Đó là ngày 5.6.2011, chắc chắn sẽ đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam dù nhà cầm quyền đương thời không thừa nhận nó, bóp méo nó, thậm chí thù hằn nó. Nhưng có sao đâu, lịch sử trước sau vẫn là lịch sử chứ không thuộc về thế lực nắm quyền. Sau này con cháu ta sẽ tự hào nhắc lại chuyện ông cha, anh chị mình đã sống đẹp như thế nào để làm người, giữ phẩm chất người giữa một xã hội còn quá nhiều bất công, đê hèn, tủi nhục.
Ngày 5.6 dù chưa mang cái khí thế mãnh liệt “trên gió cả cờ đào phất thẳng/dưới đất bằng giấy trắng tung ra” nhưng làm ta nhớ lại những lần người dân Việt yêu nước xuống đường vì nghĩa lớn trong suốt bao năm nô lệ: đám tang cụ Phan Chu Trinh (tháng 3.1926), đám tang trò Trần Văn Ơn (tháng 1.1950), các phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn-Chợ Lớn thời Mỹ xâm lược, những đợt ra quân phong trào 3 sẵn sàng của thanh niên miền Bắc… Dẫu khoác màu áo nào chăng nữa thì tất cả đều mang hồn cốt yêu nước thương nòi, quên lợi ích bản thân để vì nghĩa lớn cao cả. Điều khác biệt duy nhất là nếu những cuộc xuống đường vĩ đại kia đều hướng mũi nhọn vào chế độ đang cai trị trên đầu trên cổ dân thì cuộc tuần hành 5.6 dễ thương nhưng đầy căm giận này lại nhằm giúp chế độ đương thời lật bộ mặt đểu giả của ông bạn vàng ngoại bang Trung cộng. Và nực cười, hay là bi kịch đây, khi chính cái nhà nước mà người dân cố dằn lòng mình để ủng hộ ấy, nó đã phủ nhận những tấm lòng son, thậm chí còn giở trò dao búa với dân.
Những người dân lao động “việc cuốc việc cày việc bừa việc cấy, tay vốn quen làm”; những sinh viên-học sinh hằng ngày gánh trăm thứ lo miếng ăn chỗ ở chuyện thi chuyện cử; những thanh niên lam lũ quần quật suốt ngày kiếm miếng cơm manh áo… chả ai rỗi hơi làm cái việc “tụ tập, đi ngang qua đại sứ quán, lãnh sự quán TQ” làm gì. Vận nước đã đến lúc chẳng đặng đừng thờ ơ làm kẻ qua đường, thế thôi, chẳng cần việt tân việt tiếc xúi bẩy. Và cũng là để những kẻ đang dương dương tự đắc phải xấu hổ trước lòng yêu nước không vụ lợi của dân, phải thấy nhục khi đọc lại lời tiên tổ Hưng đạo đại vương “nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn; làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm”. Suốt bao năm đánh giặc, đảng hô một tiếng triệu dân đáp lời không hề phân vân tính toán; bao năm hòa bình nhà nước ra rả tuyên truyền “của dân vì dân do dân”, nay dân bày tỏ lòng yêu nước thì lại phũ phàng, chảnh chọe, gằn hắt. Nên nhớ “của - vì - do dân” lý thuyết suông cũng chẳng bằng “dựa vào dân” (phúc chu thủy tín dân do thủy- lật thuyền mới biết sức dân mạnh hơn nước- Nguyễn Trãi) một cách thật cụ thể, các ngài ạ. Chính vì thế, những hành vi giăng rào sắt chặn đường, bày binh bố trận công an nổi công an chìm nhan nhản (có người nhận xét còn nhiều hơn cả người biểu tình), phân công chụp ảnh quay phim để “nhớ cái mặt mày”, cử người này người khác chặn đường, o ép, giải thích, thậm chí sừng sộ đe dọa…, tất cả là gì nhỉ, cách yêu nước có bản quyền chăng. Có bạn trẻ bảo rằng thật nực cười khi một ông tướng hải quân hay một ông phó hiệu trưởng nào đó ôm loa kêu gào, khuyên giải các thanh niên, sinh viên “đừng nghe lời bọn xấu”; có cán bộ phụ nữ thiếu điều nức nở chỉ nhằm xin bà con hãy giải tán, quay về nhà. Chúng ta hãy thông cảm với họ, có thể ai đó trong họ không muốn vậy, cũng tại miếng cơm manh áo cái ghế cuộc sinh tồn cả thôi. Nhưng họ cần phải biết xấu hổ bởi họ không có quyền dạy dỗ người biểu tình lòng yêu nước bởi chính họ chưa đạt đến tầm này. Thực tế cho thấy họ đã phải nhận cay đắng sự ghẻ lạnh, chê cười của người dân. Âu cũng là bài học quý cho những ai khinh thường, rẻ rúng nhân dân.
Tuổi trẻ giờ đây lại khác rồi. Các bạn đã trỗi dậy vượt ngoài vòng cương tỏa của các tổ chức đoàn-hội. Ròng rã 36 năm sau ngày đất nước thống nhất, thanh niên rất ngoan hiền, sai gì làm nấy, bảo gì nghe nấy, như những cụ non suy nhược già héo sức thanh xuân. Trang sử hào hùng của các anh chị Sài Gòn chống Mỹ ngày nào chỉ đôi lúc lóe lên trong những kỳ kỷ niệm. Chính quyền đã quá hiểu sức mạnh của tuổi trẻ qua những cuộc biểu tình năm xưa mà họ vụ lợi nên nay họ không dại gì thả cho tuổi trẻ xuống đường, dù mục đích yêu nước ủng hộ chính họ. Nhưng họ đâu hiểu rằng tuổi trẻ bao giờ cũng là tuổi trẻ, lòng dân yêu nước bao giờ cũng trong sáng mạnh mẽ thẳng căng, không bùng nổ lúc này thì lúc khác, càng âm ỉ lâu sức nóng càng cao, chớ có xem thường, chớ có đùa.
Với tất cả những gì tôi đã chứng kiến tận mắt vào sáng 5.6, cái ngày lịch sử ấy, tôi cho rằng cái bản tin của TTXVN buổi tối cùng ngày đã cố tình bóp méo lịch sử, rẻ rúng nhân dân. Có ai đó phân trần rằng nhà cầm quyền cần phải làm thế, phải khôn khéo thế thì mới… đánh lừa được ông bạn Tàu. Ôi giời, sao cứ cho mình cái quyền khôn hơn thiên hạ thế, xem bọn Tàu cộng thâm hiểm, mưu ma chước quỷ là ngu như lợn, té giếng cả lũ hay sao. Khôn ngoan đâu chả thấy, chỉ rặt giọng điệu phân trần của kẻ dưới với bề trên, vừa hèn hạ, vừa nhố nhăng. Hy vọng rằng đấy chỉ là sự tự ý của cơ quan truyền thông số 1 của nhà nước chứ không phải sản phẩm từ những bộ óc, trí thông minh của các vị lãnh đạo tối cao. Còn nếu ai đó muốn dìm cuộc biểu tình trong im lặng, lãng quên thì họ đã nhầm to. Hơn 700 tờ báo, tạp chí của đảng, nhà nước dù nín khe, sau đó uể oải ca cùng bài đơn điệu thì như thế không có nghĩa cuộc xuống đường ngày 5.6 đã bị chôn vào âm u kín mít. Internet đã giúp nó tỏa sáng, truyền cảm, lôi cuốn… thật nhanh chóng, không gì ngăn chặn được. Yêu nước không chỉ một ngày, ngày 5.6 chỉ là mở đầu rực rỡ của chuỗi rạo rực lòng dân gắn bó với đất nước mình, căm giận quân xâm lược, trong chặng đường mới khai thông.
Một ngày không như mọi ngày khi nhân dân thức tỉnh sau cơn mê dài, khi lòng yêu nước và thái độ trách niệm với chủ quyền đất nước bùng nổ một cách tự nhiên, như con người cần phải hít thở bầu không khí trong lành vậy. Niên biểu chế độ này không ghi nhận thì lịch sử dân tộc vẫn chép sự kiện ngày 5 tháng 6 năm 2011 bằng những dõng chữ vàng trung thực với thái độ khách quan, trân trọng.
Đêm trước tết diệt sâu bọ Đoan Ngọ
Tối 5.6.2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét