Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Một sáng thơ ấm áp giữa Sài Gòn

Sáng 16.5. Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, Sài Gòn. Con phố nhỏ nối từ cạnh sườn nhà thờ Đức Bà-Vương cung thánh đường tới đường Hai Bà Trưng bữa nay đông vui tấp nập hơn hẳn mọi ngày. Đường hơi hẹp, ngắn, nhưng lề rộng rãi, san sát ken dày những nhà sách, tiệm sách, quầy sách, sạp sách trang trọng, rực rỡ. Trên giời dưới sách. Hầu như giới xuất bản, phát hành, những trùm sách cả nước đều về tụ hội ở phố này. Khá khen cho những vị nào trong bộ máy chính quyền thành phố đã không đắn đo mà xuống tay ký cái roẹt việc mở con đường sách. Và cũng cần trao huy chương hoặc bằng khen gì đó tưởng thưởng người tìm chọn ra con đường không thể thích hợp hơn giữa muôn trùng đường phố. Đường sách nằm ngay trung tâm Sài Gòn nhưng may hai bên đường chủ yếu là cơ quan công sở, có sử dụng lòng lề đường, thậm chí lấn vào trong chút ít cũng không phải lo tốn kém đền bù giải tỏa, ít làm phiền dân, tránh được sự khiếu kiện phàn nàn mà ta thường thấy khi dính dáng đến đất đai. Du khách khắp nơi đổ về rốn Sài Gòn đây, sau khi thăm thú ngắm nghía nhà Ủy ban thành phố, tượng đài cụ Hồ, phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhà Bưu điện, nhà thờ Đức Bà, chỉ cần rảo vài bước chân là lạc vào đường sách, cơ man là sách, vào cái thế giới văn hóa đầy màu sắc. Nếu ta quen nói với nhau đất trung tâm Sài thành là đất vàng thì riêng đối với phố này, nhất là về giá trị gia tăng để tôn vinh sách, tôn vinh văn hóa, thì đây phải là đất kim cương, đất hổ phách. Một địa chỉ văn hóa độc đáo của Sài Gòn.



Nắng dịu nhẹ trải từng tán lá, khoe lấp loáng khuôn mặt người. Trận mưa chiều qua xóa đi cái oi bức khó chịu vừa kéo dài cả tuần. Gửi xe xong, cái vòng gửi xe thật vất vả, tôi chen qua những đám nam thanh nữ tú, ông già bà cả, vào đến nơi đúng 10 giờ. May tìm được chiếc ghế trống có lẽ cuối cùng. Bấm ngón tay coi thử, 10 giờ sáng là giờ khai mạc (giờ tỵ) đúng vào cung Xích khẩu, chủ về đám tiệc miệng, ngôn ngữ. Đến lúc tiệc tan, ngẫm lại không sai tẹo nào. Đã dự nhiều buổi ra mắt sách nhưng tôi chưa thấy lần nào người hâm mộ thơ đông đến thế. Sức hút của Nguyễn Duy ghê thật. Nghĩ cũng mừng khi trong thời buổi bây giờ người ta kéo nhau tìm đến với nhà thơ và thơ. Nhưng có lẽ phải là Nguyễn Duy và thơ Nguyễn Duy. Tôi có lần nói nếu ai trong đời chưa một lần nghe thi sĩ Nguyễn Duy đọc thơ thì đời còn trống, còn cái lỗ hổng to lắm, nên tìm cách mà lấp lại.

Nguyễn Duy hiền lành ngồi đó, có vẻ hơi e thẹn trước đám đông. Có thể ông không ngờ thiên hạ ưu ái mình như vậy. Ông chỉ mời những bạn bè, đàn em thật thân tình đến dự thôi. Hôm 12.6, tôi được anh Nguyễn Trung Trực (em rể nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) nhắn báo tin về buổi ra mắt sách. Cứ nghĩ thế là mình vinh hạnh lắm rồi. Đến tối điện thoại tít tít 2 đợt, mở ra thì bác Duy nhắn “NT ơi, Nguyễn Duy giao lưu và ra mắt 3 cuốn sách lúc 10 giờ thứ năm 15.6 tại Phương Nam Book, đường sách Nguyễn Văn Bình, Sài Gòn. Thân mời NT tham dự. ND”. Có nhẽ chưa thực sự tin lắm vào sự chuyển tải của nhà mạng, 2 phút sau bác lại nhắn tiếp chính cái thông tin ấy. Con người Nguyễn Duy từ khi tôi biết bao giờ cũng chu đáo, cẩn thận như vậy.



Nhà báo Nguyễn Trọng Chức, một bạn tri kỷ của thi sĩ xứ Thanh, xóa ngay cái phút hồi hộp hơi có vẻ trang trọng rụt rè ban đầu bằng câu chuyện kể về chuyến cùng Nguyễn Duy tham gia đoàn cứu trợ học sinh vùng lũ ở Phú Yên năm xưa. Chuyến đi và vật sản do Nguyễn Tiến Toàn, người nổi tiếng về sản xuất xe lăn cho người tàn tật, tài trợ. Ông Toàn mê thơ, cũng đã ra mấy tập thơ. Về đến nơi xã nghèo ở Phú Yên, các thầy cô giáo biết có bác nhà thơ Nguyễn Duy cùng đi thì mừng lắm. Quên cả thiếu thốn, vất vả, nước lụt, chủ khách hàn huyên trò chuyện thân tình, mấy cô giáo cùng đàn học sinh đang bị lũ lụt hành hạ đã khiến đám khách ngạc nhiên vô cùng khi cả tập thể cùng đồng thanh đọc ngâm cho thi sĩ Nguyễn Duy và đoàn nghe bài thơ Tre Việt Nam không sót một chữ. MC Trọng Chức thuật lại ai cũng xúc động, rồi quay xuống đám thính giả hỏi có phải không ông Toàn. Nhà doanh nghiệp hảo tâm Nguyễn Tiến Toàn cũng đang ngồi đây, gật gật cái đầu. Ông bị bệnh, không nói được. Nhà văn Ngô Thảo đứng lên bổ sung, bảo cuộc đời trớ trêu thật, cái ông chuyên sản xuất xe lăn cho người khác lúc này lại dính với chiếc xe lăn. Hầu như không ai bảo ai, đều quay nhìn về bác Toàn với niềm cảm phục trìu mến.

Tôi nhác điểm mặt những vị khách say thơ trong bữa tiệc thơ này, nhiều gương mặt thân thiết với đời sống văn nghệ như nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Phạm Đình Trọng (ông Trọng còn là bạn lính thông tin cùng đơn vị với chủ tiệc Nguyễn Duy), Trần Trọng Thức, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hưng, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Trọng Chức, Lê Thanh Phong, Osin Huy Đức, Nguyễn Thị Hậu, Thúy Nga, Lam Điền… Như một buổi hội quân vui vẻ, để tôn vinh thơ, chỉ thơ thôi chứ không gì khác. 



Hành trình thơ Nguyễn Duy trải theo thời vận long đong và vinh quang của làng quê cùng đất nước. Thơ ông ngân lên từ bờ tre gốc rạ, con cáy con còng, từ những mảnh đời khốn khó của người nông dân, từ làng quê nghèo xứ Thanh của ông. Ông viết về mẹ, cha, bà, vợ, con, về đền Sòng, đò Lèn, cầu Bố, sông Mã, đình Gia Miêu (thờ chúa Nguyễn), về những năm tháng cày bừa cấy hái đánh vật với trời. Ông thủ thỉ “Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo/Quen cái thói hay nói về gian khổ/Dễ chạnh lòng trước cảnh thương tâm”. Ông tự nhận mình là con người hoài cổ. Thơ Nguyễn Duy khắc họa về làng quê và con người làng quê, đau đáu với làng quê, ngay cả khi xa làng lẫn khi đứng trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Với ông, “làng ta ở tận làng ta”, vì vậy mỗi bài thơ như một lát cắt lịch sử, mà nếu ta tỉ mỉ kỳ khu chắp nối lại sẽ có một bức tranh khá đầy đủ về xã hội đương thời.

Là người đi qua 3 cuộc chiến tranh, tham gia trực tiếp cả những ngày đánh Mỹ, chống quân Khơ Me đỏ xâm lược ở biên giới Tây Nam, quân bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía bắc, thơ Nguyễn Duy mở rộng biên thơ ra từ làng đến nước, từ những tâm sự tình cảm cá nhân sang những vấn đề thời đại. Không tách rời làng - nước, chuyện đời - thế sự, cái riêng - cái chung. Tất nhiên vẫn dưới hình thức thơ. 



Hết phần “làng” sang phần “nước”, Nguyễn Duy đọc bài thơ Đứng lại viết năm 1971 khi ở mặt trận chảo lửa Quảng Trị. Ông tâm sự cũng nhờ đợt thay quân mà còn sống đến giờ để đứng ở đây, chứ không cũng xong đời vào mùa hè đỏ lửa 1972 rồi. Bài thơ đại loại nội dung rằng "tôi" (Nguyễn Duy) xách AK đuổi theo một tên lính bảo an quân đội Sài Gòn. Chỉ cần 1/10 giây bóp cò súng là nó sẽ toi nhưng tôi cứ đuổi theo nó. Vừa đuổi vừa thoáng nghĩ nếu nó xách AR15 đuổi mình thì cầm chắc mình chết, vậy đuổi làm gì. Rồi vẫn đuổi, bắt sống được nó giải về. Cứu được một mạng người. Kể tới đó, nhà thơ tâm sự, chỉ với bài thơ này mà bị đủ tầng đủ lớp phê bình kịch liệt, rằng nhân đạo tiểu tư sản, nhân đạo chung chung, mất lập trường cách mạng... phải làm tự kiểm, giải trình mãi, cuối cùng do đang đánh nhau ác liệt nên người ta mới tha cho.

Tôi lẩn thẩn nghĩ may nhờ cách mạng mở lượng khoan hồng với Nguyễn Duy mà chúng ta mới có thêm được những bài thơ nổi tiếng của ông như Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa Tổ quốc, Nghe tắc kè kêu trong thành phố, Ông già Hậu Giang, Lên mặt trận ngày đầu, Vợ ơi...

Bữa tiệc thơ có những chi tiết thật thú vị. Nhà văn Ngô Thảo kể về những ngày đám sinh viên văn khoa Trường Tổng hợp Hà Nội hồi còn sơ tán. Nguyễn Duy là anh chàng xuất sắc nhất đám nhưng cuối cùng lại long đong vất vả cũng nhất luôn. Ông bảo rằng chúng tôi chỉ hơn ông Duy về vật chất thôi chứ suốt đời phải lẽo đẽo chạy theo ông ấy. Người ta bỏ quê đi xa chả mấy ai được quê hương chào đón trở về đâu, chứ ông Duy thì khác, không chỉ nồng nhiệt đón mừng mà còn dựng cả bia đá để khắc ghi.



Liên quan đến một số thi phẩm của Nguyễn Duy cũng nẩy ra ối điều hay. Bài Lên mặt trận, ngày đầu Nguyễn Duy viết ở Đồng Đăng, Lạng Sơn ngày 18.2.1979 khi chứng kiến những đoàn quân lên đường ra trận và cảnh người dân chạy giặc. Đôi mắt trẻ thơ ngồi trong quang thúng mẹ gánh gồng chảy về phía sau làm nhà thơ trăn trở, day dứt. Ông kết thúc bài thơ bằng câu “Có cái nhìn như sỏi ném theo tôi”, chả biết biên tập viên báo Văn Nghệ nghĩ sao mà sửa thành “Có cái nhìn như đạn bắn sau tôi”, nhưng lão Trần Tiến nhạc sĩ dựa luôn vào cái ý ấy mà viết thành ca khúc Những đôi mắt mang hình viên đạn. Giọng chùng xuống, nhà thơ nói vừa đủ cho tiệc thơ nghe “Năm 1989, nhà nước kỷ niệm 10 năm chiến thắng biên giới phía bắc, tôi lại được mọi người yêu cầu đọc bài này. Hồi đó người ta còn làm cái việc kỷ niệm ngày 17.2, nhưng sau này và bây giờ thì không có một tí gì”. Hay bài Đánh thức tiềm lực, nhà thơ kể, bài này lúc đang bị “đánh” dữ dội, trong một buổi anh em văn nghệ gặp ông Võ Văn Kiệt khi ấy là Bí thư Thành ủy, được Nguyễn Duy đọc cho nghe, ông rất thích nhưng trầm ngâm lắm. Về nhà rồi, ông sai cậu cần vụ tới tận nhà Nguyễn Duy, chỉ yêu cầu mỗi việc là chép lại nguyên văn cho ông. Thi sĩ xứ Thanh hơi hoảng, hay là ông ấy muốn có chứng cứ giấy trắng mực đen để xử lý đây, “thế là tôi chép xong liền ghi thật đậm xuống phía dưới “chép tặng anh Sáu Dân để làm kỷ niệm tình cảm” cho chắc ăn”. Trong một buổi họp cán bộ, ông Võ Văn Kiệt trưng bản ấy ra và bảo “đây là một bản án nhân tình đối với chế độ của chúng ta”.

Phải công nhận Nguyễn Duy dẫn chuyện rất có duyên, thậm chí khiến MC Nguyễn Trọng Chức vốn là tay ăn nói khí phách, hoạt bát cũng nhiều lúc ngồi ngẩn ra mà nghe. Đời người và đời thơ đan nhuyễn vào nhau đến mức tôi cứ tưởng cái mạch này nếu không bị ban tổ chức khống chế thời gian có khi sẽ kéo dài đến tối. Thi sĩ vừa kể vừa đọc thơ, những bài ông viết từ hồi nảo hồi nào, thậm chí cả bài viết từ lúc mới 10 tuổi được đăng báo Thanh Hóa mà vẫn thuộc làu làu. Cuốn phim thơ cứ lần lượt hiện lên: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò Lèn, Cầu Bố, Lời ru đồng đội, Đứng lại, Lên mặt trận, ngày đầu, Ông già Hậu Giang, Nghe tắc kè kêu trong thành phố, Đánh thức tiềm lực… Từ trong đầu tuôn ra, không cần một mảnh giấy. Tôi bấm anh thính giả ngồi bên, hỏi nhỏ anh thấy làm sao. Người bạn say thơ ấy thốt lên kỳ lạ thay cái trí nhớ tuyệt vời của nhà thơ, cứ như có hẳn bộ máy tính IBM với bộ nhớ hiện đại bậc nhất ở trong óc vậy.



Là người đã khá nhiều lần gặp Nguyễn Duy và nghe Nguyễn Duy đọc thơ, với tôi, lần nào cũng như mới, như khám phá chiêm nghiệm thêm những điều mà ta chả thể nào biết hết trong một vài lần được. Và buổi sáng thơ ấm áp giữa đất Sài Gòn này chỉ là thêm những mới mẻ mà thôi.

Hè 15.6.2017
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét