Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Chống lãng phí: Chỉ thị một đằng, thực hành một nẻo

Giữa bao nhiêu sự kiện thời sự nóng hổi diễn ra trong nước và trên thế giới, thì dư luận cũng rất quan tâm, bức xúc trước tình trạng lãng phí, xa hoa, chuộng hình thức xảy ra nhan nhản ở đất nước này. Đủ cả ngoài Bắc trong Nam, vùng núi đồng bằng, vùng sâu vùng xa, đô thị trung tâm lẫn tỉnh lẻ. Hình như lãng phí xa hoa đã thành dịch, thành thứ bệnh khó chữa.

Trước khi bàn về chuyện này, có lẽ cần nhắc lại bản chỉ thị chưa phải lâu lắc gì mà Đảng đã ban hành. Đó là chỉ thị của Ban Bí thư về tiết kiệm, chống lãng phí do ông Lê Hồng Anh – Thường trực Ban Bí thư ký ngày 21.12.2012. Không phải ngẫu nhiên mà tới thời điểm đó đảng đặt ra vấn đề chống lãng phí bởi như trong bản chỉ thị có viết “Thời gian gần đây, tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn”. Bản chỉ thị nhấn mạnh “Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể nhân dân và cán bộ, đảng viên cần xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày và nội dung sinh hoạt hằng tháng của chi bộ, cơ quan, tổ chức; cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “tổ chức các ngày kỷ niệm theo hướng tiếp tục tiết giảm quy mô, thời gian tổ chức, bảo đảm thiết thực, thật sự tiết kiệm và có ý nghĩa giáo dục cao”...

Không chỉ tổ chức đảng mà Quốc hội, Chính phủ cũng luôn đặt ra vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, yêu cầu toàn thể cán bộ, nhân dân, các cấp các ngành, từ trung ương tới địa phương phải triệt để thực hiện. Quốc hội đã có hẳn Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ tướng Chính phủ tháng 2.2016 đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nói một cách ngắn gọn, tiết kiệm và chống lãng phí là quốc sách, không phải nghi ngờ gì nữa.

Điều đáng lo ngại, pháp luật, chỉ thị, chương trình là vậy nhưng việc thực hiện, thi hành trên thực tế ở mọi lúc mọi nơi lại rất tùy tiện, trớ trêu, lôm côm, thậm chí cố ý làm ngược lại.


Chỉ kể những vụ gần nhất cũng đủ khiến ai có chút ý thức chăm lo cho đời, cho dân cho nước phải giật mình.

Tỉnh Vĩnh Phúc không phải tỉnh nghèo nhưng cũng chưa được xếp vào thứ hạng giàu có, nổi trội. Để kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh (từ năm 1996 trở về trước bị sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú), lãnh đạo tỉnh đã thực hiện hẳn một chương trình hoành tráng, tốn phí không thể tả: Chi gần 65 tỉ đồng chỉ để mua ấm chén làm quà lưu niệm; tổ chức lễ kỷ niệm đón tiếp hơn 3.000 đại biểu và mở tiệc riêng chiêu đãi 1.075 khách mời tham dự. Đương nhiên đã long trọng như thế thì phải chi tiền cho các khoản băng rôn biểu ngữ, cờ đèn kèn trống, tập dượt đội ngũ, ăn uống tiệc tùng, quà cáp phong bì cho khách ra về… Vụ này đang còn nhiều ẩn khuất mù mờ, trong đó ngay cả việc nại ra đối tượng tặng ấm chén gồm cả dân chúng nội tỉnh để làm bình phong nhưng làm gì mà những 65 tỉ tiền ấm chén, rồi phần chi cho lễ tiết hội hè, ăn uống quà cáp, phần hao hụt thâm lạm (không thể không có)… là bao nhiêu? Cả trăm tỉ đồng ngân sách chỉ ném vào cuộc bày vẽ kỷ niệm như vậy, không khiến dân bức xúc mới là lạ. Đời sống dân chúng tỉnh trung du này còn đầy khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh “vô tư” ném tiền qua cửa sổ, chơi sang kiểu đại gia, quả thật không hiểu nổi. Mong sao cơ quan Kiểm toán Nhà nước, các cấp thanh tra nhanh chóng vào cuộc và làm rõ vụ “công tử Bạc Liêu miền trung du” này. Nhân đây cũng nhắc lại, chính tỉnh Vĩnh Phúc đã “tiếng dữ đồn xa” với dự án xây văn miếu thờ Khổng Tử tốn hơn 270 tỉ đồng. Nếu 63 tỉnh thành cả nước mà “noi gương” Vĩnh Phúc thì công cuộc phát triển kinh tế, an sinh xã hội của chính phủ hỏng mất.

Từ vụ Vĩnh Phúc, cũng xin lưu ý rằng ở nước ta cách đây hơn hai chục năm từng diễn ra cuộc sáp nhập rầm rộ các tỉnh lại với nhau với suy nghĩ để làm ăn lớn thì tỉnh cũng phải lớn. Lớn dạng 3 tỉnh chập một như Bình Trị Thiên, Hà Sơn Bình, nhỏ cũng cứ phải 2 tỉnh gộp lại thành Thuận Hải, Hậu Giang, Nghệ Tĩnh, Bắc Thái, Hà Tuyên, Cao Lạng, Phú Khánh, Hải Hưng, Quảng Nam-Đà Nẵng, Cửu Long, Minh Hải, Sông Bé… Nhập chán rồi lại tách. Tỉnh nào cũng đòi kỷ niệm tái lập (sửa chữa một sai lầm thì kỷ niệm cái nỗi gì), cũng ấm chén quà tặng, cũng ăn uống tiệc tùng hàng nghìn khách… thì tiền núi cũng không đủ thỏa mãn cơn khát lãng phí hình thức ấy.

Không chỉ lãng phí dạng mít tinh hội hè băng rôn cờ phướn, nhiều địa phương rất “giỏi” nghĩ cách xài tiền vô tội vạ. Họ đưa ra đủ thứ lý do để lọt tai cấp trên, để dân chúng mất cảnh giác. Có vẻ như tất cả chỉ “vì địa phương thân yêu”, vì bộ mặt tỉnh nhà, “vì tương lai con em chúng ta”… nhưng thực ra là vì sự hãnh tiến rởm, vì thói đua đòi, và vì tiền nữa. Nhìn chiếc cổng kim loại như núi sắt khổng lồ chặn ngang quốc lộ 18 án ngữ đầu tỉnh Quảng Ninh, người đi đường tự hỏi không biết người ta dựng chiếc giàn mướp bề thế này để dọa ai. Chớ có lý sự kiểu ngày xưa ở bên nước Pháp kỹ sư Eiffel xây chiếc tháp sắt được coi là biểu tượng Paris bây giờ, lúc ấy hiếm gì lời ra tiếng vào. Cũng chỉ mong sao cái cổng biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh vài chục hoặc vài trăm năm nữa nổi tiếng như tháp Eiffel, chứ bây giờ thì nó là cọng sắt chọc vào mắt người đời. Tạm không bàn đến giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật của chiếc cổng vĩ đại (ở một nước từng có bao nhiêu chiếc cổng làng đẹp đẽ, duyên dáng, gần gũi), chỉ nói rằng lãnh đạo vùng than đã vung tay quá trán, coi tiền như rác với khối sắt gần 200 tỉ đồng này. Mà cũng xin nói thêm, Quảng Ninh không phải tốp giàu trong nước, thậm chí công nhân mỏ đang phải sống nghèo khi khai thác than càng ngày càng lỗ.

Chẳng chịu thua kém Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, vùng lúa Thái Bình vừa công bố dự án xây tháp biểu tượng, tất nhiên là biểu tượng tỉnh, chi phí dự toán chỉ tròm trèm… 300 tỉ đồng. Giả dụ Thái Bình mà giàu như Monaco, Hồng Kông, tiền nhiều như vỏ hến, thì ai chẳng thích. Hà Nội đã có biểu tượng Tháp Rùa hoặc Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Sài Gòn có chợ Bến Thành… thì Thái Bình cũng phải có biểu tượng chứ. Những nhà lãnh đạo tỉnh không hài lòng với biểu tượng cây lúa Thái Bình lây nay âm thầm trong tâm thức cộng đồng, họ muốn phải thật cụ thể. Mà cụ thể thì phải xây. Càng to càng hoành tráng càng tốt. 300 tỉ đồng chứ bao nhiêu. Cây lúa Thái Bình sau bao năm vất vả nuôi người trong nghèo đói và chiến tranh giờ lại oằn xuống để gánh khoản khoe mẽ này.

Kể ra thì biết khi nào mới hết. TP.Hải Phòng đã phải dẹp dàn nhạc nước tai tiếng trên sông Tam Bạc, sơ sơ ném xuống đáy sông hơn 200 tỉ đồng, rồi đường hoa “Pikachu” sém 60 tỉ (xin nhớ thành phố cảng này cũng vừa khởi công 2 cây cầu quan trọng nối khu vực 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, mỗi cầu chỉ hết khoảng 170 tỉ đồng mà suốt mấy chục năm mới thu xếp được vốn để làm, dù biết cây cầu là cực kỳ cần thiết cho dân sinh, cho sự phát triển ngoại thành). Báo chí cũng nhắc đến Cần Thơ đã xin Trung ương cho làm tượng đài 200 tỉ, Sơn La cũng từng định làm quần thể quảng trường có… 1.400 tỉ đồng. Kể bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu. Dù tiền chi từ ngân sách hay tiền mà người ta gọi là “xã hội hóa” thì cũng là tiền, có được từ mồ hôi nước mắt, công sức lao động vất vả của người lao động. Ném tiền, đốt tiền như thế là tội ác chứ không phải chỉ là sự lãng phí.

Chỉ mong sao những luật, chỉ thị, nghị định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cấp cao đi hẳn vào cuộc sống, được thực hiện tức thì, ráo riết, triệt để, hiệu quả chứ đừng “trên bảo dưới không nghe” coi thường như vậy. Không biết tiết kiệm, cứ cố tình lãng phí thì dù gắng mấy chăng nữa thì cũng chỉ như gió vào nhà trống mà thôi.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Vào thời nào cũng vậynếu không có người dựng xây nhũng công trình kì vĩ để lại cho hậu thế ,thì chúng ta chẳng bao giờ có Kinh thành HUẾ,tháp CHĂM, CHÙA Trăm gian vv..chả biết tôi nghĩ như vậy có đúng không song thời nay nhìn những công trình được cho là kì vĩ, xét về mặt nào nó cũng thiếu đi một gì đó,hay là mình không có tâm có tầm chăng,.mong các ông chỉ giáo,NGƯỜI ĐỌC.

    Trả lờiXóa