Cứ mỗi lần nhắc đến nhà thơ thương binh Hoàng Cát trong tôi lại dậy lên những cảm xúc, kỷ niệm khó quên.
Hoàng Cát sinh năm Nhâm Ngọ 1942 hơn thế hệ tuổi tôi đúng một giáp. Khi anh cầm súng diệt Mỹ trên các chiến trường Trị - Thiên, Quảng - Đà thì chúng tôi vẫn suốt ngày đánh độc chiếc quần đùi lặn ngụp cánh đồng quê mò cua bắt ốc. Bị thương nặng, năm 1971 về hậu phương, anh viết văn làm thơ mau chóng nổi danh làng văn nghệ. Đến nay sau hơn 34 năm tôi còn nhớ như in cái tâm trạng bâng khuâng buồn buồn khi đọc truyện ngắn Cây táo ông Lành của anh đăng trên tuần báo Văn Nghệ năm 1974, in phía trên, trang giữa dành riêng cho thiếu nhi nhân ngày 1.6. Truyện chỉ gần nửa trang, nội dung đại loại về cây táo, mớ táo rụng và lũ học trò nhỏ tinh nghịch, đọc nhẹ nhàng xúc động, đầy tình người. Ấy, đọc xong nghĩ thế thôi, tặc lưỡi đánh tách “gớm, cái ông Hoàng Cát viết thích nhỉ” nào ai ngờ được chỉ ít ngày sau um xùm lên “vụ án Cây táo ông Lành”. Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy (nay đã ra người thiên cổ), một “fan” của Hoàng Cát, hồi còn dạy ở trường Dự bị đại học TP.HCM có lần bảo “văn chương xứ mình nhiều chuyện kỳ cục, có những vụ án văn nghệ, chẳng hạn vụ Cây táo ông Lành không ai biết xuất phát từ đâu, không nguyên cáo, không xét xử, mọi thứ rất mơ hồ, chỉ có bị cáo là thật bỗng dưng lăn ra chết như giặc”. Còn gì nữa, người ta xúm vào đánh hội đồng, chả biết nhà văn thương binh tuổi ngựa từng phải bỏ lại một cẳng chân trên chiến trường đất Quảng bị vùi hất lên bờ xuống ruộng thế nào, chỉ thấy mãi hơn mười mấy năm sau tôi mới được đọc lại anh qua đôi bài thơ đăng báo này báo khác. Tự hỏi chừng ấy thời gian nào có ngắn, một phần quan trọng của đời người chứ ít đâu, anh làm gì, sống ra sao, có còn là Hoàng Cát như ấn tượng ban đầu? Qua bạn bè sinh sống ở thủ đô, tôi cũng được biết ít nhiều rằng anh có viết lại, được “xóa án” tự nhiên, có thêm mấy tập thơ (Tháng giêng dai dẳng, Ngôi sao biếc, Thì hãy sống, Thanh thản...), thậm chí còn in truyện ngắn (lại truyện ngắn, hóa ra đám văn nghệ sĩ chết cái nết không chừa), nhưng sống khổ hơn cả hồi chiến tranh, làm đủ mọi nghề lương thiện kiếm kế sinh nhai, vậy mà chân thật thẳng thắn thủy chung ít ai bằng. Sơ sơ thế đã thấy quý trọng anh, đến một ngày lò dò ra hiệu sách Quỳnh Mai trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) bất chợt thoáng cái tên tác giả Hoàng Cát, tên bìa chất chứa nỗi niềm Cám ơn vỉa hè, thầm nghĩ lại thêm cuộc vật lộn với đời để làm người chăng?
Cuộc sống quanh ta có biết bao thứ cần phải cám ơn, ông này mới lạ, sao lại cám ơn vỉa hè? Nhớ hồi bắt đầu triển khai nghị định 36/CP mười mấy năm trước, vỉa hè đô thị khắp nước như trải qua cơn bão. “Bão” cuốn đến đâu, vỉa hè sạch bong đến đó, chẳng còn quang gánh thúng mủng của mấy cô bán rong, bàn ghế bà hàng nước, đồ nghề mấy ông bơm vá xe, cả cảnh xe đạp xe máy tràn xuống lòng đường... Sạch tuốt, đường thông hè thoáng. Tôi có anh bạn cử nhân văn chương đàng hoàng, tên Trần Quang Thuật, cũng tập tọng thi phú, chả biết đường công danh, gia đình lận đận thế nào đến nỗi phải dạt ra vỉa hè vá xe, che tấm bạt nhỏ dưới chân cột điện ráng kiếm ngày vài đồng nuôi vợ nuôi con. Tưởng yên thân, gặp 36/CP cả nhà treo niêu đứt bữa. Mấy lần gặp nhau ngoài đường nhìn dáng gầy gò liêu xiêu tha thẩn xách hòm đạn đại liên đồ nghề, nách cắp chiếc bơm đi như vô định thấy thương lắm. Mất chỗ sinh nhai, đành sắm cái xe xích lô chạy lòng vòng chở khách, kể cả làm mối đưa đón gái đứng đường. Hóa ra trong cuộc đời này có những thứ không là cái đinh gì với ta nhưng lại vô cùng can hệ đến số phận người khác. Cái vỉa hè là một minh chứng. Hãy nghe Hoàng Cát tâm sự: Ta cám ơn cái vỉa hè bụi bặm/Đã nuôi ta những năm tháng cơ hàn/Ta cám ơn những tháng ngày mưa nắng/Cho ta hiểu Đời trong đục buồn thương... Ôi ta cám ơn cái vỉa hè yêu dấu!/Nếu không có Mi, ta chết đói lâu rồi!/Hoặc có thể trở thành thằng ăn cắp,/Rồi vào tù đến mọt xác - vỉa hè ơi... (Cám ơn vỉa hè). Ừ thì gắn với vỉa hè, như ông bạn vá xe của tôi hay hàng vạn người tha phương cầu thực buôn thúng bán bưng đã đành một nhẽ chứ sao lại ứng vào nhà thơ Hoàng Cát? Có lẽ cũng cần nhắc lại sự vô lý, bất công này. Một chiến sĩ từng bao năm xông xáo lăn lộn trên chiến trường ác liệt bậc nhất thời đánh Mỹ, thương binh thực thụ- cứ nhìn cái chân cụt thì biết, có tài văn thơ được nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu thương mến nhận làm em kết nghĩa, người luôn khao khát làm điều gì đó có ích cho đời, cho mọi người, vậy mà tai bay vạ gió kể từ “cây táo ông Lành”. Bị ném ra ngoài biên chế, cắt hết mọi tiêu chuẩn kể cả phụ cấp thương tật, đằng đẵng hơn cả chục năm viết văn làm thơ chẳng ai đăng (vì sợ liên lụy), sao tránh khỏi buồn “là thi sĩ ta chẳng lừa ai được/ chỉ buồn thương cho cuộc thế trò chơi”. May còn có cái vỉa hè, nó đã cứu anh, níu giữ anh lại với đời. Trên vỉa hè tình nghĩa ấy anh lại có đất để trồng, để ươm những quả táo nhân văn, lần này không phải chỉ cho trẻ con mà cả người lớn nữa. Mà thôi, đấy là công nuôi dưỡng tái tạo của vỉa hè vô tri đối với số phận một con người; nhưng còn cả cái xã hội mà anh đã bỏ máu xương ra để bảo vệ có lẽ nào cứ tiếp tục dửng dưng? Nhà thơ thương binh không lên tiếng đòi về cho mình và chính vì thế chúng ta cứ mãi mắc nợ anh. Nghĩ đến Hoàng Cát, tôi thầm hỏi sao đến nay không có ai (vốn thường tự xưng đầy tinh thần trách nhiệm) đứng ra, nếu không xin lỗi người thương binh ngay thẳng ấy thì cũng phải làm cái việc hợp đạo lý là phục hồi tức khắc quyền lợi máu xương của anh chứ. Hoàng Cát có lần “nói chuyện với cây khế”: Ta đã trải nhiều chua, lắm đắng/Liệu cuối đời, khế cho trái chi đây? Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ nhưng còn ngỏ thêm ngày nào thì chúng ta còn mắc nợ thêm anh, à không, ông thương binh Hoàng Cát, càng kéo dài nợ càng lớn càng đau. Được biết không ít bạn bè khuyên nhà thơ thương binh gõ cửa này cửa nọ nhưng anh chẳng màng. Cứ ngẩng đầu mà sống, hai tay vày lỗ miệng, chẳng cần xin xỏ, khiếu nại ai. Thì đấy là chuyện của anh, một tâm hồn cao thượng không thèm chấp nê thói đời. Nay lão thi sĩ vỉa hè Hoàng Cát đã vượt quá ba-rem lục tuần, tuổi 66, cuộc chiến đi qua đã hơn 33 năm, dù có giải quyết chế độ cho anh cũng là muộn lắm rồi. Tôi trộm nghĩ giá có ai báo cáo trường hợp này cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, người phụ nữ duy nhất trong nội các (phụ nữ thường nhạy cảm), biết đâu chính bà bộ trưởng sẽ ra tay hái cho anh trái khế ngọt cuối đời?
Hồi gần cuối năm ngoái ra Hà Nội tôi nhủ lòng phải bằng được đến thăm, nói lời cảm phục nhà thơ- kẻ sĩ- thương binh. Biết chỗ anh cư ngụ ở khu nhà 10A Trương Định, Hà Nội- nơi xưa kia có cây táo dại nhưng thật không may, anh đi đâu đó xa chưa về. Thôi hẹn dịp khác. Đi trên lề đường thủ đô rợp bóng cây tôi cứ thoáng nghĩ nơi nào đó mình vừa bước qua còn in một dấu chân, chân bên phải, của người thương binh đã hơn 3 thập niên lăn lóc chốn vỉa hè để làm người.
Hoàng Cát sinh năm Nhâm Ngọ 1942 hơn thế hệ tuổi tôi đúng một giáp. Khi anh cầm súng diệt Mỹ trên các chiến trường Trị - Thiên, Quảng - Đà thì chúng tôi vẫn suốt ngày đánh độc chiếc quần đùi lặn ngụp cánh đồng quê mò cua bắt ốc. Bị thương nặng, năm 1971 về hậu phương, anh viết văn làm thơ mau chóng nổi danh làng văn nghệ. Đến nay sau hơn 34 năm tôi còn nhớ như in cái tâm trạng bâng khuâng buồn buồn khi đọc truyện ngắn Cây táo ông Lành của anh đăng trên tuần báo Văn Nghệ năm 1974, in phía trên, trang giữa dành riêng cho thiếu nhi nhân ngày 1.6. Truyện chỉ gần nửa trang, nội dung đại loại về cây táo, mớ táo rụng và lũ học trò nhỏ tinh nghịch, đọc nhẹ nhàng xúc động, đầy tình người. Ấy, đọc xong nghĩ thế thôi, tặc lưỡi đánh tách “gớm, cái ông Hoàng Cát viết thích nhỉ” nào ai ngờ được chỉ ít ngày sau um xùm lên “vụ án Cây táo ông Lành”. Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy (nay đã ra người thiên cổ), một “fan” của Hoàng Cát, hồi còn dạy ở trường Dự bị đại học TP.HCM có lần bảo “văn chương xứ mình nhiều chuyện kỳ cục, có những vụ án văn nghệ, chẳng hạn vụ Cây táo ông Lành không ai biết xuất phát từ đâu, không nguyên cáo, không xét xử, mọi thứ rất mơ hồ, chỉ có bị cáo là thật bỗng dưng lăn ra chết như giặc”. Còn gì nữa, người ta xúm vào đánh hội đồng, chả biết nhà văn thương binh tuổi ngựa từng phải bỏ lại một cẳng chân trên chiến trường đất Quảng bị vùi hất lên bờ xuống ruộng thế nào, chỉ thấy mãi hơn mười mấy năm sau tôi mới được đọc lại anh qua đôi bài thơ đăng báo này báo khác. Tự hỏi chừng ấy thời gian nào có ngắn, một phần quan trọng của đời người chứ ít đâu, anh làm gì, sống ra sao, có còn là Hoàng Cát như ấn tượng ban đầu? Qua bạn bè sinh sống ở thủ đô, tôi cũng được biết ít nhiều rằng anh có viết lại, được “xóa án” tự nhiên, có thêm mấy tập thơ (Tháng giêng dai dẳng, Ngôi sao biếc, Thì hãy sống, Thanh thản...), thậm chí còn in truyện ngắn (lại truyện ngắn, hóa ra đám văn nghệ sĩ chết cái nết không chừa), nhưng sống khổ hơn cả hồi chiến tranh, làm đủ mọi nghề lương thiện kiếm kế sinh nhai, vậy mà chân thật thẳng thắn thủy chung ít ai bằng. Sơ sơ thế đã thấy quý trọng anh, đến một ngày lò dò ra hiệu sách Quỳnh Mai trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) bất chợt thoáng cái tên tác giả Hoàng Cát, tên bìa chất chứa nỗi niềm Cám ơn vỉa hè, thầm nghĩ lại thêm cuộc vật lộn với đời để làm người chăng?
Cuộc sống quanh ta có biết bao thứ cần phải cám ơn, ông này mới lạ, sao lại cám ơn vỉa hè? Nhớ hồi bắt đầu triển khai nghị định 36/CP mười mấy năm trước, vỉa hè đô thị khắp nước như trải qua cơn bão. “Bão” cuốn đến đâu, vỉa hè sạch bong đến đó, chẳng còn quang gánh thúng mủng của mấy cô bán rong, bàn ghế bà hàng nước, đồ nghề mấy ông bơm vá xe, cả cảnh xe đạp xe máy tràn xuống lòng đường... Sạch tuốt, đường thông hè thoáng. Tôi có anh bạn cử nhân văn chương đàng hoàng, tên Trần Quang Thuật, cũng tập tọng thi phú, chả biết đường công danh, gia đình lận đận thế nào đến nỗi phải dạt ra vỉa hè vá xe, che tấm bạt nhỏ dưới chân cột điện ráng kiếm ngày vài đồng nuôi vợ nuôi con. Tưởng yên thân, gặp 36/CP cả nhà treo niêu đứt bữa. Mấy lần gặp nhau ngoài đường nhìn dáng gầy gò liêu xiêu tha thẩn xách hòm đạn đại liên đồ nghề, nách cắp chiếc bơm đi như vô định thấy thương lắm. Mất chỗ sinh nhai, đành sắm cái xe xích lô chạy lòng vòng chở khách, kể cả làm mối đưa đón gái đứng đường. Hóa ra trong cuộc đời này có những thứ không là cái đinh gì với ta nhưng lại vô cùng can hệ đến số phận người khác. Cái vỉa hè là một minh chứng. Hãy nghe Hoàng Cát tâm sự: Ta cám ơn cái vỉa hè bụi bặm/Đã nuôi ta những năm tháng cơ hàn/Ta cám ơn những tháng ngày mưa nắng/Cho ta hiểu Đời trong đục buồn thương... Ôi ta cám ơn cái vỉa hè yêu dấu!/Nếu không có Mi, ta chết đói lâu rồi!/Hoặc có thể trở thành thằng ăn cắp,/Rồi vào tù đến mọt xác - vỉa hè ơi... (Cám ơn vỉa hè). Ừ thì gắn với vỉa hè, như ông bạn vá xe của tôi hay hàng vạn người tha phương cầu thực buôn thúng bán bưng đã đành một nhẽ chứ sao lại ứng vào nhà thơ Hoàng Cát? Có lẽ cũng cần nhắc lại sự vô lý, bất công này. Một chiến sĩ từng bao năm xông xáo lăn lộn trên chiến trường ác liệt bậc nhất thời đánh Mỹ, thương binh thực thụ- cứ nhìn cái chân cụt thì biết, có tài văn thơ được nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu thương mến nhận làm em kết nghĩa, người luôn khao khát làm điều gì đó có ích cho đời, cho mọi người, vậy mà tai bay vạ gió kể từ “cây táo ông Lành”. Bị ném ra ngoài biên chế, cắt hết mọi tiêu chuẩn kể cả phụ cấp thương tật, đằng đẵng hơn cả chục năm viết văn làm thơ chẳng ai đăng (vì sợ liên lụy), sao tránh khỏi buồn “là thi sĩ ta chẳng lừa ai được/ chỉ buồn thương cho cuộc thế trò chơi”. May còn có cái vỉa hè, nó đã cứu anh, níu giữ anh lại với đời. Trên vỉa hè tình nghĩa ấy anh lại có đất để trồng, để ươm những quả táo nhân văn, lần này không phải chỉ cho trẻ con mà cả người lớn nữa. Mà thôi, đấy là công nuôi dưỡng tái tạo của vỉa hè vô tri đối với số phận một con người; nhưng còn cả cái xã hội mà anh đã bỏ máu xương ra để bảo vệ có lẽ nào cứ tiếp tục dửng dưng? Nhà thơ thương binh không lên tiếng đòi về cho mình và chính vì thế chúng ta cứ mãi mắc nợ anh. Nghĩ đến Hoàng Cát, tôi thầm hỏi sao đến nay không có ai (vốn thường tự xưng đầy tinh thần trách nhiệm) đứng ra, nếu không xin lỗi người thương binh ngay thẳng ấy thì cũng phải làm cái việc hợp đạo lý là phục hồi tức khắc quyền lợi máu xương của anh chứ. Hoàng Cát có lần “nói chuyện với cây khế”: Ta đã trải nhiều chua, lắm đắng/Liệu cuối đời, khế cho trái chi đây? Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ nhưng còn ngỏ thêm ngày nào thì chúng ta còn mắc nợ thêm anh, à không, ông thương binh Hoàng Cát, càng kéo dài nợ càng lớn càng đau. Được biết không ít bạn bè khuyên nhà thơ thương binh gõ cửa này cửa nọ nhưng anh chẳng màng. Cứ ngẩng đầu mà sống, hai tay vày lỗ miệng, chẳng cần xin xỏ, khiếu nại ai. Thì đấy là chuyện của anh, một tâm hồn cao thượng không thèm chấp nê thói đời. Nay lão thi sĩ vỉa hè Hoàng Cát đã vượt quá ba-rem lục tuần, tuổi 66, cuộc chiến đi qua đã hơn 33 năm, dù có giải quyết chế độ cho anh cũng là muộn lắm rồi. Tôi trộm nghĩ giá có ai báo cáo trường hợp này cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, người phụ nữ duy nhất trong nội các (phụ nữ thường nhạy cảm), biết đâu chính bà bộ trưởng sẽ ra tay hái cho anh trái khế ngọt cuối đời?
Hồi gần cuối năm ngoái ra Hà Nội tôi nhủ lòng phải bằng được đến thăm, nói lời cảm phục nhà thơ- kẻ sĩ- thương binh. Biết chỗ anh cư ngụ ở khu nhà 10A Trương Định, Hà Nội- nơi xưa kia có cây táo dại nhưng thật không may, anh đi đâu đó xa chưa về. Thôi hẹn dịp khác. Đi trên lề đường thủ đô rợp bóng cây tôi cứ thoáng nghĩ nơi nào đó mình vừa bước qua còn in một dấu chân, chân bên phải, của người thương binh đã hơn 3 thập niên lăn lóc chốn vỉa hè để làm người.
N.T
Ảnh: -Nhà thơ Hoàng Cát – photo: ĐOÀN TỬ HUYẾN -Nhà thơ Hoàng Cát trong buổi giới thiệu tập thơ mới nhất Thanh thản, tháng 6.2008- photo: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Ảnh: -Nhà thơ Hoàng Cát – photo: ĐOÀN TỬ HUYẾN -Nhà thơ Hoàng Cát trong buổi giới thiệu tập thơ mới nhất Thanh thản, tháng 6.2008- photo: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
dở ẹc
Trả lờiXóa