Trang

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Những cuộc gọi

Mới sáng ra, chuông điện thoại đã reo.

Tối qua trực khuya, mãi gần cuối giờ tí mới lò dò về đến nhà nên sáng nay định tự thưởng cho mình chút ngủ bù. Mấy năm trước, khi còn gánh việc trực tin, nhất là tin tức thời sự, cứ buổi sáng mà nghe cục điện thoại réo là giật mình, chắc có chuyện, không xui thì xẻo. Nhớ đận năm 2009, ca trực ngày 18.5, mình chủ quan bỏ mất cái tin tứ trụ triều đình vào lăng viếng bác, mấy tiếng đồng hồ sau, đúng sáng sinh nhật Người, chuông réo từ sớm, rồi nhiều cuộc gọi, nhiều người gọi, kéo dài đến tận trưa. Một thủ phó, nay là thủ trưởng, nửa chì chiết phê bình nửa than thở “ông ơi, ông làm vậy thì chết. Lúc này mà làm vậy thì chết, thì chết…”. Sếp nói “lúc này” bởi thời điểm đó đang căng, toàn cơ quan vừa trải qua cơn bão xử lý vụ PMU 18, chết như ngả rạ. Sếp lo là phải. Dĩ nhiên kết quả chả giãi bày ra ai cũng biết, mình phải goodbye công việc trực tin, sang làm tờ TN thể thao-giải trí với anh Sánh (một nạn nhân vụ PMU 18). Có lẽ đó là tiền án tiền sự đầu tiên trong đời làm báo. Mong sao đầu tiên mà cũng là cuối cùng.

Ai mê điện thoại di động chả biết chứ mình thì ghét nó lắm. Nó là cái cùm, vòng kim cô, nó tước đoạt hết cả sự thanh thản, tự do. Nhưng ghét của nào trời trao của ấy. Nó đã như người đàn bà khó tính, quản chặt chồng bằng sự tự nguyện của chồng.

Quay lại cú điện thoại hồi sáng. Vừa a lô, nhận ngay giọng ông Xuân Ba. “Ông” đang ở Hà Nội, chuẩn bị đến chỗ họp quốc hội, chắc chưa đến giờ vào hội trường, còn lê la bia bọt ngoài hành lang hay căng tin gì đây. Ông, vẫn cái kiểu bỗ bã thân tình, quát lên muốn vỡ máy “mày làm gì đấy, hả thằng mặt…l” (trong đám bạn bè, những thằng nào nó thích thì nó gọi bằng mặt… tuốt). Đưa qua đẩy lại dăm ba lời thăm hỏi, ông bạn cố cựu bảo tao vừa đọc Ông cụ Đẹn. Ôi giời, hóa ra ngài Xuân Ba cũng ghé bờ lốc bờ leo của mình. Cây đa cây đề như nó mà cũng để mắt đến cỏ dai kể cũng lạ. Mình nói với nó dạo này tao vẫn viết nhưng hạn chế đưa lên, bởi mấy anh A B hai lăm hai sáu gì đó họ vừa nhắc nhở. Họ cũng rất đàng hoàng, thân tình, lời lẽ lịch sự văn hóa, chỉ trao đổi chứ không lên giọng dọa nạt, vậy thì mình nên ứng xử cho phải đạo. Ông Xuân Ba bảo đếch gì, tao nói cho mày biết, chúng mình là thằng có chút chữ nghĩa, không viết không nói thì làm cái đéo gì. Mày đọc bài của tao trên TP hôm nay chưa, ngay cả viết về quốc hội tao vẫn néo được vào đó chuyện biểu tình, chuyện quyền của người dân yêu nước đó. Này, tao cho mày biết, Hà Nội 8 lần biểu tình, tao tham gia 4 đấy nhé, ghi nhận quan sát được nhiều. Mày phải viết đi, viết đi.

Tôi hiểu Xuân Ba khuyên thực lòng. Nó cũng như tôi, những điều trông thấy từ cuộc bể dâu này, không viết là hèn, là tự đánh mất mình. Tôi biết nó chưa viết cái gì mạnh mẽ, to tát bởi nó còn nghiền ngẫm thêm. Một thằng cầm bút thành danh ở thể phóng sự như nó, thậm chí mấy đứa bạn bố láo bố toét còn phong cho nó danh hiệu Vũ Trọng Phụng thời nay, nếu chưa viết thì không có nghĩa không viết. Nó sẽ viết nhưng chưa phải bây giờ. Còn mình, không thể so với nó. Bây giờ mà không viết tức không bao giờ nữa. Nghe như văng vẳng tiếng kêu của con quạ trong thơ Edgar Poe “không bao giờ nữa”, tỉnh hắn.

Trước cuộc gọi của Xuân Ba vài giờ, lúc gần nửa đêm, mình cũng nhận được cú điện của Trần Quang Tửu, ông giáo trường dân tộc Việt Trì. Thằng Ba với thằng quỷ này cũng một chín một mười về độ quái. Nó bảo tao đọc mày với thằng Cao Tự Thanh đều lắm, nhưng thằng Thanh viết tốt, còn mày bài được bài không, có bài vô thưởng vô phạt chán như con…buồi. Mà bút cùn rồi hay sao mà bỏ nhà bỏ cửa trống hoác, lâu lâu mới phọt phẹt vài ba chữ. Nghe nó nhắc, mình bụng bảo dạ, ừ, hình như dạo này mình làm sao ấy. Nhớ hồi học thầy Nguyễn Văn Khỏa, thầy phân tích cái tâm trạng “to be or not to be” của Hamlet, lại cứ nghĩ Hamlet là mình hay mình là Hamlet đây.

Những cuộc gọi điện thoại cũng có lúc là thầy ta vậy.

Nhưng giờ thì hơi buồn ngủ, chỉ muốn không có cuộc réo gọi nào nữa.

Đêm 26.7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét