Trang

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Ơ hờ Dung Quất, ơ hờ ngư dân

Báo chí hôm nay đăng 2 thông tin có liên quan đến Quảng Ngãi, bức xúc quá phải nặn thành chữ.

Chuyện thứ nhất:
Sau bao nhiêu trục trặc trúc trắc, tưởng không thể gượng nổi, nhờ quyết tâm duy ý chí của chính phủ, nhất là thủ tướng, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động hồi tháng 2.2009. Và đến cuối tháng 9.2009, mẻ xăng đầu tiên đã ra lò trước sự hí hửng của các vị ấy nhưng người tiêu dùng thì chưa mấy mặn mà. Chính phủ buộc phải chỉ đạo từng bước giảm nhập khẩu xăng dầu, thay vào đó là tiêu thụ xăng Dung Quất, giao cho PV Oil được độc quyền phân phối, các doanh nghiệp phải tiêu thụ. Nhưng thời trước thì có thể ép được như thế chứ nay thời kinh tế thị trường, dễ gì ép nhau. Tôi chưa tin anh, tôi chưa dám liều. Rõ nhất là các hãng tàu bay. Mặc dù truyền thông nhà nước theo chỉ đạo ra sức rêu rao rằng các khách hàng Singapore hiện đại là thế còn chấp nhận mua xăng máy bay Dung Quất nhưng cả Vietnam Airlines lẫn Jetstar Pacific giá rẻ cứ lắc đầu quầy quậy. Tính mạng hành khách là trên hết, vả lại mỗi chiếc tàu bay cả một đống tiền, chưa thể đánh con bài liều được. Mà thực ra giá xăng chẳng những không rẻ hơn xăng nhập lại còn cao ngất (đương nhiên chi phí vận chuyển lớn, chi phí thiết bị máy móc ban đầu cao... nên giá phải cao) khiến khách hàng quay lưng. Hôm nay 6.10, các báo đồng loạt thông tin xăng Dung Quất ế rệ, có báo nói tồn kho 750.000 tấn, có báo bảo cả hơn triệu tấn. Thế thì chết thật rồi. Đầu vào cưỡng ép, đầu ra bế tắc, chịu không nổi nó nổ phình lên một phát thì có mà phá sản. Đọc tin báo chí chính thống, thấy các vị có trách nhiệm vòng vo lý sự rằng tại dầu thô vẫn phải liên tục nhập về, nhà máy vẫn phải vận hành, sản lượng không được giảm, nhiều hợp đồng nhập khẩu của Petrolimex đã ký từ trước nên không thể ngưng được...vì vậy xăng Dung Quất bị tồn kho. Nghe vậy thì biết vậy. Nhưng người ta xì xào rằng nguyên nhân chính là chất lượng chưa đạt (không dám nói là kém, phỉ phui cái miệng), cộng thêm giá cao, cho nên ế. Giá như thời bao cấp, mày không mua ông cứ nhét vào tận tay cũng phải nhận, xấu tốt gì cũng phải nhận. Nhưng hỡi ôi, nay là kinh tế thị trường (định hướng XHCN) mất rồi. Cứ kiểu này, dám phải viết sớm lời ai điếu cho Dung Quất mất thôi.

Chuyện thứ hai:
Cách nay gần một tháng, ngày 11.9, tàu (chiến) kiểm ngư Trung cộng bắt giữ chiếc tàu cá số hiệu QNg-66478TS của ngư dân Quảng Ngãi, trên có 9 người đánh cá trong tay không một tấc sắt ở vùng biển Việt Nam, vu cho họ trữ thuốc nổ, vi phạm vùng chủ quyền Trung Quốc. TTXVN đăng tin cho biết Bộ ngoại giao nước ta cực lực phản đối, đỏi Trung cộng thả ngay, vô điều kiện thuyền và ngư dân. Cũng theo TTXVN thì sự phản đối cực lực đó là "gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, sau đó đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam giao thiệp (tôi ghét cái từ này lắm) gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc (không cho biết gặp ở đâu, tại Bộ NG hay tại ĐSQ TQ) để trao đổi. Theo BBC, đại diện sứ quán TQ phản bác (kiểu cãi chày cãi cối), còn đại diện VN thì đòi thả ngay. Hết. Vậy là chưa biết bao giờ những ngư dân đáng thương mới được về với vợ con đang vọng phu vò võ.
Tại sao lại thế? Nước nhỏ nhưng đừng nhược tiểu thì mới khỏi bị khinh, thế giới mới trọng. Hãy xem họ. Trung Quốc, đường đường nước lớn, nhưng về sức mạnh, so với Nhật Bản, bên tám lạng bên nửa cân. Vậy mà khi thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng của tàu cá Trung Quốc bị Nhật bắt giữ do cố tình đâm vào tàu tuần tra Nhật (Trung Quốc sai lè lè), Bộ ngoại giao Trung Quốc đã 5 lần triệu tập đại sứ Nhật để đe dọa, phản ứng, đích thân thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố này nọ, cuối cùng Nhật phải xuống nước thả thuyền trưởng Chiêm. Chả lẽ Trung Quốc được phép làm thế, còn ta thì không. Xưa cụ Nguyễn Trãi từng khẳng định "tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt không bao giờ thiếu", thưa cụ Nguyễn, nước Việt ngày nay thiếu vắng hào kiệt thật rồi.
Hỡi ơi, trong một ngày ngắn ngủi, lòng ta ơ hờ không dứt, đau đớn lắm.

Viết trong mùa bão lũ, thu Canh Dần.

3 nhận xét:

  1. "nước Việt ngày nay thiếu vắng hào kiệt thật rồi."

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa