Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Chuyện đại học (4)

    Bài trước, tôi có nhắc về cái trường đặc biệt mà đầu năm 1977 tôi ba lô, khăn gói quả mướp từ Hải Phòng vào Sài Gòn nhận công tác. Tiền thân của nó là Viện đại học cộng đồng Tiền Giang, một mô hình mới mẻ của giáo dục đại học ở miền Nam. Sau 1975, viện được chuyển tên thành Trường đại học cộng đồng Tiền Giang, rồi đến năm 1982 đổi lần cuối thành Trường dự bị đại học TP.HCM. Lai lịch vắn tắt như vậy để lý giải vì sao nó lại có 2 cơ sở, chính thì ở khu của Đại học Văn khoa cũ tại 91 Nguyễn Chí Thanh, Q.5, Sài Gòn, còn phụ (lúc đầu là chính) ven quốc lộ 4, cách ngã ba Trung Lương khoảng 2km, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Những năm đầu trong nghề, tôi phải thường xuyên dạy cả hai cơ sở, nửa đầu tuần ở Sài Gòn, nửa cuối tuần thì Tiền Giang.
    Như đã nói, học viên của trường chỉ học 1 năm học rồi vào đại học. Tuy thiếu vài ba điểm để được vào thẳng đại học sau kỳ thi tuyển sinh nhưng trong số họ có nhiều cô cậu rất giỏi. Trò của tôi sau này vào đời nhiều người thành đạt, thậm chí làm quan to, không phải bởi thầy cô giỏi mà chủ yếu là họ rất thông minh, có tài. Họ lỡ một nhịp chẳng qua do số phận, kể cả học tài thi phận, chứ không như ai nói “vào dự bị là thuộc diện ngu rồi”.
    Tôi nhớ không chính xác, năm học 1979-1980 hoặc 1980-1981 thì phải, tôi xuống dạy ở cơ sở 2 Tiền Giang. Ngoài lớp C chuyên về văn sử địa (anh Lê Đình Khẩn, chị Huỳnh Thanh Diệu, chị Kim Chi… học lớp này) còn có 2 lớp B1, B2 của khối B cũng phải học môn văn, 5 tiết/tuần. Lớp B2 có một chị dù thi khối B nhưng học rất giỏi môn văn của tôi. Hồi thi cuối học kỳ 1, tôi ra đề luận về bi kịch cá nhân trong truyện Kiều, chị ấy viết cực hay, nhiều ý mới mẻ táo bạo, thoát hẳn những quan niệm suy nghĩ phổ biến lúc bấy giờ, tôi đọc hết sức sửng sốt, không ngờ một người học khối B lại giỏi văn đến thế. Cho điểm 10. Điểm 10 duy nhất trong đời dạy học của tôi. Tôi đưa bài cho một đồng nghiệp là thầy Nguyễn Văn Vy (anh Vy học khóa 16 khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, đầu năm 1976 đã có mặt ở Sài Gòn, đã mất), anh bảo tôi, nếu có điểm 11 thì sẽ cho điểm đó. Chả biết người viết có còn giữ được bài văn không. Sau này chị ấy học Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, ra trường về các cơ quan báo chí, đã từng là Phó tổng biên tập một tờ báo của TTXVN, tổng biên tập một tờ báo của TP.HCM, một blogger nổi tiếng (tuy cái nickname hơi dữ). Một người rất có cá tính và có tài, tôi rất phục. Từ bấy đến giờ tôi không gặp chị ấy, nhưng có dạo suýt nữa thì chỉ là sếp của tôi. Đời người chẳng ai ngờ được chữ ngờ.
    Trường tôi cũng giống như nhiều trường đại học khác của miền Nam sau 1975, đội ngũ giáo viên có rất nhiều giáo viên cũ, được lưu dung. Thú thực, lúc đầu nhiều giáo viên, giảng viên, cả già lẫn trẻ ở miền Bắc vào, mang tư thế của Bên thắng cuộc nên thường ra vẻ ta đây, coi trời bằng vung. Ngược lại, số lưu dung kia thì mặc cảm, rụt rè, e ngại, cam chịu. Nhưng môi trường khoa học chứ có phải cơ quan hành chính đâu mà đè nén được nhau mãi. Một thời gian sau, đám Bắc chúng tôi phải công nhận rằng những giảng viên cũ nhiều người rất giỏi, cực giỏi, nhất là về chuyên môn và ngoại ngữ. Chúng tôi, đám giáo viên Bắc chỉ hơn họ được mỗi cái lập trường giai cấp, chủ nghĩa Mác-Lênin. Có thể kể tên một số anh chị như Cung Bỉnh Duyệt, Huỳnh Công Sanh, Đỗ Trung Hưng, Nguyễn Hữu Nghiệp, Võ Thanh Long, Trần Mạnh Hảo, Chu Đức Khánh, Hứa Hồ Ngọc, Nguyễn Thị Tố Quỳnh, Phạm Văn Ba, Phạm Văn Nhơn… Chúng tôi theo được họ cũng còn khướt. (còn tiếp) 

Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. "Trò của tôi sau này vào đời nhiều người thành đạt, thậm chí làm quan to"

    Vì họ là "bên thắng cuộc".

    "Chúng tôi, đám giáo viên Bắc chỉ hơn họ được mỗi cái lập trường giai cấp, chủ nghĩa Mác-Lênin"

    Thế là đủ . Thời phải thế, thế thời phải thế . Tới thời tớ học trung học, giáo viên chỉ còn có mỗi lập trường giai cấp & chủ nghĩa Mác-Lê như bác Thông đầy nhóc rồi . Còn nhớ giờ pháp văn với ông bộ đội chuyển ngành, thầy cho mấy đứa khá khá ngồi bàn đầu để thầy còn hỏi chữ này thầy viết đúng không . Đi học bên centre culturel, phát hiện ông thầy học lớp 1 (ngay trên lớp vỡ lòng), còn đám học trò thì học lớp 3 (trung cấp).

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Thói đời đẹp khoe, xấu che
    Anh Thông nhận mình kém trước công chúng thế này, hoặc anh sống đủ, thấy đủ, hoặc theo nhà Phật thì anh đã "ngộ". Mến anh

    "Một thời gian sau, đám Bắc chúng tôi phải công nhận rằng những giảng viên cũ nhiều người rất giỏi, cực giỏi, nhất là về chuyên môn và ngoại ngữ. Chúng tôi, đám giáo viên Bắc chỉ hơn họ được mỗi cái lập trường giai cấp, chủ nghĩa Mác-Lênin."

    Trả lờiXóa