Khi thực hiện bài này, mình nghĩ ngay đến những người bạn, người anh quê xứ Thanh cùng lớp với mình. Ai trải qua đời học hành, chắc đều hiểu rằng cái tình đồng môn đẹp và sâu nặng lắm. Xin tặng các anh, các bạn “miền quê (chứ) Lê Lợi, (chứ) đã lừng sử xanh” bài hát Chào sông Mã anh hùng của nhạc sĩ Xuân Giao, và tiện luôn là bài Thanh Hóa anh hùng của nhạc sĩ Hoàng Đạm. Muốn biết lai lịch và những chuyện hay ho, hấp dẫn xung quanh 2 bài hát, xin các cụ hãy đọc thêm bài khá dài kèm theo đây của một chiến tướng Thanh Hóa, nhà báo Xuân Ba họ Trịnh, quê gốc Vĩnh Lộc, không biết chắt đời thứ mấy của tiên khởi Trịnh Kiểm.
Mình rất mê bài Chào sông Mã anh hùng, từ hồi chiến tranh cơ. Hoành tráng vô cùng, lại cực kỳ sâu lắng, thiết tha. Cứ mỗi lần đi tàu đi xe vào Nam ra Bắc, trên đường thiên lý đầy kỷ niệm, mỗi lần qua cầu Hàm Rồng bỗng dưng lại thầm thì “Chờ gió lên đưa thuyền về… ớ xuôi/Đôi bờ sông Mã lá hoa khoe màu, quê nhà mến yêu…”. Nhiều ca sĩ đã hát bài này, cả thần tượng Trần Khánh của mình nữa, nhưng tìm mãi không ra bản do ông hát; còn các giọng Thanh Vinh, Quý Dương, Trọng Tấn, Đăng Dương, Tạ Minh Tâm, Hồng Bốn mỗi người mỗi nét riêng, tuy nhiên mình thích nhất ca sĩ Thanh Vinh, trong trẻo mà ấm áp, có tình. Nhưng kèm bài này lại là bản clip do ca sĩ Trọng Tấn, một đứa con xứ Thanh hát, cho trọn nghĩa vẹn tình. Chả biết kỳ này Trọng Tấn có được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú không, chứ cu cậu xứng đáng lắm rồi.
Bài Thanh Hóa anh hùng của Hoàng Đạm, ở góc độ nào đó cũng rất hay. Thích nhất là giọng Ngọc Hướng, đầy chất Thanh, các cụ cứ nghe mà xem mình nói có đúng không. Rất tiếc ít được nghe anh Ngọc Hướng hát, có lẽ do thời ấy lắm cây đa cây đề quá nên anh bị chìm khuất.
Khóa 17 Tổng hợp Văn, gớm, sao mà quân khu Thanh Hóa đông thế. Mình nhớ nhớ quên quên nhưng cũng còn biên ra đây được hầu như huyện nào của cái tỉnh đông nhất miền Bắc ấy cũng có đại diện trong khóa mình, không lớp A thì lớp B. Có thể kể ra Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Thọ Xuân… Trông anh nào anh ấy chững chạc từng trải, không giống bọn nhà quê đặc sệt như mình. Tuyền mặc áo đại cán sĩ quan 4 túi, rất oách. Hai lớp trưởng đều tỉnh tịch Thanh Hóa: Lê Xuân Sang (lớp A), Phạm Văn Sĩ (B), còn các sĩ quan lớp cũng phần lớn thu về tay xứ Thanh: Đặng Quốc Khánh, Lê Quốc Lập, Lê Văn Sơn, Đỗ Xuân Thanh, Trần Triều Nguyệt. Còn cùng đám bạch đinh, nhưng hễ dân Thanh cũng dễ nhận ra vì chúng khôn ngoan láu lỉnh hơn: Trịnh Xuân Ba, Nguyễn Thị Bé, Nguyễn Thị Xuân… Mình không tị với chúng nó vì biết thân biết phận, quê chúng nó sinh ra toàn vua chúa (vua Lê (Hoàn, Lợi), chúa Trịnh, chúa Nguyễn), còn quê mình tuyền nông dân, thế thì chúng hơn mình là phải rồi.
Sau mấy chục năm, tin tức thưa vắng, mình chỉ mang máng hầu hết các anh ấy về quê lập nghiệp, nghe nói cuộc sống bầm dập cũng nhiều. Các anh Sang, Sĩ, Khánh, Lập đã hưu, anh Thanh thi sĩ đã mất, các mụ Bé, Xuân cũng đã về an hưởng tuổi sồn sồn, anh Sơn vào Đại học Đà Lạt, rồi Đại học Tây Nguyên, nay con cái đã phương trưởng cả, tuy chưa phải cự phú cỡ Đoàn Nguyên Đức nhưng chắc giàu nhất trong quân khu Thanh. Mụ Bé sau hơn 30 năm gắn bó với nhà xuất bản Giáo dục, nay về làm nhiệm vụ nặng hơn là giáo dục thằng Nguyễn Khôi. Mụ Xuân thì thôi rồi, làm cán bộ phụ nữ (giống cái Thúy quê mình) nên mở khẩu ra là đám đàn ông cười lăn cười bò…
Kỷ niệm về các cụ lão Thanh Hóa thì nhiều lắm lắm, nhưng mình chỉ gợi ra 2 chuyện, chả biết có đứa nào nhớ không. Chuyện 1 là anh Lê Xuân Sang yêu chị Cận học trước 1 lớp (khóa 16). Anh Sang đẹp trai, bộ đội đi học, làm lớp trưởng, lại đảng viên, nhưng đảng viên khi yêu thì cũng giống như thằng quần chúng thôi, Hai anh chị ra công viên Thống Nhất ôm nhau, bị bảo vệ công viên nó bắt được, báo về trường về khoa. Họ hành tội anh ấy không gương mẫu, làm mất tư cách đảng viên v.v.., đường học hành công tác cả hai anh chị sau đều trắc trở, thật tội. Giá chỉ quần chúng như mình thì đâu đến nỗi. Yêu thoải mái, cứ ra bờ phi lao chạy suốt từ Mễ Trì lên Thượng Đình mà ngồi ôm nhau thì có đến sáng bạch cũng chả sao. Đêm nào mà chẳng cỡ hai tiểu đoàn khoa văn, sử ra đó... ngắm lúa đồng.
Chuyện 2 là sau ngày 30.4.75 thằng Xuân Ba có một ông anh họ dân lái xe, từ Nam ra. Ông ấy đem cho nó món chiến lợi phẩm đặc biệt: mấy trang Playboy. Ối giời, lần đầu tiên những đứa như bọn mình được biết thế nào là đờn bà khỏa thân. Sao đẹp thế không biết. Thằng Nguyễn Bá Tân thỉnh thoảng cột sợi dây thả xuống cho 2 phòng nữ tầng dưới xem, cứ tưởng bọn con gái sẽ chửi toáng lên, ai dè chúng cũng thích, lâu lâu không thấy thả lại giục gọi Tân ơi Tân ời.
Thôi, chuyện dài dòng. Các cụ đọc bài của thằng Xuân Ba xong thì hãy nghe nhé, cả hai bài luôn.
16.10.2011
Nguyễn Thông
BÀI CỦA XUÂN BA
Sáng thu vẩn vơ buồn. Trận nhậu đêm qua như dúi thêm cái mệt của tuổi gần lục tuần thêm một nấc khốn nữa. Vẩn vơ mở blog của Thông Cào. Lời thì nay nhưng ngữ nghĩa của liên tưởng đã vời xa đến cữ tận thu sơ đông thời sơ tán ở Sát Thượng Yên Phong Hà Bắc.
Lang thang đến mục Những bài hát thời máu lửa...
Bất ngờ cái mệt cùng những toan tính vẩn vơ như bay biến khi nghe những bài hát của một thời.
Cảm ơn Thông Cào yêu quý.
Người ấy. Tâm ấy làm sao mà khốn mãi được?
Vẩn vơ nghĩ thêm, nếu thằng này mà làm collection musique hoành tráng như thế thì chắc chả thể bỏ qua vài ca khúc của nhạc sĩ Xuân Giao?
Lẩn mẩn gửi đến Thông một bài viết cũ ( năm 2009).
Người vinh thăng Hàm Rồng, sông Mã
Xuân Ba
Người Hàm Rồng cuối cùng còn lại
Không biết trong những bề bộn chồng chất những phim ta tàu tây bây giờ, có bao nhiêu người còn nhớ đến Người Hàm Rồng thuở ấy? Thuở ấy tức là năm 1967, Người Hàm Rồng như là minh chứng cụ thể sinh động của Việt Nam chiến đấu và chiến thắng cả ở trong nước và quốc tế với nhiều giải thưởng (Bông sen vàng - LHP 1968); Giải thưởng Giô-rít I-ven (Đức)
Hoang mang lẫn lấn bấn với ý nghĩ ấy, tôi thử làm một chút trắc nghiệm. Trong lớp lớp nhà cửa san sát mênh mông của khu tập thể quân đội Nam Đồng, tôi gõ bừa vào một cánh cửa. Một chàng trai và một thiếu phụ lấp ló. Không biết. Chếch mấy dãy nữa (sau mới biết người đàn ông dáng vậm vạp từng hỏi thăm ấy là một đại tá) ông mang máng hình như trong khu này có nhà quay phim hay nhà báo quân đôi chi đó có cái tên như thế nhưng không biết ở khu nào? Lại Chệch đi hai dãy tiếp. Một ông già khó đoán tuổi có cái cười ẩn sau bộ ria À Lê Lâm quay phim Quân đội. Nhà ở gần đây, dãy C, số 17.
Vậy là tôi đã tìm thấy Lê Lâm, đại úy Lê Lâm đạo diễn phim Người Hàm Rồng của Xưởng phim QĐND.
Chả có chút gì hao hao giữa ông già sắp bát tuần tóc bạc trắng dáng xương xương và nhanh nhẹn này với ảnh chàng đại úy trẻ trung in trong một kỷ yếu các nhà làm phim QĐ? Trong kỷ yếu, địa chỉ chỉ ghi vắn tắt Lê Lâm đạo diễn phim QĐ, Nghệ sĩ ưu tú (Đợt I) Khu tập thể QĐ Nam Đồng. Chuyện một tẹo, hơi giật mình nhưng thấy có chút chi đó gặp may. Nhóm làm phim Người Hàm Rồng 4 người ( kịch bản nhà văn Hoàng Văn Bổn, đạo diễn Lê Lâm. Các tay máy cừ khôi Lê Văn Bằng hy sinh tại Mặt trận Đông Hà Quảng Trị, Vương Đức Cừ thì mất sau năm 1975. Nhà văn Hoàng Văn Bổn với những cuốn sách làm bần thần tuổi thơ của nhiều người như Trên mảnh đất này. Tướng Lâm Kỳ Đạt... đã biệt với dương thế mấy năm nay khi đang ở cương vị chủ tịch Hội văn bút Đồng Nai)
Khúc nhôi từ một chiến sĩ tự vệ thành ở làng Thổ Quan Hà Nội rồi thành công nhân ở xưởng quân giới Việt Bắc, chả qua trường lớp đào tạo nào được tuyển vào Đoàn văn công Tổng cục Hậu cần, ông kiêm đủ thứ vừa đàn hát, sáng tác ca khúc và trở thành một trong không nhiều thành viên đầu tiên của xưởng phim quân đội (1960). Rồi trở thành đạo diễn từ một người có chút ít năng khiếu văn nghệ, đối với ông là cả một câu chuyện dài. Lòng say mê nghệ thuật, mà cụ thể là điện ảnh đã khiến Lê Lâm vượt thoát bao gian nan để trở thành một đạo diễn gạo cội của Xưởng phim QĐND). Hai mươi bộ phim là con số không nhiều, nhưng ông đã có được rất nhiều Bông sen vàng, bạc với Quanh địa ngục Cồn Tiên, Cồn cỏ anh hùng; Chặng đường trên Điện Biên.
Đêm 30-3-1965 ấy, ông Lâm cứ xuýt xoa, phải là tin tình báo nhanh nhậy của trên thì mới biết được ý đó của bọn Mỹ nên đã kịp thời cử tổ làm phim QĐ đón lõng sớm trước như thế? Dự trận Hàm Rồng đầu tiên nhưng những mét phim của trận đầu ấy, phần thì tãi cho những chương trình thời sự, phần thì dùng làm tư liệu lưu trữ. Phải đến những lần đi sau nữa, tổ làm phim mới quyết định phải làm thứ chi đó ra tấm ra món đối với Hàm Rồng!
Trong câu chuyện ông Lâm có vẻ khoái với cung cách làm việc của nhà văn Hoàng Văn Bổn. Với Hàm Rồng không chỉ là những thước phim sao chép về nhiều khía cạnh ác liệt của những trận đánh. Hàm Rồng phải như một hình ảnh thu nhỏ của miền Bắc XHCN. Có cả sản xuất chiến đấu. Có sự phối hợp tác chiến nhịp nhàng ăn khớp của các lực lượng bảo vệ cầu và dân quân tự vệ. Có hơi thở thường nhật của đời sống người dân cấy lúa làm màu tăng gia. Có hình ảnh của các cháu nhà trẻ mẫu giáo trong bom đạn và nới sơ tán. Hàm Rồng như một bức tranh toàn cảnh của chiến tranh nhân dân, hình ảnh bộ đội thanh niên dân quân các cụ phụ lão các vị sư sãi... sao cho điển hình lẫn nhuần nhuyễn!
Ông Lê Lâm giở ra một bọc ni lông. Ông chậm chạp tãi ra bao thứ quý giá... Không biết có phải ông hiện độc quyền những tấm ảnh trích ra từ những mét phim quay những ngày trận mạc ấy không nhưng lần đầu tôi được chiêm ngưỡng hình ảnh cô dân quân Nguyễn Thị Hằng trẻ trung đang ghìm khẩu súng trường nhằm vào lũ cướp trời. Hình ảnh cô dân quân Ngô Thị Tuyển với hai hòm đạn trĩu trên vai gấp đôi trọng lượng cơ thể thì nhiều người đã chiêm ngắm nhưng cái cảnh cô dân quân Nam Ngạn ấy quần xắn cao đang cấy lúa vên chân cầu Hàm Rồng thì có lẽ hơi bị hiếm? Một chuyện thú vị liên quan đến tấm ảnh cô dân quân giải giặc lái qua cầu Hàm Rồng. Ông Lâm cho biết cô con gái của cô dân quân trong ảnh khi xem phim đã nhận ra mẹ mình khi đang làm nhiệm vụ như thế... Mãi sau người ta mới biết cô dân quân đó tên là Thơm, người ở xã Hoằng Anh huyện Hoằng Hóa Thanh Hóa.
Hai tháng trời bám trụ tại hang Mắt Rồng ngay sát trận địa C4, C5 ác liệt. Cấp bậc cao nhất tổ làm phim khi đó Lê Lâm là đại úy, Hoàng Văn Bổn, trung úy. Hai quay phim, trung úy thiếu úy. Tổ làm phim được sự cưu mang giúp đỡ của các lực lượng bảo vệ cầu như bộ đội pháo phóng không Công an nhân dân dân quân Nam Ngạn yên Vực.
Hành nghề chủ yếu là chiếc máy quay CônVat phim 35mm cổ lỗ xỉ bây giờ nhưng khi ấy là niềm tự hào của hết thảy mọi người. Lúc đó cả ngành Điện ảnh quân đội có 6 chiếc máy quay phim CO 350mm của Liên Xô nhưng đoàn làm phim Người Hàm Rồng được ưu tiên 1 chiếc. Hai sự kiện mà Lê Lâm nhớ nhất khi đưa được những mét quay quý vào phim là hình ảnh giải giặc lại Mỹ qua cầu Hàm Rồng. Bữa đó lực lượng bảo vệ cầu bằng mấy loạt đạn đã bắn cháy một máy bay Mỹ. Tên giặc lái vội bung dù. Lê Lâm được biết hiếm khi máy bay rơi tại chỗ mà cách Hàm Rồng cũng phải khá xa. Lường trước được thế rồi nhưng khi quyết có một cảnh quay máy bay rơi và bắt giặc lái các anh phải cơ động bằng xe ô tô hàng chục cây số. Nhưng chỉ quay được cảnh máy bay rơi xuống đất tan tành đang bốc khói còn cảnh bắt giặc lái thì không thực hiện được. Không biết tên giặc lái này đã lái chiếc dù dạt vào xứ nào? Hỏi thăm dân thì mỗi người chỉ mỗi hướng khó xác định. Cả nhóm chán nản quay về. Bửng tưng sáng hôm sau, tổ làm phim bị đánh thức dậy đột ngột. Người ta báo cho các anh chuẩn bị máy để quay một cảnh đặc biệt.
Cảnh đặc biệt ấy, mãi sau này mới biết đó là sáng kiến của một vị Bộ trưởng, ông Phan Trọng Tuệ. Ông Bộ trưởng hôm ấy đi công tác vào tuyến lửa Khu Tư qua Hàm Rồng đã trực tiếp chứng kiến chiến công của quân dân bảo vệ cầu. Và câu chuyện nuối tiêc buồn bực không quay được cảnh bắt giặc lái của tổ làm phim quân đội đã lọt đến tai ông. Sở dĩ ông biết được là do lúc đi thăm đội cầu 19-5 kiên cường luôn túc trực bám trụ cầu Hàm Rồng để khắc phục sự cố đảm bảo cho cầu thông suốt, ông Bộ trưởng đã nghe anh em kể lại. Không biết ông đã làm những gì để thương lượng với những là Tỉnh đội huyện đội Thanh Hóa nhưng một việc hy hữu đã diễn ra trên lộ trình áp giải tên giặc lái Mỹ là có đoạn dẫn giải nó qua cầu Hàm Rồng.
Chính vì thế, những thước phim quý giá, cảnh tên giặc lái cao lênh khênh, hai dân quân một nam một nữ ghìm súng dẫn qua cầu. Trên đầu viên phi công là những ánh lửa hàn của đội công nhân 19-5 sữa chữa cầu lóe sáng đã bay đi khắp năm châu bốn biển trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước khốc liệt! Rồi nữa, cái cảnh hàng chục những cột nước quanh cầu Hàm Rồng tung cao ngất khi Mỹ thả bom chệc cầu trong phim Người Hàm Rồng gây ấn tượng rất mạnh cho người xem. Có những cột nước cao hơn cả đỉnh núi Ngọc. Không phải hình ảnh đóng thế hay kỹ xảo của phim trường thời buổi hiện đại này đâu mà tổ làm phim đã phải chong máy trên trận địa đồi C5 trong một trận đánh dã man ác liệt của giặc Mỹ xuóng cầu Hàm Rồng. Anh em trong tổ làm phim đã phải trần mình giữa đạn bom mà quay như thế! Ăn ý giữa kịch bản cùng đạo diễn nên phần nhạc trong Người Hàm Rồng Lê Lâm đã chọn và láy đi láy lại giai điệu trong một ca khúc về xứ Thanh mang âm hưởng dân ca Hò sông Mã của Hoàng Đạm, khi đó đang là giảng viên trường âm nhạc mãi tận Bắc Giang. Còn người thể hiện lời bình là phát thanh viên trứ danh của Đài TNVN lại là người Thanh Hóa, Nguyễn Văn thuận tức Việt Khoa!
...Ông Lâm đang soạn ra một số ảnh thời trận mạc để mấy bữa nữa dùng làm quà vô Thanh. Ông là khách mời danh dự tham dự Lễ kỷ niệm 45 năm trận đầu Hàm Rồng chiến thắng kèm bài thơ ông soạn sẵn Qua hơn bốn chục mùa xuân/ Vui mừng gặp lại ngưòi thân Hàm Rồng/ Nhớ thời bom đạn mịt mùng/ Vuợt muôn gian khó ta cùng đứng lên/ Giữ vùng quê được bình yên/ Nhịp cầu vững chắc nối liền bờ Nam/ Những người dạ sắt gan vàng/ Phơ phơ tóc bạc tình càng nồng sâu/ Gặp nhau xin chúc một câu/ Hàm Rồng sáng mãi dưới bầu trời xanh.
Mãi Chào sông Mã anh hùng
Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, nếu như Chào sông Mã anh hùng của nhạc sĩ Xuân Giao ra đời sớm hơn ca khúc của Hoàng Đạm thì nhạc phim chính cho Người Hàm Rồng không biết đạo diễn Lê Lâm sẽ chọn ai nhỉ?
Sau này nhiều người, có lẽ cũng vì quý mến lẫn hâm mộ nhạc sĩ Xuân Giao đã phỏng đoán đại loại, những ngày Hàm Rồng Nam Ngạn sôi lên dưới mưa bom bão đạn, không quân Mỹ bất lực trước lưới lửa dầy đặc phòng không kết tinh bởi lòng dũng cảm của quân dân Hàm Rồng - sông Mã đã thôi thúc Xuân Giao viết nên Chào sông Mã anh hùng vừa lãng mạn, vừa hào hùng. Ta chào sông Mã kiên cường đời đời/ Chào cô dân quân giữ quê nhà/ Cho thuyề trên nước sông trời thu trong xanh/ ơi! Đất quê anh hùng vùi chốn nơi đây xác bao giặc Mỹ vv...
Cũng đúng, cũng phải cả thôi. Nhưng cái năm đã lâu theo chân anh bạn đồng nghiệp gọi nhạc sĩ Xuân Giao bằng bác ruột đến nhà riêng của nhạc sĩ trong khu tập thể nghèo Hồ Kim Ngưu, tôi được tường thêm hoàn cảnh sáng tác ca khúc nổi tiếng Em mơ gặp Bác Hồ viết năm 1969. Ông viết ca khúc này ngay sau khi Bác Hồ mất ít ngày, trong ngôi nhà cũ của gia đình tại 417 phố Bạch Mai. Lại được biết, sinh ra ở đất Như Quỳnh, Hưng Yên nhưng Trương Xuân Giao đã trưởng thành ở đất Kiến An Hải Phòng. Xuân Giao nhập với phong trào Hướng đạo Sinh rồi chịu ảnh hưởng sự giáo dục lẫn âm nhạc của nhạc sĩ tài danh đất Hải Phòng khi đó là nhạc sĩ Hoàng Quý.
Từ một học viên 19 tuổi, quân số thuộc đại đội C510 Khóa VI ( 1950-1952) của Trường Lục Quân, những nẻo đường trận mạc đã đưa người chiến sĩ trẻ Xuân Giao đến nhiều địa danh miền Bắc trong đó có vùng đất Hồi Xuân La Hán của miền Tây Thanh Hóa. Hồi ấy vùng thượng nguồn sông Mã này hẵng còn hoang vu. Những thiếu thốn đói khát bệnh sốt rét đến đái ra máu đến trọc đầu nhưng không dập tắt đi được những giờ phút lãng mạn của người chiến sĩ trẻ Xuân Giao đang tiềm ẩn tâm hồn của một nhạc sĩ. Khung cảnh đơn sơ hùng vĩ của vùng thượng lưu sông Mã của xứ Thanh, ngược lên không xa dòng sông hãy còn những đoạn quanh co khúc khuỷu xuôi một thôi đường ở địa phận Hồi Xuân là một dòng chảy mênh mang. Bản thân chiều dài của dòng sông Mã, chỉ riêng chảy qua địa phận xứ Thanh, những độ thác ghềnh nông sâu đã là tiềm ẩn là hơi hướng của một thứ tráng ca. Ngồi chuyện với nhạc sĩ, trong lúc nghe ông nhẩn nha một vài hồi ức chợt nghĩ không biết thời trai trẻ ấy, nhạc sĩ có phác thảo những nét nhạc sơ khởi nào về dòng sông Mã ấy không nhưng tôi chắc nếu không viết lên khuông nhạc thì thể nào trong sâu thẳm đã tiềm ẩn một cái chi đó, một thứ bột để gột lên những giai điệu hào sảng của Chào Sông Mã anh hùng sau này?
Có thể nói mà không sợ sái rằng, cái thuở ban đầu sông Mã cũng với ký ức sâu đậm của những vùng quê trên những nẻo đường chiến dịch có lẽ đã xui khiến ông có một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Diễn viên hát nhạc trầm của Đoàn văn công Tổng Cục Chính trị Xuân Giao đã chuyển sang viết ca khúc?
Chiến tranh leo thang của giặc Mỹ lan rộng khắp miền Bắc. Nhiều đoàn nghệ thuật, văn nghệ sĩ thay nhau vào tuyến lửa Khu Tư mà Nam Ngạn Hàm Rồng là một trọng điểm ác liệt. Như nhiều nhạc sĩ sáng tác khác, nhạc sĩ Xuân Giao năm 1966 rồi năm 1967 đã đến với Hàm Rồng Sông Mã. Đến đây đối diện với một Hàm Rồng Nam Ngạn thép cùng Sông Mã những ngày máu lửa, những hành động anh hùng từ những con người bình dị bên dòng sông hiền hòa... Những ký ức le lói về một sông Mã mang hơi hướng tráng ca chợt bừng dậy... Nhạc sĩ bộc bạch rằng trên tuyến lửa khu Tư trở về sau chuyến đi gian nan ấy, về Hà Nội ông hoàn thành ca khúc Chào Sông Mã anh hùng khá dễ dàng. Cứ như thể chỉ chép lại những giai điệu những khúc thức ngay trên đường về đã ăm ắp trong đầu!
Tôi để ý đến chiếc đàn mandoline tòn ten trên đầu giường phòng ngủ của nhạc sĩ. Lại chợt nhớ nhiều nhạc sĩ sáng tác vẫn kè kè chiếc piano sang trọng. Không rõ với những piano hoặc gì gì nữa, sang trọng cồng kềnh bóng bẩy hơn măng đô lin ( thứ nhạc cụ vốn thông dụng với số đông) đã trợ giúp các nhạc sĩ chế ra những giai điệu khoát hoạt sang trong sâu sắc tình cảm này khác? Nhưng có lẽ cũng chả nên so sánh thế khi nhạc sĩ Xuân Giao đây không có điều kiện để sắm piano mà thôi. Lại thử nhẩm sơ sơ một con tính. Những Cô gái mở đường/ Chào sông Mã anh hùng/ Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh/ Em mơ gặp Bác Hồ/ Đất mỏ anh hùng. Chứng chỉ của Chủ tịch nước Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật tặng nhạc sĩ về những ca khúc trên đang ghim trên tưòng kia thì đã là quý. Nhưng quý hơn lạ hơn là hàng triệu người Việt, con tim chí ít một lần xao xuyến khi nghe khi cất lên giai điệu của Cô gái mở đường, của Chào sông Mã... thì quả là phần thưởng lớn với NS. Có một anh bạn tuyên huấn xứ Thanh kể lại với tôi, không biết có thật không là, cứ 8 nguời xứ Thanh thì có một người biết lẫn thuộc toàn bài hoặc một vài giai điệu của Chào sông Mã anh hùng, nếu trúng thì cũng là một sự lạ vậy? Hình như phổ biến rộng lẫn phổ cập thế cũng có một duyên do. Năm 1979, Đài phát thanh truyền hình Thanh Hóa đã lấy Chào sông Mã anh hùng làm nhạc hiệu trước mỗi buổi phát tiếng phát hình. Đài truyền hình, truyền thanh cứ mỗi bửng tưng, cứ mỗi trưa, chiều lại rổn rảng giai điệu đó. Đã ba muơi mốt năm dân xứ Thanh quen với giai điệu ấy rồi! Mà đâu như ca khúc Chào sông Mã anh hùng còn góp phần bầu nên những ca sĩ vang danh, thành danh như Trung Kiên, Trung Đức, Trọng Tấn... Trong những vật dụng đơn sơ trong nhà nhạc sĩ, có một lọ cắm hoa được chế từ chiếc vỏ đạn 57 ly. Viên đạn của chiếc vỏ đạn này đã vút lên từ những ngày máu lửa ấy. Người nhà nhạc sĩ cho hay, thời điểm lấy Chào sông Mã anh hùng làm nhạc hiệu, Thanh Hóa đã mang ra làm quà...
Những ngày này ông chả thể vô Thanh để dự Lễ kỷ niệm 45 năm trận đầu quân dân Hàm Rồng đánh thắng. Không phải cái tuổi sắp 80 mà ba lần tai biến kiêm cuộc phẫu thuật túi mật... Những cơn trọng bệnh ấy khiến nhạc sĩ phải nằm một chỗ. Nói khó khăn, nhưng ông vẫn tỉnh táo nghe tốt. Trong câu chuyện nhát được nhát không, đến đoạn chi tâm đắc ánh mắt người nhạc sĩ cao niên lại như sáng hẳn lên. Cái đầu vẫn sáng cái tâm vẫn hồng. Lời chúc ấy của các bạn chiến đấu Lục quân Khóa VI năm ông 70 tuổi hình như chả phải ở tuổi 70 mà là cả cuộc đời nhạc sĩ tài danh Xuân Giao!
Sắp thanh minh năm Dần
X.B
Mụ Sánh vừa nhắn mail bảo rằng mày viết sai họ của anh Sĩ rồi, anh ấy họ Phạm. Chính xác. Mình đã đổi trong bài, cám ơn thị. Thị cũng cho biết thêm, hai anh Sang và Sĩ đều đã mất. Cầu hương hồn các anh về miền siêu thoát. Thế là xứ Thanh đã rụng 3 người.
Trả lờiXóa