Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Vài trang "sách trắng"

HUY ĐỨC (nhà báo)
Tôi có thói quen chịu đựng các loại áp lực một mình, chỉ vài lần thông báo cho những người thân, như Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân, khi trong những cuộc gặp gỡ, có sự dòm ngó của vài kẻ lạ. 
Thường, những loại trang viết nặc danh trên mạng cho dù bịa đặt, vu khống liên quan đến mình như thế nào, tôi cũng không bao giờ phản ứng. Tuy nhiên, mấy hôm nay nhiều đồng nghiệp điện thoại yêu cầu tôi phải lên tiếng trước một bài viết của cái gọi là Câu Lạc Bộ Nhà Báo Trẻ, liên quan đến hai bài viết của tôi trên Facebook.
Tôi buộc phải "phá lệ".
Đó là hai bài báo: "Em Vợ Thủ Tướng & Siêu Lừa Dương Thanh Cường" và "Ai Bảo Kê Cho Trầm Bê". Cái gọi là "CLB Nhà Báo Trẻ" này cho rằng, đã có sự "phối hợp" giữa tôi với nhà báo Nguyễn Công Khế, nhà báo Doan Khac Xuyen và Luật sư Phan Trung Hoài trước khi viết các bài này để "phục vụ" cho "Minh Chủ".
Đó là một sự bịa đặt trắng trợn nhằm vu khống, bôi nhọ chúng tôi.
Sự thực, bài viết được bắt đầu như thế nào?

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Mưu mẹo với dân

Cái tình cá nước, ý đảng lòng dân ngày nay chả biết nó là hài kịch hay bi kịch nữa.

Nghe bảo chính quyền Hà Nội chỉ đạo cho huyện Gia Lâm thông báo với dân và công luận việc tạm ngưng xây cái trung tâm thương mại ở xã Ninh Hiệp, sát chợ Nành nổi tiếng, để đến sau Tết ta rồi tính tiếp. 

Ai đời một xã đã có đến 2 cái trung tâm thương mại và 1 cái chợ vào loại to nhất nước, giờ bị dân phản đối, họ đã không quyết dẹp bỏ dự án mà còn định câu giờ, mưu mẹo chờ dân hạ hỏa rồi tính tiếp. Dĩ nhiên nếu họ tính tiếp thì sẽ ma lanh hơn nhiều, không để tức nước vỡ bờ như vừa qua.

Lão Maddox cạnh nhà tôi bảo, ngày xưa tiền nhân của họ dùng mưu mẹo với kẻ thù, nay họ hết kẻ thù thì quay ra dùng mưu mẹo với dân. Dân mà biết họ tắc kè hoa vậy, ngày ấy đã chẳng bao bọc che chở để đến nỗi bị đối xử thế này.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Bài hát tặng bạn vào chủ nhật: Cô Tú

Nghe bài hát, tôi bồi hồi nhớ những ngày xa ngái. Cái ngày xưa ấy, tôi còn bé tí, thày tôi bế ru cô con út, là em gái tôi bằng bài này. Khi ấy tôi chưa đi học nhưng nghe mãi nó ngấm vào đầu, còn nhớ đến giờ. Thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ, người thì về cát bụi, người thì già đi, chỉ có bài hát còn mãi đến giờ.

Những năm cuối thập niên 50 đầu 60 ấy, nơi nơi có phong trào bình dân học vụ nên bài hát Cô Tú (có từ hồi năm 1945) lại càng phổ biến. Không chỉ hát nó, người ta còn chế thêm lời cho cả ca khúc Hò kéo pháo của cụ nhạc sĩ Hoàng Vân rằng "Tờ i ti này, đến lớp ta học đi nào. Tờ i ti này, đến lớp ta học ta viết. Mắt kém, tay run, nhưng lời Bác khuyên thì ta cương quyết. Nhà neo, con mọn, học là xây dựng nước non nhà...". 

Buổi tối, khi công việc đồng áng đã vãn, cơm nước xong (thực ra thì ăn cơm từ chiều rồi, tối có gì ăn nấy cho xong, củ khoai lang, bát cơm nguội, cái bắp ngô chẳng hạn), thày tôi ở nhà bế con cho bu tôi theo các dì các bác ra nhà ủy ban học bình dân học vụ. Tôi hơn 5 tuổi, xách cái đèn chai lon ton lẽo đẽo theo bu ra lớp học, ngồi một chỗ coi các cụ học bài, có bà mím môi mím lợi mới viết xong một chữ. Hai thầy giáo dạy vỡ lòng là cụ Bạt và cụ Mông thật kiên nhẫn, tỉ mẩn chịu khó nhét từng chữ vào đầu đám học trò nông dân chỉ vốn quen với cày cuốc, ruộng đồng kia mà chả la mắng, khó chịu với ai bao giờ. Giờ nghĩ lại, nhớ lại thấy thương người xưa lắm.


Dù rất thuộc bài hát này, như một kỷ niệm khó quên thời thơ ấu, nhưng mãi về sau tôi mới biết nhạc sĩ sáng tác nó tên là Nguyễn Long Châu, và cũng chả biết ông có viết thêm bài nào nữa không. Người hát là ca sĩ nổi tiếng một thời, ca sĩ Ngọc Bảo, còn được dân gian phong tặng là tài tử Ngọc Bảo. Ông gần như là thế hệ đầu tiên của ca sĩ hát tân nhạc Việt Nam.


Chúc cả nhà ngày nghỉ, chủ nhật vui vẻ, an lành.


Nguyễn Thông 

 https://www.youtube.com/watch?v=hgCh7EX86-c&list=UUbp1FaSpDIdnmgG73ycDrPQ&index=8

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Tỉnh ủy Quảng Bình bất chấp Quyết định 75 của Ban Bí thư

BÁ TÂN
        Báo Thanh Niên ngày 2.12.2015 đưa tin ông Trần Vũ Khiêm, nguyên bí thư huyện ủy Tuyên Hóa vừa nhận chức Tổng biên tập báo Quảng Bình, thay ông Hoàng Minh Tiến chuyển công tác khác.
        Nếu thông tin trên chính xác, theo như tôi biết, Tỉnh ủy Quảng Bình đã vi phạm nghiêm trọng quyết định 75 của Ban Bí thư.
        Quyết định 75 về đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí có điều khoản quy định tiêu chuẩn khi bổ nhiệm tổng biên tập: phải có thẻ nhà báo, có quá trình công tác ở cơ quan báo chí từ 3 năm trở lên.
        Ông Trần Vũ Khiêm, nguyên bí thư huyện ủy, trước khi nhận chức Tổng biên tập báo Quảng Bình có bảo đảm tiêu chuẩn do Ban Bí thư quy định hay không?
        Có thẻ nhà báo hay không? Có quá trình công tác ở cơ quan báo chí từ 3 năm trở lên hay không?
        Nếu không có, mà tôi tin chắc là chưa có, như thế là vi phạm nghiêm trọng quyết định 75 của Ban Bí thư.
       Ông Trần Vũ Khiêm không gây ra sai phạm này. Ông chỉ là nạn nhân. Thủ phạm gây ra sai phạm, chính là Tỉnh ủy Quảng Bình.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Tuổi nhỏ làm việc lớn

Vụ học sinh ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (thủ đô nhé) giàu nhất nước nghỉ học (ngày xưa cách mạng gọi là bãi khóa) để đi... biểu tình, tôi nghĩ thế này:

-Để đến cả trẻ con cũng phải tham gia vào chuyện của người lớn là điều đau lòng, chả ai muốn. Tôi không tin các cháu tự nguyện "giúp" bố mẹ, chắc phải có lời nói, chỉ đạo của người lớn.

-Tôi càng không tin luận điệu tung ra là có kẻ tung tiền mua chuộc các cháu, rằng mỗi ngày nghỉ thì được mấy chục ngàn. Luận điệu ấy xưa rồi. Được nghỉ học, lại có bố mẹ đồng tình là khoái củ tỉ, chả cần tiền.

-Nếu bố mẹ vì đấu tranh đòi quyền sống mà con cái biết tham gia ủng hộ bố mẹ, đó cũng là điều đáng trọng.


-Ngày xưa, người CS hô hào học sinh bãi khóa, lôi kéo đủ thành phần nam phụ lão ấu vào cuộc đấu tranh của họ, ca ngợi trẻ con hết lời, nào là sớm giác ngộ, tuổi nhỏ chí lớn, chiến sĩ nhỏ...; giờ thì bảo là bị lợi dụng, người lớn có tội khi lôi kéo trẻ con. Dào, chính quyền nào chả là chính quyền, trẻ con nào chả là trẻ con, đấu tranh nào chả là đấu tranh, dân nào chả là dân.


Vấn đề là chính quyền đừng có đối lập với nhân dân, thì trẻ con chả phải nghỉ học như vậy.


Nguyễn Thông

Noel 2015

Tôi buồn mình không có Chúa
Noel cũng phải vui nhờ

Giáng sinh cho người có đạo
Mình ta chực cổng nhà thờ

Lắng uống chuông rơi từng giọt
Thấy đời như thực như mơ.


Chiều trước lễ Thiên Chúa giáng sinh - Noel 2015
Nguyễn Thông

Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế (phần 3)

Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Công Khế và Tuần tin Thanh Niên

HOÀNG HẢI VÂN (nhà báo)

Những kẻ giấu mặt tung lên mạng những “bằng chứng” vu cho anh Khế “đuổi Huỳnh Tấn Mẫm ra khỏi nghề báo, cướp ghế Tổng Biên tập Báo Thanh Niên”. Việc bẻ cong sự thật khiến cho nhiều người kính trọng anh Huỳnh Tấn Mẫm nhưng không hiểu chuyện đặt vấn đề về tư cách Nguyễn Công Khế.

Câu chuyện về mối quan hệ giữa hai người sáng lập ra Tuần tin Thanh Niên trong những ngày tháng sơ sinh của tờ báo đã ngót nghét 30 năm rồi, nay không còn mấy người biết thực hư. Hầu hết những người làm báo Thanh Niên bây giờ cũng không hiểu thực chất câu chuyện. Nhưng tôi thì biết và còn nhớ rõ.

Hồi đó tôi chưa về báo Thanh Niên, nhưng tôi là Ủy viên Ủy ban Trung Ương Hội liên hiệp Thanh Niên Việt Nam, tất cả các cuộc họp của Trung Ương Hội bàn về Tuần tin Thanh Niên tôi đều tham dự. Tôi biết những chuyện công khai chính thức và cả những chuyện nhạy cảm bên lề.

Cho đến bây giờ, dù điều gì xảy ra thì tôi trước sau đều kính trọng anh Huỳnh Tấn Mẫm. Phải nói anh Mẫm là người có công đầu khai sinh ra tờ báo, không có anh, không có sự quyết tâm đi hết cửa này cửa khác của anh thì Thanh Niên không thể ra đời. Nhưng bảo rằng anh Mẫm lập ra tờ Tuần tin Thanh Niên rồi mới xin anh Khế về làm ở đó là nói không đúng. Anh Khế được chuyển công tác từ báo Phụ Nữ về Ban Mặt trận Thanh Niên Trung Ương Đoàn vào năm 1985, đã cùng với anh Mẫm chuẩn bị cho sự ra đời của tờ báo. Anh Khế chẳng có một mỗi quan hệ quen biết nào ở Trung Ương Đoàn cũng như các cơ quan Trung Ương, còn anh Mẫm thì đã là người nổi tiếng.

Bạn tù nói về Nguyễn Công Khế ở trong nhà tù Việt Nam Cộng hòa như thế nào?

Một công dân lên facebook chỉ nhận xét mặt chủ tịch tỉnh “kênh kiệu” bị phạt 5 triệu đồng, nhưng nhiều trang blog, fb lập ra chỉ để bôi xấu cán bộ lãnh đạo từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc "nhân một dịp gì đó" thì vẫn ngang nhiên tồn tại mà chẳng ai làm gì được.
Đó là bi kịch đang tồn tại trong đời sống chúng ta.
Bài viết sau đây của các đồng đội hoạt động cùng thời và cùng bị chế độ cũ bắt đi tù với Nguyễn Công Khế là Lê Văn Thọ, Lê Thị Ngọc Lan, Phạm Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Duy Việt, Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Thị Thọ, Huỳnh Thị Kim Kha. Tôn Nữ Thị Nga, Lê Thị Quỳnh Dung, Huỳnh Tấn Thọ, Nguyễn Cam, Đinh Công Hảo, Châu Chí Bảo, Đặng Văn Cự ... Tôi ở miền Bắc, đi bộ đội tháng 6 năm 1974 nên không biết, nhưng họ là những người trong cuộc nên có thể mang lại cho mọi người một nguồn thông tin để có cái nhìn khách quan hơn.
(Lời giới thiệu của nhà báo Nguyễn Thế Thịnh)

*
        Hiện nay, trên trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài viết về Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên-Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Thanh Niên, khiến dư luận chú ý. Nếu đây là vấn đề minh bạch, chính đáng thì sao không nêu danh tính, địa chỉ cụ thể mà phải núp bóng, giả danh người này người nọ để bôi đen quá trình hoạt động và công tác của Nguyễn Công Khế.
          Để làm sáng tỏ những vấn đề khuất tất mà trang mạng đã nêu nhắm vào Nguyễn Công Khế thì đã có các bài viết của những người trong cuộc như anh Nguyễn Quốc Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên; anh Hoàng Hải Vân, nguyên Tổng Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên; anh Nguyễn Thông, nguyên biên tập viên báo Thanh Niên; anh Hồ Văn Đắc, Phó Giám đốc Công ty Truyền thông Thanh Niên, tất cả đều khẳng định anh Nguyễn Công Khế có công đầu và là người quyết định sự hình thành và vươn lên mạnh mẽ của báo Thanh Niên, đồng thời là một thủ trưởng có bản lĩnh, đáng tin cậy của tập thể cán bộ, công nhân viên, phóng viên (cbcnv, pv) báo Thanh Niên.

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế (phần 2)

Xung quanh chuyện ở tù của Nguyễn Công Khế
HOÀNG HẢI VÂN (nhà báo)

Những kẻ giấu mặt lại tung lên mạng chuyện ở tù của Nguyễn Công Khế, trong đó có một “bản cung” ghi lời khai của anh với cơ quan cảnh sát chính quyền cũ ở Đà Nẵng, tiếp đó là một văn bản của Phủ Đặc ủy tình báo trung ương chính quyền Sài Gòn đề nghị Trung tâm thẩm vấn Tân Hiệp cho “nhận tên Việt cộng Nguyễn Công Khế về Phủ Đặc ủy nhận công tác”.

Tôi không quan tâm đến cái đám đông hùa theo những kẻ giấu mặt. Có quá nhiều những tài liệu, những bài viết thật giả lẫn lộn bôi nhọ người này người kia trên mạng, chẳng ai cần đôi co, mà có đôi co cũng đâu có được. Tốt nhất không đọc là xong. Nhưng đối với chuyện của anh Khế, một số người tử tế quen biết có gọi hỏi tôi, có người tỏ ý hoang mang không biết cái gì là thật cái gì là giả. Chuyện cung khai để kẻ địch bắt đồng đội và chuyện “nhận công tác” ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn cũ là thật hay giả chỉ có cơ quan an ninh mới kết luận được, và họ đã kết luận rồi, từ 15 năm trước.

Xứ sở mình có ngộ độc gì không…?

LÊ ĐỨC DỤC (nhà báo)

Sáng sớm bưng tô bún giò lo chất tạo nạc
Gắp nhúm rau lo dư lượng thuốc trừ sâu
Chiều gặm cái chân gà cùng bạn li rượu đế
Chân gà thối tồn kho, rượu dỏm nấu men Tàu...


Không khí thở mỗi ngày mỗi ngột
Nhưng vẫn đỡ hơn bà con ở Vĩnh Tân
Nhà máy nhiệt điện than âm thầm sát thủ
Mà nghe đâu sắp xây nhiều cái nữa ở quê mình


Hôm nọ đi vay tiền, qua mươi vòng thủ tục
Dấu đỏ dấu đen công chứng rất nhiêu khê
Sao ngày nào cũng thấy những vụ vay ngàn tỷ
Tiền vay đội nón đi, tòa xử mãi cũng huề…

Bà chị bán con bò cầm xấp tiền nhàu nhĩ
Cậu ơi mần răng lo biên chế cho cháu đi
Đất nước mình không chạy quyền chạy chức!
Bán con bò thôi thì xin được việc gì…?
….
Buổi sáng ăn tô bún giò lo ung thư ẩn nấp
Uống ly rượu chiều, sợ trúng độc men Tàu
Xứ sở mình có nhỡ ăn nhầm uống nhịu
Rồi tự chúng mình ngộ độc chết cùng nhau..???

Lê Đức Dục (theo Facebook Le Duc Duc,  https://www.facebook.com/duc.leduc?fref=nf)

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Bác Nguyễn Duy (phần 2)

    Trên đời, nếu chưa được ngồi nghe Nguyễn Duy nói thì quả là thiệt thòi. Nhưng sẽ thiệt hơn nếu không được nghe Nguyễn Duy đọc thơ, của chính ông. Tôi từng được nghe nhiều người nói hay, thậm chí hùng biện, hoạt khẩu, trên hiểu thiên văn dưới thông địa lý, họ nói mà có cảm giác con ruồi đang bay cũng rơi bởi mải nghe ngưng đập cánh, con kiến trong lỗ cũng bò ra ngoài coi họ nói gì. Những vị cao xa thì tôi chưa tường chưa tận, nhưng đã từng há hốc mồm nghe Đào Lê Bình (Tổng biên tập An ninh thủ đô), Xuân Ba (báo Tiền Phong), Nguyễn Hùng Vỹ (ĐH Tổng hợp Hà Nội), Nguyễn Quang Lập (bọ Lập) ăn hết cả lời thiên hạ, vậy mà các chiến tướng ấy so với bác Duy, thấy vẫn chưa bằng. Nguyễn Duy, với ai tôi không biết, chứ với tôi, cứ là số 1. Ai cãi, kệ.

     Có lần Vũ Xuân Hương, một tay thạo tiếng Nga như ta thạo tiếng Việt, từng học ở Trường viết văn M.Gorki, bảo tôi: Trong đám văn nghệ xứ Thanh, Nguyễn Duy thuộc nhóm chiếu trên, top 3, còn lại chùi chân ngồi xuống đất hết. Tôi hỏi top 3 gồm những ai, Hương gạch đầu dòng: một Hữu Loan, hai Xuân Sách, ba Nguyễn Duy. Nghĩ lại thấy có lý, bởi 3 vị đô đầu này đâu phải chỉ vo tròn ở xứ Thanh, cứ nói tên ra là cả nước gật đầu lia lịa cho mà xem. Lạ cho cái đất thang mộc, đã sinh ra lắm vua lắm chúa, lại còn giành cả phần danh sĩ văn nhân.
   
     Ngồi với bác Duy, ta không bị cái cảm giác e dè trước một người đầy chữ nghĩa, giỏi giang bởi bác chả bao giờ có ý soi mói xem ta là đứa nào, làm gì, sao lại ngồi ở đây. Dường như trong mắt bác Duy, ông viện sĩ, giáo sư hay đứa bình dân viết lách như tôi đều đáng tôn trọng hết. Hơn nhau tấm áo manh quần/Cởi ra mình trần ai cũng như ai. Nhớ có lần mấy anh em rủ nhau đến thắp hương cúng trăm ngày cho chị Huyền, bạn đồng khóa 16 với bác Duy, ở ngôi chùa Lâm Tế trên đường Nguyễn Trãi, Q.1. Trong lúc sư ông làm lễ, mấy anh em ngồi chuyện vãn với nhau, bác Duy bảo, đại khái là đời đứa nào rồi cũng như cái Huyền, chỉ còn nhúm tro, thù ghét nhau hờn giận nhau, ham hố này nọ làm gì. Sống ngày nào cho tử tế ngày ấy có phải hơn không.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế (1)

Lời chủ trang: Nhà báo Hoàng Hải Vân (Huỳnh Kim Sánh) là một tay lão luyện, có những đóng góp đặc biệt cho báo Thanh Niên, nhất là hồi tờ báo này cực thịnh. Anh giữ cương vị Tổng thư ký tòa soạn nhiều năm, cũng là người rất gắn bó với ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, hiểu biết sâu và kỹ về ông. Anh Sánh vừa có bài viết về thủ trưởng cũ của mình, trên địa chỉ hoanghaivan.com, tôi kéo về đây để chia sẻ với bạn bè.

Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế (phần 1)
HOÀNG HẢI VÂN

Mấy năm nay tôi không viết gì trên cái blog này, cũng không quan tâm mấy đến những câu chuyện được lưu truyền trên các trang mạng, đơn giản là tôi muốn tránh xa những thị phi của người đời. Nhưng mấy hôm nay thiên hạ luận bàn quá nhiều về chuyện anh Nguyễn Công Khế nhân có một số bài viết nặc danh đăng trên một trang blog mạo danh anh để bôi xấu anh. Tôi viết những dòng này không phải để đôi co với những kẻ ném đá giấu tay, mà để chia sẻ với những người tử tế quan tâm đến tư cách của anh Khế.
 
Báo Thanh Niên là tờ báo chống tiêu cực “khét tiếng” trong làng báo Việt Nam, hơn hai mươi năm làm Tổng Biên tập, Nguyễn Công Khế không có kẻ thù mới là chuyện lạ. Nhưng xin mọi người lưu ý, Thanh Niên được lập ra không nhằm mục đích chống tiêu cực, không nhằm mục đích đánh đấm để “câu view” như từ ngữ bây giờ người ta thường nói. Nó được lập ra để đề cao những chuyện tốt lành, để bảo vệ những người yếu thế. Chống tiêu cực là để đề cao những chuyện tốt lành, chống tiêu cực là để bảo vệ những người yếu thế. Tôi không phải nói theo lý thuyết. Đó là thực tế ở Báo Thanh Niên. Làm tòa soạn nhiều năm tôi biết rõ, anh Khế chưa bao giờ chỉ đạo “đánh” người này “đánh” người kia, càng không bao giờ bảo phóng viên vạch lá tìm sâu từ bé xé ra to đối với các vụ tiêu cực. Sau khi kết thúc vụ án Năm Cam, anh Khế thường nhắc chúng tôi không động đến các nhân vật trong vụ án đó nữa. Anh bảo người ta đã thi hành án, nhiều người đã trở thành những công dân lương thiện, hãy để cho họ và người thân của họ được sống yên lành.

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Nhà báo Nguyễn Công Khế, như tôi đã biết

    Hôm trước, có người hỏi mà cũng như trách tôi rằng sao với trường hợp phóng viên Nguyễn Hoài Nam bị báo Thanh Niên sa thải, tôi không có lấy một lời. Đúng là tôi từng làm ở báo Thanh Niên, từng biết Nguyễn Hoài Nam là phóng viên rất giỏi của báo, nhưng thực ra với vụ việc lùm xùm ấy, tôi lại không tường tận, nhất là chính tôi đã nghỉ việc ở đó gần cả năm nay rồi. Cùng cơ quan với nhau nhưng mỗi người mỗi phận, ở bộ phận khác nhau, ít có cơ hội tìm hiểu về nhau, chỉ ráng làm sao đối xử với nhau tốt cũng là mừng lắm. Tôi có nghe chuyện Nam bị trù dập, rất thương anh ấy, nhưng bảo rằng tôi phải lên tiếng thì hơi khó, bởi mình có nắm được mô tê thực chất gì đâu mà bày tỏ này nọ. Nếu Nam đọc được những điều này, tôi nghĩ Nam hiểu tôi nói thực.

    Vào báo Thanh Niên năm 1996, ra khỏi báo đầu năm 2015, tôi có gần 20 năm gắn bó với tờ báo này. Với khả năng, trình độ có hạn, lại cộng thêm bản tính “hung hăng chẳng chừa ai”, tôi suốt đời chỉ làm lính. Phận làm thuê cho nhà nước (báo Thanh Niên là tờ báo của nhà nước), làm được thì làm, không làm được thì nghỉ, ai đối xử thế nào mặc họ, tôi chả lăn tăn. Có lẽ cũng chính vì thế mà dù suốt 20 năm ấy tôi biết ơn báo Thanh Niên đã cho tôi công ăn việc làm, tay làm hàm nhai, có chút thu nhập nuôi sống gia đình, nhưng may mắn là không phải chịu ơn bất cứ cá nhân nào. Nếu được nâng đỡ thế này thế khác như người ta, bây giờ lại khó ăn khó nói. Thiên hạ vẫn nhắc nhở “chả ai cho không ai cái gì”.

    Tháng 5.1996, sau khi trúng tuyển vào báo, tôi được nhận về Ban Văn nghệ, anh Phan Bá Chức làm trưởng ban. Giữa năm 1997, có lẽ ai đó nhận ra sự cẩn thận, chỉn chu của mình, tôi được về Ban Thư ký tòa soạn, do anh Nguyễn Khắc Nhượng đóng chức trưởng ban, anh Nguyễn Quang Thông làm Phó ban. Kể từ đó, tôi miệt mài như anh thợ cạo giấy, làm biên tập viên tới khi đủ tuổi và nhận quyết định nghỉ việc. Gần hai thập niên làm lính, qua hai trào Tổng biên tập là anh Nguyễn Công Khế và anh Nguyễn Quang Thông, chưa kể có một thời gian ngắn “không có vua” chỉ do anh Đặng Thanh Tịnh “Phó tổng biên tập phụ trách”, tôi là kẻ có cũng được mà không có cũng chẳng sao.

Tự cứu mình trước

     Tình trạng thực phẩm độc hại “phủ sóng” dày đặc cuộc sống hằng ngày được nhắc đi nhắc lại mãi rồi, nhiều rồi, chán, chả muốn nói nữa. Từ người dân bình thường chốn nhà quê đến vị chủ tịch nước đều phải lắc đầu mà rằng “tình hình hết sức báo động, nguy hiểm cho giống nòi” thì có nói thêm nữa cũng thế thôi.
     Nhưng, lại có một chữ nhưng, dù đã có cả hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, chính quyền, cơ quan quản lý, cơ quan chức năng trung ương đến địa phương lo từ vĩ mô tới vi mô thì mỗi cá nhân hãy biết tự bảo vệ mình. Chuyện nào, lĩnh vực nào có thể không biết, nhưng trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chả có ai bảo vệ mình tốt hơn chính mình. Đừng đợi đến khi lăn đùng ra bởi ngộ độc thực phẩm, hoặc sau siêu âm xét nghiệm biết mình bị ung thư mà căn nguyên là đồ ăn thức uống độc hại, mới hối hận, rút kinh nghiệm thì đã muộn.
     Ông hàng xóm nhà tôi cứ lâu lâu lại giở chuyện cũ, cũng là dạng tiếc rẻ quá khứ, vừa để răn đe con cháu cẩn thận miếng ăn hớp uống. Chuyện rằng ngày xưa, gọi là xưa chứ vài chục năm trước chứ mấy, miếng thịt, con cá con tôm, hạt gạo, cọng rau lành lắm, ăn vào không chỉ ngon mà đáng nói nhất, rất yên tâm, chả lo lắng gì. Người tiêu dùng không mất nhiều công chọn lựa chất lượng hàng hóa trước khi mua, nghĩ ngợi lo lắng cho sức khỏe sau khi dùng. Có nhiều tiền thì ăn miếng ngon, ít tiền ăn kém hơn, tuy nhiên đều không phải lo sự độc hại. Không tràn lan sơn hào hải vị, hàng hóa phong phú như bây giờ nhưng rất ít khi nghe nói về ngộ độc thực phẩm, còn ung thư “là của hiếm”.

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Nguyễn Công Khế, sao đời anh lại gian truân đến vậy?

QUỐC PHONG (nguyên Phó tổng biên tập báo Thanh Niên)
Gần một tuần nay, không rõ vì cơn cớ gì, ân oán gì mà sao anh Nguyễn Công Khế , Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn truyền thông Thanh niên, nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên bị ai đó dựng chuyện rồi tung lên mạng, họ tự nhân danh là Nguyễn Công Khế " để bôi nhọ anh.
Tôi hiểu rõ, họ thật táng tận lương tâm khi làm chuyện này. Không lẽ anh Khế lại "tự lấy đá ghè chân mình" là sao ? Họ khá tinh vi khi đưa ra những văn bản , chứng từ làm ăn của Công ty anh làm việc , thậm chí có cả dấu đỏ chót khiến người đọc không khỏi hoang mang và đọc nó. Cái nguy hiểm và thâm độc ở chỗ, tất cả những gì họ đưa ra, có văn bản minh hoạ hẳn hoi. Nhưng lại chỉ là" một nửa sự thật". Mà chỉ một nửa sự thật thì không thể là sự thật !

Kỳ 1:THUƠNG VÀ CƯU MANG BẠN BÈ VÀ CẤP DƯỚI HẾT MÌNH MÀ SAO VẪN BỊ NGƯỜI "ĐÂM SAU LƯNG"?

Những ai biết kỹ về Nguyễn Công Khế thì khỏi nói, chúng tôi không bao giờ tin. Còn với những ai lâu nay chỉ biết sơ qua về con người , nhân cách, chí khí của nhà báo Nguyễn Công Khế với 23 năm từng ở cương vị lãnh đạo báo Thanh niên thì cũng có phần hoài nghi. Không lẽ một người mạnh mẽ, quyết liệt và có uy tín trong làng báo Việt Nam, nay lại như thế sao ? Họ làm vậy liệu có phải là để hạ bệ những con người không khoan nhượng với cái ác, cái xấu và bảo vệ lẽ phải trong xã hội hôm nay? Họ làm vậy là để " đánh " vào tâm trí mỗi bạn đọc khát khao vì lẽ công bằng, bác ái hiểu rằng ở xã hội ngày nay, "đừng ảo tưởng rằng còn có người tốt, cương trực và chấp nhận đấu tranh chống lại cái ác ? Hãy quên đi, không có điều đó đâu !". Tâm địa của những người có bài viết như vậy thì quả là đáng suy nghĩ.
Tôi về báo Thanh Niên nhận công tác khi tờ báo đã ra đời trên 4 năm. Tôi được nghe kể lại cái thuở ban đầu của báo thì được biết, anh Huỳnh Tấn Mẫm , khi đó là Phó Trưởng ban Mặt trận Trung ương Đoàn TNCS HCM đã rủ anh Nguyễn Công Khế , anh Đặng Thanh Tịnh về xây dựng tờ tuần tin Thanh niên. Họ đều là những sinh viên, học sinh hoạt động trong phong trào sinh viên nội thành của miền Nam đấu tranh chống Mỹ. Họ đều bị địch bắt và đưa đi tù đày ở nhiều nhà giam khác nhau trước ngày giải phóng 30/4/1975. Khí phách kiên cường ở các anh , đã từ lâu khiến tôi luôn luôn cảm phục và quý trọng.

Chuyện rơm rạ (phần 3)

    Cả một xã như xã Thụy Hương (Hải Phòng) quê tôi những năm ấy (1960 - 1970) gần 3.000 nhân khẩu với khoảng 400 hộ nhưng nhà khá giả ít lắm. Nhà nào cũng đông con, phần lớn là nghèo. Nhà cửa phổ biến tường đất mái rơm rạ. Gọi mái rạ là theo thói quen chứ lợp bằng rơm là chính. Phần rạ của cây lúa tuy to và cứng nhưng lợp nhà dễ bị dột. Rơm mà phơi nỏ, đánh rơm cho thẳng, mái lợp trông mịn lắm, nước mưa chả mấy khi thấm qua. Mà rất bền, giữ màu tươi sáng hơn mái rạ. Hình ảnh những mái nhà vàng óng thấp thoáng trong vườn xanh là vẻ đẹp suốt bao năm của làng quê Việt. Khi tôi lớn, đi xa quê lâu ngày, lúc về đến đầu xã gặp lại những mái rơm thân thương ấy, lòng trào lên niềm xúc động khó tả.
    Giờ lâu rồi, tôi cũng chả nhớ cứ bao lâu thì lợp lại mái nhà. Nhà trên, nhà dưới, nhà bếp đều lợp bằng rơm tất tật nên rơm của một vụ chả bao giờ đủ. Cứ phải luân phiên. Hôm lợp nhà vui lắm. Thày tôi trước đó đã trông trời trông đất, dự đoán thời tiết, coi ngày ấy có mưa gió gì không. Cả nhà tinh những người vụng về, chỉ biết rút rơm, vận chuyển, còn việc trèo lên mái nhà lợp cho khéo, cho dày đều, cho phẳng phiu thì phải nhờ thợ. Nào có ai xa xôi gì, thợ cũng người nhà hoặc hàng xóm láng giềng, lần thì cậu Thê, lần thì chú Chung, khi thì ông Đính. Các ông ấy đúng là những nghệ sĩ nông dân. Thường chỉ một ngày đã xong, căn nhà có cái mái mới trông cứ là lạ quen quen, tối ngủ sực nức mùi rơm thơm, đến bây giờ vẫn còn cảm giác thật khó quên.

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Phản biện với thủ tướng chính phủ

BÁ TÂN

      Luật pháp không cấm người dân phản biện với thủ tướng chính phủ.  
      Tôi là đảng viên. Hơn nữa đã có thời gian đứng đầu cấp ủy cơ sở Đảng. Điều lệ Đảng cũng như 19 điều đảng viên không được làm không cấm đảng viên phản biện với ủy viên bộ chính trị - thủ tướng chính phủ.
       Là trí thức, tôi biết phản biện khoa học vài lu loa bôi nhọ là 2 thứ đối nghịch. Tôi phản biện trên nền tảng khoa học.
        Là người yêu nước, tôi phản biện nhằm mục đích xây dựng.
        Tôi xin phản biện với thủ tướng chính phủ về vấn đề do thủ tướng nêu ra trong cuộc họp trực tuyến tại trụ sở chính phủ, ngày 13.8.2015.
       Tại cuộc họp này, thủ tướng chính phủ nói rằng: “tôi đi nhiều địa phương và thấy người dân còn rất nghèo trong khi trụ sở các cơ quan xây rất to, rất hoành tráng…”.
       Thông tin này được đăng tải trên báo Thanh niên, ngày 14.8.2015.
       Thưa thủ tướng chính phủ, thông tin do thủ tướng nêu ra đúng với hiện trạng đang tồn tại trong cuộc sống. Cảm ơn thủ tướng đã xúc động phản ánh đúng sự thật, trong khi nhiều vị lãnh đạo không quan tâm cho nên chẳng thấy họ chỉ ra cái sự thật trớ trêu và xót xa ấy.

Thanh kiếm và lá chắn

    Ở miền Bắc hồi những năm trước 1975, người đọc rất mê bộ tiểu thuyết của nhà văn Xô viết Vadim Kozevnikov có tên Thanh kiếm và lá chắn. Thanh kiếm làm nhiệm vụ tấn công, trừng phạt; lá chắn để chở che, bảo vệ, phòng ngừa. Tôi muốn dùng mấy chữ ấy khi liên hệ với vụ chung cư 4S Riverside Garden (Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị côn đồ tấn công.

    Điều mà bất cứ ai đã từng trải trong xã hội ta đều có thể thừa nhận là bộ máy bảo vệ an ninh trật tự ngày càng được hoàn thiện, cái xấu cái ác ngày càng bị đẩy lùi. Người dân mỗi ngày yên tâm hơn sống và làm việc trong sự yên bình, ổn định, có sự bảo vệ của lực lượng chuyên trách. Công đầu trong lĩnh vực này là công an và dân phòng, nhất là những cán bộ chiến sĩ bám sát cơ sở, gắn bó chặt chẽ với từng địa phương. Đã có biết bao vụ việc kẻ xấu gây mất an ninh trật tự, đe dọa tính mạng và tài sản nhân dân, phá vỡ luật pháp và kỷ cương xã hội… bị lực lượng công an tấn công, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Chắc mọi người còn nhớ cách nay chưa lâu (rạng sáng 7.12), công an TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã nhanh tay chặn đứng hai nhóm côn đồ hung hãn chuẩn bị xáp chiến, thu giữ hàng chục đao kiếm, mã tấu, hung khí nguy hiểm. Chẳng ai có thể hình dung được cái kết quả mà chắc chắn sẽ đẫm máu nếu công an không can thiệp kịp thời. Đó chỉ là một ví dụ trong vô vàn vụ việc chứng minh sự cần thiết của cả thanh kiếm tấn công và lá chắn phòng ngừa.

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Điểm tin ngày 12.12

Hoa hậu Phạm Hương khoe dáng nóng bỏng với bikini
Liệu có nóng như quốc lộ 1A vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh?
(Giáo dân bất bình chuyện bắt người, chặn đường khiến xe cộ hết qua
Ít ai biết rằng, chỗ này ngay sát khu đất bán cho Tàu, tên gọi Formosa).


Đại gia vàng xứ Quảng hôm nay cầm xà beng phá khu nhà trăm tỉ
(Trong khi biệt thự ông Nghiên ở Hà Nội 9 năm rồi ông vẫn he he)
Thật tội anh CSGT bị xe tải tông kéo lê 20 mét
Hoa hậu (lại hoa hậu) Kỳ Duyên đi ăn phở vỉa hè.


Chủ tịch mới của Sài Gòn cũ hứa dẹp kẹt xe, ngập nước
Kẻ đâm vợ con rồi tự tử bất thành, lĩnh án tử hình
(cái thiện cái ác đan xen nhau khiến chúng ta chóng mặt)
Năm đứa người Lào bị bắt quả tang với 60 bánh heroin.


Quan chức khai tài sản không có gì nhưng vợ con xài ngàn tỉ
(Ấy là theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ đàng hoàng)
Thủ tướng xứ ta được ông Nguyễn Anh Tuấn vinh danh tầm thế giới
Dư luận xứ lừa đang chúi mũi vào những chuyện của Đặng Lê Nguyên Vũ, Ngọc Trinh.


Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Làm người tốt bây giờ quá khó

Lời chủ trang:
Bạn tôi, nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Nguyễn Văn Lượng luôn tâm huyết đau đáu với đời, với con người. Hàng mấy chục tác phẩm điện ảnh, kể cả phim tài liệu, phim truyện của anh, nhất là những phim về đất Hải Phòng (quê anh, mà cũng là quê tôi, hai chúng tôi cùng chung một huyện), về những người nông dân lam lũ, cần cù, về những khốn khó của một thời vật vã để thay đổi... đủ nói lên chất lượng công việc, cống hiến của anh. 
Lượng đang dồn hết cả tâm lực vào dự án thực hiện một bộ phim hoành tránh, nghiêm túc, chất lượng về đức vua, thái thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị lãnh tụ nổi tiếng bậc nhất thời nhà Trần nói riêng, và lịch sử dân tộc nói chung. Gọi là dự án bởi không chỉ có chuyện quay phim, đóng phim, dựng phim mà phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, cái quần cái áo cổ trang, cho tới điều lớn nhất, làm hẳn một phim trường trên đất Quảng Ninh, nơi Phật hoàng từng tu tập và đắc đạo.

Biết bao khó khăn vất vả đã xảy ra trong quá trình thực hiện, nhưng đau nhất là có những kẻ ghen ăn tức ở gây đủ mọi trò tiểu nhân phá đám. Tôi sẽ viết kỹ hơn về Lượng và chuyện này sau. Anh vừa công bố bức thư ngỏ về tâm sự, nỗi lòng, suy nghĩ của anh xung quanh chuyện này. Tôi xin đưa lên đây (nguyên xi), ngõ hầu để mọi người cùng tỏ, rằng trên đời ai chả muốn làm người tốt, nhưng làm người tốt bây giờ, thời buổi này, như Lượng, là quá khó.

Người tốt sẽ chìa cho bạn một bàn tay, còn kẻ xấu thì...?

Kẻ xấu luôn chạy sau bạn và bị sự khinh bỉ của người đời !
(Tự sự trích đoạn nhân trao đổi với hoạ sỹ Nguyen Hoan Thien về nghề)

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Thanh Hóa anh hùng, Thanh Hóa… Cao Hùng

BÁ TÂN

Thanh Hóa là quê hương của nhiều bài hát nổi tiếng, sống mãi với thời gian.
Đất và người xứ Thanh như là con tằm vàng, trên mọi loại vàng, tạo nên tơ vàng đặc biệt – những ca khúc bất hủ, lay động triệu triệu trái tim.
Tôi đặc biệt ấn tượng với ca khúc Chào sông Mã anh hùng của nhạc sĩ Xuân Giao.
Thuở bé, khi chưa biết sông Mã, chưa đi qua xứ Thanh, nghe ca khúc này tôi đã “si tình” với sông Mã, với xứ Thanh.
         Ai về Thanh Hóa .
         Thanh Hóa anh hùng.
         Dô tá, dô tà…
 Âm hưởng hào hùng với nhiều điệp khúc như là tiếng sóng trào dâng của dòng sông Mã ngàn đời cần mẫn và tình tứ.
Cất lên từ xứ Thanh, vọng lên từ sông Mã nhưng tiếng hò sông Mã vang vọng vào xứ Nghệ, láng giềng của xứ Thanh.
Sông Mã của xứ Thanh, sông Lam của xứ Nghệ không cùng nguồn mạch, có chung điểm hẹn là đại dương bát ngát mênh mông. Sông Mã với sông Lam se duyên với nhau từ ngàn đời, và mãi mãi là cặp tình nhân ngày càng mặn nồng.
            Ai về Thanh Hóa.
            Thanh Hóa anh hùng.
            Dô tá, dô tà…
Ca khúc này làm cho “cô gái quê” sông Mã trở thành hoa hậu bất tử của xứ Thanh.
Đó là chuyện ca nhạc. Ca nhạc góp phần làm cho xứ Thanh thêm phần rạng danh.
Những ngày gần đây, Thanh Hóa gắn liền điểm nóng bởi sự kiện liên quan thủ phạm chính gây ra vụ án oan sai xuyên thế kỷ của Huỳnh Văn Nén. Thủ phạm Cao Văn Hùng, nguyên cán bộ điều tra thuộc Công an tỉnh Bình Thuận, hiện đang hành nghề luật sư tại Đoàn luật sư Thanh Hóa.

Nỗi buồn hạt gạo

    Cuối năm, có vài cái tin đáng phấn khởi liên quan đến nông nghiệp. Trước hết là, theo công bố mới nhất từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến cuối tháng 11 đạt 6,24 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường hàng đầu hút gạo Việt là Trung Quốc, Philippines, Indonesia.

    Tin thứ 2, mới nghe dễ bỏ qua nhưng thực ra rất đáng quan tâm: Nông trường Sông Hậu ở Cần Thơ đã ký hợp đồng với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu… rơm, mỗi năm hàng trăm ngàn tấn. Như vậy, không chỉ gạo - phần kết quả tinh túy nhất của nông nghiệp, mà ngay cả phụ phẩm, thứ phẩm của nhà nông đất Việt ta, xưa nay ta coi là rơm rác, cũng lên đường đem ngoại tệ về cho đất nước. Thế chẳng đáng mừng sao.

    Ở một nước sản xuất nông nghiệp vẫn là phổ biến nhất, đứng hàng quan trọng nhất thì mỗi thông tin liên quan đến nó đều khiến từ nhà hoạch định chính sách đến người dân thường đều phải suy nghĩ. Bởi sao, bởi nó là miếng ăn hằng ngày, là cuộc sống của gần trăm triệu con người, là lực đẩy đất nước đi lên hoặc kéo thụt lùi. Vậy thì có những thứ vừa xảy ra cũng làm chúng ta không khỏi giật mình, thậm chí không mấy khi tin rằng nó là sự thực.

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Biệt thự, biệt phủ và biệt lệ

    Bất cứ nước nào cũng vậy, từ xưa đến nay, để duy trì trật tự xã hội đều phải có pháp luật. Đó là những quy định được cả cộng đồng tuân phục, chấp hành triệt để. Tổ chức, cá nhân nào làm sai, chống lại pháp luật thì lấy chính pháp luật ra để xử lý. Thượng tôn pháp luật là nguyên tắc tối cao, không loại trừ một ai.

    Xã hội có bao nhiêu lĩnh vực thì có bấy nhiêu luật lệ tương ứng, chưa kể có những bộ luật tổng hợp bao trùm mang tính cốt lõi, định hướng, chỉ đạo. Ngày xưa nước ta có những bộ luật nổi tiếng như bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) thời nhà Lê, Quốc triều hình luật thời nhà Trần, Hoàng Việt luật lệ thời nhà Nguyễn… dù đậm đặc tính phong kiến, quân chủ nhưng góp phần tạo ra hệ thống pháp luật Việt Nam, và cơ bản là tạo nên một xã hội tôn trọng pháp luật, mọi hành vi được điều chỉnh bằng pháp luật.

    Cuộc sống thay đổi, luật lệ đổi thay theo, được sửa đổi, bổ sung, tạo mới để phù hợp với thời đại. Dễ nhận thấy nhất, cứ mỗi kỳ họp, Quốc hội lại thông qua những luật mới, những sửa đổi bổ sung bộ luật cũ, ngày càng tạo nên nền pháp luật hoàn chỉnh.

    Thế thì, chả vì lý do gì mà có những vụ việc xảy ra trong xã hội, đáng lẽ chỉ cần căn cứ vào pháp luật để xử lý, dù rằng đôi khi cũng cần phải lưu ý đến yếu tố này nọ, thì chẳng hiểu sao, cứ chần chừ, nhùng nhằng, dây dưa, kéo dài. Tình trạng ấy không chỉ gây bất bình trong nhân dân, tạo dư luận xấu, nó còn ảnh hưởng rất tệ đến ý thức thượng tôn pháp luật. Tôi muốn nói đến vài vụ cụ thể liên quan đến tài sản nhà nước, công sản, vi phạm về đất đai, xây dựng.

Những bài hồi học vỡ lòng và lớp 1

Khi tôi bắt đầu đi học, đầu thập niên 60, đứa trẻ nào cũng thế cứ phải 1 năm học vỡ lòng đã rồi mới được vào lớp 1. Như vậy, thực ra đó là chương trình 11 năm chứ không phải 10 năm như người ta vẫn nói. Lúc này, nhà nước đã cho biên soạn sách giáo khoa mới, không còn dùng bộ Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư nữa.

Đến nay đã hơn nửa thế kỷ, tôi còn nhớ bập bõm những bài học, bài tập đọc của sách vỡ lòng và sách lớp 1, nên nhớ lại và sẽ lần lượt biên ra đây. Chẳng hạn bài ni thật dễ thương:


Nếu không có bác công nhân
Lấy đâu nhà cửa trú thân đêm ngày
Áo quần ta mặc ai may
Lấy đâu máy móc dựng xây nước nhà.


Lời bình ngắn: Thời ấy, công nhân là số 1, giai cấp tiên phong, được ca ngợi nhất. Chỉ có điều, do quá khen nên quá đà. Máy móc thì còn có vẻ công nhân chứ nhà cửa, quần áo thì mắc mớ gì đến công nhân. Cái nhà tường đất lợp rơm rạ do thày bu tôi là nông dân đắp nên, không có tí yếu tố công nhân nào dính vào. Quần áo do mấy ông thợ may làng may, như ông Cảnh, ông Phúng, tiền công 5 hào/cái, cũng chả dính gì đến công nhân. Họa ra thì công nhân có dệt tấm vải thôi.


Hồi tôi còn bé, cả làng tôi chỉ có vài người đi làm công nhân ngoài phố, có lương, được dân làng nhìn kính nể lắm. Mà cũng chỉ là lao động chân tay bình thường, như chú Chung cạnh nhà tôi làm thợ mộc ngoài cảng, ông Phòng xóm Bến chồng bà An lái xe trên Hà Nội, mấy người con cụ Hàn, cụ Đa, hoặc con anh Hán trong làng là anh họ tôi làm thợ ngoài Phòng... Được thoát ly, ly hương ly nông, làm công nhân là ao ước của hầu hết thanh niên nông thôn lúc bấy giờ. Còn bây giờ, ai cũng có thể làm thuê dưới danh hiệu "công nhân".


Nguyễn Thông

Một cuộc trò chuyện

Anh an ninh thân tình nhắc nhở tôi, sao anh chỉ viết những mặt trái của xã hội, ít nhắc đến điều tốt. Tôi giả nhời: Thời nào cũng có cái tốt cái xấu.

-Thứ nhất, tôi làm theo định hướng của chế độ mà tôi tiếp thu từ tấm bé. Hồi tôi còn đi học, nhà nước chỉ đề cao và khen ngợi văn học hiện thực phê phán, còn văn học lãng mạn rất ít được nhắc tới, mà có nhắc thì chủ yếu chê, coi nó chả ra gì, miệt thị nó là tô hồng hiện thực.


-Thứ nhì, bộ máy ca ngợi đã quá khủng rồi, có thêm nữa cũng bằng thừa, chi bằng tăng cho cái còn thiếu còn ít để bức tranh xã hội đầy đủ hơn.


-Thứ ba, tôi chỉ viết sự thật.


Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Trung ương MTTQ VN nên tự kiểm điểm sau 3 vụ án báo Đại Đoàn Kết thua kiện

BÁ TÂN        

      Ba vụ án liên quan đến báo Đại Đoàn Kết đã được đưa ra xét xử tại tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội ).
       Nguyên đơn, ba phóng viên của báo Đại Đoàn Kết không thể không thắng kiện, bởi lẽ phải và sự thật thuộc về họ.
        Bị đơn, báo Đại Đoàn Kết thua kiện cả 3 vụ án, kết cục đúng với luật nhân – quả.
        Ba vụ án đã khép lại. Báo Đại Đoàn Kết đang từng bước thực hiện bản án , cả về tài chính cũng như hành chính. Báo Đại Đoàn Kết chịu nhiều tổn thất nặng nề từ 3 vụ án. Tai tiếng và bài học phản diện từ 3 vụ án không những là “tài sản” của báo Đại Đoàn Kết mà còn dành cho cả cơ quan chủ quản - Ủy ban Trung ương MTTQ VN.
         Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia. Đạo làm người là vậy. Pháp luật và kỷ cương phép nước càng đòi hỏi hơn thế.
          Thất bại của báo Đại Đoàn Kết cũng là thất bại của cơ quan chủ quản. Báo Đại Đoàn Kết làm sai, dẫn đến thua kiện, đương nhiên cơ quan chủ quản không thể vô can. Báo Đại Đoàn Kết xứng đáng nhận thẻ đỏ, cơ quan chủ quản phải là thẻ vàng.
         Sau 3 vụ án tại báo Đại Đoàn Kết, cơ quan chủ quản rất nên tự kiểm điểm. Nói đúng hơn , nếu làm đúng trách nhiệm và tránh lặp lại sai lầm, cơ quan chủ quản phải kiểm điểm sau 3 vụ án tại báo Đại Đoàn Kết.
        Vấn đề đặt ra cho cơ quan chủ quản là rút ra bài học từ những sai lầm, chứ không phải mượn cớ này để đấu đá nhau.

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Vì công lý

HUY ĐỨC
Đọc những lời nói dối trơ trẽn của điều tra viên Cao Văn Hùng mà thêm tởm lợm. Nhưng oan sai là câu chuyện không chỉ của một con người.

Các cơ quan tố tụng đã không có công lao gì trong việc minh oan cho cho ông Huỳnh Văn Nén hay, trước đó, ông Nguyễn Thanh Chấn. Nếu thủ phạm không đầu thú trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang hay người bạn tù giang hồ không có chút nghĩa hiệp, trong vụ Huỳnh Văn Nén, thì ông Nén, ông Chấn đã phải bị bắn hoặc rũ tù.

Làm sao bắt một người vô tội chứng minh là họ bị bức cung, nhục hình khi họ đã bị còng tay trong bốn bức tường của nhà tù. Nhưng một người thơ ngây nhất cũng phải biết tự hỏi làm sao một người vô tội lại có thể khai ra các tình tiết giết người mà họ không hề thực hiện.

Các cơ quan tố tụng nếu cứ nhân danh chống tội phạm để vi phạm tố tụng (bức cung, nhục hình...) thì oan sai sẽ không bao giờ dừng lại.

Nếu

THÁI KẾ TOẠI

Nếu hôm nay bạn tự bảo mình
Mình không làm như Đỗ Việt Khoa
Nếu hôm nay bạn tự hỏi mình
Mình không thể là Đỗ Đăng Dư
Nếu hôm nay bạn tự bảo mình
Mình không phải là Trần Vũ Hải
Nếu hôm nay bạn tự bảo mình
Mình không phải là Huỳnh Văn Nén
Bạn cứ yên tâm với tách café mỗi sáng
Với đôi chân rung rung
Chính trị là thứ trò vớ vẩn mệt người.
Rồi ngày không xa
Có thể
Em bạn sẽ là Đỗ Việt Khoa
Có thể
Con bạn sẽ là Đỗ Đăng Dư
Có thể
Bạn thân của bạn sẽ là Trần Vũ Hải
Có thể
Bạn sẽ là Huỳnh Văn Nén
Trong bất cứ lúc nào...
4-12-2015
Thái Kế Toại
(Theo Facebook Thái Kế Toại https://www.facebook.com/thai.k.toai?fref=nf)

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Lời kêu cứu ở xứ thiên đường

Sáng nay 3.12, các cơ quan tư pháp gây ra oan sai, án oan đối với ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận đã phải gặp gỡ và xin lỗi người bị tù oan 17 năm 5 tháng ròng rã này. Điều đáng chú ý, ông Nén đã có bài phát biểu trong buổi gặp mặt xin lỗi vỏn vẹn 20 phút đó. Tôi đồ rằng có ai đó viết cho ông, nhưng dù ai đi chăng nữa, có thể coi đây là tiếng nói thống khổ của những người bị chế độ bất nhân đè nén, áp bức thậm tệ, là bản tố cáo đanh thép cái xã hội tàn bạo vô pháp luật đó. Sau đây là toàn văn bài phát biểu đã được ông Nén trực tiếp đọc trước hàng trăm người.

"Kính thưa thầy Nguyễn Thận!
Kính thưa các nhà báo!
Kính thưa các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận!
Tôi là Huỳnh Văn Nén, người mà được các cơ quan báo chí gọi là người tù thế kỷ, với hai bản án oan cho tội giết người trong 2 vụ án. Tôi là người đã đi tù hơn 17 năm vì sự sai sót có chủ đích của những người làm việc trong cơ quan tố tụng.
Hơn 17 năm qua, gia đình tôi đã tan nát, các con tôi lớn lên mà không được cha dạy dỗ, đến miếng ăn cũng không đủ no.
Hơn 17 năm sau tôi trở về, làng xóm thay đổi, chỉ có nhà tôi là xơ xác.
Hơn 17 năm tôi chịu bao cay đắng tủi cực trong tù.
Hơn 17 năm cha tôi không được một giấc ngủ tròn, mà đáng lẽ ở tuổi của ông được an nhàn bên con cháu thì ông phải ngược xuôi lo toan cho tôi.
17 năm khi tôi ở tù, mẹ tôi ra đi với nỗi lo đau đáu, đến trước khi nhắm mắt, bà vẫn nói với cha tôi rằng, hãy lo cho tôi.
Có ai trên đất nước này khổ như tôi không?

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Nhìn nay lại ngẫm xưa

Vừa thương vừa giận.

Thấy cảnh các ông như Nguyễn Thanh Chấn, Đoàn Văn Vươn, Huỳnh Văn Nén ra tù được đón rước, được dư luận xúc động, được báo chí quan tâm hết mực, thậm chí còn làm ngay giao lưu trực tuyến, lại chợt ngậm ngùi nghĩ đến những con người viết hoa như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Kiến Giang, Đặng Kim Giang, Tôn Thất Tần... suốt bao năm nơi ngục tối, người ít thì 5-6 năm, người nhiều hơn 30 năm, đến khi người ta âm thầm thả thì không nhận được một lời xin lỗi, lại tiếp tục bị đày đọa, cấm đoán, bịt miệng, ăn cóc nhái để sống qua ngày. Mà đó lại là những đồng chí chí cốt vào sinh ra tử, công lao hãn mã của họ. Thật kinh sợ.

Kể cũng buồn, dư luận có thể rất mạnh mẽ bênh vực một người bị kết án oan giết người, nhưng có khi vẫn không dám mở mồm trước những người đấu tranh cho sự nghiệp tự do, bình đẳng, cho quyền con người.


Nguyễn Thông

Gửi Bộ Văn thể du

Trên mạng đang sôi sùng sục lá thư của cô gái có tên Oanh Yến bày tỏ thái độ khi nhà nước, mà cụ thể là mấy ông rỗi hơi, nhàn cư vi bất thiện, vô tích sự ở Bộ Văn thể du dọa phạt nó bởi nó đi thi hoa hậu quốc tế và đoạt giải. Lý do phạt rất vớ vẩn: đi thi chui, không có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước.

Tôi muốn nói với các ông thế này: Con gái có sắc đẹp, đó không phải là cái tội. Đi thi hoa hậu đem danh tiếng về cho đất nước (nó mà được giải, người ta nhắc ngay đến cái tên Việt Nam), càng không phải là tội. Người ta tổ chức thi sắc đẹp, nó tự thấy nó đẹp để ganh đua với chúng bạn thì nó đi. Cá nhân nó có quyền, không hề phải danh nghĩa Việt Nam. Nó chỉ cần khai nó là người Việt Nam là đủ rồi. Thi gái đẹp chứ có phải thi nước đẹp, xã hội đẹp, chính quyền đẹp đâu. Nó có đi bán mình rồi lu loa là gái VN đâu, có đi bán ma túy đâu... để xấu mặt xứ này đâu mà các ông đòi phạt nó. 

Nó bỏ tiền túi để đi thi, không đụng đến một đồng ngân sách, các ông còn phải xách dép cho nó chứ lại còn đòi phạt. Lâu nay cả chính quyền lẫn dư luận mặc nhiên chấp nhận chuyện bao cấp đi thi hoa hậu, rất là vớ vẩn. Cái gì cũng ôm vào, kể cả con gái, buộc phải thế này thế nọ. Tham vô lối vô lý. Chán cho các ông.

Hãy bỏ cái thói ăn chặn, bóc lột ngay cả trên sắc đẹp phụ nữ đi. Có giỏi thì đưa vợ con các ông đi bằng tiền riêng như nó, xem làm được không, êu êu...

Nguyễn Thông