Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Thầy Cương và sự ra đi của kẻ sĩ cuối cùng

Tôi gọi cụ Văn Như Cương là kẻ sĩ cuối cùng bởi thế hệ mang cốt cách kẻ sĩ Bắc hà nay gần như không còn nữa. Chỉ còn lại những trí thức mà thôi.

Không có bất cứ sự chỉ đạo nào, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi thầy giáo Văn Như Cương trút hơi thở cuối cùng, báo chí đồng loạt thông tin về sự ra đi nổi tiếng này. Một thầy dạy toán khi biết tin thầy Cương từ trần đã nói với tôi, chẳng khác gì quốc tang, tang lễ quốc gia nhiều khi cũng không được quan tâm bằng. Tràn lan sự tiếc thương vô bờ bến.

Điều đó nói lên rằng khi lòng dân đã nuôi giữ trân trọng, quý mến hình ảnh ai đó thì con người ấy luôn được dành cho sự chú ý đặc biệt, không cần phải “đúng quy trình”.

Một thầy giáo cả đời dạy học, một nhà sư phạm cả đời quan tâm đến sự phát triển giáo dục, một con người luôn trong tư thế xông lên đổi mới, một người đầy bồ kiến thức nhưng ít màng địa vị công danh, đã ra đi trong sự tiếc thương của cộng đồng. Đó là một kẻ sĩ, dường như kẻ sĩ cuối cùng về cả tài năng và nhân cách.

Người đời lâu nay biết đến ông, Văn Như Cương, về nhiều mặt. Xung quanh ông là những lời kể, câu chuyện, sự việc, kết quả, thậm chí cả những giai thoại, đều khẳng định về một con người đặc biệt. Tôi chỉ gặp ông có một lần, nhìn thấy là chính chứ không có hân hạnh trò chuyện nhưng cứ ấn tượng mãi về con người xứ Nghệ ấy. Nghe ông nói, ngắm ông với bộ râu thật ấn tượng trông như ông tiên, tìm hiểu về ông rồi sinh ra cảm tình, yêu mến và khâm phục.


Cổ nhân thường bảo “cái quan định luận” (đợi khi đóng nắp quan tài lại rồi hãy khen chê đánh giá người nằm trong đó), cho rằng như thế sẽ khách quan hơn, chính xác hơn, không bị lệ thuộc vào cái tình riêng đối với người ấy khi còn sống. Tôi chẳng dám phản bác lại cổ nhân, nhưng trộm nghĩ rằng cụ giáo Văn Như Cương, cả khi sống lẫn khi đã thác sang thế giới bên kia đều tạo được vị trí đẹp đẽ trong lòng biết bao con người đương thời và về sau.

Viết về cụ giáo Cương, tôi sực nghĩ ngay đến câu đúc kết chả biết đã lưu truyền từ đời nào “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” nói về vùng địa linh nhân kiệt hiếm có ở nước ta. Có lẽ nên rườm rà một chút cho rõ: Đó là hai nơi đất học, đất sinh quan, cung cấp nhân tài cho đất nước nổi tiếng xưa nay. Làng Hành Thiện ở tỉnh Nam Định, miền Bắc (Bắc Hà), còn làng Quỳnh Đôi ở Nghệ An, miền Trung (châu Hoan, châu Diễn khi xưa, là vùng Nghệ Tĩnh bây giờ). Thầy Văn Như Cương là đứa con làng Quỳnh Đôi, mang cốt cách ông đồ xứ Nghệ thời hiện đại.

Người đời biết nhiều về thầy Cương qua việc ông là lớp đầu tiên mở trường dân lập. Đúng ra phải nói, nếu dân lập hệ phổ thông thì mang dấu ấn Văn Như Cương với Trường Lương Thế Vinh, dân lập hệ đại học thì phải kể tên bà Hoàng Xuân Sính với Trường Thăng Long. Họ đều là những trụ cột về toán học, giáo sư đầu ngành một thời, thầy của nhiều thế hệ toán học Việt Nam. Có lẽ bộ óc, tư duy của người làm toán nhanh nhạy hơn so với người khác nên trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà lúng túng không tìm được lối thoát để phát triển, họ (Giáo sư Sính và Phó giáo sư Cương) đã tiên phong mở lối dân lập. Đành rằng sự phát triển và mở rộng trường dân lập phải phụ thuộc vào chủ trương của nhà nước, của những người cầm cân nảy mực trong ngành giáo dục, nhưng nếu không có những tư duy “xé rào” như của thầy Cương cô Sính thì chưa chắc hệ dân lập đã có được kết quả như ngày nay.

Nhớ đến thầy Cương, người đời vẫn còn truyền tụng sự thẳng thắn và hài hước của thầy. Câu chuyện thời bao cấp khốn khó, giáo sư tiến sĩ phải nuôi lợn nuôi gà chung với người trong những căn phòng chật chội chung cư, bảo vi phạm thì đúng là vi phạm (ghi trong biên bản) “giáo sư Văn Như Cương nuôi lợn trong khu tập thể”, nhưng chính thầy Cương lại chỉ ra một thực tế cay đắng mà nhà chức việc không bắt bẻ được “lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương”. Nếu cái biên bản ghi câu ấy mà còn, đó là một bằng chứng cực kỳ quý giá về thời bao cấp, về cái thời mà “đầu đường đại tá bơm xe/cuối đường trung tá bán chè đỗ đen”, thời giáo sư tiến sĩ trí thức đi giữ xe đạp, bán buôn chạy chợ để có thể sống qua ngày.

Nhiều người vẫn nhắc đến sự dứt khoát của thầy Văn Như Cương với vòng danh lợi. Thày là người nổi tiếng, được dư luận quan tâm nhưng thầy biết vị trí nào của mình, danh nào là của mình. Không như rất nhiều người vướng phải bả lợi danh, có ít xít ra nhiều, nhận vơ nhận xằng cả thứ không phải của mình, thứ mình không có, thầy đồ Nghệ Cương thì khác. Nhiều thế hệ vẫn truyền cho nhau chuyện có thật, khi không ít tờ báo viết về thầy cứ “vô tư” hoặc có ý đồ để thông tin nặng ký, đã gọi thầy Cương là Giáo sư, thầy đính chính ngay “tôi không phải giáo sư, tôi chỉ là Phó giáo sư Văn Như Cương”. Quả thật, điều đó không phải ai cũng làm được

Con người ta, chả ai hoàn hảo. Thầy Cương cũng thế. Cũng đôi khi dư luận ý kiến này khác về việc thầy “quên” lời hứa nhận một giáo viên chống tiêu cực thi cử nổi tiếng cả nước về trường thầy, sau này số phận giáo viên ấy rất lận đận; chuyện thầy siết kỷ luật học đường, ra những quy định khác lạ về dạy và học bị phụ huynh phản ứng, v.v.. Biết làm sao, có những thứ thầy Cương, dù phẩm chất kẻ sĩ, dù cốt cách đồ Nghệ, vẫn không thể vượt qua được, đặc biệt với những cơ chế nhiều ràng buộc. Rồi tất cả cũng sẽ theo thầy Văn Như Cương đi xa. Như một kẻ sĩ hiếm hoi cuối cùng.

Chỉ nghĩ ngợi, thôi thì khi thầy còn sống đã đành một nhẽ, nay thầy hiệu trưởng khai mở sinh thành Trường Lương Thế Vinh đã lên đường về cõi bên kia, nên chăng những người có trách nhiệm cho phép tên trường được đổi lại thành Trường THPT Văn Như Cương, ghi nhận một sự đóng góp tuyệt vời cho nền giáo dục nước nhà.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Về chuyện Thầy Cương "quên" lời hứa với một giáo viên chống tiêu cực,tôi nghĩ Thầy Cương đã rất chính xác khi nhận xét về vị giáo viên đó.
    Tôi khâm phục sự thẳng thắn của Thầy sau vụ đó.

    Trả lờiXóa