Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Chuyện khẩu hiệu (kỳ 3)

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, hòa bình lập lại ở miền Bắc, riêng tỉnh Hải Phòng quê tôi (thời ấy chỉ là tỉnh) còn phải chờ thêm 300 ngày nữa đợi những lính Pháp cuối cùng rút hết mới thực sự chấm dứt chiến tranh. Lúc ấy tôi mới được 1 tháng tuổi, lớn lên cùng với quê Phòng giải phóng của tôi. Những điều biên ra đây cũng như trong 2 bài trước đều là những gì “mắt thấy tai nghe”, chứng kiến tận mắt, chả hề bịa đặt. Những câu khẩu hiệu tôi kể chính tôi đọc trên những bức tường, trên bia thông tin, nay tường - bia đã đổ rồi, bị phá rồi, nhưng chúng còn in trong đầu.

Hồi cả miền Bắc thành lập hợp tác xã nông nghiệp, chả biết từ đâu, do ông Tố Hữu hay cơ quan tuyên giáo đề xuất, nơi đâu cũng vậy, khắp mọi thôn làng, trên mọi bức tường thôn quê, đập vào mắt mọi người câu khẩu hiệu “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”. Nông dân có thể không biết chữ, nhưng cứ nhìn mãi câu này cũng đọc được vanh vách. Tôi đồ rằng có nhẽ nó bắt nguồn từ thơ của ông Tố Hữu, ông này ca ngợi hợp tác khiếp lắm, “dân có ruộng dập dìu hợp tác/lúa mượt đồng ấm áp làng quê/chiêm mùa cờ đỏ ven đê/sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn/màu áo mới nâu non nắng chói/mái trường tươi roi rói ngói son/đã nghe nước chảy lên non/đã nghe đất chuyển thành con sông dài/đã nghe gió ngày mai thổi lại/đã nghe hồn thời đại bay cao/núi rừng có điện thay sao/nông thôn có máy làm trâu thay người/đời hết kẻ sống lười ăn bám/đời của ai dũng cảm hy sinh/những người lao động quang vinh/chúng ta làm chủ đời mình từ đây”. Đại loại cứ rỉ rả như thế, mật ngọt chết ruồi, lừa rất siêu, nông dân say “chết” như rạ.

Mà phải công nhận khẩu hiệu của chế độ mới vần vè dễ nhớ, khá ngắn gọn, thiết thực cụ thể, đánh sâu vào lòng người. Đã xác định hợp tác xã là nhà thì mình phải chăm lo cho cái nhà mình hết lòng hết sức, chính mình làm chủ cơ mà, có đi làm thuê cho ai đâu. Nghe thế, ai cũng sướng. Phải nói, nông dân xứ ta rất dễ bị lừa. Những ai tỉnh táo một tí, chần chừ không vào hợp tác thì cán bộ suốt ngày đến nhà vận động, thuyết phục, rồi dọa dẫm, đe nẹt. Nhà tôi nằm trong số “chậm tiến” ấy, cuối cùng cũng phải kéo cờ trắng đầu hàng chế độ mới, bao nhiêu ruộng trâu, tư liệu công cụ sản xuất bị thu gom hết vào hợp tác, giữ lại được mỗi cái thân để hằng ngày “phát huy quyền làm chủ tập thể”, thực tế là làm thuê cho cái thứ mà mình không ưa. Gần 10 sào ruộng (1 sào bằng 360 mét vuông) thày bu tôi tằn tiện tiền nong bao năm gom góp mua dần được, phải nộp cho hợp tác, khi hợp tác tan rã, bị mất trắng. Làm ăn kiểu hợp tác không nghèo, không phá sản mới là chuyện lạ.

Gắn liền với câu khẩu hiệu nổi tiếng trên còn có câu nữa gọn gàng hơn, phổ biến cả ở nông thôn và thành thị: “Mỗi người làm việc bằng hai”. Phải nói rất kinh. Hình như nhà cai trị cảm thấy người dân làm việc hết sức mình vẫn chưa đủ, mà cần phải nhân lên gấp đôi gấp ba mới xứng đáng được gọi là con người mới xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, họ không trắng trợn bóc lột sức lao động bởi họ đang tuyên truyền chống bóc lột, đề cao làm chủ tập thể. Vậy là rủ rỉ, khuyên công nhân, nông dân hãy làm việc bằng hai, nếu bằng ba bằng bốn thì càng tốt. Ông anh họ tôi làm giáo học, nhận xét rằng không ai giỏi bóc lột sức lao động bằng chế độ này. Họ nói như rót mật vào tai, mình cứ mê đi, líu ríu theo họ, không cần biết đi đâu. Tôi còn nhớ họ tuyên truyền ca ngợi chị Phạm Thị Vách nông dân ở Hưng Yên nhà rất nghèo, sống thiếu thốn cực khổ nhưng suốt ngày lăn ra đồng làm thủy lợi. Nhà thơ Xuân Thiêm còn viết hẳn bản trường ca bốc chị lên tận mây xanh, tôi vẫn nhớ trong đó có chi tiết chị Vách đào kênh lấn vào đất nhà một ông trung nông, ông này ra cản, chị Vách xốc tới, vật ông ngã lăn đùng, cứ thế đào hùng hục. Ông kia chịu thua, giận nhưng khen chị Vách: “Về nhà mắng chó chửi gà/Giỏi thay con gái đàn bà mà ghê”. Chị này còn được phong anh hùng lao động, cứ có đại hội hội nghị gì long trọng là được xe từ Hà Nội rước về, ngồi long trọng trên đoàn chủ tịch, cạnh cả cụ Hồ.

Bên công nghiệp cũng vậy, họ ca ngợi nức nở những điển hình công nhân dệt, như chị Đào Thị Hào ở nhà máy dệt Nam Định chẳng hạn, sau này là vợ ông Nguyễn Văn An suýt làm tổng bí thư. Người bình thường chỉ đứng được vài máy nhưng điển hình dệt như chị Hào đứng máy cùng lúc những 16 máy, chân tay còn nhanh hơn cả con thoi. Bà Hào cũng được phong anh hùng. Có gương rồi, mọi người chỉ cần học tập và làm theo. Chỉ có điều ai cũng bị lợi dụng. Nghe bảo sau này bà Vách lúc hết thời, hết tác dụng tuyên truyền lại quay trở về cuộc sống nghèo khó, như ông lão đánh cá trong truyện cổ tích vậy. Chỉ bà Hào may mắn lấy được ông chồng yếu nhân nên cậy nhờ, vinh hiển. Cả ông em bà là ông Đào Ngọc Dung cũng được anh rể nâng đỡ, làm đến Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, giờ đang là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - xã hội. Nhìn tổng thể thì đám đông làm việc bằng hai có mẫu số chung “được tiếng khen ho hen cả đời”.

Dân chúng thì làm việc bằng hai, nhưng cũng ối anh dựa vào đó vinh thân phì gia. Ở nông thôn, là anh chủ nhiệm hợp tác xã. Dạng chủ nhiệm như ông nhà thơ Hoàng Trung Thông tạc khắc trong thơ, tôi chắc là bịa, ông tưởng tượng vẽ vời ra thôi. Ở thành phố, lâu lâu mới mò về thôn quê làm chuyến thực tế sáng tác, cứ cơm gà cá gỏi rượu say ngày ba bữa, khi về nó lại biếu chút quà quê cây nhà lá vườn, cho dăm ký nếp, chục bơ lạc, cặp gà sống thiến… thì vẽ gì chả đẹp, nào là “anh làm chủ nhiệm đã ba năm/ba năm vật lộn cùng khó khăn”, nào là “cùng bao đồng chí anh đi trước/đứng mũi chịu sào đầu gió ngược/có đêm nằm nghĩ cảnh gieo neo/vợ yếu con đông chưa hết nghèo/nhưng rồi lại nghĩ đường đi tới/nước nổi lo chi bèo chằng nổi/lại lao vào việc lòng say sưa/hết sớm thôi chiều nắng lại mưa”.

Chỉ có điều, các thi sĩ nhà ta cũng thừa biết, trong mắt dân, chủ nhiệm là thứ tai ách, là quân bóc lột ăn bám. Dân đã từ câu khẩu hiệu “làm việc bằng hai” rồi gắn thêm cho nó cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa, họ viết hẳn lên tường nhà hợp tác: “Mỗi người làm việc bằng hai/để cho chủ nhiệm có đài có xe/Mỗi người làm việc bằng ba/để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân/Mỗi người làm việc bằng tư/để cho chủ nhiệm có dư thóc thừa/Mỗi người làm việc bằng năm/để cho chủ nhiệm vừa nằm vừa xơi”…

Ai sống ở nông thôn miền Bắc những năm thập niên 60 - 80 cũng đều biết những câu khẩu hiệu ấy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. bác chưa có bài nào về ô phòng thuế thời đó cài thời ngăn sông cấm chợ đó chúng em quê làng nghề rèn quê nam định nổi tiếng với vành xe đạp tiền tiến ấy thôn vân chàng quê em bố mẹ đi làm về 11 giờ nghỉ trưa là nhóm lò làm tới lúc ăn cơm xong là lại đi làm cho hết 8 giờ vang ngọc lâu lâu các bác phòng thuế tập kich vào bất nghờ thu hết những thứ gọi là kim loại màu ngoài sắt ra là o thu thôi khổ lăm

    Trả lờiXóa
  2. Ông Thông có trí nhớ tuyệt vời, tôi cũng lớn nên thời ấy,đọc bài ông viết ,thì nghĩ ở đâu cũng vây.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết rất chân thật, gợi lại cho tôi những kỷ niệm ở quê Vĩnh Bảo Hải Phòng. Tôi học hết lớp 8 (1964), nhà quá nghèo phải nghỉ học, nên mới 16 tuổi, đã được tuyển vào Đội Thông tin tuyên truyền của thôn, với nhiệm vụ: Kẻ khẩu hiệu, phóng tranh tường, hằng ngày trèo lên cây xoan... đọc báo Nhân dân bằng cái loa tay cuốn bằng sắt tây cho dân làng nghe... Những bài viết của Nguyễn Thông nhời văn đặc chất giọng quê tôi, không đi đâu mà lẫn được. Cứ bịt tên tác giả đi, đọc lên là tôi nhận ra Nguyễn Thông.

    Trả lờiXóa