Trang

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Kẻ ác độc cần nhận bản án tương xứng

Sau cả tuần rất linh tinh rắc rối, gây nhiều dư luận ý kiến trái chiều, cuối cùng thì vụ “cà phê pin” cũng được đẩy lên tận thủ tướng. Mà xứ này rất lạ, chuyện gì cũng cứ muốn thủ tướng phải ra tay, phải quyết, trong khi người đứng đầu chính phủ bận trăm công nghìn việc đại sự quốc gia. Ấy là tôi đang nhắc tới vụ cà phê bẩn ở Đắk Nông.

Nhân tiện đây, cả vụ 3 cây to quá khổ được vận chuyển trên quốc lộ cũng na ná thế. Điều tra lòng vòng, chuyền qua chuyền lại, ủn đẩy trách nhiệm cho nhau. Có vẻ như pháp luật hơi bị khó xử trong những trường hợp vậy. Đúng ra thì chỉ cần vận điều A điều B của luật này luật nọ là xong, nhưng ngành chức năng, cơ quan thực thi pháp luật hình như rất giỏi chuyền bóng, câu giờ, rốt cục Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phải đích thân chỉ đạo làm ra nhẽ sai phạm vụ 3 cái gốc cây ấy. Rất mất thì giờ. Phí phạm vai trò của nhà lãnh đạo tầm quốc gia.

Lỗi “đá nhầm sân” không phải ở thủ tướng hoặc phó thủ tướng mà là cấp dưới. Rồi còn phải mất nhiều công, nhiều thời gian để bàn về cái bộ máy công quyền kém hiệu quả. Không thể kéo dài mãi tình trạng “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, “bình chân như vại” của những cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật. Nhân dân giao quyền hành cho họ làm việc chứ không phải cứ mỗi tí lại “xin ý kiến thủ tướng”.

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Hành nhau

Tôi cực lực phản đối việc các nhà mạng hành khách hàng, bắt người dùng số di động phải chụp ảnh chân dung bổ sung vào hồ sơ. Vì sao?

Vì hồ sơ đã có chứng minh thư (còn gọi là chứng minh nhân dân, cái đếch gì cũng nhân dân, thế mấy ông cán bộ lãnh đạo không cần chứng minh thư chắc, mà các ổng có phải nhân dân quái đâu), đủ cả ảnh, dấu vân tay (còn quan trọng hơn cả ảnh, chính xác tới lúc chết, chứ ảnh chỉ được mươi năm), những thông tin cần thiết (số chứng minh thư, tên, năm sinh, chổ ở, đặc điểm nhận dạng)..., nói chung đủ cả, lại cứ nằng nặc đòi thêm ảnh là cớ gì.

Các vị lý sự rằng do có nhiều người mua sim rác không có chứng minh thư nên không quản được, bây giờ phải bổ sung ảnh. Vớ vẩn, sim rác do chính các vị bán ra, các vị làm sai, giờ lại bắt người đàng hoàng lương thiện phải chịu.

Nếu cần có ảnh, chỉ nên áp dụng đối với những khách hàng mới, chứ lôi khách hàng cũ ra mà hành hạ thế này là rất khốn nạn.

Chính quyền đã không bắt lỗi thằng nhà mạng, lại còn ra cái nghị định 49 để tiếp tay cho nó. Nhà nước của dân vì dân mà có đâu cái thói hành dân như thế.

Dân ta cũng lành và nhu nhược quá, thấy nó đòi, không biết cái quyền của mình, cứ chen nhau vào chỗ bị đè dầu cưỡi cổ, chẳng biết khi nào mới khá lên được.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Dân trí

Vụ anh tài xế Đỗ Văn Tiến ở Hải Phòng do cứu 2 mạng người nên xe tải của anh bị lật, gây hư hỏng cho một cái xe khác đậu ven đường. Đúng ra cơ quan công an phải vào cuộc và kết luận dứt khoát, nhưng lại cứ để cho hai bên dân sự giải quyết lằng nhằng. Tôi thử hỏi mấy bác công an, giả dụ anh Tiến kia cán chết 2 cô gái, có phải các bác vất vả gấp trăm lần không nào, bởi đó là án mạng.

Cái nhà anh Tiến đúng là thật thà. Nghe người ta thỏa thuận riêng dọa phải bồi thường cũng vội đi lo tiền bồi thường, dọa sẽ đề nghị khởi tố cũng lo bị khởi tố, đòi phải đền tiền thế này thế nọ cũng vội lo chạy vạy. Tất cả đã có pháp luật, căn cứ vào pháp luật để giải quyết, cứ liên hệ riêng mà làm gì. Thử xem pháp luật ra tay xử lý vụ này thế nào.

Một số đại gia, nhà hảo tâm cũng vậy, dù có lòng tốt, nhưng chưa chi đã vội góp tiền giúp đỡ, không cần biết cái thước pháp luật sẽ đo đến đâu, làm rối thêm việc xử lý.

Anh Tiến là người làm công, nhưng chủ xe tải cho tới giờ này vẫn nhất quyết án binh bất động, chả nhẽ cứ để cho im mãi được.

Chiếc xe con bị hỏng, đương nhiên phải sửa, phải tốn tiền. Nếu chủ xe đã mua bảo hiểm (ít có trường hợp xe ô tô không mua bảo hiểm) thì công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bởi đây không phải lỗi của chủ xe (trừ trường hợp đậu sai), còn anh Tiến nếu có lỗi, buộc phải đền bao nhiêu thì cũng do pháp luật và bên bảo hiểm quy định. Rõ như thế, nhưng lại cứ lằng nhằng hai bên.

Đề nghị ngành chức năng ở Hải Phòng vào cuộc. Dân trí đã thấp, quan trí cũng chẳng ra gì, chẳng nhẽ để cho người ta xung đột chém giết nhau rồi mới lấy làm tiếc rồi rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc à. Chán các ông quá đi.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Thuế điên

Một căn nhà trị giá 700 triệu đồng sẽ bị nhà nước đánh thuế. Đó là ý tưởng điên rồ của Bộ Tài chính. Vì sao?

Giá trị căn nhà phải tính bằng cả giá trị đất và nhà. Nếu ở nông thôn, đất rẻ, chi phí xây dựng không cao như thành phố, thì căn nhà 700 triệu sẽ là căn 3 gian loại khá. Nhưng ở đô thị, nhất là với những thành phố lớn đất đai nhà cửa đắt đỏ, tinh những đất vàng, đất kim cương, thì nhà 700 triệu chỉ là căn hộ nhỏ trên chung cư, là nhà nát cấp 4 chật hẹp dưới đất. 

Ai ở trong những căn nhà ấy? Chỉ những người nghèo, người có cuộc sống cực kỳ khó khăn.

Gần nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất, vẫn cứ tiếp tục sự nghiệp vĩ đại xóa đói giảm nghèo, lẽ ra phải thấy nhục, thấy có tội với dân, nay lại cứ tiếp tục bòn rút, ngay cả những người khố rách áo ôm. Câu thơ xưa do chính tiền nhân họ viết "bòn khố rách sắm dù, sơn kiệu/hút máu dân làm rượu làm trà" bây giờ vẫn đúng.

À, mà nói thêm, họ định đánh thuế đứa dân nghèo nhưng những ông nhà giàu đeo đồng hồ, xài điện thoại trị giá vài tỉ thì họ lại lờ đi. Một kiểu bợ đỡ nhà giàu.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Đất đai

Người ta đang lật giở lại những chuyện sai phạm tai tiếng về đất đai ở Đà Nẵng, TP.HCM, có những vụ xảy ra từng hơn hai chục năm trước, có những vụ dăm bảy năm trở lại đây.

Chẳng hạn vụ Công ty Tân Thuận trực thuộc Thành ủy TP.HCM (lúc đầu là thuộc Ban Tài chính quản trị Thành ủy) thu hồi đất của dân rồi móc ngoặc bán rẻ cho Công ty tư nhân Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Loan, dân thiệt, nhà nước thiệt, tiền vào túi cá nhân, xin nói ngay vụ này nhỏ như con thỏ. Hồi hơn 20 năm trước, tôi đã nghe râm ran những sai phạm của Thành ủy TP.HCM và ông Lê Thanh Hải trong việc liên doanh với tập đoàn Central Trading & Development (CT&D, Đài Loan) xây dựng khu Phú Mỹ Hưng. Tiền lại quả, bôi trơn, lo lót, chia chác thấy bảo nhiều như núi. Cuối cùng bộ máy quyền lực và tuyên truyền đã nói át đi, bao che sai phạm, bốc Phú Mỹ Hưng lên tận giời, còn đám kia thoát nạn, chả ai nhắc tới nữa.

Có thể nói rằng, từ khi chính quyền này thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, cho các nhà đầu tư nước ngoài vào, phát triển kinh tế tư nhân, thì cũng là lúc những cuộc chiếm đoạt cưỡng chế đất của dân diễn ra hằng ngày. Họ thu hồi chiếm đoạt, đền bù rẻ như bèo, nẩy sinh ra khiếu nại khiếu kiện, dân đội đơn tụ tập ra tận trung ương, tai ương oán hận ngất trời. Nhiều máu đã chảy, nhiều dân lương thiện lâm vào cảnh tù tội. Nhiều trang sử xã hội thấm máu và nước mắt cứ được biên ngày càng dày thêm. Nhà cai trị với công cụ chuyên chính vô sản dùng quân đội, công an, dân phòng, súng ống, lưỡi lê đã đàn áp nhân dân không thèm đếm xỉa tới pháp luật, đạo đức, công lý. Những vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Đồng Tâm, Hà Đông, Thái Bình..., những bi kịch số phận Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết, Lê Đình Kình... là những vết nhơ khó gột rửa cho pháp luật, cho chính sách đất đai hiện hành.

Rồi sẽ còn phải phân tích nhiều, nhưng có thể thấy rằng, mọi sai phạm, bi kịch về đất đai đều xuất phát từ các nguyên nhân: Chính sách đất đai tàn bạo, mà cụ thể là Luật Đất đai với cái gọi là "quyền sở hữu toàn dân" cực kỳ vô lý; Đám lãnh đạo cai trị tham nhũng sử dụng quyền lực để vơ vét về cho bản thân, gia đình, dòng họ, bầy đàn; Sự coi thường nhân dân, coi dân chỉ là con sâu cái kiến, muốn bóp nặn sao cũng được.

Trước hết, phải xóa bỏ thay thế ngay thứ Luật Đất đai tàn tàn bạo kia thì may ra mới giải quyết được những đểu giả, ác độc và bi kịch về đất đai.

Hồi còn đi học, tôi có được đọc câu thơ đề từ trong cuốn tiểu thuyết "Những con đường đói khát" của nhà văn nổi tiếng Brazil J.Amado: "Đất hỡi, ngươi ăn gì mà quá khát/Sao uống nhiều nước mắt, máu tươi", nay thấy nó vận vào đất đai xứ này từng mét vuông. Đất xứ ta đang giãy giụa trong hàm răng sắc nhọn ròng ròng máu dân của đám cán bộ tham nhũng từ trung ương tới địa phương. Tiếng kêu oan, tấn bi kịch, nỗi căm hờn đang thấu tới tận trời.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Tướng Vĩnh, tướng Hóa phạm tội: Chuyến tàu vét toa đen xấu xí

Giờ đây, các cơ quan phòng chống tội phạm lại phải mài sắc vũ khí vừa để đủ sức đấu tranh phòng chống tội phạm ngoài xã hội, vừa phải dũng cảm, sắc bén phát hiện, loại trừ tội phạm ngay trong lực lượng, tổ chức mình...

Những tháng ngày này, Bộ Công an đang cùng lúc thực hiện hai việc lớn, đang được xã hội đặc biệt quan tâm, theo dõi. Một là thực hiện Đề án một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hai là phát hiện đấu tranh sàng lọc, loại khỏi lực lượng những phần tử tiêu cực, tự chuyển hoá, diễn biến, lợi ích nhóm, thậm chí sa ngã đến mức trở thành tội phạm.

Cả hai việc, theo nhận xét của người dân, đều thuộc hàng đại sự; về quy mô, mức độ, chưa từng diễn ra trong lịch sử ngành công an nước nhà. Giữa hai việc lớn này, dường như có mối liên hệ. Thực trạng bộ máy và những tiêu cực nảy sinh ngay trong lực lượng công an, trong một thời gian dài trước đây, buộc phải đổi mới, sắp xếp lại bộ máy sao cho tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện thành công đề án cũng là nhằm hạn chế, triệt tiêu những tiêu cực như đã từng xảy ra; khôi phục, củng cố lòng tin của nhân dân và của đảng với lực lượng “thanh kiếm và lá chắn” từng được dân hết lòng thương yêu, đảng hết mực tin tưởng.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Không thể nào tin được

Quả thực tôi bị sốc nặng khi vừa bật máy tính, theo thói quen, trước khi đọc báo thì cứ hẵng mở trang Facebook đã. Đó mới là thứ báo cập nhật, nóng hổi, biến động thay đổi đến từng phút. Chỉ có điều, thông tin đầu tiên lại là tin buồn, một cái tin quá buồn, không thể tin được: Con trai thứ nhà thơ Nguyễn Duy bị đột quỵ, qua đời lúc 10 giờ sáng hôm 10.4. Nguyễn Duy Sơn. Cháu hưởng tuổi trời khi mới 43. Hiện cháu nằm trong khói hương tại nhà quàn chùa Vĩnh Nghiêm, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 Sài Gòn.

Thú thực, khi nghe bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) thông báo con trai bác Duy mất, tôi giật hết cả người. Cũng không phải là phân biệt gì, ai ra đi cũng buồn, nhưng tôi cứ nghĩ đó là “thằng” Bùi, Nguyễn Duy Bùi, con lớn bác Duy, nó từng là đồng nghiệp của tôi thời làm báo Thanh Niên. Gặng hỏi, bọ cho biết thêm, “thằng” Sơn, đứa thứ hai. Tôi xách xe chạy ngay tới chùa Vĩnh Nghiêm.

Bác Duy là đàn anh của tôi. Trong trang FB cũ khi chưa bị người ta đóng chặn, tôi đã vài lần viết về người đàn anh xứ Thanh này (chút nữa tôi sẽ đưa lại lên đây). Chỉ từ hôm qua tới chiều nay thôi mà ông anh đã khác hẳn, sọm đi, già thêm chục tuổi. Bà chị đã lâu bệnh nặng nằm một chỗ, nay lại thêm cú trời giáng thế này, ông anh làm sao mà trụ nổi. Ba đứa con, hai trai một gái, nay một đứa đi quá sớm, lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời. Thương cháu, thương bậc đàn anh tài hoa chịu nỗi đau quá lớn.

Chỉ biết lặng lẽ thắp cho cháu nén hương, thầm khấn cháu đi thanh thản, ở cõi vô cùng nhớ phù hộ cho cha mẹ.

Một chiều buồn tiết Thanh minh Mậu Tuất 2018
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

Củ thò lò

Sáng 9.4, Thủ tướng và nhiều quan chức cấp rất cao của chính phủ về tỉnh Hải Dương tham gia cuộc "đối thoại" với nông dân trong tỉnh. Dĩ nhiên là tổ chức ở hội trường chứ không phải ngoài đồng. Đại biểu nông dân ăn mặc diện ngất, nhiều vị còn đeo cả ca la vát.

Nói chung, những nhà cai trị đến với dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, hiểu họ nghĩ gì muốn gì là việc đáng khen. Nhưng cũng nên hiểu được cả những thứ diễn ra ngoài hội trường, nơi bà con một nắng hai sương chân lấm tay bùn; hiểu cả những thân phận không phải dạng đại biểu ngồi chĩnh chện trong phòng máy lạnh, mà đang đánh vật với cuộc sống nghèo khó; hiểu cả những thực tế chân xác chứ không phải nghe đám trợ lý "báo cáo anh" thế này thế nọ...

Tôi hơi tủm tỉm khi nghe ông Phúc ra vẻ hiểu biết, nói rằng su hào bắp cải vùng Hải Dương ngon lắm, chất lượng cao lắm, người Nhật rất thích.

Ý của bác Phúc rằng người Nhật mà còn thích thì làm sao chẳng ngon. Đã lâu Nhật là một thứ tiêu chuẩn mặc nhiên đối với người Việt ta rồi. Ai khen thì còn nghi ngờ chứ Nhật đã khen thì miễn chê. Tôi nhớ hồi những năm 70 ở miền Bắc, xe ô tô rất hiếm, chủ yếu từ phe XHCN nhập về. Những chiếc xe tải IFA của Đức khi sang Việt Nam, trên cabin hoặc đầu xe thường có hàng chữ rất... thiếu khiêm tốn, đề hẳn bằng tiếng Việt: Miễn góp ý. Hàng của Đông Đức hồi ấy luôn được coi là chất lượng hàng đầu khối XHCN, nhưng họ biết người Việt tuy xài đồ cho không (viện trợ) vẫn hay ý kiến ý cò chê bai nên họ phải chặn họng trước.

Lộn tùng phèo

Xưa các cụ có câu "sinh con rồi mới sinh cha/sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông". Nó nói về chuyện trái ngược, nhố nhăng, chả ra làm sao.

Đang ồn ào chuyện có ý kiến đề nghị gộp, hợp nhất mấy đoàn thể chính trị xã hội lớn vào chung mặt trận tổ quốc. Đúng ra phải giải tán bỏ bớt đi, hoặc làm như thế từ lâu rồi. Nhưng xứ này các ông cai trị cứ thích làm theo ý mình, dù nhố nhăng vẫn cứ làm. Tao thích thế đấy, ai làm gì được tao. Làng Vũ đại này, đếch thằng nào bằng ông.

Lấy ví dụ: Đảng cũng chỉ là một đoàn thể, một tổ chức chính trị, chính trị xã hội, một thành viên của mặt trận tổ quốc, nhưng ông đảng mà quát một tiếng là ông mặt trận chạy mất dép. Ông ấy là con nhưng quyền bố, quyền cụ, quyền ông cố tổ, quyền trời, đố ai dám cãi. Mặt trận là cái đinh gì. Quốc hội còn chưa là gì với tao nhá, đừng có lôi thôi.

Ông đoàn thanh niên cũng vậy. Ông ấy là thành viên của Hội liên hiệp thanh niên VN, là con nhưng ngồi ghế bố, mắng bố sa sả, quát bố phải nghe. Thế thì giải tán mẹ nó cái hội đi, để đó làm bù nhìn làm gì.

Nói chung xứ ta nhiều thứ ngứa mắt, chả giống ai, chả theo quy luật gì, cũng như cứ lao xe chạy ngược đường cao tốc vậy. Gây tai nạn cong còn cố cãi tao không có lỗi. Cứ nói lấy được.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Tiết Thanh minh và tết Thanh minh

Phải nói ngay, đây là cách tính 24 tiết khí trong năm và phong tục của người Tàu, rồi thời bắc thuộc nó được truyền sang ta. Lâu dần ngấm, ta cũng coi là phong tục.

Thực ra thời tiết khí hậu Trung Quốc khác nhiều với Việt Nam, những gì cổ nhân của họ tính toán đều rất khoa học nhưng phù hợp, sát với thực tế bên ấy hơn. Sang xứ ta, ở miền Bắc còn hợp tí chút chứ càng xuôi về phương nam, tới Nam Bộ thì càng chênh lệch, thậm chí không phù hợp tí nào. Nhưng về mặt xã hội, cái gì hay, có ý nghĩa tinh thần, dung nạp được thì dân chúng chấp nhận. Người xứ ta, kể cả miền Bắc lẫn miền Nam cũng đón tết Thanh minh là vậy.

Theo tính toán của người xưa, Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hằng năm. Tiết Thanh minh (mát mẻ) đến sau ngày Lập xuân (của tiết Lập xuân, tức bắt đầu mùa xuân) 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Nhân đây cũng nói luôn, rất nhiều người thường nhầm ngày mùng 1 Tết Nguyên đán là ngày Lập xuân nhưng thực ra không phải, nó chỉ là ngày đầu tiên của năm âm lịch.

Ngày đầu tiên của tiết Thanh minh được xem là Tết Thanh minh. Chẳng hạn năm nay 2018, tiết Thanh minh bắt đầu từ 20.2 âm lịch, tức 5.4 dương lịch), kết thúc vào 5.3 âm lịch, tức 20.4 dương lịch), tiếp đó là tiết Cốc vũ (mưa rào), trời chuyển sang mùa hè. Tết Thanh minh năm Mậu Tuất 2018 trùng vào ngày 5.4 dương lịch.

Trong sách Việt Nam phong tục, cụ Phan Kế Bính viết "Tết Thanh minh: Trong khoảng tháng ba, có một tiết hậu gọi là tiết Thanh minh. Thanh minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng. Theo tục Tàu vào hôm ấy, giai nhân tài tử đua nhau đi tảo mộ, gọi là hội Đạp thanh. Ta không ăn Tết ấy, nhưng cũng nhiều người nhân dịp này mà đi tảo mộ. Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm cỗ cúng gia tiên".

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

Khoan sức dân

Mấy ông bà chính phủ, từ thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng này nọ thoạt nhìn bề ngoài hoặc nghe lời nói thì có vẻ luôn có ý thức trông cậy vào dân. Theo họ, những lúc khó khăn phải biết dựa vào dân, ví dụ họ nhận định rằng vàng trong dân còn nhiều lắm, hoặc nợ công nặng nề, dân cần ghé vai vào gánh bớt với nhà nước, hoặc dân cần thông cảm với nhà nước về thuế này phí nọ, v.v..

Nghe các vị ấy "thân dân" như thế, tôi chợt nhớ chuyện Thôi Diệm bên Tàu thời Tam quốc.

Tào Tháo sau khi dẹp được đám cha con Viên Thiệu, lấy được Ký Châu, chiếm cả vùng Hà Bắc mênh mông, ra chiều đắc ý lắm. Cuộc chiến liên miên kéo dài gần chục năm đã khiến vùng giàu có này kiệt quệ, dân chúng đói khổ trăm bề. Bên thắng cuộc là Tháo không cần đếm xỉa thực tế ấy, chỉ nhăm nhăm vơ vét thật nhiều. 

Thôi Diệm làm quan cho Viên Thiệu, từng bày nhiều mưu hay nhưng Thiệu ngu tối không dùng, Diệm liền cáo quan về ở ẩn. Tháo biết Diệm đức độ, tài giỏi, liền triệu Diệm ra, cho làm quan biệt giá tòng sự, tin cậy Diệm lắm. Nhân cuộc rượu, Tháo kể hôm qua đã xem sổ hộ tịch, biết châu này nhiều hộ đông dân, châu Ký này lớn lắm. 

Tháo vừa dứt lời, Diêm thưa: Mấy năm nay thiên hạ tranh xẻ, chín châu tan nát, dân Ký châu phơi xương trắng ngoài đồng, khổ đau khôn xiết không để đâu cho hết. Thừa tướng vừa thắng cha con Thiệu, chưa kịp hỏi thăm phong tục, cứu kẻ lầm than, chăm sóc dân đen con đỏ, đã vội tính ngay số hộ khẩu bao nhiêu để bóc lột, vậy dân còn trông mong gì.

Tháo nghe Diệm nói, vội thay đổi ngay nét mặt, bước xuống hàng dưới tạ lỗi, nói với Diệm tôi nghĩ sai, nhờ có ông mà nhìn ra sự ngu tối của mình, xin ông bỏ qua cho.

Ngay lập tức, Tháo lệnh cho các quan, tướng sĩ ai vơ vét bóc lột của dân, hà hiếp dân thì đem chém.
Lâu nay ở xứ ta, người ta cứ bảo Tào Tháo là kẻ gian hùng, độc ác, tàn bạo, nhưng không thấy Tháo luôn biết lắng nghe, biết khoan sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Chê Tháo, nhưng cứ được bằng cái móng tay út của Tháo cũng còn mệt.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

Tham nhũng vặt

Hôm tôi ở quê, thằng cháu mời xuống nhà ăn bún riêu rạm. Tôi đánh tì tì 4 bát, no kềnh kếnh cang, đến nỗi đêm đó ôm cái bụng căng tròn trăn trở. Công nhận ngon tuyệt. Nhưng chuyện nó kể còn ngon hơn.

Chuyện rằng ở xã Tú Đôi bên cạnh, có cái đầm lớn (vốn là một nhánh sông Văn Úc bị bồi lấp, rất nhiều tôm cá, thời còn cởi trần đánh dậm tôi thường ra bắt cá tôm ở đây). Hôm họp đảng ủy và ủy ban xã, ông chủ tịch vừa được bầu lên thông báo rằng thường vụ và chủ tịch xã đã ký với tư nhân cho thuê đầm trong 25 năm, đem một nguồn thu lớn về cho xã, đề nghị các đồng chí hoan hô.

Lão chủ tịch chưa dứt lời, một ông mặt hằm hằm đứng lên, chả phải ai xa lạ, là vị phó chủ tịch. Ông phó choang ngay, tôi phản đối, ăn đéo gì mà ăn lắm thế, ông cứ ăn trong nhiệm kỳ của ông thôi, còn để người khác tí màu nữa chứ. Nó được thầu 25 năm, nó trả trước phần trăm cho ông chừng ấy năm, chúng tôi lên thì còn đéo gì nữa. Hốc cũng vừa vừa phải phải thôi.

Cãi nhau lộn bậy một hồi, họp tan, ê chề. Dân chúng nghe chuyện được phen cười vỡ bụng về cái thói quần ngư tranh thực của đám cường hào lý dịch thời nay.

Thằng cháu kết luận: Nhỏ ăn nhỏ, to ăn to, chả thằng cán bộ đéo nào mà không ăn bẩn.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Luẩn quẩn có ý đồ

Ông Nguyễn Xuân Phúc vừa quả quyết sẽ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam theo phương án 3, chủ yếu là xây thêm nhà ga mới có chỗ phục vụ tăng lượng khách (thêm 20 triệu lượt khách/năm), nhà ga này nếu theo phương án được duyệt sẽ đón khách theo lối đường Cộng Hòa và Trường Chinh (Q.Tân Bình).

Ông Phúc và đám lợi ích nhầm to. Cứ hỏi dân Sài Gòn, nhất là dân ở quận Tân Bình nơi chứa sân bay thì rõ. Hiện tại, 2 đường Trường Chinh, Cộng Hòa chưa kể sự bị tác động bởi sân bay đã thường xuyên kẹt cứng, dù đã cơi nới mở rộng hết cỡ. Nếu có nhà ga mới, chúng sẽ biến thành điểm chết kẹt xe, muôn dân gánh chịu chứ chả riêng gì hành khách đi máy bay. Sẽ là thảm họa kẹt xe lớn nhất thành phố trên hai con đường này.

Trong khi đó, phía bắc, liên quan tới khu đất sân golf là đường Tân Sơn và Quang Trung (quận Gò vấp) đang khá thông thoáng, nếu mở rộng sân bay, xây nhà ga ở sân golf sẽ tận dụng lối ra vào sân bay bằng 2 con đường này, chia sẻ lượng xe cộ giao thông cho các đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn hiện tại, sẽ giảm ngay sự ùn tắc. Không cần chuyên gia, chỉ một người dân bình thường cũng thấy ngay điều ấy.

Lại thêm nữa, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, cái chính là không đủ đường băng. Máy bay không có đường cất - hạ cánh, cứ xếp hàng chờ, hệ quả là sân bay càng chật chội, khách ùn ứ, nhà ga quá tải theo. Đã không giải quyết phần gốc, tìm ra lối thoát, lại tăng thêm sự chen chúc (chỉ xây nhà ga), có tài thánh cũng không giải được bài toán Tân Sơn Nhất.

Nhưng tôi cho rằng các nhà cai trị không ngu, mà họ có ý đồ, chỉ có điều ý đồ ấy không tốt đẹp, không xuất phát từ vì lợi ích của nhân dân.

Nguyễn Thông