Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Đừng chỉ trách học trò

Cũng tạm lắng xuống rồi, cái vụ học trò “nhất quỷ nhì ma” trường THPT Nguyễn Hiền ở TP.HCM vui mừng quá trớn rải đề cương tài liệu hết tác dụng trắng cả sân trường khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn lịch sử. Xét một cách toàn diện (theo cách nói của nghệ sĩ quá cố Văn Hiệp) thì vẫn phải trách các em vì hành vi bồng bột, thái quá ấy, chẳng hạn gây mất vệ sinh, gây sự ồn ào thiếu nghiêm túc chốn học đường… Nhưng lắng nghe dư luận vừa qua, thấy rõ rằng những ý kiến trách các em không đáng kể mà sự phàn nàn, bực bội lại hướng về những đối tượng khác. Và rất có lý.

Thực ra, chuyện các em “xé sách” là biểu hiện của tâm lý căng thẳng, bị ức chế, là giọt nước tràn ly mà thôi. Không bằng cách này thì bằng cách khác. Mà cũng chả phải chỉ với môn sử. Bất cứ môn nào bị đặt vào hoàn cảnh ấy cũng đều chịu chung số phận. Đó là gì nếu không phải là kết quả của một nền giáo dục nhồi nhét, áp đặt nặng nề, xơ cứng, chạy theo thi cử, chạy theo thành tích, trọng hình thức, thậm chí rất giả dối. Nền giáo dục ấy ngày càng xa rời cuộc sống, không nắm bắt được những chuyển động, những nhu cầu bức thiết của xã hội. Học trò phần đông coi việc học là gánh nặng, chán nản, thiếu niềm vui, thiếu sự phấn khích, thiếu niềm say mê. Nói đâu xa, chốn học đường hiện nay vẫn đang rất phổ biến công thức thầy đọc-trò ghi chép, nhất là các môn khoa học xã hội; học văn thì không thể thiếu văn mẫu; chiếc cặp học sinh tiểu học nặng cả chục ký; chương trình thì nặng nề, nay giảm tải mai giảm tải nhưng vẫn đè chết sự sáng tạo của các em; thi cử như trò ú tim, đánh đố, kết quả năm nào cũng cao nhưng chất lượng ngày càng đi xuống… Nhiều tệ trạng lắm, không thể liệt kê hết ra được.

Một chị bạn tôi có con du học tự túc bên Mỹ, kể rằng chị không tin con mình lại có thể thay đổi như thế. Hồi học trong nước, cháu thường lơ là, chểnh mảng, chỉ học đối phó miễn sao kết quả trên trung bình, được nghỉ học thì mừng lắm, vui lắm. Sang Mỹ một thời gian, với môi trường khác hẳn, cháu đã tự điều chỉnh mà không cần phải ai nhắc. Nhà trường đã tạo cho cháu niềm vui, niềm say mê, gắn bó. Lạ nhất là kỳ nghỉ Phục sinh vừa qua, trường cho nghỉ 6 ngày, cháu điện về than thở với bố mẹ chỉ muốn kỳ nghỉ qua nhanh, muốn học chứ chẳng muốn chơi, học vui lắm. Chị bạn tôi kết luận “không thể hiểu nổi” và khi khoe với tôi bảng điểm học kỳ của cháu không giấu được niềm tự hào, hãnh diện.

Nhiều hồi chuông cảnh báo về tệ trạng giáo dục nước nhà đã cất lên. Nhiều nhà giáo dục có uy tín như Hoàng Tụy, Hồ Ngọc Đại, Văn Như Cương, Hoàng Xuân Sính… đã lên tiếng về một nền giáo dục nhiều bất cập, nặng thi cử, để lại biết bao hệ lụy. Nhưng thật buồn, những người được giao nhiệm vụ coi sóc sự học nước nhà vẫn loay hoay với những luẩn quẩn mà không mở được tư duy giáo dục mới. Chỉ một cái tin đồn nhảm rất vô lý trên mạng về môn thi tốt nghiệp cũng đủ gây xáo trộn tâm lý của cả thầy lẫn trò, cũng khiến những vị lãnh đạo bộ GD-ĐT phải lên tiếng phân bua thì thử hỏi làm sao người dân có thể yên tâm về chuyện học của con em mình. Cứ cải tiến cải lùi mãi như thế này, chừng nào mới có thể tạo được lứa học trò “chỉ muốn học chứ chẳng muốn chơi”?

20.4.2013
Nguyễn Thông
(bài này cũng được đăng trên báo Thanh Niên chủ nhật 21.4.2013)

11 nhận xét:

  1. Một nền giáo dục hết cải tiến lại cải lùi và con em chúng ta hết thế hệ này tiếp nối thế hệ kia trở thành đối tượng để thí nghiệm cho các dự án cải cách giáo dục.
    Là 1 kĩ sư - chuyên viên hết bậc của ngành điện, đọc đề ôn tập thi tốt nghiệp THPT và thi đại học về môn vật lí ( do anh trai tôi là giảng viên khoa lí 1 trường đại học - nay mở lớp ôn thi đại học) tôi không khỏi giật mình, bởi đề bài thi tính toán về mạch điện là 1 bài cực kì phức tạp và hóc búa ngay các kĩ sư chuyên ngành điện cũng không mấy ai giải được.
    Tôi hỏi lại anh tôi: anh có giải được không ? thì anh trai tôi trả lời:
    cả khoa tôi, các thày cũng loay hoay để tìm cách xây dựng đáp án!
    Cách đây 3 năm, anh trai tôi cùng 1 số các thày giảng viên đại học dẫn con về Hà nội thi đại học khối A. tôi có nói đùa: " cho các thày được phép vào thi thay con môn thi chuyên ngành mà các thày giảng dạy, các thày có dám không ? " thì các thày lắc đầu mà rằng " chú lại chơi khó bọn anh rồi " !!!
    Thực trạng, ngành giáo dục đang làm khó con em chúng ta như vậy đó !

    Trả lờiXóa
  2. Có lần anh bạn tôi nói với tôi : Phải đổi mới toàn bộ nhân sự ở Bộ GD cũng chẳng thể đổi mới được nền GD nước nhà. Tôi nghĩ anh bạn tôi nói đùa. Song, câu nói đó cũng để lại suy ngẫm trong tôi.
    Nền GD của ta hiện nay quá bảo thủ, trì trệ. Trì trệ nặng nề đến mức, dù có mấy GS nổi tiếng như Hoàng Tuỵ, Hồ Ngọc Đại, Văn Như Cương, Hoàng Xuân Sính, .... vào trực tiếp thay cũng không thể xoay chuyển sớm được. Tầm nhìn rất hạn hẹp do đã bị đóng khung, quán tính cũ về tư duy, về thói quen hành sự thì cực kì lớn, nó đã ăn sâu vào máu thịt, từ người chỉ đạo đến người thực hiện là các Hiệu trưởng, GV dưới trường. Gột rửa nó trong một vài năm chắc sẽ rất khó khăn. Hiện, các CBQL trường học và GV không thấy rõ được những hạn chế của mình chính là nguyên nhân mà chỉ biết chỉ chích học trò là lười học. Không, học trò không có lỗi. Cái lỗi chính là của ngành GD chúng ta đấy. Chương trình quá nặng tải khiến các cháu không thể "tiêu hoá" nổi, dẫn chúng đến chỗ chán học, lười học, học không nổi, đâm ra "nổi loạn" đó. Hiện nay, đổi mới chương trình GD là vấn đề then chốt, số 1, cần đặc biệt ưu tiên quan tâm, chứ không phải là vấn đề thi cử hay PPDH. Một khi có chương trình mới "vừa tốt, vừa đẹp", thì sẽ dễ dàng đổi mới được PPDH và vấn đề thi cử. Khi chưa có được chương trình "dễ thở", "dễ tiêu hoá" và "ngon xơi" mà cứ nặng tải như ngày nay thì dù có tài Thánh cũng không giải quyết được vấn đề đổi mới PPDH và thi cử! Mong rằng, Bộ GD và những người có trách nhiệm hãy vì con em chúng ta, vì đất nước ta mà nhìn thẳng vào sự thật và học hỏi nước ngoài.
    Quang Minh

    Trả lờiXóa
  3. Các bác trách móc ngành GD đúng,nhưng chỉ đúng một phần.Các bác nên thấy rằng:cách quản lý ở xã hội ta rất nó chồng chéo lắm.Tôi thử lấy một ví dụ ở địa phương thôi:Khi tuyển chọn công chức cho ngành ( cấp huyện)thì chỉ có Phòng nội vụ của Huyện mới có quyền còn trưởng phòng đừng có mơ có một chân trong ban xét tuyển. Vậy thử hỏi mấy ông trong phòng nội vụ biết cái gì về chuyên môn mà "lùa" cho phòng một mớ bòng bong toàn CCCP không đúng nhũng yêu cầu của phòng thì bố bảo sao mà làm việc
    Gv chúng tôi thấy những cái khó khăn khi trực tiếp giảng dạy ( như có bài lẽ ra chỉ dạy 15 phút là xong kiến thức lại bắt người ta dạy 90 phút và ngược lại)...
    Tóm lại những người chưa một lần đứng lớp,chưa một lần tiếp xúc trực tiếp với học sinh thì không nên làm lãnh đạo.Kể cả các ngành khác cũng thế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong số ý kiến này có cả ý kiến của người từng là GV giỏi cấp tỉnh, dạy sư phạm và làm công tác quản lý đó. Họ hiểu biết rất sâu, rất rộng và có tầm nhìn không đến nỗi đâu. Trong khi đó, GV thường chỉ có tầm nhìn giới hạn nhất định, do chỉ làm công tác giảng dạy trong phạm vi rất hẹp. Nhưng không ai trách họ cả. Họ cũng là "nạn nhân" của nền GD nước nhà mà thôi. Rất thông cảm!

      Xóa
  4. Anh Thông chỉ nên so sánh nền GD nước nhà với các nước Lào,CPC còn chấp nhận được ,ai lại so với Mỹ.Hảo thế?

    Trả lờiXóa
  5. Phải xem lại chất lượng Thế hệ Người Thầy đi đã! Có nhiều trường ĐH hiện nay, Giảng viên chỉ là nguyên cán bộ tốt ngiệp Hệ Tại chức, chạy vạy được chỗ công tác tại trường, rồi nghiễm nhiên "Cử Nhân" với hệ ngạch lương GV chính quy... đương nhiên đứng lớp dạy Hệ ĐH Chính Quy! Tất nhiên chỉ đóng vai Vẹt đọc lại gáo trình cho SV ghi chép... Sao có thể khác được!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa học cấp 3, ở trường em, cứ bạn nào học dốt thì thi vào ngành sư phạm. Thế mà đỗ gần hết, không đại học thì cao đẳng. Bây giờ các bạn đều đã trở thành những giáo viên giỏi cấp . . . huyện, tỉnh, toàn quốc cả.

      Xóa
    2. Ý kiến này không hẳn là nói bừa nhưng cũng đúng ở nhiều năm sau này. Có một thời (khi còn Nam Bắc chia đôi), Sư phạm đã được phép chọn những HS điểm cao nhất đó. Ấy là thời kỳ Ban tuyển sinh ĐH của tỉnh quyết theo lí lịch, học lực mà không thèm xét theo nguyện vọng của đương sự. Đó là một "thế hệ vàng" thật sự. Chớ coi thường họ !
      Đến thời nay, chất lượng cứ đuối dần. Ngành nào cũng vậy. Riêng về những HS du học nước ngoài thì không kể, họ may mắn hơn, họ trở nên giỏi hơn.
      Không có chuyện dốt mà thành GV giỏi cấp tỉnh và quốc gia cả. Chớ vào mạng mà nói tầm bậy! Nói tầm bậy khiến người đọc nhận ra mình là kẻ dốt nát!

      Xóa
  6. "Muốn xây dựng CNXH thì trước hết phải có những con người mới XHCN". Con người XHCN đang và sẽ được tạo ra bởi nền giáo dục hiện nay đấy Bác ạ. Trường đại học Tổng hợp HN của Bác Nguyễn Thông là trường duy nhất của VN được xếp hạng Châu Á, ở thứ hạng . . . 201 đến 250.

    Trả lờiXóa
  7. tom lai la dang ngu hoa dan toc

    Trả lờiXóa
  8. toi muon dieu chinh cho bac(trung dinh)mot ti tuc la tu thoi 80 tro ve den 95 bac nao di hoc ma khong the thi vao nganh nao thi vao su pham (neu khong muon làm nong)

    Trả lờiXóa