. Biết bà đang giận, tôi lựa nhời, bảo hôm nay nhà nước cử cán bộ về điều tra, dựng lại hiện trường để xác định kẻ nào đích danh thủ phạm phá nhà, cướp tài sản gia đình anh em ông Vươn, bà và bà con cứ yên tâm. Bà Chanh nhìn tôi giễu cợt, vung cánh tay lên nhưng không phải để đánh tôi, mà chém xuống, nói dứt khoát: Này này, tôi bảo cho nhà bác biết nhá, đó là trò hề, trò hề. Làm gì phải mất công đào bới điều tra. Cứ gặp chúng tôi đây này (bà chỉ vào mình và những dân xóm Chùa đứng quanh), chúng tôi sẽ cho biết hết sự thực. Xong, bà nhìn tôi gườm gườm, có lẽ tưởng tôi người của chính quyền khiến những người xung quanh cũng dòm tôi với con mắt không mấy thiện cảm. Tôi đành nhủ thầm biết làm sao được, từ khi xảy ra vụ đầm Vươn đến nay họ đã phải nghe biết bao thông tin sai lạc, bóp méo bẻ queo từ mấy ông quan xã quan huyện, thậm chí quan thành phố còn vu khống, đổ thừa, gieo tiếng ác cho họ.

Một mảnh tường gạch nhà Vươn-Quý lỗ chỗ vết đạn từ ngoài bắn vào

Nghe từ cống Rộc (phần 1)

Phần 1:
Trung ương chắc chẳng để yên lũ sâu dân mọt nước đâu
NGUYỄN THÔNG

Cống Rộc, trông như chiếc giá treo cổ, đã trở thành địa danh nổi tiếng (ảnh: Nguyễn Thông)


Mặc cho tivi loan báo thời tiết có nhiều thứ không thuận, nào là nhiệt độ hạ thêm những 5-6 độ, rét đậm trở lại, nào mưa phùn, sương mù nhưng tôi vẫn quyết làm một chuyến về Tiên Lãng. Để tận mắt thấy tai nghe, vậy thôi.

Đêm trước khi lên đường quả thật khó ngủ. Trời rét và lòng cứ nôn nao. Quấn 2 cái chăn dày, mặc một đống quần áo ấm, cửa đóng kín mít mà cứ run lên từng chặp. Gió bấc réo ù ù càng làm tăng thêm cảm giác lạnh. Bồn chồn nghĩ ngợi, thương vợ con anh Vươn anh Quý đang tá túc tạm trong túp lều mỏng mảnh giữa trống trải chơi vơi đồng bãi, chống chọi với thứ thần hàn tai ác để mỏi mòn chờ công lý ra phán quyết số phận vợ chồng con cái mình.

Rừng chắn sóng, nhưng không bảo vệ được người dân lương thiện

Sáng 8.2, tôi và đứa cháu phi xe máy về cống Rộc. Hình như trời cũng cảm thông. Tuy gió vẫn lạnh buốt, vẫn thèm tí nắng xuyên qua đám âm u dày đặc kia nhưng đường sá đã khô ráo không còn lép nhép như bữa trước. Cậy là dân bản xứ, chúng tôi theo đường tắt, chả cần vòng vèo lối cầu Khuể, qua huyện lỵ Tiên Lãng như người ta mà cứ xông thẳng xuống xã Tân Trào (huyện Kiến Thụy), nơi có địa danh nổi tiếng Kim Sơn kháng Nhật, sau đó vượt đò Dương Áo là chạm ngay bờ Tiên Lãng. Từ bến đò, mất mươi phút qua xã Hùng Thắng đã thấy thấp thoáng vùng bãi bồi sú vẹt xanh ngăn ngắt xã Vinh Quang. Người ta đang đổ về đây bởi xã bỗng dưng nổi tiếng.

Tính đảng trong sự kiện đầm Vươn

Ở nước Nam ta, câu cửa miệng quen thuộc là "Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý", nhắc đi nhắc lại nhiều đến nỗi đứa trẻ nhãi ranh cũng biết, cũng thuộc. Nhưng giá có ai cắc cớ vặn vẹo nội dung cụ thể của nguyên lý ấy như thế nào, có khi giáo sư tiến sĩ cũng ớ mồm không giả nhời được. Thì vưỡn. "Dân làm chủ", có làm chủ hoặc được làm chủ hay không, chuyện này còn phải xem lại, nhưng theo tôi, hình như không. Còn "đảng lãnh đạo" và "nhà nước quản lý" thì rõ như ban ngày, thậm chí còn được ghi vào hiến pháp, có hẳn một điều riêng đàng hoàng. Vậy thì đảng lãnh đạo, nhớ nhé. Bất kỳ sự việc gì, nhất là những chuyện đau buồn, rắc rối, hãy gọi cho đảng để đảng giải quyết, cũng giống như cha ông tổ tiên xưa bị thuồng luồng cắn liền gọi cho Lạc Long Quân "cha ơi, cứu con" vậy.

Nhiều chục năm qua, những sự kiện xã hội quan trọng, liên quan đến vận mệnh người dân đều được đảng quan tâm, chỉ đạo, lên tiếng. Những việc đảng làm đúng, vì  quyền lợi của dân, người dân đều "ơn đảng, ơn chính phủ". Con lợn con gà chóng nhớn, trái cây chín trên cành, may được chiếc quần mới cũng "ơn đảng ơn chính phủ". Gặp chuyện oan khuất, tai bay vạ gió... thì "mong đảng đèn giời soi xét". Tất tật đều có đảng, kể cũng mừng cho dân Nam ta.


Vậy mà trong vụ "đầm Vươn" ồn ào suốt hơn tháng trời nay, cả nước quan tâm, bức xúc giận dữ, nghe ngóng chờ đợi; thế giới để ý từng ly từng tí, vậy mà chả thấy đảng xuất hiện, đảng ra tay. Nói thế thật ra chưa đúng hẳn. Có anh bí thư Hải Phòng tên gọi Nguyễn Văn Thành ló ra trả lời phỏng vấn của VTV nhưng ăn nói lọng ngọng, ngô nghê, thậm chí vớ vẩn, chả xứng với sự sáng suốt anh minh của đảng tẹo nào. Nhưng chuyện này đâu chỉ của riêng Hải Phòng, bởi nó đang rung động nhân tâm cả nước, vậy mà đảng vẫn im hơi lặng tiếng. Hay là đảng vẫn hoạt động bí mật, có họp có bàn đấy nhưng sợ lộ ra, dân biết thì còn gì là bí mật nữa. Ông Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Hồng Anh, các vị trong bộ Chính trị, trong ban Bí thư đâu cả rồi, chỉ để ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng ra giơ đầu chịu báng. Nên nhớ rằng, cán bộ ở xứ ta, từ anh trưởng thôn trở lên đã phải đảng viên rồi. Đảng không xử, không lên tiếng thì bố anh nào dám xử.

Hồi tôi đi học (may mắn được đi học), thầy giáo sư Hoàng Xuân Nhị có giảng cho chúng tôi về tính đảng trong văn học nghệ thuật. Thầy trích lời của giáo sư Liên Xô Melik Nubarov rằng, tính đảng càng kín đáo càng tốt. Đối với lĩnh vực văn nghệ, chúng tôi tin là vậy. Nhưng văn nghệ khác với cuộc sống. Đây là cuộc sống cụ thể, là số phận con người. Vì vậy, tính đảng càng cụ thể càng tốt. Có thế mới chứng minh được "đảng là cuộc sống của tôi", còn cứ bí mật kín đáo bí hiểm mãi thì kín luôn đi.

Tiết xuân Nhâm Thìn
Nguyễn Thông

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Những bài hát của một thời (22): Chiến đấu vì độc lập tự do

Cách nay vừa đúng 33 năm, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tự lột mặt nạ cộng sản tàn bạo của chúng bằng việc tung hàng chục vạn quân xâm lược tiến đánh đồng loạt 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta, từ tờ mờ sáng 17.2.1979. Tôi còn nhớ như in, chiều 17.2, thầy hiệu trưởng trường Dự bị đại học TP.HCM Nguyễn Văn Năm chỉ đạo mấy thầy giáo trẻ chúng tôi kẻ ngay một loạt khẩu hiệu "Tổ quốc lâm nguy, tất cả sẵn sàng" kêu gọi giáo viên và học sinh chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhập ngũ cứu nước. Khí thế sôi sùng sục. Từ được người ta nhắc đến nhiều nhất lúc ấy là cụm từ "bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh". Tin tức từ biên giới phía bắc báo về càng làm lòng căm hờn cháy bỏng. Những tấm gương Hoàng Thị Hồng Chiêm, Bùi Nguyên Khiết... hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu khích lệ chúng tôi ghê lắm. Ai cũng muốn, cũng bừng bừng tinh thần ra trận. Chỉ vài ngày sau, làn sóng phát thanh đã vang lên bài hát này, Chiến đấu vì độc lập tự do, của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

33 năm đã trôi qua, hàng vạn người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước ấy đã yên nghỉ nơi rừng xanh núi đỏ. Họ không có cái may mắn như những anh hùng thời chống Mỹ. Họ ít được nhắc đến. Người ta cố tình quên các anh các chị. Đáng thương, đáng giận thay.

Bản hùng ca này do tốp ca nam nữ đài Tiếng nói VN trình bày.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

16.2.2012
Nguyễn Thông



Thăm mẹ Thông cào, nhào sang Tiên Lãng

Bạn Bá Tân gửi cho mình bài này mấy hôm rồi, nhưng mình có 2 thứ lăn tăn dẫn đến chậm trễ: Một là bạn viết về mình, nhà mình, lại tuyền khen (trong khi mình đầy thứ xấu) nên mình ngượng; hai là vừa từ Bắc vào lại Sài Gòn, cả đống việc lút đầu lút cổ, bài về Tiên Lãng mọi người đang chờ, thành ra lần khân. Nay bác Basam đã nhanh chóng điểm bài từ blog của bác Thắng Xòe nên mình cũng phải đưa lên thôi, để bạn bè K17 nếu chưa biết blog ấy thì dùng tạm ở đây cũng được. Mình tôn trọng bạn Bá Tân nên chả dám cắt dòng nào (ngược lại trong bụng cũng thinh thích, thế mới quái).


Thăm mẹ Thông cào, nhào sang Tiên Lãng
BÁ TÂN

Nguyễn Thông (Thông cào) về quê thăm mẹ, bạn bè K17 từ Hà Nội kéo xuống Hải Phòng…đập phá. Chỉ vì cuộc nhậu ấy mà CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Hải Phòng tăng vọt. Lãnh đạo địa phương này lý giải hiện tượng tăng giá đột biến theo cách nhìn khác: tháng giêng có nhiều lễ hội, lượng người từ thập phương ùn ùn kéo về Tiên Lãng thăm quan “di tích” nhà ông Vươn.



Tại nhà Thông cào (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) sáng 9 tháng giêng Nhâm Thìn

Lần nào cũng vậy, Thông về quê là dịp bạn bè hội ngộ. Trò chuyện tào lao đủ thứ, bia rượu tràn mâm. Việc nói sau nhưng quan trọng hơn, về thăm mẹ Thông. So với lần gặp trước, cách đây 4 năm, mẹ Thông yếu hơn  nhưng vẫn minh mẫn. Bà cụ lần lượt nắm tay từng người với nụ cười hiền hậu. Trời đất lạnh buốt nhưng tấm lòng nồng ấm của cụ đã sưởi ấm chúng tôi khi quây quần bên cụ.

Ba vị tiên chỉ nói về Tiên Lãng

 Ba vị tiên chỉ, từ trái sang: NSND, đạo diễn Đào Trọng Khánh; thiếu tướng Phạm Chuyên; nhà thơ Thi Hoàng (ảnh: Nguyễn Thông, chụp 10.2.2012)

Khi biết tôi đang ở Hải Phòng, lại vừa đi Tiên Lãng về, ông bạn tôi, một quan năm an ninh nhưng rất đàng hoàng gọi điện bảo có đi nữa không. Tôi rằng Tiên Lãng lúc này tới bao nhiêu lần cũng chả đủ nhưng hôm nay mưa rét, quan anh tính sao. Bạn tôi nói, thế thì cùng đi với anh Chuyên nhé, sẽ có dịp gặp một số nhân vật đặc biệt đấy, chỉ cần ông trả phí bằng sự thông thạo đường đi lối lại đất Tiên Lãng thôi.

Đầu chiều 10.2 xe bác Phạm Chuyên xuống tới Phòng. Cũng may bữa qua mưa rả rích sụt sùi, hôm nay chỉ loáng thoáng đúng kiểu "mưa xuân lất phất bay". Theo điện đã hẹn trước của gã đại tá, mấy anh em tôi vừa tới thì các vị thành hoàng đất cảng cũng có mặt. Cuộc gặp gỡ nho nhỏ, đầm ấm trong một quán ăn giản dị, trao đổi trò chuyện thân tình. Ngoài anh Phạm Chuyên mà tôi từng được biết được gặp, quả tình tôi phải cám ơn ông bạn tôi bởi cuộc diện kiến những nhân vật nổi tiếng, "người của công chúng" này, nhất là với sự xuất hiện của đạo diễn Đào Trọng Khánh và thi sĩ Thi Hoàng.

 Từ trái sang: Thiếu tướng Phạm Chuyên, nhà thơ Thi Hoàng

Cũng nên giới thiệu sơ qua cho phải đạo. Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội gặp một lần thì khó quên. Ông làm tướng, mà lại tướng công an, tuy nhiên chả dáng con nhà võ tí nào, chỉ toát lên dáng vẻ và phẩm chất một trí thức đúng nghĩa. Hiểu biết sâu sắc sự đời. Nhỏ nhẹ, từ tốn, không đao to búa lớn nhưng khi cần làm rõ điều gì thì nhiệt thành kiên quyết dứt khoát lắm.

Cái ông đạo mạo mà tếu tếu kia, đã lâu tôi chỉ gặp trên hình ảnh, bữa nay lại thân tình nắm chặt tay tôi. Nhiều người, rất nhiều người biết ông, nể trọng ông, nhà đạo diễn phim tài liệu lừng danh, NSND Đào Trọng Khánh, cùng quê Kiến Thụy (Hải Phòng) của tôi. Chỉ cần nghe ông nói một châp là bạn như bị thôi miên, không dứt ra được. Không hẳn bởi cái duyên ăn nói của một nghệ sĩ quảng giao mà chính là sự hiểu biết gần như vô tận, sâu đậm, tinh tế thông qua cách diễn đạt cực kỳ dí dỏm, thông minh. Tôi thì thầm với bác Chuyên, anh ạ, giờ thì em hiểu hơn cái câu đúc kết của các cụ ngày xưa mà em hay phê phán "một ngày tựa mạn thuyền rồng/còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài", bên bác Khánh có nửa buổi mà em tỉnh hẳn ra, bội thu bác ạ.

 Nhà thơ Thi Hoàng

Vị tiên chỉ thứ ba, tôi nghe tên đã lâu nhưng cũng trực diện lần đầu, nhà thơ quê tôi, Thi Hoàng. Rất hiền lành. Bác cùng thời với Đào Cảng, Thanh Tùng, giọng thơ gân guốc chất chứa tình người đất cảng. Anh em văn nghệ sĩ Hải Phòng quý bác lắm, bác mà ngồi đâu thì họ xúm đến đấy để được nghe những nhời chậm rãi nhưng chắc như đinh đóng cột và cực vui. Cô em gái tôi chơi với nhà thơ Vũ Thị Huyền kể rằng khi rảnh rỗi mấy đứa đến thăm bác, nghe ông cụ đưa đẩy vài câu là đã cười nghiêng cười ngả. Duyên dáng và hóm hỉnh lắm. Nhìn Thi Hoàng, tôi ngớ ngẩn tự hỏi trong cái thân thể nhỏ thó giản dị kia sao mà chứa nhiều sức hấp dẫn lạ lùng đến thế.

Tôi là cái thằng liều, tự biết mình chả là thứ đinh gì nhưng cứ gọi các tiên chỉ bằng anh tuốt. "Các anh" chả thèm chấp, thấy thằng em chịu khó hóng chuyện nên không nỡ đuổi mà còn cho cụng ly rôm rốp. Chuyện các anh giữa chiều mưa phùn đất cảng lại xoáy vào chủ đề Tiên Lãng. Nhiều lắm, hay lắm, tôi chỉ biên ra đây mấy ý.

Thiếu tướng Phạm Chuyên trên đống đổ nát của căn nhà anh Quý, anh Vươn (chụp chiều 10.2.2012)

Nhà thi sĩ đất cảng Thi Hoàng nhỏ nhẹ, ngắn gọn: Vụ Tiên Lãng chả cần bàn nhiều, các ông ạ, chỉ cần gút lại thế này: Mấy cha lãnh đạo Hải Phòng và cả trung ương nữa hãy bỏ thói sĩ diện, tự ái đi. Làm sai thì nhận, thì sửa, càng sớm càng tốt, cứ quanh co che đậy gian dối chỉ tổ làm cho dân ghét.

Thiếu tướng Phạm Chuyên nhân nhắc vụ Tiên Lãng bèn kể lại mấy vụ cưỡng chế thời ông làm giám đốc Công an Hà Nội, trong đó có vụ sân golf Uy Nỗ. Không ít vị lãnh đạo cấp cao hồi đó đã "có ý kiến" khi ông không điều quân trấn áp những người dân, thậm chí có người quá khích khi ngăn cản lực lượng cưỡng chế. Theo ông "chả có gì phải xấu hổ khi thua dân", mấy đứa công an Hải Phòng không biết thế lại còn rùm beng việc cưỡng chế nhà Vươn bảo là trận hợp đồng lực lượng tuyệt đẹp, đó mới là xấu hổ, nhục nhã. Chiều nay (10.2) thủ tướng kết luận vụ việc ra sao, xin cứ chờ, nhưng theo tôi để hạ nhiệt, giảm bức xúc trong dân, giữ nghiêm phép nước, hãy rút ngay 3 thanh củi trong cái bếp rừng rực đó ra mà trị, cách chức ngay bí thư, chủ tịch và giám đốc công an thành phố này; tiếp nữa là tha ngay, tha bổng cho Đoàn Văn Vươn.

Những vật dụng còn sót lại trên đống đổ nát chứng minh rằng đây là nơi cư ngụ của một gia đình chứ không phải cái lều coi cá, nhà chòi như ông bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành rêu rao (ảnh Nguyễn Thông chụp ngày 10.2.2012)

Bác Khánh dẫn câu của đức thánh Trần, nên lấy việc đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ làm nguy; lấy điều kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm sợ. Nhất trí với ông Chuyên, phải cách chức 3 thằng củi ấy ngay, để ngày nào hại ngày ấy. Vụ thằng Vươn đó chính là cơ hội vàng để nhìn nhận và chỉnh đốn lại cái bộ máy cai trị này. Không làm, sẽ hối tiếc. Cá chép vượt vũ môn chính là lúc này đây, phải mạnh dạn dứt bỏ bọn cá làng nhàng nheo nhệch giói giếc ra thì mới có cơ lên được. Cứ bảo thằng Vươn có tội, đúng ra là nó có công, không biết ơn nó thì thôi, sao lại bắt tội. Đúng như ông Chuyên nói, tha thằng Vươn có nghĩa là mày vẫn có tội nhưng tội mày không đáng, tao bề trên, đàng hoàng tao tha cho mày. Như thế có phải ân uy không nào.

Vết đạn từ ngoài bắn vào còn hằn rõ trên bức tường gạch nhà Vươn đã bị phá

Ngồi nghe các cụ rôm rả, tôi cứ lo muộn về Tiên Lãng theo kế hoạch. Rồi chúng tôi cũng chia tay nhà đạo diễn và nhà thơ đáng kính cùng một số bạn bè để lên đường. Mưa, mặc, chúng tôi cứ đi. Lần này là lần thứ 3 trong vòng 4 ngày tôi đến đầm Vươn, tuy nhiên đi cùng vị sĩ quan an ninh kỳ cựu nên tôi biết thêm được khá nhiều. Trên nền nhà Vươn-Quý, bác Chuyên đã làm tôi sửng sốt khi bới ra một đống dép nhựa, đủ loại người lớn trẻ con, đàn ông đàn bà, lại lôi ra cả khẩu súng nhựa đồ chơi, mảnh gỗ bàn thờ, một tấm ảnh cưới và nhiều thứ khác nữa trong đống xi măng bê tông đổ nát. Bác Chuyên bảo, đây là những bằng chứng hùng hồn cho thấy căn nhà của Vươn là nơi sinh sống, sinh hoạt hằng ngày của một gia đình chứ không phải nhà chòi, lều coi cá như chúng nó lếu láo. Và rất tinh, bác còn chỉ cho tôi xem mảnh tường gạch đầy vết đạn từ ngoài bắn vào, bảo tôi chụp làm chứng tích, nhưng trầm ngâm không nói gì thêm.

Tôi hiểu nỗi lòng của vị tướng già khi ấy.

Bác Phạm Chuyên trầm ngâm bên những vật dụng còn sót lại của gia đình Vươn - Quý sau cuộc cưỡng chế tàn bạo

Tiết xuân 2012
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Đầm Vươn

Đúng ra bài đầu tiên trong chùm bài về Tiên Lãng sẽ là ghi chép "Nghe từ cống Rộc" 2 kỳ (bởi khá dài) nhưng trộm nghĩ ăn oản phải biết cúng Phật nên mình cứ nộp cho bản báo nhà mình cái đã. Nếu vì lý do gì không đăng, mình sẽ đưa lên blog nhà. Vậy thì bài này là "Lê Lai thay Lê Lợi" vậy.

Đầm Vươn (ảnh Nguyễn Thông, chụp ngày 8.2.2012)

Những ngày ở Hải Phòng, trời rét, gió lạnh, mưa xuân lất phất suốt ngày, có lúc nặng hạt. Ngoài những khi việc cần phải nhao ra đường, thời gian còn lại tôi cứ theo chủ nghĩa trùm chăn ngồi xó nhà mà ngẫm nghĩ. Quẩn quanh sự đời, lại quay về chuyện Tiên Lãng, ông Vươn. Đó là những cái tên thực sự "hot" lúc này.

Bàn trà đang tầm hăng chuyện, nghe tôi nhắc đến đầm Vươn, đứa cháu có nhẽ tưởng tôi nhầm vội đính chính, chú nhớ sai rồi, ông ấy họ Đoàn, Đoàn Văn Vươn. Ối giời ơi, cái thằng này lạ, tao đọc hết mấy tỉ chữ về sự kiện Tiên Lãng rồi, đã bỏ hết ngày rưỡi lăn lộn ở xóm Chùa, ở đồng bãi nhà Vươn rồi, 3 lần về đó chứ ít đâu, nhầm là nhầm thế nào. Ở đây tao chỉ nói đến một địa danh cũ mà mới thôi, đang thu hút khách du lịch chính trị-xã hội ùn ùn về đó. Thằng cháu nghe ra, thủng chuyện, cười khớ khớ.

Nơi này từng là căn nhà của gia đình anh Quý anh Vươn trên khu đầm Vươn (ảnh Nguyễn Thông, chụp ngày 10.2.2012)

Hải Phòng, bất cứ chỗ nào tụ bạ, ngoài phố, góc hẻm, trong nhà, cả nơi sang trọng rực rỡ đèn chùm pha lê, bất cứ lúc nào, người ta đều nhắc đến Tiên Lãng, đến Vươn. Mỗi người một kiểu, theo sự hiểu biết của mình, nhưng tụu chung hầu hết thương Vươn, căm giận những kẻ bất nhân đại diện cho chính quyền vì dân. Nói cho công bằng, cho khách quan, cũng chả phải trăm phần trăm như thế. Có anh bác sĩ vẫn lên án Vươn theo công thức "phạm tội giết người, tàng trữ vũ khí, chống người thi hành công vụ", đòi phải xử nặng để làm gương (làm gương cho ai thì doctor không nêu rõ). Có vị nhà báo (chức sắc đàng hoàng, hàm phó tổng) rụt rè nhắc lại quan điểm của chính quyền Hải Phòng mà giờ đây ai cũng biết sai lè lè khi cố tình câu giờ, định chìm xuồng, bao che cho bọn sai nha và quan lại Tiên Lãng. Thậm chí một ông bạn cố tri của tôi, suýt chết ở thành cổ Quảng Trị năm 1972, phàn nàn với tôi rằng, mày ạ tao chán quá, trường tao (ông bạn ấy đang là giáo học) có cả mấy thằng người Tiên Lãng thế mà khi nhắc đến quê nó, nó hỏi vụ gì vậy, ra làm sao... Tôi bảo bạn, ấy, chính quyền đang rất cần những công dân như vậy, chứ cứ như ông với tôi, như những ông bà lê la quán nước ngồi xó bếp quan tâm chuyện thế giới kia thì họ cóc cần, phương hại đến sự cai trị lắm lắm.

Hải Phòng là một trong 63 tỉnh thành của nước này nhưng sự nổi danh thì đa dạng ra phết. Thời chiến tranh, được cụ Hồ đeo cho danh hiệu "thành phố cảng trung dũng quyết thắng". Cứ nhắc đến cảng là chỉ nghĩ, nghĩ ngay tới Hải Phòng. Nơi đẻ ra khoán 10 cũng từ đây chứ đâu. Rồi "trai Nam Định, gái Hải Phòng". Rồi siêu hạng giang hồ Dung hà, Lâm già, cu Nên lừng danh khiến Khánh trắng thủ đô còn khiếp. Rồi súng hoa cải, sẵn đến mức dân gian biến tấu thành "thành phố hoa cải đỏ" nếu còn sống chắc nhạc sĩ Lương Vĩnh cũng phải buồn lòng. Nay thì thêm Tiên Lãng, cống Rộc, đầm Vươn.

Tớ và một bác người Hà Nội, một bác Ninh Bình trước cống Rộc sát khu đầm Vươn (ảnh chụp ngày 8.2.2012)

Chú em tôi kể, nhân tháng giêng còn chút nhàn rỗi, nó rủ thằng em có ô tô làm chuyến vào xứ Nghệ. Đến chỗ nào cũng vậy, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê... người ta hỏi các bác ở Hải Phòng vào à. Nhớ đến mấy cha đại diện chính quyền, công an đất cảng ăn nói linh tinh, đến vụ cưỡng chế làm xấu mặt người xứ "trung dũng quyết thắng", chú em chối, bảo chúng tôi ở Nam Định. Dân Nghệ cười xì, chối làm đéo gì, biển số 16 rành rành kia, nói xin lỗi, đúng là bọn Hải Phòng nhà các ông khốn nạn thật. Thằng em nghe họ chửi mà chả biết cãi thế nào. Tôi bảo nó, sao không lý sự xứ Nghệ nhà chúng mày làm gì có anh hùng Đoàn Văn Vươn, lại chẳng tịt ngòi ngay cho mà xem.

Hải Phòng "những bến Bính, Xi măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên" nghe chẳng thơ đâu mà ấn tượng ghê gớm. Nay lại thêm "đầm Vươn" nữa nổi lên giữa vùng quê Tiên Lãng chống càn. Chả biết những người làm du lịch Hải Phòng có biết nhạy bén mà bổ sung địa danh này vào bản đồ tour tuyến không nhỉ, chứ theo mình người làm sử Hải Phòng và cả nước thì nên ghi cho rõ "sự kiện đầm Vươn" giống như ngày xưa người ta đã đưa vào trong sử cái đồng Nọc Nạn tuốt tận vùng đất mũi cực nam đất nước. Đúng quá đi chứ.

Tiết xuân 2012
Nguyễn Thông

Xin lỗi bạn bè

Chục ngày qua, nhà cháu có chút chuyện riêng bận bịu, chả mạng miếc gì được nên bỏ nhà bỏ cửa hoang vắng quạnh hiu. Thành thật xin lỗi những người bạn đã quan tâm, chăm sóc. Nay việc đã xong, xin được trở lại phình phường.

Điều may mắn là, trong thời gian ấy, nhà cháu cũng ráng thu xếp, có những 3 lần lặn lội trong mưa gió rét mướt về Tiên Lãng, vào tận cống Rộc, vào nền nhà anh Vươn anh Quý để tìm hiểu, chụp ảnh, phần hiểu biết cụ thể cũng kiếm được kha khá nên sẽ làm loạt bài về Tiên Lãng, lần lượt đưa lên, ngõ hầu đáp ứng lòng tốt của bạn bè. Ngoài ra có nhiều đồng nghiệp cũng gửi bài chia sẻ, nhà cháu sẽ đưa lên tất tật.

Một lần nữa xin lỗi và cảm ơn.

Tiết xuân muộn 2012
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Đảng Hải Phòng (bài mới của nhà văn Nguyễn Quang Lập)

NGUYỄN QUANG LẬP



Tối qua buôn chuyện với Xuân Ba, một yếu nhân chống tiêu cực trong làng báo những năm 80-90 thế kỉ trước, thời hoàng kim của báo Tiền Phong, thời mà bác Dương Kì Anh không biết hoa hậu là cái con gì. Nhắc đến “vụ Hà Trọng Hòa” thấy Thanh Hóa ngày xưa sao mà giống  Hải Phòng bây giờ quá, mặc dù tính chất vụ việc hoàn toàn khác nhau.

Ngày đó báo chí trung ương ra sức phanh phui những tiêu cực nghiêm trọng của ông Hà Trọng Hòa, bí thư tỉnh ủy, thì ở Thanh Hóa yên lặng như tờ. Dân chúng không ai dám ho he. Tỉnh ủy chỉ thị theo dõi các nhà báo Trung ương, hễ thấy ai về thì lập tức báo ngay với trên, tuyệt không ai được tiếp các nhà báo nếu không được phép của tỉnh. Phổ biến đến tận chi bộ về sự đúng đắn và sáng suốt của đồng chí Bí thư tỉnh ủy, đồng thời nhấn mạnh “âm mưu của kẻ xấu” phá hoại tỉnh nhà, quyết không để “kẻ xấu lợi dụng”. Báo đảng Thanh Hóa đăng hết bài này sang bài khác chứng minh sự đúng đắn của tỉnh ủy Thanh Hóa, đứng đầu là đồng chí Bí thư tỉnh ủy kính mến. Chẳng may cho đồng chí bí thư kính mến, vào đúng lúc Đảng ta thực bụng muốn đổi mới , thành thử đồng chí Bí thư kính mến đương nhiên bị phế truất, cắp nón về vườn.

Thôi thì góp một bài thơ

Thấy bác Hữu Thỉnh và đồng sự, mặc cho mưa gió rét mướt, trời đất âm u xám xịt, vẫn cứ réo rắt kéo nhau đi thả thơ, nghĩ cũng tội cho cái sự yêu thơ của mấy vị thi nhân. Nhưng chết nỗi, làm ăn thiếu sáng tạo quá đi, năm nào cũng chỉ thấy thả "Kim dạ nguyên tiêu...", mà năm nay lại xé rào, phá cách thả vào "mùng" 14 nên nếu cứ thả tiếp bài ấy mình thấy chả hợp tí nào. Di sản tiền nhân để lại thiếu gì, tuyền là của các cụ lừng danh, tha hồ chọn. Mình mạn phép chọn hộ Ban tổ chức và bác Thỉnh, chú Thiều bài này. Nhớ thả lên cao cao cho thiên hạ cùng đọc, cùng chiêm ngưỡng, bác nhé.

THÁP ĐỔ
TỐ HỮU


Ai lẩn thẩn đem màu tươi hoa lá
Rắc trên cành khô chết nhựa trong cây?
Ai khờ dại nhặt từng viên gạch rã
Băng bó sườn cổ tháp đã lung lay?

Cây dù gượng xanh lại ngày xuân cũ
Tháp dù mong hàn lại vết phong sương
Mộng ảo tất! Gió lùa cây xiêu đổ
Tháp chênh vênh tan sập dưới chân tường

Thi sĩ hỡi! Đi tìm chi vơ vẩn
Trong hồn già đã chết những yêu mơ?
Có lành đâu vết thương đầy oán hận
Có tan đâu khi uất tự bao giờ?

Này hãy nghe cả lâu đài xã hội
Chuyển rung trong biển máu ngập tràn trề.
Này hãy nghe một thời đang hấp hối
Trong mồ đêm dĩ vãng sắp lui về.

Hãy cắt đứt những dây đàn ca hát
Những sắc tàn vị nhạt của ngày qua
Nâng đón lấy màu xanh hương bát ngát
Của ngày mai muôn thuở với muôn hoa.

Tháng 3-1938

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Thương hại đám văn nhân xứ này

Thật tình mình thấy nó cứ sao sao ấy, cái vụ liên hoan thơ đó. Nếu cuộc sống yên hàn thì cũng được thôi, nhưng lúc này bao nhiêu điều đau đớn, bao nhiêu thứ buộc lòng người cuồn cuộn không yên, thế mà rủ nhau đàn đúm véo von, lại kéo cả đám tới núi Bài Thơ sì sụp khấn vái, dường như xã hội thuận hòa tươi tốt lắm.
Nhiều người bảo nó cực kỳ nhố nhăng, khiến mình vốn là người yêu thơ mà cũng phải đồng tình. Buồn cho cái đám văn nhân nước nhà, "tai ương chướng họa của nhân quần" (Trường Chinh). Hay là phải kêu lên về cái vụ thơ: Rằng ối ai ôi nó thế nào!
Lại nhớ câu kết của cụ Nguyễn Tuân trong bài "Một đêm đưa ma Phụng": Giá mà Phụng nó còn sống thì phải biết!
3.2.2012- Nguyễn Thông
 

Lời hay ý đẹp (3): Nỗi lòng ông Phạm Thế Duyệt

Ông Phạm Thế Duyệt từng giữ nhiều chức vụ cao, cực cao trong đảng CS, nhà nước, công đoàn; là người có công "dẹp loạn" Thái Bình năm 1997, người ký ban hành quy định 19 điều đảng viên không được làm. Trong vụ Tiên Lãng, ông tâm sự:

PHẠM THẾ DUYỆT

"Để xảy ra chuyện này thực sự rất bất lợi, thiệt thòi cho đảng, cho dân. Cả trăm con người cưỡng chế mấy anh em ông Vươn, rồi dẫn đến tình hình như vậy. Đó là sự đau lòng đối với nhân dân, đau lòng đối với cá nhân, sự không hay với tổ chức".

(Trích báo Tiền Phong, bài Cần nhanh chóng làm rõ đúng sai, ngày 2.2.2012).

Ảnh của báo Petrotimes

3.2.2012
Nguyễn Thông

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Lời hay ý đẹp (2): Lòng dân và chữ "tín" của chính quyền

Hầu như những người quan tâm đến luật Đất đai chả mấy ai không biết GS-TSKH Đặng Hùng Võ. Ông từng là thứ trưởng bộ Tài nguyên-Môi trường (cái bộ quản về đất đai) nên những ý kiến của ông về lĩnh vực này luôn có sức nặng, khó phản bác. Ông mang chất của kẻ sĩ đích thực, thẳng thắn, dám đối đầu với quyền lực hung bạo, lấy dân làm trọng. Dưới đây là ý kiến của ông về lòng dân và chữ tín của chính quyền:

ĐẶNG HÙNG VÕ
"Một nhà nước của dân, do dân, vì dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm thiệt hại đến quyền lợi của dân. Chính quyền giữ chữ "tín" với dân là cốt lõi trong công việc quản lý đất nước. Lòng dân không bao giờ mua được, chỉ có thể đổi bằng chữ "tín" của chính quyền".
(Trích trong bài Để thực thi nghiêm pháp luật đất đai đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 2.2.2012).

Lời bàn: Tôi xin gửi những nhời tâm huyết trên đây của giáo sư Võ tới những người cầm quyền trên đất Hải Phòng để họ có thêm căn cứ chuẩn mực mà sớm xử lý vụ Tiên Lãng.

2.2.2012
Nguyễn Thông

Về vụ cưỡng chế đầm ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng: San phẳng ngôi nhà trước mắt cơ quan chức năng

PHẠM HẢI SÂM

Đổi mới khẩu hiệu

BÁ TÂN


    Đổi mới cung cách làm ăn. Đổi mới cơ chế chính sách. Đổi mới thể chế kinh tế… Đó là những đổi mới đang diễn ra trong cuộc sống, được nhắc đến thường ngày. Muốn phát triển không thể không đổi mới. Chỉ có cam phận nghèo khổ và duy trì chế độ gia đình trị khét tiếng như Bắc Triều Tiên mới khộng chịu đổi mới.
  
 Khẩu hiệu trên đường phố Nam Định tết Nhâm Thìn 2012

Đổi mới phải được thực hiện trên các lĩnh vực, mọi phạm vi. Ở đây chỉ đề cập vấn đề cụ thể vừa gần gũi vừa xa lạ: đổi mới khẩu hiệu. Khẩu hiệu đúng là loại hình tuyên truyền vừa gần gũi vừa xa lạ. Dọc đường. Tại các công sở. Trên phương tiện thông tin đại chúng… Chỉ cần thoáng qua đã bắt gặp nhiều câu khẩu hiệu có nội dung na ná như nhau. Về mặt khoảng cách và lưu lượng, khẩu hiệu trở nên gần gũi với nhiều người. Tuy nhiên về mặt thực chất, nếu không đi vào lòng dân thì khẩu hiệu trở nên xa lạ. Thời kì chiến tranh chống Mỹ xâm lược, có nhiều câu khẩu hiệu trở thành tiếng nói thổn thức trong lòng dân chúng. Ví dụ "Tất cả cho tiền tuyến", "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"... Ngày nay, số lượng với sức sống của khẩu hiệu hình như đang ngược chiều nhau. Tìm cho ra câu khẩu hiệu đọng lại trong lòng dân là không dễ. Đó là một thực tế. Tại sao như vậy. Dĩ nhiên là có nguyên nhân của nó. Cùng một thực tế nhưng rất có thể có những câu trả lời khác nhau.

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Đêm đông, xa trông cố hương, buồn lòng chính... phủ

 ĐỖ TRUNG QUÂN


Tối 29 tết, chỉ còn vài giờ nữa là giao thừa, người bạn tôi từ Mỹ đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Hắn không phải là người về lần đầu. Hắn về lại, làm việc ở Việt Nam nhiều năm nay. Hắn tìm công việc  của một người freelance. Dịch sách, dạy tiếng Anh và bù khú với bạn bè quen ở Sài Gòn. Hết visa thì xin tiếp.

Vậy mà lần này khi đứng trước lằn ranh nhập cảnh hắn hồi hộp đến toát mồ hôi. Ngồi máy bay 23 tiếng, điều hắn sợ nhất là “được” mời lên lại máy bay…trở về Mỹ khi chỉ còn vài bước chân qua cái lằn ranh mỏng manh là hắn được ăn tết tại Việt Nam lần nữa.
Mùa xuân (ảnh: NGUYỄN THÔNG, chụp tại quê nhà Hải Phòng)