Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Chuyện cầu cống (kỳ 1)

Hơn tháng nay, ngày nào tôi cũng đi ngang qua đại công trình phá cầu Nhị Thiên Đường cũ (ở quận 8, Sài Gòn - Chợ Lớn) để lấy chỗ xây cầu mới. Cây cầu cũ này đã gắn bó với người Sài Gòn - Chợ Lớn gần trăm năm nay, còn tôi cũng có duyên với nó gần 20 năm sau khi chuyển nhà từ nội đô về huyện Bình Chánh. Nhìn cảnh cầu bị đập phá, dù biết sẽ có cầu mới, cứ bồi hồi thương thương làm sao ấy. Thế mới biết ngay cả gạch đá cũng không phải là vô tri. Chắc nó có hồn, có tình nhưng nó không kêu lên được.

Cầu Nhị Thiên Đường cũ (còn gọi là cầu 1 bởi hiện đã có một cây cầu cùng tên song song với nó là cầu 2) được thông cầu từ năm 1925. Hồi tôi mới vào Sài Gòn (năm 1977), tay bộ đội đi học Đào Gia Thiệp người Thủy Nguyên (Hải Phòng) rủ tôi ra cầu Nhị Thiên Đường coi xem người ta cá cược mưa nắng. Hồi ấy dân Chợ Lớn, nhất là mấy người Hoa ngày nào cũng kéo nhau lên cầu Nhị Thiên Đường cá thời tiết, khi đang nắng chang chang mà vẫn có người quả quyết rằng đến khoảng mấy giờ sẽ mưa. Nếu mưa thì thắng cuộc, thấy bảo tiền cược to lắm. Họ là những người đầy kinh nghiệm thời tiết, có khi còn hơn cả Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn của nhà nước. Tôi bảo Thiệp, đây là kiểu cờ bạc của những tay bác học.

Những năm đầu sau 1975, cầu Nhị Thiên Đường vẫn còn đẹp lắm. Cây cầu cong cong khoác áo màu xanh lá cây mềm mại vắt ngang một nhánh kênh Đôi rộng gần 100 mét (còn gọi là kênh Tàu Hủ) nối hai bờ quận 8, với những hàng trụ đèn được thiết kế thật thanh thoát, mỹ thuật. Nếu nó không nằm ở Sài Gòn, ta có liên tưởng đang được chiêm ngưỡng một chiếc cầu bắc ngang dòng sông Seine thủ đô Paris nước Pháp. Mà cũng phải, cầu do ông chủ hãng dầu nóng Nhị Thiên Đường xây cho người làm công của ông ở bờ phía đông kênh để đi lại ra vào nội ô cho đỡ vất vả, thuê nhà thầu là Công ty xây dựng Levallois Perret (Pháp) thiết kế, thi công, hoàn thành năm 1925. Nhà văn Sơn Nam hồi còn sống kể rằng khắp xứ Đông Dương hồi ấy người ta chỉ làm cầu sắt, nhưng đây là chiếc cầu đầu tiên làm bằng xi măng cốt thép. Toàn bộ nguyên vật liệu thép, xi măng… được đưa từ Pháp sang, chỉ có nhân công người bản địa. Họ làm kỹ lưỡng đến mức, suốt gần trăm năm, sau bao nhiêu vật đổi sao dời, mưa nắng gió bão, nó cứ sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt. Và đẹp một cách kiêu hãnh.

Sau năm 1975, do kinh tế khó khăn, cây cầu không được chăm sóc, tu bổ bảo dưỡng nên xuống cấp rất nhanh. Những lan can rỉ sét chẳng ai sơn phết lại, mục dần. Đèn chiếu sáng bị tháo trộm chỉ còn trơ trụ. Màu xanh nguyên thủy mát mắt của cầu biến thành bạc phếch. Cầu cứ mỗi ngày một thảm hại, như một chứng tích về thời khốn khó sau “giải phóng”. Người ta đã bao lần tính tới tính lui làm thịt nó và cuối cùng đã kết liễu số phận một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, kỳ vĩ bằng việc phá nó đi, xây cái mới. Thời oanh liệt của cầu Nhị Thiên Đường nguyên thủy đã kết thúc vào ngày 20.1.2017.

Tôi đứng bần thần nhìn chiếc xe bánh xích to như xe tăng chuyên khoan phá bê tông xoáy cái mũi khoan to như bắp đùi vào cơ thể Nhị Thiên Đường. Sau gần trăm năm, cầu vẫn khiến chiếc máy đao phủ hiện đại kia cực kỳ vất vả. Từng tảng bê tông bị phá ra vẫn chắc khừ, trắng boong, ken dày cốt sắt thép bên trong. Người Pháp mà làm cầu đường, phải nói là số 1. Nếu cứ cái thói ăn bớt ăn xén, độn tre pheo vào thay sắt thép thì lấy đâu ra trăm năm cầu Nhị Thiên Đường. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau"
    Ngày nay ta đập xây mau
    Nứa tre sỏi đá vôi hàu là xong

    Trả lờiXóa