Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): ĐA VÀ THIỂU

    Tôi vừa đọc trên một tờ báo uy tín vào loại hàng đầu xứ ta, khi tường thuật buổi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng làm việc với Công an TP.HCM có thuật rằng bí thư chỉ đạo trong 3 tháng phải giảm thiểu tối đa tình hình tội phạm.

     Không phải đang có phong trào khen anh Thăng mà tôi a dua, nhưng tôi nghĩ rằng một người có trình độ như anh ấy mà tôi biết lâu nay có lẽ không dùng cụm từ sai “giảm thiểu tối đa”, mà do phóng viên viết tán vào thôi, lọt sang tay một biên tập viên chưa cứng nên mới có câu đó trên mặt báo.

     Trong cụm từ “giảm thiểu tối đa” ta thấy toàn từ Hán Việt. Trong đó, tối có nghĩa là hết sức, hết mức, để chỉ sự vô hạn; ví dụ: tối ưu (tốt nhất), tối mật (bí mật nhất), quy chế tối huệ quốc (quy chế cho nước được nhiều ưu đãi nhất). Đa là nhiều, lắm; tối đa là nhiều nhất, nhiều hết mức; ví dụ: đa mưu là lắm mưu, đa dục là nhiều ham muốn, ham muốn hết mức. Văn cổ có câu “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức là chỉ cần tinh chất mà không cần nhiều, thà ít mà chất lượng cao, còn hơn nhiều mà thấp; hoặc truyện dân gian có câu “đa mao thiểu nhục, tắc phù” nghĩa là nhiều lông ít thịt thì nổi (trong truyện, câu này để chỉ con vịt. Nghe anh thư sinh nói vậy, anh ít chữ mới vặn thế cái thuyền kia thì lông đâu thịt đâu mà nó vẫn nổi). Đối lập với đa là thiểu. Thiểu nghĩa là ít. Ví dụ thiểu số là số ít; dân tộc thiểu số tức là dân tộc có ít người (so với người Kinh); thiểu năng là khả năng, năng lực, cái sức làm bị hạn chế; tối thiểu là ít nhất.

     Theo cái cách dùng từ của nhà báo kia, có thể tạm hiểu “giảm thiểu tối đa” tức là hạ xuống, giảm xuống còn ít nhất. Nhưng khổ nỗi, không ai lại trái khoáy cưỡng ép, gán ghép thiểu với đa vào nhau như vậy. Đã ít chữ, hiểu không hết, thì tại sao không diễn đạt đơn giản “kéo giảm tình trạng tội phạm xuống mức thấp nhất”.

     Có lẽ các chi hội nhà báo cần tổ chức lớp bồi dưỡng về từ Hán Việt cho phóng viên và biên tập viên của báo mình.

Nguyễn Thông

12 nhận xét:

  1. Ý vị lắm. Thống nhất hết. Một chỗ, chưa. Đó là "thiểu năng". Nghĩa trong ngữ cảnh này không là ít như thiểu số đâu. Mà là khuyết, không đầy đủ. Ví, thiểu năng tuần hoàn não, không được hiểu là máu bơm lên não ít mà phải gọi chính xác là máu bơm lên não thiếu, không đầy đủ. Y văn đấy. Với lại, nghĩa hán nôm của "thiểu" ngoài "ít" ra, còn có nét nghĩa riêng biệt, "khuyết, không đầy đủ". Chào!

    Trả lờiXóa
  2. Họ sẽ giải thích thế này bác Thông ạ: Giảm thiểu tối đa, trong trường hợp này nghĩa là phải làm giảm đi (tiêu cực, tội ác...) một cách quyết liệt nhất !

    Trả lờiXóa
  3. Xem bác Thông cào hay lắm, chuẩn ko cần chỉnh! Nhân tiện, bác cho vài ý kiến về các từ "quan ngại", "vấn nạn", quan ngại là cái chó gì, dân ngại còn chẳng ăn ai; vậy mà các báo cứ bửa nhăng lên, chối tỉ lắm, thối hơn phân bắc!!!

    Trả lờiXóa
  4. cách hiểu của tác giả cũng giống như cách hiểu của người dân mà thôi, tội phạm không bao giờ giảm về mức 0% được, cái đó là tất yếu, bởi lòng tham của con người không bao giờ mất được, vì thế từ giảm thiểu tối đa là đúng chứ có sai gì đâu tác giả nhỉ

    Trả lờiXóa
  5. tôi thấy chỉ cần dân hiểu được là được rồi, việc mà báo chí dùng cụm từ đó thì tôi cũng chả thấy sai ở chỗ nào cả, từ hán việt có nghĩa là nó cũng đã được việt hóa rồi, người dân ai cũng hiểu rồi, thế thì tác giả bắt ép làm gì nữa nhỉ

    Trả lờiXóa
  6. tôi nghĩ báo chí dùng từ đấy không sai, tội phạm chẳng bao giờ là hết cả đâu nhé, nó chỉ dừng lại ở một con số rất nhỏ nào đó là quá tốt rồi thôi nhé, nên chỉ đạo của ông Đinh La Thăng là rất chuẩn, và tôi hi vọng rằng nó được thực hiện tốt, bởi lẽ tình hình tội phạm ở thành phố Hồ Chí Minh quá khủng khiếp

    Trả lờiXóa
  7. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  8. "Có lẽ các chi hội nhà báo cần tổ chức lớp bồi dưỡng về từ Hán Việt cho phóng viên và biên tập viên của báo mình"

    Nếu có tầm nhìn xa vô tương lai của chủ nghĩa xã hội, tớ đề nghị lãnh đạo báo chí cho phóng viên & biên tập đi học hẳn tiếng Hán, heck, qua tận Trung Quốc mà học .

    Trả lờiXóa
  9. Bây giờ dùng từ sai hẳn ý nghĩa có rất nhiều kể cả báo chí sách vở sai đến mức tôi cho là nghiêm trọng như từ VĂN HÓA .Theo tôi được học thì VĂN là những gì là hay , tốt, đep v.v. tức là positip , nên văn hóa nôm na là những chuyển hóa thu lượm được theo VĂN trong tiến trình thời gian . Giờ người ta gọi tệ nạn phong bì là văn hóa phong bì, gọi sách báo đồi trụy là văn hóa đồi trụy v.v. chẳng cần suy nghĩ ,buồn thay . Ý nghĩ của tôi có thể sai nhưng rất mong mọi người chúng ta cùng nhau cố dùng đúng nghĩa của ngôn từ tiếng việt mà trước hết là các nhà văn nhà báo.

    Trả lờiXóa
  10. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  11. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  12. nên xem lại từ ngữ ví dụ thập niên và thập kỷ. mới có 20 năm mà ông thủ tướng nói hai thập kỷ qua....trên VTV1, và nhiều báo khác cũng vậy ???
    Gần tết xin mấy nhà báo đừng bao giờ nói loại hoa này không nên cúng loại hoa kia không nên trưng nó làm giảm sức mua và làm hại nông dân tiểu thương tội nghiệp

    Trả lờiXóa