PHẦN 1
Cho đến giờ, tôi chưa thấy ai khổ như ông cụ Đẹn. Hình như cái tên nó vận vào người. Cuộc đời cứ ngày càng quắt queo. Và không chỉ một mình cụ ông, cả nhà ấy mỗi người là một số phận nghèo khó, khổ đau, thảm hại. Bức tranh gia đình toàn màu xám xịt.
Ông Đẹn người làng tôi, nếu xét họ xa bên ngoại thì là bề trên cả bu tôi, mấy chị em tôi phải gọi bằng ông, nhưng cứ quen cách xưng hô một điều cụ Đẹn hai điều cụ Đẹn, các con cụ chúng tôi kính cẩn thưa bằng bác bằng bá dù họ chỉ bằng, thậm chí kém tuổi. Chỉ có người con gái lớn của cụ đi học, hết cấp 2 thì nghỉ, lấy chồng xa, còn 3 người con trai kế tiếp chả bác nào học hành gì, nguyên do tôi sẽ nói sau.
Lúc tôi bắt đầu học lớp vỡ lòng thì quê đang phong trào hợp tác hóa. Cán bộ xã đến từng nhà, trước thì vận động sau thì gò ép bắt phải góp ruộng góp trâu vào hợp tác. Cơn bão cải cách ruộng đất vừa đi qua vài năm nhưng đâu đây, góc nọ góc kia vẫn thấy đeo đẳng khốc liệt. Những nỗi khiếp sợ, chán nản còn hằn trên gương mặt người. Anh chị tôi thỉnh thoảng kể lại cái thời ấy và thường nhắc đến cụ Đẹn. Chuyện rằng đội cải cách thấy cụ thành phần bần cố nông cốt cán, họ xúi cụ hăng hái đấu tố rồi còn xếp cụ tham gia đội hành quyết địa chủ. Cụ cứ như con loi choi, ai sai cũng dạ ai bảo cũng vâng, việc gì cũng làm, con người hiền lành bỗng chốc biến thành hung thần, chẳng cần phân biệt đúng sai. Những gia đình bị cụ tố oan sai căm cụ đã đành, ngay cả người làng người nước chả thù hằn gì cũng dần dần xa lánh cụ. Nhưng nếu chỉ có vậy thì còn phúc cho ông cụ Đẹn lắm.
Vào hợp tác, hai vợ chồng cụ suốt ngày quần quật ngoài đồng, lúc thì việc do đội sản xuất phân công lúc thì chăm bón hơn sào ruộng rau xanh, mùa lúa cấy lúa mùa khoai trồng khoai. Cụ ông thật khỏe, hình như tôi chả thấy cụ ốm bao giờ. Vậy mà đói rách quanh năm. Những khi nhà tôi có việc gì nặng nhọc một chút, như đánh mấy gốc tre, bửa đám củi gộc… thì thày tôi lại sai con cái ra gọi cụ Đẹn. Nhà tôi hồi ấy cũng giống bao gia đình xã viên, chả khá giả gì, được cái bu tôi tháo vát biết chút ít buôn bán nên bữa ăn đôi khi chút thịt chút cá. Sau một vài lần như vậy, tôi tỏ ý ngấm nguýt bởi cụ Đẹn ăn khỏe nên khi thày bảo sang mời cụ ra làm giúp thì cứ lần lữa thoái thác, kiếm cớ bận chuyện này chuyện kia rồi chuồn. Nhưng thày hiểu, một lần trong bữa cơm thày bảo (đại khái rằng) các con ạ, việc này việc khác nếu thày hoặc chúng mày (khi thân mật thày gọi như vậy) cố một tí thì cũng xong nhưng để cho cụ Đẹn làm là thày muốn đãi cụ bữa cơm, cụ quanh năm đói nên cả đời chẳng biết no là gì. Chúng tôi nhìn nhau, từ bấy không hề ý kiến ý cò nữa, thày vừa ngỏ ý là tôi co cẳng phóng vào kêu cụ ngay.
Nơi ở của gia đình cụ Đẹn gọi là nhà cũng được, không phải nhà cũng chả sai. Ba gian tường đất nện thấp tè, mái rạ, sân đất, ngõ đầy cỏ dại. Mấy bụi tre lơ phơ khô cằn sau cái chuồng lợn ọp ẹp dột nát trống hoác. Trong nhà hầu như chẳng gì đáng kể ngoài 2 chiếc giường tre khập khễnh, giữa nhà đặt cái thùng gỗ tạp cũ kỹ chả ra vuông chả ra chữ nhật bị mọt ăn loang lổ, vừa dùng đựng thóc vừa làm bàn thờ ông bà. Góc nhà quần áo rách rưới bạc phếch vắt lộn xộn trên cây sào tre, sộc mùi ẩm mốc. Hai chiếc ổ rơm có lẽ là chỗ nằm chỗ ngủ của mấy người con trai. Mỗi lần vào nhà cụ tôi cứ thấy chờn chợn thế nào ấy, một phần bởi sự hoang vắng hôi hám lạnh lẽo từ một không gian nghèo khó, phần khác vì phải vòng qua cái vũng nong tát nước ngay đầu ngõ nhà cụ, sát ao ông Vình, nơi nổi tiếng lắm ma. Hồi ấy người ta làm thơ viết nhạc ca ngợi “dân có ruộng dập dìu hợp tác, lúa mượt đồng ấm áp làng quê, chiêm mùa cờ đỏ ven đê, sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn”, xảy ra ở đâu tôi chẳng biết, chỉ thấy vùng quê mình sao mà vắng lặng, u tối, nhiều chỗ ma quỷ trú ngụ đến thế. Nào bờ tre nhà cụ Xe có cây tre đực cứ ai đi ngang thì nó ngả rạp xuống chắn lại, trèo qua thì nó vổng lên; bờ duối già gần nhà bá Thược xóm trong đêm nào cũng vọng ra tiếng cười rúc rích; rồi ma trâu gần ngõ bà Thậm, bóng người con gái quần áo trắng tinh tóc xõa chỗ cây sung nhà ông Mông, còn lối ra xóm Trợ cứ nửa đêm vào dịp ngày rằm mùng một lại có đoàn lính tráng mờ ảo kéo nhau đi… Vậy nên chỉ sau lúc gà lên chuồng một chặp là các xóm yên ắng lạ lùng, chìm trong bóng tối, đây đó vài ánh đèn dầu le lói nơi lũ trẻ học bài. Dường như tất cả im lìm sau một ngày mệt mỏi, đến nỗi nghe rõ mồn một tiếng cò xao xác bay đi kiếm ăn vọng vào đêm thoáng xa thoáng gần, dài từ bờ đầm Trợ đến tận đầu núi Chè. Có lẽ xóm thôn chỉ vui hơn vào những tối chia thóc, ông Tư đội trưởng sản xuất cho đốt cái đèn măng-xông sáng choang treo ngay giữa sân hợp tác, cả xóm tụ về chia thóc chia rơm, công điểm tính thừa tính thiếu cứ ồn cả một chặp. Còn bọn trẻ con thì những đêm trăng rủ nhau ra đình, lúc ấy được trưng dụng làm trường cấp 2, đánh trận giả hoặc chơi trốn tìm, nhiều hôm ham chơi lúc bố mẹ gọi về thì trăng đã xế ngọn tre, quên cả ma quỷ.
Những cái tên như vận vào số phận , cụ Đẹn , chị Nhỡ , ông Cùn...đều là những con người có cuộc đời nhiều đau khổ . Làng mình giờ có nhiều nhà xây ,đương làng đổ bê tông ...nhưng vẫn cứ thiếu thiếu điều gì đó , khó gọi tên , hoặc tránh nói đến thì đúng hơn . Mọi thứ cứ nửa vời .Buồn thế .
Trả lờiXóaLàng mình giờ nó như cái bó lúa không có người buộc mà bu.
Trả lờiXóaThì vẫn thế, "trên đồng ông lão đi bừa/là con ông lão ngày xưa đi cày" (Trần Ngọc Thụ)
Trả lờiXóaBác viết nhiều bài hay quá, nhất là các bài về làng Trà, bài về Cụ Đẹn khiến E rất buồn vì E được nghe các cụ kể nhiều chuyện tương tự, A viết nhiều về đề tài làng ta và về nhà Mạc để E xin đưa vào trang Nuitraphuong vẫn ghi tên tác giả. Nhằm lưu lại hình ảnh quê nhà A nhé. Chúc Bác mạnh giỏi!
Trả lờiXóaNguyễn Công Kha
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa