Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Sưu tầm bài hát dân gian

Hồi còn học, bọn sinh viên K17 mình được các thầy Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Lê Chí Quế... (Khoa Văn, Tổng hợp Hà Nội) dạy rằng văn học dân gian (folklore) có tính vận động, luôn thay đổi, nhiều dị bản. Thầy Khánh khi giảng chuyên đề Tấm Cám (một trong những công trình nghiên cứu văn học dân gian, theo cá nhân mình là xuất sắc nhất) bảo truyện này có hàng trăm dị bản, tiêu biểu là chuyện về cô Lọ lem. Thầy Diên (một trong những thầy đẹp trai đỉnh khoa, từng chủ nhiệm lớp mình) thì thuộc hàng chục dị bản của mỗi tác phẩm. Công nhận các thầy hồi đó thầy ra thầy, còn trò có ra trò không thì đến giờ vẫn chưa xác định được.

Mình còn nhớ thầy Khánh, thầy Diên, thầy Quế luôn nhắc rằng văn học dân gian là trí tuệ, tình cảm của nhân dân, nó vừa mộc mạc, vừa bác học, đặc biệt là rất hài hước. Nhiều tác phẩm lấy cái tục để vui vẻ. Đã dân gian thì phải tục, thế mới là dân, chứ chả nhẽ lại giống văn chương bác học đạo mạo của ông Hữu Thỉnh thì còn nói làm quái gì.

Nghĩ đến công ơn các thầy, mình chợt nhớ hồi nhỏ thường nghe người nhớn hát những bài hát đương thời, hát chán bài gốc thì họ chuyển sang hát bài dị bản, bài phăng tơ ri. Đến giờ đầu óc cũng lẫn nhiều rồi, nhớ nhớ quên quên nhưng mình cũng còn thuộc vài câu vài bài. Biên lại đây cho cả nhà vui.

Nhạc sĩ Trọng Bằng có bài hát “Bão nổi lên rồi” ca ngợi cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, mở đầu bằng câu “Bão nổi lên rồi từ miền Nam quê hương thân yêu…”, được mấy ông thanh niên làng mình hát thành “Vú nổi lên rồi, thày bu may xu chiêng cho con. Tiền đâu may xu chiêng cho con, con lấy yếm này về mà dùng dần…” (đến đây thì tôi quên béng).

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Chuyện vải lụa

Bảo tôi ăn theo vụ ông Khải silk (dân dã gọi thành Khải siu) đang nóng rẫy thu hút sự chú ý của dư luận cũng được bởi thấy thiên hạ đang nói về ông lụa này rát quá, tự dưng nhớ đến lụa, những thứ liên quan tới lụa.

Nước Nam ta, ngôn ngữ miền Bắc có những khác biệt cơ bản với ngôn ngữ miền Nam dù cùng chung tiếng Việt chữ Việt. Có lẽ do di dân khai phá phương nam muốn tạo ra chút bản sắc riêng để không bị trộn lẫn. Ngoài bắc, tất cả các loại sản phẩm dệt bằng sợi tơ tự nhiên hay nhân tạo đều gọi chung là vải, rồi từ vải mới chia ra từng loại, như diềm bâu (chúc bâu), thổ cẩm, lĩnh, sa tanh, phin, kaki, ka tê, simili, chéo go, lụa… “Ôi chiếc quần chéo go/Ống rộng dài quét đất/Chiếc áo trắng chúc bâu/Đi qua nghe sột soạt” (thơ Xuân Quỳnh). Trong từng loại lại chia nhỏ hơn, chẳng hạn vải phin thì có phin thường, phin nõn, lụa có lụa tơ tằm, lụa nhân tạo… Trong nông nghiệp cũng phân biệt rất rõ ràng, tất cả những thứ cây trổ ra hạt thóc thì đều là cây lúa, lúa tẻ, lúa nếp, lúa mì; từ cây lúa sinh ra thóc, thóc lại chia thành thóc nếp, thóc tẻ; thóc tẻ có những giống khác nhau như tám, di, dự, chân trâu lùn, nông nghiệp 8; nhỏ hơn nữa thì lại có tám xoan, tám hạt tròn, tám thơm. Xay thóc thì sẽ ra gạo, gạo cũng chia thành gạo nếp, gạo tẻ. Đem gạo nấu lên sẽ có cơm hoặc cháo. Nếp nấu bình thường thì ra cơm nếp, bỏ vào chõ nấu xông hơi cách thủy thì có món xôi (nấu kiểu vậy gọi là đồ xôi), nếp trộn với đỗ xanh, thịt lợn gói trong lá dong lá chuối đem luộc thì gọi là bánh chưng, v.v..

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Hội ăn tiền

Xứ ta có rất nhiều hội 
Lập ra chỉ để mà chơi
Và để xài tiên ngân sách
Mặc dân đóng thuế ngậm ngùi

Coi kìa cái hội phụ nữ
Cười tươi xúng xính áo quần
Khi đàn bà bị làm nhục
Nó chẳng một lần hỏi han

Hội nông dân đông nhất nước
Từ thôn cho tới trung ương
Nông dân bị cướp ruộng đất
Nó còn giá họa vu oan

Ơ kìa cái hội nhà báo
Cai trị cả vạn hội viên
Nhà báo bị thoi vào mặt
Hội vẫn dửng dưng ăn tiền

Hội bảo vệ người tiêu dùng
Chia nhau tiền thu bá tánh
Khách mua khăn dởm Khải “siu”
Nó vẫn ngậm mồm im tiếng

Tội to nhất cái hội nước
Hội họp xuân thu nhị kỳ
Mỗi ngày tốn cả tỉ bạc
Dân chẳng được lợi lộc gì

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Trò mị dân vô pháp luật

Việc nhà cai trị miễn phí, giảm phí cho những người sống gần trạm thu phí là biện pháp mị dân, vừa rất vô pháp luật, bất bình đẳng, vừa rất cải lương, vớ vẩn.

Nếu đúng con đường đó cần phải thu phí thì bất kỳ xe nào đi trên nó cũng phải thu, mức thu như nhau theo quy định, cớ sao lại phân biệt thu nhiều thu ít với người này người kia, thu người này, không thu người khác. Xin nhớ mức thu chỉ phân biệt theo loại xe chứ không được phân biệt theo người.

Việc giảm hoặc không thu phí với một số đối tượng chỉ là trò mèo đánh lừa dư luận, mua chuộc người dân tại chỗ, không có căn cứ pháp luật gì cả. Điều này càng đào sâu hố ngăn cách mâu thuẫn trong người dân, gây sự bất bình trong nội bộ dân chúng. Đó là kiểu lấy dân trị dân, mỡ nó rán nó, rất thâm độc.

Phải thượng tôn pháp luật. Trạm BOT nào được quyền thu thì thu như nhau, còn vô lý đặt không đúng chỗ thì phải dẹp. Mấy vị đại biểu quốc hội cũng tinh ăn theo nói leo chính quyền, điều cần chỉ ra thì không chỉ.

Người dân cần tỉnh táo đấu tranh cho quyền lợi của mình. Đừng thấy họ nhử mồi thơm mà mắc phải. Đừng thấy đem cảnh sát cơ động ra dọa thì sợ. Cứ theo công lý mà làm.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Nhặt nhạnh từ chuyến ra miền Trung

Phải nói ngay từ đầu, vừa xấu hổ vừa không, đám lứa 5X chúng tôi sinh ra và lớn lên (không dám dùng chữ trưởng thành) ở miền Bắc là chúa vô thần. Chả chịu tin vào điều gì ngoài tin đảng, Bác và chính phủ. Thực ra thì cả ba món ấy cũng chỉ là một. Vừa thôi bú mẹ là đã được tuyển vào đội nhi đồng, rồi đội thiếu niên, tiếp nữa là đoàn thanh niên, họ nhồi nhét vào đầu chủ nghĩa duy vật, vật chất quyết định ý thức, công ơn trời biển của đảng của bác, cứ thế là tin thôi. Chỉ tin những cái hiện hữu trước mắt, còn thứ gì siêu hình đều là nhảm nhí, tào lao, mê tín dị đoan cả.

Lớn lên chúng tôi lại chứng kiến những cuộc ra quân phá đình phá chùa, phá cả nhà thờ. Đình của bọn phong kiến cổ hủ lạc hậu, phải phá lấy gỗ lấy gạch xây chuồng lợn hợp tác xã. Nhất cử lưỡng tiện, vừa thủ tiêu được tàn tích phong kiến, vừa có vật chất phục vụ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hồi bé tôi nghe người lớn hát bài “Phá đình đi, phá đình đi” hào hùng khí thế lắm. Đình làng Trà Phương quê tôi có gốc tích từ thời Mạc, phục dựng thời cuối Lê đầu Nguyễn, to như… cái đình, mấy chục cột gỗ lim cả vòng tay ôm, đá xanh Thanh Hóa, Ninh Bình tảng nào tảng ấy nặng cả tấn ghép xung quanh hành lang, chạm khắc làm chân cột, mái ngói vảy khít rịt chắc khừ, mưa bão không rịn nổi một giọt, thế mà đùng một cái, năm 1964, chính quyền và hợp tác xã tiến hành “hạ giải” lấy gỗ gạch đá ngói để xây trại chăn nuôi. Chỉ trong 1 tuần ngôi đình sạch bách, trơ cái nền ngổn ngang vữa gạch vụn. Giờ thỉnh thoảng về quê, tôi lại ngóng ra phía đình cũ, chỗ đất đẹp nhất làng ấy người ta đã xây trường cấp 2, còn lại dấu tích duy nhất của đình là gốc nhãn cổ thụ đã vài trăm tuổi. Cây nhãn này hồi chúng tôi còn bé chơi trốn tìm, đứa nào giỏi leo trèo mà trèo lên núp trong đám lá rậm rạp, đố đứa nào tìm ra nổi.

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Tếu táo lẫn trầm sâu Nguyễn Sự (phần 2)

Trong chút ồn ắng nhẹ nhàng dễ thương của đô thị Hội An, tự dưng thấy yêu mến con người hơn. Không có sự tranh giành vội vã như thường gặp ở Sài Gòn hoặc Hà Nội. Con người sống thật tự nhiên. Như Nguyễn Sự đang ngồi trước mặt kia, gần gũi ấm áp, cởi mở ân tình. Những câu chuyện vui xen lẫn cởi mở về thế sự khiến 2 tiếng đồng hồ trôi nhanh quá.

Nói không quá đáng, có những đô thị trong sự phát triển và tồn tại giai đoạn nào đó được gắn với tên tuổi của cá nhân nhất định. Hà Nội suốt thời gian dài ghi liền với tên vị chủ tịch ủy ban hành chính đầu tiên Trần Duy Hưng. Cứ nhắc thủ đô là nghĩ ngay tới bác sĩ Trần Duy Hưng. Những năm 72-76 tôi học ở Hà Nội, ông Hưng vẫn còn làm chủ tịch, ông ngồi ghế ấy một mạch suốt từ khi tôi chưa đẻ (từ năm 1954) tới năm 1977, đó là chưa kể gánh nhiệm kỳ đầu 1945-1946 rồi kéo nhau lên rừng kháng chiến. Có nhiều giai thoại truyền kỳ về ông Hưng, một vị trí thức đáng kính, vị lãnh đạo giản dị liêm khiết, gần dân, được cụ Hồ rất tin tưởng. Chả hiểu sao rất nhiều đời đô trưởng kế nhiệm về sau, họ không học gương của ông Hưng, chỉ nảy nòi tinh đám Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Thế Thảo đầy tai tiếng.

Đà Nẵng cũng vậy, trải qua nhiều đời lãnh đạo như Hồ Nghinh, Mai Thúc Lân, Trương Quang Được, Nguyễn Văn Chi… nhưng hầu như tên tuổi Nguyễn Bá Thanh lấn át tất cả. Dấu ấn Nguyễn Bá Thanh đậm đến mức cụm từ Đà Nẵng - Nguyễn Bá Thanh thành cái tên chung, nếu chỉ nhắc một nửa sẽ thấy thiêu thiếu, chưa hoàn chỉnh. Tất nhiên không có thứ gì, không có ai là vĩnh cửu, muôn năm, mãi mãi, nhưng có thể đoán rằng dân Đà Nẵng nhiều năm nữa còn nhớ tới Nguyễn Bá Thanh. Tôi có con bé cháu từ Hải Phòng theo bác nó vào Đà Nẵng chơi, nhất quyết đòi chở bằng được tới cổng nhà ông Thanh chụp cái ảnh, đem về quê khoe như một chiến tích.

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Chuyện thư từ thời bao cấp (phần 2 - cuối)

Những lá thư thời chiến luôn gợi nhiều kỷ niệm. Ngoài tâm trạng xa cách thường thấy ở trong bất kỳ thư nào, thư chiến tranh còn chứa đựng những bi thương, hào hùng của một thời. Không hẳn chỉ có nhớ nhung, day dứt, mong ngóng, chờ trông, có những lá thư người viết còn gửi vào đó niềm khát khao chấm dứt chiến tranh, hy vọng vào ngày mai được buông súng về quê cầm cày cầm cuốc, có cả những niềm vui khi nghe tin quê nhà vẫn yên bình, thày mẹ, vợ con, các em vẫn khỏe, lúa má vẫn xanh. Tôi từng đọc những lá thư như thế, của gia đình tôi do anh tôi gửi về, của những người trong họ trong làng, cảm động lắm. Chỉ tiếc rằng hồi ấy ý thức lưu giữ kỷ vật chưa nhuần, chưa nghĩ rằng nó là thứ tài sản lưu niệm tinh thần nên cứ đọc xong biết được nội dung rồi là bỏ lăn bỏ lóc, thậm chí vứt đi, dùng nhóm lửa, dùng vào trăm thứ việc có sử dụng giấy vụn, giờ nghĩ lại thấy tiếc, nhất là với những trường hợp người ra chiến trường đã hy sinh. Chết khi tuổi mười tám đôi mươi, còn rất trẻ, thậm chí tấm ảnh chân dung cũng chả có (nhiều thanh niên nông thôn thời ấy không hề chụp ảnh bởi một phần không có tiền, muốn chụp phải lên huyện mới có cửa hàng ảnh, một phần nghĩ chụp cũng chả để làm gì, nhiều đám cưới cũng không có tấm ảnh nào, vào bộ đội lên rừng Yên Tử huấn luyện 3 tháng là hành quân vào Nam, không có thời giờ chụp ảnh), lá thư thủ bút cũng không còn, tiếc lắm.

Thời đánh nhau với Mỹ, trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam thỉnh thoảng phát bài hát Lá thư hậu phương của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Phải công nhận bài hát khá hay, tình cảm. Lời ca kể về tâm trạng của người vợ ở nông thôn chờ chồng đang đánh giặc ngoài mặt trận. Cả ngày bận việc đồng áng, đến đêm mới thắp ngọn đèn hạt đỗ tranh thủ viết thư cho chồng, “biên thư nhắn thăm anh, lúc xóm làng đã ngủ yên, ánh trăng về khuya thêm sáng trong, em gửi anh đôi lời…”. Nhưng ca ngợi cái gì cũng vậy, cứ chừng mực, chân thật thì mới hay, chứ cái đoạn nhạc sĩ viết thay cho chị vợ “biên thư nhắn thăm anh, lúc con nhỏ đã ngủ ngoan, suốt ngày đùa vui nó hát ca, con khỏe anh yên lòng, tin tàu bay giặc Mỹ cháy, nó mừng vỗ tay reo hò…” thì nghe cứ sao sao ấy. Tôi trải qua những năm tháng đó, phải thưa thực với bác Phạm Tuyên rằng, đứa trẻ mà đã biết vỗ tay reo hò khi máy bay Mỹ cháy thì ở nông thôn thì bị coi là lớn rồi, chả có thời gian để “suốt ngày đùa vui hát ca” đâu, việc nhà nông tối mắt tối mũi đến mức không ngóc đầu nổi chứ ở đó mà hát ca. Có lần tôi lê la chuyện này với ông bạn cùng tuổi, nhà báo Đào Lê Bình, một tay làm báo có sạn trong đầu, y bảo ấy văn nghệ sĩ xứ ta nó hay vớ vẩn vậy, ông có nhớ hồi bé tí chúng mình học bài vỡ lòng “Bố Tý làm công nhân/Ở bến tàu khuân vác/Vừa làm lại vừa hát/Trong buổi sáng mùa xuân” không, ối giời, đang còng lưng khuân vác mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chân tay bủn rủn mà lại còn hát hò được nữa thì có mà thánh chứ không phải bố Tý, không phải người.

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Lá chắn hạt nhân

Lâu nay có sự mặc nhiên, nước nào sở hữu vũ khí hạt nhân thì nước ấy được kẻ khác, dù là siêu cường, phải kiêng nể. Muốn đánh nước có vũ khí hạt nhân cũng phải dè chừng, chỉ đơn giản là khi bị dồn tới chân tường, nó bất chấp, nó khùng lên, văng vũ khí hạt nhân ra, ối anh từ chết đến bị thương, có khi cả nhân loại bị tiêu diệt chứ đùa.

Chính vì thế, những nước mạnh luôn tìm cách ngăn cản nước yếu có vũ khí hạt nhân. Đám mạnh tự cho mình cái quyền được phân phối ai có hạt nhân, ai không có, ai không được có. Còn đám yếu cứ tìm mọi cách để có, ông cứ chí phèo đấy, làm gì được nhau. Cuối cùng thì Israel, Pakistan, Iran, Ấn Độ đều có, chứ không phải chỉ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp... 

Xứ Triều Tiên của ông cháu, cha con nhà cu Ủn quyết theo đuổi hạt nhân cho bằng được bởi đó là lá bài, lá chắn duy nhất giúp chúng tồn tại. Buông ra là chết ngay. Có thể vẫn chưa có, nhưng cứ nói có, hư hư thực thực, cũng làm kẻ khác phải chờn.

Lại nhớ vụ Iraq đầu thập niên 80 tìm cách có vũ khí hạt nhân. Husein ký mua lò phản ứng của Pháp và Ý hết nửa tỉ đô. Israel lo sợ Iraq mà có bom hạt nhân thì toi, bèn phản đối, nhưng Pháp, Ý tham tiền nên cứ bán. Israel bèn bí mật cho ngay vài chục chiếc máy bay F15 đem bom sang phá tan tành. Tan giấc mơ hạt nhân, đến năm 1991 Iraq phải chịu thất bại ê chề bởi không có gì để chống đỡ bọn "đế quốc Mỹ" kia.

Bài học Iraq là lý do giải thích vì sao cu Ủn (được sự hậu thuẫn ngấm ngầm của Tàu) phải có hạt nhân cho bằng được.

Còn xứ An Nam không cần hạt nhân bởi đã có thứ vũ khí vô cùng lợi hại là... ban tuyên giáo. Mày đánh ông hả, ông cứ gào lên cho mày biết, lại chả chạy mất dép, haha.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Chuyện thư từ thời bao cấp

Cứ lẩn thẩn nghĩ, chả biết thư gửi cho nhau có từ khi nào nhưng chắc cũng phải lâu lẩu lầu lâu rồi, xa tít trong quá khứ. Người ta xa nhau thì viết thư. Hồi xưa đi học tôi rất thích mấy câu thơ trong danh tác Chinh phụ ngâm của cụ Đặng Trần Côn thời Lê mạt nói về thư tín.

Mấy câu tuyệt bút ấy là: "Thư quy nhân vị quy/Sa song tịch mịch chuyển tà huy/Tà huy tà huy hựu tà huy/Thập ước giai kỳ cửu độ huy" (Thư thường tới, người không thấy tới/Bức rèm thưa lần dãi bóng dương/Bóng dương mấy buổi xuyên ngang/Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai - bản dịch này tương truyền của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm). Mong thư mà đến mức thế, có lẽ trên đời chả ai mong hơn cô chinh phụ ngóng chồng này.

Phải công nhận bây giờ người ta sướng thật, nhất là bọn trẻ. Nếu phải đi xa, cuộc sống xa cách người thân, mọi lo lắng đối với chúng cứ nhẹ hều. Làm gì nghĩ ngợi cho mệt đầu, bởi khi cần thì móc cái điện thoại di động “ma phôn” bấm bấm vài nhát, tất cả hiện lên ngay trước mặt, cả cha mẹ, vợ chồng con cái, người yêu, bồ biếc, cả khung cảnh quê hương, làng xưa phố cũ, thậm chí con chó con mèo từng gắn bó với mình đang nuôi ở nhà… đều hiện lên tuốt tuột trong máy, sinh động, không khác gì đang bên nhau. Chẳng còn cảm giác xa xôi, trong Nam ngoài Bắc, thậm chí tận bên Mỹ nếu đi máy bay phải mất hơn 1 ngày đằng vân, vậy mà đường vô tuyến viễn liên hàng vạn cây số chỉ trong nháy mắt bấm một nhát là có thể í ới, nhìn nhau được ngay. Với những công nghệ hiện đại như Facebook, Skype, Fiber… vừa trò chuyện, vừa ngấm nguýt liếc nhau, tán phét cả ngày mà không mất xu nào. Thế mới kinh.

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Linh địa Nga Sơn

XUÂN BA (nhà báo)

Huyện Nga Sơn xứ Thanh là vùng linh địa. Và lắm chuyện. Ghi lại có mà mỏi tay.

Khoa Văn Tổng hợp khóa 17 có anh Đỗ Xuân Thanh tính lành, mê làm thơ hơn học. Ra trường hằng bao năm làm ở NXB Thanh Hóa. Lần ấy anh Thanh dẫn cả bọn qua làng Vân Hoàn ghé nhà thơ Hữu Loan vốn là chỗ anh quen biết. Đến cổng, anh bảo đứng đây đợi để anh vào nói trước với cụ kẻo cụ không tiếp thì ê mặt. Đó là lần đầu tôi được tiếp kiến thi sĩ. Anh Thanh nói cụ không phải khái tính, khó tính mà là tiết tháo. Bài viết Thi sĩ Hữu Loan, trung chuyển tính cách Thanh với kẻ sĩ Bắc Hà của tôi thời điểm cụ mất cũng là cái ý anh Thanh một lần hé cho…

Hẹn lên hẹn xuống về quê anh Thanh ở Nga Thủy mấy lần chơi nhưng nhỡ cả. Cho đến khi anh mất vì bạo bệnh… Tôi được mụ bạn đồng môn Trần Thị Sánh cử mang ít bạc vụn tiền anh em góp vào Nga Sơn viếng anh khi đã qua 49 ngày. Bàng hoàng khi chị vợ anh Thanh đưa cho coi cuốn bản thảo thơ. Hóa ra anh Thanh dành bao nhiêu là tình cảm cho cánh đồng môn lớp Văn 17 mà chúng tôi không hề biết.

Bữa nắng oi mới đây ghé nhà chú em Phạm Văn Sơn ở Nga Thạch được chén một bữa gỏi nhệch đã đời. Nắng gỏi mưa cầy. Nắng xơi gỏi, cữ mưa lạnh mà chén thịt chó cứ là oách xà lách. Các cụ bảo thế. Chợt nhớ năm xa, nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra Hà Nội cũng cữ nắng rủ vô quán gỏi nhệch mới mở. Nhệch là thứ gì mậy? Lão nhướng cặp mày bạc thắc mắc… Khốn khổ, hóa ra mấy năm tập kết trên đất Bắc, lão chưa được nếm vị nhệch bao giờ. Thừa dịp bốc phét rằng nhệch loài chạch nước lợ. Nhệch na ná giống lươn, giống rắn. Tư cách kém rắn nhưng khá hơn lươn. Lão Sáng gật gật…

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Tếu táo lẫn trầm sâu Nguyễn Sự

Hội An trưa 13.10. Cuối thu mát mẻ nắng dịu. Lại thêm chút se lạnh từ xứ Bắc ông trời gửi vào khi mấy hôm rồi đã có gió mùa đông bắc. Phố cổ du khách ta tây dập dìu. Những con đường phố nhỏ xíu so với Sài Gòn hoặc Đà Nẵng, lòa xòa cây xanh, tường rêu xanh, mái ngói vẩy hoặc cong qua tháng năm đã lên màu rêu lục nhạt, tất cả thật gần gũi, dễ thương. Tôi tranh thủ giơ máy ảnh chụp mấy cô tây cong đít đạp xe bám nhau, vừa chạy vừa líu lo ra chiều thú vị lắm. Hội An cổ kính thật thanh bình. Nhưng chúng tôi thì vội. Đã trễ hẹn với ông Sự, bắt ông phải chờ khá lâu rồi.

Quán cà phê giản dị. Ghế gỗ bàn gỗ đơn sơ dưới bóng cây. Nguyễn Sự dường như không có vẻ sốt ruột, bồn chồn như ta thường thấy ở người chờ đợi. Thấy đám chúng tôi láo nháo vào, ông mỉm cười, đuôi mắt đặc trưng của dân ưa hài hước. Bắt tay từng người, mặc cho chúng tôi xin lỗi vì sự đến trễ, ông gạt đi, giọng Quảng líu ríu bảo gặp nhau thế ni là vui rồi. Tôi nghe ngôn ngữ Quảng Nôm chưa quen, lúc đầu phải nhờ dịch lại, hì hì.

Đã lâu từng nghe bạn bè, đồng nghiệp nhắc nhau rằng tới Hội An, thậm chí tới Quảng Nam, mà không gặp được ông Sự thì phí lắm, tức là phí thời gian, công sức, tiền bạc cho chuyến đi ấy. Mà quả thế thật, có mục kích, trò chuyện với Nguyễn Sự mới cảm được hết cái hay của con người xứ Quảng, ở nhiều góc độ. Tôi bao năm làm báo nhưng cứ bám tòa soạn suốt, ít xê dịch giang hồ, nên cứ đinh ninh trong lòng, thể nào cũng phải hội kiến hội đàm với con người độc đáo ấy, ước vậy thôi nhưng chả biết khi nào.

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Điện và rác cùng số phận bi kịch của người dân

Đang có những tranh cãi xung quanh việc thủy điện xả lũ gây ngập lụt, chết người. Nghe chừng phía nào cũng cho mình có lý (thì xưa nay mấy ai chịu nhận mình sai khi bộc lộ quan điểm cá nhân), người ngoài lắng nghe và chứng kiến cứ bị quay như chong chóng. Đúng, sai, sai, đúng… chả biết đâu mà lần. Có những vị, đồng thời với việc khẳng định “chân lý” thì dọa, kiểu các ông mà không nghe tôi là tôi chửi đấy.

Phía bênh thủy điện bảo cứ chửi thủy điện cho lắm vào, không có điện thì ngồi trong bóng tối bốc cứt mà ăn (tôi dẫn nguyên ý của một cao nhân), không có điện thì xài được máy lạnh, mở được laptop để chém gió chắc, không xả lũ thì đại họa quốc gia chứ đùa à, v.v..

Nói tóm lại, phải có điện. Để có điện thì dù chúng ta phải hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất điện, nhất định không chịu làm nô lệ trong bóng tối.

Phía bênh dân chẳng lý luận gì nhiều (người chết như ngả rạ thế thì lý luận làm gì), chỉ bảo các ông cứ tăng trưởng, phát triển trên sinh mạng dân như thế, thà rằng không có điện. Phá hết cả rừng (một cái hồ chứa nước đã hủy biết bao nhiêu rừng), nước mưa chả còn chỗ thấm để ngậm giữ nước, mùa khô thì trữ nước dùng cho phát điện khiến hạ du cạn kiệt, mùa mưa lũ thì xả khiến nơi nơi ngập lụt, người và vật chết trôi, thân thể vùi lấp khắp nơi, chứ đâu phải hồ chứa làm nhiệm vụ điều tiết điều tiếc gì. Điện bán ra, nhà nước và doanh nghiệp thu tiền chứ có cho không dân chúng ki lô oát nào bao giờ, nhưng lũ lụt, chết chóc, thiệt hại thì dân được miễn phí.

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Sự kiêu ngạo cộng sản (phần 3 – cuối)

Hồi các thể chế chính trị trên thế giới còn chia làm hai phe kình địch, lứa 5X chúng tôi ở miền Bắc luôn được nghe từ đài báo nhà nước, từ cán bộ tuyên truyền rằng chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại, còn chủ nghĩa tư bản đang tự đào mồ chôn, bên bờ huyệt, đang giãy chết. Cứ nghe mãi những điều ấy rồi cũng thành niềm tin mặc dù chẳng biết chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản mặt mũi ngang dọc như thế nào. Cái mùa xuân mà họ nói thì quá xa xôi, chưa biết bao giờ mới theo chim én về, còn tư bản khi nào chết cũng chả biết. Mọi thứ đều rất mơ hồ, chỉ có nghèo đói, chiến tranh, xung đột là có thực, phải chứng kiến hằng ngày.

Phải thừa nhận người cộng sản, dù ở Liên Xô, Trung Quốc hay Việt Nam, rất giỏi tuyên truyền. Họ nắm được quyền lực, độc quyền quyền lực, rất mạnh tay thực hiện chuyên chính vô sản, huy động hết tất cả cung bậc của bộ máy tuyên truyền, lại cộng thêm mị dân siêu hạng, nên có những thứ họ tưởng tượng ra tuy chỉ là bánh vẽ nhưng phần đông dân chúng cũng tin là thực. Dường như bất cứ điều gì họ chủ trương, nêu ra, họ (người cộng sản) đều cho là chân lý. Chẳng hạn họ luôn đề cao chủ nghĩa duy vật, chống lại mọi quan điểm duy tâm; đề cao tập thể, chống tôn phò cá nhân… nhưng trên thực tế thì ngược lại. Chính họ duy tâm siêu hạng, tôn thờ cá nhân, sùng bái cá nhân siêu hạng.

Trước hết, có thể thấy rõ sự kiêu ngạo cộng sản lộ rõ ở những từ ngữ, khẩu hiệu mà họ thường dùng. Hằng ngày luôn bắt gặp trên sách báo, trong những bản tin đài phát thanh, trên cửa miệng của cán bộ tuyên truyền, trên những bức tường khắp vùng thành thị lẫn nông thôn những từ: muôn năm, mãi mãi, vô địch, đời đời bền vững, sống mãi, bách chiến bách thắng, bất diệt…, tất cả đều hàm chứa sự duy ý chí, phản lại quy luật cuộc sống.

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Xứ Nghệ rụng một vì sao sáng

BÁ TÂN (nhà báo)

Nhà giáo-cụ đồ Nghệ Văn Như Cương đã về với tổ tiên, đến với cõi tiên.
Thế là cõi tiên thêm một ông tiên.
Nỗi thương tiếc trĩu nặng với nhiều người, nhất là với người dân xứ Nghệ.

Xứ Nghệ như là một bầu trời lấp lánh đầy sao, nhà giáo Văn Như Cương là một trong những ngôi sao sáng nhất.
Từ giã cõi đời ở tuổi 80 nhưng ngôi sao Văn Như Cương còn sáng lâu dài về sau.
Còn hơn thế nữa,trong cái xã hội đầy hắc ám và ti tiện, ngôi sao Văn Như Cương càng trở nên ấm nồng rực sáng.

Sinh ra ở xứ Nghệ. Lập thân lập nghiệp ở Hà Nội. Hơn 60 năm thường trú ở Hà Nội nhưng nhà giáo Văn Như Cương vẫn sừng sững chất người xứ Nghệ. Cốt cách người xứ Nghệ. Giọng nói quê xứ Nghệ.

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Thầy Cương và sự ra đi của kẻ sĩ cuối cùng

Tôi gọi cụ Văn Như Cương là kẻ sĩ cuối cùng bởi thế hệ mang cốt cách kẻ sĩ Bắc hà nay gần như không còn nữa. Chỉ còn lại những trí thức mà thôi.

Không có bất cứ sự chỉ đạo nào, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi thầy giáo Văn Như Cương trút hơi thở cuối cùng, báo chí đồng loạt thông tin về sự ra đi nổi tiếng này. Một thầy dạy toán khi biết tin thầy Cương từ trần đã nói với tôi, chẳng khác gì quốc tang, tang lễ quốc gia nhiều khi cũng không được quan tâm bằng. Tràn lan sự tiếc thương vô bờ bến.

Điều đó nói lên rằng khi lòng dân đã nuôi giữ trân trọng, quý mến hình ảnh ai đó thì con người ấy luôn được dành cho sự chú ý đặc biệt, không cần phải “đúng quy trình”.

Một thầy giáo cả đời dạy học, một nhà sư phạm cả đời quan tâm đến sự phát triển giáo dục, một con người luôn trong tư thế xông lên đổi mới, một người đầy bồ kiến thức nhưng ít màng địa vị công danh, đã ra đi trong sự tiếc thương của cộng đồng. Đó là một kẻ sĩ, dường như kẻ sĩ cuối cùng về cả tài năng và nhân cách.

Người đời lâu nay biết đến ông, Văn Như Cương, về nhiều mặt. Xung quanh ông là những lời kể, câu chuyện, sự việc, kết quả, thậm chí cả những giai thoại, đều khẳng định về một con người đặc biệt. Tôi chỉ gặp ông có một lần, nhìn thấy là chính chứ không có hân hạnh trò chuyện nhưng cứ ấn tượng mãi về con người xứ Nghệ ấy. Nghe ông nói, ngắm ông với bộ râu thật ấn tượng trông như ông tiên, tìm hiểu về ông rồi sinh ra cảm tình, yêu mến và khâm phục.

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Hiến kế

Đúng ra là mách nước bởi chả quan hệ gì với nhau, hơi đâu mà hiến, có hiến cũng họ chả dùng bởi họ đỉnh cao trí tuệ rồi. Nhưng thấy các vị đảng chộn rộn quá, đành mách đôi điều.

Đã lâu nghe các ông bận rộn chống tham nhũng (chả biết có kết quả gì không, hay là tham nhũng cứ ổn định và phát triển), nay lại ôm đồm bàn cả chuyện tinh giản bộ máy thể chế chính trị, nói như nhà chúa hôm khai mạc thì nó đang rất chi là có vấn đề, cồng kềnh và kém hiệu quả.

Này, tôi bảo thực, cái bộ máy ấy, người ta nói mãi, nói chán rồi, bản thân tôi cũng nói trên blog này vài chục lần rồi, các ông có chịu nghe quái đâu, bây giờ mới bàn là khí muộn. Thôi thì tôi mách cho các ông:

Đang tồn tại bộ máy cai trị song trùng, đảng và nhà nước. Cái nào cũng cồng kềnh, kém hiệu quả, chết tiền ngân sách. Vậy thì gộp lại làm một, có đảng thì thôi nhà nước, còn nhà nước thì thôi đảng, một ông lãnh đạo thôi. Ví dụ bố nào làm tổng bí thư thì chủ tịch nước luôn đi, làm chủ tịch thành phố thì bí thư thành ủy luôn đi. Gọn ghẽ, bớt hẳn một nửa ăn bám. Nhà cửa trụ sở cũng gộp lại, chỗ nào thừa ra thì dùng làm tài sản phúc lợi xã hội, làm trường học, bệnh viện, nhà trẻ, hoặc bán cho tư nhân lấy tiền nộp vào ngân sách. Và điều rất có lợi là không cần chống tham nhũng, bất chiến tự nhiên thành, cũng dẹp được 50%, thậm chí còn hơn, số cán bộ tham nhũng.

Nhân tiện, dẹp gọn ghẽ mấy thứ tổ chức, đoàn thể, hội này hội nọ, cả đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn, nông dân, hội nhà văn (hi hi), hội tùm lum tà la... đang có. Mặt trận mặt triếc chỉ làm vì, làm bung xung, dẹp luôn. Nhưng không cấm, hội nào muốn lập lại, cho lập, tự quyên tiền nuôi nhau, cấm bú vào ngân sách. Các vị chịu khó nhìn ra thế giới một tí xem nào, có nước giàu có, phát triển, văn minh nào bày vẽ ra nhiều mâm bát như xứ này không?

Gớm, lúc ấy dân lại không đổ ra đường mà ăn mừng, vui chơi cả tuần, đời sống lại chả lên vùn vụt, chẳng mấy chốc mà đuổi kịp Thụy Sĩ chứ chả thèm Singapore.

Cứ nghe tôi, đó gọi là cách mạng.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Cấm khai

Tôi nói thực, tôi vốn không tin vào tòa án xứ này, án xử theo chỉ đạo thì tin làm gì cho phí lòng tin.

Nhưng vụ tòa án cấm tiệt, khóa mồm bà Châu Thị Thu Nga không cho khai về số tiền 30 tỉ đồng mà theo bà để chạy suất đại biểu quốc hội, chiều nay (5.10.2017) bà nằng nặc đòi khai, tòa quyết cấm, bảo không có liên quan đến vụ án, thế là thế nào.

Đành rằng khai báo cũng phải có chỗ, nhưng nội dung này, tốt nhất là khai công khai tại tòa. Xưa nay rất nhiều vụ do bị cáo khai báo tại tòa mà thêm được án mới, tìm ra được thủ phạm. Sao lại không liên quan, ít nhất nó cũng liên quan đến bà Nga, đến hàng trăm tỉ đồng bị thất thoát, bị chiếm dụng, mà việc chạy suất là một dạng thất thoát. Cấm không cho khai nghĩa là bịt miệng, diệt khẩu, vậy thì vẽ ra xử làm quái gì.

Thế nếu tối nay (phỉ phui cái miệng) lỡ bà Nga trúng gió, hay có đứa nào ác, nó diệt khẩu, chả nhẽ vụ chạy suất đại biểu quốc hội chìm xuồng à. Rồi ông chánh án có kiểm điểm nghiêm khắc không, hay lại cười hì hì với một số đương sự cộm cán rằng "tôi đã cứu cho các anh một bàn thua trông thấy, phải biết ơn tôi nhá"...

Xin nhớ rằng chuyện chạy suất vào quốc hội bà Nga đã khai cách nay gần 2 năm, cả công an lẫn ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ nhiệm VP quốc hội đều hứa sẽ điều tra làm rõ, mẹ kiếp, rõ cái con khỉ.
Chống tham nhũng kiểu phản chống tham nhũng thế này, như trò hề.

(Tôi nói thêm với mấy chú báo chí: Bà Nga đang là bị cáo, tức là bị cáo buộc tội này tội nọ, tòa chưa xử xong, chưa kết tội, thì các chú đừng thay tòa, gọi người ta là siêu lừa, là con này con kia...Tôi không bênh gì bà ấy, nếu bà ấy có tội, pháp luật sẽ trừng trị, nhưng viết về luật, hãy làm đúng luật).

Nghe tôi phàn nàn về vụ cấm kiếc này, lão Maddox hàng xóm lảu bảu "cấm là cấm thế đéo nào".

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Chuyện đồng hồ (kỳ 3 – cuối)

Như đã kể ở bài 2, sau tháng 4.1975, hàng hóa lũ lượt trẩy về miền Bắc, trong đó có đủ loại đồng hồ. Những nhà bình dân, nhất là vùng nông thôn, lâu nay chưa sắm được đồng hồ, giờ đây đã có thể mua được chiếc đồng hồ để bàn hoặc treo tường cũ “made in” Nhật, Mỹ đàng hoàng. Người ta có thể thịt con gà trống mà không cần nghĩ ngợi lăn tăn gì bởi đã có đồng hồ thay tiếng gáy của nó. Đám thanh niên, những tay chơi áo đại cán, mũ cối, dép nhựa Tiền Phong trắng giờ đây có thêm tiêu chuẩn cạnh tranh mới là phải có đồng hồ đeo tay.

Hai loại đồng hồ đeo tay phổ biến và được ưa chuộng nhất những năm cuối thập niên 70 là Seiko và Orient đều của Nhật. Con buôn từ miền Bắc vào Sài Gòn chủ yếu lùng sục hai loại danh giá này, đem về bán cứ một vốn bốn lời. Đồng hồ Orient 4 đinh được chuộng nhất. Loại này to, dày, gọi tên 4 đinh bởi có 4 mấu nhô lên 4 góc, màu tím nhạt, kim dạ quang sáng ngời. Đeo chiếc Orient 4 đinh, thiên hạ lác mắt, đi tới đâu cũng nhận được những cái nhìn thèm khát và sự trầm trồ thán phục. Lớp tôi có anh Hoàng Thanh Chương người Quảng Trị. Ngay sau tháng 4.1975 Chương xin phép nghỉ học vài tuần về thăm quê. Khi y trở ra, đem cả đài (radio) National và đồng hồ, rất oách. Y đeo chiếc Orient tự động, 2 cửa sổ, tôi lại gần chiêm ngưỡng. Cha mẹ ôi, sao có thứ đồng hồ hiện đại khiếp thế không biết. Đeo đồng hồ ấy, con gái chạy theo rần rần. Cũng loại Orient còn có thứ hàng độc nhất vô nhị, dân chơi gọi là Orient thủy quân lục chiến. Chỉ những tay chơi máu mặt mới dám sắm Orient thủy quân lục chiến.

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Chuyện đồng hồ (kỳ 2)

Ở cuối bài trước, tôi có nhắc đến cái sân gạch Bát Tràng mà tôi thường xem bóng nắng để biết giờ, nhân tiện kể tí ti về cải cái ruộng đất (bởi gạch lát sân là gạch được cậy lên từ sân nhà địa chủ, thày tôi mua lại từ người được chia). Có bạn đọc xong bảo sao bác không kể thêm về cuộc cách mạng long trời lở đất ấy đi. Thực thà mà rằng khi xảy ra đấu tố, đánh địa chủ phú nông, tôi mới 1-2 tuổi, nào đã biết gì, chỉ nghe thày bu và anh chị kể lại thôi. Nhưng nghe cũng khiếp. Làng tôi nghèo lắm, thế mà đội cải cách vẫn tìm ra được đủ 5% địa chủ, có người chỉ sở hữu vài mẫu ruộng, lôi họ ra đấu tố tơi bời, sau đó còn bịt mắt điệu một ông lên pháp trường ở đầu núi Trà Phương bắn. Chị tôi kể theo người nhớn đi xem xử bắn về mấy đêm không ngủ được vì sợ. Mà nào ông ấy có địa chủ địa chiếc ghê gớm gì cho cam, chỉ nhà ngói sân gạch, có mấy mẫu ruộng tự canh tác chứ chả dám thuê tá điền. Nhưng cách mạng bắt chết thì phải chết, không có tội cũng thành có tội. Ông ấy chết rồi, ruộng đất bị tịch thu hết, gia đình ly tán, con cái tha hương, cơ nghiệp nhà cửa tan hoang bị chia cho mấy hộ bần nông, khi còn trẻ con tôi hay vào khu nhà đó chơi, trông thật tang thương tiêu điều. Sau này có dịp đọc một số tài liệu nói về cuộc cải cách điền địa ở miền Nam thời ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, cụ thể là chính quyền Sài Gòn chủ trương hạn điền, thu hẹp ruộng đất của địa chủ, nhưng bằng biện pháp trưng mua, thỏa thuận trả tiền cho điền chủ, nếu nhiều ruộng bị mua quá thì phần còn lại trả bằng trái phiếu, không có địa chủ nào biệt thiệt thòi, bị xâm phạm thân thể, mới thấy hai cuộc cải cách ruộng đất khác nhau một trời một vực. Nhưng thôi, điều ấy tôi sẽ biên lại sau, còn bây giờ quay lại chuyện đồng hồ.

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Chuyện đồng hồ

Bây giờ chả mấy ai khoe đồng hồ dù có những cái xịn giá lên tới mấy trăm nghìn đô Mỹ, quy ra tiền xứ ta phải vài tỉ bạc. Bởi nó đã hết thời.

Đồng hồ chủ yếu chỉ để coi giờ giấc, nhất là ở cái thời con người còn nhờ vào bóng nắng, tiếng gà gáy, tiếng tút tút trên đài phát thanh, thậm chí cả hoa (hoa đồng hồ) để biết thời gian, thì nó là soái ca. Những người đeo đồng hồ, oai phong chả khác gì đại gia thời nay diện xe ô tô Toyota Avalon hoặc Lexus 570. Nhưng cái gì cũng có thời, khó tránh khỏi bị rẻ rúng, thất sủng. Bây giờ trong mỗi chiếc điện thoại di động đều hiện đủ cả giây phút giờ ngày tháng, thậm chí ngày âm ngày dương, nạp sẵn lịch cho vài trăm năm, vậy thì sắm đồng hồ làm quái gì, chỉ tổ vướng víu. Các hãng sản xuất đồng hồ, dù nổi tiếng như ở Thụy Sĩ đi chăng nữa, cũng sẽ chết, cũng như đám sản xuất phim ảnh, giấy ảnh, máy ảnh Kodak, Fuji, Orwo, Minolta… bị ngỏm củ tỏi bởi không đọ nổi máy ảnh kỹ thuật số vậy.

Lại nhớ thời còn bé, những năm 60-70 ở miền Bắc, đồng hồ là của hiếm. Thực ra chỉ hiếm sau năm 1954, tức là sau khi chính quyền mới tiếp thu miền Bắc. Đuổi được Pháp thì cũng đồng thời đuổi luôn những tiện nghi, vật dụng của bọn “đế quốc sài lang”. Ô tô, xe đạp, quạt máy, lụa là vải vóc…, chả riêng gì đồng hồ, dính với thực dân phong kiến, với lối sống hưởng lạc, cứ là dẹp cho bằng hết. Ta độc lập tự chủ, tự ta làm lấy mọi thứ, không có thì tạm nhịn. Ấy là nói với dân thôi, chứ cán bộ đã có hàng hóa Liên Xô, Trung Quốc viện trợ.