Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Tếu táo lẫn trầm sâu Nguyễn Sự (phần 2)

Trong chút ồn ắng nhẹ nhàng dễ thương của đô thị Hội An, tự dưng thấy yêu mến con người hơn. Không có sự tranh giành vội vã như thường gặp ở Sài Gòn hoặc Hà Nội. Con người sống thật tự nhiên. Như Nguyễn Sự đang ngồi trước mặt kia, gần gũi ấm áp, cởi mở ân tình. Những câu chuyện vui xen lẫn cởi mở về thế sự khiến 2 tiếng đồng hồ trôi nhanh quá.

Nói không quá đáng, có những đô thị trong sự phát triển và tồn tại giai đoạn nào đó được gắn với tên tuổi của cá nhân nhất định. Hà Nội suốt thời gian dài ghi liền với tên vị chủ tịch ủy ban hành chính đầu tiên Trần Duy Hưng. Cứ nhắc thủ đô là nghĩ ngay tới bác sĩ Trần Duy Hưng. Những năm 72-76 tôi học ở Hà Nội, ông Hưng vẫn còn làm chủ tịch, ông ngồi ghế ấy một mạch suốt từ khi tôi chưa đẻ (từ năm 1954) tới năm 1977, đó là chưa kể gánh nhiệm kỳ đầu 1945-1946 rồi kéo nhau lên rừng kháng chiến. Có nhiều giai thoại truyền kỳ về ông Hưng, một vị trí thức đáng kính, vị lãnh đạo giản dị liêm khiết, gần dân, được cụ Hồ rất tin tưởng. Chả hiểu sao rất nhiều đời đô trưởng kế nhiệm về sau, họ không học gương của ông Hưng, chỉ nảy nòi tinh đám Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Thế Thảo đầy tai tiếng.

Đà Nẵng cũng vậy, trải qua nhiều đời lãnh đạo như Hồ Nghinh, Mai Thúc Lân, Trương Quang Được, Nguyễn Văn Chi… nhưng hầu như tên tuổi Nguyễn Bá Thanh lấn át tất cả. Dấu ấn Nguyễn Bá Thanh đậm đến mức cụm từ Đà Nẵng - Nguyễn Bá Thanh thành cái tên chung, nếu chỉ nhắc một nửa sẽ thấy thiêu thiếu, chưa hoàn chỉnh. Tất nhiên không có thứ gì, không có ai là vĩnh cửu, muôn năm, mãi mãi, nhưng có thể đoán rằng dân Đà Nẵng nhiều năm nữa còn nhớ tới Nguyễn Bá Thanh. Tôi có con bé cháu từ Hải Phòng theo bác nó vào Đà Nẵng chơi, nhất quyết đòi chở bằng được tới cổng nhà ông Thanh chụp cái ảnh, đem về quê khoe như một chiến tích.

Tôi đưa ra vài ví dụ như vậy để chốt về Nguyễn Sự. Hội An và Nguyễn Sự là một, tất nhiên không phải kiểu “trời của Sự, đất của Sự, con chim bay trên cành cũng của Sự”. Nguyễn Sự không tạo ra những tai tiếng như vậy. Nhưng có thể nói, việc bảo tồn và phát huy phố cổ, làm cho giá trị gia tăng hơn, nổi tiếng hơn, tên tuổi Hội An vang xa hơn, phần lớn nhờ công Nguyễn Sự. Cứ mỗi lần có sự gì đó xảy ra với Hội An, người ta nhắc ngay đến vai trò của ông bí thư thành ủy này. Lũ lụt ư, ông Sự xắn quần lội vào từng nhà để nắm tình hình. Cần duy trì nếp văn hóa xứ Quảng cho phố cổ ư, người ta nháo nhác hỏi nhau vậy ý ông Sự thế nào. Ngay cả khi đoàn xe của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rồng rắn cả mấy chục chiếc nghênh ngang vào phố cổ phá vỡ quy định cấm xe, người ta cũng bảo nhau giá ông Sự còn đương chức thì làm chi xảy ra chuyện đó, v.v..

Kêu thêm ly cà phê đen, mồi điếu thuốc con ngựa trắng rít một hơi dài, “lão” nhẩn nha chuyện đời. À thì ra Nguyễn Sự rất thích nuôi chim, dạy chúng nói tiếng người. Tôi tặc lưỡi, nói được tiếng ta đã khó, lại phát âm giọng Quảng nữa chắc con chim của lão Sự phải có bằng tiến sĩ ngôn ngữ. Lão Sự kể có lần nuôi một con yểng, nói khá lắm, cả những câu rất dài, thậm chí biết chửi bậy, nhưng tập mãi câu hát mở đầu bài thánh ca "Như có bác Hồ", nó chỉ hót được “Như có bác Hồ trong ngày vui” là tắc tị, không tài nào hót thêm hai âm “đại thắng”. Dụ mãi, luyện mãi vẫn cứ tới “ngày vui” rồi tịt. Ăn nhau ở chỗ đại thắng chứ chỉ vui không thì nói làm gì. Ông Sự kể, tức lắm, lôi nó ra dọa, "mày mà không hát đại thắng thì kể như trưa nay nhịn, khỏi ăn sâu bọ thóc kê gì". Thế rồi, chả biết nó hiểu được lời đe chuyên chính vô sản, nó giác ngộ cách mạng, hay sợ đói, mà hôm ấy làm một mạch trọn lời “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Ông nhà văn Nguyễn Một ngồi kế bổ sung, có lần một con vẹt của ông Sự bay lạc ra ngoài, dân phố cổ vô tình chộp được. Chưa biết chim nhà ai xổ lồng để bắt chuộc thì nghe nó kêu “đù mạ”, họ bảo nhau, thôi đúng chim ông Sự rồi, đem ngay trả ông.

Nguyễn Sự hỏi, các ông là nhà báo, có biết tại sao thằng Phạm Đương nó lấy bút danh là Trần Đăng không. Mấy anh em không biết, bản thân tôi cùng cơ quan với ông Đương suốt bao năm cũng có biết đầu cua tai nheo thế nào đâu. À, thì ra thế này, hồi lão Đương mới vào nghề, lão ký cuối bài tên tác giả Thường Đăng, ra cái vẻ bài tôi hay được dùng, các vị chớ có bỏ, phí lắm. Thực ra nói lộn lại, thường đăng là thằng Đương. Quái thế. Một lần bài gửi cho báo, chả còn nhớ tờ nào, chữ Thường bị nhòe chỉ còn rõ mỗn chữ T, tòa báo nghĩ chắc thằng cha này họ Trần, nó viết tắt T thành T.Đăng, thế là cẩn thận ghi đầy đủ Trần Đăng. Tay Đương thấy cái tên cũng hay hay, lấy luôn, chết tên từ đó. Nghe ông Sự nói lai lịch cái bút danh này, tôi lại nhớ hồi bé nghe các chị tôi giải thích, mấy nữ ca sĩ có chữ Huyền đằng sau, Thương Huyền, Thanh Huyền chẳng hạn thực ra tên là Thường (thương huyền thường), Thành (thanh huyền thành), nghe huyền ảo, lãng mạn hơn tên thật. Còn ông anh tôi hỏi, vậy ca sĩ Mộng Dung là rụng mông hả, cả đám ớ ra.

Lão Sự cười, các ông biết chuyện ni không. Một lần có vị quan to làm chuyến công tác ở vùng lũ lụt, nghe cấp dưới báo cáo vùng này đang bị lũ nặng, có cả người chết, bèn đi "dân vận" thăm hỏi bà con. Ngài đi thì báo chí truyền hình cũng đi theo để phản ánh, truyền hình trực tiếp. Thấy cảnh nhà cửa ngập lụt đổ nát, dân đói khát rách rưới, ngài to to ấy thương lắm. Ngài ngậm ngùi hỏi một cán bộ địa phương, nước lớn thế này, có nhiều người bị chết không? Anh chàng tại chỗ vội thưa: Báo cáo, chỉ có 2 người chết. Ngài gật đầu bảo thế thì tốt, quá tốt. Tivi đang truyền trực tiếp cứ vô tư phát. Dù thiên hạ vẫn biết chỉ là lỡ lời, ý của vị quan to là khác cơ, nhưng dân tình một phen hoảng hồn. Kết quả là đồng chí sếp tivi bị bay chức do... kém nhạy cảm. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. Mấy dòng về con người Quảng Nam(dĩ nhiên, có Đà Nẵng): Xưa giò, cái chung nhất, khi nhận xét về con người Quảng Nam, ai cũng cho rằng, nóng tính, thật thà, bộc trực, ruột để ngoài da...Có dịp, gần gũi, tiếp xúc, va đập nhiều, trong những năm tháng gần đây, thì, nhận xét ấy cũng cần phải thay đổi. Người Quảng Nam, tầng lớp đã, đang tham gia trong guồng máy Nhà Nước, sự bộc trực còn rất ít, giả dối trong ứng xử, sợ và ngại cây đa cây đề, thậm chí còn nịnh nọt lố bịch, tính vị tha hiếm dần, tính vị kỷ phổ biến. Cái thuần Quảng Nam ngày nào nay đã bị pha trộn, ô hợp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự thay đổi này là hệ quả tất yếu khi áp dụng chủ nghĩa mac lê và tư tưởng hcm!

      Xóa