Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Sự kiêu ngạo cộng sản

Những chữ trên không phải do tôi nghĩ ra, cũng không phải do thế lực thù địch nào vu cáo, mà là chữ ông Phan Diễn dùng. Ông Diễn người Quảng Nam, con cụ Phan Thanh – một nhân vật nổi tiếng thời Mặt trận Dân chủ 1936-1939. Ông Diễn từng là Ủy viên Bộ Chính trị, đóng đến chức Thường trực Ban Bí thư (tức nhân vật số 2 của đảng, chỉ sau Tổng bí thư). Họ hàng ông Diễn còn có những người là yếu nhân của chế độ, chẳng hạn ông Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), em ông Phan Thanh, là Thứ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền sau cách mạng tháng 8, Chánh văn phòng chính phủ, người được cụ Hồ hết sức tin cậy; mẹ ông là bà Lê Thị Xuyến, Phó chủ tịch Hội LHPN VN… Kể qua như vậy để nói rằng phát ngôn của ông Diễn không phải dạng ai đó nói vu vơ, nói lấy được, mà là rất có trọng lượng. Đó là nhận xét của người trong cuộc, "ở trong chăn..." chứ không phải bị kích động, xúi giục, nhẹ dạ gì (làm sao mà kích động nổi những người như ông Diễn, nay ông vẫn còn sống và mạnh khỏe, sáng suốt, ai không tin thì cứ hỏi ông).

Trong bài trả lời báo điện tử VnExpress đăng ngày 17.12.2016, ông Diễn nhận định “Tôi cho rằng, chúng ta ít nhiều đã có sự chủ quan, có thể gọi là “kiêu ngạo cộng sản” sau chiến thắng 1975. Việc này có thể hiểu là xuất phát từ những điều tự hào về lý tưởng và thành công của mình trên con đường cách mạng, nhưng rồi đi quá đà đến xu hướng chủ quan...” (trích nguyên xi câu). Cũng trong bài trả lời này, ông cựu nhân vật số 2 còn cho biết chi tiết rất đáng quan tâm đối với những người chép sử, ông bảo “Trước giải phóng, mỗi năm kinh tế miền Nam được Mỹ viện trợ khoảng một tỷ USD. Miền Bắc cũng được chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa một lượng xấp xỉ như thế”. (trích nguyên xi câu). Nếu đúng như ông Diễn nói thì với 1 tỉ đô như vậy, ở miền Nam ngoài chi cho phương tiện chiến tranh, tiền viện trợ còn được biến thành nền kinh tế “phồn vinh giả tạo”, dân thực sự được nhờ, được sung túc, chứ 1 tỉ ở miền Bắc bị chuyển hóa thành vũ khí hết để “giải phóng miền Nam”, nên dân chịu đói khổ thiếu thốn kéo dài suốt mấy chục năm.


Phải nói rằng, trong gầm trời này, từ thời thượng cổ đến nay, nếu nói về sự kiêu ngạo thì có thể nói rằng người cộng sản là số 1, vô địch, “thì treo giải nhất chi nhường cho ai”. Người đời vẫn nhắc với nhau một “tấm gương” điển hình về kiêu ngạo, đố các vị biết là ai, đó là ông Quan Vũ (còn gọi là Quan Công, Quan Vân Trường) thời Tam quốc. Ông đứng đầu ngũ hổ tướng của Lưu Bị, tài giỏi, công lao hãn mã khó ai bì, chỉ có điều ông kiêu ngạo quá lắm. Thiên hạ có thể khen ông nhiều điều, cho qua chuyện ông xem thường Hoàng Trung, Mã Siêu, Triệu Vân (những đồng chí của ông, tài giỏi chẳng kém ông, thậm chí còn hơn ông) nhưng chỉ với việc ông khước từ sự cầu hôn của nhà Ngô, họ muốn gả con gái vua Tôn Quyền cho con trai ông, bằng thói kiêu ngạo ngấm trong máu, Quan Vũ thẳng thừng “con gái ta như loài hổ, lại thèm gả cho con loài chó à” thì với chính thái độ đó ông đã phết chữ tử vào sự nghiệp của mình cũng như sự tồn tại của nhà Thục. Thói kiêu ngạo đã giết chết ông và nhà nước của ông chứ không phải thứ gì khác.

Kiêu ngạo là gì? Kiêu là sự ngạo mạn, không chịu phục tùng. Kiêu ngạo là thái độ khoe khoang, ngạo mạn. Kẻ kiêu ngạo thường tự cho mình hơn người, thậm chí mình là nhất. Kiêu căng ngạo mạn, trên đời không ai bằng mình. Từ đó dẫn đến coi thường người khác, coi thường tất cả. Việc gì mình làm cũng hay cũng đúng. Mình chả bao giờ sai. Luôn nhìn đời bằng nửa con mắt. Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta. Nếu có ai phê phán phản đối thì lấy làm khó chịu, nhẹ thì chê bai dè bỉu người ta, nặng thì dùng quyền lực tìm cách vùi dập. Trong mênh mông thế sự, kẻ kiêu ngạo luôn sống cô độc với vòng hào quang mà nó tự tô vẽ.

Nói cho công bằng, không phải ai cũng có thể sinh thói kiêu ngạo. Những hạng ngu đần, an phận, rụt rè, kém bản lĩnh, thiếu tài năng, tầm thường thì không thể là kẻ kiêu ngạo. Những người cả đời không lập công, không thành đạt thì lấy gì để kiêu ngạo. Phải có khí chất nhất định của kẻ anh hùng mới có thể kiêu ngạo được. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Nghe na ná như lòng tự trọng của kẻ cướp?

    Trả lờiXóa