Mấy bữa nay, dư luận đặc biệt quan tâm đến điều lẽ ra phải quan tâm chú ý từ lâu: các phòng khám Trung Quốc (cách gọi vắn tắt chỉ những phòng mạch do thầy thuốc từ bên Tàu sang hành nghề ở Việt Nam). Chả biết có sự chỉ đạo thống nhất tập trung từ trên gì không nhưng súng dư luận bắn như vãi đạn vào các phòng khám này, thôi thì đủ cả báo in, báo hình (tivi), báo nói (đài), báo điện tử, lề phải, lề trái, chính thống, không chính thống, thậm chí cả mấy chú bờ lốc cũng ăn theo, chủ yếu là bày tỏ sự nghi ngờ vào trình độ ba lăng nhăng và tài chữa khó tin của các thần y. Kể cũng lạ, mà không lạ, theo mình thậm chí hơi bị muộn là khác.
Hồi xưa nghe các cụ dạy, trên đời có hai thứ nghề cao quý nhất (ngôn ngữ thời thượng bây giờ gọi là Top 2): dạy học và làm thuốc. Một thì dạy dỗ con người nên người, một thì cứu người thoát khỏi bệnh tật, cái chết. Đời còn chán vạn nghề khác nhưng quý nhất chính là hai nghề ấy. Vậy mà người ta bỏ quê hương bản quán, xa vợ xa con, lặn lội đến nước mình bốc thuốc chữa bệnh, coi các bệnh ung thư, tim mạch, yếu sinh lý... nhỏ như con thỏ, ta chả biết ơn lại còn xỉa xói, đay nghiến này nọ, liệu có quá lắm không? Mình khi viết những dòng này cũng lăn tăn tự vấn thế, hay là đang làm điều gì không nên không phải, sau nghĩ kỹ hơn thì thở phào, chả quá lắm đâu. Không có lửa làm sao có khói.
Lúc mình còn bé được nghe kể về tụi Nhật Bản khôn ranh như thế nào khi dọn đường chuẩn bị cho cuộc xâm nhập xứ An Nam để đảo chính Pháp. Người họ có mặt khắp mọi nơi, đủ vai đủ dạng: thợ cắt tóc, hoạn lợn, chữa kính chữa bút, kéo xe, đồng nát ve chai, nhà thầu, tay chơi… chả hang cùng ngõ hẻm nào không lần mò đến. Khi chính quốc động binh, đùng một phát tất cả vào vị trí, bọn Pháp trở tay không kịp, những nơi trọng yếu bị vô hiệu, Nhật thắng dễ như trở bàn tay.
Lại nói về chuyện phòng khám của thầy Tàu. Trên xứ này, giờ hầu như nơi nào cũng có. Thành phố lớn nhan nhản đã đành, ngay cả thôn cùng xóm vắng mà anh thầy Tàu cũng mò tới nơi. Mấy tỉnh phía bắc nhiều đã đành, nhưng khu vực Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long xa thế mà các thầy "thần y, danh y" vẫn chịu khó đến hành nghề, 3 cùng với bà con người Việt. Chợt nhớ thời sau hòa bình lập lại 54 và thời chiến tranh chống Mỹ, mấy thầy cô giáo do chính phủ điều lên vùng cao, miền ngược hoặc nông thôn xa xôi (nay gọi là vùng sâu vùng xa) được bà con đặt cho cái tên thầy giáo cắm bản, dân thương dân mến hết sức. Mình bé thường ê a “cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, tích tình tang đàn cô hát trên nương trên bản Mèo…”. Liệu các thầy Tàu chữa bệnh này có giống các thầy cắm bản không nhỉ. Chỉ có điều, cắm thì cắm thật nhưng không phải để 3 cùng mà để cài cắm chăng. Vì đại cục, sá gì gian nan vất vả. Cứ vừa chữa bệnh bốc thuốc vừa thu vào tầm mắt muôn trùng nước non, ghi nhận điều này điều nọ, đường đi nước bước, hàng phục nhân tâm, nhiệm vụ đó chứ đâu. Ngô vương phá được trăm vạn quân Tào, lừng danh trận Xích Bích đâu dễ quên công Hoàng Cái khổ nhục kế mà sử còn ghi.
Trộm nghĩ, nếu giặc Trung Quốc tràn sang thì cái đám trá hình (xin lỗi những lương y, thầy thuốc chân chính) kia có thể bỗng chốc biến thành ngay các quân y sĩ, và phòng mạch của họ, ai dám bảo không thành những trạm quân y tiền phương. Đại quân kéo đến đâu đã có sẵn ngay cơ sở hậu cần, dù chốn thành thị hay nông thôn đều đủ cả, quá tiện.
Nhân vụ phòng mạch, lại sực nhớ vài vụ khác na ná. Báo chí ta hồi đầu tháng um sùm vụ ở Phú Yên cơ quan an ninh ngày 5.9 bắt được những 59 đàn ông Trung Quốc, Đài Loan xâm nhập trái phép, đem toàn phương tiện máy móc kỹ thuật công nghệ cao vào để “gây án”, rồi mấy ngày sau tiếp ở Sài Gòn cũng túm được 11 tên tương tự. Lạ là chúng phạm pháp rành rành, bắt quả tang nhưng không bị giam giữ như bọn tội phạm khác mà phải trục xuất chúng ngay về nước. Gớm cho bọn này, định núp bóng chăng?
Viết đến đây, sực nhớ đến câu kết trong bài “Nói hay đừng” của bác Lý Sinh Sự (nhà báo Trần Đức Chính) trên báo Lao Động khi nhắc đến những phòng khám Trung Quốc. Bác ấy bảo rằng “Tớ không rõ chuyện bên họ lắm, chỉ thấy cần cảnh giác với các thầy đang hành nghề bên ta thôi!”, khuyên chớ quá tin thầy mà tiền mất tật mang, bệnh thêm nặng. Mình thì muốn đem lời khuyên ấy chuyển đến những nhà quản lý và an ninh chứ không phải cho bệnh nhân.
9.2011
Nguyễn Thông
Hic. Anh ơi, mấy hôm lo quá chẳng tìm thấy anh đâu. Tính mò ra số bên báo chỗ anh lam để tìm, nhưng qua blog thấy anh vẫn đăng bài.
Trả lờiXóaBác nói trúng phóc. Khi bụng con ngựa thành Troy đã no nê binh sĩ rồi, còn ta thì cứ lo ăn chơi ca hát cả tin vào bạn tốt thì bọn giặc Tàu nó chiếm khi nào chả được. Có khi còn chả mất mấy viên đạn.
Trả lờiXóaLại nhớ đến cái nỏ thần.
Có hai thần y ra mắt thiêu triều, báo cáo.
Trả lờiXóaThầy y 1: Thần làm cho chúng tiền mất tật mang. Khổ sở không sao kể xiết. Ngoài ra thần còn tung đàm em thu thập tin tức, tình hình, địa thế ...
Thiên triều: Hảo lớ. Hãy nhận thưởng và kinh phí để tiếp túc hành nghề.
Thần y 2: Thần làm hết sức vì lương tâm nghề nghiệp. Ai bệnh mà qua tay thần thì 99% là được chữa khỏi ...
Thiên triều: Phản động. Quân đâu ... Mang thằng này bắn ngay ...
Mình còn hình dung ra chuyện lãnh đạo TQ khen thưởng mấy thằng nhà thầu Tàu chây ì vì đã góp phần kìm hãm sự phát triển của xứ An Nam.
Trả lờiXóaHay quá bác Nguyễn Thông... Bác thông nhiều thứ quá...
Trả lờiXóa