Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Hiến kế giữ nước (1)

Một nước luôn phải lo đối phó với kẻ ngoại bang xâm lược, phải chuẩn bị chiến tranh thì việc tăng cường quân đội, trang bị vũ khí, chi phí tối đa cho quốc phòng để bảo vệ đất nước là cần thiết. 

Để có tiền làm điều đó, đừng chỉ nghĩ đến chuyện tăng thêm các sắc thuế, tận thu nguồn lực từ dân chúng, doanh nghiệp, bán tài nguyên... mà còn phải giảm bớt triệt để những chi phí lãng phí, vô bổ, chặn đứng tình trạng tiền nghìn tỉ lọt vào túi bọn tham nhũng.


Điều cần làm ngay là siết lại chi phí cho bộ máy cầm quyền đang quá rườm rà, quá to nhưng ít hiệu quả. Cắt phăng, giảm ngay những vị cán bộ (từ trên xuống dưới) chỉ đủng đỉnh hằng tháng lĩnh lương, hội hè đàn đúm, họp hành liên miên mà không làm được bao nhiêu cho dân cho nước, cho xã hội. Loại này, theo tôi, chiếm đến 1/3 trong bộ máy cai trị từ trung ương xuống địa phương. 


Những hội đoàn, tổ chức xã hội vẫn cho tồn tại nhưng phải tự lo tài chính, không thể nuôi mãi được. Đừng lấy cớ đó là hệ thống chính trị mà nuôi báo cô. Thôi thì đảng cầm quyền đã đi một nhẽ, còn lại mấy cái đoàn đội hội nếu không giải tán được thì tự lo lấy, đừng bắt dân gánh mãi, dành số tiền khủng lâu nay nuôi mấy thứ ấy chi cho quốc phòng, nuôi lính, đảm bảo tốt cuộc sống và thân nhân của người lính, nhất là những người ngày đêm giữ biển đảo. Họ có vững vàng thì mới có sức mạnh chống ngoại xâm.


Nguyễn Thông

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Về một thứ văn hóa không biết xấu hổ

PGS-TS PHẠM QUANG LONG
Tôi mượn ý của cuốn sách "Về một nền văn hóa biết xấu hổ" do NXB Văn học ấn hành để nói về thứ văn hóa ứng xử không biết xấu hổ đang lan nhanh như bệnh dịch hiện nay.

Xấu hổ là một trạng thái tự nhận thức của con người khi thấy hành vi của mình không phù hợp với chuẩn mưc thông thường, cảm thấy có lỗi, thấy mình không xứng đáng với vị trí, cái danh mình đang mang. Vị trí và cái danh ấy, nhiều khi không phải danh vị xã hội mà chỉ giản đơn là một con người.

Những người đã lớn tiếng bênh vực những chuyện sai ở bộ này, tỉnh kia, công ty nọ... là đúng quy trình, là không sai nhưng trong thực tế, những cái sai ấy rõ lắm, lớn lắm, phơi bày ra hết cả khía cạnh pháp lý lẫn đạo lý trước bàn dân thiên hạ rồi. Thế mà họ vãn xưng xưng như những chuyện ấy chả liên quan gì đến mình. Có lẽ họ đã luyện được công phu "thiết bì công" như Kim Dung nói, da mặt dầy hơn da voi, nên mới dám nói như vậy. Các cụ dạy cực đơn giản mà minh triết "vừa mắt ta, ra mắt người". Với họ, chỉ cần vừa mắt ta thôi còn người khác thế nào, họ không cần đếm xỉa. Loại này, các cụ định danh rồi: "Quân vô loài". Đã là quân vô loài thì còn gì để nói nữa! Chúng đâu phân biệt được phải trái đúng sai mà ngượng?

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Thanh kiếm có chỗ mẻ

Vụ việc “mời - bắt cóc” công dân, trong đó có một cháu nhỏ 3 tuổi, vừa xảy ra ở thị xã La Gi (Bình Thuận) mà nhân vật chính là… công an chứ không phải người dân đã khiến dư luận cực kỳ bức xúc. Vấn đề ở đây là sự vi phạm pháp luật lại được thực hiện bởi chính lực lượng bảo vệ pháp luật.

Cứ cho là ông Lê Hồng Phong, một doanh nhân tại Bình Thuận đang bị nhà chức trách nghi ngờ, là đối tượng cần phải điều tra do liên quan đến pháp luật, theo như công an thông báo sau đó. Nhưng nghi ngờ ai thì không có nghĩa được quyền xúc phạm đến tư cách công dân của người ấy. Tuy nhiên, Công an Q.Hai Bà Trưng (TP.Hà Nội) đã không đếm xỉa đến điều đó. Họ ngang nhiên vượt cả ngàn cây số vào tận nơi, không thông báo, không làm việc trước với chính quyền địa phương, với công an sở tại đang chịu trách nhiệm về an ninh trật tự nơi này. Với lý do "nghiệp vụ", họ tự cho mình cái quyền “tiền trảm hậu tấu”, công khai đón đường công dân, “mời - bắt cóc” ép công dân Phong cùng đứa con nhỏ 3 tuổi đưa vào xe kín, vọt thẳng về Sài Gòn, không khác gì bắt khẩn cấp một đối tượng cực kỳ nguy hiểm có hại cho an ninh quốc gia. Vụ việc xảy ra ngay trước cổng một trường mầm non giống như phim hành động của Hollywood hoặc xã hội đen khiến người dân hốt hoảng lo sợ.

Cứ như báo chí phản ánh, ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận, Công an thị xã La Gi, công an các tỉnh trong khu vực, rồi cả công an, cảnh sát hình sự của Bộ Công an, các lực lượng địa phương lập tức lên phương án truy đuổi, chặn bắt, lập chốt trên nhiều tuyến đường để giải cứu hai nạn nhân. Tức là tốn rất nhiều sức lực, trí tuệ, phương tiện, thời gian để giải quyết một vụ việc phát sinh từ sự tùy tiện, vô pháp luật của chính những người trong ngành.

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Ông trời

Vụ ông Phong ở Bình Thuận bị công an Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) vào tận nơi bắt cóc (tôi cứ nói thẳng ra là bắt cóc mặc dù công an chối đây đẩy, bảo chỉ là mời đi làm việc) nói lên điều gì?

-Công an có thể làm tất cả mọi điều trái với Hiến pháp và pháp luật, trong khi chính họ lúc nào cũng xưng xưng tự nhận là lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật.

-Chỉ là công an cấp quận nhưng quyền tự tung tự tác không khác gì ông trời.

-Làm sai làm ẩu nhưng rất giỏi cãi, nói lấy được, không coi ai ra gì. Họ cãi rằng trước khi hành sự đã làm việc với chính quyền và công an địa phương, nhưng chính công an Bình Thuận lại tuyên bố chả biết gì, thậm chí tốn rất nhiều công để truy đuổi "bọn bắt cóc".

-Người ta đưa con tới trường, tự dưng xông ra túm lấy đẩy lên xe, không thèm thông báo lý do, không cho phép báo cho thân nhân hoặc chính quyền địa phương, mời kiểu gì lạ vậy. Còn bảo mời để làm việc, sao không làm việc ngay tại địa phương mà chở tuốt đi Sài Gòn, rồi nhỡ xảy ra chuyện gì, kể cả người ta bị chết, rồi lại chối, đổ này đổ nọ.

-Vụ này khiến tôi nhớ đến vụ mấy cô gái bị mất tích ở Sài Gòn, cuối cùng cũng do công an bắt, với lý do để điều tra đường dây mại dâm.

-Với công an, những người dân bị họ bắt tùy tiện ai cũng có vẻ nguy hiểm như tội phạm an ninh quốc gia, họ nhìn ai cũng như kẻ thù.

-Dưới mắt người dân, một bộ phận không nhỏ công an chả khác gì quái vật.

-Khá nhiều thanh niên, kể cả đàn bà con gái, đang tìm mọi cách, năn nỉ, xin xỏ để được vào học ở trường công an. Buồn.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Ghê thay con người

Con người ta sống trên đời, còn gì quý hơn cái cơ thể của mình. Khi đã chấp nhận hủy hoại cơ thể thì tức là âm mưu, mục đích nó ghê gớm lắm, thậm chí không thể hình dung được.

Ngày xưa bên Tàu, Giới Tử Thôi tòng vong theo công tử Trùng Nhĩ nước Tấn để mưu sự nghiệp. Lúc lâm cảnh cơ hàn, chủ cùng tớ đói quá chả có gì ăn, Thôi cắt thịt đùi mình nấu cháo dâng chủ. Chỉ có điều sau khi dựng được cơ nghiệp, Nhĩ lại quên Thôi (xưa nay thường vậy), Thôi giận dỗi, cõng mẹ vào núi trốn, bị đốt rừng cũng không ra nên chết cháy. Kể lại chuyện này để thấy rằng để đạt mục đích thì sự hủy hoại cơ thể chính mình là chuyện nhỏ.

Nhiều tấm gương cộng sản cũng vậy, không ít người hy sinh đời bố để củng cố đời con, hoặc để mở đường làm quan, chả sá gì việc hủy thân mình, nhưng khác ở chỗ được ca ngợi là vì lý tưởng, vì dân vì nước.

Bên tây xưa nay cũng chẳng hiếm ai đó cho nổ cả cái máy bay, chết ngay chính mình cốt sao người thân còn sống được nhận bảo hiểm.

Nhưng đến cái vụ nhà cô kia ở Hà Nội chấp nhận nhờ người khác chặt chân tay mình để được thanh toán bảo hiểm thì quả thật tôi không bao giờ nghĩ tới. Một người như tôi, bị cái dằm như đầu kim đâm vào ngón tay cũng la oai oái thì không dám nghĩ tới là đúng rồi. Điều đang nói, cô ta làm chuyện ấy nhằm được thanh toán bảo hiểm thì quả thật không ngu nào ngu hơn, bởi bên bảo hiểm đâu dễ để mất tiền như vậy.

Nhưng cũng mới nghe công an và báo chí nói vậy, chưa biết đúng bao nhiêu phần trăm.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Nghĩ ngợi về vụ đồng chí giết nhau ở Yên Bái

- Vụ nổ súng ở Yên Bái 3 khiến cán bộ chết sẽ còn rất nhiều điều để nói để viết. Tôi cạn nghĩ dân chúng nếu bàn thì nên có cả ý (trí) lẫn tình (tâm). Thôi thì người chết rồi, dù có là cán bộ đi chăng nữa, đừng sẵn ghét cán bộ mà nói nhời nặng nhẹ, cho hồn người chết đi được dễ dàng, trong cái tháng đặc âm khí này.
Nhưng ở góc độ khác, với người sống, tôi thấy các vị cấp cao xử lý vụ việc (gọi là xử lý khủng hoảng) lần này có nhiều tiến bộ: nhanh, khá kịp thời, cởi mở. Tuy nhiên, ban đầu có điều không hay, cần lên án. Báo Pháp luật VN (phapluatplus) đã nhanh nhất có thông tin, chỉ sau hai mươi phút xảy ra vụ việc, rất đáng nể. Ngay sau đó, có lệnh cấm thông tin, bắt báo Pháp luật phải rút xuống, theo cái thói xử lý cấm đoán xưa nay. Bài báo đã bị rút, gây nhiều tò mò, hoang mang. Hơn một tiếng đồng hồ sau, các báo mới được lần lượt đăng tin. Để truy ra kẻ nào ban cái lệnh cấm đoán đó không khó. Cần xử lý cho nghiêm, không thể để dạng như vậy chui vào bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước để làm bậy, dù viện bất cứ lý do gì.

- Cái lý không phải của người Mèo. Bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trong cuộc họp báo vừa xảy ra (chiều 18.8) đã nhầm lẫn nghiêm trọng. Không những bà cố tình né tránh nguyên nhân "tổ chức cán bộ" (mà chính ông trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng bị bắn chết đã chứng minh điều ấy), bà còn nói "Điều quan trọng nhất lúc này, đó là ổn định tư tưởng của đông đảo bà con các dân tộc Yên Bái; nhanh chóng sớm ổn định tư tưởng để người dân tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương".

Chân dung 3

Suốt đời vẫn chẳng thành y sĩ
Ra tay tiêm chích, chết bao người?
Đồng chí triệt nhau thua trận cuối
Đành phải làm người tử (tế) thôi

Mua quan bán tước thu về khẳm
Bố quan, con bố cũng phải quan
Thân bại nhưng tiền không hề bại
Lui về đảo vắng ủ tro tàn.
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Chân dung 2

Thiên hạ đồn chính con ông cụ
-Dân đất này ai chẳng con ông!
Trồng cây gì, nuôi con gì nhỉ
Nuôi gái tơ sướng hết cả lòng
Răng vẫn chắc, chỉ lo thứ ấy
Chiều Tây hồ ngắm nước mênh mông.
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Chân dung 1

Từ giờ trở đi, mình bắt chước bác Xuân Sách, thỉnh thoảng sẽ vẽ một số chân dung người đương thời, kẻo con cháu sau này chúng quên béng các vị ấy mất.

Chân dung 1


Cả đời chỉ sống nhờ lý luận
Tôn Mác Lê làm thánh dẫn đường
Bạc đầu chưa trả xong thù vặt
Nhưng vẫn khoe dân chủ thế là cùng.


Nguyễn Thông

Quan đi ô tô

Lão Maddox cựu chiến binh hàng xóm nhà tôi cơm nước xong, hôm nay lão ăn muộn bởi còn đi tìm con mèo bị chó đuổi trốn đâu mất, mới thong thả bật iPad coi tin tức. 
Đọc xong mấy chữ tôi viết về nhập khẩu ô tô, lão mắng viết bậy bỏ mẹ, dặn tôi lần sau có cáu sườn mấy chăng nữa cũng không được nói tục. Tôi vâng dạ cho xong. 
Lão hớp ngụm nước, từ tốn nói, mẹ bố nó chứ, đứa nào lấy lý do đường sá chật hẹp, sợ nhập xe rẻ về cho dân đi sẽ tăng ùn tắc giao thông, thì cứ gang miệng nó ra, hoặc dán băng keo lại. Nó nói một đằng nhưng làm một nẻo, một bước nó cũng leo lên xe hơi thì đánh bỏ mẹ nó đi. Một mình nó ngồi trong ô tô lại chả chiếm đường sá bằng mấy cái xe máy, thế mà nó lại còn định cấm cả xe máy nữa. Thói đâu có cái thói chỉ biết một mình mình sướng, còn thiên hạ ruồi muỗi hết (lão nói là cứt nhưng tôi biên tập đổi thành ruồi muỗi cho văn được nhã). 
Tôi lại phải vội can cơn nóng giận của con người chân chính có văn hóa ấy.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Yếu nhân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 15.8 bàn có nên kết nạp thêm vào danh sách những vị được cắt cử cảnh vệ, canh gác 24/24 hay không, số thêm ấy gồm 3 vị đứng đầu ngành ngoại giao, tòa án, kiểm sát.

Trong ngôn ngữ có từ "yếu nhân" (nhân vật quan trọng, nhân vật trọng yếu, người có vai trò cực kỳ lớn). Xác định yếu nhân phụ thuộc vào nơi chốn, vị trí, vai trò của người đó. Ví dụ ở một huyện thì ông chủ tịch huyện là yếu nhân, nhưng ở tầm quốc gia thì ông ấy chỉ là muỗi.

 
Vậy yếu nhân của quốc gia theo tôi nên hạn chế ở một vài vị (ngày xưa là vua và vài ba ông quan cực phẩm, nay cũng chỉ nên vài ba ông), chứ yếu nhân mà lại cả đại đội yếu nhân thì hóa ra chả ông nào to, rồi chỉ liếc gờm nhau cũng đủ mệt.


Đã là yếu nhân thì phải chi phí lớn, bảo vệ nghiêm nhặt lắm, thậm chí ăn cũng có người nếm ăn trước rồi yếu nhân mới xơi, gác cho yếu nhân phải vòng trong vòng ngoài, yếu nhân đi đâu phải tiền hô hậu ủng, con ruồi cũng không được bay gần... Nói chung rất tốn.


Tôi nhớ hồi ông Nông Đức Mạnh còn làm tổng bí thư, đi đâu cũng có một chàng cảnh vệ đẹp trai (nghe đâu hàm đại tá) kè sát sạt, kể cả khi cụ tổng thăm bà mẹ VN anh hùng, cứ làm như sểnh ra là dân ăn thịt ông ấy, trông rất phản cảm.

Trong danh sách yếu nhân cần được bảo vệ theo luật hiện hành ngoài những vị đương chức còn có cả tứ trụ đã nghỉ hưu, mà các vị này thì được ăn uống tẩm bổ đầy đủ nên sống rất dai.


Tôi không phản đối việc phải cắt cử cảnh vệ cho yếu nhân, nhưng ông bà nào đã già đã nghỉ, dù từng làm tứ trụ đi chăng nữa, đã về làm người thường rồi thì nhà nước cứ cắt béng ngay chuyện canh gác bảo vệ. Cứ mỗi ông hưu mà vẫn tốn vài chú lính, ông bác sĩ, cậu lái xe, bác nhà bếp, anh thư ký, rồi xe cộ xịn... có mà tiền núi cũng chả đủ. Các ông ấy không chịu về với dân (thực tình dân cũng chả muốn nhận) thì để các ổng tự lo, dân không thể cõng mãi.


Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Nhập xe làm đéo gì!

Tại sao các nhà lãnh đạo, các quan chức cấp cao, nhất là những vị nắm ngành công thương, thuế khóa, xuất nhập khẩu, cơ khí, chế tạo ô tô... của nước ta lại phản đối việc nhập xe ô tô giá rẻ?

-Các vị ấy không cần mua ô tô bởi đã có ô tô nhà nước cấp, xăng nhà nước đổ, tài xế nhà nước trả lương, luật lệ giao thông được nhà nước cho đặc quyền, thậm chí có vài vị còn được cấp xe và sốp phơ đến khi chết, nói chung quan tâm đến ô tô làm chi cho mệt đầu.


-Mấy đứa lắp ráp ô tô trong nước chỉ như cái bình phong, làm gì các vị ấy chả có cổ phần, ăn chia, ít nhất thì nó cũng phong bao phong bì "cho em gửi chị nhà chút quà quê", nó giữ rịt thị trường xe hơi nội địa giá cao thì các vị ấy cũng có phần, nhập xe rẻ vào để mất lộc, chả dại.


-Dân chúng cứ để cho chúng hắn nghèo, khổ, vất vả thì mới dễ dạy. Sắm được ô tô, nó đi đây đó, nó bướng, khó quản.


-Đường sá vốn chật hẹp, quan lớn đi còn chen nhau, để bọn dân chen thêm vào nữa có mà chết à. Cứ đổ cho nguy cơ tắc đường là xong.


-Xứ ta phải có bản sắc riêng biết, không thể mị dân như bọn Ấn Độ, Inđô, Thái Lan... được.


-Bao giờ tiến lên thế giới đại đồng, ai cũng có ô tô hoặc tất cả cùng đi bộ, khỏi tị nạnh.


-Nói chung, thằng ngồi trong ô tô miễn phí không cần quan tâm đến thằng dân ít tiền mơ xe.


Nguyễn Thông

Tôm cá hy sinh vô ích

LÝ SINH SỰ (nhà báo Trần Đức Chính, nguyên Phó tổng biên tập báo Lao Động).

– Một cái dùi đục – không phải cái kim – đã thòi ra: Văn bản số 07 ngày 18.1.2016 do Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh đã ký rằng: 4 mẫu bùn ép lấy ngày 11.12.2014 từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp và xưởng luyện cốc của Formosa và các công ty chôn lấp chất thải đều… “vô tội”. Tình hình rất là tình hình, bác ạ.
– Còn tình hình hơn, chất thải đổ từ tháng 1.2016 nhưng đến tháng 7 vừa qua Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh mới nghe báo cáo. Bác Giám đốc còn cho biết là chỉ có bác Phó Giám đốc Sở được báo cáo lúc đó.
– Bây giờ vấn đề là các cấp xem xét trách nhiệm tất cả. Ván bài đã lật ngửa, tất cả đã có pháp luật lo hộ, các bác trong cuộc khỏi cần đổ thừa, chối quanh.
– Gì thì gì cũng không bác nào “bị hại”. Chỉ thương tôm cá chết oan.
– Bác nên phát ngôn cho chuẩn là tôm cá chết vô ích vì… phải đem chôn, không chén được. Ta theo chủ nghĩa duy vật, phải nói thế mới biện chứng.
– Cơ quan người bạn tớ vừa đưa 300 CBCNVC đi nghỉ mát ở Thiên Cầm, Hà Tĩnh. Đây là bãi biển đẹp, nước trong veo, sạch sẽ và thơ mộng, rất ít ồn ào. Nhưng bữa đầu nhiều người nhìn tôm cua cá ghẹ tươi ngon cũng gọi vài món vì ở Hà Nội toàn ăn thịt lợn siêu nạc. Nhưng từ bữa sau cả đoàn đều chuyển sang chế độ ở biển ăn thịt gà, thịt bò, lợn. Cuộc nghỉ mát thành tẻ nhạt. Ở xa Vũng Áng mà tôm cá cũng hàm oan! Thế mới biết ý nghĩa của bốn chữ “hậu quả lâu dài”.
– Vậy bây giờ đen-trắng đã rõ, tính sao với các bác nhà ta nhỉ?
– Đó là phần việc của chức năng. Anh em mình chuẩn bị xe đạp, bữa nào có cuộc đạp xe bảo vệ môi trường ta lại đạp xe quanh phố hưởng ứng.
– Đạp thế là thua hai anh cảnh sát “Min đơ – Min toa” trong “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, ngày xưa đạp xe có quyền lực hơn bây giờ nhiều.
Lý Sinh Sự

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Chuyện như đùa ở Đà Nẵng

Tưởng chuyện đùa nhưng đó là chuyện thực. Thực trăm phần trăm. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi cũng không cần phải nghi ngờ gì nữa bởi chuyện như đùa này được chính những người ngồi ghế cao nhất trong bộ máy lãnh đạo ở Đà Nẵng xác nhận.

Chả là sáng 11.8 Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng họp. Mới vào phiên họp cuối cùng, nóng lên ngay. Một vị dân biểu đồng thời là quan chức, ông Trần  Văn Trường – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang chất vấn, nêu ra thông tin việc thành phố này định bỏ không dùng tòa nhà trung tâm hành chính công đang sử dụng để đi chỗ khác. Một thông tin khiến rất nhiều người, ngay cả cán bộ ở Đà Nẵng, sững sờ, không tin vào tai mình. Một “sĩ quan” cấp cao của thành phố như ông Trường mà nói ra tức là có cơ sở. Đặt trường hợp, nếu ông Bí thư Hòa Vang không phát lộ ý kiến thì cuộc họp có thể sẽ lại êm đẹp, yên bình như bao cuộc họp khác lâu nay.

Phải nói ngay rằng, tòa nhà “hải đăng - cánh buồm” cực kỳ hoành tráng và hiện đại ấy khi đang thi công, khi hoàn thành, khi đưa vào sử dụng đều được gắn mác ca ngợi “biểu tượng của thành phố ven sông Hàn”, trở thành thứ đáng để ý, thu hút nhất ở “thành phố đáng sống”. Còn gì nữa, nó cao 34 tầng chưa kể 2 tầng hầm, thiết kế hiện đại, ngốn gần hết 2.000 tỉ đồng, là nơi tụ hội làm việc của hầu như toàn bộ các cơ quan hành chính đầu não của thành phố. Tôi còn nhớ hồi tháng 9.2014 đại công sở được đưa vào sử dụng, báo chí khen ngợi rầm trời, người dân sở tại nhìn những người hằng ngày ra vào “biểu tượng” với con mắt ngưỡng mộ, thán phục.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Sinh nghi hành

BÙI CHÍ VINH (nhà thơ)

Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng, em út nghi anh
Cha nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay ta khi viết bài in báo
Cũng nghi mình kiếm chác công danh
Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thiệt
Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành
Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ con khát sữa ai cho bú
Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
Đoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh
Thuý Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hoá lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Kẻ sĩ làm sao dám học hành
Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh tụ nói: đói quên nghi kỵ
Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh! 

Bùi Chí Vinh

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Chuyện cắt tóc

Con người ta ở trên đời ai cũng có tóc. Mới sinh ra đã mọc tóc, mà thường thì tóc xuất hiện trước nhất, chứng kiến cuộc đời sớm nhất, sau đó mới là mắt mũi tay chân lúc đứa bé chui khỏi bụng mẹ.

Dân gian nói nhiều về tóc. Khi cần so sánh sự nhỏ bé, có câu “nhỏ như sợi tóc”; trừng phạt đúng người đúng tội thì nói “túm anh có tóc chứ ai túm anh trọc đầu”, đề cao cái tưởng như nhỏ bé tầm thường thì bảo “cái răng cái tóc là góc con người”…

Có tóc thì phải cắt tóc. Đàn ông cắt nhiều hơn đàn bà bởi đàn bà theo đặc điểm tập tính giới tính hay nuôi tóc. Có bà có chị tóc dài cả mét, chấm đất. Nhà văn Nguyễn Tuân tả mái tóc chị Hoài đẹp như một di sản thiên nhiên thế giới. Hồi xưa, nhiều cô gái tóc xấu, ngắn, xơ xác, thưa, rụng, không đen… còn không dám ra đường. Có những chị tóc xấu thậm chí không lấy được chồng.

Bu tôi (sinh năm 1907) hình như là thế hệ cuối cùng còn chít khăn mỏ quạ, vấn tóc bằng một khúc vải cuộn tròn to hơn ngón tay cái, dài khoảng 2 gang. Sau đó, tôi không thấy chị tôi và các chị trong làng chít khăn, vấn tóc nữa. Các chị để tóc dài, cặp bằng cặp 3 lá (chiếc cặp tóc bằng thép không rỉ, bây giờ gọi là inox, hình như ở miền Bắc hồi những năm 60-70 chỉ có mỗn thứ này làm bằng inox), có 3 lá thép nhỏ, lá giữa ngắn hơn một chút. Ngoài cặp tóc còn có chiếc kẹp nhỏ màu đen, các chị dùng để kẹp cho tóc ép sát, gọn gàng.

Các chị không cắt tóc, dài bao nhiêu cũng cứ để, dài quá thì búi lên, lủng lẳng sau lưng trông dễ thương lắm. Mấy chị đi làm ngoài thành phố thì đem về kiểu tóc phi dê. Cô giáo Oanh hiệu trưởng trường cấp 2 xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) thời tôi học có mái tóc phi dê hơi kiểu cách một tí nhưng rất đẹp. Các bà các chị mỗi lần chải, tóc rụng cũng không bỏ, lấy tay quơ quơ lại, cuộn tròn thành búi nhỏ giắt lên mái hiên, đợi khi nhiều nhiều, bao giờ nghe thấy tiếng bà đồng nát “ai tóc rối không” hoặc anh đổi kẹo kéo rao đổi kẹo lấy tóc rối thì gom đem ra. Cái gì cũng thành tiền, chả mất đi chút nào.

Xe vào phố cổ

Tôi biên mấy chữ này, là cái ý kiến duy nhất của tôi về vụ xe thủ tướng vào phố cổ Hội An, nói rõ ràng từng điều chứ không phải là nước đôi ỡm ờ:

-Với người thường thì không sao, nhưng với một nhân vật dạng tứ trụ triều đình thì bắt buộc phải xem xét vấn đề an ninh và sức khỏe. Một đoạn đường xa thì không thể đi bộ. Ai cũng hiểu được điều đó.

-Điều dở nhất là ông thủ tướng đã chọn phương án đi xe mặc dù biết Hội An đã có quy định cấm ô tô. Mọi người đều phải thực hiện, đã nghiêm túc suốt bao năm nay rồi, chỉ riêng mình xé rào, bất chấp luật lệ, vậy thì còn nói ai nghe. Quan trên trông xuống, người ta trông vào, tự dưng mình để cho thiên hạ chê cười, lỗi tại mình là chính.

-Những đứa nào tham mưu, tổ chức chuyến thăm này, hoặc là đứa ngu, hoặc rất nham hiểm, cố tình để thủ tướng rơi vào thế việt vị, vào sự đã rồi. Bọn chúng thừa biết Hội An có quy định cấm xe ô tô vào phố cổ, thậm chí cấm cả xe máy nhưng vẫn cứ phá lệ, dẫn cả đoàn xe vào, vẫn chọn chỗ thật xa bắt thủ tướng buộc phải đi xe. Làm xã hội rối ren, khủng hoảng, dân mất lòng tin, chính là bọn này.

-Ông thủ tướng đã bỏ mất một cơ hội tuyệt vời khi không dám đi bộ ngay từ đầu. Ông chỉ cần bỏ xe bên ngoài khu cấm, đi bộ vài phố, hỏi thăm bà con, xem xét cuộc sống, rồi lại ra chỗ đâu xe mà đi họp hành thì ai dám chê. Ông đã diễu ngự xe rồi thì dù có đi bộ trăm phố sau đó kết quả cũng bằng không, chỉ để lại tiếng xấu.

-Coi cái clip, thấy đau nhất là những người Tây du lịch đang đi bộ, họ nhìn đoàn ô tô lạ lẫm như nhìn con quái vật, có lẽ trong thâm tâm họ sẽ tự bảo xứ chúng mày đéo ra gì, cấm xe, bắt chúng tao đi bộ, còn chúng mày lại đi xe ngông nghênh.

-Phố cổ, nhà cửa rất cũ, dễ bị sập đổ khi có tác động mạnh. Giả dụ đoàn xe mấy chục chiếc ầm ầm lao vào, khiến cái nhà cũ nào đó bị sập, ông Phúc sẽ để lại tiếng xấu muôn đời, không cách chi mà gột rửa được. Ngay cả vô tình có cái nhà nào bị sập trong thời điểm ấy, dư luận cũng sẽ gán cho xe ông Phúc, có mà cãi đằng trời. Những người có trí bao giờ cũng phải hình dung trước những sự như vậy để mà tránh. Bọn tham mưu cho ông Phúc rặt một lũ ăn hại.

-Dân ta, vốn sẵn ghét nhà cai trị nên cứ gặp chuyện liên quan đến mấy ông to là ném đá ào ào, bất kể nông sâu. Theo tôi như vậy cũng chả nên. Nhưng nhà cai trị cũng cần xem lại mình, tại sao dân chúng lại ghét mình đến thế, ráng mà tu thân, làm điều hay, tránh sự dở để lưu được cái tiếng tốt ở đời.

Vài lời nông cạn.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên) và công an

Theo tôi, từ nay công an và báo chí đừng gọi bọn tội phạm là đối tượng nữa, cứ nói toẹt ra là người, là tên tội phạm, chứ cứ hơi một tí lại đối tượng, đối tượng... Trường hợp nào còn đang nghi ngờ, chưa khẳng định, kết luận được rõ ràng thì có thể gọi là nghi phạm, nghi can, nhưng theo tôi, cứ gọi là người.

Tôi không bảo rằng dùng thế là sai nhưng chưa chuẩn, ví dụ: "trong vụ trộm này, công an bắt được 3 đối tượng"; vậy sao không nói rõ là bắt được 3 tên trộm. Từ đối tượng dùng như vậy quá chung chung, đó là chưa kể chúng ta hay nói: đối tượng chính sách (mẹ VN anh hùng, gia đình có công với nước), đối tượng đảng-đoàn, đối tượng tìm hiểu (khi yêu nhau), đối tượng phấn đấu... Nó hàm nghĩa tốt đẹp nhiều hơn, chứ đếch ai nói đối tượng khốn nạn, đối tượng du côn bao giờ.


Nguyễn Thông

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Chữ liêm của người lãnh đạo

    Chuyện của người ngoài nhưng đang khiến dư luận xứ ta sôi sùng sục. nhưng là sôi khen, đề cao, khâm phục.

    Chả là khi tháp tùng đức ông chồng đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long thăm chính thức nước Mỹ theo lời mời của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, bà Ho Ching (phiêm âm thành Hà Tinh) đã thể hiện phong cách, cốt cách thật giản dị, đáng nể. Trong cuộc đón tiếp long trọng tại Nhà Trắng, bà Ho đi bên cạnh đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama với nụ cười tươi tắn, tay cầm chiếc ví nhỏ nhắn, giản dị đến mức không thể giản dị hơn. Các nhà báo mau mắn tìm hiểu thì được biết chiếc ví ấy giá chỉ có 11 USD, do trẻ tự kỷ làm, bà Ho mua nó khi đi thăm các cháu.

    Không ít người tỏ ý nghi ngờ, hay là bà “diễn”, bà “biết hy sinh sở thích” để nhất thời nâng cao giá trị mình, làm đẹp mặt chồng (bởi những người làm chính trị khôn ngoan lắm, nhất cử nhất động, từng chi tiết đều có dụng ý cả). Nhưng với ai thì không biết, chứ với bà đệ nhất phu nhân Singapore điều đó chả có ý nghĩa gì bởi đâu phải sang Mỹ bà mới đem theo chiếc ví. Chính các nhà báo vốn rất tò mò và kỹ lưỡng đã khẳng định tiếp sau đó rằng từ khi mua chiếc ví rẻ tiền đó đi đâu bà phu nhân ngài thủ tướng cũng dùng, chứ đâu phải chỉ diễn trong dịp này.

    Vẻ đẹp nhân cách ấy, nói như một công dân Singapore, “Rất ngưỡng mộ phu nhân. Giá trị con người không nằm ở chiếc ví mà ở cách người ta sử dụng chiếc ví như thế nào” (theo báo The New Paper).

    Tôi cho rằng, hàng tỉ người trên trái đất, trong đó có cả tỉ phụ nữ tín đồ của thời trang, đều nhất trí với nhận xét trên. Nếu lọt ra ai đó sinh chút không hài lòng thì có lẽ là những ông chủ bà chủ các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Gucci, Hermes, Chanel, Versace, Louis Vuitton… thôi, bởi phu nhân mà ai cũng như bà Ho thì họ sẽ bị mất lượng khách hàng đáng kể.

    Nhắc chuyện bà Ho Singapore, lại nhớ trước đó chút chút dân tình xứ ta xôn xao khen ngài Thủ tướng Anh David Cameron sau khi ông từ chức. Trên mạng đăng tấm ảnh ông tự chuyển nhà, tự bưng bê đồ đạc cá nhân (thực ra là ảnh cũ). Dù có sự nhầm lẫn về thời gian (một sự nhầm lẫn đáng yêu bởi thấy “người tốt việc tốt” là mê) nhưng điều dư luận dân chúng hướng tới chính là phẩm cách của nhà lãnh đạo. Không làm quan nữa thì trở về với đời thường một cách tự nhiên, vẫn giữ lòng mình trong sạch, chẳng thèm mượn hào quang quá khứ để đòi hỏi ngất ngưởng thêm.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Câu đối cụ Vũ Khiêu tặng ông Nguyễn Xuân Phúc

Lời chủ trang:
Hôm qua, tôi có được đọc trên báo chí chính thống đôi câu đối cụ Vũ Khiêu tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông Phúc tới thăm chúc sức khỏe cụ (cùng đợt Thủ tướng đi thăm 2 vị khác nữa là cụ GS Hoàng Tụy và cụ GS Phan Đình Diệu). Nội dung là: "Tể tướng giáng trần, chí tráng tâm hùng Xuân mãi mãi/
Anh hùng nhập thế, dân an quốc thái Phúc vô biên".

Xưa nay cụ Khiêu hay làm và tặng câu đối. Tuy nhiên, đọc câu đối cụ tặng ông Phúc, tôi giật cả mình. Mới nghe qua nhìn qua thì cũng hay phết, nhưng coi kỹ thì không ổn. Ngoài chuyện đầy những từ "có vấn đề" chẳng hạn gọi thủ tướng bằng tể tướng rất phong kiến; lại còn giáng trần nữa, cứ như người cõi tiên, thượng giới chứ không phải người thực, giống như chuyện Tiêu Sử - Lộng Ngọc bên Tàu, chuyện Từ Thức bên ta ngày xưa; rồi nhập thế, chả khác gì người chết sống lại, hồn ma hiện hình; rồi mãi mãi đối với vô biên không ổn tí nào về luật đối, ví dụ theo luật thì phải đối với biên biên, v.v...

Tôi định viết một góp ý nho nhỏ của kẻ hậu sinh để dâng lên cụ, nay đọc bài này trên Facebook của Le Vinhhuy (chả biết tên thật là Huy hay Vinh) nhưng rõ ràng tác giả bàn kỹ, ý sâu, kiến thức Hán văn rất vững, nên xin được đem về đây cho mọi người cùng thưởng thức.

*****

Theo VTV, ngày 05/8, "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm các nhà khoa học hàng đầu là Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phan Đình Diệu và Giáo sư kiêm Anh hùng Lao động Vũ Khiêu". Nhân dịp này, Khiêu lại mần câu đối tặng Phúc:
"Tể tướng giáng trần, chí tráng tâm hùng Xuân mãi mãi;
Anh hùng nhập thế, dân an quốc thái Phúc vô biên"
TỂ TƯỚNG GIÁNG TRẦN - ANH HÙNG NHẬP THẾ
"Tể tướng" đây là ý ông Khiêu suy tôn ngôi vị ông Phúc. Đã đành chức tể tướng xưa tương đương với thủ tướng nay: cùng là người đứng đầu nội các. Hiềm nỗi tể tướng tuy trên muôn người nhưng luôn phải ở dưới và phụng mệnh một người, tức ông vua, thiên tử chí tôn. Có thể biện bác "thiên tử" đây là pháp luật, là nhân dân; song cũng có thể hiểu "thiên tử" tức là... đảng. Nên khi người ta tôn xưng thủ tướng thành "tể tướng" thường hàm ý châm biếm. Thủ tướng tiền nhiệm dẫu nhận mình công bộc của dân nhưng cũng bị đá đểu thành "tể tướng" là lẽ đó.
Tuy vậy, "huôn" của câu đối này không phải ở từ "tể tướng" mà ở chữ "giáng". Tân thủ tướng vừa tuyên thệ nhậm chức vốn Phó thủ tướng ngoi lên, là THĂNG, nhưng bị ông giáo sư hay chữ lỏng phán thành GIÁNG. Câu đối thù tạc không cần hay ho, chỉ cần nịnh khéo, nhưng có chỗ khó là nhiều kiêng kỵ tinh tế phải tránh lắm nha.

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Phá rừng và sự thật

Đang có chuyện cãi qua cãi lại giữa đài truyền hình trung ương VTV và chính quyền tỉnh Đắk Lắk xung quanh thiên phóng sự phá rừng do VTV - Chương trình Chuyển động 24h thực hiện. Tỉnh thì bảo VTV đạo diễn, cố tình dàn dựng, cố tình tạo cảnh phá rừng để làm phóng sự, phản ánh không chân thực; đài thì lên tiếng vặn lại, thế có phá rừng hay không mà bảo chúng tôi dàn dựng. Hôm 4.8, cả tỉnh lẫn đài vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Thiên hạ cho rằng "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay", chả ai chịu ai.

Nếu có chuyện dàn dựng, phải nói rằng quá sốc, diễn đạt theo kiểu của nhà thơ Giang Nam (kể ra so sánh hơi khập khiễng): Không tin được dù đó là sự thực. Chuyện sai sót, yếu kém, gây những bất bình xảy ra trong làng báo xưa nay đã nhiều, thậm chí như "chuyện ngày thường ở huyện”, nhưng một cơ quan siêu báo chí như Đài truyền hình Việt Nam - VTV mà mắc phải thì hệ trọng lắm.

Sốc quá đi chứ. Rất nhiều báo giấy và báo điện tử ngày 2.8 đồng loạt thông tin “Công an tỉnh Đắk Lắk họp báo công bố VTV dàn dựng cảnh phá rừng để làm phóng sự”. Sự này khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó liên quan đến những điều hệ trọng: phá rừng, công an, VTV, đạo đức nghề nghiệp.

Trước hết hãy nói về tình trạng phá rừng. Nước ta rừng vàng biển bạc nhưng “vàng” bị khai thác vô tội vạ quá nhiều, may mà chưa đến mức cạn kiệt, rừng chưa thành đất trống đồi trọc. Tình trạng phá từng diễn ra suốt mấy chục năm nay, đến nỗi bị coi như quốc nạn. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Không ai là không xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá hết năm này qua năm khác, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, lá phổi xanh của đất nước teo tóp dần, tiền bán tài nguyên rừng bị chui vào túi những tập đoàn, cá nhân này nọ. Giờ thì bảo vệ rừng đã trở thành mệnh lệnh sống còn. Nếu cứ để tái diễn những vụ phá rừng thì chẳng khác gì cả hệ thống chính trị lẫn bộ máy công quyền bị vô hiệu hóa trước một tệ nạn tầm quốc gia. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay khi vừa nhậm chức đã ban chỉ thị đầu tiên là đóng cửa rừng. Vì thế, cũng dễ hiểu sự vào cuộc của VTV, bởi cũng như mọi cơ quan báo chí, họ không thể đứng ngoài.

Tiếng chửi thề của nhân dân

BÙI CHÍ VINH (nhà thơ)


Các ngươi ăn ở sao khôn vậy?
Bóc lột ngay từ lúc cởi truồng
Bốn hộp sữa mỗi lần sinh đẻ
Thảo nào con nít bệnh còi xương
Thảo nào con nít quen moi rác
Tập ngửi mùi hôi để trưởng thành
Lỡ sau khôn lớn làm thủ trưởng
Cũng quen mùi thum thủm công danh
Thảo nào con nít quen dắt mối
Tập bán trôn nuôi miệng kiếm lời
Lỡ sau khôn lớn làm lãnh đạo
Cũng rành ba mươi sáu kiểu chơi
Thảo nào con nít quen nói láo
Tập giống vua quan cách uốn mồm
Lỡ sau khôn lớn làm nhà báo
Viết đói thành no dễ kiếm cơm
Thảo nào con nít quen bắt chước
Tập “gà nhà bôi mặt đá nhau”
Lỡ sau khôn lớn đi bán nước
Mất Ải Nam Quan cũng chẳng rầu
Tiền? Thì nói “NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC”
Tù ? Thì kêu “TÒA ÁN NHÂN DÂN”
Chao ơi, tiền bạc dành ông lớn
Còn cùm gông tặng kẻ rách quần
Các ngươi ăn ở thua con cặc
“Con cặc” còn biết đái khi cần! 
Bùi Chí Vinh
(theo Facebook Bùi Chí Vinh, https://www.facebook.com/buichi.vinh.3/posts/922464334566116

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Thông báo cho K.17 (về việc họp lớp nhân 40 năm ra trường)

Mình vừa nhận được email của bạn Nguyễn Thị Bé, nội dung toàn văn như sau:

"Kính gửi các anh chị lớp Văn K17, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 

Vừa rồi đọc trên Facebook thấy anh Vũ Lệnh Năng viết như sau:
"Các bạn đang sống ở Hà Nội cố gắng bàn với nhau xem cuối năm nay khóa 17 mình có thể gặp nhau tại Hà Nội một lần nữa được không? Anh Năng rất mong có ngày đó. Bởi vì sức khỏe của anh mỗi ngày một yếu đi, liệu có gặp được các bạn một lần nữa hay không".

Qua những dòng tâm huyết của anh Năng mới thấy thời gian trôi qua nhanh thật. Thế mà chúng ta ra trường đã được 40 năm rồi, ai cũng có công việc của mình, gia đình đuề huề, con cháu phương trưởng nhưng lòng vẫn nhớ về nhau... 

Xuất phát từ ý kiến cá nhân, tôi rất mong có buổi gặp mặt giữa những người học lớp Văn K17 tại Hà Nội để chúng ta có dịp gặp gỡ, chuyện trò...cho bõ những ngày xa cách. Một phần cũng là lúc chúng ta gặp lại những anh chị ở rất gần Hà Nội mà không bao giờ chịu ra mắt bạn bè lớp Văn K 17. Đó là các anh chị Nguyễn Xuân Thụ, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Thị Nguyệt...

Tôi  đề xuất ý kiến thế này, các anh chị xem có được không:

-  Một số anh chị trong lớp có nhiệm vụ thông báo, tập hợp tất cả mọi người cho thật đông đủ.

- Thời gian dự kiến là đầu tháng 10.2016; địa điểm là nhà khách của Bộ GD-ĐT ở 23 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Cả lớp nên có một buổi gặp mặt, cùng ăn một bữa cơm thân mật để nhớ về "một thời đã qua".

- Sau đó, nếu anh chị nào có thời gian, sức khỏe thì có thể tập trung thành nhóm để đi chơi tiếp (có thể là đi Sầm Sơn, Sa Pa hoặc xa hơn là Đà Nẵng chẳng hạn).

Tuy là ý kiến cá nhân nhưng rất mong các anh chị lớp Văn K 17 xem xét, trao đổi sớm để chúng ta có thể tổ chức gặp mặt kỷ niệm 40 năm tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nguyễn Thị Bé"

*Mình rất cảm động trước chân tình của bạn Bé và hoàn toàn nhất trí với đề xuất ấy. Mong các bạn thông báo cho nhau để sớm thu xếp. Chúng mình đều qua ngưỡng lục thập hoa giáp cả rồi, chả còn mấy thời gian và sức khỏe để có thể cười được với nhau hơ hớ nữa đâu, các "cụ" nhỉ.

Nguyễn Thông


Viết cho các chị dạy con

Thấy nhiều nhà giàu dịp hè cho con tham gia "học kỳ quân đội" để rèn luyện kỹ năng sống, mình nghĩ cũng tốt thôi, quân đội rèn người mau cứng cáp hơn so với bình thường. Người ta cũng hay nhắc đến kỹ năng sống này nọ, nhưng nhiều điều cao siêu quá.

Mình để ý có những đứa trẻ, đứa thanh niên, thậm chí cả người nhớn, khi có giọt dầu mỡ rớt xuống bàn ăn liền lấy cả cái giẻ lớn sạch lau từ giữa chỗ bẩn lau ra, chùi qua chùi lại, giặt giẻ rồi lau tiếp. Đúng ra, nếu có kỹ năng sống, chỉ cần lấy chút giấy mềm thấm túm gom lại, thêm tí giấy chùi nhát nữa là sạch.


Theo mình, dù có biết bơi cả cây số, biết băng bó vết thương, biết sửa ô tô bị pan dọc đường... nhưng không biết cầm cái chổi quét nhà cho thuận mắt, biết lau một vài giọt mỡ giọt mắm rơi xuống bàn ăn cho gọn cho sạch... thì dù có học cả chục học kỳ, lên đến đại tướng cũng chả ích gì.


Nguyễn Thông

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Bênh cũng phải chính xác

Vụ một sĩ quan quân đội rút súng dọa bắn tài xế ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), cần phải xem xét nhiều khía cạnh, đừng vội thấy đó là "lực lượng của chuyên chính vô sản" mà bênh hoặc chửi.

-Trước hết, phải xác định, nếu đó là khu vực quân sự, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" thì việc sử dụng vũ khí của quân nhân trước những nguy hiểm là được phép, không có gì phải bàn.


-Người vào khu vực quân sự, kể cả quân sự lẫn dân sự, phải chấp hành mọi quy định doanh trại, nếu có hành vi phản kháng phải bị trấn áp bởi nó liên quan đến an ninh-quốc phòng.


-Rất tiếc, coi video thì thấy không phải vậy.


-Tôi đã từng đến khu vực đóng quân của quân đoàn 4, rộng mênh mông bể sở. Khu công nghiệp Sóng Thần nằm ở chỗ này. Cái mà người ta ỡm ờ là khu vực quân sự thực chất là đất quân đội cho thuê, làm kinh tế, cụ thể là Công ty cổ phần Tiếp vận miền Nam (Solog) thuê làm kho bãi. Làm kinh tế thì không phải là nhiệm vụ quốc phòng nữa, dù có cử người mặc đồ lính đeo quân hàm quân hiệu ra canh gác cũng phải thực hiện những quy định dân sự. Đừng lấy danh nghĩa bộ đội để vô pháp luật, làm mất lòng tin của dân vào quân đội.


-Ông đại tá Dũng, Phó chính ủy Quân đoàn 4 vẫn giải thích theo kiểu nói lấy được (bởi xưa nay công an và bộ đội là bất khả xâm phạm, chả ai kiểm tra lại được lời nói của họ), ông bảo "súng mà quân nhân sử dụng là công cụ hỗ trợ bắn đạn cao su. Lúc xảy ra vụ việc, khẩu súng không có đạn". Nghe rất buồn cười, thế thì đeo súng cho oai à, giống như súng duyệt binh à.


-Cũng theo vị đại tá, "quân nhân này đang làm công tác gác và tuần tra cổng phụ đơn vị", một công việc chỉ cần đến anh lính binh nhì, vậy mà phải dùng cả sĩ quan (có súng lục), xứ này quá lạm phát sĩ quan.


-Nói chung, xứ ta còn quá nhiều vùng cấm, lại có cả vùng cấm trong vùng cấm, chỉ những anh thấp cổ bé miệng lại không có súng là thiệt.


Nguyễn Thông

Góp ý với các nhà báo (phóng viên và các biên tập viên): Phiến quân

Đọc rất nhiều báo, cả báo giấy lẫn báo điện tử, trên chuyên trang quốc tế, tôi thường bắt gặp từ “phiến quân”.

Trong khá nhiều cuộc chiến đã và đang xảy ra trên thế giới, như ở Afganistan, Iraq, Congo, Gruzia, Syria, Ukraine…, cuộc đối đầu giữa lực lượng chính phủ (đang cầm quyền) và người chống lại chính phủ luôn được giới báo chí truyền thông theo dõi chặt chẽ, phản ánh từng giờ. Tuy nhiên, tùy góc độ, quan điểm của người viết hoặc tờ báo mà đối tượng được mô tả xấu tốt khác nhau. Nếu cứ máy móc, rập khuôn bê nguyên xi nội dung bài báo trên báo nước ngoài về, chuyển ngữ thành bài của mình thì sẽ có những điều không khách quan thấy rõ. Cũng chả khác gì chuyện “yêu cho tốt, ghét nên xấu” kiểu La Quán Trung viết Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị có xấu cũng thành tốt, Tào Tháo có tốt cũng hóa xấu.

Cái sai thường gặp nhất ở chỗ các nhà báo ta gán cho lực lượng nào đó là phiến quân. Với quân khủng bố IS ở Syria, ở Trung Đông chẳng hạn, nó xấu quá rõ, có gọi nó là gì cũng được, những người có lương tâm chả thắc mắc. Nhưng có những lực lượng đứng lên đấu tranh giành quyền sống, chống lại thế lực cầm quyền thối nát đang tồn tại thì phải gọi cho đúng tên, chứ không thể là phiến quân.

Hiểu nôm na, phiến quân tức là quân phiến loạn, quân làm loạn, bất nghĩa, vô pháp luật.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Thơ tình tuổi lục tuần

BÙI HOÀNG TÁM (nhà thơ, nhà báo)

Anh nay đã sắp lục tuần
Nhiều khi đi đái, khóa quần thường quên
Một niềm hạnh phúc vô biên
Lúc "phần tử xấu" ngóc lên đùng đùng
Một niềm hạnh phúc mênh mông
Là khi đi đái mà không ướt giày
Một niềm hạnh phúc ngất ngây
"Thế lực thù địch" giơ tay... trong quần
Anh nay đã sắp lục tuần...


Bùi Hoàng Tám

Vĩnh biệt nhà báo Hàm Châu: Trăm năm không dễ một người!

NGUYỄN SĨ ĐẠI (nhà báo)

15 giờ 16 ngày 1.8, tôi đang trên đường đến NXB Giáo dục thì nhận được điện thoại của Ngô Phương Thảo (báo Nhân Dân) báo tin nhà báo Hàm Châu mất đột ngột, chưa rõ nguyên nhân tại nhà riêng.

Tôi thật sự bàng hoàng vì mấy hôm trước đó, anh Hàm Châu còn gửi email cho tôi nói chuyện về Hội nghị khoa học cơ bản và xã hội ở Quy Nhơn. Đây là một sự kiện khoa học lớn do UNESCO, Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), Viện Quốc tế Solvay về vật lý ở Vương quốc Bỉ, Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức, thu hút nhiều nhà bác học Giải thưởng Nobel về vật lý, hóa học, kinh tế và hòa bình. Những hội nghị như vậy, nhất là về vật lý, nhà báo Hàm Châu thường được mời tham dự vì ông thân thiết với vợ chồng GS Việt kiều Trần Thanh Vân; GS Pháp Odon Vallet, quen biết với các nhà khoa học, nhà báo nổi tiếng thế giới như J.Steinberger, S.Glashow, J.Cronin, J.Friedman (Mỹ), G.Charpak (Pháp), C.Rubbia (Italy) và vì tên tuổi và những bài báo khoa học của Hàm Châu đã được giới khoa học và báo chí quốc tế biết đến.

Vừa rồi, anh đã cho xuất bản cuốn sách Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý (NXB Thế giới, 2016). Đó là kết quả của 11 lần dự “Gặp gỡ Việt Nam” và các tiếp xúc khoa học quốc tế. Còn anh, Hàm Châu, viết về cuốn sách của mình như sau: Sách khổ 34 x 16cm, giấy trắng, dày 832 trang, ngoài phần ngôn từ, còn in 82 bức ảnh với chú thích tiếng Việt và tiếng Anh. "Đôi lời cùng bạn đọc" tác giả Hàm Châu viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Mặc dù công phu như vậy, nhưng giá bán chỉ có 250.000 đồng, thấp hơn giá một bữa ăn tự chọn (buffet) ở nhà hàng Sen tại Hà Nội”. 

Chưa kịp mừng anh thì đã khóc. Khóc vì sự ra đi đột ngột của anh. Khóc cả vì cái câu anh viết như một tâm sự cuối cùng!

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Hám danh hiệu

ĐOÀN KHẮC XUYÊN (nhà báo)

“Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách 10 nước hạnh phúc nhất thế giới”. Đây là kết quả đánh giá về Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc do Quỹ Tân Kinh tế học (NEF) - một quỹ không mấy ai biết ở Anh - bình chọn và đưa ra. Chỉ số này đo lường mức độ hạnh phúc của một nước dựa trên sự no đủ, tuổi thọ và bất bình đẳng xã hội rồi chia cho mức độ tác động đến sinh thái của đất nước. Báo Independent của Anh hôm 21.7 đưa tin và sau đó nhiều báo trong nước lập tức đưa lại. Cần nói thêm, năm 2012 cũng chính NEF đã xếp Việt Nam đứng hạng thứ 2 thế giới và tất nhiên cũng được nhiều báo trong nước hồ hởi đưa lại.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Hà Nội, trả lời phỏng vấn VOA, chỉ ra rằng phương pháp phỏng vấn, lấy mẫu ở Việt Nam của NEF có thể không đúng.


“Tôi cho rằng tất cả các tiêu chí đó của Việt Nam đều có vấn đề. Tuổi thọ của Việt Nam cũng không phải là cao. Về môi trường thì rõ ràng là có quá nhiều vấn đề. Việc khai thác tài nguyên của Việt Nam từ trước đến nay rất là không bền vững. Việt Nam đang ở trong thời kỳ mà cái phân tầng xã hội nó càng ngày càng lớn. Ở Việt Nam có một số những người rất giàu, còn lại có những người rất nghèo. Cái bất bình đẳng tôi nghĩ nó khá là rõ. Nếu mà nói về bình đẳng thì cũng rất là khó để xếp Việt Nam ở một cái top cao của hạnh phúc. Tôi cảm thấy những cái đánh giá, nghiên cứu đấy có thể rất có vấn đề về phương pháp”, bà nói với đài VOA.

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Mày giỏi quá rồi còn gì

Tặng Vietnam Airlines và an ninh mạng xứ ta.

Một cô gái làng gặp cụ lý trưởng kiện về chuyện thằng tuần đinh nó làm cho mình có chửa. Lý trưởng hỏi đầu đuôi làm sao, mày phải kể ngọn ngành thì các cụ mới họp bắt tội nó được. Cô kể, con đang nằm ngủ thì nó mò vào. 

-Rồi sao nữa? 
-Con không đóng cửa, mà dây yếm của con bị tuột. 
-Lằng nhằng, kể tiếp đi. 
-Nó sờ sịt, ấy tay lên chim con. 
-Sao mày không hất tay nó ra? 
-Con cũng cứ để thế xem sao. 
-Rồi gì nữa? 
-Nó tụt váy con xuống. 
-Sao mày không tát vào mặt nó? 
-Con cũng cứ để thế xem sao. 
-Sau thì nó làm gì mày? 
-Nó... nó... cứ... cứ.... 
-Mày phải kêu lên cho người ta biết, vùng chạy ra ngoài chứ! 
-Con cũng cứ để thế xem sao.
-Thế thì ngày mai mày không cần ra đình kêu các cụ nữa, mày giỏi quá rồi còn gì.

Nguyễn Thông