Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Bác Nguyễn Duy (phần 2)

    Trên đời, nếu chưa được ngồi nghe Nguyễn Duy nói thì quả là thiệt thòi. Nhưng sẽ thiệt hơn nếu không được nghe Nguyễn Duy đọc thơ, của chính ông. Tôi từng được nghe nhiều người nói hay, thậm chí hùng biện, hoạt khẩu, trên hiểu thiên văn dưới thông địa lý, họ nói mà có cảm giác con ruồi đang bay cũng rơi bởi mải nghe ngưng đập cánh, con kiến trong lỗ cũng bò ra ngoài coi họ nói gì. Những vị cao xa thì tôi chưa tường chưa tận, nhưng đã từng há hốc mồm nghe Đào Lê Bình (Tổng biên tập An ninh thủ đô), Xuân Ba (báo Tiền Phong), Nguyễn Hùng Vỹ (ĐH Tổng hợp Hà Nội), Nguyễn Quang Lập (bọ Lập) ăn hết cả lời thiên hạ, vậy mà các chiến tướng ấy so với bác Duy, thấy vẫn chưa bằng. Nguyễn Duy, với ai tôi không biết, chứ với tôi, cứ là số 1. Ai cãi, kệ.

     Có lần Vũ Xuân Hương, một tay thạo tiếng Nga như ta thạo tiếng Việt, từng học ở Trường viết văn M.Gorki, bảo tôi: Trong đám văn nghệ xứ Thanh, Nguyễn Duy thuộc nhóm chiếu trên, top 3, còn lại chùi chân ngồi xuống đất hết. Tôi hỏi top 3 gồm những ai, Hương gạch đầu dòng: một Hữu Loan, hai Xuân Sách, ba Nguyễn Duy. Nghĩ lại thấy có lý, bởi 3 vị đô đầu này đâu phải chỉ vo tròn ở xứ Thanh, cứ nói tên ra là cả nước gật đầu lia lịa cho mà xem. Lạ cho cái đất thang mộc, đã sinh ra lắm vua lắm chúa, lại còn giành cả phần danh sĩ văn nhân.
   
     Ngồi với bác Duy, ta không bị cái cảm giác e dè trước một người đầy chữ nghĩa, giỏi giang bởi bác chả bao giờ có ý soi mói xem ta là đứa nào, làm gì, sao lại ngồi ở đây. Dường như trong mắt bác Duy, ông viện sĩ, giáo sư hay đứa bình dân viết lách như tôi đều đáng tôn trọng hết. Hơn nhau tấm áo manh quần/Cởi ra mình trần ai cũng như ai. Nhớ có lần mấy anh em rủ nhau đến thắp hương cúng trăm ngày cho chị Huyền, bạn đồng khóa 16 với bác Duy, ở ngôi chùa Lâm Tế trên đường Nguyễn Trãi, Q.1. Trong lúc sư ông làm lễ, mấy anh em ngồi chuyện vãn với nhau, bác Duy bảo, đại khái là đời đứa nào rồi cũng như cái Huyền, chỉ còn nhúm tro, thù ghét nhau hờn giận nhau, ham hố này nọ làm gì. Sống ngày nào cho tử tế ngày ấy có phải hơn không.

     Một sáng tháng 11.2014, chị Nguyễn Thế Thanh nhắn tôi có rảnh thì ghé chung cư Vĩnh Viễn, quận 10 chụp cho mấy tấm ảnh kỷ niệm buổi trao nhà cho bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà. Gì chứ tham gia vào việc nghĩa của chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa do anh Osin Huy Đức chủ trương thì chả có gì phải chần chừ nấn ná. Tôi nhào qua, bác Duy đã ở đấy rồi, có cả chị Thanh, anh Huy Đức, bác Đỗ Thái Bình, bác chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nhà báo Viễn Sự… Phải kể ra như thế bởi đó là những con người dũng cảm. Khi tôi đến tầng trệt chung cư, nhác thấy những người rất nghiêm cẩn, nhìn soi mói, hỏi đi đâu, có phải lên chỗ Nhịp cầu Hoàng Sa trao nhà cho bà Thà không. Tôi đoán ngay họ là ai, họ đang làm nhiệm vụ. Dính vào rất phiền phức. Nhưng các anh chị ấy cứ đến, bất chấp sự phiền. Bác Duy thắp hương trên bàn thờ trung tá hy sinh bảo vệ Hoàng Sa rất kính cẩn, bác bảo tôi Huy Đức nó làm được những việc thế này là quý lắm, không mấy ai được như nó đâu.
 
     Có lần, không nhớ năm nữa, tôi và Xuân Ba tới tận 43 Đồng Khởi (phòng nhì của báo Văn Nghệ) thăm bác Duy. Vừa may, đủ văn võ bá quan tề tựu: chị Nguyễn Thế Thanh, nhà báo Thúy Nga (Tuổi Trẻ), bác nhà văn Nguyễn Trí Huân, bác giáo sư xã hội học Tương Lai… Bác Duy kể lại chuyến đi Paris, mày mò tìm hiểu, đến gặp bà Madeleine Riffaud, nghe bà kể lại thiên tình sử đầy bí mật với nhà văn Nguyễn Đình Thi, chuyện Nguyễn Đình Chính gặp bà người yêu của bố mình như thế nào… thật thú vị. Bất chợt nghĩ, mọi chất liệu thô trong đời, qua bộ não Nguyễn Duy, đều trở nên tinh tế, hấp dẫn. Tôi nghe bác Nguyễn Trí Huân bỏ nhỏ với bác giáo sư Tương Lai: Xã hội mình còn nhiều điều chưa sáng tỏ, chờ được giải mật thì còn lâu.



     Lại quay về buổi tụ họp ở nhà lão Phương Văn Dần (tôi đã viết ở kỳ trước). Đang giở buổi rượu, Nguyễn Huy Hoàng bảo, thôi, bây giờ chúng ta có tiết mục mới, nghe anh Duy đọc thơ. Bác Duy cười. Tôn Hiền nháy tôi, anh Hoàng bày nhiều thứ hấp dẫn quá. Cứ tưởng bác Duy từ chối, ai ngờ bác vui vẻ đồng tình. Hoàng vẽ đường cho hươu chạy, anh ạ, anh cứ đọc một bài thôi, Nhìn từ xa… Tổ quốc là đủ rồi.
Viện sĩ Trần Đình Lâm ngồi sát cạnh rót “hầu” bác Duy một chung rượu đầy. Kính cẩn nâng chung rượu, như bất kỳ người tử tế có văn hóa nào, bác Duy mời một vòng như để cảm ơn cái thịnh tình của công chúng dành cho mình, nhẹ nhàng làm một hơi cạn. Và đọc, mấy trăm câu thơ, không sót một chữ:

“Đối diện ngọn đèn
Trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng…”.


     Cả căn phòng im lặng như tờ, chỉ còn mỗi âm thanh giọng đọc của Nguyễn Duy. Mọi người thẫn thờ, chợt giật nẩy mình khi nghe đến đoạn:

“Ai?
Ai?
Ai?
Không ai!
Không ai!
Không ai!”.


     Phục cho cái trí lự Nguyễn Duy. Bài thơ viết từ mấy chục năm trước, vậy mà nhấn nhá xuống dòng, không sót một chữ. Nghe xong, tất cả có mặt bất giác trầm ngâm đến mấy phút. Chả ai nói gì. Dường như cái câu hỏi nhức nhối “Ai, ai, ai?” kia khiến người ta tự cảm thấy mình có lỗi với cuộc đời này.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Ôi, có cả Giáo sư Tương Lai nữa!

    Thời Thái Bình nổi dậy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tin tưởng cử Giáo sư TL xuống nghiên cứu hiện tượng nổi loạn của Thái Bình, nhờ đó Đảng & Chính phủ đã lên kế hoạch dập tắt hữu hiệu vụ nổi loạn đó .

    Có thể nói với thành tích lẫy lừng đó, Giáo Sư đáng kính Tương Lai rất xứng đáng với danh hiệu người Cộng Sản chân chính .

    “Ai, ai, ai?” kia khiến người ta tự cảm thấy mình có lỗi với cuộc đời này"

    Đã có câu trả lời "Không ai!" rồi . Các bác không nên tiếc rẻ vì đã cống hiến hết sức mình cho lý tưởng Cộng Sản, chủ nghĩa Mác-Lê mà Bác Hồ đã đem về cho đất nước & dân tộc . Trái lại, các bác phải tự hào vì đã xây dựng & bảo vệ chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa độc tài đảng trị mới đúng, mới không có lỗi với Bác Hồ Tập Chương, người đã sáng lập ra đảng Cộng Sản Việt Nam .

    Trả lờiXóa