Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Hai người nói về người hai mặt

 Tôi chưa được đi Campuchia dù nước này rất gần. Khi nào có tiền sẽ đi, mà chờ đến khi có tiền cũng hơi lâu. Nhưng tôi đọc nhiều, nghe nhiều, có biết về Campuchia, biết bên ấy có tượng Bayon lắm mặt. Hôm qua nghe bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thao thao bất tuyệt tại cuộc họp HĐND Sài Gòn, tôi nghĩ chả phải dạng người lắm mặt chỉ có ở Campuchia, liền viết trên Fb như thế này:

Tôi chả biết nói làm sao, nhưng bà Quyết Tâm của hội đồng cai trị Sài Gòn hôm họp quốc hội thì tranh luận ngoài hành lang với ông Đinh La Thăng hăng lắm, đòi bỏ phí xe máy, nghĩ cũng mừng. Ai ngờ hôm qua bà ấy lại cãi với nhiều vị đòi bỏ, cứ khăng khăng bảo là phải thu bởi chính phủ đã ban hành nghị định 38, nó còn có hiệu lực, dù vô lý vẫn phải thi hành, bao giờ chính phủ bỏ thì thành phố mới bỏ.
Hóa ra mình nhầm, cứ tưởng cái con người ấy biết nghĩ đến dân. Vậy mà lại đại biểu cho dân, mà là trùm đại biểu mới bỏ mẹ chứ.

Lúc sau, đọc trên Fb của ông bạn đồng nghiệp Ngọc Vinh, ông ấy còn phân tích ghê hơn, xin đưa về đây, nguyên văn:

Khi bà ấy "gào thét" trên diễn đàn quốc hội , đối chất với bộ trưởng giao thông đòi bỏ thu phí xe máy cho dân, mạng xã hội đầy những lời ca ngợi. "Tuân theo" thời sự, tôi có đặt anh em PV ngoài Hà Nội viết một chân dung chính trị về bà nhưng kết quả là: họ từ chối. Tại sao, tôi hỏi và đây là câu trả lời của họ: "Đó là người hai mặt, mị dân. Lúc nói thế này lúc nói thế khác, ko xứng đáng được viết".

Quả thật, bây giờ bà ấy "xoay trục" 180 độ, tích cực đề nghị TP.HCM thu phí xe máy của dân sao cho hiệu quả, trong khi các tỉnh thành khác người ta kiên quyết bỏ thu. Đúng là ko gì qua mắt bọn nhà báo được dù có che giấu giỏi cở nào. Trong cuộc chơi chính trị, giữ gìn phẩm giá và uy tín cá nhân là điều tối cần thiết để một chính khách có thể thành công và để lại dấu ấn tốt trong lòng công chúng. Nhưng rất tiếc bà ấy đã ko như vậy, cho nên bà ấy mãi mãi ko xứng đáng được có một chân dung đàng hoàng trên mặt báo!

Thật tội nghiệp, nhưng đó là điều luôn luôn công bằng với kẻ sống hai mặt, nói làm bất nhất!


Nguyễn Thông - Ngọc Vinh

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Trông người, ngẫm ta


Liên tiếp hai vụ việc được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong thời gian ngắn, một xảy ra ở Singapore, một ở Thụy Sĩ, đều liên quan đến người Việt, để lại dư vị cay đắng, chua chát. Dù có những cách nhìn, đánh giá, quan điểm khác nhau nhưng nhìn chung là buồn.

Đã từ lâu rồi, cứ thỉnh thoảng lại xảy ra chuyện không hay liên quan đến người Việt ra nước ngoài, ở nước ngoài. Mà tinh những chuyện không đáng, tưởng như nhỏ nhưng tác hại vô cùng ghê gớm. Nếu xảy ra trong nước, với tâm lý xuê xoa và luật pháp chưa nghiêm, đã là quá dở rồi, tuy nhiên nó lại phô diễn ở nước ngoài, nơi người ta coi đó là sự xúc phạm xã hội văn minh, là hành vi sỉ nhục nhân cách. Buôn lậu, ăn trộm ăn cắp, đánh nhau, làm gái bán dâm, vi phạm vệ sinh môi trường, ăn uống lãng phí… thì nơi nào chả có, nhưng rất tiếc cứ trúng ngay vào người Việt. Người ta cảnh báo bằng đủ mọi cách, người ta bêu tên, cấm cửa, ghẻ lạnh, thậm chí bắt giam, phạt tù nhưng cứ ồn ào dư luận trong nước một thời gian rồi lại đâu vào đấy. Có người bảo hòn đá ném xuống ao bèo, bèo tụ lại còn chậm hơn sự vi phạm này nọ liên tiếp của người Việt ở nước ngoài.

Không ngủ được (thụy bất chước)

Hồi xưa cụ nằm trằn trọc "thụy bất chước", nay con cháu cụ cũng vẫn khó ngủ, không ngủ được. Dậy hút thuốc vặt, nhìn ra ban công, vẫn tối om om. Lẩn thẩn rằng:

Nghe gà gáy cứ nghĩ trời đã sáng
Ông mặt trời không biết trốn đi đâu
Lao xao tiếng nhà ai dậy sớm
Trời vẫn đêm, chưa biết tỏ khi nào

4:00 am, 28.7.2015
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Quê hương chảy trong huyết mạch

Lời chủ trang: Nhạc sĩ An Thuyên qua đời ngày 3.7, đã được 3 tuần cúng. Tôi xin đăng bài này của nhà báo Bá Tân, cùng quê với ông, gửi cho tôi mấy hôm trước nhưng do bận bịu chưa kịp đưa lên, để tưởng nhớ một nhạc sĩ gốc xứ Nghệ tài hoa.
BÁ TÂN
Thế là quê xứ Nghệ của tôi mất đi một tượng đài âm nhạc dân ca – nhạc sĩ, thiếu tướng An Thuyên.
Với An Thuyên,  trọn cả cuộc đời, nghĩa tình quê hương luôn dâng trào trong huyết mạch.

Vâng, trong huyết mạch của người nhạc sĩ tài danh này, quê hương xứ Nghệ là dòng chảy hun đúc và khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật đặc sắc dân ca.

Dòng chủ lưu và đặc sắc nhất của âm nhạc mang thương hiệu An Thuyên là âm hưởng dân ca, trước hết là dân ca xứ Nghệ.

Người Nghệ dễ nhận ra “quê mình” trong hơi thở nhạc điệu của An Thuyên.

Tác phẩm tạo dấu ấn vàng son đầu tiên của An Thuyên ra đời từ miền quê xứ Nghệ, với làn điệu hồn hậu và căng đầy sức sống. Đó là ca khúc “Em chọn lối này” ra đời sau một chuyến An Thuyên đi thực tế ở miền Tây Nghệ An.

Nhiều, rất nhiều tác phẩm âm nhạc lưu danh cùng thời gian về chủ đề Bác Hồ. Hòa quyện làn điệu dân ca xứ Nghệ với nhân cách bình dị của cụ Hồ trong một ca khúc, khó có tác phẩm nào vượt qua “ Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” của An Thuyên.

Ăn cắp ở nước ngoài và khoản tiền "rửa nhục quốc thể"

Lời chủ trang: Dưới đây là bài viết ngắn của nhà thơ Vương Trọng trên Facebook của ông. Cũng có những người đọc xong thì comment góp ý rằng thôi đã lỡ rồi, họ làm sai nhất thời, bỏ qua cho họ, đừng lên án nữa. Tôi thì nghĩ khác, chỉ một vài người mà đã gây tiếng xấu cho người Việt, nước Việt thế này, không kịp thời ngăn chặn, để cả đám đông kéo nhau đi ăn cắp sẽ chả còn mặt mũi nào nhìn ai. Vậy nên tôi xin phép kéo bài của bác Vương Trọng về đây cho mọi người cùng biết.

Ăn cắp ở nước ngoài và khoản tiền "rửa nhục quốc thể"

VƯƠNG TRỌNG (Thảo Dân)

Chuyện người Việt ăn cắp ở nước ngoài bị bắt quả tang không còn cá biệt nữa, mà xảy ra khắp nơi từ Á sang Âu… Đó là cái nhục quốc thể, mà mỗi người Việt Nam chân chính phải biết đau.

Mới đây nhất, hai du khách Việt đã bị bắt quả tang ăn cắp kính ở Thụy Sĩ, bị giam giữ xét hỏi và bị phạt xấp xỉ 45 triêu đồng . Số tiền này nước ngoài thu, còn nỗi nhục thì người Viêt Nam mang, chứ không phải hai tên vô lại đó.

Vì sao lại có hiện tượng người Việt ăn cắp ở nước ngoài nhiều đến thế? Theo tôi có những lý do sau đây:
 
- Ngu và tham của của tên kẻ cắp đó: Hoàn toàn không phải do nghèo, vì đủ khả năng đi du lịch quốc tế kia mà. Nhưng mà ngu. Vào siêu thị thấy hàng bày, tưởng là hớ hênh, không ai quản lý nên nổi máu tham chôm chỉa. Tham thì đã đành, nhưng ngu ở chỗ không biết rằng với các nước tiên tiến, họ có đủ ngàn cách để bảo vệ hàng hóa của họ mà không cần có người trực tiếp trông coi… Kết quả là chôm, là mang nhục về cho đất nước.
 
- Nguyên nhân thứ hai rất quan trọng khiến tệ nạn này không giảm là khi trở về nước, không bị bất cứ một hình thức kỷ luật nào. Ai cũng biết có kẻ sau khi bị bắt quả tang ăn cắp hàng siêu thị ở nước ngoài trở về nước còn được phụ trách Chương trình Văn hóa của đài Truyền hình Trung ương! Còn có cách sử dụng cán bộ nào lố bịch hơn thế!
 
Tôi đề nghị, đối với những người mang tội danh đó khi trở về nước, là bất cứ ai cũng phải phạt một khoản tiền lớn, goi là “TIỀN RỬA NHỤC QUỐC THỂ”. Với cán bộ nhà nước thì cho thôi việc ngay tức khắc. Có như vậy may ra tệ nạn này mới giảm bớt dần và đi đến chỗ triệt tiêu, mang lại thể diện cho người Việt nói chung, và nhất là đối với những người có dịp ra nước ngoài.

23-7-2015
Thảo Dân

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Thành ngữ mới: ĐỜI ĐỜI BỀN VỮNG

Khát vọng của con người, trải qua hàng vạn năm vẫn thế, là luôn mong những gì mình thích, mình làm ra được vững bền. Với những điều lớn lao, liên quan đến vận mệnh của cộng đồng (làng xã, vùng miền, đất nước, nhân loại) thì lại càng cháy bỏng điều ấy. Âu đó cũng là lẽ thường tình.
 
Con cái được cha mẹ sinh ra luôn nhớ ơn công lao sinh dưỡng của cha mẹ, chỉ mong bậc sinh thành sống mãi để mình được yêu thương, đền đáp. Điều đó quá đúng. Nếu ai cũng vậy thì xã hội loài người đẹp biết chừng nào.

Cuộc sống có quy luật tự nhiên, bàn tay và ý chí con người dù có cố mấy cũng không thể can thiệp bắt nó đổi thay hoàn toàn được. Cái này sinh ra thì cái kia mất đi, mới thay cho cũ, có sinh có diệt, có thịnh có suy, có nương dâu bãi bể... Làm gì có thứ vật chất (và cả tinh thần nữa) tồn tại vững bền, mãi mãi. Đến ông mặt trời kia, có tự bao giờ không ai biết, cứ tưởng tồn tại vĩnh hằng nhưng liệu sau bao nhiêu triệu năm, mỗi ngày tự đốt cháy, hao hụt cả tỉ tấn vật chất, liệu có tồn tại mãi không? Mong muốn, khát vọng là một chuyện, còn sự vận động của cuộc sống theo quy luật lại là chuyện khác. Đừng hàm hồ, duy ý chí, cố tình, ngu dốt bắt cuộc sống phải tuân theo ý mình. Mớ ngôn từ “đời đời bền vững, muôn năm, sống mãi, bất diệt” chỉ nhằm tự ru ngủ, đánh lừa mình và người khác thôi.

Hồi những năm 80, mỗi lần ra Bắc vào Nam bằng xe lửa, khi qua vùng Bỉm Sơn xứ Thanh, nhìn qua ô cửa sổ nhợt nhạt của toa tàu cũ nát, tôi lại thấy dòng chữ  bê tông đồ sộ, có lẽ cao đến hơn một mét trên nóc nhà máy xi măng Bỉm Sơn: “Tình hữu nghị Việt Xô đời đời bền vững”. Lúc ấy bộ máy tuyên truyền của nhà nước chả cần phải rêu rao như bây giờ, bởi ai cũng tin như vậy. Năm 1991, Liên Xô tan rã, dù muốn dù không cũng làm câu khẩu hiệu hoành tráng kia mất đi một vế, sự bền vững chỉ còn một phần hai, và “đời đời” tất nhiên là không thể. Cũng những năm đó trở về trước, đi đâu người ta cũng thấy, nhất là trong những hội trường trụ sở cơ quan, trong những dịp lễ lạt kỷ niệm cái câu lộng ngữ như một thứ tuyên cáo chắc nịch: “Chủ nghĩa Mác - Lênin bách chiến bách thắng vô địch muôn năm”. Quả thật, đứa nào nghĩ ra câu này, mà lại phổ cập được nó ra toàn xã hội, là đứa ghê gớm. Đã bách chiến bách thắng, lại còn vô địch, lại còn muôn năm, đến núi Thái Sơn cũng phải thua về sự bền vững, thách thức thời gian. Đá có thể mòn, chứ chủ nghĩa Mác - Lênin mà họ tôn thờ thì không bao giờ suy suyển mảy may được. Chỉ có điều, đùng một cái, thiên hạ vứt nó vào sọt rác không thương tiếc, giờ may ra nó chỉ còn hấp hối mỏng manh ở vài nơi, trong đó có xứ này.

Người cộng sản lúc nào cũng tự nhận là duy vật, họ tôn thờ vật chất nhưng chính họ lại là những kẻ duy tâm nhất. Cũng chả khác gì mấy anh vô thần nhưng cả đời bị ám ảnh bởi ma quỷ. Có thể họ không có chút lòng tin nào nhưng cứ phải gào lên “muôn năm”, “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, ít nhất cũng đánh lừa được những kẻ dại khờ hoặc bọn cơ hội.

Tôi nhớ lâu rồi có đọc cuốn truyện của nhà văn Lê Văn Trương. Về nhà văn này, xin nói thêm, ông là một cây bút nổi tiếng giai đoạn trước năm 1945, viết cực khỏe. Các thầy giáo dạy tôi từng bảo rằng trong số nhà văn trước 45, không ai sung lực bằng Lê Văn Trương, đầu sách ông viết cao hơn cả đầu người. Chỉ tiếc rằng, chả hiểu do mối thâm thù nào, chế độ miền Bắc suốt từ 1954 đến 1975 và cả sau này nữa đã loại Lê Văn Trương khỏi nền văn học nước nhà, không nhắc đến, không giới thiệu tác phẩm của ông, họ chỉ lôi ông ra khi cần phê phán, đấu tố, họ bảo văn chương của ông rẻ tiền, chuộng xây dựng nhân vật người hùng cá nhân. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của họ không ưa thứ người hùng kiểu đó. Sách giáo khoa, từ lớp 1 đến lớp 10 chưa bao giờ trích dẫn tác phẩm của Lê Văn Trương. Ông có người con trai là Mạc Lân (Lê Văn Lân), một chiến sĩ quyết tử quân thành Hà Nội, từng là phóng viên báo Tiền Phong, năm 1968 bị chính quyền cộng sản bắt đi tù cùng với nhiều người khác như Bùi Ngọc Tấn, Tuân Nguyễn, Trần Châu... bởi bị vu cho là xét lại chống đảng.

Quay trở lại câu văn của Lê Văn Trương. Ông viết: “Thì chúng ta sống đây ai không chết dần. Chỉ có bọn ngu si chúng mới tưởng cuộc đời là vĩnh viễn, chỉ tham lam tàng trữ, cơ hồ như giữ mãi mãi được những thứ mà chúng bóc lột của người khác và truyền vạn đại cho con cháu”.

Tôi đọc câu này mà khiếp, bởi cứ nghĩ Lê Văn Trương không phải nói về thời ông ấy mà về thời chính tôi đã và đang sống.

22.7.2015
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Chả ra làm sao

Mình ngồi xó bếp nói chuyện trên lầu:

-Ông Nguyễn Xuân Sơn, nhân vật số 1 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam), hàm tương đương thứ trưởng, bị bắt lúc chiều tối nay. Ngành dầu khí xứ này quá đế vương, hút tài nguyên quốc gia lên làm giàu cho một thiểu số, tiền như nước nên chỗ ngồi cũng khó mà an toàn, bị bắt không có gì lạ.

-Nhưng lạ ở chỗ, ông này mới được theo hầu ông Nguyễn Phú Trọng qua Mỹ, còn ký kiếc văn kiện hợp tác này nọ với sự chứng kiến của ông Trọng (ảnh kèm theo làm bằng chứng). Có thể công an "điều" ông này qua Mỹ để ở nhà dễ lục lọi điều tra (hồi trước trong vụ Năm Cam, ông thứ trưởng công an Bùi Quốc Huy cũng được điều đi theo đoàn của ông Nông Đức Mạnh trong chuyến làm việc 3 ngày ở các tỉnh Tây Bắc, về HN thì bị khởi tố) trước khi bắt ông. Nếu ông Trọng biết tay Sơn sắp toi mà vẫn cho nó đi theo đoàn, vẫn tươi cười chứng kiến nó thay mặt quốc gia ký kiếc thì quả là giả dối; còn không biết gì thì đúng là đám ở nhà chả coi ông ấy ra gì.

-Ông Sơn ký với tập đoàn Murphy (Mỹ) nhiều văn kiện, chưa ráo mực thì bị tóm, liệu bọn Mỹ có thấy bị coi thường, bị lừa, những văn kiện ấy có còn giá trị (theo luật phổ biến trên thế giới thì còn, nhưng rồi cũng chả tin nhau được nữa).


-Xứ này, từ ngày hút được dầu khí lên, lúc đầu bàn dân thiên hạ phấn khởi, hy vọng cuộc sống sớm đổi thay. Cứ nhìn ra những nước khai thác dầu, gần thì như Brunei, xa thì Kuwait mà khao khát chờ đợi. Nhưng rồi mong mỏi lụi dần, bởi tiền bán dầu chỉ chảy vào túi đám quan quyền và những người trong ngành dầu khí (không phải ai cũng chen vào được, dù tài giỏi). Tài nguyên quốc gia dành riêng cho một số người thôi. Một nước lúc nào cũng tự hào giàu có tiềm năng dầu khí, khai thác đến nay đã hơn 30 năm nhưng giá xăng thì cứ năm sau cao hơn năm trước, dân chúng phải è cổ ra mua xăng đắt hơn rất nhiều nước trong khu vực. Đó là bi kịch, là bất hợp lý của xứ này.

Thôi chán, chả viết nữa.

Nguyễn Thông 


Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Ký ức về xe đạp

Người đời có muôn vàn nỗi nhớ, nhớ tuổi thơ hoặc dòng sông tuổi thơ, nhớ về Hà Nội, nhớ mối tình đầu..., còn tôi nhớ về xe đạp. Cũng chả nên bảo cái nào sâu sắc, ý nghĩa hơn cái nào, dù xe đạp có vẻ thô thiển, không mướt mát bằng những thứ kia.

Bây giờ, con cái đòi bố mẹ mua xe, chẳng mấy đứa đòi xe đạp, ít nhất cũng phải xe máy, thậm chí xe máy tay ga đời mới. Xe đạp tầm thường lắm, đâu là cái đinh gì. Nhưng có một thời, nó là niềm ao ước của biết bao người, không dễ gì biến thành hiện thực.

Ở miền Bắc những năm 1960 - 1970, thậm chí cả vài năm sau đó, xe đạp là thứ hiếm hoi. Hồi giữa thập niên 60, làng quê tôi gần 1.500 nhân khẩu mà chỉ có lèo tèo vài chiếc. Mấy chiếc xe cũ mèm từ hồi Pháp, sau có thêm một hai chiếc xe Thống Nhất của cán bộ xã được phân phối, thêm chiếc nữa của chị nhân viên cửa hàng mậu dịch trên huyện sơ tán về. Nữ nhân viên mậu dịch hồi đó rất uy quyền, có khi còn được kính nể, trọng vọng hơn cả cán bộ huyện. Xe đạp là thứ quý hiếm, nếu có xách ra dạo vài vòng hoặc đi công chuyện thì ngay lập tức sau đó về lau lọt, chùi rửa kỹ lưỡng và... treo lên. Nể lắm, hiểu hoàn cảnh nhau lắm mới cho mượn. Cũng chả phải keo kiệt bủn xỉn gì nhưng nhỡ nó mòn nó hỏng lấy đâu phụ tùng thay. Bọn trẻ con chúng tôi nhìn người có xe đạp bằng con mắt ngưỡng mộ, với cả người lẫn xe. Cả làng hầu như không mấy người biết đi xe đạp bởi xe đâu mà tập, vả lại có tập cũng làm gì có xe mà đi. Thóc nhân khẩu đầu người mỗi vụ chỉ hơn 5 chục ký, ăn còn chả đủ, dám mơ xe. Mà trăm thứ đều trông vào hột thóc. Vả lại đi bộ quen rồi. Cả chục cây số cũng đi bộ. Tôi học cấp 3, mỗi ngày đi bộ chục cây số là chuyện thường.

Nhân dịp có ông anh họ ở ngoài Phòng (dân quen gọi nội thành Hải Phòng như vậy) về chơi, tôi mượn được chiếc xe đạp ra sân hợp tác tập. Khổ nỗi xe nam gióng ngang, chân thì ngắn, phải luồn qua khung tập lấy đà, vẹo hẳn một bên trông như làm xiếc. Ông anh họ sợ tôi bị ngã làm xước sơn xe, còn cẩn thận trải rơm lên mặt sân gạch, vì thế càng khó chạy. Phải mất mấy lần tập kiểu đó, rồi cũng biết chạy xe. Nhưng vẫn đi bộ, tập sẵn cho biết thôi.

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Biết bao giờ họ mới bỏ được thứ tư duy cổ lỗ sĩ?

Trong một cuộc họp tổng kết bán niên hôm nay (17.7.2015), lãnh đạo bộ 4T tuyên bố sẽ dứt khoát với các blog và mạng xã hội, cụ thể là quản lý chặt thông tin trên đó, vi phạm là xử lý liền (tất nhiên công an, tòa án xử chứ bộ đếch xử lý được bởi bộ không phải là chủ quản của nó). Tôi có ý kiến nông cạn thế này:

-Blog bờ liếc, mạng miếc là một phương tiện tồn tại trong xã hội, vì vậy phải chịu sự quy định của luật pháp. Nước nào cũng thế, chả riêng gì xứ ta.

-Vấn đề là, như thế nào là vi phạm. Nếu người ta đăng tải lên đó nội dung phản dân hại nước, phi nhân tính, làm băng hoại phẩm chất con người, cố tình lộ bí mật quốc gia... thì cứ trị thẳng cánh. Nhưng những ý kiến trái chiều với hệ chính thống, ngược với đường lối của nhà cầm quyền, thậm chí vạch ra những xấu xa của chế độ, của đảng cầm quyền (đảng cũng chỉ là một tổ chức xã hội, có tốt có xấu chứ không phải ngọc Biện Hòa không tì vết) thì nhà cai trị nên biết lắng nghe, tiếp thụ, đừng ngu si coi đó là vi phạm.

-Xã hội mở bây giờ khác ngày xưa nhiều rồi. Nhà cai trị đừng cả vú lấp miệng em, lấy thịt đè người, đừng đi vào vết xe đổ như cải cách ruộng đất (1953-1957), nhân văn giai phẩm (1956-1958), chống xét lại (1968); ngày xưa còn có cơ hội sửa sai, chứ bây giờ không có đâu.


Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Hai suy nghĩ cuối ngày thứ sáu

Người ta thường kiêng ngày thứ sáu 13, ngày thứ sáu đen tối. Tôi chả kiêng. Nhưng ngày thứ sáu này 10.7 thì thật buồn.

Trong Sài Gòn sáng nay sập giàn giáo xây dưng nhà cao tầng, ít nhất 3 người chết, gần chục người bị thương, đến giờ vẫn còn phải bới trong đống sắt thép bùng nhùng tìm nạn nhân. Cầu mong sao cho không còn ai trong ấy.

Ngoài huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), cái nôi của Tự lực văn đoàn, quê của anh em nhà Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam vang bóng một thời, chính quyền và nhà đầu tư cướp đất của dân, xe ủi bánh xích cán cả lên người đàn bà, nghe đâu đã chết.

Vụ án mạng chết 6 người trong một gia đình hôm qua ở Bình Dương vẫn còn gây xôn xao bởi sự tàn ác tột cùng, sự bất an trong cuộc sống mà người dân không biết mình sẽ được bảo vệ như thế nào.

Nhà vua xứ này vẫn còn đi ngao du trời Tây và thuyết khách.

Tự dưng lẩn thẩn đôi điều:
-Ông tổng bí thư lần này sang Mỹ, tận mắt nhìn thấy bản chất của chủ nghĩa tư bản không phải như lý thuyết mà các ông từng tuyên truyền, bằng chứng là ông đã hết lời ca ngợi người ta, mời mọc người ta sang làm ăn, nhờ vả người ta giúp đỡ, đề nghị người ta công nhận điều này điều khác cho mình, dân người ta sung sướng thế nào... Tôi chỉ đề nghị ông về thì dẹp ngay cái chủ nghĩa xã hội bánh vẽ của các ông đi, tốn phí thời gian của dân tộc quá lắm rồi.

-Tôi không tin chuyện một người bị máy xúc bánh xích chèn cán qua người lại có thể còn sống, cho nên thông tin phải chính xác. Ông bà nào cãi tôi, cứ nằm xuống cho cái máy xúc chục tấn ấy nó cán qua, nếu ông bà chỉ bị thương nhẹ như người đàn bà tội nghiệp ở Cẩm Giàng kia, tôi xin nằm xuống cho nó chạy lên người hai chục lần.
Nhưng công nghiệp hóa kiểu hơn 2 chục năm trở lại đây, nhà nước đã để lại oán hận ngút trời cho người dân, nhất là nông dân. Cái thói bất chấp tất cả để làm lấy được chỉ tạo ra những khu công nghiệp đầy máu và nước mắt dân chúng. Thứ đó không thể gọi là xã hội công bằng, dân chủ, văn minh được. Đó là phát xít, trung cổ không hơn không kém.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Bài hát tặng bạn ngày chủ nhật: Em là con gái má Út Tịch

Với rất nhiều người, kể cả những người từng sống những năm 60-70 chứ không nói gì lớp trẻ bây giờ, có thể không biết bài hát này.

Nhạc sĩ Phan Nhân viết ca khúc "Em là con gái má Út Tịch" năm 1966, tức là khoảng sau đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam năm 1965, sau khi tác phầm truyện ký Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi viết về chị Nguyễn Thị Út ra đời và gây tiếng vang (làm thành bộ ba tác phẩm: Người mẹ cầm súng, Sống như anh, Bất khuất) của văn học chiến tranh cách mạng. Chỉ những thứ này được tôn vinh thôi, chứ "yếu đuối" như thơ Quang Dũng, Hữu Loan, Việt Phương..., văn như của Phù Thăng, Hà Minh Tuân, Vũ Bão... là dẹp, dẹp hết. Thôi thì thời ấy nó thế, cũng chả nên trách làm gì. Thời đại sinh ra văn chương, nghệ thuật chứ không phải ngược lại, nhất là khi súng đẻ ra chính quyền.

Vì nó lạ, nên tôi muốn giới thiệu, muốn mọi người biết thêm chút về thứ văn nghệ của một thời. Trẻ con thời ấy tí tuổi đã là chiến sĩ, chứ không phải như mấy cậu ấm cô chiêu đi "Học kỳ quân đội" chơi là chính, ra vẻ lăn lộn từng trải bây giờ đâu. Hát là phải hát những bài dạng này, học theo gương là phải như những em bé trong bài này. Không thì cũng phải hằng ngày véo von "Trên đất nước anh hùng ngày ngày thêm những chiến công. Gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông", hoặc "Anh Kim Đồng ơi, tuy anh qua đời, gương anh sáng ngời, đội tôi cố noi"... Cứ hát xong, đủ 17 tuổi là đi thẳng ra trận, rất kinh.

Chả mấy ai nhớ nhạc sĩ Phan Nhân có bài hát đây. Ông vừa mất, tôi nhắc lại nó, như một nén hương để tưởng nhớ ông, một nhạc sĩ tài hoa.

Ca sĩ - cô bé hát cũng rất lạ, hầu như không mấy ai biết nữ diễn viên điện ảnh Như Quỳnh, từng nổi tiếng với vai cô Nết trong phim Đến hẹn lại lên, sau này được phong Nghệ sĩ nhân dân, lại từng hát trong đội Sơn ca và có giọng trong trẻo dễ thương đến vậy.

Thôi, nói thế đủ rồi, để thời gian cho bác nào thích thì nghe.
Chúc cả nhà ngày chủ nhật nhàn nhã, yên bình.
Xin cảm ơn nhà sưu tầm Daniel De Hanoi.
Nguyễn Thông
https://www.youtube.com/watch?v=U0vc3X-O-1c


Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Hà Nội ngoan hơn Sài Gòn

     Ngày 30.6, tại buổi tiếp xúc với đại biểu quốc hội, cử tri TP.HCM nêu kiến nghị không thu phí đường bộ đối với xe máy.

      Đồng tình với kiến nghị của cử tri, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM, ông Trần Du Lịch, khẳng định cái gì cũng bắt người dân  đóng phí là không được.

      TP.HCM là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam. Tổng giá trị GDP cũng như tổng nguồn thu ngân sách và các chỉ số quan trọng khác của thành phố này bao giờ cũng đứng đầu cả nước, luôn cao hơn so với Hà Nội. Người dân Sài Gòn thẳng thắn kiến nghị không thu phí đường bộ đối với xe máy.

     Trong khi đó, kể từ năm 2014, Hà Nội răm rắp thực hiện thu phí đường bộ các loại xe máy. Thành phố giao cho quận. Quận giao cho phường. Phường giao cho các tổ dân phố. Trên ấn cho dưới, xuống tận cấp dưới cuối cùng, tổ dân phố, ấn cho từng đầu người có xe máy.

     Bằng cách áp đặt như vậy, từ tổ dân phố cho đến hết thảy địa bàn Hà Nội đều hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu phí đường bộ xe máy.

    Trung ương phán thu phí đường bộ xe máy. Hà Nội ngoan ngoãn làm theo. Không chỉ thu phí xe máy, mà còn nhiều vấn đề, Hà Nội luôn luôn tỏ ra ngoan hơn Sài Gòn.

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Nhớ lại thời kỳ “tiền đổi mới” mang dấu ấn Nguyễn Văn Linh

Giở lại chút lịch sử vắn tắt của Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn  - TP.HCM, thấy có điều đặc biệt: Ông Nguyễn Văn Linh đã 7 lần là người đứng đầu Đảng ở địa bàn chiến lược này, từ năm 1947 - thời kỳ đầu cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, đến năm 1986 - đêm trước của thời kỳ đổi mới. Có lẽ đó là một thứ kỷ lục tồn tại mãi, sẽ không có trường hợp thứ hai.
Nhắc thế để gợi rằng đó là con người đặc biệt gắn bó với vùng đất đặc biệt. Là đứa con đất Bắc (Hưng Yên) nhưng dường như cả cuộc đời, ông Nguyễn văn Linh dành cho miền Nam, nhất là Sài Gòn - TP.HCM. Và thường là những khi khó khăn nhất.
Tôi có chút kỷ niệm đối với buổi giao thời đổi mới, mang đậm dấu ấn Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh, với tư cách một người chứng kiến, trải qua, chiêm nghiệm.
Đầu năm 1977, tôi khăn gói ba lô chui vào khoang tàu biển chở khách Thống Nhất làm chuyến hành trình 48 tiếng đồng hồ từ Hải Phòng vào TP.HCM. Trong túi có đúng 45 đồng tiền miền Nam sau khi ra tận Ngân hàng nhà nước TP.Hải Phòng gần bến Bính để đổi. Tỷ giá 100 đồng miền Bắc ăn 90 đồng miền Nam. Gom góp mãi, tôi chỉ có 50 đồng đưa cho cô nhân viên ngân hàng. Cô ấy nhìn tôi ái ngại, ngán ngẩm. Bước chân lên bến Nhà Rồng, chỉ sau vài ngày bỡ ngỡ, tôi dần dần nhận ra những điều khác biệt ở thành phố phương nam ồn ào náo nhiệt bậc nhất này. Cũng may là còn kịp nhìn thấy, chứng kiến một vài "tàn dư" ưu việt của cách làm ăn tự do, cởi mở của Sài Gòn cũ so với nền kinh tế bao cấp, hoạch định gò bó ở miền Bắc. Tuy nhiên, chả được bao lâu. Sau đó những gì tôi từng chứng kiến hai mươi mấy năm qua lại xuất hiện y chang trên đất Sài Gòn. Và càng ngày càng tệ. Thay đổi đi xuống từ những điều rất nhỏ.

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Khen nhau

Với ông Nguyễn Văn Linh, tôi kính trọng khi ông ấy làm bí thư Thành ủy TP.HCM, ông có những thay đổi thiết thực làm cho cuộc sống tốt hơn (tôi đã viết một bài về giai đoạn này, chút đưa lên). Nhưng khi ông ấy làm tổng bí thư thì rất tệ, tôi không phục nữa bởi ông ấy bảo hoàng hơn vua.

Hôm 30.6, tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Linh (1.7) tổ chức ở Hưng Yên, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc "bài diễn văn quan trọng" trong đó trích dẫn nhiều câu của ông Linh để khen ngợi, nhưng xét cho cùng, khen nhau thì lại bằng mười phụ nhau, đã vô tình (hay cố ý thì tôi không rõ) vạch ra bêu xấu nhau.

Tôi lấy ví dụ, ông Trọng đọc (tôi không nói là viết bởi biết chắc ông ấy không viết, đã có người khác viết giùm, mà đã viết giùm thì cũng có nghĩa người ta suy nghĩ hộ) đoạn trích câu của ông Linh: "Kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn của Đảng ta... Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam lại đem trao vào tay những lực lượng đưa đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thật sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân dân".

Cách đây 30 năm, nói như thế được coi là đúng, là tỉnh táo, sáng suốt, tất nhiên với đảng thôi, chứ nhân dân thì nghĩ khác. Quan niệm, suy nghĩ ấy, sau 30 năm, đáng vứt vào sọt rác. Bằng chứng là cuộc sống đã mở mắt cho mọi người, không ai còn độc quyền chân lý, độc quyền đúng như trước. Sự thực hiển nhiên, những anh theo chủ nghĩa xã hội đều là những anh đói nghèo cơ cực nhất thế giới. Phần lớn đám đó trước sau 1990 đã từ bỏ để quay về chính đạo. Những quốc gia giàu có nhất đều theo con đường tư bản chủ nghĩa. Những nước dân chúng hạnh phúc, sung sướng, no ấm nhất, được làm chủ cuộc đời chính là những nước tư bản chủ nghĩa chứ không phải xã hội chủ nghĩa. Còn sót lại vài nước: Cuba, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Trung Quốc, chả ai dám bảo là giàu, chỉ có họ tự sướng, tự nhận là đỉnh này đỉnh nọ thôi. Ùn ùn đưa con cái sang học hành xứ "giãy chết" trong khi vẫn chửi nó. Riêng Trung Quốc, nói một đằng, làm một nẻo, ai cũng thấy, thực chất là tư bản chủ nghĩa về kinh tế.

Hỡi ôi, tư duy của ông Linh như thế mà bảo là đổi mới, lại còn nức nở khen, lại còn nguyện học tập thì "tối tăm mù mịt ai đưa cò về" là phải rồi. Hãy nhìn ra thế giới, thấy bọn tư bản đang đem nhân dân nó đến chỗ chết, đường cùng ra sao đi, các ông các bà ơi. Lôi con cái các ông bà từ vực thẳm giãy chết về hết đi, và đừng kêu gọi chúng đổ tiền vào đầu tư nữa, ngượng lắm.


Và tôi không hiểu, ông Trọng vừa khen ông Linh như vậy, ngày 6.7 tới bầu đoàn kéo nhau sang nước Mỹ trùm tư bản định tìm hiểu cái gì của nó?

Nguyễn Thông 
(tôi nói thêm, sau bài này, tôi sẽ có bài khen ông Nguyễn Văn Linh đàng hoàng, khen đúng thứ đáng khen cứ không phải khen lú)

Thành ngữ mới (3): Đi tắt đón đầu

Thành ngữ này, “đi tắt đón đầu”, thực ra chỉ được dùng phổ biến trong những năm gần đây, cụ thể là thập niên 1990 và khoảng 2000-2005, sau đó có lẽ thấy cũng nhàm mà chả ép phê gì nên người ta ít xài, dần bỏ, không mấy khi nhắc đến nữa. Cái gì cũng có thời hoàng kim của nó, hết thịnh lại suy, còn với thành ngữ này có hết suy lại thịnh không thì tôi chả dám chắc. Nhưng đúng là, khoảng một thập niên rưỡi ấy, trên mồm mấy ông cán bộ, nhất là những ông lãnh đạo cấp cao và mấy ông tuyên huấn, cứ mở vòm ra là nghe í ới “đi tắt đón đầu”. Còn báo chí thì thôi rồi, vô thiên khênh, hầu như ngày nào cũng có bài chen vào cho bằng được cụm “đi tắt đón đầu”. Có thế mới thời thượng, mới theo kịp thời đại.

Nghĩa của nó là gì, tạm hiểu nôm na là không đi theo lối thông thường, lối cũ, lối mòn, lối mà nhiều người đang đi. Không đi nữa, phải tìm con đường khác, quen gọi là đường tắt, ngắn hơn, mất ít thời gian hơn, mà lại đạt được mục đích, kết quả nhanh hơn. Và tất nhiên, siêu của đi tắt, là đón đầu, ông chạy mẹ nó lên trước, chặn ngay hàng đầu, có bao nhiêu ông chớp tất, hứng tất, biến thành của ông, cứ cho chúng mày bở hơi tai xách dép chạy theo. Đi tắt đón đầu suốt hơn chục năm đã thành chủ trương, đường lối phát triển của một xã hội, một nền kinh tế đang mày mò, loay hoay chưa biết về đâu; của một xã hội thiếu rất nhiều hạ tầng cơ bản cả về vật chất lẫn ý thức nhưng cứ muốn ăn xổi ở thì, muốn đốt cháy giai đoạn. Nói chung là rất ảo tưởng, phi thực tế, không tự lượng, tự đánh giá đúng lực của mình. Cũng những năm ấy, các ông lãnh đạo đi đâu cũng kêu dân chúng, địa phương này nọ phải phát huy nội lực nhưng thực ra cả một xã hội đang rã rời, sức tàn lực kiệt, chưa tính chuyện đổ cháo, đổ nước đường vực nó dậy, lại cứ muốn bóp nặn, vắt kiệt nó. Lãnh đạo với tầm nhìn như thế chỉ chết dân.

Thực ra không phải ai, không phải lúc nào người ta cũng thích đi tắt đón đầu. Thậm chí còn ngược lại. Vị thi sĩ đa tình Nguyễn Bính chả là ví dụ đáng nhớ ư: “Cái ngày cô chửa có chồng/Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa/Lối này lắm bưởi nhiều hoa/Đi vòng để được qua nhà đấy thôi”. Tuy nhiên, nhiều khi đi tắt còn chả ăn ai, thứ nhất cự ly, thứ nhì cường độ, nên đi vòng chỉ tổ mỏi chân. Thương ông Nguyễn Bính ngẩn ngơ trong cảnh “Bờ rào cây bưởi không hoa/Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo/Lợn không nuôi, đặc ao bèo/Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn”. Nó đi lấy chồng thì lợn chết đói.