Trang

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

Bây giờ hoặc không bao giờ!

Hôm qua vào Osin's blog, thấy HĐ báo tin đã "được" nghỉ việc ở tờ SGTT, biết ngay bọn đểu ra tay. Giọt nước tràn ly rồi.
Thương cho cả một dân tộc đói nghèo, hèn nhát. Sao không có ai như cụ Phạm Tất Đắc ngày trước "Vạch trời thét một tiếng vang/ Dẫu thân tan với giang san nước nhà", hay như sinh viên Sài Gòn hồi nào "Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi" nhỉ. Ngẫm mà buồn, buồn cho cả chính mình, thằng hèn.

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Nhớ thầy Đệ

Thầy Phan Cự Đệ

Sắp đến ngày giỗ đệ nhị chu niên GS Phan Cự Đệ - thầy chúng tôi (ngày 5.9 dương lịch), xin đăng lại bài này để nhớ thầy

Bạn tôi, nhà báo Trần Thị Sánh đúng 10 giờ 36 phút sáng qua 5.9.2007 nhắn vào máy di động của tôi mấy dòng ngắn ngủi “Thầy Phan Cự Đệ mất sáng nay, 5.9”. Tôi không tin vì tuần trước còn thấy thầy lên tivi khỏe mạnh lắm, nhanh nhẹn lắm, bèn gọi ngay ra Hà Nội hỏi lại các bạn ngoài đó. Tất cả xác nhận sự thật đau buồn ấy. Thầy Đệ đã ra đi thật rồi.
Khóa 17 Văn khoa Đại học Tổng hợp tựu trường tháng10 năm 1972. Cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc của không lực Mỹ đang vào thời điểm khốc liệt nhất. Thầy trò lại khăn gói lên đường về nơi sơ tán ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong (Hà Bắc cũ), một vùng quê hẻo lánh bên dòng sông Cầu. Việc đầu tiên không phải là học hành mà là đào hầm, dựng trường sâu dưới lòng đất. Tôi còn nhớ như in thầy trò ai cũng gầy gò xanh xao làm ngày làm đêm để kịp năm học mới. Đúng cái lúc cả đám sinh viên mệt bã người ra, ai nấy phờ phạc vì đói ăn thiếu ngủ thì thấy thầy Đệ đến, chân tay cũng lấm lem bùn đất, môi tím tái (mùa đông năm đó rét ghê gớm) giọng nhỏ nhẹ, chân tình “cố lên các em ạ, ráng chịu thêm chút nữa, rồi thầy trò mình về lại Hà Nội, chẳng mấy nữa đâu!”. Hình bóng ấy, giọng nói thân thương ấy, tôi và các bạn còn nhớ mãi. Rồi đúng tháng 2.1973 thầy trò chúng tôi có mặt ở thủ đô.
Chúng tôi có cái may mắn là được làm trò của thật nhiều “cây đa cây đề” thời ấy, các thầy Đinh Gia Khánh, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Văn Tu, Hoàng Như Mai, Trần Đình Hượu, Nguyễn Văn Khỏa, và nhất là Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ. Hai thầy được ví như cặp song mã tiên phong của khoa Văn, là thần tượng thu hút đám sinh viên khiến mỗi giờ các thầy lên lớp như mỗi khám phá, mở ra bao điều kỳ diệu. Thầy Đệ lúc nào cũng nhỏ nhẹ, mực thước đặc phong cách ông đồ xứ Nghệ. Sinh viên Văn khoa mỗi lần nhắc đến thầy Đệ đều không giấu nổi niềm tự hào vì đã được thầy truyền thụ, dạy dỗ.
Hơn nửa thế kỷ dạy học và nghiên cứu khoa học, kể từ bài tiểu luận đầu tiên đăng trên tạp chí Văn Sử Địa năm 1955, thầy Phan Cự Đệ đã khẳng định tên tuổi nổi bật trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đóng góp rất lớn cho lĩnh vực lý luận- phê bình- nghiên cứu văn học. Chúng tôi vẫn nói với nhau, trong sự nghiệp của mình, thầy Đệ đã lên đến đỉnh: Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Viện sĩ hàn lâm, nhưng với đám trò đã có vinh dự nhặt chữ của thầy, ông đồ Nghệ ấy mãi mãi ở đỉnh cao nhất với danh xưng: thầy Phan Cự Đệ.
Kể từ nay đành chịu thua ông Trời vì mất thầy Phan Cự Đệ, nhưng chắc chắn thầy Đệ còn mãi trong lòng chúng tôi.

Một cách làm thui chột môn văn

Nếu để đạt được “mục đích” ấy thì cái cách mà người ta đang áp dụng tỏ ra rất hiệu quả, thậm chí cực kỳ hiệu quả: dạy văn bằng sự trợ giúp của công nghệ thông tin.
Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có công văn gửi sở giáo dục các tỉnh thành yêu cầu tổ chức hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân trong nhà trường, trước ngày 28.2. Bài viết nhỏ này như một lời góp ý về những đổi mới mà ngành giáo dục đã áp dụng đối với môn Ngữ văn nhiều năm qua, cụ thể là về phương pháp dạy “hiện đại” mà chúng tôi đã nói ở trên.
Nhiều thế hệ sinh viên văn khoa Hà Nội, cả trường Tổng hợp lẫn Sư phạm, chắc khó quên những giờ giảng của các thầy Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh (văn học Việt Nam hiện đại), Đỗ Hồng Chung (văn học Nga), Đinh Gia Khánh (văn học dân gian), cô Lê Hồng Sâm (văn học phương tây)… Lại nhớ hồi còn học cấp 2, cấp 3 ở Hải Phòng thời chiến tranh, lứa trò chúng tôi có các thày dạy văn phải nói là tuyệt vời như thày Trới, thày Tòng. Ở trên khắp nước mình, tôi tin rằng những thầy cô như thế nhiều lắm. Chẳng cần phương tiện trợ giảng (trước kia làm gì có vi tính) các thầy cô rót vào tâm hồn trò bao cái hay cái đẹp của văn chương, từ đó nuôi dưỡng những nghĩ suy, tình cảm chân thật, cao quý với đất nước, nhân dân mình, với cha mẹ, anh em, với cây cỏ, hoa lá, cuộc đời… Mỗi tác phẩm văn chương, qua sự truyền thụ của thầy cô, từng tầng giá trị ẩn chứa dưới lớp vỏ ngôn ngữ cứ lóe sáng lên, lấp lánh kỳ diệu. Nói như hồi ấy, thầy giảng văn, trò nuốt lấy từng lời. Mỗi tiết văn dường như trôi qua rất nhanh trong sự tiếc nuối, thòm thèm. Chắc chắn trong hành trang hàng triệu người lính lên đường ra trận, những người lính như anh Nguyễn Văn Thạc học sinh trường cấp 3 Yên Hòa B (Hà Nội), giải nhất văn miền Bắc 1970, có cả lòng say mê yêu mến văn chương, yêu mến cuộc sống, biết hy sinh cho lẽ sống trên đời mà thầy cô đã khắc ghi vào tâm hồn các em.
Tác phẩm văn học luôn phản ánh cuộc sống thông qua tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của nhà văn, được chứa đựng bằng ngôn ngữ văn học. Thực tế cho thấy những nhà văn tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng bạn đọc chính là những bậc thầy về ngôn ngữ. Thế mới có câu “ý tại ngôn ngoại”, “thi trung hữu họa”. Thi sĩ V.Maiakovski (Nga) chả từng tâm sự, để có mỗi chữ cho thơ, ông đã phải luyện từ hàng tấn quặng ngôn từ. Thày dạy văn giỏi phải biết bóc ra, hết lớp này đến lớp khác, vỡ òa ngôn từ, làm hiện lên cuộc sống sinh động mà văn chương đã miêu tả, khám phá.
Không ai có thể phủ nhận những thành tựu vĩ đại mà công nghệ thông tin (dân ta quen gọi nôm na là tin học, vi tính) đem lại cho con người và sự phát triển xã hội. Chỉ vài chục năm trở lại đây, với động lực công nghệ thông tin, nhân loại tiến lên như vũ bão, mọi ngóc ngách xã hội đều chịu sự tác động của nó. Rất nhiều môn học trong nhà trường, có sự trợ giúp của công nghệ thông tin, đã tạo được sự say mê của cả thầy lẫn trò, hiệu quả hơn hẳn so với cách dạy cũ. Nhưng theo tôi, với môn văn thì không hẳn thế. Tôi biết có không ít thầy cô, để chuẩn bị cho bài giảng theo cách dạy hiện đại này đã đầu tư biết bao thời gian, công sức, nào học power point (vi tính), sưu tầm tài liệu liên quan (hình ảnh, âm thanh, chứng cứ), nào học cách sử dụng máy chiếu máy quét, dàn dựng chương trình… Mỗi tiết văn cứ như món lẩu thập cẩm, có cả phim ảnh, âm nhạc, băng ghi âm, rộn rã cả lên, vui ra phết, nhưng tác phẩm văn chương thì bị chìm lấp, giá trị ngôn ngữ không được khai thác đúng mức, rốt cục chả đọng lại bao nhiêu hồn vía trong lòng học sinh. Một tác phẩm, bài thơ Tiểu đội xe không kính của thi sĩ Phạm Tiến Duật chẳng hạn, chương trình quy định giảng chỉ chưa đầy 2 tiết, có thầy chiếu phim hình ảnh những đoàn quân ra trận, núi non Trường Sơn hùng vĩ, mở cho nghe ca khúc do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, xem một vài hình ảnh tư liệu về tác giả… thế là mất bay hơn nửa thời giờ. Tác phẩm cứ mờ mờ nhạt nhạt bởi cả thầy lẫn trò đều bị công nghệ thông tin chi phối mất rồi. Nói không quá đáng, dạy văn như thế bằng mười hại văn. Xin mạn phép thầy Hoàng Như Mai đáng kính, sẽ không thể tưởng tượng được nếu lúc nào đó thầy dạy Tây Tiến, Nhớ, Đất nước… bằng máy vi tính mà không phải bằng giọng truyền cảm khó quên, bằng sự khai thác ngôn ngữ tuyệt vời mà bao lứa học sinh, sinh viên đã từng thụ hưởng.
Ông bộ trưởng giáo dục đương nhiệm, người được giao coi sóc sự học nước nhà, sau khi nhậm chức đã đưa ra những chương trình 2 không, 3 không nhằm đổi mới, nâng chất lượng dạy và học. Xin thêm ông một đề nghị, 1 không thôi: không ép dạy văn bằng công nghệ thông tin, chỉ để giữ hồn giữ cốt môn văn.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Vài lời giải thích



Mấy bài vừa đăng trên blog này tớ viết đã lâu, bởi vậy các con số trong bài có vẻ không được thời sự lắm, hèm nỗi nó đụng chạm nên báo quốc doanh nó không đăng, vậy thì tớ đăng lại. Bạn đọc đừng cằn nhằn nhé.

Thực chất vẫn hơn


Dĩ nhiên là hơn sự màu mè, hình thức; hơn những gì chỉ mang tính phong trào “trống rong cờ mở” mà không chú ý đến hiệu quả.
Hai ngày nữa, chính xác là ngày 28.3, buổi tối, từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30, nước ta sẽ hưởng ứng chương trình “Giờ trái đất 2009” do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi xướng nhằm ủng hộ những nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Môi trường đang là vấn đề toàn cầu, tính mục đích như vậy không có điều gì phải bàn cãi, hàng tỉ người trên trái đất ai chẳng mong được sống giữa một hành tinh xanh, môi trường trong sạch, thân thiện. Mỗi chúng ta chắc không ai phản đối một chương trình có ý nghĩa như thế, chỉ xin nêu vài ý kiến về cách thực hiện.
Qua thông tin của các cơ quan truyền thông báo chí, đến thời điểm này có 3 đô thị ở VN (Hà Nội, Huế, Hội An) tham gia bằng cách đồng loạt tắt đèn chiếu sáng vào giờ nói trên tại nhiều đường phố, trung tâm công cộng, khu vui chơi giải trí…, ngoài ra vận động nhân dân tắt các thiết bị, đồ sử dụng điện. Như các nhà tổ chức tuyên bố, vấn đề không phải là tiết kiệm mà để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên các địa phương, cơ quan, đơn vị tham gia có vẻ chỉ nghĩ đến phong trào mà chưa tính đến những “điều hơn lẽ thiệt”. Thử hình dung, trong vòng 1 tiếng đồng hồ cả khu vực rộng lớn đột ngột tối om, trật tự giao thông bỗng chốc rối loạn, nguy cơ tai nạn không phải nhỏ. Rồi nữa, bọn trộm cắp, cướp giật bạn đồng hành với bóng tối sẽ thừa cơ “đục nước béo cò” gây mất an ninh trật tự. Cũng không loại trừ nguy cơ do cúp điện, tắt đèn nên các hộ dân phải đốt đèn cầy, thắp đèn dầu mà bấy lâu không mấy khi dùng dễ dẫn đến thiếu cẩn thận, chỉ một phút xao nhãng sẽ chịu hậu quả cháy nổ khôn lường giữa mùa khô hanh này. Thậm chí có chuyên gia về điện còn phân tích việc tắt đèn, cúp điện trong 1 giờ nếu xét hiệu quả kinh tế cũng chẳng lợi bao nhiêu bởi các thiết bị, đồ điện khi khởi động lại không chừng còn tốn điện hơn… Khá nhiều điều cần bàn cho ra nhẽ nhưng hình như không có tổ chức, cá nhân nào quan tâm.
Với những sự việc tương tự diễn ra ở nước ta, thiết nghĩ cần có sự tổ chức, hướng dẫn thật bài bản, chặt chẽ dưới sự chỉ huy của cơ quan quản lý nhà nước cấp cao nhất, trong trường hợp “Giờ trái đất” này phải là Bộ Tài nguyên - Môi trường. Đừng chỉ tạo nên sự ồn ào nhất thời rồi tất cả lại rơi vào chìm nghỉm, để rồi sau “Giờ trái đất” lại nhan nhản hành vi lãng phí điện, phá hoại môi trường sống, phá rừng, khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên khoáng sản bất chấp sự tổn hại môi trường… Suy cho cùng, sự giáo dục, nhắc nhở ý thức công dân chỉ đi vào thực chất khi nó diễn ra thường xuyên, hằng ngày, ở mọi giới mọi người, cả gia đình, nhà trường, xã hội, sao cho thấm vào từng suy nghĩ, hành vi một cách tự nhiên mà không cần một sự phát động nào.
Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về việc tổ chức phong trào theo lời kêu gọi của một tổ chức hoặc công ty quốc tế nào đó, qua việc vận động bầu chọn vịnh Hạ Long làm kỳ quan thiên nhiên thế giới vừa rồi. Một đồng nghiệp đáng kính đã nhận xét rất có lý rằng đó là phong trào kỳ quặc theo kiểu “bầy đàn”, chẳng đem hiệu quả bao nhiêu. Người dân Việt bao đời nay vẫn coi trọng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ghét kiểu “ăn xổi ở thì”, “hoa hòe hoa sói”. Thực chất vẫn hơn, chả cần bàn cãi.

Tàu Hoa Sen, sự lãng phí khủng khiếp


Trong thời buổi kinh tế suy thoái, sử dụng vốn dù chỉ một đồng cũng cần hiệu quả. Vậy nên khó có thể tin người ta đã đắp chiếu trùm mền, bỏ không cả ngàn tỉ đồng như chơi. Và đó là tiền nhà nước, tiền đóng thuế của dân.
Cách đây chưa lâu, dư luận được phen ồn ào khi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) mở đầu thực hiện đề án “Xây dựng và khai thác tuyến vận tải hành khách - hàng hóa cao tốc Bắc Nam trên biển” bằng việc mua một con tàu cũ của Ý với giá 60 triệu euro (khoảng 1.500 tỉ đồng). Những vị lãnh đạo Vinashin hùng hồn tuyên bố ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyến đường mới (mà rất cũ) này, nào không chỉ thúc đẩy giao thương Nam Bắc, san sẻ gánh nặng cho đường sắt đường bộ; phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ mà còn góp phần thực hiện chiến lược biển đảo, an ninh quốc phòng… Ngày 13.12.2007, tàu Hoa Sen (tên đặt cho tàu ngàn rưỡi tỉ) chính thức khai diễn chuyến đầu tiên trong trống rong cờ mở. Vì là siêu tàu nên giá vé cũng siêu, từ Hạ Long đến Sài Gòn cao nhất 5 triệu đồng (gấp 3 lần vé tàu bay), thấp nhất cũng gần 1 triệu đồng/người. Chả hiểu người ta hạch toán kiểu gì nhưng hành khách đang hí hửng như bị dội gáo nước lạnh, xìu ngay, đành gút-bai Hoa Sen, quay lại với xe lửa, xe đò dù biết rằng khó tránh khỏi bầm dập trên hành trình xuyên Việt. Cố lết vài chuyến, Hoa Sen lỗ nặng, rút lui không kèn không trống, từ đó chẳng mấy ai biết nó có còn tồn tại trên đời. Không thấy quan chức nào của Vinashin lên tiếng, nhận trách nhiệm về việc khai thác tàu kém hiệu quả. Hay là họ áp dụng bài bản “đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại”. Người có trách nhiệm im lặng nhưng dân không muốn im.
Được biết rằng con tàu mà người ta từng rao là “cực kỳ hiện đại” ấy đang phải nằm ụ tại Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin (Khánh Hòa) để sửa chữa. Mà không đưa nó vào ụ “ẩn náu” cứ để chình ình bên ngoài lỡ thiên hạ thấy lại chửi cho. Chẳng cần dân trong nghề cũng có thể biết “nuôi” một chiếc tàu bự như Hoa Sen mỗi ngày phải tốn kém cỡ nào. Bỏ thì thương vương thì tội. Dư luận kháo nhau mấy ông lãnh đạo Vinashin biết hết, thấy hết nhưng họ chẳng dại gì mà bỏ Hoa Sen bởi nó là cái lý do, cái thùng không đáy để che lấp sự làm ăn kém cỏi, trút vào đó những lỗ lã, thâm hụt của không ít thành viên trong tập đoàn hùng mạnh được Nhà nước ưu ái này. Nếu không ưu ái, sao Vinashin lại được duyệt siêu đề án (nói trên) có tổng vốn đầu tư hơn 19.600 tỉ đồng, được ưu tiên sử dụng vốn vay từ phát hành trái phiếu chính phủ (750 triệu USD)? Cầm đồng tiền nhà nước mà làm ăn như thế, chẳng thèm ngó trước tính sau, thiếu cơ sở thực tế, phớt lờ quy luật kinh tế thị trường, cầm chắc chỉ từ chết đến bị thương, lỗ là còn nhẹ. Nhưng rốt cục lại Nhà nước chịu, lại đổ lên đầu dân, còn “các vị ấy” cứ phây phây. Sự lãng phí kinh khủng này, nếu ai chưa rõ, cứ thử hình dung mỗi căn nhà ở xã hội mà Nhà nước đang xây bán cho người thu nhập thấp trị giá 200 triệu đồng (để một gia đình có chỗ an cư) thì tàu Hoa Sen tương đương 750 căn. Có ai xây từng ấy căn nhà rồi bỏ không bao giờ?
Có lẽ cần sớm đặt vụ tàu Hoa Sen lên “bàn mổ” bởi chậm ngày nào nguy ngày ấy. Hãy nhớ lại lời tuyên bố chắc nịch của lãnh đạo Vinashin cách đây chưa lâu: Hoa Sen chỉ là một trong 6 chiếc của đội tàu (thuộc siêu dự án). Theo kế hoạch, tập đoàn sẽ mua thêm 2 chiếc nữa (cũng của Ý, lớn hơn Hoa Sen), đóng thêm 3 chiếc nữa (to gấp đôi Hoa Sen), khoảng tháng 5.2009, chiếc thứ 2 sẽ từ Ý về VN. Chả biết thêm “hoa” nữa về, Vinashin đã chuẩn bị chu đáo chăn mền chưa? Ngàn tỉ chứ hàng chục ngàn tỉ, đối với Vinashin cũng chả là cái đinh gì.

Hạnh phúc

“Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả”

Nhiều tờ báo quốc doanh ngày 6.7.2009 hí hửng đăng tin một tổ chức phi chính phủ ở Anh quốc, tên là News Economics Foundations (đại loại chả mấy ai biết), công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy nước VN “công bằng dân chủ văn minh” của chúng ta được lọt vào top five, 5 nước hạnh phúc nhất thế giới. Cùng với VN, 4 vị hạnh phúc quốc gia kia là: Costa Rica, Dominica, Guatemala, Haiti. Chà, tưởng ai chứ, toàn vị thuộc diện nghèo đói nhất thế giới. Chả biết thằng phi chính phủ có chơi đểu không, chứ báo chí VN và giới cầm quyền thì ngây thơ cụ tin sái cổ, và sướng. Đấy nhé, đâu phải mẹ hát con khen, người ngoài ca ngợi rõ ràng, rất khách quan. Cứ bảo VN khổ đau, nghèo nàn, mất nhân quyền, đói ăn… đi; láo nào, rất hạnh phúc, mà hạnh phúc hơn cả mấy cha Thụy Điển, Thụy Sĩ, Luxemburg, Nhật, Mỹ, Singapore… nhé. Phen này ông là bố chúng mày, không thèm dùng “phép thắng lợi tinh thần” của AQ như lâu nay nữa, không cần bịp bợm, nói láo nữa.
Đang say sưa với thằng phi chính phủ, tôi vô tình vào mạng báo điện tử Dân Trí ngày 8.7.2009, tác giả Hiếu Hiền có bài “Nhịn đói thi đại học” viết về em nữ sinh Bích Thị Xuân, quê Bình Thuận, vào Sài Gòn thi đại học, cha mẹ nghèo không có tiền cho con ứng thí, chỉ vay mượn để con dắt lưng được 500.000 đồng chi phí cho hơn chục ngày ở thành phố. Trả tiền trọ đã mất toi hơn 200.000 đồng, thế là phải nhịn đói, nhịn đói đến phòng thi, khi phóng viên biết chuyện thì em nhịn đói đã được 3 ngày. Ngày mai (9.7) em bước vào thi đợt 2, trường sư phạm, với ước mong sau này làm cô giáo. Tôi biết chắc chiều nay và sáng mai, trước lúc vào phòng thi, em sẽ chả ăn gì, không phải do khảnh ăn, mà do chẳng có gì ăn. Còn mấy chục ngàn lẻ, để dành tiền tàu xe về quê. Tự dưng thấy giận trách cái anh nhà báo, không có tí thông tin nào cho biết em Xuân đang trọ ở đâu để mình có thể thực hiện được cái điều “lá lành đùm lá rách”. Chỉ biết thương em đang đói, nhịn đói đi tìm cái gọi là hạnh phúc.
Ha ha, hạnh phúc.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

Bài đầu tiên

LỜI ĐỀ NGHỊ TRƯỚC NĂM SỬU
(Đây là bài tớ thích nhất, kiểu như "ta là ta mà ta cứ say ta")


Có thể với không ít người thì đây là “lời đề nghị khiếm nhã”, thậm chí xúc phạm đến phong tục, truyền thống của dân tộc. Bao đời đã thế, hà cớ gì phải thay đổi, người ta sẽ bắt bẻ như vậy.
Điều mà chúng tôi đặt ra trong bài viết này là tục đâm trâu, chọi trâu, mở rộng ra chút nữa là tục chém đầu lợn. Dù có được người đời sau nâng lên thành hội, lễ hội, khoác cho chúng những mỹ từ như phong tục truyền thống, nét đẹp đặc sắc văn hóa dân gian… thì xét cho cùng cũng chỉ là tục lệ, mà không hẳn tục nào người đời trước truyền lại cho đời sau đều tốt cả.
Suốt bao thế kỷ, trong nền kinh tế lấy nông nghiệp làm chủ đạo, con trâu đã gắn bó thân thiết với người nông dân VN, thậm chí được coi như thành viên không thể thiếu của mỗi nông gia. Hình ảnh “trên đồng cạn dưới đồng sâu/chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” đậm sâu vào lòng hết thế hệ này đến thế hệ khác. Lúc nhỏ, ta là chú trẻ mục đồng vắt vẻo lưng trâu giữa bao la trời đất; lúc trưởng thành con trâu vẫn theo ta “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/cả ba việc ấy đều là khó thay”, trâu chia sẻ với nông dân sự đói nghèo vất vả “bao giờ cây lúa còn bông/thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Còn nhớ hồi chiến tranh Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, lứa thiếu nhi chúng tôi chẳng mấy ai không thuộc bài hát về con trâu, có câu như lời tâm sự “trâu ơi, ta nhất định sẽ thắng, quân thù nhất định thua”. Giữa đêm đông buốt giá, nghe gió bấc réo ù ù qua khe cửa, mẹ tôi cứ thương con trâu chịu rét ngoài chuồng, nhắc các con đem tấm bao tải đay ra khoác lên lưng cho trâu bớt lạnh. Tôi cũng nhớ như in chuyện ông Mởi, một người làm “ba-toa” chuyên mổ trâu mổ lợn ở quê tôi, lần ấy cầm chiếc vồ lại gần chú trâu già định hóa kiếp nó, nhìn nước mắt con trâu bao năm gắn bó với mình chảy dài thành dòng, ông đã quăng vồ ôm mặt khóc hu hu, từ đó bỏ nghề luôn.
Nhà trường vẫn dạy các em học sinh phải sống nhân ái, biết yêu thương loài vật (yêu con người thì đương nhiên rồi). Trong nhiều bộ phim hoạt hình, con trâu, con bò, con mèo, con chó…, thậm chí cả con chuột, con sâu cũng có nét đáng yêu. Lòng ta khi đã ngập tràn yêu thương thì sự hận thù không còn chỗ chen vào. Những hành vi tàn bạo với con vật, ở góc độ nào đó, là mầm mống cho hành vi độc ác với con người.
Vậy mà báo chí, truyền hình… lâu nay cứ vô tư thông tin về các lễ hội đâm trâu, chọi trâu, chém đầu lợn. Bỏ qua mọi phạm trù giáo dục nhân cách, đạo đức, người ta còn ca ngợi, tung hô những “nét đẹp, đặc sắc” từ những lễ hội đâm trâu của nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên; hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (Vĩnh Phú); chém đầu lợn để đón xuân ở làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, H.Tiên Du (Bắc Ninh)… Tivi quay cận cảnh những con trâu hăng máu chọi nhau máu me bê bết, con lợn bị trói cả 4 chân được tắm rửa sạch sẽ, mình khoác giấy điều bị “đao phủ” chém một nhát đứt phựt cái đầu, con trâu ở Tây Nguyên còn thảm thương hơn, cột chặt vào cọc có chạy đằng giời, mấy anh thanh niên đóng khố cởi trần nhảy tưng tưng xung quanh lao giáo nhọn vào khắp thân thể cho đến khi nó gục hẳn. Trong khi đó, con người đứng vòng trong vòng ngoài, nét mặt hân hoan, phấn khích tràn trề trước sự chết chóc tang thương. Trời ạ, không biết người ta vui cái gì trước cảnh máu me ấy nhỉ? Tôi dám đoan chắc rằng bất cứ nhà sư phạm nào dạy cho học trò tính lương thiện, lòng yêu thương loài vật đều sẽ thất bại khi các em cứ phải thường xuyên chứng kiến cảnh thế ấy. Lòng nhân từ dần chai sạn đi, sự lạnh lùng, dữ dằn ngày một tăng thêm, thử hỏi ta có thể đòi hỏi gì hơn ở họ trong việc tạo dựng một xã hội văn minh. Đấy là chưa nói, như một người bạn tôi bảo, hết sức bất công, không công bằng khi mấy anh chàng lực lưỡng lăm lăm giáo nhọn xông vào đâm con trâu bị trói. Nếu giỏi, cứ tháo cũi sổ lồng cho nó, đấu tay đôi với nó như xứ Tây Ban Nha đấu bò tót ấy, sự chê trách cũng đỡ đi phần nào. Một giám đốc công ty du lịch lớn ở TP.HCM kể rằng có lần nhân viên của ông đưa du khách nước ngoài lên Tây Nguyên, nhân gặp lễ hội đâm trâu mời họ ghé xem, cả đoàn dứt khoát từ chối với lý do: dã man.
Năm Kỷ Sửu, nói về con trâu nhưng để cất lên tiếng kêu tha thiết về con người. Hãy ráng giữ lòng từ bi bác ái trong mỗi con người, nếu chưa tạo thêm được những điều tốt đẹp thì trước mắt hãy nên bớt, nên bỏ những điều có thể hủy hoại tâm hồn. Mong mỏi lắm thay.

Phi lộ

Chán đám báo in, làm cái bờ-lốc chơi vậy. Ai muốn xem, tùy. Để khai trương, tớ chưa kịp viết, sẽ lần lượt đẩy lên một số bài đã viết, có cả bài bị "kiểm duyệt" chê không đăng. Úi cha!