Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Chút lan man trên đất thiêng triều Mạc

Trong chính sử nhiều thời từ sau Lê trung hưng, kể cả vô tình lẫn cố ý người ta đã xổ toẹt triều Mạc, nếu có nhắc thì cũng gán ngay cho nó cái tên “ngụy triều” chẳng hay ho gì. Học trò bao thế hệ cứ ra rả “nước ta trải Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê - Nguyễn” chứ mấy ai biết rằng nhà Mạc (và cả nhà Hồ, nhà Tây Sơn nữa) là phần không thể thiếu của lịch sử nước Nam.



1. Nghe đứa cháu rủ rê, lại còn miêu tả tỉ mỉ những tòa ngang dãy dọc của khu tưởng niệm các vua nhà Mạc mới khánh thành nên tôi cũng tò mò háo hức lắm. Thực ra nơi ấy với tôi cũng chả xa lạ gì, từ làng tôi đến làng Cổ Trai theo đường chim bay chỉ vài cây số, ngoằn ngoèo huyện lộ hơn 15 phút chạy xe là cùng. Hồi nhỏ đám đánh dậm làng tôi cả mấy chục đứa kéo quân xuống tận Cổ Trai kiếm tôm cá, quần thảo nhẵn cả vùng hạ lưu sông Đa Độ. Rồi lại nhớ cái đận giữa năm 1967 đang mùa gặt, biên đội Mig 17 của ta mật phục ở sân bay Kiến An đón lõng bọn giặc F107 Mỹ ngay trên bầu trời quê tôi, thịt gọn của chúng 2 chiếc, một rơi ngoài biển một cắm đầu xuống làng Cổ Trai, thằng giặc lái nhảy dù bị nông dân dùng liềm, đòn càn bắt sống, thằng kia chết cháy được địa phương chôn cất tử tế. Tôi từng ghé xem nấm mộ gã Mỹ chôn rìa làng, sau đó còn lặn lội ra giữa đồng lúa nước ngập đến đầu gối hì hục cả buổi trưa đục được một mớ đuya-ra xác tàu bay thần sấm về chia cho bọn trẻ con làm lược. Khi ấy từng nghe loáng thoáng ai đó bảo cuộc đất này thiêng lắm có đức ngài phù hộ, bằng cớ là bọn tàu bay rớt ngay cung điện ngài đấy thôi, sau này mình mới hiểu, à ra họ nói về đức Thái tổ Mạc, về vùng đất phát tích một vương triều.
Sử liệu như đã nói ở trên luôn tỏ ra ghét bỏ triều Mạc nhưng bóc tách từ những dòng hiếm hoi xô lệch thì thấy ghi rằng Thái tổ Mạc Đăng Dung xuất thân dân chài, khỏe mạnh giỏi võ, ứng thí tại trường Giảng Võ ở Thăng Long đỗ Đô lực sĩ, làm quan đến chức Đô chỉ huy sứ, được phong tước Hầu. Năm 1527 nhân triều đình thối nát, xã hội loạn lạc, ông phế truất nhà Lê lập ra triều Mạc, chỉ ngồi ngôi vua có 3 năm rồi nhường cho con, lui về làm Thái thượng hoàng. Nhà Mạc tồn tại qua 5 đời với 65 năm, ví như nhát cắt lịch sử vậy, dù dày dù mỏng nhưng đời sau chẳng nên chối bỏ, huống hồ cha con ông cháu Mạc Đăng Dung đã để lại không ít dấu ấn tích cực trong một chặng đường, một thời đại đầy biến động của dân tộc. Để tìm hiểu thêm, tôi ghé nhà từ đường họ Mạc ngay thôn Cổ Trai, thật không may các cụ bô lão đi vắng cả nhưng qua chuyện trò với những hậu duệ chả biết đời thứ mấy chục của Mạc tổ thì biết thêm con cháu tộc Mạc hiện giờ đông lắm, đa dạng lắm. Theo các cụ truyền lại, để tránh quan quân chúa Trịnh truy sát gắt gao, ngoài nhóm hoàng thân quốc thích Mạc Kính Cung rút lên Cao Bằng theo sự mách bảo của cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm, người họ Mạc tứ tán khắp nơi, thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích. Nay trên cả nước có khoảng 50 dòng họ khác nhau vốn gốc họ Mạc sau đận chạy trốn ấy, liệt kê ra thấy đủ cả các họ Phan, Thái, Hoàng, Phạm, Bùi, Vũ, Ma, Nguyễn… rải khắp Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Nam, Sài Gòn, Cao Bằng… Nhớ hồi học đại học, bọn trai chúng tôi rất ngưỡng mộ, còn đám con gái thì mê tít một anh vào trước chúng tôi 3 khóa, học giỏi đẹp giai, thời sinh viên đã có thơ có truyện đăng báo văn nghệ trung ương, ngay cái tên Thái Kế Toại của anh nghe cũng là lạ, ấn tượng. Anh ra trường về lại ngành công an lon đến đại tá, và mãi sau tôi mới biết thì ra họ Thái của anh cũng là hậu duệ nhà Mạc. Nhiều người họ Phạm, họ Hoàng, họ Phan khá nổi tiếng mà tôi gặp sau này trò chuyện chán cũng mới tường tận họ gốc Mạc tộc.




2. Nói đến nhà Mạc không thể không nhắc tới Dương Kinh. Gần 500 năm trước, Dương Kinh xuất hiện với tầm vóc dù không đồ sộ bằng Thăng Long nhưng cũng đủ để thiên hạ ngóng về. Các sử gia của Đại Việt sử ký toàn thư hoặc Đại Việt thông sử dẫu chẳng ưa “ngụy Mạc” vẫn có những dòng nhắc đến kinh đô thứ hai triều đại này bằng sự ngưỡng mộ, nuối tiếc. Lâu đài cung điện thành quách một vương triều đã từng nguy nga phủ bóng lên vùng cửa biển phên dậu phía đông. Vật đổi sao dời, hưng phế là điều khó tránh, tuy nhiên các thế lực phong kiến nước ta thường dẫm vào vết xe tai hại, triều sau cứ phá sạch sanh nhưng gì do triều trước dựng lên, thật đáng tiếc. Nhiều cuốn cổ sử ghi rõ chuyện tướng nhà Lê là Thái úy Trịnh Tùng sau khi phá được thành Thăng Long đã sai quân lính đốt phá lầu son gác tía, san phẳng hào lũy, năm 1592 kéo tiếp về Dương Kinh tàn phá sạch sành sanh, thiêu hủy cung điện, chặt đốn cây cối, đào bới lăng tẩm, biến cả vùng đất thang mộc của nhà Mạc ra bình địa. Qua dấu vết tìm được ở Cổ Trai và phụ cận, những nền móng nhà cửa, đường sá khuất lấp trong đất, các nhà khoa học hầu hết chung nhận định về tầm vóc đồ sộ của Dương Kinh một thời. Giờ Hải Phòng cũng có quận đặt tên Dương Kinh, hình như để hồi tưởng về cái thuở vàng son ấy.
Được khánh thành hồi cuối tháng 9.2010, khu di tích giờ đã vỡ vạc vóc dáng tạo điểm nhấn du lịch tâm linh cho vùng châu thổ ven biển vốn chỉ quen nghề trồng trọt, chài lưới. Trên khu đất hơn 10 ha mà các nhà khảo cổ, nhà sử học kỳ công nghiên cứu, xác định là nền điện Tường Quang nơi đức Thái tổ Mạc Đăng Dung và mấy thế hệ vua kế tiếp từng ngự ngày xưa, tòa chính điện và các công trình phụ trợ tả vu, hữu vu, nhà bia… hắt dáng lên trời xanh giữa bao la đồng lúa, xa xa là dòng sông Đa Độ uốn khúc, vòng ra chút nữa là cửa sông Văn Úc. Kể cũng khâm phục cho sự cố gắng, đồng tâm nhiệt thành của con cháu tộc Mạc đang rải rác cả nước, tất nhiên không thể không ghi nhận công tích của chính quyến các cấp, khi một quần thể khu tưởng niệm hoành tráng công phu hình thành chỉ trong chưa tới 1 năm. Đứa cháu tôi cứ luôn miệng xuýt xoa, trầm trồ. Nhìn rảo một vòng, từ cổng chính vào tuốt bên trong cơ man những phiến đá xanh được chạm khắc tinh xảo, từ bờ tường vây quanh, chân cột, bậc tam cấp đến những con rồng uốn khúc mạnh mẽ mà uyển chuyển trước chính điện. Cô hướng dẫn viên Phạm Thị Hương hình như cũng là hậu duệ Mạc tộc tự hào khoe rằng tất cả nhà cửa sân sướng nơi đây đều tái hiện kiến trúc và mỹ thuật thời Lê - Mạc, theo quy cách truyền thống mà nay vẫn còn lưu lại ở nhiều di tích có từ thế kỷ 16 trên đất Hải Phòng cũng như nhiều nơi khác. Đá xanh thì chuyển tuốt tận Thanh Hóa ra, còn gỗ tất tật gỗ lim nhập từ Nam Phi, thợ mộc cũng phải tuyển những người giỏi nhất vùng làng nghề mộc nổi tiếng trong mạn Vĩnh Bảo. Cái sự công phu đó quả thật có thể chứng minh ngay trước mắt tôi. Chính điện rộng gần 400m2, 4 mái 7 gian 6 hàng cột, đầu đao dáng rồng vươn cao vút. Nội tòa chính điện sáng bừng bởi những chạm khắc sơn son thiếp vàng, cảm giác uy nghiêm mà huyền bí. Tượng đức Thái tổ nhà Mạc ngự chính giữa, quây quần bên là các con cháu gồm những đời vua kế tiếp, đều được giát bằng vàng thật, nét tạc sinh động lạ thường. Tôi lại mường tượng cảnh hồi xửa hồi xưa các ngài cùng tụ về Dương Kinh cha con vua tôi sôi nổi luận bàn chính sự trị quốc an dân. Chỉ có điều làm tôi sinh chút lăn tăn là sao không thấy thờ bà Thái hậu trong cõi tâm linh này. Cũng có đôi chút riêng tư bởi làng Trà Phương quê tôi, thuộc xã Thụy Hương, tổng Nghi Dương cũ (huyện Kiến Thụy ngày nay) chính là quê bà Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ vua Mạc Đăng Dung. Người dân nơi đây bao đời nay vẫn truyền tụng câu “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa”, và chẳng biết có phải được bà ban ân huệ không mà con gái làng tôi đẹp hơn những vùng khác. Trà Phương từng là nơi đóng phủ lỵ Kiến Thụy, nhà cửa san sát sầm uất lắm, cây cối xanh um, trên bến dưới thuyền phong cảnh tuyệt đẹp. Bức tường thành đất đồ sộ giờ gần như bị san phẳng, nếu để ý lắm mới thấy dấu tích một quá khứ vàng son, nhưng những dấu ấn khác về thời Mạc chưa hẳn bị mai một hết. Sử cũ còn lưu rằng bà Thái hậu Ngọc Toàn từng cho xây dựng khá nhiều công trình đình chùa miếu mạo ở quê mình và các vùng gần đó, giống như dạng đô thị vệ tinh cho vương phủ Mạc triều ở Cổ Trai. Hồi tôi còn nhỏ đầu những năm 60 thì đình làng Trà Phương bị trưng dụng làm trường học, tuy vậy kiến trúc vẫn giữ y nguyên. Tôi đồ rằng nếu người ta không thiển cận phá nó đi để lấy gỗ đá… xây trại chăn nuôi, làm nhà hợp tác thì có lẽ cả xứ Hải Phòng lẫn vùng đồng bằng duyên hải này nay chả có cái đình nào qua mặt nó cả về quy mô, tầm vóc. Đình rộng mênh mông, mái cao cong vút được đỡ bởi mấy chục chiếc cột gỗ lim lên nước nâu bóng, chiếc nào chiếc nấy cả vòng tay người lớn ôm cũng chỉ hết hơn nửa. Kè quanh tường là hành lang đá xanh, mỗi tảng ngang dọc cỡ 0,8 x 1,5m, nhẵn như gương, mùa hè ngả lưng mát rười rượi. Hậu cung đình là dãy nhà ngang, nơi thờ bà Thái hậu Ngọc Toàn, sau khi đình bị phá tượng bà được đưa về thờ tại chùa Trà. Hồi năm 1955 Hải Phòng là điểm tập kết 300 ngày của quân đội Pháp trước khi rút hoàn toàn khỏi VN, đình kề sát nơi chúng đóng quân, lạ là chúng chẳng hề phá phách gì, thậm chí còn khoan thêm cái giếng máy, bơm nước cho cả xóm dùng. Sinh thời thày tôi cứ phàn nàn rằng bọn Tây thực dân nó chả phá, vào tay HTX chẳng mấy chốc lại tan hoang. Hiện giờ chùa Trà Phương (còn có tên Thiên Phúc tự) tuổi ngót nghét nghìn năm, khi Thái tổ Mạc lên ngôi thì được bà Thái hậu bỏ tiền công đức trùng tu, nay chùa vẫn thờ bà và đức vua. Ngoài tượng cổ gỗ quý, chùa còn hiện vật vô giá là 2 bức tượng đá cả nhà vua và hoàng hậu đầu triều Mạc được tạc hồi giữa thế kỷ 16, ngự trên ngai thờ trong khói hương thường nhật.
Điều làm tôi ngạc nhiên là hầu như ai đến khu di tích ngoài niềm thành kính cũng hé ra chút tò mò tìm hỏi xem thanh đại long đao của đức tiên tổ. Tôi cũng từng nghe những huyền thoại về bảo đao nên tò mò chả kém. Cô Hương bèn dẫn tôi ra phía sau ngai thờ Thái tổ Mạc Đăng Dung, trong tủ kính kia là thanh đao quý, dù đã bị nám đen, rỉ sét sứt mẻ nhiều chỗ nhưng vẫn toát lên vẻ uy dũng vốn có của thứ binh khí trong tay bậc đại hùng. Tôi đọc vội mấy con số: dài 2,42m, nặng 25,6kg và hình dung ra rằng chủ nhân nó ít nhất cũng phải đường đường một đấng anh hào. Người làm sao đao làm vậy. Ngước ra đằng trước trộm ngắm diện mạo phương phi nhà vua, tôi chắc đao này từng cùng ngài xông pha chiến trận lập bao công trạng, mà công tích lớn nhất đời ngài là mở ra một triều đại mới khi đế chế cũ đã suy tàn, xã hội đang cực kỳ hỗn loạn. Lưu lạc suốt mấy thế kỷ, chìm lấp sâu trong đất bùn cỏ dại, nay đao quý về lại với chủ nhân, dường như duyên trời định, hầu góp thêm chút hào quang cho một triều đại đã chịu quá nhiều thiệt thòi, đánh giá bất công, nay được minh định lại. Có lẽ tôi cần phải cám ơn lần nữa cái cô hướng dẫn xinh đẹp tên Hương kia lúc tôi đang săm soi ngắm nghía quả chuông đồ sộ trên giá ngay bên trái chính điện. Đã đành từng nghe giới thiệu quả đại hồng chung này được ban quản lý khu di tích vào tận xứ Huế nổi tiếng về đúc đồng mời cho được nghệ nhân tài hoa Nguyễn Văn Sính ra trực tiếp chế tác tại chỗ, rồi chỉ riêng tiền chi cho chuông đã hơn 400 triệu đồng… nhưng chi tiết sau đây mới quả thật thú vị. Hương bảo lúc đầu các cụ trong Hội đồng Mạc tộc yêu cầu ông Sinh đúc sao cho chuông nặng đúng 1 tấn rưỡi, vậy mà gọt giũa trau chuốt xong, nghệ nhân siêu hạng đành xin lỗi các cụ vì thành phẩm nặng những 1.527 ký, muốn nhẹ hơn cũng chả còn chỗ nào mà tỉa bỏ bớt được nữa. Sự thể đã rồi biết làm sao, nhưng chợt ai đó phát hiện ra số cân nặng của hồng chung lại trùng với chính năm lên ngôi 1527 của đức ngài, năm mở ra triều Mạc. Thoáng chút phân vân: có phải là sự tình cờ không nhỉ?
Cuối giêng 2011
N.T

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Về nơi phát tích vương triều Mạc

(Bài 1 viết cho báo Sài Gòn Doanh Nhân)


Những ngày vãn tết, mặc cho cái rét đầu xuân dù không đến nỗi buốt da cắt thịt nhưng cũng đủ làm ối người ngại bước khỏi nhà, vậy mà con đường về khu tưởng niệm vương triều Mạc xe cộ vẫn như mắc cửi. Lần đầu tiên trong dịp tết nguyên đán, đất cảng Hải Phòng thêm một địa chỉ hấp dẫn khách du xuân.
Đường sá thành phố cảng dạo này đã tốt hơn trước rất nhiều. Tôi phải nói vậy vì chẳng xa xôi gì, hồi năm 2006 con ngựa sắt chở tôi suýt mấy lần sụp hố, đó là chưa kể đường chật xe ô tô cứ như ép mình văng ra ngoài lề. Nay thì thênh thang. Từ nội thành Hải Phòng chạy chừng hai chục cây số tới huyện lỵ Kiến Thụy, hỏi dân thị trấn thơ mộng sơn thủy hữu tình này, ai cũng sẵn lòng chỉ cho khách phương xa lối về đất cũ nhà Mạc. Dường như họ không giấu niềm tự hào về chốn kinh đô xưa trên quê hương mình. Dương Kinh- tên gọi thuở ấy, một dạng kinh đô thứ hai sau Thăng Long, giống như triều Trần có Thiên Trường vậy, nơi để các Thái thượng hoàng nghỉ ngơi và làm việc. Một thời vàng son đã quá vãng. Tự dưng thấy giận Trịnh Tùng sau khi diệt nhà Mạc không chỉ đốt phá thành Thăng Long mà còn xua quân về Dương Kinh san phá sạch lâu đài thành quách thành bình địa. Nền cũ kinh thành nay thuộc thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy.



Được khánh thành giai đoạn 1 hồi cuối tháng 9.2010, khu di tích giờ đã vỡ vạc vóc dáng tạo điểm nhấn du lịch tâm linh cho vùng lúa ven biển chỉ quen nghề trồng trọt, chài lưới. Trên khu đất hơn 10 ha mà các nhà khảo cổ, nhà sử học kỳ công nghiên cứu, xác định là nền điện Tường Quang nơi đức Thái tổ Mạc Đăng Dung và mấy thế hệ vua kế tiếp từng ngự ngày xưa, tòa chính điện và các công trình phụ trợ in bóng lên trời xanh giữa bao la đồng lúa, xa xa là dòng sông Đa Độ uốn khúc. Kể cũng khâm phục cho sự cố gắng, đồng tâm nhiệt thành của con cháu tộc Mạc đang rải rác cả nước, tất nhiên không thể không ghi nhận công tích của chính quyến các cấp, khi một quần thể khu tưởng niệm hoành tráng đồ sộ hình thành chỉ trong thời gian ngắn hơn 2 năm. Tôi rảo mắt, từ cổng chính vào tuốt bên trong cơ man những phiến đá xanh được chạm khắc tinh xảo, nào bờ tường vây quanh, chân cột, bậc tam cấp đến những con rồng uốn khúc mạnh mẽ mà uyển chuyển trước chính điện. Cô hướng dẫn viên duyên dáng Phạm Thị Hương sôi nổi khoe rằng tất cả nhà cửa sân sướng đều tái hiện kiến trúc và mỹ thuật thời Lê - Mạc, theo quy cách truyền thống nay vẫn còn lưu lại ở nhiều di tích có từ thế kỷ 16 trên đất Hài Phòng cũng như nhiều nơi khác. Đá xanh thì đưa từ núi Nhồi ở Thanh Hóa, còn gỗ tất tật gỗ lim nhập tận Nam Phi, thợ mộc cũng phải tuyển những người giỏi nhất vùng làng nghề mộc nổi tiếng đất Vĩnh Bảo. Cái sự công phu đó quả thật có thể chứng minh ngay trước mắt tôi. Chính điện rộng gần 400m2, 4 mái 7 gian 6 hàng cột, đầu đao dáng rồng vươn cao vút. Nội tòa chính điện sáng bừng bởi những chạm khắc sơn son thiếp vàng, quyện trong hương trầm thoang thoảng tạo cảm giác vừa thiêng liêng vừa bí ẩn. Tượng đức Thái tổ nhà Mạc ngự chính giữa, quây quần bên là các con cháu gồm những đời vua kế tiếp, nét tạc sinh động lạ thường, chả khác gì các ngài hồi nảo hồi nào cùng tụ về Dương Kinh bàn chuyện trị quốc an dân. Và tôi thấy hầu như ai đến đây ngoài niềm thành kính cũng hé ra chút tò mò tìm hỏi xem thanh đại long đao của ngài. Cô Hương dẫn tôi ra phía sau ngai thờ đức Thái tổ Mạc Đăng Dung, trong tủ kính kia là thanh đao quý dù đã bị nám đen, rỉ sét sứt mẻ nhiều chỗ nhưng vẫn toát lên vẻ uy dũng vốn có của thứ binh khí trong tay bậc đại hùng. Tôi đọc vội mấy con số: dài 2,42m, nặng 25,6kg và hình dung ra rằng chủ nhân nó ít nhất cũng phải tầm cỡ vai năm tấc rộng thân mười thước cao. Thì sử chẳng đã ghi rành rành đấy thôi, với đại đao này, chàng dũng sĩ dân chài Mạc Đăng Dung chuyên lặn ngụp thả lưới trên dòng sông Đa Độ chả đoạt chức vô địch trong cuộc thi võ tuyển đô lực sĩ tại kinh đô Thăng Long là gì, đao này cũng từng cùng ngài xông pha chiến trận lập bao công trạng, mà công tích lớn nhất đời ngài là mở ra một triều đại mới khi đế chế cũ đã suy tàn, xã hội đang cực kỳ hỗn loạn. Kính cẩn trước “ông đao”, tôi thầm khấn xin phép đức Thái tổ chủ nhân được chụp tấm ảnh đao quý tuổi dễ gần 500 năm, chả biết ngài đã thuận chưa nhưng về xem lại thấy tất cả cảnh khác thì rõ ràng, riêng ảnh long đao cứ xám đen mờ xịt. Và lạ hơn nữa khi vài người bạn cho biết cũng bị tương tự vậy.



Có lẽ tôi cần phải cám ơn lần nữa cái cô hướng dẫn xinh đẹp tên Hương kia lúc tôi đang săm soi ngắm nghía quả chuông đồ sộ trên giá ngay bên trái chính điện. Đã đành từng nghe giới thiệu quả đại hồng chung này được ban quản lý khu di tích vào tận xứ Huế nổi tiếng về đúc đồng mời cho được nghệ nhân tài hoa Nguyễn Văn Sinh ra trực tiếp chế tác tại chỗ, rồi chỉ riêng tiền chi cho chuông đã hơn 400 triệu đồng… nhưng chi tiết sau đây mới quả thật thú vị. Hương bảo lúc đầu các cụ trong Hội đồng Mạc tộc yêu cầu ông Sinh đúc sao cho chuông nặng đúng 1 tấn rưỡi, vậy mà gọt giũa trau chuốt xong, nghệ nhân siêu hạng đành xin lỗi các cụ vì thành phẩm nặng những 1.527 ký, muốn nhẹ hơn cũng chả còn chỗ nào mà gọt bớt bỏ bớt được nữa. Sự thể đã rồi biết làm sao, nhưng chợt có ai đó phát hiện ra số cân nặng của hồng chung lại trùng với chính năm lên ngôi 1527 của đức ngài, năm mở ra triều Mạc. Tôi ngước nhìn lên, cảm thấy đôi mắt tinh anh của ngài đang nheo nheo cười giễu cái sự lăn tăn nghi ngờ ở kẻ hậu sinh. Vậy ai dám bảo đó chỉ là sự tình cờ nhỉ.

Tiết xuân 2011
NGUYỄN THÔNG