Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Chuyện ngân hàng (kỳ 2, tiếp theo)

Như đã biên ở bài trước, ngân hàng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa những năm trước 1975 ở miền Bắc chủ yếu làm nhiệm vụ giữ tiền, khi nào cần thì phát ra dưới dạng tín dụng. Gọi là cho vay để phát triển sản xuất chứ thực chất cũng chỉ bù đắp được chút ít cho các hợp tác xã nông nghiệp hoặc thương nghiệp lúc khó khăn về tiền bạc, có tạo được chuyển biến gì đáng kể về kinh tế đâu. Chính quyền miền Bắc không coi ngân hàng là một ngành kinh tế, chỉ coi nó là công cụ phụ trợ bởi theo họ kinh tế xã hội chủ nghĩa không cần sức mạnh của đồng tiền.

Hồi ấy cộng đồng vẫn truyền tai nhau quan điểm kinh tế đặc sệt cộng sản của ông Lê Duẩn, vị thống soái của bộ máy cai trị. Người ta kể rằng khi nghe cấp dưới than thở khó khăn do không có tiền, anh Ba kính mến rất bực, anh mắng “tôi hỏi thì nói không có tiền. Không có tiền thì in ra! Tư bản đế quốc nó mới sợ lạm phát, còn chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thì làm sao lạm phát mà sợ”. Có lẽ vậy, sau năm 1975, nền kinh tế đất nước bị chỉ huy điều hành bởi những bộ óc như ông Duẩn nên cứ đi thụt lùi, lùi mãi lùi mãi tới bờ vực, điều đó không có gì lạ.

Mà chẳng phải họ chỉ không coi trọng ngân hàng, có rất nhiều thứ những người quen đánh nhau xem như cỏ rác, vô nghĩa. Tôi còn nhớ chính quyền miền Bắc từng giải tán tất cả trường luật. Họ chủ trương không cần giấu diếm, đã có chuyên chính vô sản, có đường lối sáng suốt của đảng thì cần quái gì luật. Cái trường luật nổi tiếng xứ Đông Dương thời thuộc Pháp từng sản sinh ra những tên tuổi như Phan Anh, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Vũ Trọng Khánh, Vũ Văn Hiền, Hồ Đắc Điềm… bị coi là tàn dư của chế độ thực dân, nên bị giải tán. Bộ máy xã hội khi ấy vẫn có tòa án, viện kiểm sát nhưng người ngồi ghế xét xử chỉ cần là đảng viên có lập trường cách mạng là được, kiến thức pháp luật là phụ. Đảng chỉ đạo xử thế nào thì tòa xử như thế, hiếm khi làm trái (tôi nói hiếm bởi có những vụ tòa án không thể làm theo ý đảng do không có cách nào khép người bị xét xử phải nhận tội, chẳng hạn vụ xử nhân vật nổi tiếng Tạ Đình Đề (cận vệ của cụ Hồ, 2 lần ra tòa) tòa phải tuyên bố trắng án dù đảng rất muốn thành án ông này). Biết bao nhiêu người bị bắt bớ, bị tù đày nhưng không hề được xét xử (vụ Nhân văn giai phẩm, vụ Xét lại chống đảng, vụ Cải tạo công thương nghiệp…) bởi bị bắt tức là có tội rồi, cần gì xét xử. Đã vậy thì không cần luật, không cần trường luật. Mãi tới năm 1974, hình như cảm thấy vậy là quá lố lăng nên nhà nước mới tổ chức thí điểm việc đào tạo ngành luật, nhưng chỉ mở khoa Luật, trực thuộc Trường đại học Tổng hợp Hà Nội chứ không lập hẳn thành một trường. Còn trường đại học Luật mãi sau này mới có.

Quay trở lại chuyện ngân hàng. Dân chúng hạng bình thường hầu hết chỉ biết đến ngân hàng ở dạng quỹ tiết kiệm, tức là đem tiền gửi cho nó để ăn lời. Chơi họ (hụi) có tiền lời cao hơn nhưng quá phiêu lưu. Lỡ con mẹ cầm cái giữ bát họ nó bùng, mất hút con mẹ hàng lươn thì có mà tán gia bại sản. Thôi đành gửi vào quỹ tiết kiệm ngân hàng nhà nước. Nhà nước biết vậy nên siết lãi suất huy động thật thấp, dân cũng phải cắn răng chịu. Khi đồng tiền ổn định thì không sao, lúc nó mất giá, nhà nước đổi tiền thì thành tai vạ. Biết bao nhiêu tấn bi kịch đã xảy ra với người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng nhà nước sau mấy vụ đổi tiền. Chuyện bán cả con bò lấy tiền gửi, lúc rút ra chỉ mua được vài ký thịt là phổ biến. Nhiều người phẫn uất, kêu trời, có những người tiếc của cải, công sức làm lụng suốt đời bị mất sạch đã tự tử. Nhưng chả làm gì được nhà nước. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét