Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Chuyện nước mắm

Một số chi tiết trong bài đã được đưa lên blog hồi năm 2015, nay bài có sự bổ sung đầy đủ hơn.

Có một dạo, dư luận ồn lên vụ nước mắm, nào là nước mắm truyền thống làm theo kiểu thủ công của các cụ ngày xưa với những tên tuổi như Cát Hải, Vạn Vân, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc… không được tốt, nào mắm công nghiệp ăn gian độ đạm, nào hãng này cạnh tranh chơi xấu hãng kia. Thôi thì đủ cả. Cứ tưởng nhỏ xíu như giọt nước mắm thì đơn giản chuồi chuội, chả có lời ra tiếng vào, ai ngờ linh tinh phức tạp thế. Bây giờ tự dưng lôi chuyện mắm miếc ra phơi lên mặt báo dễ bị thiên hạ mắng là nhiều chuyện. Nhưng quả thật ý định viết về mắm của tôi chả dính dáng gì đến cái kết luận bậy bạ có thạch tín (arsenic) trong nước mắm mà Vinastas từng công bố. Mắm cũng có lúc bốc mùi, nhưng không phải mùi mắm mà mùi tiền. Kệ, đường ai nấy đi, tôi chỉ biên kể chuyện mắm thôi.

Quê tôi huyện Kiến Thụy vùng duyên hải Hải Phòng nhưng nhà tôi tụt hẳn vào trong đất liền chứ không gần biển. Từ nhà theo đường chim bay tới biển phải gần chục cây số, đi lòng vòng theo mấy đường liên xã thì dài hơn, khoảng mười sáu mười bảy cây. Chính vì vậy, nhà chỉ cách biển Đồ Sơn có chừng ấy nhưng mãi ngoài 20 tuổi tôi mới được thò chân xuống biển. Hồi những năm 60-70 sự đi lại khó khăn, xe đạp chả có, chủ yếu lội bộ, vả lại việc đồng áng làm cả ngày đêm không bao giờ hết, ai mà nghĩ đến chuyện đi chơi tắm biển bao giờ.

Không biết biển nhưng biết mắm. Từ khi còn bé tí. Bu tôi là người đàn bà tháo vát, giỏi giang. Có nhẽ một phần thương người chồng vướng chút chữ nghĩa, bạch diện thư sinh, vụng về việc nhà nông nên bu tôi gánh tất. Hồi con gái bu ra Phòng (Hải Phòng) làm công nhân xưởng thảm len, rồi máy bay Nhật bỏ bom, sợ quá nên nghỉ, khi về quê lấy chồng rồi thì chỉ làm ruộng. Nhưng ruộng đất khó nuôi nổi người, bu tôi tranh thủ buôn bán kiếm đồng ra đồng vào. Có bà bạn ở mạn Bàng La - Đồ Sơn rủ đi buôn mắm, bà bảo không giàu nhưng sống được, thế là dính nghề. Tôi nhớn lên trong sự buôn mắm của bu tôi. Sau này nhà nước không cho buôn bán tư nhân nữa, cấm tiệt, bởi làm ăn cá thể không phù hợp với con đường lớn đi lên chủ nghĩa xã hội, tư thương bị coi là buôn gian bán lận, tất cả phải quy vào thương nghiệp quốc doanh, vả lại đã vào hợp tác xã nông nghiệp việc đồng áng quá bận nên nghề “thương nghiệp mắm tư nhân” của bu tôi đành dẹp.

Chuyện khẩu hiệu (kỳ 6)

Nói đến khẩu hiệu mà quên nhắc tới đảng là một sai lầm. Không những đảng chủ trương phải sử dụng khẩu hiệu mọi lúc mọi nơi, phát huy sức mạnh của khẩu hiệu, coi khẩu hiệu là một trong những nguyên nhân góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng, mà chính đảng còn là đối tượng hàng đầu của khẩu hiệu. Tất nhiên khẩu hiệu của đảng có nội dung về chính bản thân đảng thì chỉ tập trung vào sự ca ngợi, tung hô. Những gì hay nhất, đẹp nhất, từ ngữ ấn tượng nhất đều được sử dụng trong những câu khẩu hiệu về đảng.

Từ trước tới nay, câu khẩu hiệu về đảng nổi tiếng nhất là câu có phần đuôi “quang vinh muôn năm”. Phải viết như vậy bởi phần đầu bị đổi thay theo từng giai đoạn, từng thời kỳ, theo tên gọi khác nhau của đảng. Khi tôi còn nhỏ, đi đâu cũng thấy câu “Đảng lao động Việt Nam muôn năm”, sau chả biết có vị nào hay chữ đã thêm từ “quang vinh” vào nên thành câu hoàn chỉnh “Đảng lao động Việt Nam quang vinh muôn năm”. Rồi đến khi đảng đổi tên, khẩu hiệu đổi theo, thành “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”, câu ấy còn sống khỏe tới giờ. Khi nào đảng đổi tên thì lại tính tiếp.

Gần như có một quy định bắt buộc (tôi nghĩ thế thôi bởi không dính gì tới đảng) là mọi hội trường đều phải treo câu khẩu hiệu này ngay nơi trang trọng nhất, thường là trên đỉnh sân khấu. Chưa bao giờ tôi thấy cái hội trường nào ở xứ ta vắng câu khẩu hiệu trứ danh này. Phải khen cho ai đã đặt ra quy định ấy bởi hội trường là nơi tập trung đông người nhất, cứ treo lên đó sẽ mưa dầm thấm lâu, không hô cũng thầm phải hô bởi mắt không thể không nhìn.

Tôi biết trường hợp người quen làm cán bộ cỡ vừa vừa, tổ chức đám cưới cho con, mượn được cái hội trường cơ quan. Thì lúc đời sống còn khó khăn, thuê nhà hàng hoặc trung tâm tiệc cưới khá tốn kém nên được hội trường như vậy là ngon quá rồi. Đám cưới vui vẻ, cô dâu chú rể chụp ảnh tíu tít. Chỉ có điều anh thợ chớp ảnh không được dặn dò trước nên những tấm ảnh quan trọng nhất của lễ cưới, nhất là lúc quan viên hai họ đứng trên sân khấu, rồi cô dâu chủ rể cắt bánh, rót rượu làm lễ… đều có dòng chữ khẩu hiệu “muôn năm” kia. Chú rể là đứa thanh niên kiểu mới, thấy ảnh như vậy thì cứ cằn nhằn, bảo đám cưới chứ có phải lễ kết nạp đảng đâu mà lôi khẩu hiệu vào. Cũng không trách ông thợ ảnh được bởi ai bảo không quán triệt trước. Chẳng nhẽ làm đám cưới lại. Nhiều năm sau, thỉnh thoảng tôi gặp lại nó, hỏi đùa ảnh cưới của mày còn không hở cháu, nó cười nhăn, cháu bỏ cả rồi, may mà vợ cháu nó cũng thông cảm.

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Được và mất

Thế sự, nhân tình chả thể nào biết trước được. 

Cứ lẩn mẩn nghĩ tới cái hoàn cảnh gia đình nhà ông Thăng bây giờ, cha già chết hôm qua (26.1), hai con trai (Đinh La Thăng, Đinh Mạnh Thắng) đang trong ngục, lại chợt nhớ ở quê Phòng tôi cũng đã xảy ra như vậy. Cụ Dương Khắc Thụ mất khi anh em nhà Dương Tự Trọng-Dương Chí Dũng vẫn đếm từng ngay ở chốn đề lao. Cha con chả nhìn được mặt nhau lúc vĩnh viễn chia xa.

Cũng "danh gia vọng tộc" cả (nhiều bạn cho rằng đám ấy thì danh gia vọng tộc nỗi gì, tôi xin thưa, trong chế độ cộng sản thì họ là danh gia vọng tộc của xã hội, đến những anh hoạn lợn, đốn gỗ, thầy cúng, thợ điện, y tá... còn cha truyền con nối làm lãnh đạo được, nhà tòa ngang dãy dọc được nữa là). "Xưa sao phong gấm rủ là/Giờ sao tan tác như hoa giữa đường" (Nguyễn Du).

Ngẫm ra thật buồn. Đỉnh cao - vực sâu, vinh hiển - tủi nhục, chẳng biết thế nào. Hôm nay có vênh vang thì cũng ráng tỉnh táo nghĩ tới ngày mai. Đời vô thường lắm.

Cụ Nguyễn Gia Thiều viết rằng "Cái quay búng sẵn trên trời/Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm".

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Không chỉ đơn giản chuyện BOT

Một vùng kinh tế quan trọng, gần như nuôi cả đất nước, là đồng bằng sông Cửu Long, cho tới giờ vẫn chưa nối mạch đường sắt sau 43 năm chấm dứt chiến tranh. Không hiểu các nhà lãnh đạo sáng suốt đã làm được cái gì cho đất nước này.

Nên nhớ rằng thời trước năm 1955, người Pháp đã kéo dài đường xe lửa xuống tận Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang bây giờ). Chính thể VNCH tuy sau đó không dùng đường sắt ấy nữa nhưng họ phát triển đường bộ hết ý, đặc biệt quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1). Giao thông cực kỳ thông suốt, không có trạm mãi lộ cướp bóc nào. năm 1977, tôi đi trên lộ 4 về dạy học ở cơ sở đặt gần ngã ba trung Lương, dù xe tồng tộc chạy bằng than củi (một đỉnh cao của nền kinh tế chế độ mới) cũng chết hết có tiếng rưỡi đồng hồ.

Giao thông nội đồng bằng sông Cửu Long, và từ khu vực này nối ra cả nước, đường thủy chỉ gánh được phần nào, còn chủ lực vẫn là đường bộ. Nếu đường bộ tắc nghẽn, xe cộ không lưu thông ra ngoài được, hàng hóa chết dí, thì không phải chỉ đồng bằng sông Cửu Long chết, mà cả nước sẽ chết, có khi còn chết trước. Nên nhớ đồng bằng sông Cửu Long cung cấp 90% nhu cầu gạo cho cả nước. Thịt cá, trái cây, rau cỏ cũng chiếm tỷ lệ rất lớn.

Những kẻ cố tình đặt trạm thu phí trấn lột vô lý trên quốc lộ 1 - xương sống của đồng bằng này, hoặc là có ý đồ cực kỳ nham hiểm, cố tình gây ra sự mất ổn định qua phản ứng của dân chúng, hoặc quá ngu dốt, hoặc chỉ tham tiền thấy lợi trước mắt mà không biết tai họa cận kề. Chúng thu được những đồng bạc lẻ từ túi rách nghèo của dân bằng cách bóp nặn, nhưng sẽ phá hoại nền kinh tế đất nước mà tai hại không để đâu cho hết.

Bọn bảo vệ BOT trấn lột không biết có ngẫm ra bài học: Năm 1970, khi chính phủ của ông Salvador Allende tổng thống Chile định bỏ con đường phát triển tư bản chủ nghĩa để theo Liên Xô tiến lên chủ nghĩa xã hội, giới tài xế cả nước đã đình công, kinh tế chỉ một thời gian sau bị tê liệt, kiệt quệ, cuối cùng dẫn đến cuộc đảo chính và sụp đổ không tránh khỏi. Một nước mà nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào vận tải đường bộ, lại để tài xế phản ứng thì kết quả như thế là đương nhiên.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Mậu Thân

Hậu sinh chỉ nên nhớ lại sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân 1968 như một nỗi đau xót, một dĩ vãng buồn, chứ có gì phải làm ồn ào ngợi ca thắng lợi, thành công này nọ. Một cuộc đánh nhau, chết quá nhiều người như thế, hủy hoại cuộc sống dân thường như thế, sao gọi là thành công.

Một cựu binh kể lại trên báo Thanh Niên, 5 tiểu đoàn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đều hy sinh gần hết, riêng tiểu đoàn ông hy sinh ít hơn nhưng 500 lính chỉ còn lại chưa tới 100. 

Tôi từng gặp bác sĩ thương binh Trần Văn Bản, người huyện Vĩnh Bảo (HP), anh từng bỏ nhiều năm đi tìm hài cốt đồng đội, nhất là những người hy sinh năm Mậu Thân. Anh cho biết riêng tiểu đoàn Cát Bi của HP đã mất hơn trăm người.

Tôi chỉ cầu mong những linh hồn người đã chết trong cuộc chiến tàn nhẫn ấy được bay về chốn siêu thoát. Những anh bộ đội lính nông dân làng tôi hy sinh năm 68 nay vẫn chả biết hài cốt nằm đâu, mong sao có ngày tìm thấy các anh để đưa các anh về làng, làng Trà Phương thân yêu. Các anh tôi xa làng đã quá lâu rồi, nửa thế kỷ rồi.

Nguyễn Thông

Khu vực Chợ Lớn bị tàn phá trong cuộc tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh tư liệu

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Khi chính phủ chính thức 'tuyên chiến' với 'dịch' chống thu phí BOT...

NGUYỄN KHẮC NHƯỢNG (nhà báo)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký công điện yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành và các bộ ngành liên quan bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT, đặc biệt yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có biện pháp lý nghiêm đối với các phần tử gây rối, chống phá, phản động... Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra xử lý...

Như vậy là toàn bộ tổ chức chính trị và lực lượng vũ trang đã được huy động để bảo vệ các trạm thu phí BOT thông suốt. Chắn chắn với lực lượng hùng hậu cùng các biện pháp xử lý mạnh mẽ như vậy, chính phủ sẽ toàn thắng "dịch" chống thu phí BOT ở một số điểm nóng đang hừng hực lửa phản đối với lý do các nhà đầu tư BOT đặt trạm thu "sai vị trí", từ dùng mà ông Bộ trưởng Bộ GTVT cho là không chuẩn, theo ông thì phải nói là vị trí "chưa hợp lý" mới đúng (?!).

Tuy nhiên theo ngu ý của tôi thì sự toàn thắng của chính phủ chỉ mang tính tạm thời vì biện pháp "áp đảo" ấy chỉ có thể làm cho các nhà đầu tư BOT đặt trạm thu phí "chưa hợp lý" an tâm thôi chứ khó thể "an dân" một khi các trạm thu phí "chưa hợp lý" vẫn còn tồn tại trên các quốc lộ độc đạo. Ông Bộ trưởng GTVT cũng "đe" rằng: Nếu vấn đề BOT tiếp tục nóng lên, sắp tới sẽ rất khó kêu gọi đầu tư vào cao tốc bắc-nam. Nói thế là không "chuẩn" bởi một khi đường cao tốc bắc-nam thành hình, việc đặt trạm thu phí BOT trên đường cao tốc là hoàn toàn đúng với vị trí, xe nào muốn đi lại nhanh chóng thì leo lên cao tốc và đóng phí, xe nào không muốn đóng phí thì lưu thông trên quốc lộ hiện hữu và phải chấp nhận sự chậm trễ hơn so với đường cao tốc. Các đường cao tốc BOT đã đưa vào hoạt động như TP.HCM - Trung Lương (Tiền Giang), TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây (Đồng Nai) vẫn thu phí đều đều với lượng xe qua lại ồ ạt đêm ngày, chưa bao giờ bị người dân phản đối, hoặc bị bọn phản động nào dám nhảy vào xúi giục phá hoại quốc sách BOT của nhà nước trên các đường cao tốc ấy cả. Đây là bằng chứng hiển nhiên để bác bỏ sự răn đe vô căn cứ của ông Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, người đã ký hợp đồng (khi còn là thứ trưởng) thực hiện dự án BOT Cai Lậy với trạm thu phí đặt ở vị trí "chưa hợp lý" gây nên làn sóng phản đối hiện nay.

Chuyện khẩu hiệu (kỳ 5)

Như đã nói ở những phần trước, giai đoạn nào trong thời cách mạng vô sản cũng vậy, sử dụng khẩu hiệu được coi là sách lược, là nghệ thuật, là đỉnh cao của cuộc tuyên truyền, vận động quần chúng. Những khẩu hiệu về cụ Hồ mà chế độ đề ra đã khiến đông đảo nhân dân hăng hái đi theo cụ, học tập cụ, làm như lời cụ dạy. Chỉ riêng câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” do cụ phát ngôn được tôn thành khẩu hiệu đã lôi cuốn được hàng chục triệu người xả thân, không tiếc máu xương cho cuộc chiến tranh giành độc lập.

Sau khi “Người” qua đời năm 1969, dưới sự lãnh đạo của đảng, nhất là ban tuyên giáo, đã ra đời thêm những câu khẩu hiệu nữa về cụ Hồ, khiến cộng đồng xã hội luôn có cảm giác cụ mất nhưng vẫn như còn, cụ luôn bên cạnh mọi người. Lúc đầu là câu “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Câu này hồi cuối năm 1969 và những năm nửa đầu thập niên 1970, đi bất cứ đâu cũng bắt gặp. Hồi ấy chưa có lăng cụ, nên chính quyền và dân chúng tưởng nhớ đến cụ bằng khẩu hiệu. Cứ nhìn vào câu khẩu hiệu ấy là tự dưng có cảm giác “Bác vẫn trên cao vẫy gọi mình”.

Câu nữa về cụ Hồ cũng nổi tiếng không kém, được đưa ra vào năm 1990 khi chế độ khơi dậy phong trào học tập tấm gương cụ. Năm này kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ, nhưng cũng thời điểm đội ngũ cán bộ nẩy sinh nhiều hư hỏng, thoái hóa, không còn xứng đáng là người vừa hồng vừa chuyên như cụ từng căn dặn nữa. Câu khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” từng xuất hiện hồi thập niên 1980 nay được đổi thành “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Không dàn trải sống, chiến đấu, lao động… nữa, giờ chỉ là học tập và làm theo thôi. Mà cũng không học, không theo nhiều thứ, chỉ đạo đức thôi. Những người cầm đầu bộ máy cai trị đã thấy lỗ hổng nguy hiểm và cũng là mối nguy cực kỳ tai hại: sự tha hóa của cán bộ về đạo đức. Tài mấy đi chăng nữa, không có đức thì cũng vứt. Chế độ tồn hay vong cũng ở chỗ này. May còn biểu tượng cụ Hồ, lấy ra làm tấm gương để học. Chỉ có điều vài chục năm trước, sự học ấy còn có ý nghĩa, hiệu quả, chứ càng ngày cán bộ càng hỏng, học chẳng vào, chẳng mấy tác dụng. Điều thấy rõ nhất là trung ương có cả ban chỉ đạo việc học theo gương cụ, tới thời điểm này vẫn tổ chức học hăng say, nhưng chưa bao giờ cán bộ tham nhũng, đổ đốn, tha hóa đạo đức như bây giờ. Những vụ như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Ngô Văn Tuấn… ngày càng nhiều. Cụ cũng không cứu nổi.

Cộng sản là lực lượng chống phong kiến, đả Khổng Tử (biểu tượng của chế độ phong kiến) tợn nhất nhưng chính họ lại đi vào vết mòn của Khổng, chủ trương lấy lễ để cai trị và xây dựng con người, xem thường luật pháp. Không lo soi sáng pháp chế, không lấy luật pháp làm sự nghiêm minh, xây dựng kỷ cương, dùng người tài giỏi… thì dù có phát động đội ngũ học tấm gương đạo đức của cụ Hồ suốt đời cũng chỉ tạo ra những tầng lớp, thế hệ lãnh đạo (gọi chung là cán bộ, đảng viên) đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật, rốt cuộc cũng chỉ là đồ bỏ đi, dân nước chẳng trông đợi được gì. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Chuyện khẩu hiệu (kỳ 4)

Khi nước ta chưa phổ biến internet, chưa có mạng xã hội, lùi hơn một chút nữa là chưa có tivi, thì tuyên truyền bằng khẩu hiệu có lẽ chỉ chịu đứng sau đài phát thanh. 

Đài do nhà nước nắm giữ, cai quản (tới giờ vẫn thế, vẫn độc quyền), cứ 5 giờ rưỡi sáng, cái loa kim trên tường ọ ẹ, khởi đầu bằng chương trình tập thể dục “động tác thở, một hai ba bốn, năm sáu bảy tám, hai hai ba bốn, năm sáu bảy tám…”; tới động tác điều hòa là xong. Đúng 6 giờ, sau tín hiệu báo bằng 5 tiếng tút và 1 tiếng tít kéo dài thì trỗi lên nhạc Diệt phát xít, rồi “đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” giọng trầm ấm của phát thanh viên Việt Khoa. Cứ thế, kéo tới tận tối mịt, đài nhà nước cứ rỉ rả rót vào tai dân chúng đủ mọi chủ trương, đường lối, chính sách, mệnh lệnh, ca ngợi ta “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”, phe ta đang ào ào bão táp cách mạng, phe đế quốc đang hung hăng cùng đường giãy chết… Các cán bộ thỉnh thoảng lại đi từng nhà nhắc nhở “Nghe đài đọc báo của ta/Đừng nghe đài địch bàn ra tán vào/Tin đài tin báo của ta/Đừng nghe tin địch ba hoa nói càn”, còn kêu đám thanh niên viết cả 4 câu thơ tuyệt ngôn ấy lên tường để đồng bào giác ngộ “ta bước tới chỉ một đường cách mạng”.

Ấy, đài đã làm nhiệm vụ tuyên truyền ghê gớm thế, nhưng hỗ trợ cho nó còn có biết bao nhiêu khẩu hiệu. Ở chừng mực nào đó, khẩu hiệu đánh vào lòng người hiệu quả hơn cả đài báo, nhất là khi điều kiện vật chất nghèo đói, thiếu thốn, loa đài không tới được mọi nơi, chứ nói gì báo phải mua bằng tiền. Còn khẩu hiệu, chỗ nào cũng đến được, ngự được, ngay cả trên tường chuồng lợn, bờ giếng, thân cây to, trên sườn núi. Chỗ nào có “sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân” thì chỗ ấy có khẩu hiệu.

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Kể lại chuyện xưa nhân một chuyện mới

PHẠM QUANG LONG

Hai hôm nay trên mạng xã hội dày đặc tin về chương trình biểu diễn của đoàn Nghệ thuật Nội Mông ở Nhà hát Lớn vào tối 19/1/2018, đúng vào ngày 44 năm trước Trung Quốc nổ súng xâm lược Hoàng Sa của chúng ta. Rất nhiều căm phẫn. Rất nhiều lo lắng, bực bội. Sáng nay, qua FB của anh Xuân Đức thấy buổi biểu diễn vì lý do kỹ thuật đã bị hoãn. Thở phào vì ít ra cái điều tệ hại ấy đã không diễn ra vào cái ngày nó không được phép này.

Nhân chuyện ấy, nhớ lại hai chuyện:

Chuyện thứ nhất: trong "Sống mãi với Thủ đô" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có kể chuyện trên thành Cửa Bắc có một lỗ thủng do đại bác của tàu chiến Pháp khi xâm lược Hà Nội lần 1 bắn vào. Người Hà Nội mỗi khi đi qua nơi này đều thấy nhục và căm giận quân xâm lược. Một hôm tất cả những người đi qua thành Cửa Bắc đều ngạc nhiên vì không còn thấy vết thủng nữa. Có ai đó đã dùng gạch, vữa xoá đi vết thủng đó rồi. Nhưng hôm sau thì cái lỗ ấy lại như cũ. Có ai đó lại dỡ chỗ vá ra, cho nó hiện hình như cũ. Người lấp vết thủng, chắc là một công dân tử tế của HN đêm đến lại mang gạch, vữa lấp đầy lỗ thủng. Trước khi rút, ông còn để lại tờ giấy viết đại ý: lỗ thủng này là dấu vết ô nhục. Tôi đã lấp đi. Xin vị nào nghĩ đến nỗi nhục này, đừng moi lên nữa. Nhưng hôm sau đi qua lại thấy người nào đã moi hết chỗ đã lấp, anh ta giận lắm. Đêm xuống, anh ta lại mang gạch vữa leo lên định lấp kín vết đạn thì thấy ở đó có tờ giấy viết: ông có lòng tự trọng, không muốn thấy nỗi nhục chúng ta đang chịu là phải. Nhưng ông tưởng lấp đi thì không nhục nữa ư? Phải để đó cho mọi người thấy nỗi nhục này mà nghĩ cách rửa nhục. Ông đồng tình với tôi thì đừng làm cái chuyện giấu nhục nữa. Ngẫm thấy người kia đúng, anh ta rút lui và cái lỗ thủng ấy còn đến bây giờ.

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Giành công, chối tội

Viết điều dưới đây, tôi sực nhớ câu thơ của nhà thơ Việt Phương, có ý là "Những gì tốt đẹp là thuộc về tao, những gì xấu xa thì thuộc về mày".

Điều này cần phải nói ra bởi tòa đã ép ông Thăng quá đáng. Sau khi ông Thăng khai rằng việc đầu tư nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 làm theo chủ trương của Bộ Chính trị, theo Kết luận số 41 của cơ quan siêu quyền lực tối cao này, vị đại diện Viện kiểm sát liền phản bác rằng Bộ Chính trị không hề chỉ đạo như thế, Kết luận 41 chỉ định hướng phát triển ngành dầu khí nước ta, chứ không hề nhắc gì cụ thể tới nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đó là do ông Thăng tự ý làm.

Nói thế mà nói được. Bộ Chính trị đưa ra đường lối, phương hướng, chứ có bao giờ đi vào cụ thể ABCD... làm cái nọ cái kia. Thăng đã làm theo chủ trương, dẫn dắt của Bộ Chính trị, tất nhiên Thăng có cái quá đà, lệch chuẩn, sai, nhưng Bộ Chính trị không thể xoa tay vô trách nhiệm thế được. Viện kiểm sát nó sợ uy quyền, nó nịnh lãnh đạo là chuyện của nó, còn Bộ Chính trị thì phải đàng hoàng, thẳng thắn nhận cái sai của mình, không thể cố tình lánh mặt, làm lơ. Thăng có tội của Thăng, phải gánh hình phạt, còn Bộ Chính trị chả nhẽ có công?

Xứ này lâu nay có lệ lạ. Nếu đạt thành công, không có vấn đề gì sai sót, thì vội vơ đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Bộ Chính trị, của các cá nhân ABC... Vụ dầu khí cũng vậy, làm tốt thì các quan trên lại chả nhào ra giành giật hết công lao về mình, chứ ông Thăng cũng chả tới phần. Khốn nạn là ở chỗ ấy.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

Chuyện ma

Đã dặn lòng là mình chả nên có ý kiến gì, dẫu sao thì hồi xưa mình cũng từng có cảm tình với con người hành động ấy. Thực ra thì cũng định khuyên, rằng sự đời đã trót thế rồi, thân làm thân chịu, nhất là không phải không có cái sai, thế thì hãy cứng rắn lên, hiểu luật nhân quả, đừng sụt sùi khóc lóc, than thở nọ kia, làm ma này ma nọ. Ma cũng là người, trước khi làm ma thì đã làm người, ai cũng phải luân hồi vào vòng ấy.

Rồi sực nhớ, hồi bé thường được nghe chuyện ma. Trong óc trẻ thơ, ma dường như có thật, thế giới ma tồn tại cạnh thế giới người sống. Đó là cõi âm, phảng phất cùng cõi dương. Ngày để cho người, còn đêm dành cho ma.

Quê tôi (làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) những năm 60-70 chưa có điện, cứ sau tầm gà lên chuồng là đã tối mịt. Ấy là lúc giao thời giữa hai thế giới người - ma, cõi dương - cõi âm. Một cuộc chuyển giao tự giác. Người lui vào trong nhà, thắp đèn lên để tiếp tục cuộc sinh hoạt cho tới khi mệt mỏi, đi ngủ, trả lại không gian mênh mông bên ngoài cho ma quỷ, cho linh hồn, cho các vong.

Tới bây giờ, sống hơn nửa đời người (ấy, cứ theo lối công thức trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày cho một kiếp người), tôi vẫn không hiểu sao hồi ấy người nhớn hay kể chuyện ma đến thế, ma có nhiều đến thế. Sau cứ tìm lời giải dần, nào là do vừa qua cuộc chiến tranh chống Pháp, mới hòa bình được vài năm lại tiếp cuộc chiến đấu với Mỹ, người chết hơi nhiều; do đời sống nghèo khổ, u tối, màn đêm bao bọc, thôn làng cứ sau khi mặt trời lặn là rơi vào tối tăm, lạnh lẽo, vắng tiếng người; cũng còn do người nhớn hay dọa ma trẻ con để chúng nó ở nhà học bài, đừng đàn đúm chơi bời lêu lổng… Có ma hay không, tôi không dám chắc, chỉ biên ra đây điều mình biết.

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Chuyện khẩu hiệu (kỳ 3)

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, hòa bình lập lại ở miền Bắc, riêng tỉnh Hải Phòng quê tôi (thời ấy chỉ là tỉnh) còn phải chờ thêm 300 ngày nữa đợi những lính Pháp cuối cùng rút hết mới thực sự chấm dứt chiến tranh. Lúc ấy tôi mới được 1 tháng tuổi, lớn lên cùng với quê Phòng giải phóng của tôi. Những điều biên ra đây cũng như trong 2 bài trước đều là những gì “mắt thấy tai nghe”, chứng kiến tận mắt, chả hề bịa đặt. Những câu khẩu hiệu tôi kể chính tôi đọc trên những bức tường, trên bia thông tin, nay tường - bia đã đổ rồi, bị phá rồi, nhưng chúng còn in trong đầu.

Hồi cả miền Bắc thành lập hợp tác xã nông nghiệp, chả biết từ đâu, do ông Tố Hữu hay cơ quan tuyên giáo đề xuất, nơi đâu cũng vậy, khắp mọi thôn làng, trên mọi bức tường thôn quê, đập vào mắt mọi người câu khẩu hiệu “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”. Nông dân có thể không biết chữ, nhưng cứ nhìn mãi câu này cũng đọc được vanh vách. Tôi đồ rằng có nhẽ nó bắt nguồn từ thơ của ông Tố Hữu, ông này ca ngợi hợp tác khiếp lắm, “dân có ruộng dập dìu hợp tác/lúa mượt đồng ấm áp làng quê/chiêm mùa cờ đỏ ven đê/sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn/màu áo mới nâu non nắng chói/mái trường tươi roi rói ngói son/đã nghe nước chảy lên non/đã nghe đất chuyển thành con sông dài/đã nghe gió ngày mai thổi lại/đã nghe hồn thời đại bay cao/núi rừng có điện thay sao/nông thôn có máy làm trâu thay người/đời hết kẻ sống lười ăn bám/đời của ai dũng cảm hy sinh/những người lao động quang vinh/chúng ta làm chủ đời mình từ đây”. Đại loại cứ rỉ rả như thế, mật ngọt chết ruồi, lừa rất siêu, nông dân say “chết” như rạ.

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Chuyện khẩu hiệu (kỳ 2)

Đọc xong bài 1, không ít bạn bảo tôi sao chưa thấy anh (bác) đưa ra câu khẩu hiệu cụ thể nào, nói phải có sách, mách có chứng chứ. Vâng ạ, chính tôi cũng chủ ý dành những kỳ sau cho nhiều câu khẩu hiệu. Có những câu nổi tiếng một thời, nhắc tới nó là hình dung ra ngay được một chặng đường lịch sử, một khung cảnh xã hội.

Phải nói rằng thời chiến tranh xuất hiện nhiều khẩu hiệu nhất. Ấy là tôi đang nói ở miền Bắc, do những người cộng sản nắm quyền, chứ từ vĩ tuyến 17 trở vào, suốt 21 năm (1954-1975) rất ít nghe nói tới khẩu hiệu. Dường như khẩu hiệu là sự độc quyền, việc sử dụng khẩu hiệu là sở trường của phe cách mạng, phe xã hội chủ nghĩa. Đọc những bản tổng kết lịch sử cách mạng do họ soạn ra, trong phần nguyên nhân thắng lợi hoặc phần bài học lịch sử, luôn có gạch đầu dòng nói rằng họ đã có sách lược đúng đắn về khẩu hiệu, việc đề ra những khẩu hiệu thích hợp, linh hoạt thay đổi khẩu hiệu khi tình hình biến chuyển, phát huy được sức mạnh khẩu hiệu để “cổ vũ toàn dân toàn quân thực hiện những nhiệm vụ cách mạng”… Với người cộng sản, khẩu hiệu cũng quan trọng như lá cờ trận, xe tăng, đại bác, súng AK, thậm chí như những binh đoàn.

Trong đời tôi, nhất là hồi tuổi thơ và tuổi thanh niên, có những câu khẩu hiệu lọt vào mắt, in vào trí não, bởi đi đâu cũng gặp, khi ngủ cũng chập chờn thấy nó. Nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất là 2 câu: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và “Vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Đó là khẩu hiệu tầm quốc gia, giống như thứ cương lĩnh chỉ đạo cộng đồng, như kèn trận thôi thúc giục giã. Khẩu hiệu vừa là mục đích, phương châm, vừa là động lực, và cũng là sự ràng buộc, bắt buộc. Ai tách ra khỏi định hướng ấy, sẽ bị coi là “có vấn đề”, là chống đối, phản động. Chính vì vậy, cũng dễ hiểu vì sao sức người sức của trong thời chiến tranh được huy động tối đa, rốt ráo, chặt chẽ như ta đã biết.

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Nỗi buồn của Thịnh

Thịnh là Nguyễn Thế Thịnh, bạn tôi, cùng nhiều năm gắn bó ở báo Thanh Niên.

Tờ báo mang tên tre trẻ này là bản báo duy nhất trong hàng mấy trăm tờ báo có 2 tòa soạn, một tại đầu não thủ đô Hà Nội, một tại Sài Gòn. Báo Thanh Niên cũng là tờ báo “cơ quan trung ương” duy nhất đặt tòa soạn chính ở Sài Gòn. Ngoài ra, khu vực nào quan trọng trên cả nước cũng được bắt chặt án ngữ ở đó một văn phòng đại diện, đố tin tức nào thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của nó. Trong các tư lệnh vùng (văn phòng đại diện), tôi quý và phục nhất Nguyễn Thế Thịnh.

Hơn nhau tí ti tuổi, tôi đậm hơn Thịnh 2 năm, chỉ là lính bền vững, Thịnh hơn tôi chức quyền và tài năng, nhưng chúng tôi bình đẳng, trọng nhau, thân thiết. Mỗi lần họp cuối năm, hoặc trong năm y vào họp thường kỳ, có khi chỉ gặp chớp nhoáng, nói với nhau dăm ba điều, thế là thỏa, không cần phải nhậu nhẹt, nâng ly chén chú chén anh. Lão Nguyễn Việt Chiến mỗi lần từ Hà Nội du nam cũng thế, hai thằng ngồi một buổi ở hành lang buôn mỏi miệng rồi bắt tay nhau chia tay mà tình vẫn đậm đà.

Thịnh giỏi, tài hoa. Tôi từng nhiều lần bảo với các bạn cùng cơ quan, ở báo mình, ngòi bút phóng sự - ký sự của Thế Thịnh là số 1, nếu y số 2 thì những người khác số 3, 4… Bằng chứng, y có rất nhiều giải báo chí, văn học, cả giải trung ương (hội nhà báo, hội nhà văn) cỡ toàn quốc, lẫn giải tỉnh, giải ngành, giải cơ quan... Nếu mỗi giải được xác nhận bằng một chiếc huân chương, y đeo sẽ giống như tướng lĩnh bên Triều Tiên, có khi còn hơn, phải gắn tận gấu quần. Bài nào đọc cũng hay, cũng thích.

Ngày mùng 8

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng lê bước ra tòa với chiếc còng số 8
Siêu mẫu Hà Anh tí tởn kể chuyện mình mang thai, ốm nghén những mấy lần.
Ông Đoàn Ngọc Hải người dẹp vỉa hè đã treo ấn từ quan, thực hiện lời nhất ngôn quân tử
Đại gia Trầm Bê chịu khai trước công đường, còn "đồng chí" Trần Bắc Hà vẫn nhất quyết bặt tăm.


Ông cựu Trương Tấn Sang lo lắng cứ thế này thì đảng về đâu, đất nước về đâu
(Thôi ông ơi, chính ông cũng góp phần khiến con thuyền trôi, để nó chẳng biết về đâu cả)
Thủ tướng Phúc băn khoăn bán đất bán nhà cho Vũ nhôm, nhà nước được lợi gì
(Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn, bác lý trưởng ơi, bác đừng nên hỏi nữa).

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Chuyện khẩu hiệu

Phải nói ngay rằng bây giờ khẩu hiệu đã bớt đi rất nhiều so với mươi năm trở về trước. Dạo ấy, cứ ra khỏi nhà là gặp khẩu hiệu, chứ không phải gặp anh hùng (làm gì còn anh hùng mà gặp).

Một anh lớn hơn tôi vài tuổi, đi Tây đi Mỹ xoành xoạch như đi chợ, không chỗ nào trên thế giới mà anh không tới, thậm chí còn bảo nếu sức khỏe tốt sẽ đi Bắc cực hoặc Nam cực một chuyến cho đã, anh bảo rằng xứ mình là vua khẩu hiệu. Bọn Tây bọn Mỹ nó ít treo khẩu hiệu lắm, chỉ có những doanh nghiệp lớn thì thỉnh thoảng dùng, chứ chính quyền nó không thích thứ này. Đi xuyên bang cả ngàn cây số, nhà cửa phố xá của nó san sát, cấm thấy cái khẩu hiệu nào. Tôi cười nói với bác ấy, tại Mỹ nó đếch có ban tuyên giáo, đếch có bộ 4T, đứa nào giăng mắc kẻ khẩu hiệu ra đường, dân nó tẩn bỏ mẹ.

Xứ ta thì khác. Khẩu hiệu là đặc sản, là nét độc đáo, là sự áp dụng chủ nghĩa Mác sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam. Cứ thử hình dung, một ngày nào đó sáng ngủ dậy thấy vắng bặt hẳn khẩu hiệu, lò mò đi khắp nơi không tìm ra câu khẩu hiệu nào, lại chả phát điên. Nhưng cán bộ, nhà chức việc điên thôi, chứ dân lại chẳng hò reo ăn mừng, tôi chớ kể.

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Chuyện đám cưới thời bao cấp

Cứ khoảng cuối năm cũ đầu năm mới dương lịch là thiên hạ, nhất là các đôi trẻ lại chộn rộn vào mùa cưới. Dù thời tiết khí hậu khác nhau nhưng ở miền Bắc hay miền Nam người ta vẫn thường tổ chức đám cưới dịp này. Đám cưới bây giờ được làm hoành tráng, hiện đại, nhiều tiết mục, cô dâu chú rể và hai họ diện đồ cưới đắt tiền, hôn lễ diễn ra ở những nhà hàng khách sạn sang trọng, chụp ảnh quay phim mệt nghỉ, xe cộ rước dâu linh đình…, chả bù cho đám cưới chỉ cách trước đó vài chục năm, mà ta thường gọi là thời bao cấp.

Trong đời mình, tôi từng đi dự không biết bao nhiêu lễ cưới, vậy mà sao vẫn nhớ như in những đám cưới giản dị, đơn sơ ở nông thôn miền Bắc của anh chị, bạn bè mình. Có lẽ bù vào sự thiếu thốn, đạm bạc ấy là những chất phác, hồn nhiên và tình người sâu đậm khiến mình cứ lưu giữ mãi trong ký ức.

Nông thôn miền Bắc những năm 1960 - 1980. Hơn hai chục năm chiến tranh kéo dài, nông thôn nghèo xơ xác, đàn ông lớn tới đâu ra trận tới đó, ở lại đồng ruộng chỉ còn đàn bà và đám đàn ông yếu đuối, có chị em còn đùa là diện đui què mẻ sứt. Chờ mãi cũng tới tháng 4.1975, hòa bình. Nhưng vừa trải qua những ngày bom đạn ác liệt, lại chịu ngay những cơn lũ dữ mới, đất nước bị cấm vận, thiếu thốn đủ đường, cơ chế bao cấp như sợi dây thít chặt vào từng mảnh đời, từng số phận… nên ngay cả đám cưới cũng khác thường. Cái ngày vui nhất trong đời có khi chỉ nhỉnh hơn ngày thường một tí.

Đám cưới ở quê tôi, làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cũng na ná như bao làng xã khác. Những cặp sau khi được bố mẹ, gia đình hai bên đồng ý thì tất tả chuẩn bị ngày cưới. Việc đầu tiên là đến từng nhà trong họ ngoài làng hoặc bạn bè để thông báo ngày giờ. Chưa có lệ đưa thiếp (thiệp) mời. Đại loại mời miệng rằng thày bu cháu (em) cho phép chúng cháu (em) tổ chức, mời ông bà, anh chị… tới dự cho vui vẻ. Xong phần đối ngoại thì tập trung vào lo phần tổ chức.

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Tôi giận lão Maddox

Năm mới, chưa kịp chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, v.v.. thì lão Maddox đã chơi kiểu "năm mới năm me, lấy que vụt đít", vấn nạn hỏi khó tôi. 

Lão bảo, thế tôi hỏi ông, cha Đinh La Thăng bị tội gì, tinh những tội từ hồi còn làm trùm dầu khí nhé. Hồi ấy đã có rất nhiều dư luận, phàn nàn về chả nhưng thượng cấp đều bỏ ngoài tai. Rồi còn cất nhắc làm bộ trưởng giao thông, dự kiến làm phó thủ tướng, rồi đỉnh điểm là xếp vào Bộ Chính trị, bổ làm bí thư Singapore, thấy bảo còn có kế hoạch cơ cấu cao hơn. Muốn đặt đít những chỗ ấy, phải có lý lịch thật trong sạch (điều này thì tôi, Thông, không đồng tình với lão Maddox), không tì vết, sáng như gương...

Nay thì lại bôi gio trát trấu vào gương ấy, lôi ra đủ thứ tội, dọa án 20 năm tù. Thế tôi hỏi ông, những ông bà thượng cấp nào đôn tay Thăng lên, cho làm yếu nhân? Cũng chính những ông bà đang kết án kể tội y chứ ai. Hồi Thăng phạm tội, các ông bà ấy có mù có điếc có lú đâu. Nay phủi tay là (.) thế nào (tôi bỏ chữ đéo bởi năm mới lão ăn nói kỳ quá).

Tôi nói nhỏ với lão, đảng không bao giờ sai, chỉ bạn Thăng nhà ta sai thôi, bởi chọn nhầm chủ.

Nguyễn Thông

Vuông và tròn

Hôm qua, tôi đọc sách (tối nào cũng phải đọc ít nhất 20 trang sách trước khi ngủ), trong cuốn Hàn Phi Tử thấy có ý hay thế này:

Hàn Phi Tử cho rằng dân tốt hay xấu, hay hoặc dở, thiện hay ác... là do bản chất chế độ cai trị họ. Theo ông, dân vốn trong sạch, ví như nước vậy. Nước đựng trong cái gì thì chịu ảnh hưởng của cái ấy. Đựng trong cái chén (ly, chung) tròn thì nước có dạng tròn, trong chén vuông thì nước vuông.
Chế độ thế nào thì dân thế ấy.

Báo chí xứ ta ngày nào cũng đầy rẫy những thông tin về cái xấu của dân chúng (chém giết, hung hăng, vô đạo đức, vô văn hóa, coi thường pháp luật, trộm cắp, bỉ ổi, v.v..), dân cũng đáng trách nhưng xin đừng vội trách dân, hãy xem nước ấy đựng trong chén tròn hay vuông.

Ông bà ta xưa có câu "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" cũng là vậy.

Nguyễn Thông

Bài thơ năm mới của bạn tôi

Chào 2018

Trộm anh một chút nắng xuân
Những cái khác, chẳng có phần của tôi.
Anh yên mà vét lộc đời
Anh yên mà phán những lời thánh nhân.
Trời cao, đâu có ở gần!

Ngày cuối năm 2017
TMĐ

Ghi chú của chủ trang: Bài thơ này dường như tác giả muốn gửi tặng những Anh, những người mà văn cổ diễn đạt "ngoài đường thì ngựa ngựa xe xe, về nhà thì vênh vênh váo váo, miệng tuôn những lời hay ý đẹp như ông Cao ông Quỳ, nhưng nhai xé thịt người ngọt xớt như đường".