Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Chuyện phi công

Hồi nhỏ tôi chỉ ao ước nhớn lên được làm phi công, chí ít thì cũng bộ đội biên phòng. Nhưng cu Tịu cùng tuổi với tôi kể rằng anh Sửu nó đi khám sức khỏe tuyển phi công bị loại ngay từ vòng đầu bởi răng thưa quá, lại chẫng một cái. Tôi thì có 2 cái răng sâu, vậy là xịt mơ mộng bay trên giời. Còn biên phòng cưỡi ngựa cũng chả được, đếch ai cho đứa gầy còm giơ xương phi ngựa bao giờ. Giữa ước mơ và hiện thực luôn có khoảng cách phũ phàng như vậy.

Lúc nhớn lên chút nữa, nghe người ta kể phi công ăn uống sướng lắm, tiêu chuẩn chủ tịch quốc hội như ông Trường Chinh cũng không bằng. Hỏi sướng làm sao, họ bảo phi công chả bao giờ ăn thịt gà mà chỉ ép lấy nước cốt, uống một bát cũng giá trị tẩm bổ bằng ăn cả con. Kinh thật. Mình mỗi năm đôi lần tết nhất giỗ chạp mới được ăn thịt gà, mà cũng vài miếng gọi là, nghe vậy kính nể phi công lắm. Riêng khoản gà ít nhất cũng phải 365 con một năm, ai mà chả hãi.

Phi công chú nào cũng đẹp trai, cao lớn. Nhìn ảnh các chú Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Văn Bảy, Lâm Văn Lích, sau nữa là Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Hồng Nhị…, chú nào cũng đẹp ngời ngời, càng hiểu mình chả bao giờ thành phi công được. Loại xấu xí ốm yếu như mình, chó nó tuyển. Tắt hẳn hy vọng thành phi công từ đấy.

Phi công được đi học tít tận Liên Xô, đương nhiên là nói tiếng Nga rào rào, riêng khoản ngoại ngữ đã nể rồi. Hồi những năm 60 ở miền Bắc ít người biết ngoại ngữ lắm. Số người biết tiếng Pháp như thày tôi chẳng hạn giờ đây chả có đất dụng võ, chỉ lâu lâu lấy sách ra đọc cho đỡ nhớ. Chính quyền không bắt đi tù bởi biết tiếng Pháp là may lắm rồi. Giờ tiếng Nga là thống soái. Xấu trai mà thạo tiếng Nga vẫn lấy được con gái cực đẹp. Còn người biết tiếng Anh cũng hiếm lắm. Trường cấp 3 Kiến Thụy của tôi cả trường chỉ có mỗn thầy dạy tiếng Anh, tuổi cũng gần 50. Khi có hội nghị Paris năm 1968, thầy bị trung ương mượn đi phiên dịch, thế là đám học trò đang học dở tiếng Anh được chuyển qua học tiếng Nga, chúng nó mừng muốn chết. Học tiếng Anh thì đi Liên Xô thế quái nào được.


Giữa năm 1967 không quân ta bí mật đưa máy bay MiG 17 về giấu ở hầm trong núi Kiến An mai phục bọn máy bay Mỹ từ cửa sông Văn Úc vào ném bom bắn phá. Tôi nhớ một buổi trưa, đang chở lúa về sân kho hợp tác thì báo động, vội hạ càng xe cải tiến xuống kẻo máy bay Mỹ nó tưởng nhầm là pháo nó tương bom xuống thì bỏ mẹ. Nhìn lên giời, thấy ngay trên đầu 2 máy bay MiG 17 đuổi theo 2 chiếc thần sấm F105 (hồi ấy bọn trẻ như tôi quen cả với kiểu dáng máy bay Mỹ, nhìn là phân biệt được ngay). Bọn Mỹ đeo bom lặc lè, chưa kịp cắt nên bay chậm. MiG nhà ta áp sát bắn rơi ngay cả hai chiếc, một chiếc đâm đầu xuống cánh đồng xã Ngũ Đoan, cả làng tôi đều chứng kiến, bọn trẻ con nhảy ra khỏi hố cá nhân tung hô rầm trời. Thằng phi công Mỹ của chiếc rơi tại chỗ bị chết cháy, được chính quyền và dân chúng chôn cất tử tế, tôi đi đánh dậm dưới Ngũ Đoan từng mấy lần ghé coi mộ nó. Còn thằng ở máy bay kia nhảy dù xuống bị dân mấy xã Ngũ Đoan, Đại Hà, Tân Phong mạn dưới đó vây bắt, thằng phi công gọi điện cho máy bay hạm đội 7 vào cứu, chỉ một lát đã thấy bọn tàu bay kéo tới ầm ầm, quần thảo trên đầu, xác định trúng nơi nó rơi. Nhưng cao xạ của ta bắn rát quá, nó không cứu được. Thằng Mỹ này còn ngoan cố bắn chết một dân quân, sau đó mới bị bắt trói giải đi. Huyện đội mà không đưa nó đi ngay, có lẽ dân Ngũ Đoan sẽ ăn gỏi nó để trả thù cho anh dân quân kia.

Hồi cuối năm 1972, trường tôi sơ tán về ven sông Cầu, ở huyện Yên Phong, Hà Bắc (Bắc Ninh bây giờ). Tối 26.12, B52 đánh Hà Nội dữ dội, nửa đêm cả làng được dựng dậy đi lùng bắt phi công Mỹ. Đúng là ai có súng dùng súng, ai có dao dùng dao, không thì một chiếc gậy tre. Tối như bưng, le lói vài bó đuốc, tản đi suốt đêm, lục tung từng bụi tre, luống rau. Trên đầu, máy bay vào cứu phi công của bọn Mỹ cũng quần thảo một lúc lâu mới chịu rút. Sáng hôm sau thì nghe thông báo đã bắt được nó bên kia sông, trên đất huyện Hiệp Hòa.

Hai hôm nay, thấy quân dân ta vất vả tìm kiếm hai anh phi công bị tai nạn máy bay SU-30MK2 rơi ở biển Nghệ An, sực nhớ chuyện cũ. Phải công nhận từ hồi đó bọn Mỹ đã tìm kiếm phi công của nó rất giỏi, xác định đúng nơi quân nó rơi, chỉ có điều lưới lửa phòng không quá dày đặc nên nhiều vụ nó đành chịu. Hãi thật.


Nguyễn Thông

8 nhận xét:

  1. Bây giờ phi công ta đi cứu phi công ta rớt vì đi cứu phi công ta rớt vì đi cứu phi công ta rớt vì đi cứu ... phi công ta rớt .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa chiến sĩ lái hay,
      Giờ Phi công trẻ lái Máy bay bà già!

      Xóa
  2. Cũng tại tụi bắc kỳ bọn ông đánh máy bay mỹ mà nhân dân miền nam tôi khổ , đéo mẹ thử hỏi bọn bắc kỳ mấy ông bây giờ dám ra đánh túi trung + như nhân dân miền nam của tụi tôi trước 75 không ?

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Bây giờ có Tiền là thành "phi công" hết, "đảng ta" là máy bay? Nào? có ai mà chẳng ao ước! Mặt trận của hạng vạn "phi công" là các dự án được đảng duyệt.

    Trả lờiXóa
  6. Khách đồng niênlúc 22:29 17 tháng 6, 2016

    Đã làm người lính thì phải chấp nhận đối diện với sự hy sinh vậy mà vừa nghe thấy có tiếng nổ trong buồng lái là cả hai phi công đã vội vã bấm nút nhảy dù.
    Phi công mà cứ như thế náy thì những chiếc máy bay dù có hiện đại và đắt tiền đến mấy cũng chẳng khác gì những cái ụ nổi của ông Vina đâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa