Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Một phần sự thật

Những người nói ngược đám đông dễ bị phản ứng. Nói ngược vào những điều nhạy cảm lại càng dễ bị phản đối. Tôi hiểu điều đó.

Sự kiện nóng nhất thời điểm này là sự ra đi của cựu thủ tướng Phan Văn Khải. Với ông Khải, một nhà lãnh đạo từng ở vị trí trong tứ trụ triều đình, nói điều gì về ông cũng phải thận trọng, cân nhắc. Quy luật tự nhiên sinh lão bệnh tử đã áp vào con người hiền lành đáng mến ấy. Ông đã 85 tuổi, hưởng tuổi trời. Tôi cầu chúc cho ông an lạc nhẹ nhõm trong cõi siêu sinh.

Từ hồi đầu tháng 2 đã rộn lên thông tin về sự ra đi của ông, cùng với một vị cấp cao nữa. Mạng xã hội thường lan truyền những tin thất thiệt, cũng có người tin, nhưng tôi không tin. Lý do, ai đó bị giấu thông tin về cái chết đã đi một nhẽ (điều này từng xảy ra không ít lần trong chính thể còn đang cầm quyền) chứ với ông, một người không đến nỗi phức tạp lắm thì chả có gì phải giấu. Cái chết có thể là “bí mật quốc gia” với người này người nọ nhưng với con người bác Phan Văn Khải thì không cần phải bí mật. Lúc rộn lên thông tin thất thiệt ấy, tôi chỉ cầu mong cho bác mau khỏe, chiến thắng bệnh tật, như bác đã từng vượt qua và chiến thắng nhiều thứ.

Nay thì bác Phan Văn Khải đã chính thức đi rồi. Nhà nước tổ chức quốc tang theo nguyên tắc áp dụng cho những người đã hoặc đang làm tứ trụ triều đình. Báo chí đang có nhiều bài xung quanh con người lịch sử này, cung cấp thông tin cho người đọc về vị cựu thủ tướng của một thời. Tôi đã đọc hầu hết các bài báo, chủ yếu thấy những lời tốt đẹp dành cho người đã khuất. Cũng dễ hiểu, bởi báo chí của nhà nước chỉ được phép đăng những bài như thế; cũng bởi tâm lý “nghĩa tử là nghĩa tận” chẳng nên nặng lời với người đã khuất; vả lại con người bác Phan Văn Khải ít những điều nọ tiếng kia. Tôi cứ thầm nghĩ, nếu không phải bác Khải mà là cái ông cũng cựu thủ tướng, còn gọi là ông X kia (phỉ phui cái miệng, tôi giả dụ thế thôi chứ ổng còn khỏe chán) thì cứ gọi là báo chí câm như hến, im thin thít. Khen không được (nhà cai trị không cho khen) mà chê cũng không được (nhà cai trị không cho chê, sợ xấu chàng hổ ai), giở đi mắc núi, giở lại mắc sông, tốt nhất là cứ im. Người ta gọi đó là cấm vận thông tin. Xứ này lâu nay luôn chịu cảnh cấm vận thông tin. Ông X bây giờ hoặc sau này chắc chắn sẽ chịu cảnh cấm vận ấy. Nhưng với bác Khải thì không cấm vận, tuy nhiên chỉ cho phép khen.

Chính vì thế, tôi hơi lội ngược dòng khi viết đôi điều dưới đây. Tôi hiểu rằng con cháu bác, thân nhân của bác sẽ không thích, nhà cai trị cũng không thích, nên tôi chỉ biên ra những điều tôi nghĩ một cách đàng hoàng, tử tế, không có ý xuyên tạc, bài xích, chê bai. Mà chỉ nói sự thực. Nói cái phần mà báo chí quốc doanh lờ đi không đề cập, không được nhắc, không dám nhắc.

Điều đầu tiên, đối với suy nghĩ của tôi, người đã từng sống và chứng kiến bộ máy hành pháp của chế độ này từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho tới bây giờ thì bác Phan Văn Khải là một con người của lịch sử, có những đóng góp nhất định cho đất nước. Bác là người hiền lành, đạo đức, giản dị, ít quan cách, một nhà lãnh đạo bình dân, nhiều chất Nam Bộ. Vì vậy, trong suy nghĩ của tôi, bác Phan Văn Khải là người tử tế, đáng kính trọng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Sự thật chỉ đơn giản là do người kế nhiệm quá xấu xa nên người ta phải quay lại khen người tiền nhiệm.

    Trả lờiXóa