Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Chuyện đại học (2)

Lại nói, hôm tôi đi thi tuốt tận bên huyện Vĩnh Bảo nổi tiếng thuốc lào, bu tôi đưa cho 12 đồng (trên Facebook tôi nhớ nhầm là 20 đồng, thành thật xin lỗi), cầm để chi tiêu và phòng thân, nhưng dặn cố gắng dè sẻn. Tôi biết, số tiền ấy lớn lắm, giá trị bằng cả một xe cải tiến dưa hấu mà tôi với thày tôi phải dậy từ 2 giờ sáng kéo bộ 20 cây số ra chợ An Dương ngoài Phòng bán mới được chừng ấy.
Lần đầu tiên trong đời, chưa bao giờ trong túi tôi có nhiều tiền thế. Gọi là nhiều bởi hồi đó không làm gì ra tiền, nhà nông chỉ trông vào bán vặt vãnh rau cỏ, quả dưa quả ổi, thuốc lào, con gà con qué… theo mùa chứ thóc thì chả đủ ăn, chỉ có những ông trốn vợ đi đánh bạc mới liều xúc vài ký thóc đi bán. Mười hai đồng, có thể mua được hơn chục cuốn sách dày cỡ cuốn Vỡ bờ (tập 1) của Nguyễn Đình Thi. Tôi cố gắng tằn tiện, nhưng tiền vào túi thủng anh nhà nghèo, ráng bóp mồm được nhưng có cái bắt buộc phải chi tiêu.
Xui xẻo, trên đường sang Vĩnh Bảo, đến gần bến phà Khuể bên An Lão, một con nghé đang ăn cỏ ở bờ cừ bất ngờ nhào ra, tôi đi xe đạp chưa quen, tránh nó nên đâm thẳng vào chiếc xe cải tiến đang chở vôi ra bến sông. Đương nhiên là xe cải tiến không sao, còn xe đạp bị cong vành, khung bị chùn. Khệ nệ lôi chiếc xe quý của ông anh họ đến quán sửa xe chỗ bến Khuể, sửa tới trưa mới xong, thợ tháo vành đi nắn vành, tháo khung đi rút khung, lắp ráp xong mất đứt 2 đồng, ông thợ còn bảo tôi thông cảm cho chú học trò đi thi tôi lấy rẻ đới. Món tiền đầu tiên được quyền tiêu pha trong đời để chi cho một tai nạn.
Buổi chiều tới Nam Am, Vĩnh Bảo, nộp tiền lệ phí thi và tiền dự phòng để sau này trường làm hồ sơ, gửi giấy báo về nếu trúng tuyển mất thêm 1 đồng 8 hào nữa. 3 ngày ở nhà chủ, họ quý mến nhường cho nơi ăn ngủ, mượn bếp tự nấu ăn, lúc về cảm ơn gia chủ, mấy đứa bàn nhau mỗi đứa biếu bác gái chủ nhà 2 đồng (3 đứa là 6 đồng) bởi thấy nhà nghèo quá, quần áo cái nào cái nấy vá chằng vá đụp. Vị chi mất toi gần 6 đồng bạc không được bỏ vào mồm, chỉ dám dè sẻn chi dùng trong hơn 6 đồng còn lại thôi. Tôi về trả lại bu 2 đồng dư, không dám khai thật, bu định không nhận nhưng có lẽ thấy tôi tiêu khiếp quá nên thu hồi lại.
Thời ấy, ở miền Bắc chưa có nhiều trường đại học, thậm chí chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cả làng cả xã có những năm không đứa nào thi đậu đại học. Rớt thì nộp hồ sơ lên Ban tổ chức chính quyền tỉnh, thành phố để xin vào trung cấp hoặc vào trường sư phạm 10+3. Đám bạn tôi, ngoài những đứa đi bộ đội như thằng Thành, thằng Thảo, thằng Như, anh Tiến, thằng Lĩnh…, thì hầu hết con gái vào 10+3 Kiến An, còn đám con trai được chú Ngô Duy Ngân (người làng tôi, có họ xa) làm ở Ban tổ chức chính quyền Hải Phòng xếp cho học trường trung cấp hải quan trên Văn Lâm (Hải Hưng, Hưng Yên bây giờ). Bọn thằng Đền, thằng Hưởng, thằng Cước ra trường về hải quan Hải Phòng công tác, đứa nào cũng giàu. Hóa ra thi đậu lại thành cái tội cái nợ, gánh theo cục nghèo đến cuối đời. Đời chả biết đâu mà lần.
Tháng 12.1976 tôi tốt nghiệp. Tạm biệt nhà C2 khu ký túc xá Mễ Trì, nhà ăn, hội trường, cả mấy khóm trúc đào bên hai cánh gà hội trường, cả những cây xà cừ cổ thụ hai người ôm mới hết. Tạm biệt quán bà u phía bên cổng trường ngoại ngữ, có cô con gái tên Xuyến mắt liếc đám sinh viên đáo để, đứa nào có đồng bạc trong tay sau khi vào quán u mà còn đem về được 1 hào cũng thuộc hạng ghê gớm bởi cô Xuyến nó có cách rút hết.
Đêm chia tay để hôm sau đứa nào đứa ấy về quê, chúng nó, đám thằng Ngọc Bính, thằng Xuân Ba, Bá Tân, Quang Tửu, Văn Bảo, anh Ma Duy Giang… lôi chiếu, lôi hòm gỗ khóa chuông bị mọt nham nhở ra đốt cháy rừng rực, thả xuống đất, hò reo rầm trời. Chả biết ai báo, sáng hôm sau, bác Bạn ban quản lý, rồi cả chú Bích y tế, chú Tế, anh Nghề bên nhà ăn… kéo một đoàn lên lập biên bản, theo cách bây giờ thì gọi là phạm tội “gây rối trật tự công cộng”. Anh Lê Quốc Lập và anh Nguyễn Văn Sĩ (cùng dân Thanh Hóa, bộ đội đi học) là cán bộ lớp thay mặt ký tên. Anh Lập cười bảo ký cho các ông ấy hài lòng chứ chút nữa về hết, còn đéo đứa nào ở lại mà thi hành. Ký xong, đến trưa cả bọn góp tiền, góp phiếu lương thực đổi được một rổ bánh cuốn Thanh Trì, liên hoan tưng bừng rồi chia tay. Hình như thằng Trần Ngọc Vương hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”, sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Với tôi, đúng là chưa bao giờ thật, nhưng là chưa bao giờ được ăn bữa bánh cuốn no đến thế. Xong, người ra ga Hàng Cỏ, đứa đi bến Nứa, kẻ thẳng bến Kim Liên khăn gói về cố hương, hẹn vài tháng sau gặp lại khi nhận công tác. Bịn rịn, rơm rớm nước mắt, hệt như tiễn nhau đi chiến trường.
Tôi về quê Kiến Thụy, Hải Phòng với cái ba lô lép xẹp. Quần áo cũ, rách quá bỏ đi rồi. Chiếc vỏ chăn đơn bộ đội màu cỏ úa anh Uy cho cũng đã rách, bạc trắng, chả đem về làm gì. Còn chiếc áo vải pô pơ lin màu xám khá mới của thằng Trần Quang Tửu, nó đổi lấy chiếc sơ mi trắng của tôi, bảo để giữ làm kỷ niệm, tôi gói cất vào đáy ba lô. Chiếc áo ấy, tôi đem vào miền Nam vận mãi đến năm 1980 rách sờn cả cổ mới bỏ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa