Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Tếu táo cùng cháu cụ Nam Cao

Ấy là tôi cứ hơi bị nhiễm cái thói thấy người sang bắt quàng làm họ nên lôi cả cụ cha đẻ của anh Chí Phèo vào. Nhưng không phải không có lý do. Người mà tôi đang định nói tới đây chính là Trần Quốc Quân, bạn tôi. Y là con giai một người khá nổi tiếng, nguyên mẫu của cụ giáo San trong cuốn truyện Sống mòn chả mấy người không đọc, và đương nhiên cụ tác giả Nam Cao Trần Hữu Tri là nguyên mẫu cho anh giáo Thứ. Hai ông giáo sống mòn đi, rỉ đi, mục ra, không có lối thoát trong một xã hội bế tắc. Cả hai họ Trần, là anh em họ. Vậy nên nói ông bạn tôi, Trần Quốc Quân, là cháu cụ Nam Cao cũng đúng rồi.

Y từ Ba Lan về nước lần này do dính nợ… văn chương. Đang là doanh nhân thành đạt, làm ăn thuận lợi, bỗng một ngày nổi máu trội gien văn chương của ông bác họ, cứ thế cắm cúi viết. Bê trễ nhãng cả kinh doanh, nghe nói vợ nó mắng cho. Vậy nhưng vẫn không chừa. Hì hục viết. Đăng trên Phây búc, nhiều người đọc khen hay. Có đứa xui thế thì làm văn chương đi, tội gì bỏ uổng. Lại cắm cúi viết, chỉnh sửa cho ra dáng đứa con tinh thần. Vợ nó lại cằn nhằn. Trên đời này, vợ nào mà chẳng cằn nhằn, mắng mỏ chồng. Phớt tất. Cuốn tiểu thuyết Tuyết hoang ra đời trong cái bọc sinh nở như vậy.

Quay lại chuyện lần này, y đẻ cu con thứ hai trong đời văn chương. Kỳ sinh sau, con rạ nên dễ dàng hơn so với con so Tuyết hoang. Quân quẩy gánh văn về, cuốn tiểu thuyết hoạt kê Bóng làng, Nhà xuất bản Trẻ in và xuất bản như đợt đẻ đầu. Nghe y nói, buổi giới thiệu ở Hà thành cuối tháng 4 vừa rồi, tại phòng lễ của Thư viện Hà Nội trang trọng lắm, đích thân lão Phạm Xuân Nguyên đầu bạc giới thiệu. Sách bán chạy, đến nỗi có đứa bạn tôi ở thủ đô nghe lào xào về cuốn Bóng làng, chạy vội ra phố sách Đinh Lễ gần hồ Gươm tìm mua, mỏi mắt mỏi chân không thấy bèn nhắn tôi nếu Sài Gòn sẵn thì mua hộ thị một cuốn. Không thấy nói gửi tiền, hì hì.


Tôi đùa gọi Quân là nhà văn trẻ dù y đã U60. Có những người anh hoa phát tiết cuối đời mà thành công lắm, cứ gì phải từ thời trẻ trai. Trong vòng 3 năm, y ra 2 cuốn tiểu thuyết dày dặn thế, đọc rất vào chứ không phải loại nhàn nhạt tầm tầm, chứng tỏ sức văn cũng ghê gớm. Hai đứa ngồi với nhau, tôi bảo y viết in ít thôi kẻo tinh hoa sức lực lại theo ra chữ hết, chết non mất. Nói xong nhìn sang thấy cái đầu y tóc đã 8 phần trắng, lơ thơ như đầu Đỗ Phủ (Nghĩ nhiều nên tóc rụng mau/Lơ thơ mấy sợi cài nào được trâm) thì nghĩ mình khuyên nhầm. Quỹ thời gian U60 đâu có còn nhiều, viết được bao nhiêu cứ viết hăng vào. Lại khuyên y như vậy.

Cuốn này, y nhất quyết đặt tên là Bóng làng. Y cũng như tôi, cái tạng người nặng tình quê hương. Đi đâu cũng đem quê theo. Làng Trà Phương của tôi, nhiều lúc lẩn thẩn nghĩ, có viết về nó mãi cũng chả hết chuyện. Làng Đại Hoàng (tức làng Vũ Đại) của Quân cũng vậy. Quân thấy đầy đủ bóng dáng làng mình trên đất Ba Lan, trong những con người đủ cả hỉ nộ ái ố, hay dở, tốt đẹp xấu xa, cao thượng tầm thường… Nghĩa là đủ hết.

Tôi thích cái tên Bóng làng. Ta đều biết, làng là đơn vị hành chính nhỏ nhất, thấp nhất ở xứ mình. Có nơi, tùy theo vùng miền, còn gọi là thôn, ấp. Làng gắn với con người sâu đậm, chặt chẽ hơn bất kỳ đơn vị hành chính nào. Trong tâm thức người Việt xưa, làng tức là nước, nước tức làng. Ta hay nói làng nước chứ có bảo xã nước, huyện nước bao giờ. Khi la lên trong lúc tuyệt vọng, cầu cứu, ta cũng la “ối làng nước ơi”. Nhạc sĩ Văn Cao viết Làng tôi "làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung", Hồ Bắc cũng viết Làng tôi "làng tôi sau lũy tre mờ xa, tình quê thân yêu những nếp nhà", sách lớp 1 còn tả cụ thể “Lũy tre xanh xanh/làng tôi làng anh/cùng giống nhau nhỉ/có lũy tre xanh/có chim vàng anh/có con sáo sậu/nó hót thanh thanh”… Tôi bảo Quân, ông viết về làng, bóng làng nhưng là bóng nước đấy, tình làng tức là tình nước đấy. Y cười. Sáng mai y lại lên tàu bay đằng vân về Ba Lan, có nhẽ món hành lý đầy nặng nhất không phải là đám va li túi xách khủng khiểng ngổn ngang kia mà là những hồn quê, tình làng nước vừa được y bổ sung, thâu nạp, để chuẩn bị ra đời những bóng làng mới trong cuộc mưu sinh tha hương nơi xứ người.

Cái làng mà Quân đặt tên trong Bóng làng là làng Lành. Tôi lẩm bẩm, tay này có lẽ đứng hàng thứ năm hoặc thứ sáu gì đây, sau khi người ta biết làng Vũ Đại của cụ bác Nam Cao nhà hắn, làng Chợ Dầu của cụ Kim Lân, làng Kông Hoa của bác Nguyên Ngọc, làng Mực của bác Nguyễn Chí Trung, có thể kể thêm cái làng Nhô của anh Nguyễn Quang Thiều, giờ tới làng Lành của Trần Quốc Quân chăng. Tôi thầm mong ai đó có tài có tâm, có sự tử tế, tiếp tục bổ sung vào danh sách tên làng trong văn chương một cái làng vừa nổi tiếng không chỉ ở xứ ta mà vang ra nhiều nơi trên địa cầu: Làng Hoành xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đó là nguồn chất liệu tuyệt vời cho văn học nghệ thuật.

Ngồi nghe Quân và MC Lệ Chi duyên dáng hoạt khẩu giới thiệu Bóng làng, tự dưng trong lòng vang lên hai câu thơ của Thôi Hiệu trong danh tác Hoàng Hạc lâu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Ngày đã về chiều, chả biết quê hương đang nơi nào/Khói và sóng trên sông khiến lòng ta buồn), nhưng tôi nghĩ, với Trần Quốc Quân, ông bạn tri kỷ, “nhà văn trẻ” nặng tình với làng xóm quê hương này, với Bóng làng, thì nghĩ tới làng là ta thêm một niềm vui.

Nguyễn Thông



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét