Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Thành ngữ mới: ĐỜI ĐỜI BỀN VỮNG

Khát vọng của con người, trải qua hàng vạn năm vẫn thế, là luôn mong những gì mình thích, mình làm ra được vững bền. Với những điều lớn lao, liên quan đến vận mệnh của cộng đồng (làng xã, vùng miền, đất nước, nhân loại) thì lại càng cháy bỏng điều ấy. Âu đó cũng là lẽ thường tình.
 
Con cái được cha mẹ sinh ra luôn nhớ ơn công lao sinh dưỡng của cha mẹ, chỉ mong bậc sinh thành sống mãi để mình được yêu thương, đền đáp. Điều đó quá đúng. Nếu ai cũng vậy thì xã hội loài người đẹp biết chừng nào.

Cuộc sống có quy luật tự nhiên, bàn tay và ý chí con người dù có cố mấy cũng không thể can thiệp bắt nó đổi thay hoàn toàn được. Cái này sinh ra thì cái kia mất đi, mới thay cho cũ, có sinh có diệt, có thịnh có suy, có nương dâu bãi bể... Làm gì có thứ vật chất (và cả tinh thần nữa) tồn tại vững bền, mãi mãi. Đến ông mặt trời kia, có tự bao giờ không ai biết, cứ tưởng tồn tại vĩnh hằng nhưng liệu sau bao nhiêu triệu năm, mỗi ngày tự đốt cháy, hao hụt cả tỉ tấn vật chất, liệu có tồn tại mãi không? Mong muốn, khát vọng là một chuyện, còn sự vận động của cuộc sống theo quy luật lại là chuyện khác. Đừng hàm hồ, duy ý chí, cố tình, ngu dốt bắt cuộc sống phải tuân theo ý mình. Mớ ngôn từ “đời đời bền vững, muôn năm, sống mãi, bất diệt” chỉ nhằm tự ru ngủ, đánh lừa mình và người khác thôi.

Hồi những năm 80, mỗi lần ra Bắc vào Nam bằng xe lửa, khi qua vùng Bỉm Sơn xứ Thanh, nhìn qua ô cửa sổ nhợt nhạt của toa tàu cũ nát, tôi lại thấy dòng chữ  bê tông đồ sộ, có lẽ cao đến hơn một mét trên nóc nhà máy xi măng Bỉm Sơn: “Tình hữu nghị Việt Xô đời đời bền vững”. Lúc ấy bộ máy tuyên truyền của nhà nước chả cần phải rêu rao như bây giờ, bởi ai cũng tin như vậy. Năm 1991, Liên Xô tan rã, dù muốn dù không cũng làm câu khẩu hiệu hoành tráng kia mất đi một vế, sự bền vững chỉ còn một phần hai, và “đời đời” tất nhiên là không thể. Cũng những năm đó trở về trước, đi đâu người ta cũng thấy, nhất là trong những hội trường trụ sở cơ quan, trong những dịp lễ lạt kỷ niệm cái câu lộng ngữ như một thứ tuyên cáo chắc nịch: “Chủ nghĩa Mác - Lênin bách chiến bách thắng vô địch muôn năm”. Quả thật, đứa nào nghĩ ra câu này, mà lại phổ cập được nó ra toàn xã hội, là đứa ghê gớm. Đã bách chiến bách thắng, lại còn vô địch, lại còn muôn năm, đến núi Thái Sơn cũng phải thua về sự bền vững, thách thức thời gian. Đá có thể mòn, chứ chủ nghĩa Mác - Lênin mà họ tôn thờ thì không bao giờ suy suyển mảy may được. Chỉ có điều, đùng một cái, thiên hạ vứt nó vào sọt rác không thương tiếc, giờ may ra nó chỉ còn hấp hối mỏng manh ở vài nơi, trong đó có xứ này.

Người cộng sản lúc nào cũng tự nhận là duy vật, họ tôn thờ vật chất nhưng chính họ lại là những kẻ duy tâm nhất. Cũng chả khác gì mấy anh vô thần nhưng cả đời bị ám ảnh bởi ma quỷ. Có thể họ không có chút lòng tin nào nhưng cứ phải gào lên “muôn năm”, “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, ít nhất cũng đánh lừa được những kẻ dại khờ hoặc bọn cơ hội.

Tôi nhớ lâu rồi có đọc cuốn truyện của nhà văn Lê Văn Trương. Về nhà văn này, xin nói thêm, ông là một cây bút nổi tiếng giai đoạn trước năm 1945, viết cực khỏe. Các thầy giáo dạy tôi từng bảo rằng trong số nhà văn trước 45, không ai sung lực bằng Lê Văn Trương, đầu sách ông viết cao hơn cả đầu người. Chỉ tiếc rằng, chả hiểu do mối thâm thù nào, chế độ miền Bắc suốt từ 1954 đến 1975 và cả sau này nữa đã loại Lê Văn Trương khỏi nền văn học nước nhà, không nhắc đến, không giới thiệu tác phẩm của ông, họ chỉ lôi ông ra khi cần phê phán, đấu tố, họ bảo văn chương của ông rẻ tiền, chuộng xây dựng nhân vật người hùng cá nhân. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của họ không ưa thứ người hùng kiểu đó. Sách giáo khoa, từ lớp 1 đến lớp 10 chưa bao giờ trích dẫn tác phẩm của Lê Văn Trương. Ông có người con trai là Mạc Lân (Lê Văn Lân), một chiến sĩ quyết tử quân thành Hà Nội, từng là phóng viên báo Tiền Phong, năm 1968 bị chính quyền cộng sản bắt đi tù cùng với nhiều người khác như Bùi Ngọc Tấn, Tuân Nguyễn, Trần Châu... bởi bị vu cho là xét lại chống đảng.

Quay trở lại câu văn của Lê Văn Trương. Ông viết: “Thì chúng ta sống đây ai không chết dần. Chỉ có bọn ngu si chúng mới tưởng cuộc đời là vĩnh viễn, chỉ tham lam tàng trữ, cơ hồ như giữ mãi mãi được những thứ mà chúng bóc lột của người khác và truyền vạn đại cho con cháu”.

Tôi đọc câu này mà khiếp, bởi cứ nghĩ Lê Văn Trương không phải nói về thời ông ấy mà về thời chính tôi đã và đang sống.

22.7.2015
Nguyễn Thông

11 nhận xét:

  1. Sanh Diệt. Hợp Tan. Đó là lẽ Trời. Thấy được sự khủng khiếp của yếu tố thời gian nên kho tàng thành ngữ không nhiều về số lượng, cẩn trọng về biểu niệm. Có chăng thì cũng ở mức khả chấp. Ăn đời/ Ở kiếp. Đầu bạc/Răng long. Riêng"Mãi mãi xanh tươi/Đời đời bền vững" nó là quán ngữ- nói mãi thành quen-chứ không là thành ngữ.
    Và ngữ cảnh của quán ngữ này cũng bị hạn chế. Chỉ duy nhất để biểu tỏ tình hữu nghị.

    Trả lờiXóa
  2. Đến người rồi cũng chết, xương rồi cũng nát nên chẳng có gì là "đời đời bền vững" cả,

    Trả lờiXóa
  3. Xin bái Anh đôi nhời:Đời đời chắc muôn kiếp sàm sỡ sự vĩnh cửu của thời gian,phá phui nước chảy đá tan.Còn pền vẫng thì nghe đâu phải tồn sót,thoát thai trong oan nghiệt:Loại cối giã 07 ngày chửa chết,thánh vật chùm tọc vươn lâu nương,thiên lôi đả ngóe cười...Một xố phiên bản:Nhu nhược,hèn hạ như huyền đức;độc ác như Hitler;tham tàn gian hùng nhơ tầu thấu...nay nảy nòi ít như bộ phận không nhỏ khuynh đảo đất giời khiến Thiên hạ lầm than điêu linh....Ngộ nhựn vô đối tàn tệ với đồng loại mờ cứ ngỡm"Ngày "Zề"-ôi xa quá,cánh nhện còn mịt mùng trong nắng hồng mê say".Đời có sinh có tận,nỡ sinh Du cũng đừng trách Lượng,bìm bịp lẩn"Bờ bụi" đâu thoát bàn tay con tạo phải không Anh.Vui vẻ nhen !

    Trả lờiXóa
  4. Tư tưởng của Thongcao55 với tôi là bền vững, nhưng không phải là muôn đời, không phải là mãi mãi.
    Âu đó cũng là lẽ tự nhiên.
    Tôi thích đọc Thongcao55 và tôi hiểu được những gì anh viết.
    Cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa
  5. Việc sờ sờ trước mắt, trước mặt mà mình phải làm, trách nhiệm băng nhóm mình phải làm nhưng có thằng lại nói là để đời con đời cháu mình nó làm,...
    Sao lại có loại ngu và hèn hạ đến thế cơ chứ.
    Thằng này khi nhìn thấy thằng hàng xóm hiếp vợ nó, chắc nó sẽ nói là để đời con đời cháu nó xử thằng hàng xóm kia.
    Khốn nạn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mần răng cũng cần cướp thời cơ Ngài à,hết đại hán ngủm là đại cồ việt mó thiên hận quả báo(Chửa biết tết Công go khi nao),mờ Tác dăng tui hay lo cắt đặt bưởng mỗi mống hăm mấy củ lận-Nhàn cư vi bất thiện chúng ngỏm dậy chôn tui xuống trồ ờ !.

      Xóa
  6. Ngày xưa thời phong kiến vua chúa cũng có sự tung hô: "Hoàng thượng vạn vạn tuế" dường như chỉ có mổi câu này. Vậy mà ngày nay đến thiên niên kỷ thứ ba này rồi người ta vẩn cứ tự tung hô mình bằng: -Quang vinh muôn năm, thiên tài, bất diệt, sống mãi, vĩ đại... Tìm những ngôn từ cao siêu nhất đem giăng ra trước mắt thiên hạ cho mọi dể nhìn thấy nhất...
    -Cám ơn bác Thông đã có bài viết thật ý vị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người ta tự nâng cao mình là bằng trăn trở học hỏi, bằng mọi hành động thực tiển để vươn lên. Còn mình thì tự nâng cao giá trị bằng cách dương ra thật nhiều khẩu hiệu!

      Xóa
  7. Hôm qua ngành giáo dục Hà nội học chính trị được biết: Thứ nhât: CNTB sẽ bị diệt vong và chuyển sang giai đoạn CNXH tốt đẹp hơn (xã hội ta hiện nay).
    Thứ hai: Kiên định chủ nghĩa Max và tư tưởng HCM mà không có con đường nào khác.
    Thứ 3: Ta rất giỏi vì đã giữ được một số đảo ở biển đông, các đảo khác bị mất thì con cháu chúng ta sau này sẽ đòi lại!
    Tôi là một GV: hu! hu! hu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng là đồng nghiệp của Ông,dạy Toán THPT, không bao giờ nhập được dã tâm biến Con trẻ thành Nô lệ.Tại cuộc tụ bạ đó Ông có thể đứng lên phản biện Lịch sự và Khoa học với các loại củ-Kể cả củ chuối,vô minh,đẫn,bìm bịp,lấy thịt đè thớt hay quái thai ngâm dấm.Vượt qua nỗi hãi sợ Ông thành Chính quả,nhẹ nhàng Ông đứng dậy xuất ngoại như một hình thức phản đối bọn cs bịp bợm, láo, cuồng, ngu...Hãy chia sớt những Sự thật giản dị để Người được nhẹ lòng với những Người bạn.....
      Chúc khỏe,vui vẻ !

      Xóa