Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Thành ngữ mới: Phồn vinh giả tạo

Hôm rồi, dư luận ồn ào quanh chuyện một nhóm nhà sử học viết bộ sử mới đã không dùng những từ “ngụy, ngụy quân, ngụy quyền, chính quyền ngụy” để gọi chính thể Việt Nam cộng hòa như lâu nay nhà cầm quyền vẫn kết án. Có người bảo đó là cuộc cách mạng về tư tưởng tư duy, báo hiệu một sự thay đổi căn bản. Có người khác bảo họ chỉ làm màu thế chứ thực tâm chả thay đổi gì đâu. Lại có người nói rằng sự thay đổi chỉ cốt lợi dụng tên gọi chính quyền cũ để sử dụng hợp pháp những tài liệu văn bản của Sài Gòn trước năm 1975 về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thôi, nhằm mục đích đấu tranh đòi biển đảo thôi. Lại có ông tướng về hưu hung hăng đòi truy tố mấy nhà viết sử bởi theo ông ngụy muôn đời vẫn là ngụy… Mỗi vị một phách, chả biết thế nào. Cứ sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, dân đen ngoảnh qua ngoảnh lại theo ý các ông các bà ấy chắc gãy mẹ nó cổ.

Tôi định không có ý kiến gì, nhưng đọc thử một vài trang, thấy nhóm biên soạn có “tư duy mới” khi viết về quốc hội của chính thể Việt Nam cộng hòa vẫn lặp đi lặp lại cụm từ “quốc hội bù nhìn”, thì lòng thầm nghĩ họ chả thay đổi gì đâu. Ngấm vào máu rồi, dễ chi thay đổi được. Phải mất vài thế hệ nữa may ra mới có thể “xóa vết thương nội chiến”.

Nhân vụ sử nói trên, lại nhớ hồi viết về cụm từ “bơ thừa sữa cặn” mà tôi tạm gọi là “thành ngữ mới”, một ông bạn chơi với nhau từ hồi cởi trần đánh dậm liền nhắn bảo còn nhiều từ ấn tượng ghê gớm lắm, mày viết nữa đi. Tôi ậm ừ nhưng chưa viết bởi bây giờ tuy không bận đi đánh dậm nữa nhưng còn mải nhặt bạc cắc sống qua ngày. Bữa ni hơi rảnh liền thực hiện lời hứa, nói dăm ba điều về “phồn vinh giả tạo”.

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Phản cách mạng màu

Đang có những quan điểm, ý kiến trái chiều, thậm chí khá gay gắt về việc các bạn trẻ ở một vài đô thị (trong đó có Hà Nội và Sài Gòn) trang điểm đường phố bằng cách vẽ cây cỏ hoa lá sặc sỡ lên các cột điện, nắp cống.

Những người khen cho rằng cần phải khuyến khích động viên việc làm này của thanh niên, dù sản phẩm của họ chưa đẹp, chưa tạo thẩm mỹ tốt nhưng các bạn trẻ có ý thức làm đẹp thành phố, cái tâm của họ trong sáng. Có ý kiến còn thẳng ruột ngựa hơn, bảo rằng thiên hạ đã không làm thì đừng có chê, có giỏi thì đứng ra vẽ thử xem, đã bằng thanh niên chưa mà ỉ ôi này nọ.

Phía chê cũng chả vừa. Khá nhiều họa sĩ chuyên nghiệp, rồi cả những nhà chuyên nghiên cứu về đời sống đô thị, và nhiều nhất là những công dân bình thường, lên tiếng rằng đừng bôi bẩn thành phố, đẹp đâu chưa thấy chỉ thấy lem nhem, mất thẩm mỹ, biến phố phường thành không gian vườn trẻ, nên ngừng ngay trước khi sự khởi động này thành nạn bôi bẩn đại trà, v.v..

Kẻ chê người khen đều dựa trên cái lý và sự cảm nhận của riêng mình, nếu cứ bắt bẻ đúng sai thì cuộc tranh luận chả bao giờ có hồi kết. Chỉ có điều khi lý luận còn đang giằng co như thế thì các bạn trẻ như đứng ở ngã ba đường, chẳng biết có nên tiếp tục vẽ hay ngừng, làm nữa hay thôi, vẽ hay không vẽ.

Chị Hương đã hóa rằm...

XUÂN BA

Chập tối, điện thoại kêu. Chất giọng trầm rè quen thuộc của nhà thơ Nguyễn Duy từ Sài Gòn Này biết gì chưa? Bác Hương vợ bác Hiếu mất rồi…

Sững người. Bàng hoàng. Bệnh u máu quái ác đã cướp mất chị Hương. Loáng nhanh một quá vãng thương mến gần. Chị Hương vợ nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu người nhỏ tanh tách, nhanh nhẹn. Chị kiệm lời vô cùng và chỉ có nụ cười và ánh mắt ấm vui thay cho mọi điều cần nói. Mỗi bận chúng tôi qua Sài Gòn ghé nhà bác Hiếu những ồn ào này khác nhưng bao giờ chị Hương cũng khéo léo tách ra được một khoảng lặng ấm áp của bữa cơm gia đình.

Nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu năm nay đã 76 tuổi quê xứ Thanh, bộ đội đường dây 559 quân của tướng Đồng Sĩ Nguyên sau này vẫn theo nghiệp binh nhưng là quân đội làm kinh tế. Chuyện ông đại tá giám đốc một công ty có số quân lao động kể cả hợp đồng thời điểm cao nhất gần 4.000 con người chuyên gia công giày và đồ may xuất khẩu từng những bươn bả đôn đáo thét lác này khác để Công ty có việc làm và thu nhập là cả một câu chuyện dài. Và dài và lạ nữa khi đại tá Nguyễn Văn Hiếu lặng lẽ trở thành một… nhà thơ! Thơ. Tại sao không? Nhưng chả phải thơ con cóc thơ ở hội hưu hay bảo thọ nào đó. Thơ Nguyễn Văn Hiếu khá chuyên nghiệp. Bằng cớ là ông giật mấy giải của Văn nghệ Quân đội, của Hội nhà văn, của Bộ Quốc phòng bằng những tập thơ tày tặn bắt mắt.

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Chuyện rằm tháng bảy

Năm nay, Đinh Dậu 2017 nhuận những 2 tháng sáu nên tháng bảy tới trễ. Với người trần thế dương gian, nhuận vậy chứ nhuận nữa cũng chả sao, vẫn làm việc ăn uống vui chơi, nhưng với cõi âm thì khác. Theo quan niệm của các cụ ngày xưa, tháng bảy ta (âm lịch) là tháng của vong, của thế giới phần hồn, nên năm nào có tháng nhuận sẽ bắt các vong phải chờ đợi ngày mà họ mong mỏi: ngày được xá tội vong nhân (diêm vương tha tội cho vong hồn, cho người cõi âm) mỗi năm chỉ đúng một ngày. Ngày ấy trúng vào rằm tháng bảy.

Xứ ta nằm trong vùng văn hóa phương Đông, nơi chịu ảnh hưởng sâu nặng của văn hóa Trung Hoa, cả phong tục, tập quán, lễ lạt, đời sống tâm linh, nghi thức cúng bái… nên dường như thời xưa người Tàu có gì thì ta cũng có thứ ấy. Đủ các thứ tết, từ đầu năm tới cuối năm, nào là tết Nguyên đán, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ, tết Trung nguyên, tết Trung thu, tết Táo quân…, rồi thì mùng một (đầu tháng), ngày rằm (giữa tháng) đều cúng kiếng, thắp hương kính cẩn. Tết Trung nguyên tức tết cúng rằm tháng bảy. Còn tại sao gọi là Trung nguyên, hồi tôi còn bé có nghe thày (bố) tôi cắt nghĩa, nhưng giờ quên rồi, chỉ nhớ 3 ngày rằm trong năm ứng với 3 “nguyên” là rằm tháng giêng (thượng nguyên), rằm tháng bảy (trung nguyên) và rằm tháng mười (hạ nguyên). Cùng gắn với cúng rằm tháng bảy là lễ báo hiếu (cha mẹ) có tên chữ lễ Vu lan, vào dịp này con cái thường bày tỏ sự biết ơn, tưởng nhớ đến hai bậc sinh thành mình đã khuất. Hồi tôi mới vào miền Nam sau 1975 được nghe bài hát Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, lời phổ từ bài thơ của nhà sư Thích Nhất Hạnh, thật hay và cảm động, sau mới biết cứ mỗi tháng bảy ta, nhất là dịp cúng rằm tháng bảy hằng năm người ta thường hát bài này.

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Cách mạng 4 chấm không

Vài tháng trở lại đây, ở xứ này ta thường bị nghe tụt vào tai có ai đó nói về cuộc cách mạng 4.0. Họ nói rằng cần áp dụng nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn nữa những thành quả khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số, vào thực tiễn đời sống. Nghe thì cũng có vẻ thời đại phết, bắt kịp bước đi của khoa học.

Tôi cho rằng mấy ông nhà nước chỉ làm màu thế thôi chứ thực tâm chẳng muốn thay đổi, chả số siếc, 4 chấm 5 chấm gì.
 
Ví dụ rõ nhất mà ai cũng biết sự xuất hiện của hình thức taxi dạng Grab hoặc Uber áp dụng kỹ thuật số, đúng là cuộc cách mạng về giao thông, đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt có lợi cho người đi lại, giá rẻ hơn hẳn một nửa so với dùng taxi truyền thống, kiểm soát được giá tiền, thời gian, tuyến đường..., không sợ bị lừa, bị bắt chẹt như lâu nay.
 
Đáng nhẽ chính quyền các cấp phải nhanh chóng thừa nhận cái 4.0 thực chất vì dân ấy thì lại cứ nâng lên đặt xuống, bùng nhà bùng nhùng, dọa non dọa già, cấm cản linh tinh. Rõ như thế mà không làm cách mạng thì còn đòi cái gì. Hay là đợi khi nào tiến lên chủ nghĩa xã hội xong (có một trăm năm nữa chứ bao nhiêu) sẽ áp dụng một thể, làm cách mạng 40 chấm luôn.

Lại nhớ hồi mình còn bé ở quê (miền Bắc) khi dân chúng hồ hởi trước thông tin rằng sắp tới sẽ có máy cày máy bừa, làm ruộng nhanh lắm, vậy mà cũng có ý kiến tranh luận (trên báo Nhân Dân đàng hoàng) nếu cứ cơ giới hóa tràn lan vậy thì trâu bò để làm gì, nông dân tìm đâu ra việc làm...

Các bố xưa nay chỉ thích cách mạng mồm.

Nguyễn Thông

Hưu quan bị hành


Vụ ông cựu Phó tổng thanh tra chính phủ Nguyễn Chiến Bình sau khi cởi áo về làm dân bị bọn BHXH dìm lương hưu, đếch chịu phát, đã có nhiều lời bàn ra tán vào. Nhà cháu chỉ rụt rè thế này:

-Thói đời nó vậy, phù thịnh chứ chả mấy ai phù suy (nếu biết phù suy như Bão Thúc Nha phù Quản Trọng bên Tàu hồi xưa thì đã nên chuyện), đã mang lấy nghiệp làm quan thì khi hết quan phải ráng chịu thôi. (Làm dân thì không bị vụ sốc này bởi dân suy toàn diện, bền vững, chả bao giờ thịnh).
-Hồi bé tôi nghe các cụ bảo "Quan là quan thì quan quàn dân. Con là dân thì con dần quan", bên nào cũng khiếp, hở ra một tí là tìm cách trị nhau.

-Đám BHXH cãi lấy được, biện bạch tại ông cựu phó tổng ấy chỉ cung cấp mã thẻ ATM mà không cung cấp số tài khoản nên không phát lương được, bị chậm 5 tháng là còn ít đấy. Đèo mẹ các chị, người ta khai báo sai thì phải nhắn, phải liên lạc ngay để người ta chỉnh, khai lại cho chính xác, lại còn mở mồm cãi xoen xoét. Người ta mà không kêu, định ngâm ở đó cấp tiền tuất luôn chăng. Cũng do thứ tư duy "mày trước kia là quan nhưng giờ mày hưu rồi, mày là dân, chúng tao chẳng sợ, chúng tao cứ hành đấy, làm gì được nhau". 

-Cả cái ông quan hưu kia nữa, cũng thói lâu nay hét ra lửa, cứ nghĩ chúng phải hầu hạ cầu cạnh mình, nó phải tìm đến mình. Một tháng chậm, thì cũng được đi, nhưng 2 tháng, rồi 3 tháng chậm, nó không chịu phát lương cho mình thì phải đến chỗ nó làm um lên chứ. Các bố quan chức ăn dày, của chìm của nổi, cần đếch gì lương hưu nên mới thế. Chứ tôi á, có mấy đồng bạc ranh, chưa đến ngày bưu điện phát đã thập thò hỏi rồi, phát chậm lại không lành làm gáo vỡ làm muôi ngay với tôi.

-Qua trường hợp ông phó tổng làm dân, có thể thấy bộ máy cai trị này nó chả coi dân ra cái đếch gì.

-Ông Nguyễn Xuân Phúc cứ đòi xây dựng chính phủ kiến tạo, đó, quân của ông mà bộ máy kiến tạo còn hành cho lên bờ xuống ruộng, nói gì thằng dân đen. 

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Một thời võ, một thời văn

Tính lịch âm, bữa ni là mùng 2 tháng 7. Năm Đinh Dậu nhuận những 2 tháng sáu, tức là các vong chờ mãi tới hôm qua mới nhận được tháng cô hồn nơi trần thế.
Hôm 1.7 ta nhằm ngày mất của cụ Trần Độ - Tạ Ngọc Phách cách nay 15 năm. Để biết thêm về cụ tướng văn - võ toàn tài, đức - dũng vô song, nếu bạn rảnh, đọc bài này nhé, của nhà báo Xuân Ba viết năm 1991, 10 năm trước ngày cụ đi.


MỘT THỜI VÕ, MỘT THỜI VĂN

Tôi không quen ông, lại chưa bao giờ giáp mặt ông cả. Vốn hậu sinh, tôi chỉ biết ông nhiều năm là cộng tác viên của báo Tiền Phong, tờ báo nơi tôi tòng sự.

Tiền Phong giữa những năm bảy mươi có đăng gần mươi bài chủ đề bàn về lý tưởng thanh niên và sống đẹp, với bút danh Xuân Hồng. Nhiều bạn đọc đã gửi thư về báo Tiền Phong hoan nghênh loạt bài viết ấy và hỏi thêm: Xuân Hồng có phải là Trung tướng Trần Độ không? Lúc ấy có nhiều lý do chưa tiện công bố công khai trước bạn đọc, Tiền Phong đành “lờ” không trả lời cụ thể mà chỉ nói đó là một cộng tác viên lâu năm và thân thiết của Toà soạn.

Cho tới một bữa gần đây, người phụ trách cơ quan đưa cho tôi cái giấy mời họp có ký tên: Trần Độ. Phía trên chữ ký là chức danh của người ký giấy: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội. Cái nghề báo, hàng ngày tiếp xúc với các loại, các kiểu giấy mời là sự thường nhưng coi kỹ tôi cho đây là một cái giấy mời hơi lạ: Thông qua thuyết trình của Ủy ban Văn hoá và Giáo dục tại kỳ họp thứ X Quốc hội khoá VIII. Nội dung tất nhiên là bình thường nhưng lạ là phần ghi chú: Nếu đồng chí thấy nội dung trên cần quan tâm thì mời tới dự! Có nghĩa là người chủ trì không cho công việc này là bắt buộc mà có nghĩa là đến cũng được mà không cũng chẳng sao!

Tôi đến dự kèm theo một tẹo sự tò mò. Không như tôi nghĩ, nội dung của buổi họp đó khá hấp dẫn. Tôi không phải tường trình ở đây. Khi người ta giới thiệu ông, người chủ trì cuộc họp hôm nay của Ủy ban Văn hoá Giáo dục, quả thực tôi hơi ngạc nhiên Trung tướng Trần Độ, đã bao lần tôi nghe cái danh ấy nhưng bây giờ gặp trông ông chả có tướng, có chất nhà binh tí nào. Ông có chất giọng rủ rỉ vừa nghe mà cũng khúc chiết và lọt tai lắm. Các thành viên Ủy ban những ông Huy Cận, nhạc sĩ Huy Du… đều chăm chú nghe ông, chắc chắn không phải là lịch sự. Tiện có cuốn “Danh sách đại biểu Quốc hội khoá VIII” để trên bàn, tôi lật giở tìm vần “Đ”. Đây rồi, ảnh ông không giống lắm như hiện nay. Trên tấm ảnh là mấy dòng: Trần Độ (Tạ Ngọc Phách) sinh năm 1922. Quê quán: Tiền Hải, Thái Bình (cuốn sách in năm 1987 nên ghi chức danh lúc đó của ông là Trung ương uỷ viên, Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội). Bây giờ ông chỉ giữ chức cuối.

Giáo sư Sơn

Đã dặn lòng rằng đừng để bị lôi kéo vào những chuyện linh tinh nhưng cũng có lúc phải xé rào thực hiện công cuộc đổi mới.

Ấy là chuyện anh thợ hát Ngọc Sơn được "phong" giáo sư. Phải rõ ràng thế này:

-Gọi nhau là giáo sư, đó không phải độc quyền của nhà nước. Miền Nam hồi trước năm 1975, cứ thầy giáo trung học là được gọi giáo sư tuốt lượt, cứ gọi thế thôi, chả cần bằng biếc phong phiếc gì. Có một dạo trên tivi có anh MC tự xưng là Giáo sư Cù Trọng Xoay có ai nói gì đâu.

-Nhiều bài báo cũng như nhiều người vặn lý làm gì có giáo sư âm nhạc, chỉ có giáo sư về lý luận âm nhạc, v.v.. Ôi dào, nó cứ phiên phiến, cũng như giáo sư triết học, giáo sư mỹ học, giáo sư lý luận... chứ nói đầy đủ làm quái gì.

-Cái hội "phong" cho anh chàng Ngọc Sơn làm giáo sư, thực ra nó có phong đâu, nó cứ cắm đầu ghi rất vớ vẩn ra giấy để kiếm tiền, chả cần biết liêm sỉ là gì. Loại hội này đang nhan nhản trong xã hội, chả ai quản, loạn.

-Trên đời này ối ông được nhà nước phong giáo sư, phó giáo sư hẳn hoi nhưng nếu lôi ra vặn vài câu ngoại ngữ là tịt luôn, chứ chưa nói đến chuyên môn. Nhiều ông giáo sư chỉ chuyên về lý luận Mác-Lênin, xây dựng đảng... mới bỏ mẹ bởi thứ ấy bây giờ chỉ tổ kéo lùi xã hội chứ chả béo bổ gì.

-Thú thực tôi chẳng cảm tình với chú Ngọc Sơn tí nào, ăn nói nhiều khi huếnh, ăn mặc chả giống ai (quần áo rắc rối ngù vai, dây kim tuyến lằng nhằng bỏ mẹ) nhưng tôi cũng phục nó giỏi ngoại ngữ (hơn hẳn nhiều bố giáo sư), tốt tính (năm nào cũng phát gạo cho người nghèo)..., trên đời không phải ai cũng được như nó.

-Nói tóm lại ồn ào thứ không đáng.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Chính phủ thuế

Hầu như ai quan tâm đến thế sự xứ này đều biết rằng sau khi ngồi vào ghế nóng thủ tướng, đứng đầu chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã lập ngôn bằng những khái niệm riêng của ông, nổi bật nhất là “chính phủ kiến tạo” và “chính phủ liêm chính”.

Làm lãnh đạo và nói, đó là lối xưa nay của nhiều người, chả riêng gì ông Phúc. Hồi xưa ông Lê Duẩn đi đâu cũng vác theo cụm từ “làm chủ tập thể”, kể cả khi đi thăm trại chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Linh thì luôn luôn đòi “cởi trói, đổi mới”, cả kinh tế, xã hội, văn nghệ, tư tưởng. Ông Nông Đức Mạnh nổi tiếng với “trồng cây gì, nuôi con gì” trong mọi trường hợp, bất kể khi đang ngồi ở hội trường hay đứng trên đồi trọc (do đã phá trụi rừng). Ông Nguyễn Tấn Dũng một thời lừa mị được bao nhiêu người khi câu cửa miệng của ổng là “tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội”. Ông Nguyễn Phú Trọng do xuất thân con nhà nòi lý luận nên sáng tạo được nhiều danh ngôn hơn, nhưng nổi tiếng nhất là “thế lực thù địch, diễn biến hòa bình, suy thoái, tự diễn biến”, vừa rồi lại thêm “ném chuột vỡ bình” và “củi tươi vào lò”…

Quay lại chuyện ông Phúc đứng đầu chính phủ. Thực ra thì đứng đầu chính phủ, nếu ở nước khác, như Nhật Bản, Anh quốc, Thái Lan, Đức, Canada, Singapore chẳng hạn, thì quả là to, rất to, quyền nghiêng trời lệch đất. Trên thì chỉ có vua, nữ hoàng, tổng thống nhưng thực ra mấy vị “minh quân”, tổng thống ấy quyền lực chỉ mang tính tượng trưng, chứ quyền hành dồn hết cho thủ tướng. Có quyền thực sự trong tay nên lời nói và việc làm mới dễ khớp với nhau, biến lời nói thành hiện thực.

Ở xứ ta thì khác. Thủ tướng cũng chỉ là một dạng công chức siêu hạng, phải làm theo sự chỉ đạo, điều khiển của siêu vua, siêu hoàng đế, siêu tổng thống. Đó là đảng. Đảng mới là siêu quyền lực, bắt tất cả mọi bầy tôi phải răm rắp tuân theo. Hồi xưa “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua bảo bề tôi phải chết, bề tôi không chết là không trung), mà đã không trung thì “không quân thần phụ tử đếch ra người” (Nguyễn Công Trứ). Nay nhà nước phong kiến đã xuống lỗ lâu rồi nhưng vua-đảng vẫn khiến trăm họ phải run sợ, nói chi thủ tướng.

Cũng có ngoại lệ. Ông 3X Nguyễn Tấn Dũng làm liên tiếp 2 nhiệm kỳ thủ tướng. Có thể ông ta đọc sử thể chế cộng sản xứ này thấy ông Phạm Văn Đồng (thường được đồng chí của ông gọi thân mật là anh Tô) ngồi ghế thủ tướng những… gần chục nhiệm kỳ, 31 năm đứng đầu chính phủ, mà chả quyền hành gì, chỉ làm bung xung cho kẻ khác, cuối cùng cũng chỉ để lại dấu ấn về một vị thủ tướng hiền lành, trọng tiếng Việt, quý bác Hồ, nên 3X định phải khác chăng. Và ít nhiều ông ta đã khác những người tiền nhiệm, những Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Phạm Hùng…, đã chọc trời khuấy nước, đã suýt nữa hất tung cả vòng kim cô. Tuy nhiên, một gian hùng như ông 3X cũng còn thiếu cơ trời, lại thiếu cả nhân tâm-nhân hòa nữa, nên thất bại là phải. (còn tiếp, viết ngắn cho dễ đọc)

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

Sử và viết sử

Muốn có bộ sử ký thực sự là lịch sử, tôn trọng sự thật khách quan, phải có những nhà chép sử không bị lệ thuộc vào cái gì, kể cả vua.

Một bộ sử mới của những nhà viết sử "ngạch chính thống" đang được công bố mà lại có quan điểm thế này: "Việc Nguyễn Ánh cầu cứu 5 vạn quân Xiêm sang xâm lược nước ta là sai lầm hết sức nghiêm trọng. Chính người anh hùng Nguyễn Huệ đã đánh tan đạo quân ấy" (lời ông chủ biên Trần Đức Cường) thì tôi chả đọc nữa. Cần biết rằng hai thế lực nội chiến đang kình địch nhau, bên nào yếu thì sẽ tìm cách trợ giúp mình, kể cả ngoại viện. Nguyễn Ánh xưa là thế, ông Diệm sau này cũng thế, cộng sản cũng thế (mời cả người, còn gọi là chuyên gia, nhập ồ ạt cả vũ khí từ phe XHCN), chỉ khác tí ti về hình thức trực tiếp hay gián tiếp, nhiều hay ít thôi. Quân Xiêm sang giúp Nguyễn Ánh đánh Nguyễn Huệ chứ không phải sang xâm lược VN. Liên Xô, Trung Quốc thời những năm 60-70 cũng vậy, giúp miền Bắc VN chứ không phải xâm lược. Chính Nguyễn Huệ làm vua nước Tây Sơn từng kéo quân ra bắc xâm lược nước An Nam của nhà Lê thì có (sách Hoàng Lê nhất thống chí cũng từng chỉ rõ điều ấy). Sử đương thời vì theo quan điểm của nhà cai trị ưu ái "anh hùng nông dân khởi nghĩa" nên chỉ tìm cách tô cho đẹp nhân vật mà họ thích, đồng thời bôi xấu đối thủ của nhân vật ấy.

Chúng ta ghi nhận công lao vĩ đại của Nguyễn Huệ lãnh đạo quân dân đánh tan quân Thanh sang giúp Lê Chiêu Thống, ngăn ngừa chặn trước được cuộc cai trị (có thể có) của nhà Thanh lên đất nước này, nhưng phần nội chiến thì phải minh bạch.

Sử không khách quan, không cần xem. Bao giờ có sử khách quan thì xem. Còn bao giờ có thì chưa biết.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Trạm BOT phải dời về đúng chỗ chứ không cần miễn giảm

Khi đất nước vào quá trình hội nhập kinh tế, thu hút sự đầu tư của của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có một khái niệm mới, dưới dạng từ tiếng Anh viết tắt, được sử dụng ngày càng nhiều, phổ biến. Đó là BOT. Đây là viết tắt của cụm từ Build - Operate - Transfe, có nghĩa Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao. Khi cần phát triển đất nước nhưng nguồn tài chính công lại hẻo, khó khăn, thì chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp (tập đoàn, công ty) bỏ vốn xây dựng trước (build, thông qua đấu thầu), sau đó doanh nghiệp được khai thác vận hành một thời gian theo thỏa thuận (operate) và hết hạn sẽ chuyển giao (transfer) lại công trình cho nhà nước. Đại loại nguyên tắc của BOT là như vậy.

Lâu nay có không ít người hiểu phương thức BOT chỉ gắn với giao thông, xây dựng cầu đường. Thực ra BOT có mặt ở nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Làm cái nhà máy điện (nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời) để cung cấp điện năng cho đất nước, cho sản xuất và sinh hoạt, rất cần BOT, nhất là với những doanh nghiệp có kỹ thuật cao, kinh nghiệm về điện. Một số lĩnh vực khác cũng vậy, điều quan trọng là cả hai bên (nhà nước và nhà đầu tư) cùng có lợi, trong đó nhà đầu tư đóng vai người kinh doanh, bỏ vốn ra và thu dần vốn cũng như lãi về. Có lời lãi thì mới làm, không có lời, chả ai dại “ném tiền qua cửa sổ”.

Thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư nhất chính là những dự án BOT giao thông. Một đất nước muốn phát triển nhanh mọi mặt không thể để tình trạng hạ tầng giao thông yếu kém, lạc hậu, manh mún. Đường sá là những mạch máu nuôi cơ thể đất nước, mạch máu càng trôi chảy, thông suốt, không bị ách tắc thì đất nước càng phát triển, kinh tế - xã hội càng mau thay đổi. Thực tế cho thấy những nước đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, thông thoáng, thuận tiện chính là những quốc gia phát triển rất nhanh. Nước ta từ khi hội nhập đã chú trọng xây dựng, làm mới đường sá, cầu cống, sửa chữa nâng cấp đường cũ nên đã có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. Không phải không có lý khi ở một nước nông nghiệp - nông thôn - nông dân chiếm tỷ trọng cao nhất thì 4 ưu tiên “điện, đường, trường, trạm” được hết sức coi trọng, mà đường đứng ở vị trí thứ 2.

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Tư liệu: Bài thơ nhà văn Phùng Quán tặng đàn anh Nguyễn Hữu Đang

Nhà báo Xuân Ba vừa khỏi căn bệnh sốt xuất huyết quái ác đang hoành hành Hà Nội, gửi cho tôi chút tư liệu quý hiếm, đó là một tấm ảnh kèm bài thơ do chính tay nhà văn Phùng Quán chép bằng bút mực. Bài thơ được viết nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của cụ Nguyễn Hữu Đang (15.8.1992), vị thủ lĩnh tinh thần của nhóm Nhân văn-Giai phẩm, con người khí phách kiên cường không chấp nhận cường quyền vô đạo, thà sống lao tù do chính những đồng chí giáng xuống, để trước sau vẫn làm con NGƯỜI viết hoa.

Một chiều chớm đông cùng năm ấy, Xuân Ba tới thăm cụ Phùng Quán tại chòi ngắm sóng đọc thơ câu cá Tây Hồ, được ông chép tặng lại bài này, kèm luôn tấm ảnh sinh nhật có một không hai. Chỉ tiếc rằng những năm đó do điều kiện bảo quản không được tốt lắm nên ảnh mờ nhòe dần, bản bút tích cũng ố vàng, lem luốc.

Tôi không biết bài thơ này, có tên “Cây xương rồng” đã được in ở đâu, trong sách nào chưa, cứ mạo muội đưa lên đây, cho mọi người cùng thưởng thức. Một giọng thơ đậm đặc phong cách Phùng Quán, cũng là phong cách, thi pháp của nhiều nhà thơ nhóm Nhân văn-Giai phẩm, cứng cỏi, gân guốc, sâu lắng ý nghĩa trong từng chữ từng dòng. Nét chữ Phùng Quán cũng thật rắn rỏi, uy nghi, dứt khoát mạnh mẽ, như chính con người ông vậy.

Kỷ luật "nguyên"

Là một công dân, tôi yêu cầu các ông bà đứng đầu bộ máy cai trị này bỏ ngay cái thói kỷ luật kiểu "cách chức nguyên" đối với người nọ người kia đi. 

Thứ nhất, nó đã không còn làm việc nữa, nó hạ cánh rồi, có cách "nguyên" cũng chỉ mang tính tượng trưng chứ tiền bạc nó chả bị ảnh hưởng bao nhiêu, con cháu nó cũng không cần cái danh hão "nguyên này nguyên nọ" nữa bởi thời buổi bây giờ chủ nghĩa lý lịch bị vứt vào sọt rác rồi.

Thứ nhì, đám các ông Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Thái Lai, Bùi Cách Tuyến, Võ Kim Cự... lúc làm sai thì không dám kỷ luật, giờ chúng về làm "người tử tế" rồi, ôm mớ bạc khẳm rồi, mới lôi ra kỷ luật "nguyên", chẳng những chúng không sợ mà còn cười cho.

-Đám cán bộ ấy đều là lính dưới trào Nguyễn Tấn Dũng, hay dở của chúng đều liên quan đến 3X, 3X đều phải chịu trách nhiệm. Mấy ông bà đương quyền bây giờ chỉ đánh vào đuôi con rắn, cứ né mãi cái đầu, thiên hạ cũng cười khinh các ông bà chả ra gì.

Nói tóm lại, tinh làm trò cười. Dẹp đi cho xã hội trong lành được tí nào hay tí ấy.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Bắt chước (phần 2)

Trong bài phần 1 tôi đã kể rằng các thế hệ cộng sản cầm quyền xứ này gần như bê nguyên xi bộ máy tổ chức của Liên Xô hoặc Trung Quốc về nước mình, cứ nhắm mắt nhắm mũi áp dụng, họ có gì thì mình có thế, chả cần xem nó có hợp hay không, nó hay dở thế nào. Cái tâm lý đàn em, nhược tiểu cũng một phần quyết định sự bắt chước này, ngại nhỡ ra các anh thấy khác, không hài lòng thì phiền. Vậy nên, anh có thế nào, em cứ sao chép tỉ mỉ cho đủ cho đúng, bao giờ anh sửa thì em lại sửa theo, anh bỏ thì em bỏ, anh giữ thì em giữ.

Điều rất dễ thấy, về tổ chức đảng, khi Liên Xô quy định tên gọi người đứng đầu đảng là tổng bí thư thì VN cũng có tổng bí thư, lúc Liên Xô đổi thành bí thư thứ nhất thì đảng VN cũng bí thư thứ nhất, Liên Xô chán thứ nhất thứ nhì lại quay về tổng bí thư, VN cũng chán, cũng lại tổng bí thư. Về chính phủ, anh cả gọi là Hội đồng bộ trưởng thì VN cũng Hội đồng bộ trưởng, người đứng đầu hội đồng ấy Liên Xô có chức danh chủ tịch thì ta cũng chẳng kém, cũng chức danh chủ tịch. Liên Xô chán, đổi thành chính phủ, lập thủ tướng, VN vội đổi ngay thành chính phủ, đứng đầu là thủ tướng. Ông Phạm Văn Đồng trong 31 năm đứng đầu chính phủ hết làm thủ tướng lại làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ một ghế. Dường như Liên Xô có thứ gì thì các vị nhà ta phải nhanh nhảu có ngay thứ đó, chẳng cần biết điều kiện, hoàn cảnh của gấu Nga khác ta rất nhiều.

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Bắt chước

Trong tiếng Việt, bắt chước có nghĩa là làm theo người khác một cách máy móc. Đó là hành vi lặp lại những thứ của người khác, sao chép thụ động, chả thể hiện được cái gì của riêng mình, ngoài "tài" bắt chước.

Trong thế giới tự nhiên, con khỉ được xem là vua bắt chước. Ai làm cái gì, nó cũng làm theo, nhưng dù giỏi mấy thì vẫn là trò khỉ. Con vẹt, con sáo cũng bắt chước được tiếng người, thậm chí rất giỏi. Lại nhớ hồi năm 1997 tôi đến thăm nhạc sĩ Phan Vân, tác giả bài hát nổi tiếng “Tình thương mến” thời kháng chiến chống Pháp, trò chuyện để viết một bài chân dung về ông đăng trên báo Thanh Niên, hai bác cháu đang rôm rả, chợt nghe ngoài cửa có tiếng rao mời “Ai bánh tiêu nào”. Tôi dừng chuyện ngó ra, bảo bác ơi có ai kêu cửa, ông Phan Vân cười, bảo con két kêu đó, nó nghe hoài người rao nên nó thuộc, bắt chước i xì.

Nhưng con vật bắt chước có giỏi mấy chăng nữa cũng chỉ xách dép cho người. Trên đời này, có những siêu bắt chước, khỉ hay vẹt phải gọi bằng cụ.

Lớp tôi thời sinh viên (72-76) có thằng (hồi ấy chúng tôi tinh gọi nhau thân mật bằng thằng) Xuân Ba, nó bắt chước giọng của các danh sĩ, yếu nhân thì thôi rồi. Giọng ai nó cũng bắt chước được, bất kể phát âm Bắc, Trung, Nam, như Xuân Diệu đọc thơ tình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện cùng văn nghệ sĩ, cụ Hồ vui với thiếu nhi, thầy Hoàng Xuân Nhị dạy thơ bác Hồ rồi khóc… Cứ mỗi lần nó “hóa thân” là cả lũ lại há hốc mồm nghe rồi bò lăn ra cười. Chả hiểu sao nó không đi diễn kịch mà lại mò sang làm báo.

Nhưng cũng may nó không diễn kịch, chứ theo nghề này thì thua kịch sĩ Tiến Hợi chuyên đóng vai bác Hồ là cái chắc. Tiến Hợi của đoàn kịch nói Hà Nội cứ mỗi lần ra sân khấu là đám đông khán giả đứng dậy đồng loạt hô “muôn năm, muôn năm”. Tôi nhớ có lần xem Tiến Hợi diễn bác Hồ ở nhà hát lớn, lúc “bác” đau khổ phải ký lệnh xử bắn Trần Dụ Châu, nhiều người sụt sịt thương bác, có cả người nức nở nước mắt nước mũi dàn dụa.

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Mối lo cán bộ xã

Có lẽ cần phải liệt kê lại chút ít theo kiểu nhật ký thì mới dễ hình dung vụ việc. Những thông tin trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội thời gian qua khiến người dân không thể không lo về thực trạng cán bộ xã.

Ngày 7.8, một công dân ở xã An Bình (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) than phiền trên mạng xã hội việc ủy ban xã khi xác minh lý lịch cho người nhà đã lạm quyền, làm trái quy định, bêu xấu cả gia đình anh vào trong lý lịch. Anh còn chụp ảnh rõ phần xác nhận của một vị phó chủ tịch xã rằng “Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương”, trong khi theo nguyên tắc chỉ cần xác nhận lời khai có đúng không, hoặc đương sự có đang trú ngụ tại địa phương hay không.

Dư luận bất bình. Báo chí vào cuộc, chỉ ra cái sai, lạm quyền của cán bộ xã. Đích thân Chủ tịch xã An Bình phải đứng ra xin lỗi người dân, chứng thực lại lý lịch. Tưởng chuyện như thế sẽ dừng, đùng một cái, chỉ một hôm sau, xảy ra y chang, mà ngay xã ở thủ đô mới khiếp. Đích thân Chủ tịch xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bút phê vào lý lịch một thanh niên xin xác nhận để đi học đại học. Ông Chủ tịch Nguyễn Đăng Huấn hạ bút thật nặng nề “Ủy ban nhân dân xã Duyên Hà xác nhận anh Ngô Việt Anh có hộ khẩu thường trú tại xã. Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương”.

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Án văn (kỳ 3, cuối)

Trong 2 kỳ trước, tôi đã lược lại những vụ án văn nổi cộm trong đời sống văn nghệ lẫn đời sống xã hội xứ này, như Nhân văn-Giai phẩm (nhiều văn nghệ sĩ bị đi tù, cải tạo, tước quyền sống, quyền sáng tác), Việt Phương với "Cửa mở", Hoàng Cát với "Cây táo ông Lành", Hữu Loan với "Màu tím hoa sim", Quang Dũng với "Tây tiến", Bùi Ngọc Tấn với "Chuyện kể năm 2000"… Đương nhiên văn nghệ sĩ là nạn nhân, chỉ bởi vì họ là những con người cương trực, thẳng thắn, tôn trọng quyền tự do sáng tác, không chịu khép mình vào thứ văn nghệ phục vụ chính trị thô thiển; còn thủ phạm không phải ai khác chính là nhà cầm quyền. Lúc nào miệng họ cũng nói quyền tự do cho văn nghệ sĩ nhưng tay thì chỉ nhăm nhăm chụp vòng kim cô chính trị lên đầu đám sáng tác, anh nào cố tình chạy trốn, thoát ra sẽ bị pháp luật (cũng của họ) trừng trị.

Viết đến đây, tôi lại nhớ chuyện hoặc giai thoại về những ông lãnh đạo đảng cộng sản xứ này chỉ đạo văn nghệ. Hồi những năm giữa thập niên 60, khi đám văn nghệ vẫn chưa hoàn hồn sau cuộc cách mạng long trời lở đất trừng trị đám phá hoại Nhân văn-Giai phẩm (được ví kinh khủng tai hại như cuộc Cải cách ruộng đất trong văn nghệ) thì ông Trường Chinh tìm cách trấn an. Anh Năm (tên thân mật của ông Trường Chinh) trong một buổi gặp các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, khi nghe đây đó có ý kiến về quyền tự do sáng tác, ông liền cười mỉm, rằng "ai nói đảng không cho các anh các chị quyền tự do sáng tác. Nói thế là hồ đồ. Đảng vẫn cho các anh các chị quyền tha hồ chửi đế quốc Mỹ đó sao". Đám nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ ngồi nghe chết lặng. Mà đúng thật, những gì “anh Năm” nói đều có thực tế, và sau chỉ đạo ấy của ông lại càng lộ mạnh hơn quyền tự do chửi Mỹ trong các sáng tác.

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Tự sướng

Ông tổng bí thư và đảng của ông đang cơn lên đồng, khoái củ tỉ khen công cuộc chống tham nhũng, nhưng tôi thấy chả có gì phải khen, lẽ ra phải xấu hổ.

Các ông tham nhũng, rồi các ông lại chống, khen khen cái gì. Nó cũng giống như xưa kia các ông cổ hủ, cấm đoán, kìm hãm đủ mọi thứ, đến khi bị dồn vào chân tường, bắt buộc phải thay đổi mới cứu được mạng, thì lại ca ngợi là công cuộc đổi mới, cởi trói (đó là chưa nói giành phần công của dân, chính dân mới là người phá xiềng). Cởi cởi cái con khỉ, tự trói rồi tự cởi, khen khen cái gì, chưa chết là may.

Lý luận của các ông ấy lâu nay cứ rặt tào lao như vậy.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Chuyện thông tin (kỳ 3, cuối)

Tuần trước (đầu tháng 8) tôi tình cờ đọc bài rất hay của bác Vũ Thư Hiên trên trang phây búc (Facebook) nhà bác. Bác Hiên là con trai cụ Vũ Đình Huỳnh, mà cụ Huỳnh là bí thư, trợ lý thân cận của cụ Hồ những năm sau cách mạng tháng 8.1945. Năm 1967-1968, ông Sáu Búa Lê Đức Thọ khi ấy là Trưởng ban Tổ chức trung ương (chức này quyền hành chỉ kém Bí thư thứ nhất, tức Tổng bí thư sau này) đã liên minh với ông Lê Duẩn triệt hạ tất cả những người không ăn cánh với hai ông, đồng thời triệt luôn những ai có tư duy đổi mới. Hai ông Lê gọi đó là đám xét lại, theo đuôi Khơ rút sốp (Khrushchev) Liên Xô và Tito Nam Tư để phá chủ nghĩa xã hội. Cụ Huỳnh và ông Hiên con trai cụ đều bị bắt, giam cầm nhiều năm, đến khi được thả ra vẫn mất hết quyền lợi chính trị, oan sai không được tháo cởi, cha thì ôm mối hận nghìn thu xuống mồ, con thì phải lưu vong xứ người suốt từ khi ra khỏi tù tới nay. Thân thiết gần gũi với cụ Hồ như thế, họ cuối cùng vẫn không thoát khỏi lao tù của chính những đồng chí đã một thời đồng cam cộng khổ với mình.

Trong bài viết, ông Vũ Thư Hiên có nhắc đến cụ Nguyễn Hữu Đang. Thế hệ những người đến nay đã ngoài 60 tuổi trở lên không mấy ai không biết tên tuổi cụ Nguyễn Hữu Đang. Cụ là một nhà cách mạng đúng nghĩa, một nhà văn hóa lừng lẫy, một trí thức nhân cách đáng kính. Chính cụ Đang là tổng công trình sư của lễ độc lập - quốc khánh ngày 2.9.1945. Cụ Hồ đã đích thân giao chức trưởng ban tổ chức lễ độc lập cho cụ Đang, chỉ trong 2 ngày cụ Đang đã lo liệu ngon lành, trôi chảy. Điều đó cho thấy tài tổ chức của một con người. Nhưng người tài thường bị ganh ghét, chữ tài liền với chữ tai một vần, nhất là với những người bản lĩnh, cương trực, không chịu xu nịnh, không chấp nhận bán linh hồn cho quỷ. Đám các ông Lê Duẩn - Lê Đức Thọ - Trường Chinh - Tố Hữu vu cho cụ Đang cùng với các ông Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi cầm đầu nhóm Nhân văn-Giai phẩm, là gián điệp, phản động, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Cụ Đang bị kết án 15 năm tù, thuộc diện nặng án nhất trong vụ này. Khi các ông Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn bị vu cho tội xét lại chống đảng, bị bắt giam và đi tù, đày lên trại giam vùng sơn cước heo hút Hà Giang thì ông Đang đã có thâm niên tù nơi đó gần chục năm rồi. Mãi năm 1973 ông Đang mới được thả, rồi bị quản thúc nơi quê nhà Thái Bình gần 20 năm nữa, bị cấm đi khỏi nơi cư trú, ai đến thăm cũng bị theo dõi chặt chẽ. Nhà văn Phùng Quán đã có bài rất xúc động kể về những ngày không tù mà như tù của ông Đang ở Thái Bình, bị hành hạ khổ như con vật, thậm chí con vật cũng không khổ bằng.

Xe giá rẻ, đừng dại bập vào

Những người mê ô tô cần tỉnh táo đừng để nhà sản xuất, nhà phân phối và báo chí lừa mị. Chúng đang đưa ra thông tin có vẻ rất tốt cho khách hàng rằng các hãng xe Nhật như Toyota, Honda đang tung ra nhiều mẫu mới xe giá rẻ, cạnh tranh với Hyundai i10, Kia morning, giá chỉ dưới... 500 triệu.

Xe hơi sắp tới bắt buộc phải rẻ, dù nhà nước này có tăng thêm nhiều sắc thuế phí để móc túi tàn mạt người mua. Bọn nói trên muốn tranh thủ bán hàng trong lúc giao thời nên tìm mọi cách tán tỉnh khách hàng. Đừng nghe chúng.

Xin lưu ý rằng mấy loại xe mới đó ở những nước ASEAN hoặc Ấn Độ hiện giá chỉ 200 triệu là kịch trần, nhu cầu sắp bão hòa rồi, nó phải đổ hàng về những nước khát xe như VN. Đó là chưa nói một số nước như Anh, Pháp đã thông báo sẽ cấm xe chạy xăng và dầu diezel từ năm 2030, tức là chỉ hơn chục năm nữa, là thứ xe đang phổ biến bây giờ. Sau thông báo này, xe tồn kho, xe đang trên dây chuyền sản xuất sẽ bị mất giá, người chính quốc ít mua, xe bị đẩy sang những nước khác. Rồi còn rẻ thối.

Nói chung không nên mua lúc này, vừa không tiếp tay cho gian thương, vừa không cống nạp vô lý đám nhà nước ngồi mát ăn bát vàng (chỉ cần thuế đã ăn dày hơn cả nhà sản xuất). 

Đã nín nhịn đàn ông được như Thị Nở thì ráng nín thêm tí nữa, đừng vội nghe thằng Chí Phèo để rồi bà cô phải bảo "đã nhịn tới giờ rồi mà còn đổ đốn". Nhé nhé.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Những cục bướu

HOÀNG HẢI VÂN (nhà báo)

9 cái kiến nghị của nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt cái Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam chưa biết được Chính phủ giải quyết như thế nào, nhưng có thể biết chắc 2 điều : Thứ nhất, nhà thơ này đã tự mình làm cho thân bại danh liệt trước phần lớn công chúng từng đọc thơ ông (riêng những người không quan tâm đến thơ phú không biết ông là ai thì không tính). Thứ hai, cái Liên hiệp này hiện ra như một cục bướu trên cơ thể của đất nước. Và từ cục bướu này đang lòi ra những cục bướu khác, không đếm xuể.

Các tổ chức xã hội (gồm tất cả các tổ chức không phải là tổ chức của nhà nước, thế giới gọi chung là tổ chức "phi chính phủ" hoặc tổ chức của "xã hội dân sự"), vốn là những tổ chức tự nguyện do các đoàn viên hội viên đóng hội phí để hoạt động, đóng tới đâu hoạt động tới đó. Đây không chỉ là quan điểm của "tư bản", ông Lê-nin cũng có quan điểm như vậy, gọi là quan điểm Lê-nin-nist về các tổ chức xã hội (các nhà lãnh đạo ai chưa đọc kỹ Lê-nin thì chịu khó đọc cho kỹ nhé). Vốn là như thế, nhưng khi nước nhà độc lập rồi thì đã không diễn ra như thế. Tất cả đều được Nhà nước cấp kinh phí, cán bộ của nó được Nhà nước trả lương, được đối xử như công chức nhà nước, chủ tịch Hội của Trung ương ngang với Bộ trưởng, chủ tịch Hội ở tỉnh ngang với giám đốc Sở, bởi vậy mà ông Hữu Thỉnh mới nói rằng chức vụ của ông ấy ngang với Bộ trưởng hoặc Trưởng ban của Đảng ở Trung ương. Đó là Nhà nước hóa các đoàn thể, các tổ chức xã hội, trái với cái gì tôi chưa biết, nhưng trái với quan điểm của Lê-nin là chắc rồi.

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Cái tên nó vận ngược vào người

Ngày xưa nhìn chung các cụ ít quan tâm việc đặt tên cho con cái. Tôi còn nhớ ở làng tôi, tên của thế hệ trước tôi, cả nam lẫn nữ đều rất xấu, khó gọi, kiểu như Thèo, Lộn, Sìu, Vớ, Són, Khoắn, Hểu, Vén, Gầu, Loa... Cả đời vất vả, bám mặt trên luống cày, tên hay mà làm gì.

Nhưng cũng có nhiều gia thế (thường ở ngoài phố) lại chăm chút cho tên con ngay từ khi chưa đẻ, nếu con trai thì phải là Hùng, Chiến, Dũng, Cường, Quý, Đạt, Công, Thành..., con gái thì phải Duyên, Hoa, Quỳnh, Lan, Ngọc, Huyền, Thanh, Thúy, Mỹ, Tiên... Họ mong tên con thế nào thì đời nó, số phận nó sẽ thế ấy.

Nhưng trải nghiệm cuộc đời, tôi thấy nhiều khi cái tên đúng là có vận vào đời, nhưng có lúc vận xuôi, có khi vận ngược.

Tôi có ông anh rể, các cụ đặt tên là Trữ. Anh tôi đúng là người tiết kiệm thượng đại hạng, không phí phạm thứ gì, bỏ đi cái gì. Thứ không dùng nữa cũng không vứt đi, cứ cất giữ, trữ trong nhà đã, bởi biết đâu có khi dùng đến. Có thời nhà anh cứ như cái kho của Bộ Vật tư, cần sửa chữa thứ gì cũng có, kể từ con ốc rỉ, mẩu dây thép gai, chiếc vung nồi đã sứt tay cầm, cái bút bi hết mực...

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Chuyện thông tin (kỳ 2, tiếp)

Trong bài trước, tôi có kể rằng suốt bao nhiêu năm (thập niên 60 - 70) ở miền Bắc thế hệ chúng tôi muốn biết thế giới xung quanh diễn ra làm sao chỉ có kênh thông tin duy nhất là đài phát thanh của nhà nước. Dân chúng nghe đài, mỗi ngày họ phát 3 buổi: đầu sáng, giữa trưa, chiều muộn và tối. Ngoài tin thời sự “ta thắng địch thua” thì được nghe ca nhạc, hát chèo, nghe các chương trình đọc truyện đêm khuya, kể chuyện cảnh giác, buổi trưa thường có dạy hát kiểu “rế móc đơn, si móc kép, dấu nặng đen, gạch nhịp”… Nhu cầu thông tin của dân chúng nói chung cũng đơn giản, chả cần biết nhiều làm gì cho mệt đầu. Hôm nào có sự gì đặc biệt thì tập trung ở sân ủy ban hoặc sân kho hợp tác xã để nghe đọc báo, nghe cán bộ huyện về phổ biến nội dung này nọ. Cũng chủ yếu đám thanh niên tới nghe, còn trẻ con thì đến vui đùa bởi thường đốt đèn măng xông sáng lắm, chứ nông dân lớn tuổi như thày bu tôi chả mấy khi dự bởi buổi tối vẫn đầy việc, xay thóc giã gạo, nấu cám lợn, vò lúa, rửa khoai…

Tôi lại nhớ tối 3.9.1969 ông Quảng chủ nhiệm HTX nông nghiệp (là bố của ông Thiếu chủ tịch xã Thụy Hương quê tôi bây giờ) nhắc các đội trưởng sản xuất tập trung hết cả dân chúng tới sân hợp tác nghe phổ biến thời sự. Nhà tôi ngay sát sân kho nên tôi cũng ra nghe. Ông cán bộ huyện thông báo rằng Bác Hồ đang bị ốm nặng, bà con nên bình tĩnh, bác đang chữa ở bệnh viện Việt Xô có nhiều bác sĩ Liên Xô tài giỏi sang chữa, thế nào cũng khỏi. Ông còn nhắc đi nhắc lại Bác chỉ ốm thôi, trung ương đã khẳng định như vậy. Ai dè, sáng hôm sau, ngày 4.9, mới sáng sớm cái loa kim trên tường đã đọc bản tin đặc biệt thông báo vị lãnh tụ kính yêu từ trần lúc 9 giờ 47 phút ngày 3.9. Nhiều người khóc rưng rức. Hóa ra ông cán bộ huyện kia cũng không biết cụ đã mất, hay là ông ấy nói dối mình. Về sau thì lại tá hỏa, có tin xì xào rằng cụ mất từ hôm 2.9 kia, ngay ngày quốc khánh. Vậy ông cán bộ huyện cũng bị lừa chứ không phải chỉ đám dân cổ cày vai bừa. Sự thực ấy phải mấy chục năm sau chính quyền mới thừa nhận. Họ thông tin, họ nói dối như thật, nhưng dám dối cả ngày mất của cụ Hồ thì không thể nào hiểu nổi.

Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Thích đốt

Các cụ xưa luôn nhắc nhở con cháu cẩn thận chuyện củi lửa, bởi cháy gớm lắm, đứng hàng thứ 2 trong 4 thứ tai họa thủy hỏa đạo tặc. Vì vậy, ngay trong ăn nói hằng ngày cũng tránh những từ cháy, lửa, củi, lò, rơm... bởi sợ gợi ý hoặc phật ý thần lửa.

Nay các bố làm ngược lại. Bố thì đòi nhóm lò thật nóng, đốt cả củi tươi; bố thì kêu gọi bộ hạ ai cũng phải có lửa trong lòng...

Cuối cùng thì họ vẫn theo nguyên tắc mà họ tự đặt ra, tức là thích cháy thích lửa, chứ không phải theo kinh nghiệm truyền răn của cha ông. Đó cũng là nối cách của tiền nhân họ với tinh thần "gió càng to ngọn lửa càng cao, núi rừng đều bén cháy ào ào", "dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn"...

Giới cai trị xứ này có phần nào giống lực lượng thánh chiến bên châu Âu hồi xưa, chỉ khác ở chỗ người xưa tử vì đạo Thiên Chúa, còn họ tử vì chủ nghĩa cộng sản. Họ thích đốt, thích ném mọi thứ vào lửa. Đạo diễn Đặng Nhật Minh có bộ phim về bác sĩ Đặng Thùy Trâm, tên phim ngắn gọn là Đừng đốt (lời của một cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở VN khi nhặt được cuốn nhật ký của chị Trâm, nhờ thế mà giữ lại được kỷ vật ấy), còn các nhà cầm quyền VN bây giờ thì nói "Cứ đốt".

Tôi sực nhớ câu thấm đầy tinh thần Phật giáo của Đức vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej khi tiếp sứ thần An Nam rằng "Các ngài tự hào đã đánh thắng hai đế quốc to, còn chúng tôi cũng tự hào không phải đánh thắng đế quốc nào". Chính với những người đứng đầu xứ họ như vậy, bạn đi sang Thái luôn thấy cuộc sống và con người rất yên bình, dễ chịu.

Nguyễn Thông

VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG NGOẠI GIAO ĐỨC - VIỆT

LÊ NGỌC SƠN (nhà phân tích chính sách)

Cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Việt Nam và Đức đang có nguy cơ dẫn đến những hệ luỵ trầm trọng. Nhiều bạn dùng suy nghĩ của người Việt, cách tư duy của người Việt để đi giải thích cho phản ứng của người Đức. Điều đó chẳng khác nào thủ dâm tinh thần, và AQ tự sướng. Để giải quyết được vấn đề thì trước hết cần HIỂU vấn đề một cách căn cơ, và hiểu văn hoá Đức.

Phải thấy rằng, trong quan hệ giữa ta với Đức, ta cần Đức hơn Đức cần ta. (Rất tiếc đó lại là sự thật). Kim ngạch xuất khẩu, dù ta nhập siêu từ Đức, nhưng với nền kinh tế thuộc top đầu của thế giới, 15 tỷ giao thương chỉ là việc nhỏ như Đức bán mấy cỗ máy. Do đó, đừng nghĩ người Đức thấy quá nhiều lợi ích kinh tế từ VN để mặc cả. Đó là chưa kể, hằng năm Đức hỗ trợ phát triển cho Việt Nam rất nhiều.

Hôm rồi tôi đọc một bài về chiến lược quốc gia, có thấy một so sánh rất hay thế này: "Tại sao "ngu dại" đem quân đội đi giải quyết các mâu thuẫn, trong khi có thể giữ đội quân kinh doanh (các doanh nghiệp) ở nhà?". Đó là chiến lược của Đức! Thấy không bằng lòng là không khuyến khích các nhà đầu tư của họ đầu tư, cái đó thiệt hại gấp vạn lần súng đạn. Nói thế để biết, mất lòng với Đức hệ luỵ rất lớn cho ta.

Ngược lại, Đức là nước có tiếng nói chi phối khối EU, ta muốn làm ăn với khối này hay các nước châu Âu, không thể nào bước chân vào được nếu không qua được "cửa" Đức.