Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Chuyện vặt thời đã qua (phần 2)

Bây giờ, ở cả thành thị lẫn nông thôn người ta đã quen với sinh hoạt ăn uống 3 bữa. Sáng bữa phụ, trưa và chiều tối bữa chính. Nhưng hồi tôi còn bé, cho đến hết những năm 60, ở nhà quê (miền Bắc, vùng Hải Phòng quê tôi) chỉ ăn 2 bữa thôi. Bữa sáng vào lúc 5 rưỡi hoặc 6 giờ, bữa chiều tầm 12 giờ rưỡi hoặc 1 giờ chiều.

Buổi sáng ngủ dậy, đánh răng rửa mặt xong, cả nhà xúm vào mâm cơm. Thường thì mùa hè cũng như mùa đông, thày bu tôi hoặc chị tôi dậy từ sớm tờ mờ nấu nướng. Sau này tôi hỏi thày, sao mình không bắt chước dân thành phố ăn vào tầm trưa cho nó văn minh, đỡ vất vả, thày tôi cười, họ có thứ để ăn sáng nên họ mới ăn vào buổi trưa, còn nông dân sáng mà bụng đói thì chả hơi sức đâu cày bừa, gồng gánh. Phải chắc dạ mới làm được việc nặng. Nghe cũng có lý.

Người lớn sau buổi làm đồng sáng, trẻ con sau buổi học sáng thì lại được ăn bữa cơm chiều. Rồi lại ra đồng, lại đi học. Tới tối, nếu nhà nào có củ khoai củ sắn luộc, hay còn chút cơm nguội (mà cơm nguội thì rất hiếm) chia nhau lót dạ, chờ đến bữa sáng mai. Nhiều lúc ngẫm nghĩ, vị nào dùng chữ “lót dạ” đầu tiên quả là giỏi. Ăn mà có cảm giác chưa hề ăn, lót vào trong dạ một lớp dinh dưỡng mỏng mòng mong, suốt đêm cứ có cảm giác chống chếnh thế nào ấy. Lại khổ nỗi, khoai lang là chúa gây cồn cào nhãi ruột, nhưng không nuốt nó chắc sẽ cồn cào hơn. Những nhà vườn rộng trồng gài thêm củ dong riềng, mình tinh, sắn dây, lâu lâu bới một rổ luộc ăn cũng đỡ phết. Thích nhất có hôm chị tôi hoặc bu tôi chịu khó làm món khoai khô bung nấu nhừ với đỗ đen, thêm tí đường vàng vào, cả nhà cứ vui như tết.

Buổi tối không phải lo chuyện ăn uống, không mất thời gian vào bữa ăn nên tuy đói, bù lại có nhiều thời gian làm việc khác. Mà quả thật sao hồi ấy lắm việc vặt vãnh thế. Chuyện lau bóng đèn dầu hỏa tôi đã kể rồi, nay kể tiếp những điều vớ vẩn khác.

Một việc nữa bắt buộc bọn trẻ con phải làm là rút rơm. Nhà nào nuôi trâu thì rút rơm bỏ vào chuồng cho trâu ăn đêm. Lũ trâu vất vả hơn người, ngày cày bừa, chỉ tranh thủ lúc giải lao được tha thẩn gặm cỏ bờ ruộng, chiều tối tụi trẻ dắt ra bãi Mả Đò hoặc sau chùa Trà gặm thêm chút nữa, còn suốt đêm chỉ trệu trạo nhai rơm. Nhà tôi không nuôi trâu đỡ được khoản ấy nhưng vẫn phải rút rơm bỏ đầy thùng trấu trong bếp để hằng ngày nấu nướng. Có những hôm lười, cốt làm nhanh kịp ra ngoài đình chơi trận giả, rút ít gọi là, chỉ vài ôm, bỏ lồng khồng thùng trấu cho có vẻ đầy, chẳng may đêm ấy mưa sẽ không đủ rơm để nấu cơm nấu cám, thế nào thày cũng trách. Rơm bị ẩm nấu nướng vất vả lắm, không chịu cháy, khói quẩn đặc cả gian bếp. Đến khi lớn rồi, có những hôm phải ngồi bếp mới thấy ân hận, thương thày bu khổ vì con cái không chịu nghe lời.

Rút rơm phải khéo, rút từ dưới lên, rút đều xung quanh. Nhà nào cũng có đống rơm (cây rơm) được đánh rất tròn rất khéo, chặt chẽ chắc nình nịch. Có thế mới chất được nhiều, để dùng suốt vụ, chờ rơm vụ sau. Rơm là nguồn chất đốt chính, mãi về sau hồi đầu thập niên 70 nhà nước bán cho tí than đốt lò, nông dân nấu nướng mới đỡ vất vả.

Mùa đông, cái thùng trấu chứa rơm được anh em tôi biến thành ổ, ngủ trong đám rơm tuy hơi ngứa ngáy nhưng ấm vô cùng, chả cần nhiều chăn như ngủ trên nhà. Ngủ thùng rơm cũng chẳng cần phải rửa chân. Mùa đông mà bắt đi rửa chân trước khi ngủ chả khác gì bị hành tội. Sau này, cái nhà bếp cũ có thùng rơm bị phá đi, sửa thành nhà dưới, bếp làm riêng phía cuối vườn, tôi cứ tiếc mãi chiếc ổ rơm tuổi thơ ấy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét