Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Chém, chọi, cướp và thề

CanhCo

Mỗi năm có ba chữ C to đùng vào những ngày tháng Giêng, khi người Việt vẫn mang nặng tâm lý là tháng ăn chơi, tháng lễ hội và cờ bạc mà trong những trò ăn chơi ấy lộ rõ tính cách người Việt, hay ít ra một bộ phận rất lớn người Việt một cách thảm hại.

Chém. Tại sao vẫn còn lễ tục dã man này trong xã hội văn minh khi nhà nước vẫn một hai cho rằng cả nước đang hòa mình vào thế giới phẳng, nơi mà cuộc sống của từng người bên này bán cầu cũng được nhín ngắm, sờ mó, thậm chí rình rập của người khác ở phía bên kia.

Chém lợn ở làng Ném Thượng năm nay xem ra thiếu ầm ỉ, đám rước ông “lợn” lèo tèo vài trăm người với hình bác to đùng đi trước. Vài người theo sau với lộng, cán, trống cùng với phướn và ông lợn nằm trên xe cây coi bộ buồn rầu ủ rũ lạ. Lễ hội chém lợn được đông đảo người trẻ tham gia, không biết nếu có dịp ra nước ngoài du học các em trả lời sao khi bạn bè ngoại quốc hỏi các em  nghĩ sao về hình ảnh dã man này?

Bên cạnh lễ hội phanh thây lợn của làng Ném Thượng Bắc Ninh thì người dân Đồ Sơn Hải Phòng lại có nguồn vui chọi trâu không kém phần dữ tợn. Con vật giúp người nông dân ngoài đồng, hiền lành chăm chỉ với công việc ngàn năm trên mảnh ruộng Việt Nam bị đem ra giết nhau với đồng loại. Biết ơn trâu cày người ta cho hai con chọi với nhau, kết quả cả hai lăn đùng ra chết!


Không biết cộng đồng nông nghiệp miền Bắc khi thấy người bạn cày của mình ngã xuống với sự hả hê gần như tàn bạo của con người thì những khán giả đa số là nông dân chung quanh sẽ nghĩ sao?
Chọi trâu không có ở miền nam vì trên những thửa ruộng cò bay thẳng cánh ấy hình như người nam bộ ý thức được rằng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mặc dù đó chỉ là một con trâu, một sinh vật chỉ biết vẫy đuôi khi người ta vuốt ve nó. Trong cái vẫy đuôi ấy người miền nam lại thấy mối tương quan giữa người với trâu trong khi người miền bắc không thấy như thế.

Đó là trâu với người, còn người với người thì sao?

Họ không chém, không chọi nhưng họ cướp.

Chữ C, cướp, thứ ba hình thành từ vài năm gần đây khi các lễ hội giữa người với người rộ lên và người ta chăm chăm nhìn vào vật được tuyên truyển quảng bá là có sức mạnh thay đổi cuộc đời người cướp dược nó. Thứ nhất là “phết” và kế đó là “lộc” Hai vật vô tri bỗng dưng lấp lánh và linh thiêng như thánh, có khả năng làm hàng chục ngàn trai tráng nhào vào tranh cướp, đạp lên nhau không khoan nhượng, giật được nhưng không thể thoát ra khỏi cái đám đông cuồng si ấy….Phết, lộc sau đó không biết về tay ai nhưng bao năm qua không một cán bộ cao cấp nào công khai rằng mình cướp được nó, kể cả ông Bộ trưởng bộ Văn hóa thể thao du lịch, người cổ vũ cho những trò cướp giật này hàng năm để thu hút du lịch.

Hãy cùng báo chí quan sát lễ khai ấn năm nay sẽ thấy, sự nhếch nhác, vô trật tự, bất lực của cơ quan chức năng mặc dù đã gửi hàng ngàn cảnh sát cơ động và dân phòng tới giữ trật tự.

Ngay cổng vào đền, người có vé đại biểu, tức những quan chức có máu mặt, chen lấn vào cửa trước khi những người không phải là đại biểu tràn vào. Hàng ngàn đại biểu như thế nói lên điều gì? Họ tới nơi đây để tuyên dương nền văn hóa cổ của Việt Nam hay kéo nhau tới để hy vọng vào bổng lộc mà triều đình XII sẽ ban phát cho họ?

Thanh niên trai tráng đa số khỏe và lực lưỡng chừng như chỉ chờ hai ngày giật phết và cướp lộc để chứng tỏ cơ bắp của mình. Phía sau đó là ước muốn nóng rực một chức quan mà thánh thần sẽ ban cho không cần tài năng hay trí tuệ. Tâm lý nông nghiệp và lạc hậu này lại được chính nhà nước cổ vũ, tuyên truyền thì thật là lạ! Người thì bảo đó là kế sách ngu dân để trị, kẻ khác lại cho rằng văn hóa truyền thống cần được duy trì chẳng qua dân trí thấp nên nét đẹp của lễ hội bị biến tướng…

Ôi không lẽ tới thế kỷ 21 dân trí của nước ta mới thấp, còn những năm tháng trong chiến tranh trước đây lễ hội vẫn có vẫn đông sao không xảy ra những điều khó coi như vậy?

Hãy nhìn hàng ngàn đại biểu có vé vào cửa đền Trần hẵng nói. Đây là quan trí rõ ràng khi kéo nhau đi xin lộc cho ước muốn thăng quan tiến chức. Người dân chẳng qua là đám ăn theo, chút hy vọng cỏn con vì đã biết chốn ấy không thể là chỗ của mình.

Văn hóa lễ hội miền Bắc không kém và thấp lè tè như biểu hiện như chúng ta thấy bởi bên cạnh những buổi lễ đầy tính chất cướp biển ấy là một lễ hội mà không ông quan nào muốn tham gia như lễ hội đền Trần dù nó đậm chất nhân văn hơn bất cứ lễ hội nào, nó có cái tên rất đẹp: Lễ Minh thề.
Từ sau năm 2003 lễ hội này được phục dựng lại và mỗi năm vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch tại thôn Hoa Liễu xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng dân làng tập trung lại trong một không khí trang nghiêm và nhất cử nhất động đều theo đúng những gì mà cả làng đã làm từ nhiều chục năm về trước. Tâm điểm của lễ hội minh thề này là từ quan chí dân tham dự sẽ trực tiếp nói lên lời thề với đất trời tiên tổ những điều tốt nhắm tới xã hội, nhân quần và cho chính bản thân mình. Lời thề được đọc lên trước các anh linh và có nội dung như sau:

“Ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử; làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.

Sau khi nghe lời thề, người dân tham dự sẽ cùng hô to hai lần : “y như miệng thề” để tỏ quyết tâm giữ lời thề do bô lão đọc lên, và như vậy là gần như toàn cái thôn nhỏ bé ấy không chừa một ai. Lễ hội tuy có hình thức thần linh nhưng tính nhân văn của nó không thể bàn cãi nhiều hơn, nó nói lên mục đích làm cho guồng máy xã hội tiến dần tới đạo đức làm người và uốn nắn quan chức trở về với lương tâm và bổn phận.

Tiếc một điều từ khi lễ hội được phục dựng lại đôi khi quan chức có tới dự nhưng hầu hết với tư cách “tham quan, chứng kiến” không ai cùng hô to câu “y như miệng thề” như dân chúng trong vùng.

Báo chí cũng nói, năm nay lễ hội Minh thề tại Hải phòng vắng khách! Thật là một cái tựa nhiều ẩn dụ.

Quan chức không về và nhất là không dám mở miệng thề vì dù sao trong thâm tâm họ, trời đất thánh thần là có thật, việc tham ô nhũng lạm của họ cũng là có thật vì vậy nếu thần thánh thi hành lời thề thì mạng sống của họ sẽ ra sao?

Thay vì chạy tới Hải Phòng họ lái những chiếc công xa sang trọng trực chỉ thành phố Nam Định để tham gia việc khai ấn đển Trần. Trách họ làm chi, có trách là trách Đức Thánh Trần vì ngài không làm phép để kẻ nào bất chính bước vào đền của ngài sẽ thổ máu tươi mà chết trước khi cướp lộc.

Theo blog Cánh cò

8 nhận xét:

  1. Khôi phục lại các lễ hội, nhưng thể hiện mọi đặc điểm không lành mạnh, dã man... chắc cũng là để "ngu dân" mà thôi. Tại sao không mở các kề hội để từ đó phát huy truyền thông tốt đẹp của dân tộc, tính nhân đạo của con người.
    Hội hè cũng còn để tạo ra cơ hội kiếm tiền. Liệu đó có phải là mục tiêu chính.

    Trả lờiXóa
  2. Các loại lễ hội truyền thống nhìn chung là niềm kiêu hãnh cho bản sắc dân tộc, nhưng bằng việc đẻ thêm ra những lề thói chặt chọi cướp gì đó, người ta đã biến chúng thành nỗi hổ thẹn của văn hóa. Tâm linh vốn tinh khiết, con người biến thành ra hỗn độn, bát nháo. May mà Thần Thánh thời nay dường như chẳng chút linh thiêng, nếu không biết bao người sẽ bị Thần đánh Thánh vật bởi tình trạng mê tín ngu xuẩn đến phạm thượng của chính mình.

    Trả lờiXóa
  3. lại là lễ hội, năm trước đã nói rất nhiều rồi, năm nay đã giảm được một ít rồi nhưng mà tình trạng chen lấn xô đẩy, rồi cướp lộc này nọ vẫn diễn ra, đúng là quá buồn cho những đấng thần linh trên trời, con dân của họ làm thế thì ai mà có thể phù hộ được cho chứ, đi chùa, đi hội mà có thành tâm đâu

    Trả lờiXóa
  4. quá buồn cho các lễ hội ở nước ta, người đi lễ hội không còn giữ được cái văn mình, các ý thức của mình nữa, họ không giữ được những cái đấy thì chẳng có đấng thần linh nào giám giúp họ cả, ai đời nào đi lễ hội mà như đi ăn cướp, như đi đánh nhau thế thì còn cái gì là nét đẹp văn hóa nữa chứ

    Trả lờiXóa
  5. cái này thì do ý thức của người tham gia lễ hội mà thôi, nói đi nói mãi rồi vẫn thế này đúng là quá buồn. Mà nghĩ rộng ra đây chính là tật xấu của dân nước ta, thử nghĩ xem, ai cũng ý thức của thì tốt không, đây nói nhưng làm không được, nghĩ rộng ra đến chuyện tham nhũng, tham ô, hối lộ, dân không tiếp tay thì đố thằng quan nào làm được cái đấy

    Trả lờiXóa
  6. "làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt"

    Thấy chưa, thời Phong kiến đã lấy "Trung với Đảng" làm đầu rồi

    "Phía sau đó là ước muốn nóng rực một chức quan mà thánh thần sẽ ban cho không cần tài năng hay trí tuệ"

    Giời ạ, cái đó chỉ có ĐẢNG ban . Thánh thần nào ở đây ?

    Trả lờiXóa
  7. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa