Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Nhà lý luận

Cũng giống như ở các nước lăn bánh xe vào vệt đường chủ nghĩa xã hội, những nhà lãnh đạo bộ máy cầm quyền Việt Nam rất thích lý luận. Theo họ, lý luận có tác dụng như ánh sáng (câu cửa miệng của họ là: dưới ánh sáng nghị quyết của đảng), như ngọn cờ, đưa đường chỉ lối, là điều kiện đầu tiên và tiên quyết, quyết định mọi thành bại trong thực tiễn. Không có lý luận cách mạng, sẽ không có phong trào cách mạng, họ khẳng định vậy.

Chính vì thế, người cộng sản phải xây dựng cho bằng được những nhà lý luận. Phong trào cộng sản quốc tế đến nay mặc dù đã lụi tàn, hấp hối, đang thở hắt ra chút sinh khí yếu ớt cuối cùng nhưng sử sách có lẽ còn nhớ ít nhiều đến tên tuổi của Karl Marx (Các Mác), Lenin (Lê Nin), Dimitrov, Mao Trạch Đông, Suslov, Hồ Chí Minh… những nhà lý luận “sáng chói” của đường lối này. Ai mà đi chệch một chút sẽ bị cả đám đông lên án là xét lại, bị tẩy chay, bị cô lập, cả khối không thèm chơi, như “tên phản bội” Tito nước Nam Tư thời thập niên 60-70.

Ở Việt Nam, lý luận thực ra cũng chỉ tầm tầm dạng lằng nhằng dây diện chứ chả có gì đỉnh cao, độc đáo, đặc sắc. Nó là thứ lý thuyết bát nháo được đẻ ra từ thực tiễn rồi người ta cố gượng ép tôn lên thành lý luận. Điều nguy hiểm ở chỗ, khi đã thành lý luận rồi thì cả bộ máy cứ thế vận hành theo, cả xã hội phải tuân theo, cả dân tộc phải đi theo, bất biết nó đúng - sai, hay - dở thế nào.

Một trong những nhà lý luận được đảng cầm quyền xứ này tôn vinh là ông Lê Duẩn. Họ vừa tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, vào ngày 7.4.2017, tại ngay chính quê hương ông, Quảng Trị. Đó cũng là thứ hủ tục lâu nay của đảng và nhà nước. Ngày sinh, ngày mất của những nhà lãnh đạo đã chết cứ tới những năm mà họ gọi là năm chẵn luôn được giở ra kỷ niệm, phô trương như một dạng sự kiện quốc gia. Họ gọi là ăn quả nhớ kẻ trồng cây, biết ơn người đi trước, tuy nhiên nói gì thì nói, nó vẫn đậm màu sắc phong kiến cổ hủ. Dàn lãnh đạo cứ càng ngày càng đông, kẻ sau nối tiếp người trước, với cái đà kỷ niệm này, đến một ngày nào đó họ sẽ phải kỷ niệm quanh năm suốt tháng.


Ông Lê Duẩn là người thế nào, rồi lịch sử sẽ phán xét. Nếu chỉ tin vào bộ máy tuyên truyền của đảng thì quả thật đó là con người xuất sắc, toàn diện, đỉnh cao, công ơn trời biển, có lẽ chỉ xếp sau cụ Hồ. Những ai sống trong mấy thập niên 60-80, đều biết về ông Lê Duẩn, chịu ảnh hưởng, bị tác động bởi những chủ trương, đường lối, lý luận của ông. Ông một thời được tôn vinh là nhà lý luận số 1 của đảng, đánh bạt cả ông Trường Chinh. Cặp bài trùng Lê Duẩn (lý luận, lý thuyết) - Lê Đức Thọ (hành động, thực hành) đã làm mưa làm gió, thao túng một giai đoạn khá dài trong lịch sử đau thương của dân tộc.

Người đời nhân vô thập toàn, chả có ai tròn trĩnh. Mặt trời còn có vết đen, ngọc họ Hòa còn bị tì vết, sao người ta lại cứ muốn tô vẽ cho ai đó mười phân vẹn mười. Nghe diễn văn của ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị ca tụng ông Lê Duẩn, ta có cảm giác vị cố Tổng bí thư này là thánh, là siêu nhân chứ không phải con người.

Dự lễ kỷ niệm 110 năm ông Lê Duẩn có cả ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng cầm quyền. Hồi kỷ niệm 100 năm sinh ông Nguyễn Văn Linh (ngày 30.6.2014 tại Hưng Yên), đích thân ông Trọng đọc diễn văn tưởng nhớ và ca ngợi Chúa tiên. Còn lần này thì không, giao cho Bí thư Tỉnh ủy. Lâu nay ông Trọng vẫn ngầm tự coi mình là cây lý luận, nhà lý luận số 1, chả nhẽ số 1 lại ca ngợi số… 1 nữa. Với việc kỷ niệm ông Linh thì khác, cứ việc ca thoải mái bởi ông Linh là người theo quan điểm thực chứng, lấy hành động làm thước đo nên không ngại đụng chạm gì với… chính ca sĩ. Có lẽ vị kim chúa đã rất khéo léo trong chuyện này, vừa không ảnh hưởng đến huyền thoại về chúa tiên Lê Duẩn, vừa không tổn hại đến thanh danh, vị thế của mình.

Quay trở lại chuyện ông Lê Duẩn. Ông có công với đảng của ông, là người xuất sắc bậc nhất trong đảng ông, điều đó không cần bàn, bởi là chuyện riêng của đảng. Nhưng cứ theo diễn văn của ông Nguyễn Văn Hùng – Bí thư Quảng Trị, bốc ông Duẩn lên tận mây xanh, không dính chút bụi trần, không phạm tí ti sai lầm nào, có công lao trời biển với dân tộc… thì cần xem xét lại.

Trong bài này, việc ông Duẩn ém ở lại miền Nam sau khi ký hiệp định Geneve 1954, rồi đến năm 1957 mới lộn ra Bắc, đề xuất lý luận cách mạng “Về cách mạng miền Nam”, chủ trương chiến tranh, dùng bạo lực, vũ khí để giành chính quyền… tôi không dám bàn đến. Nhưng tôi nghĩ, nó cũng na ná như thứ lý luận của Mao Trạch Đông bên Tàu “súng đẻ ra chính quyền”. Với những người cộng sản, đặc biệt người như ông Duẩn, thì thắng lợi phải xây bằng xương máu, không còn đường nào khác. Coi cái ảnh ông bước xuống cầu thang máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất tháng 5.1975, nhìn kỹ nụ cười của ông, ta thấy vẫn còn nhiều sắt máu của âm khí chưa tan hết.

Tôi chỉ muốn đề cập đến cái “công ơn trời biển” của ông đối với đất nước trong 10 năm ông nắm quyền sau khi chiến tranh kết thúc. Với sẵn niềm kiêu hãnh, kiêu ngạo cộng sản “từ nay đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân thù”, thênh thênh trên con đường lớn chủ nghĩa xã hội, sẽ phát triển và đuổi kịp Nhật Bản, ông đã chỉ đạo áp dụng triệt để thứ lý luận kinh tế mà ông đề ra trong chiến tranh ở miền Bắc. Là người sống, làm việc, chứng kiến tận mắt những gì xảy ra suốt 10 năm đó, tôi có thể khẳng định rằng ông Duẩn, nhà lý luận hàng đầu, và những đồng chí của ông đã phá nát nền kinh tế cả nước, đặc biệt là nền kinh tế cực kỳ phát triển ở miền Nam, trong suốt 10 năm ông cầm quyền.

Những ai đã sống ở miền Nam trước năm 1975 đều biết kinh tế tư bản miền Nam thời ấy phát triển tới mức nào. Gần như hàng đầu Đông Nam Á. Hàng hóa ê hề, hầu như thứ gì cũng có, tiêu dùng dư thừa. Các nhà lý luận, tuyên truyền của miền Bắc mỉa mai gọi đó là nền kinh tế phù hoa, giả tạo, là bơ thừa sữa cặn của Mỹ, là nhờ vào vũ khí Mỹ, ôm chân Mỹ. Đầu năm 1977 vào Sài Gòn, tôi không hiểu nó phù hoa giả tạo ở chỗ nào. Một nền sản xuất phục vụ con người, thứ gì cũng có, đủ các loại nhà máy, xí nghiệp, từ sản xuất vải vóc, bánh kẹo, đường sữa, xe đạp, mì gói, xà phòng bột giặt, mỹ phẩm, giấy, động cơ máy nổ, quạt điện, thậm chí cả ô tô, tủ lạnh. Mỗi thứ hàng hóa không chỉ có 1 nhà máy sản xuất (như ở miền Bắc) mà rất nhiều, cạnh tranh nhau, chất lượng tốt. Ví dụ dệt may có Vinatexco, Vimitex, Tái Thành, Đông Á… Tôi hỏi những đồng nghiệp của tôi từng ở miền Nam trước 75, dạo ấy có thiếu thốn gì không, họ cười, chỉ sau “giải phóng” họ mới biết khái niệm “thiếu thốn”. Lương giáo viên, ăn uống thoải mái, dành dụm trong 2 tháng là mua được chiếc xe Honda dame của Nhật thì thiếu thốn làm sao được. Vải vóc do các nhà sản xuất trong nước làm ra bán đầy trong các cửa hàng, hoàn toàn không liên quan gì đến sự “hà hơi tiếp sức của đế quốc Mỹ”, muốn mua bao nhiêu cũng có. Phù hoa giả tạo mà lại như thế ư.

Sống bao nhiêu năm ở miền Bắc tôi từng chịu sự thiếu thốn thế nào. Cắn răng mà chịu bởi hiểu rằng đang chiến tranh, sống với niềm hy vọng “Còn non còn nước còn người/Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Đến khi thắng rồi, chỉ thấy những dòng người ùn ùn “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận Hàng”. Suốt vài năm đầu sau 1975, dòng chảy vải vóc, đường sữa, mì chính, xe đạp, xà phòng, kem đánh răng, búp bê… ào ạt tuôn ra Bắc. Năm 1975, lúc còn sinh viên, tôi có hai ông bạn cùng lớp là Hoàng Thanh Chương (quê Quảng Trị), Lương Ngọc Bính (quê Quảng Bình) tranh thủ vào Nam, khi ra đem theo những mảnh vải may quần tây oxfor đẹp đến mức đứa nào nhìn thấy cũng xuýt xoa. Nhưng kho hàng miền Nam không phải là vô tận, và nhất là nền sản xuất vốn rất phát triển nay bị đường lối lý luận kinh tế của ông Duẩn phá tan tành nên hàng hóa mau chóng bị vét sạch. Từ chỗ đầy đủ, dư thừa, miền Nam nhanh chóng rơi vào nghèo đói, “phát triển” bằng miền Bắc, bị kéo lùi lại mấy chục năm. Đến khi những nhà cai trị hồi tỉnh lại, nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn bởi cái nền kinh tế ấy đã mất gần hết sinh khí, rệu rã quá rồi, thành cái xác thập tử nhất sinh, không thể phục hồi ngay được. Lại phải trả giá thêm cả chục năm nữa mà họ là “đổi mới”.

Đứng đầu một thể chế, một bộ máy cầm quyền khiến đất nước ngày càng lùi lại so với thế giới, để một dân tộc bị chia rẽ, một cộng đồng ngày càng nghèo đói, cái “công” ấy có gì mà ca ngợi, lý luận ấy có gì mà hàng đầu, xuất sắc. Nhưng người có quyền, lại có súng trong tay, nắm chặt giới truyền thông thì họ muốn nói gì, muốn ca ai mà chẳng được.

Đó là một phần thực chất lý luận của ông Lê Duẩn mà nhà cai trị cố tình giấu đi.

Nguyễn Thông



4 nhận xét:

  1. Hỡi đám "dư lợn viên"! Hãy đọc bài viết này của chú Thông mà tự hổ thẹn và sám hối đi là vừa!

    Trả lờiXóa
  2. đảng ta là trí tuệ là văn minh , hơn gấp 100 lần bọn tư bản giãy chết , vậy mà có đéo thằng nào chịu ở thiên đường xã hội đầu , bọn nó toàn qua các nước tư bản giãy chết sống , đúng là lũ ngu , quân mọi rợ !!!!!

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài này lại cứ tưởng bài trên báo chính thống năm 2025.

    Trả lờiXóa
  4. Chính cái "loa phường" luôn nói "Phù hoa giả tạo" đã làm cho anh hai lúa hồi đó khi còn chiến tranh chỉ mong ra Bắc để mua cái XE CẢI TIẾN, vì nghe "loa phường" hàng ngày ca ngợi hết lời về sự tiện ích vạn năng của nó trong SX hợp tác xã nông nghiệp ở Bắc kì .Lí luận kinh tế của LD là cả huyện nhập thành 1 công trường nông nghiệp, rồi thì Nghệ An phù họa: mo cơm với tấm lòng cộng sản ... gạo trong Nam dân xài không hết, chăn nuôi lợn cũng dư thừa, sợ để mốc cứ thế mà ùn ùn chở ra Bắc để dân Bắc ăn hộ kẻo "phí". Thời LD cứ thế tiến cho đến lúc thúc đẩy kinh tế miền Nam ngang hàng với miền Bắc như bây giờ ... Anh Thông ơi, nhắc đến đám ní nuận đó mà hãi! Thà nói thật lòng như TBT Trọng "chưa biết cuối thế kỉ này cnxh hình hài thế nào" còn hơn.

    Trả lờiXóa